|
Vết bướm bay
|
|
(Hạc hay bướm, vẫn còn phải đợi hồi sau phân giải!)
Người ta tìm đến tháp để tham quan, làm thơ cám cảnh và đi toilet trước khi về. Tháp là một di tích từng đi vào nhiều áng văn, thơ, nhạc và triết cổ kim.
Sự tích: Năm xưa, có người đã cưỡi bướm vàng bay lên từ đỉnh tháp. Trước khi vút lên cao như một máy bay phản lực vỗ tung đôi cánh đầy phấn hoa thì theo sử sách ghi lại, mặt mũi của “tích nhân” đã bợt màu, phờ phạc. Hay nói cách khác, gã trung niên ấy đã say phấn hoa, gà gật trên đôi cánh bướm mỏng tang. Có lẽ gã cũng không biết được đó là một chuyến bay xuyên không gian và thời gian. Một chuyến bay hút thẳng vào huyền thoại. Và bướm cũng không ngờ trên lớp phấn hoa khổng lồ của kỷ Jura lại có một gã người say ngủ sau cơn giao hoan trong đám với nhuỵ hoa thơm ngát. Đó là điều ô nhục của gã. Và cũng là sự thiệt thòi lớn của bướm. Vì trong suốt lộ trình bay, gã say chỉ biết ngất ngây cố nối dài cảm giác hưng phấn tột độ sau cuộc mây mưa với thiên nhiên. Bướm mang trên mình một sinh thể mù quáng. Và ngược lại, gã cưỡi dưới mình một đám bọt phồn sinh cứ lắc lư mà hút mãi tinh lực trong quá trình bay. Mền là mây. Võng là trời. Cõi người chìm khuất. Một. Hai. Hay ba ngàn năm gì đó. Lịch sử luôn ghi lộn về niên đại và hay áng chừng một cách mơ hồ. Phần lớn các sử gia đi điền dã tìm hiểu thêm về lịch sử của tháp thường dễ bị cái cảm tính choáng ngợp chi phối, điều khiển. Hầu hết họ đã bị điều kiện vệ sinh tươm tất cổ kính của ngôi tháp hớp hồn. Rồi họ bị hút vào trong cảm giác tự kỷ ám thị như thể các đạo sỹ đến giờ cử hành nghi thức tụng niệm. Họ thấy mùi khói trầm từ án hương cổ trên đỉnh tháp toả vào mỗi buổi chiều là mùi của thần thánh. Họ không biết rằng để có mùi thần thánh ấy, ban quản lý di tích đã đốt cháy một bao trầm hương loại hảo hạng, có khi người ta còn cả gan thay trầm hương bằng nhang muỗi nhưng du khách cho đến các nhà sử học đều ra vẻ ngất ngây bởi mùi hương thiêng liêng của cảm giác tự kỷ. Theo thống kê được tiến hành điều tra trên 100 thằng đàn ông về mùi hương nào gợi nhớ thì có đến trên 44% trả lời đó là mùi nhang trong đám người chết, 27 % trả lời đó là mùi toả ra từ nước bọt (khi hôn môi) hay chất dịch (khi liếm vào bộ phận kín) của người tình, một số phần trăm đáng kể bảo họ nhớ mùi phấn hoa (loại này sến) và một số khác nữa cho rằng đó là mùi mắm, toilet, thuốc xịt muỗi…
Chẳng lạ gì chuyện các nhà sử học bị ngất ngây và trở nên thiếu chính xác, bỏ bê khoa học vì sự quyến rũ của mùi hương ở ngọn tháp này. Tháp cao bảy tầng. Tầng thứ ba có một án hương thơm mùi đặc biệt. Người ta chỉ cảm nhận nó vào buổi sáng, khi sương trinh còn chờn vờn từ những đám lá và toả mù những khoảng không yên tịnh. Các nhà sử học đã ngồi đó để thưởng thức trong sự hưng phấn cực độ. Một số nhà sử học khác nhạy cảm quá đáng đã xuất tinh khi hoang tưởng nghĩ rằng họ được ấp iu giữa một cơ thể phồn sinh khổng lồ. Họ bị rút cạn sức lực trước khi trở về mặt đất, run rẩy ghi lại những điều chứng nghiệm vào cuốn địa phương chí, biên niên sử tâm trạng. Và nhắm biết trước nguy cơ sẽ có đông người tìm đến tầng thứ ba của tháp, một số nhân sự ở hội sử học đã góp ý cho ban quản lý di tích là đóng cửa nó để tiếp tục nghiên cứu, thực ra là để họ thay nhau tận hưởng mùi hương gợi dục từ cái hương án cổ và được vùi mình, dật dờ uốn lượn theo vũ điệu của đám khói xanh toả ra từ hương án những buổi bình minh. Và xuất tinh. Và đạt đến cực khoái ngất ngây trong bầu không khí tĩnh mịch ngàn năm của tầng tháp kỳ lạ.
