thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ném hoa cúc cho lợn

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
riêng tặng những ai không thể làm gì khác, đành phải ném hoa cúc cho lợn.

 

 

CRISTINA PERI ROSSI

(1941~)

 

Cristina Peri Rossi sinh năm 1941 tại Montevideo, Uruguay; từng là giáo sư văn chương, dịch giả và ký giả. Bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1963, bà xuất bản tập truyện đầu tay, Viviendo, rồi hàng loạt tác phẩm khác, và nổi danh như một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ngắn, tiểu luận và tiểu thuyết, và một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Từ năm 1972, bà bắt đầu sống đời lưu vong tại Barcelona, Tây-ban-nha. Bà đã cộng tác với những tạp chí El País, Diario 16El Periódico de Catalunya. Năm 1991, bà đoạt giải thưởng Premio Ciudad de Barcelona cho tập thơ Babel bárbara. Năm 1994, ba được trao tặng giải thưởng Beca John Simon Guggenheim cho văn chương hư cấu. Cristina Peri Rossi đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: La nave de los locos (1984) và Solitario de amor (1988).
 

___________________

 

NÉM HOA CÚC CHO LỢN

 

Tôi thức dậy sớm để cho lợn ăn.

Những cánh đồng còn trong bóng tối, một đám mây xám to lớn đứng lặng trên đầu, nhưng luống hoa cúc dập dờn trong gió toát ra vẻ đẹp tuyệt vời. Bên phải là cái chuồng bằng gỗ nơi bầy lợn còn đang ngủ, trông xám xịt trong thứ ánh sáng lờ mờ của rạng đông. Một lối đi bằng đất nâu nhẵn thín trải dài ở giữa đồng hoa cúc và cái chuồng lợn. Tôi bước chậm rãi từ đầu này đến đầu kia của lối đi, nhìn những đoá hoa cân đối, với những cánh trắng chung quanh và một cái nhuỵ vàng ở giữa, rồi nhìn những tấm lưng xám xịt của những con lợn đang rúc vào nhau ngủ, với những cái móng dị hợm chĩa ra.

Khi đã hái đủ hoa cúc, tôi bước đến cái chuồng lợn còn đóng cửa. Vụng về vì ngái ngủ, bầy lợn chen lấn, húc nhau và kêu ầm ì như tiếng sấm vọng lại từ xa khi chúng thấy tôi đến.

Trời lúc tảng sáng hầu như bao giờ cũng xám xịt. Vào lúc ấy trong ngày, luống hoa cúc dập dờn trong gió, và những cuống hoa màu xanh lục cong oằn xuống gần chạm mặt đất. Những con lợn nghếch đầu lên, kêu vào không trung. Nhưng thật ra, chúng cũng làm y như thế nếu chúng được cho ăn cây kế dại thay vì hoa cúc. Chúng nện chân ình ịch, chạy đến hàng rào, bộ da lưng chúng màu xám, hơi ửng một chút màu cam ở chóp những sợi lông; bầu trời ảm đạm và ủ rũ; những đoá hoa cúc dập dờn như một mặt biển đầy những nút điển màu vàng trôi bồng bềnh.

Minh triết của những đoá hoa cúc thể hiện ở những cái cuống của chúng — bền chắc nhưng uyển chuyển và có thể cong oằn xuống nhưng không làm rụng đầu những đoá hoa. Minh triết của những con lợn, ngược lại, khó có thể nhận ra. Đó quả là một bí mật khôn dò, chẳng khác cái bí mật câm lặng của những hòn đá hay các loại khoáng vật. Ngây ngô như trẻ con, tàn bạo như những vị thần thời tiền sử, những con vật tổ ấy to xác quá mức trên những bàn chân nhỏ nhắn trông rất buồn cười, và điều này giải thích cho những chuyển động vụng về và ánh mắt thường xuyên bực dọc của chúng.

Tôi ném một ôm hoa cúc qua hàng rào, trông chúng như rụng xuống từ không trung, như một đống xác chết bị máy xúc ném vào một cái hố. Chúng rơi lặng lẽ, và những đoá hoa gãy cổ rớt xuống làm tung ra một đám bụi vàng nhạt. Mặt đất lập tức bị phủ đầy bụi, giống như dưới một cơn mưa cát.

Những cái nhụy hoa tròn trĩnh bị nát ra thành một thứ bột màu vàng không làm nản lòng những con lợn. Giống như những ca sĩ giọng trầm ăn uống quá nhiều, chúng phát ra những tiếng ùng ục từ phần thực quản nằm sâu trong nội tạng lầy nhầy mỡ, và chúng xô đẩy, chen lấn nhau để ngốn lấy những cuống hoa gãy màu xanh lục và những cánh hoa màu trắng; tất cả bị nuốt chửng vào những cái hố tối tăm dưới những cái mõm của chúng, như thể bị cuốn mất hút xuống đáy biển.

