thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
thơ 34, 35 & 36
 
 

thơ 34

 
có một bài thơ thường ấm ức các bạn của nó cứ nhẩn nha cầm chừng, nhìn sau trông trước, lầm thầm trước không có ai sau không có ai quanh quất chỉ mình ta... lúc nào cũng lầm thầm về sự cô độc mở cửa ra thấy núi (làm như bây giờ người ta không còn mở cửa ra để đóng tiền điện, coi người khác cãi lộn, đi chợ hay dắt con đi học nữa vậy)
 
nhiều khi bài thơ tức quá, nói: ôi chao chúng ta băng giá hết rồi sao, thì các bạn bài thơ trả lời: chúng ta đang ở phố Sinh Từ chứ không phải phố Sinh Tử, nếu không hiền từ thì chúng ta sẽ gặp thứ dữ mất thôi... Bài thơ nghe vậy buồn đến mức bỏ nhà lang thang đi tìm phố Sinh Tử (không phải phố Sinh Từ, là phố bài thơ đang ở) như lời các bạn bài thơ nói, hy vọng sẽ gặp các bài thơ khác vui hơn
 
bài thơ gặp phố Nịt Vú, phố Lẩu Thái, phố Cá Khô, phố Hàng Đào, phố Hàng Mã... nhưng không ai biết phố Sinh Tử. Một bà ở phố Nịt Vú còn nói bài thơ là ba xạo khi nói chuyện sinh tử với thơ. Bà cười hơ hơ
 
phố cuối cùng còn sót lại bài thơ tìm đến là phố Bơ Vơ...
 
 

thơ 35

có một bài thơ nhận được thư người hâm mộ rất nhiều. Một lần trả lời thư, vì nhiều quá nên bài thơ viết nhầm chữ “Hồi âm”, sửa đè lên mấy nét thành “H(iếp)ồi (d)âm”
 
vậy thôi mà người ta cứ trầm trồ bài thơ là hậu hiện đại
bài thơ thấy cũng ngại, bài thơ nói chỉ tại
mấy nét đè (*)
---------------
(*): nhưng người ta không nghe, đi đâu cứ khoe: hôm qua lên núi hái chè / gặp mấy cái nét nó đè em ra / em van cái nét không tha / nó đem nó nhét nết na (hay hơn chữ “mả cha” nhiều) nó vào...
 
người ta cứ khen miết như vậy, lâu dần bài thơ cũng hết ngại, và thấy mình cũng rất hậu hiện đại, không phải chỉ tại...
mấy nét đè
 
(dần dần bài thơ thấy mình hậu hiện đại khủng khiếp, không còn giữ lại được mảnh tam giác nhỏ xíu ngày nào mà tồng ngồng đi ngoài đường, làm mấy người đi xe máy ngã dúi dụi, gãy tay vỡ sọ tùm lum. Cũng mệt cho cái cõi nhân gian bé tí của bài thơ)
 
 

thơ 36

 
có một bài thơ làm nghề sửa chữa xe gắn máy. Bài thơ thấy người ta hay đôn dên xoáy nòng cho xe vọt mạnh, bài thơ cũng bắt chước đôn dên xoáy nòng. Nhưng bài thơ vẫn cứ lẹt bẹt
 
bài thơ để ý thêm thì thấy sau khi đôn dên xoáy nòng người ta thay lại bình xăng con, bài thơ cũng thay bình xăng con. Nhưng bài thơ vẫn cứ lẹt bẹt
 
bài thơ để ý thêm thì thấy sau khi thay bình xăng con thì người ta thay lốp, bài thơ cũng thay loại lốp tăng độ bám tốt nhất. Nhưng bài thơ vẫn cứ lẹt bẹt
 
đổi phuột nhún, thay bửng... bài thơ làm nhiều cách nhưng vẫn cứ lẹt bẹt. Bài thơ khóc ròng với chiếc xe giờ đã thành một đống phụ tùng nát bét. Bài thơ tức mình rồ ga nẹt pô thử lần cuối cùng, bài thơ lao luôn xuống hố
 