Trở lại chuyện chuyến bay của tích nhân. Theo điều tra của một số nhà hải dương học thì gần đây nhiều cá heo chết bởi vì nuốt phải bong bóng bay từ những hội thảo, hội nghị, lễ hội trên khắp toàn cầu. Hằng ngày người ta thải vào không khí hàng tấn cao su dưới dạng bong bóng bay. Thật bất ngờ khi những lời chúc tốt lành của chúng ta được tìm thấy trở lại trong… bao tử nhầy nhụa và hôi hám của những con cá heo bên kia địa cầu. Tích nhân cũng có thể được tìm thấy từ bụng cá heo. Vâng. Nếu như thực tình anh ta đã bay lên cùng với một cánh bướm. Nhưng nói điều đó có nghĩa là chúng ta đã bãi bỏ một cách vô cùng đau đớn cái yếu tính lập lờ trong một giai thoại có tên «mộng hồ điệp» của ông Trang Tử và cũng có nguy cơ trở thành tội đồ trong đám dân (du khách) đang một mực gởi lòng thành lên đỉnh tháp đầy không khí linh thiêng. Không sao. Ai muốn cúng vái thì cúng vái. Ai muốn bâng khuâng hoài niệm thì cứ việc. Ai tức bọng đái thì cứ việc đi toilet. Phía sau ngôi tháp là khu nhà vệ sinh khổng lồ tiêu chuẩn 5 sao. Và để nhắc nhớ mọi người về không gian đất thánh (và chúng ta đang đi tiểu, tiêu trên đất thánh) thì ban quản lý khu nhà vệ sinh đã thiết kế cửa WC theo những hoạ tiết khảm gỗ, có hoa văn hình những cánh bướm chở một bầu rượu đổ xuống trần gian. Một mặt đất được tưới rượu nồng nàn. Chẳng biết dụng ý giữa chi tiết cánh bướm đổ rượu thánh thần xuống trần gian và chuyện người đời đi toilet có gì liên quan hay không. Nhưng phải nói về mặt cảm giác thì có một sự liên tưởng nào đó. Nhất là với những du khách nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng. Trong khi đi đái, họ có thể ngắm tranh và trò chuyện từ các bồn cầu. Câu chuyện của họ thường là những lời hỏi thăm về lộ trình, về dịch vụ ăn chơi, massage ở một phố trung tâm nào đó hay bình về bức tranh tưới rượu của bướm giả cổ trước mặt. Thật may mắn cho chúng ta lớp hậu sinh được đến đây để giải toả nỗi niềm một cách tự nhiên nhất. Điều làm thay đổi số phận của gã (tích nhân) không phải ở phần nhuỵ hoa với lớp noãn cầu đang ở kỳ rộng mở. Trở lại cơ sở của thuyết tiến hoá, người được sinh ra từ những đám tảo. Thật khó tin vào quá trình chọn lọc tiến hoá khi nghĩ rằng tổ tiên chúng ta có khi là đám rong rêu bên bờ biển chết hay trên bờ Thái Bình Dương. Dù sao thì trong quá trình chọn lựa ấy, cũng không tránh khỏi vài nguy cơ loạn xị ngầu cả lên. Có khi con người (như tích nhân chẳng hạn) lại tìm thấy tình yêu và sự hưng phấn của mình trong việc giao phối với cỏ hoa. Bạn có bao giờ thấy những cô gái hôn lên một bông hoa và ngất ngây lim dim mắt sau đó vài giây? Chúng ta sẽ khoác lên đó khái niệm về tình yêu thiên nhiên, rằng ngoài kia đang mùa xuân, rằng cuộc đời đang đẹp và tâm hồn mơ mộng hưng phấn. Nhưng cũng hãy nhớ rằng người ta có thể tìm thấy nguồn gốc khoái cảm khi đặt môi hôn lên một bông hoa toả hương