thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện tình Liêu Uyên [kỳ III]

 

Đã đăng: [kỳ I] - [kỳ II]

 

Dẫn Đệ về thị trấn không phải một lần!

Sư thầy Samatha đã nhờ nàng mang một bức thư đến quán trọ duy nhất của thị trấn để giao cho một người. Và đó là cố nhân. Chàng kị sĩ kiêu hùng và ấm nóng như mặt trời. Dẫn Đệ đã hoảng kinh muốn thối lui khi đối diện lần thứ hai với kị sĩ đó. Nhưng nàng như tê liệt. Và anh chàng táo tợn như rất biết cái uy lực của mình, đã kéo ghế cho nàng, nhìn tay nàng vân vê tà áo, sỗ sàng lấn tới, rồi chiếm đoạt nàng!

Ra sức chồng cự. Nhưng Dẫn Đệ thua cuộc lúc nào không biết. Nàng khóc. Nàng van xin. Và đến một lúc, thật xấu hổ, nàng mê đi trong lạc thú! Nhiều lần sau đó, nàng đã cố tìm cho được những lý do thật chính đáng để đến thị trấn, để tìm lại cảm giác của nỗi đam mê khốn cùng.

Cùng lúc trong nàng là nỗi thống hận, mặc cảm với Khương Vinh. Ôi, con người, ngỡ có thể chinh phục cả vũ trụ nhưng lại yếu đuối vô cùng với những ước thúc, tín điều đạo đức do chính mình dựng nên!

Thú rừng, và gia súc không thế!

 

o0o

 

Khương Vinh mỗi ngày một vàng võ. Cái thứ biệt dược tình yêu, vừa là thuốc bổ sâm nhung nhưng cũng vừa là độc tố nội công ngoại kích, có thể giết chết ngay cả một thân thể cường tráng như bò mộng.

Thẫn thờ ngồi đếm những cánh hoa Man, Vinh không thể hiểu điều gì đã xảy ra cho Dẫn Đệ!

Chỉ có một người biết tất cả. Một người không những biết, mà còn rất am hiểu từng ngóc ngách yếu đuối nhất của con người để tận dụng nó, sắp xếp nó lớp lang thành kịch bản, dù vỏ bọc bên ngoài chỉ là những ngẫu nhiên!

“Chàng trai, chữ Tâm con viết chưa thật chuẩn!” Sư thầy Samatha, giờ đây, cũng là sư phụ khai tâm văn tự cho chàng. Cái ham muốn biết chữ để làm thơ, để ghi lại trên một mảnh giấy điều như món quà của nỗ lực dâng hiến cho tình yêu đã trói Khương Vinh vào cõi ngục tối của văn tự như thế đó!

“Bạch thầy, tôi nhìn mãi không thấy được trái tim và những mạch máu trong cái chữ đó. Tôi chỉ thấy nó mang hình của lưỡi dao đồ tể!”

Samatha mỉm cười! Hẳn nhiên là thế!

“Chàng trai, con có vẻ bồn chồn không vui! Sao không ra ngoài với bầu trời rộng lớn?” “Bạch thầy, tôi không thiết bầu trời rộng lớn!” “Ta hiểu. Ta nghe nói ở thị trấn có một người rất giỏi võ nghệ. Người ấy chính là kẻ thủ ác chặt tay ta chỉ vì một trò cá cược trên sòng bạc...” “Hả? Thầy biết kẻ đó?” “Ta biết con ạ. Nhưng hỡi chàng trai, đạo Bụt dạy phải biết tha thứ!”.

Khương Vinh im lặng ôm đầu. Nếu câu chuyện này được tiết lộ trước những ngày Dẫn Đệ bỏ chàng, chắc chàng đã đi tìm kẻ thủ ác ấy. Nhưng bây giờ, tâm trí chàng đặt ở một chỗ khác!

Samatha đến bàn hương thắp một nén nhang trầm. Thật khoan thai và đạo hạnh, ông như tự nói với chính mình: “Tiếc thay, đoá hoa nhài cắm bãi cứt trâu!”