Phải hái rất nhiều hoa cúc thì mới có thể làm bầy lợn thoả mãn. Ngồi trên hàng rào, với một cảm giác buồn man mác, tôi ngắm cảnh những con lợn húc nhau, ngầu nghiến những đoá hoa cúc, kêu lên những tiếng chói tai, hỗn xược. Thay vì hoa cúc, nếu cho chúng ăn cây kế dại thì chúng cũng chen lấn ầm ĩ như thế thôi. Nhưng ở đây có một vẻ đẹp nào đó — một vẻ đẹp mà chúng không hiểu được — một vẻ đẹp toát ra từ cái cảnh bầy lợn đang ăn hoa cúc dưới bầu trời u ám.

Khi chúng ăn xong mớ hoa thứ nhất, chúng ngước cổ lên, nghếch những cái mõm lấm đầy bụi phấn vàng của hoa cúc, nhìn quanh quất để đòi ăn thêm, và tôi chạy ngược về cánh đồng để hái một ôm hoa cúc khác. Nếu tôi không chăm bón cánh đồng, thì sẽ không có đủ hoa cúc cho lợn ăn, và những đoá hoa mang vương miện màu trắng xinh đẹp sẽ không còn dập dờn trong cơn gió. Nhưng tôi vẫn luôn luôn chăm bón cánh đồng, và bầu trời mãi mãi u ám, tưới xuống cho tôi những cơn mưa dịu dàng, và cơn gió giúp tôi gieo hạt giống.

Thuở tôi còn bé (lúc ấy tôi đã chăm sóc cánh đồng rồi), có một hôm, mẹ tôi bất ngờ xuất hiện nơi ngưỡng cửa như một bóng ma âm u, nhìn đăm đăm ra cánh đồng và mắng tôi. Đang loay hoay hái hoa ngoài cánh đồng đầy gió lạnh, thình lình tôi thấy bà như một bóng người màu đen trên một hậu cảnh bằng đá và ván ghép.

“Con trai ơi,” bà kêu lên, “tại sao mày lại cho lợn ăn hoa cúc hả con?”

Tôi nhìn những đoá hoa dập dờn nhẹ nhàng trong gió đang trải ra trước mắt tôi với những cái nhụy vàng dưới bầu trời một màu xám ngắt. Đó là một cánh đồng dài, và hoa được trồng thành những luống đều đặn. Ở phía đối diện, cái chuồng lợn có hình tròn, toả ra một đám hơi nước mờ mờ từ mồ hôi và cứt, với một mùi thối khẳm bốc lên từ những con vật vụng về đang nằm ngủ. Ít người chịu nổi cái mùi ấy, và mặc dù tôi không ưa nó, nó mang đến cho tôi vô số đề tài để nghiên cứu. Trong cái đống hổ lốn ấy có một điều gì đó đến từ quá khứ. Tôi khám phá những cái rễ cây ướt sũng, những thân cây mục rữa, những mớ cỏ khô đã bị tiêu hoá, những thứ dung dịch acid tiết ra từ bên trong ruột già. Một khối hôi thối được nhồi với những chất nước nhớt nhát, dơ bẩn.

Có lẽ mẹ tôi đã trông thấy cánh đồng hoa cúc rộng lớn nhấp nhô dưới bầu trời xám, như một người đắm tàu thoáng thấy một hòn đảo đầy những con chim bồ nông thấp thoáng giữa những cơn sóng. Và có lẽ bà cũng đã trông thấy những con lợn nhếch nhác dính đầy sình lầy cùng nhau lăn lộn đú đởn một cách thô lậu nhưng ngây thơ.

“Cánh đồng lớn lắm mà,” tôi nói với mẹ. “Con chỉ trồng hoa cúc, con không nghĩ có thứ gì khác mọc ở đó. Con hái hoa cúc và chúng sẽ mọc trở lại. Cái bí mật của hoa cúc là chúng không tự biết về chúng, và điều đó ban cho chúng vẻ đẹp và sự khiêm tốn.”

Những con lợn đang ngáy khò khè.

Tôi nhìn chúng. Tôi chưa từng trông thấy bất cứ điều gì khác ngoài những con lợn. Và có lẽ chúng chưa từng trông thấy bất cứ điều gì khác ngoài những hoa cúc, nhưng dù chúng có trông thấy điều gì khác thì đối với chúng cũng y như thế thôi.

Tôi vừa nói với mẹ tôi, vừa chỉ vào những khối xám xịt đang bắt đầu kêu rống giữa đống sình, “Về phần những con lợn, thậm chí chúng cũng chẳng biết chúng là lợn hay chúng đang ăn hoa cúc, và tất cả sự ngu xuẩn ấy khiến chúng chỉ biết ngốn lấy những đoá hoa cúc; và điều ấy giúp cho con nuôi chúng dễ dàng.”