thơm và không ít kẻ đã tranh thủ dâng trào hoang tưởng khi chạm môi vào một sinh phận thực vật mong manh. Con người gắn với thiên nhiên trong cơn ghiền cảm giác gần như một kiểu sinh hoạt tình dục có từ ngàn xưa. Cơn ghiền ấy, qua những bầm dập thăng trầm văn minh, qua vài tỉ năm, đã được biến hóa thành sự lãng mạn mộng mơ, thực chất là một thói quen, ẩn ức kiểu vô thức. Lúc bấy giờ, gã đã vướng vào đám noãn phấn khi bất ngờ gờ noãn khép lại. Cái vật thể phi văn hoá của gã bị hút vào sâu trong đám lông tơ mềm mại và vũng sương nhão nhoẹt với mùi khai nồng lẫn hương thơm cuồng dại đang mặc sức bủa vây, hào phóng. Gã bị bút chặt vào đó mà không dám cất một tiếng kêu nào cả. Cuống hoa lung lay và lắc lư. Gã nghe tiếng thở hổn hển rung lên từ mặt đất và mơ hồ với nỗi sợ sẽ bị đám vỏ hoa sắc vô tình quặp vào cắt đứt của quý của mình. Nhưng nỗi sợ thường chỉ đến mơ hồ. Trong tình huống này, cơn cực khoái đến chậm hơn gã nghĩ. Gã giãy giụa và bị cuốn hút vào cơn lắc lư đến mỏi mệt của đám phấn hoa sung mãn. Gã la lên một tiếng thất thanh khi bầu trời phủ kín bằng đôi cánh nhiều sắc màu. Đôi cánh ấy đã cứu giúp gã thoát khỏi cơn mê dài của đám sóng cuộn của những cánh hoa. Thế là một chuyến bay xuyên qua đám sương mù huyền thoại, thi gan cùng tuế nguyệt được tiến hành ngẫu nhiên.
Đối thoại đầu: — Ông có nghe tiếng SÓNG vỗ không? — Không. Đó là KHÓI. — SÓNG thì vỗ, KHÓI thì tan. — Còn cánh bướm đã bay về đâu tá? — Cánh bướm đã tan vào cõi trời nào ai biết được. — Theo vết người đi. — Đâu là vết người đi? — Ai mà biết đâu là vết người đi. Vì tất cả đã biến tan mãi mãi.
Cái chết của nhà sử học và khai lộ về những bí mật tầng ba, ngôi bảo tháp: Cái chết xảy đến với nhà sử học X trong tháng qua được tường thuật khá chi tiết trong những tờ báo lớn của thành phố. Và đồng thời nó cũng gây chấn động trong giới sử học có quan tâm đến những sự cố trong tầng thứ ba bảo tháp từ xưa tới nay. Theo kết luận của cơ quan điều tra hình sự thì sự chết của nhà sử học X xảy ra vì lý do đơn giản: khói ứ buồng phổi. Đó là đêm cuối cùng của nhà sử học X. Khi vầng mặt trời đỏ đã rúc xuống núi và lũ chim bay về xao xác góc trời tây, những khu rừng quạu quọ trở chìm vào màn đen lầm lì. Thời gian quánh lạnh, tâm trạng con người trong bầu không khí ấy trở nên vữa ra với những hoang mang tột độ. Đứng từ đỉnh bảo tháp nghi ngút những cột khói xoã vào đêm, và nhìn những đám mây lừ đừ bay qua nền trời quành quạch trở đen, không ít người thở dài một hơi phù sinh. Trong khi đó, đèn thắp lên ở tầng ba bảo tháp vẫn đóng kín. Hương án vẫn nghi ngút khói. Những đợt khói trầm vẽ lên khoảng không những hình dáng liêu trai múa lượn uyển chuyển như những vũ nữ thoát y trong điệu luân vũ tuyệt vời. Điệu luân vũ thời gian và tàn phai. Điệu luân vũ của còn, mất. Điệu luân vũ của những đường cong phồn sinh và tuyệt diệt. Tất