thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Jacquemard và Julia
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
RENÉ CHAR
(1907-1988)
 
Một bài thơ ca ngợi thiên nhiên và mối liên hệ giữa con người với tạo vật đượm mùi triết lý "vật lịnh" (animisme). Theo bộ sách giáo khoa Lagarde et Michard thì René Char, với cái mà ông không ngần ngại gọi là thần chú của ngôn từ, muốn vươn tới những tình cảm chung của nhân loại, nên có thể dễ dàng nhìn thấy nơi ông một thứ lãng mạn vĩnh hằng, chẳng hạn trong "cuộc đối thoại khó khăn của thiên nhiên và trái tim con người".
 
NĐT
 
___________
 
 

Jacquemard và Julia

 
Ngày xưa cỏ, vào giờ mà những con đường của trái đất hợp hoà trong sự tàn tạ, bừng sáng trên những nhận thức và âu yếm cao vươn những cọng lá. Những hiệp sĩ của ngày nẩy sinh trong ánh mắt tình yêu và các toà lâu đài của người tình đếm được ngần ấy khung cửa như vực thẳm cưu mang những giông bão nhẹ nhàng.
 
Ngày xưa cỏ biết nghìn khẩu hiệu không mâu thuẫn nhau. Cỏ là cứu tinh của những khuôn mặt chan hoà nước mắt. Cỏ réo gọi muông thú, cung cấp chỗ ngụ cho sai lầm. Tầm rộng của cỏ bao la như bầu trời đã thắng nỗi sợ thời gian và giảm thiểu cơn đau.
 
Ngày xưa cỏ dịu hiền với những người điên và hung bạo với tên đao phủ. Cỏ chung bay với ngưỡng cửa của vĩnh hằng. Những trò chơi bởi cỏ phát minh trổ cánh trên nụ cười của chúng (những trò chơi vô hại và không bền). Cỏ không gay gắt đối với bất một kẻ nào trong số những người lạc hướng còn mong muốn sẽ lạc đường mãi mãi.
 
Ngày xưa cỏ đã xác định rằng đêm không sáng giá bằng quyền lực của đêm, rằng những con suối không ngoằn ngoèo rắc rối dòng chảy chỉ để mua vui, rằng hạt giống quỳ gối đã chui vào mỏ của chim hết phân nửa rồi. Ngày xưa, đất và trời thù ghét nhau nhưng đất và trời vẫn chung sống.
 
Sự hạn hán không thể dập tắt đang lan tràn. Con người là kẻ xa lạ đối với bình minh. Tuy nhiên trong sự đuổi bắt đời sống chưa hình dung nổi, có những ý chí đang run rẩy, có những thầm thì sẽ đối đầu và có những đứa trẻ lành mạnh đang phát hiện.
 
 
------------
Nguồn: René Char, Fureur et mystère (Paris: Poésie/Gallimard, 1967).
 
 
Đã đăng:
 
Ta lắng nghe bước đi bên trong đôi chân mình / Biển chết những ngọn sóng trên đầu... | Nỗi buồn của người thất học trong bóng tối của những chai lọ / Nỗi âu lo khó nhận ra nơi những người thợ đóng xe / Những đồng bạc cắc trong chiếc bình sâu đáy... | Đời sống nào ló dạng / cũng kết thúc một kẻ bị thương... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Hai bài thơ tình “Madeleine à la veilleuse” và “Madeleine qui veillait”... Một ngày tuỳ nghi, những kẻ khác cho dù không khao khát bằng ta, sẽ lột chiếc áo vải của em, sẽ nằm lên chiếc giường của em. Nhưng khi ra đi họ sẽ quên dập tắt ngọn đèn chong... | ... Tôi đưa hai bàn tay lên ôm đầu cô và hôn lên mắt và lên tóc cô. Madeleine bỏ đi, biến mất dưới những bậc cầu thang xe điện hầm mà những cánh cửa sắt sắp được kéo xuống lưng chừng và sẵn sàng đóng lại... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Năm bài thơ tình “La chambre dans l’espace”, “Vivante demain”, “L’amoureuse en secret”, “Allégeance” và “Marthe”... Như tiếng hót của con bồ câu trong rừng khi trận mưa rào gần đến – không gian phủ bụi mưa, mặt trời ám ảnh –, tôi thức dậy rửa sạch, tôi chảy tan khi đứng lên; tôi hái bầu trời mới sáng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021