Khương Vinh hốt nhiên bừng tỉnh. Chàng đã hiểu! Chàng đã hiểu!

“Người không có cha. Cha của ngươi là một thứ nghiệt súc, đừng khóc nữa, hài nhi! Và ta cấm người gọi lão này bằng cha!”

Samatha cúi đầu. Để chết ở tuổi của ông, thật dễ! Nhưng để sống và nhận lãnh quà tặng từ nghiệp chướng như thế này trong im lặng, quả là khó khăn! Ông thèm được là cậu sa-di nhỏ bé nép vào sư huynh Đạt Sĩ ngày huynh đệ xuống núi mua lương thực, có con chó thật to xồ ra với hàm răng nhọn và trắng!

Đạt Sĩ, huynh ở phương nào! Hãy tha thứ cho tôi!

Dẫn Đệ đang dạy con bằng cây roi dâu dài thượt. Nàng có còn đẹp không? Tau không biết! Đến một giai đoạn nào đó, giấc mơ chỉ còn là những hình bóng quen thuộc, mình sẽ không nhận ra đẹp/xấu nữa! Nhưng ấn tượng đọng lại trong giấc mơ là đôi mắt! Vẻ đẹp của đôi mắt lá răm ấy, bi giờ được tôn thêm lên bằng sự nanh nọc, nét nhẫn nại chịu đựng. Người đẹp, chỉ cần một đôi mắt là đủ!

Am Trúc bây giờ đã là một căn nhà. Bàn thờ Phật đã được dời vào một góc với khói tàn nhang lạnh!

Samatha ngồi đó. Đôi mắt tuệ mẫn của ông không còn! Cái mà ông nhìn thấy, chỉ là những kí ức!

Ngày ông tự hoại đôi mắt của mình để nhận lấy trách nhiệm làm cha của đứa con Dẫn Đệ, cứu nàng khỏi giàn lửa đã được đốt lên của hương ước Liêu Uyên, ông biết, niềm ái sắc trong ông vẫn còn. Chỉ còn một cách là không nhìn thấy bằng đôi mắt trần thế này, may ra ông còn giữ được chút gì uy danh cho đạo Bụt mà ông là một trong những tín đồ tiêu biểu!

Nhưng thật khó khăn. Có những đêm khuya, ông cảm giác được sự tìm kiếm của người thiếu phụ khát khao đời sống bình thường. Ông vượt qua, không phải bởi đôi mắt đã mù, cũng không phải vì Bụt, mà chính nỗi sợ đôi mắt sáng ngời niềm tin yêu của Khương Vinh!

Như thế, Samatha là một ông già còn trinh tiết! Nếu ngày xưa, ông gục ngã vì sự quyến rũ của người a hoàn, có lẽ, ông sẽ bình an biết bao!

Khương Vinh đã uống rất nhiều rượu. Chàng say khướt. Quanh chàng toàn người lạ. Những người lạ như đã ngửi được mùi của một câu chuyện bất thường, nấn ná chờ đợi. Người chủ lữ quán đã bắt đầu quan ngại.

Ông rất sợ những loại khách như thế. Những người, trong một tâm trạng bất chấp, vừa không đủ tiền để trả thứ họ gọi, vừa sẵn sàng thí mạng vì một chuyện không đâu!

“Rượu nào!” Khương Vinh gần như không nhấc được đầu mình khỏi mặt bàn, đôi mắt đã dại đi, nhưng tiếng gọi rượu của chàng vẫn ầm ào như gió rừng...

“Chàng trai say lắm rồi!” “Say hay tỉnh thì can cớ gì tới ông!” Vinh dộng tay xuống bàn đánh rầm.

Một bình rượu nữa. Rượu ơi, rượu có mùi gì? Rượu có hương gì? Rượu có giúp ta quên đi? Có làm ta mạnh hơn? Có, chàng trai ạ (đây là lời tau nói)! Rượu sẽ giúp sự yếu đuối tột cùng của con người có nơi chốn mà ẩn nấp! Rượu cũng sẽ giúp bản năng con người vượt qua hết những rào cản ước lệ để nguyên dạng là thứ động vật có vú!