cả đang diễn ra bay bổng, nhặt khoan trước đôi tròng kính dày hai phần ba cuộc đời kinh sách của nhà sử học. Màu ráng chiều cuối cùng từ dòng sông khói sóng dưới kia hắt lên nền mây một sắc ảm đạm, làm cho cửa sổ căn phòng trên tầng ba hừng lên một màu. Một vài cách chim lạc bầy buông vào trời tiếng kêu da diết. Ông thích nhất những phút giây này - khi vầng mặt trời đã khuất đi và màn đêm đang lấn sâu vào mặt địa cầu một cách dũng mãnh như một kẻ cưỡng hiếp hung bạo. Sự yên tĩnh của ngày rơi vào thời khắc này, giữa lúc ánh đèn đường trên những vòm cao chưa phả vào những đường sá thị trấn một sắc màu phẳng và trơ. Đây là giờ của sự rã rời lẫn bình yên. Giờ của sự sám hối và những mưu đồ. Xanh mét. Những cuộn khói vẫn phả lên rồi toả ra như những đường chẻ mây trời mềm mại cuộn trong căn phòng chật tầng ba bảo tháp. Hương án như lên cơn rung giật. Trong đầu của ông lúc này chỉ còn mỗi một hình dung về những cánh bướm đã bay đi, phủ đen nền trời khắc khoải. Không ai hay biết thời gian đang vần xoay mỏi mệt. Chẳng ai hay mùa màng đang dần trôi theo tiết điệu chậm chạp. Hỗn mang là cõi trời nào mà lớp lớp sóng cứ vỗ xô bất tận thiên thu như thể vô ưu. Lúc bấy giờ, ghềnh tảo phía tây rực sáng. Mắt xanh. Sau đôi tròng kính dày. Nhà sử học ghi lại điều mình đang chứng nghiệm giữa một buổi chiều đầy lạ lùng này. Tất cả đang xảy ra như một niềm hốt nhiên dù trước đó không gian bảo tháp đang khiến cho ông nhiều lần chỉ biết quẫy đạp trong cái muốn không cùng. Giờ đây thì không. Với ông, cánh bướm xưa và nhuỵ hoa cũ đang tràn về với hình hài nguyên vẹn. Ông bước đến và đón nhận lấy niềm hân hoan của hư ảnh cánh bướm dập dờn trong mùi nhuỵ hoa thơm tho lan toả từ mùi trầm thảo dược. Cả một mùa màng dường như đang sinh sôi sung mãn ngoài đêm kia. Cả thiên hạ dường như đang giao hoan trong quy luật âm dương tương sinh tương khắc mà hoài thai, tiếp nối vạn vật. Bóng đêm đang quay cuồng. Cả mặt đất dường như đang rung rinh. Không ai có thể quyết cho mình một sự chọn lựa khả dĩ nào. Tất cả đang được lập trình một cách thấu đáo và dã man theo đúng nghĩa ban đầu. Những chuỗi gien đã lắp xếp vào nhau. Những biểu đồ nhiều màu mang những tuyến đa bào xoắn kép xoắn đôi và nhân lên vô tận. Phá huỷ . Sáng tạo. Tử. Sinh. Không thể như thế. Đó chỉ là những huyễn tưởng. Có phải tôi đang sống và giao hoan trong một miền cực lạc bất tận mà không cần đến giống cái? Có lần ông đã tự hỏi mình như thế và không trả lời được. Thói quen đến bảo tháp lúc 6 giờ chiều hằng ngày đã làm cho ông xanh xao với những dằn vặt, bất an không sao tháo gỡ. Khác với những đồng nghiệp đắm mình và sở hữu mùi hương thiêng liêng, trong khi họ trở nên phương phi béo tốt, mỗi ông là gầy và mét xanh. Ông bỏ ngoài tai những lời chế nhạo để chọn cho mình một cách ứng xử mà ông tự nhận là văn minh. Văn minh trong cả sự xuất tinh