thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rembrandt kẻ rình xem hi vọng | Nỗi buồn | Địa ngục
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
RYSZARD GRZYB
(1956~)
 
Ryszard Grzyb sinh ngày 17 tháng Bảy năm 1956 ở Sosnowiec, bắt đầu vào học Cao Đẳng Mỹ Thuật Quốc Gia ở Wroclaw từ năm 1976. Grzyb khởi sự vẽ những bố cục theo phái tân Ấn Tượng từ khi bước vào năm thứ ba ở trường này, và đến năm 1979 ông chuyển qua Warsaw tiếp tục học ở Viện Mỹ Thuật, cụ thể là tại xưởng vẽ của Giáo sư Rajmund Ziemski, cho đến khi tốt nghiệp [1981].
 
Ngay từ thời còn đi học, Grzyb đã lui tới với nhiều hoạ sĩ là những người về sau đã cùng với ông thành lập nhóm Gruppa cuối 1982, nghĩa là giữa thời gian Thiết Quân Luật ở Ba Lan; và đầu 1983 nhóm hoạ sĩ và nghệ sĩ trình diễn [thường được gọi là “nhóm ấn tượng vô chính phủ”] mà ông vừa là thành viên vừa là người cùng sáng lập ấy khởi sự tham gia đều đặn những sinh hoạt triển lãm và trình diễn. Cùng với các hoạt động nghệ thuật tạo hình, nhóm Gruppa còn có một tạp chí không định kỳ là Oj, dobrze już [tạm gọi là “Được rồi”, hay “Tốt thôi”] trên đó người đọc thường xuyên được thưởng thức những bài thơ và những bài viết có tính lý thuyết cũng như những tranh vẽ của Ryszard Grzyb — một trong những nhà biên tập của tờ báo. Bên cạnh những bài thơ, lúc nào cũng có những tìm tòi thể nghiệm, là những hoạt động nghệ thuật nổi “đình đám”, đặc biệt hơn cả là bốn năm [1983-1987] ông tự giam mình để thực hiện bộ tranh Papiery [“Giấy”] vẽ trên các-tông với những đề tài rất táo bạo, thể hiện bằng những thang màu mạnh mẽ qua những nét cọ nhanh và năng động — trước khi dần dần và lâu dài trở lại với sơn dầu trên bố [1987] và cả tranh màu nước với những mô típ giản lược hơn, có khi nghiêng về trang trí. Sau nhiều lần đi về và sáng tác ở Đức, cuối 1991 Grzyb sống vài năm ở Kraków [cộng tác với Phòng Tranh Zderzak], rồi trở về Warsaw. Từ đó đến nay, ông mở rộng hoạt động trong lĩnh vực đồ hoạ và xuất bản.
 
Ngoài rất nhiều triển lãm mỹ thuật ông tham dự, triển lãm nhóm hay cá nhân, từ 1986 đến nay, trải dài từ Sopot, Warsaw, Kraków, Lodz, Bonn, Chicago..., Grzyb thường đăng thơ trong tạp chí Oj,dobrze już và cả trong tập sách Co slychac? [“Cái gì đang xảy ra?”, Warsaw, 1989] vốn là sách danh mục ghi lại biến cố bùng nổ của nghệ thuật thị giác ở Ba Lan giữa những năm 1980, mà chủ yếu là của các nghệ sĩ trong nhóm Gruppa nói trên, và là tác giả một cuốn sách phát hành gần đây: esemesy floresy [2005]. Triển lãm hoạ phẩm và thơ Ryszard Grzyb mang tên “Artaud” ở Szczecin [Liên Hoan Quốc Tế Nghệ Thuật Đường Phố lần V, tháng Bảy 2004] là một trong những biến cố nổi bật của nhà thơ hoạ sĩ mà cho dù ta không nhắc đến cái đai đen karate ông vẫn thường mang thời còn trẻ, vẫn là một trong những đại biểu năng động bậc nhất của thế hệ các nghệ sĩ hậu cộng sản ở Ba Lan.
 
 
Một tấm trong loạt tranh triển lãm hội hoạ và thơ mang tên “Artaud” của Grzyb, 2004.
 
 

Rembrandt kẻ rình xem hi vọng

(Trốn qua Ai cập – một cảnh đêm)
 
Bên kia đốm nước đen thẫm trải rộng một con đường
dài hơn trong tưởng tượng của Joseph
chỉ có con lừa mới có thể biết được bao xa
thế nhưng người thợ khắc thì sao?
 
một ngọn đèn đường coi như chỉ lối sự cứu rỗi
thế nhưng những kẻ không có mắt làm sao tìm thấy nó?
 
Mary có khuôn mặt của một con quỷ dâm đãng
Joseph có hình dáng một con vật lai tạp bị quất roi
lừa trên hình vẽ là con vật có dáng người hơn cả
 
họ sẽ không tìm thấy chiếc móng ngựa dát vàng
 
van Rijn sẽ chết trong cảnh nghèo
ông sẽ chỉ bĩu môi trước tấm tranh hoàn tất của mình
 
họ vẫn không biết mình sắp phải đương đầu với cái gì.
 
1980
 
Trốn qua Ai cập - Vượt suối [1654]
tranh khắc của Rembrandt van Rijn [1606-1669]
 
 
 

Nỗi buồn

 
Nỗi buồn của anh giống như một cồn đất
từ đó anh nhìn khắp những vùng bao quanh
và anh thấy những hình thù quá chăm chút vô nghĩa
nằm cách quãng dưới ánh nắng trong một khoảng không bao la
như trên một bức vẽ trang trí bằng bút sắt và mực
Anh nghĩ đấy là Trung quốc
và anh từng có lần ở đấy
nhưng thực ra nó chẳng dính dáng gì tới một giấc mơ đã qua
ở đấy có quá nhiều sắc vàng của lòng đỏ trứng gà màu đã bạc
và những hình thể nổi bật do một nét huyễn hoặc cường điệu.
 
1981
 
 
 

Địa ngục

 
Không phải nơi thế giới này anh sẽ lau nước mắt trên má kẻ thù của anh
Không phải nơi thế giới này anh sẽ dẫn một con chó mù về một cái chết an bình
Không phải nơi thế giới này một giọt trắng sẽ rớt xuống anh trong bóng tối
Không phải nơi thế giới này niềm vui sẽ phóng lớn trái tim anh.
 
 
--------------------
“Rembrandt kẻ rình xem hi vọng” và “Nỗi buồn” dịch từ bản tiếng Anh “Rembrandt the Voyeur of Hope” và “Melancholy” của Donald Pirie trong Young Poets of a New Poland — An Anthology (Forest Books, UNESCO Publishing, 1993). “Địa ngục” dịch từ bản tiếng Anh “Hell” của Donald Pirie trong Anthology of Polish Poetry (Fulbright-Hays Summer Seminars Abroad Program, 1998).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021