đến chết đít vẫn còn cay, bài thơ nói với mọi người rằng nó đã chạm vào hố thẳm của tư tưởng. Ai thấy cũng thương, thòng dây kéo bài thơ lên, bài thơ vẫn tiếc tại vì nó chưa có bộ nhông sên xịn. Nó cứ than thở mãi nên người ta phải lắp cho nó bộ nhông sên xịn, hiệu Cố Lên của hãng Lãng Quên, bấy giờ bài thơ mới chịu chạy đi mất, để lại một làn khói xanh mờ. Chắc là nó đang chạy vào tận cùng hư vô hố thẳm (bài thơ rất thích những nơi như thế, nên người ta đoán vậy thôi, chứ cũng không ai biết bài thơ đi đâu...)
 
nhưng bài thơ thì lại biết người ta đi đâu, vì là thợ sửa xe nên nó biết hầu hết các chiếc xe của các nhà thơ đều đang chạy bằng bộ nhông sên hiệu Định Mệnh cũng của hãng Lãng Quên... Bài thơ có làm thơ, kể về những chiếc xe của các nhà thơ ở quê nó đang dắt tay nhau chen chúc (vì người ta ít khi chịu xếp hàng) chạy vào quên lãng. Nhưng vì là thợ sửa xe (không phải nhà thơ) nên không ai chịu in thơ cho nó
 
 
-----------
Đã đăng:
 
thơ 1, 2, 3 & 4  (thơ) 
có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @,%^&^J $$$ và được gọi là thơ cụ thể... | có một bài thơ vì quá trớn đã té nhào ra trang giấy, vỡ tung ra những tiếng kêu, khóc, chửi bới, đau đớn... nhưng không thấy văng ra một chữ nào
 
thơ 5, 6, 7 & 8  (thơ) 
... có một bài thơ chưa kịp viết xong thì bị rơi xuống nước. Một bài thơ khác chưa kịp viết xong thì rơi vào lửa. Còn nữa... khá nhiều bài thơ tiếp tục rơi trên đường chạy tiếp sức của mình...
 
... có một bài thơ chạy vào nhà tôi vì sợ hãi. Nó nhận ra tất cả chữ của mình đã bị đánh cắp. Nó trần truồng trên trang giấy, mắc cỡ dùng tay che (bụm) những gì phải che (bụm)...
 
thơ 16, 17 & 18  (thơ) 
có một bài thơ bị rơi mất hai mắt nên mò mẫm đi tìm. Hắn va phải một người đàn bà cũng bị rơi mất cặp vú nên cũng đang đi tìm như hắn...
 
thơ 19 & 20  (thơ) 
có một bài thơ thích nói chuyện sâu xa, ví như triết học. Nó than phiền về việc người ta cứ lẫn lộn hết cả giữa tôn giáo với ý nghĩ giả dối của mấy ông lãnh tụ (hồi xưa) & mấy ông lãnh chúa (bây giờ) và triết học...
 
là tắc tị khó hiểu. Người ta trách nó cứ học đòi các thứ “đã cũ rích ở bên Tây” mà không biết rằng dân tộc của nó đã tự tình ngàn năm với những cảm xúc chân thành, chân chân chân thật thật thật...
 
thơ 25, 26 & 27  (thơ) 
có một bài thơ đang đi giữa một phố trưa đầy nắng. Nó thấy bóng của nó đổ dài, leo lên leo xuống thoăn thoắt giữa mọi chướng ngại vật. Chiếc bóng của bài thơ linh hoạt đến nỗi nó không còn là chiếc bóng nữa mà đã biến thành một bài thơ thứ hai...
 
thơ 28, 29 & 30  (thơ) 
có một bài thơ rất hay viết thơ tình, kiểu anh nhớ em em hỡi anh nhớ... Nhiều khi em quên rồi nhưng anh (bài thơ) vẫn nhớ, dù em ở nơi nào em vẫn không xa cách anh (là bài thơ) được đâu... Sau đó người ta kêu nó lên nhắc nhở không nên uỷ mị vàng vọt như thế...
 
thơ 31, 32 & 33  (thơ) 
... đêm bài thơ nằm ngủ thấy linh hồn của mình bay đi đâu mất, giống như ngôi làng tuổi nhỏ của bài thơ đã bỏ đi đâu chơi. Bài thơ muốn làm thơ về vần ơi này nhưng lại thấy chơi vơi, thế là lại thôi (vần ôi). Nhưng viết về vần ôi thì bài thơ lại sợ mất gói xôi, vì thực ra người ta chỉ coi bài thơ như thằng Bờm mà thôi...
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021