Lại một bình nữa! “Này ông, cái gã cưỡi con ngựa ngoài kia, đi đâu rồi? Gọi xuống đây cho ta?” “Chàng trai, hãy tính tiền đi, lão sẽ gọi!” Khương Vinh lần tay vào túi như một phản xạ rồi bật cười: “Tôi hết tiền, nhưng sá gì. Hãy mang rượu thêm ra, trượng phu không ăn quỵt bao giờ!”

“Quán không bán thiếu! Chàng trai, say lắm rồi. Lão không bán nữa đâu!” “Không bán thì không bán. Nhưng hãy gọi cái gã cưỡi con ngựa hồng kia cho ta!”

“Tìm ta ư, chàng trai?” Kị sĩ đột ngột xuất hiện, như có phép thần thông. Y gác thanh liễu đao trên bàn và ngồi đối diện với Khương Vinh. “Người rất say đó. Xem ra, người tìm ta, không phải với thiện chí đâu nhỉ!”.

Khương Vinh lờ mờ nhận ra, đây là người chàng tìm. Nhưng tìm y để làm gì nhỉ? Không, chàng không thể nhớ. Rượu đã làm mạch suy nghĩ của chàng gián đoạn mất rồi!

 

o0o

 

Samatha nhìn đứa bé, một đứa bé đầy u uẩn với đôi mắt mơ mộng quá sớm. Ông nhớ về câu hỏi thứ ba cay nghiệt. Một thứ công án của cả một đời người. Câu hỏi cối cùng ấy, lại do chính Khương Vinh đặt ra cho ông...

Lúc ấy là hoàng hôn. Chao ôi, sao bãi dâu xanh ngắt cứ lựa những hoàng hôn đẹp hoang tưởng để trêu ngươi con người mãi như thế. Một hoàng hôn đẫm lệ...

Khương Vinh sừng sững đứng ngược nắng và gào bằng tiếng gào man dại: “Samatha, ông ở đâu?” Và Samatha chắp tay trước ngực, ước ao có một đoá sen nào trong tâm ông bùng nở thật lớn đủ để che kín cái thân hình nhỏ bé của ông...

Ta đây chàng trai!

Samatha nghe tim mình nhói lên, và một lần nữa, trái tim già nua của ông như rơi vào một nơi chốn nào sâu lắm, sâu lắm. Bước chân hụt hẫng, ông cố mang cái dáng vẻ an nhiên để đến đứng trước mặt Khương Vinh...

“Con trai. Ta đây mà!”

Đó là một khuôn mặt đẫm lệ, mờ tối và bệt loang lổ những vết máu. Kịch bản của ông đã đúng. Nhưng phần kết sẽ thế nào đây? Samatha sẽ có đôi mắt rực nắng, chói màu tin yêu cuộc sống của chàng trai trẻ? Nhưng ông đã quên mất, rằng, đôi mắt ấy phải phát tích tự một tâm hồn thuần khiết...

Nhưng máu. Máu nhuộm ở đâu? Không ai cần biết. Câu trả lời đơn giản và triệt để: Máu đã vấy trong lòng chàng trai trẻ mà ông ước ao sẽ là truyền nhân của chính mình!

Giọng ông run: “Con trai, chuyện gì đã xảy ra?”

Không có một tràng cười ngạo nghễ hay bi ai kiểu sân khấu tuồng chèo. Chỉ là tiếng gào thê lương, ảm đạm, và tiếng núc nở trẻ thơ đã nhỡ tay làm rơi vỡ món đồ quý của nhà: “Sư thầy Samatha, tôi đã giết anh ta... Sư thầy Samatha, sư thầy cứu tôi!” “Bình tĩnh con trai. Hãy kể ta nghe nào...”

Samatha dìu chàng trai vào am Trúc. Khương Vinh thẫn thờ ngồi nhìn đôi tay nhuộm máu của mình trong bao lâu, không nhớ. Rồi chàng nói, như với chính mình: “Anh ta bảo... Ừ, anh ta bảo, chết là hết. Nhưng hãy hỏi sư thầy Samatha... Hỏi gì nhỉ? Hỏi gì ư? Nhưng tại sao anh ta lại chết? Tại sao...?”