Mẹ tôi biến vào nhà, nơi hầu như bà chưa hề bước ra ngoài, và tôi nhìn đăm đăm vào những con lợn và những đoá hoa cúc của tôi, rồi tôi quan sát bầu trời, hy vọng bắt gặp một dấu hiệu nào đó của mưa. Nếu những đoá hoa cúc không có bầy lợn ăn chúng, thì chúng sẽ chết đi một cách vô dụng, gục ngã trên chính những cái cuống của chúng. Vì tôi không ăn hoa cúc, và mẹ tôi cũng chẳng ăn hoa cúc bao giờ.

 

 

------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha, “Darle margaritas a los cerdos”, trong Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983).

 

 

Đã đăng:

Những tiếng đồn  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối thế kỷ XX, những tiếng đồn về các thành phố bắt đầu lan ra. Một số người nói về sự huỷ diệt của chúng, một số người khác nói về sự tái sinh dị thường của chúng từ những đống gạch vụn. Những nhóm hoạt động bí mật thì xì xào với nhau về những thành phố vẫn còn cư dân, nơi người ta có thể đi dạo, ngắm một con chim, tham quan một viện bảo tàng, hay chiêm ngưỡng màu sắc của bầu trời... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Hiện thực duy nhất là ngôn ngữ. / Nàng đã nhìn đăm đăm vào tôi. / Tôi nghĩ tôi đã run rẩy... | Trong cuộc tẩu thoát của chữ, người đàn bà nằm trần truồng. | Khi những con chữ tẩu thoát, chỉ còn người đàn bà ở lại. | ... Tôi ném một vần thơ vào mặt nàng / nnư một hòn đá. // Tình yêu là câu hỏi của những con chữ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Chuyện tình  (truyện / tuỳ bút) 
Nàng nói nàng yêu tôi và trao cả đời nàng cho tôi. Thoạt tiên, tôi thật xúc động — đây là lần đầu tiên một điều như thế xảy ra trong đời tôi. Nhưng sau một lúc thì hai vai tôi bắt đầu đau nhức... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Theo dấu thời gian  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi đến một thành phố nơi tất cả trẻ con đều muốn biết thời gian chính xác. Chúng bước qua các đường phố với vẻ nghiêm trọng. Hai bàn tay nhét vào túi, nét mặt đăm chiêu, với dáng dấp của những người đang bận rộn vì công việc, chúng dõi đôi mắt xuống mặt đất, nhẩm tính từng giây, từng phút trôi qua... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Đàn bà là những cuốn sách phải được viết ra / trước khi chết / trước khi bị nuốt chửng / trước khi bị thiến... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Những lá cờ  (truyện / tuỳ bút) 
Một lá cờ được trao cho mỗi người chết. Một nghi thức đơn giản luôn luôn được cử hành theo cùng một cách tại nhà riêng, không có người ngoài qua lại ồn ào. Trước hết, hai viên sĩ quan đến báo tin buồn cho các thân nhân. Rồi họ bắt đầu chuẩn bị nghi thức trao cờ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Dấu chấm  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc chúng tôi đến với nhau, nàng đã nói, “Em sẽ cho anh một dấu chấm. Nó rất quý báu — đừng để mất nó. Hãy gìn giữ nó để dùng đúng lúc cần thiết. Đó là vật quan trọng nhất em có thể cho anh; em làm thế vì em tin tưởng vào anh — anh đừng làm em thất vọng.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Giữa lưỡi gươm và bức tường  (truyện / tuỳ bút) 
Thật khó có kẽ hở nào để len lỏi giữa một lưỡi gươm và một bức tường. Nếu cố tránh lưỡi gươm, tôi phải lùi lại đến khi chạm bức tường, và cái lạnh của bức tường làm tôi đông cứng. Nếu tôi cố gắng lách ra khỏi bức tường để tiến tới, thì lưỡi gươm đâm vào cổ tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Vài tượng đang ngồi, đan áo, và thân thể chúng gắn liền với những chiếc ghế như một khối hợp nhất. Những tượng khác há miệng như sắp thốt lên một âm thanh nào đó hay định nói một điều gì. Những tượng ở xa nhất đang đứng tựa vào những tượng xưa cũ hơn. Chúng biểu lộ vẻ chán chường, thậm chí có vẻ rã rời... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ađam và Êva  (truyện / tuỳ bút) 
Ađam đang sống rất sung sướng giữa cỏ cây hoa lá thì Êva đến và dụ dỗ ông ăn trái táo vì bà muốn giết ông để một mình bà làm chủ tất cả... Chúa Trời sáng tạo ra Êva từ một cái xương sườn của Ađam vì thấy Ađam buồn chán và cần có người để sai vặt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thời gian chữa lành mọi vết thương  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi luôn luôn hối hả, đó là vấn đề tính khí. Khi tôi và nàng đoạn tuyệt với nhau, tôi đi thẳng đến một tiệm cầm đồ. Tôi cần có rất nhiều thời gian để đắp lên những vết thương, để chúng cầm máu và chóng lành... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống và bút pháp của Cristina Peri Rossi, xin đọc:

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là “lưu đày” hay “lưu vong”) chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là “bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất”, được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021