thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
z
Nhạc

 

Chả nhớ hỏi ai mà có số di động của người tổ chức.

— Tối mai... ta có hát không ạ?

— Không có lịch hát, nhưng nếu đoàn của ông có nhu cầu...

Ðoàn gồm vỏn vẹn một đôi vợ chồng. Nhu cầu có, kinh phí cũng có thể có, nhưng dĩ nhiên không thể được rồi, cố nhân “không quen biết” ơi.[1]

 

*

 

Cái đợt năm 91, 92, bản Mưa Ngâu của nhạc sĩ Thanh Tùng đang thịnh.

Ðó là một căn phòng khá lớn trong biệt thự số 51 phố Trần Hưng Ðạo. Ghế gỗ bầy độ vài mươi chiếc. Bài trí sơ sài. Khách nghe nhạc đa số nam nữ thanh niên. Hoa hậu báo Tiền Phong lên dẫn chương trình.

Ca sĩ trẻ chưa tên tuổi nhưng hát hay, ngoại hình cũng tương đối. Còn nhớ bài Mưa Ngâu cứ đến chỗ ấy thì cô lại múa cánh tay một chút, làm dáng nhẹ nhàng, nom duyên và tươi quá...

Trong đám khán giả có kẻ đang một mình giữa Hà Nội, vừa xem hát vừa kín đáo ngắm quanh, thấy mình hơi xôn xao.

 

*

 

Năm 2001. Nhà số 51 vẫn hát nhạc trữ tình một hai buổi tối mỗi tuần.

Vẫn vài mươi người ngồi nghe. Ca sĩ D.L. hát liên tiếp ba bài về mùa thu. Sao chị trông giống A.V. thế nhỉ, mà giọng hát cũng tuyệt vời.

Kẻ trước kia một mình nay đã có đôi. Nhưng y vẫn kín đáo nhìn quanh. Khách không trẻ trung bằng năm xưa (mới mười năm mà thấy đã xưa!). Kia, một thiếu nữ đang ngoan ngoãn nép mình bên... mẹ!

 

*

 

— Tiếc anh nhỉ. Lần sau về mình phải ưu tiên.

Thì đã ưu tiên mấy bận, còn gì. Cố nhân sáng kiến chương trình ấy năm nào, trông đi ngó lại dễ cũng trên dưới hai chục niên rồi, phải không. Hà Nội nhạc “sóng lớp phế hưng coi đã rộn” mà Khúc Trữ Tình “vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” hết tuế nọ sang tuế kia, tài đấy. Nhưng mỗi năm “chuông hồi kim cổ lắng càng mau”, liệu có sắp đến lúc

“... Người nghe hát nay đâu?
Màn đỏ buồn không thắm;
Nhạc đọng trong dây sầu”[2]

hay chưa?

Ô hay, “Thăng Long thành chưa cổ”, sao “người đây” đã “luống đoạn trường”![3]

 

4-2008

 

_________________________

[1]Tản Ðà có bài thơ “Thư đưa người tình nhân không quen biết”.

[2]Phỏng theo bài “Ông đồ” của Vũ Ðình Liên.

[3]Xem bài “Thăng Long thành hoài cổ” và bài “Chùa Trấn Bắc” của Bà Huyện Thanh Quan.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021