Ngồi từ góc am với động tác lần tràng hạt quen thuộc, Samatha cố nhướng lên nghe ngóng. Ông còn nợ oan gia ấy một câu hỏi. Đúng vậy. Rất nhiều lần, ông đã cố hình dung câu hỏi cuối cùng ấy! Bây giờ, Khương Vinh sẽ mang nó về cho ông. Và ông chờ đợi. Sự chờ đợi quả là khắc khoải.

“Thế nào là vô diệt vô... Không. Ừ, đúng rồi. Sư thầy Samatha, lại đây!” Khương Vinh đứng dậy, bình thản, bình tâm: “Người đó bảo ông còn một câu phải trả lời, có phải vậy?” Samatha gật đầu. Khương Vinh đến trước mặt ông: “Sư thầy, người đó bảo rằng, sư thầy không tốt! Tôi không biết sự tốt xấu. Nhưng tôi đã giết chết anh ta, cho nên tôi cũng sẽ phải lấy cái mạng này để đền lại. Trước khi chết, anh ta nhờ tôi hỏi sư thầy rằng, cái gì là vô sanh vô diệt?”...

Samatha nhìn đứa nhỏ. Hữu sanh là đó. Hồi ức chạy quanh ông như một ma trận chằng chịt ràng quấn lấy tâm ông. Bất sanh bất diệt ư? Tạng kinh, ông làu thông, nhưng triệt ngộ nó để trả lời trong tình huống này, là gì?

Ồ...

Cái chết thật dễ cho ông ở tuổi này. Nhưng cái sống trong sự ghẻ lạnh thô kệch, hứng nhận những chì chiết với trạng huống con người trần thế, thì không thể nào trả lời câu hỏi đó!

Này là nghiệp chướng, ta trả lại cho ngươi cái tấm thân tứ đại này. Lẽ vô uý mà sư phụ trao cho ta, không nằm ở sự đối diện với những phức tạp này. Sự vô uý đó là cái tâm rỗng không nhận lãnh những nghiệt duyên!

Ông vỡ lẽ! Và với cái tâm rỗng không bây giờ, ông thọ ơn biết bao người kị sĩ bí ẩn, hay hậu thân của chính sư phụ ông? Sự triệt ngộ bây giờ mới thanh thản và ngọt ngào làm sao!

 

o0o

 

“Người không nhớ tìm ta có chuyện gì ư? Để ta nhắc cho nào!”

Kị sĩ nhấc nhấc thanh liễu đao như trêu ngươi. Rồi cười nhạt: “Ngươi hẳn từ núi Liêu Uyên xuống đây? Là đệ tử của lão sư Samatha, ta đoán chắc không sai nhỉ?”

Khương Vinh lờ mờ nhận ra. Bản năng của con đực bị tổn thương khi mất quyền sở hữu con cái trong đàn trỗi lên mạnh mẽ. Dẫn Đệ, sao lại là cái gã lông lá xồm xoàm này? Y có gì khác một con khỉ trong rừng già. Ừ, con khỉ. Và Khương Vinh xiêu vẹo đứng lên: “Ngươi là một con khỉ!” Và thoả thuê với mớ ngôn từ vừa bừng lên đó, Vinh chỉ mặt người kia và gầm gừ: “Còn tệ hơn một con khỉ. Ngươi hại đời một người con gái và làm tàn phế một ông già! Ta thay mặt loài người, đi đòi công đạo đây!”

“Công đạo ư? Chàng trai, hãy đi về đi. Cuộc sống này vốn là bình an. Ta cũng là một người đi tìm kiếm công đạo! Ngươi sinh ra không phải để đi tìm điều đó, ta biết!”

“Hừm, lẽ nào công đạo chỉ dành cho một loại người, một hạng người?” “Không. Đòi lẽ công đạo là số phận, là định mệnh, chẳng hay ho gì đâu! Về đi, cưới vợ, dựng nhà, đẻ con, đó là niềm vui lớn nhất đời người, chàng trai ạ!”

Điều gì đã khiến một chàng trai chưa từng cầm một thanh vũ khí trên tay, lại say khướt như Khương Vinh, cuối cùng, lại khuất phục một sát thủ chuyên nghiệp như chàng kị sĩ kia? Trong giấc mơ, đáp số là tình yêu bị tổn thương...

Kị sĩ chưa kịp dứt một tràng cười ngạo mạn và cũng chưa kịp xoay thanh liễu đao thì đã bị Khương Vinh xô té ngã giữa sàn nhà. Cùng lúc đó, tay kia của Vinh đoạt luôn thanh liễu đao và tiện luôn cánh tay mặt của kị sĩ. Máu đào chan hoà trên mặt đất. Bình rượu trên bàn rơi xuống vỡ tan. Ồ, máu, và rượu...

“Ta chết cũng đáng rồi. Nhưng còn hai điều, trời ơi... Giúp ta chàng trai. Một người con gái đang mang trong mình giọt máu của ta. Và ta còn một câu hỏi cho Samatha, người giúp ta với, cầu xin ngươi...”

“Ngươi yên tâm! Ta tìm công đạo, vì công đạo, lẽ nào lại keo kiệt với ngươi!”

Và, khi hoàng hôn khói sẫm, tỉnh lại sau men rượu, Khương Vinh bàng hoàng nhận ra chàng đã là một tên sát nhân, và nỗi sợ hãi trào lên hối thúc chàng phải quay về tìm một nơi chốn để nương tựa!

Lửa cháy bừng bừng. Dẫn Đệ cố trì kéo trong sắc mặt rắn đanh. Phải nói chính xác là nàng tận lực chỉ để cố duy trì chút hơi thở dưới mặt trời chút nào hay chút đó. Phía sau đám đông lô nhô là bãi dâu xanh ngăn ngắt.

Dẫn Đệ nghe rất rõ tiếng gào thét khản đặc của mẹ nàng. Chao ôi, làm sao để có thể nhướn lên cao hơn đám đông những gương mặt rất quen thuộc này để nhìn lại gương mặt mẹ? Ôi, cuộc sống ơi, nàng thèm đến cháy bỏng được sống, dẫu phải sống như thế nào... Nàng còn trẻ quá, đã biết hết hương vị của cuộc sống đâu. Ông trời ơi, sao mà tai ác...

Những người đàn ông lực điền khoẻ mạnh dằn nàng xuống đất. Mái tóc rất dày và mượt của người con gái xinh đẹp Liêu Uyên giờ biến thành một thứ dây cương cho những người đàn ông với ánh mắt đói khát, bị kích động bởi một thứ lễ nghi thần thánh, đỏ ngầu và man dại...

Sức tàn lực kiệt, Dẫn Đệ nhắm mắt, buông xuôi. Văng vẳng bên tai nàng lời kinh cầu hồn như một điệu nhạc bi ai nhất mà trong đời nàng được nghe... Là giọng của sư thầy Samatha đều đều với thứ âm vực lạnh tanh. Sư thầy cứu con! Sư thầy cứu con! Trong tâm trí Dẫn Đệ, dẫu rối bời, nhưng như một tia chớp loé, nàng cầu mong một điều. Sự từ bi của Phật sẽ thị hiện trong sư thầy Samatha. Và giọt cam lồ ấy sẽ dập tắt giàn lửa định mệnh kia!

Trong giấc mơ của mình, tau đã khóc ở đây. Tau đã oán trách giấc mơ cay nghiệt với một thứ logic dã man sặc mùi trung cổ. Nhưng nước mắt của giấc mơ đâu có đủ để làm tắt ngọn lửa cháy phừng phừng đang tham lam chờ đợi kia!

Tau tỉnh dậy với hai bàn tay nhớp nháp mồ hôi và cái mặt gối ướt đầm như con nít đó, mi ơi!

 

o0o

 

Nếu Khương Vinh biết giàn hoả đang chờ Dẫn Đệ trong một thì tương lai rất gần, chắc chắn chàng sẽ không ngờ nghệch đem sinh mệnh mình ra bù đắp cho sinh mệnh của một lý lịch không rõ ràng trong giấc mơ của tau như thế.

Chàng đã ngồi im bên bờ suối Trúc, mặc cho Samatha thúc giục mau đi trốn khỏi nơi ấy. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Khương Vinh đã thấy những giọt nước mắt của một người khóc cho mình. Samatha đầy lo lắng bồn chồn, ông muốn Khương Vinh hãy lên núi Liêu Uyên để chờ đến đêm vượt núi mà đi. Có biết bao điểm đến khác cho hai thầy trò. Bầu trời rộng lớn mà...

“Bạch thầy! Cái chữ Tâm thầy dạy đó, tôi nhìn mãi vẫn chỉ thấy như cây dao đồ tể, có lẽ cái tâm tôi nó không sáng được, nó là cái tâm của thằng giết người, vậy thầy hãy để cho tôi được chết đi mà đầu thai lại làm một người viết cái chữ Tâm cho nó sáng rõ hơn!”

“Chàng trai! Con trai của ta. Cái lẽ vi diệu của đất trời này đâu phải một khắc một giây mà con người có thể lãnh hội được. Hãy đi cùng ta, những lỗi lầm rồi có thể sám hối được hết! Đi cùng ta, nhanh lên con trai ạ!”

“Cái am Trúc này là nhà của thầy. Tôi tứ cố vô thân, đã gây nên tội, cũng chỉ mong được chết!”

Samatha gần như sụp xuống quỳ lạy, van nài, nhưng vô phương. Và khi vó ngựa của quan binh sở tại đến, Samatha gần như ngất xỉu, trái ngược hoàn toàn với vẻ bình tĩnh lạnh lùng của tội nhân. Khương Vinh không một nét kháng cự, nhẫn nhục đeo gông và đi theo sợi dây trói dài lên thê mà người lính có ngọn giáo rất dài, ngồi trên lưng ngựa dòng ra sau để dẫn chàng!

Án xử rất nhanh. Tội phạm thừa nhận đã giết người trong cơn say rượu. Người làm chứng khá đông ở quán trọ cũng đều một lý thống nhất từ trên xuống dưới. Do bên bị không có thân nhân và không khiếu nại, nên dù là giết người đền mạng, nhưng quan phủ xử cũng chỉ là tội giảo, không đến phải chém!

Những ngày chờ thọ hình, Khương Vinh trông ngóng một người, nhưng mãi không thấy. Bữa cuối, sư thầy Samatha mang đến cho chàng một quyển kinh, vài tờ giấy đỏ, cây bút lông. Vinh cúi đầu viết liền một mạch mười mấy chữ tâm và ném quản bút đi rồi lững thững quay đầu đi vào!

Giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt sạm đen của Samatha! Điều ông muốn nói với Khương Vinh mãi đã không cất được thành lời. Ông sẽ làm điều đó, để cứu chuộc, không phải cho linh hồn ông, mà cho một tuổi thanh xuân! Samatha thu hết những tờ giấy vương vãi đây đó, ông bàng hoàng nhận ra nét chữ của người tử tù như đã được giải thoát, bay lên đầy rộng lượng!

 

o0o

 

“Lại đây sư thầy. Mây rất nhẹ, thấy không! Mây rất tơi và xốp, nhưng không làm té ngã con người!” Khương Vinh với nụ cười sáng rõ quen thuộc vẫy tay cho Samatha. “Thầy hãy đưa tay ra cho tôi, tựa vào tôi mà đi. Thấy không, cái chết nó nhẹ nhõm và thanh thản như mình rũ xong một món nợ!”

Vậy là ta chết rồi ư? Samatha tự hỏi với chính mình. Lấp loá sau ngàn mây bạc ánh sáng kia, ông thấy mờ mờ như là một người đang cười. Là sư phụ ông? Là Đạt Sĩ hay là chàng kị sĩ đã chết oan nghiệt từ chính vở kịch do ông dàn dựng bằng tâm tưởng...

Vẫn còn chút sinh lực cuối cùng, Samatha cố nhoài người lên. Nhưng chỉ nghe mát lạnh ở đầu bàn tay. Con suối Trúc nhân từ đã dìm ông xuống, hay đã đưa ông về Cõi!

Trong kí ức tàn lạnh, ông như thấy rất rõ đứa bé mỉm cười đưa tay cho ông đòi ông bế. Rồi sau đó, bằng một sức mạnh phi thường nào, đứa trẻ đã xô ngã ông và dìm ông mãi xuống dòng nước mát lạnh...

Dẫn Đệ từ nương dâu về, nghe tiếng đứa bé khóc ở bờ suối bèn tất tả chạy ra. Nàng lạnh người khi thấy xác Samatha nổi lên trên làn nước xanh rờn rợn. Đôi chân của ông bị một chòm rong quấn chặt, có lẽ ông té xuống và quẫy chân dính phải chùm rong quái ác ấy...

Ôi, người chồng hờ tội nghiệp! Biết bao căm hận cuộc đời không có nơi để trút, Dẫn Đệ đã trút vào ông, người đàn ông nhẫn nhục nín nhịn, chịu đựng!

Nàng nhớ rõ hình ảnh của ông khi rẽ đám đông, vẫn bàn tay chắp trước ngực, dũng cảm ngẩng cao đầu nhận là cha của đứa bé trong bụng nàng, rồi quỳ xuống chịu trói, chịu sự phỉ nhổ ba ngày liền để chuộc nàng khỏi giàn hoả thiêu đó.

Mà đã hết đâu. Những oán hận trùng trùng của gia đình nàng cũng cứ nhằm đầu ông mà trút xuống. Trời ơi, Samatha, sao mà ông khổ thế này! Nước mắt không còn đủ để chảy ra nữa! Dẫn Đệ ẵm đứa bé trên tay, sững sờ ngó trời rồi lặng lẽ cất bước!

 

o0o

 

Người ta đồn rằng, Samatha bị giết chết vì ông có rất nhiều vàng chôn giấu bên bờ suối Trúc. Vợ của ông, một goá phụ trẻ tuổi, sau cái chết của người chồng già, gần như điên dại đã ẵm con lên trên đỉnh ngọn Liêu Uyên, cất một cái chòi nhỏ, sống nhờ vào lòng tốt của người dân chung quanh...

Đứa bé được mang xuống núi ở với một người cậu. Còn goá phụ, một ngày kia người ta nhìn thấy xác của nàng khoả thân nằm vắt qua ngôi mộ của sư thầy Samatha!

Câu chuyện kết thúc. Giấc mơ cũng dừng lại đầy đoảng vị! Chỉ có tau, chủ nhân của giấc mơ, bàng hoàng tỉnh giấc vội đi châm một bình trà và mồi liền tù ti ba điếu thuốc để tự trấn an mình, đó chỉ là giấc mơ!

Nhưng logic của giấc mơ, thứ triết lý của nghiệp báo thì sáng rõ lắm!

 

Cuối năm 2007

 

[hết]

 

 

---------

Đã đăng:

Chuyện tình Liêu Uyên [kỳ I]  (truyện / tuỳ bút) 
Núi Liêu Uyên ở đâu? Đừng có hỏi cắc cớ. Im im để tau kể cho nghe. Đại khái, ngọn núi đó nó trong giấc mơ. Mà giấc mơ thì vốn là đẹp. Hiểu chưa? Mà im... Đại khái, nàng đẹp như một giấc mơ. Khoan, thuở của giấc mơ, không có khái niệm chân dài nghe chưa!... (...)
 
Chuyện tình Liêu Uyên [kỳ II]  (truyện / tuỳ bút) 
Dẫn Đệ rất thích ngồi một mình bên bờ suối Trúc. Như thế, nàng có thể nhìn mình trên làn nước trong vắt kia. Vì sao ư? Vì đơn giản thuở mà giấc mơ của tau đi qua, người ta chưa biết thuỷ ngân và silicat, nên người ta chưa có kiếng để soi mà trang điểm, mà ngắm nhìn chính bản thân mình!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021