vào hư không. Cái cảnh giới không gian ngây ngất của tầng tháp thứ ba ngày xưa có lẽ là vị trí noãn cầu dung chứa sức co bóp mạnh mẽ tuyệt vời của bông hoa vạn niên đã khiến bao kẻ trở thành trích tiên nhưng chỉ có một là được ôm cánh bướm bay lên, lưu danh thiên cổ. Những lý lẽ và cơ sở khoa học, những nghiên cứu về gien trở nên bất lực trước những ước lượng huyền thoại mà lịch sử vẽ nên. Chịu thôi. Một cảm giác là một cảm giác dù nó được định hình bằng biểu đồ thì cũng chỉ là một trò chơi lừa mị và con trẻ. Không giải quyết được gì. Không thay đổi hay định trước được gì. Bấy giờ một cuộn khói toả lên từ hương án đồng đã nhụa đen uốn éo bay lên. Nó bủa những cánh tay như một vũ khúc buồn chán rồi những cánh tay con tan loãng vào khoảng không trước mặt. Bất giác, ông bị hút vào. Không thể kháng cự. Một cảm giác khác lạ hơn cả sợ hãi đang bủa vây ông giữa cái hấp lực cuộn xiết của đám khói xanh và mùi hương thảm thiết xâm chiếm lấy buồng phổi lên cơn co thắt. Ông đã không cưỡng được nữa. Cơn hỏi đòi xuất tinh đang khiến ông tự nguyện cuốn vào và chấp nhận một cuộc vần vũ. Một đám khói quyện hình vòng đã ôm chặt lấy ông và xốc người đàn ông yếu đuối lên cao. Rồi cứ thế, mà lay lắt. Điệu vũ luân chuyển, hoá sinh. Tất cả các giác quan của ông phơi mở đến căng nứt để đón vào nguồn mạch khoái cảm lả lơi. Những suy tư chiêm nghiệm về mặt đất dưới kia đều tan biến. Những sứ mệnh cao cả đã bị buông lơi. Và chính lúc ấy, không ai khác, chính ông lại thấp thoáng nhận thấy trong mình những nỗi dằn vặt. Nhưng chỉ thấp thoáng rồi biến mất khi đợt khói thứ ba đã bủa vây và cuốn ông vào một cơn co giật của hoan lạc. Cái cảm giác ngọn tháp nghiêng đổ và cả vũ trụ đang giao hoan trào lên, vỗ mãi, vỗ mãi, chao chiêng và ngây ngất… Nhà sử học đã thấy mình cưỡi cánh bướm bay lên sau khi đái vào đám khói một mưỡng tinh trùng mà mãi về sau nó còn được giữ lại trong viện bảo tàng. Những đoàn du khách tìm về. Không điều gì có thể che đậy cảm giác buồn chán tột cùng của những nhà sử học khi họ không còn gì để làm ở đây. Sứ mệnh và sự ích kỷ của họ với huyền thoại đã được phơi bày. Cánh cửa tầng thứ ba của ngôi bảo tháp được mở rộng toang. Ngày cũng như đêm. Người ta chỉ được phép mua vé vào tham quan theo hình thức xếp hàng, đi ngang qua và nhìn ngắm đám khói trong hương án chờn vờn. Lâu lắm, có người đứng ở bờ sông xa ngắn hoàng hôn chìm dần trên cổ tháp mới kịp nhận ra trên cửa sổ tầng ba, có một dây khói mỏng tang, chờn vờn bay lên và tan vào mây trời. Chuyện đó xảy ra như một lẽ thường tình khi mùi hương khuyến dụ kia từ lâu không còn lẩn quất đâu đây. Và sự tích cánh bướm đang dần dần trở thành một câu chuyện chỉ có những đứa thừa thãi lòng tin thì mới há hốc mồm nghe hay chong mắt đọc.
Đối thoại cuối: — Ông có nhìn thấy KHÓI bay không? — Không. Là tiếng SÓNG vỗ đó chứ. — Thế à? SÓNG thì tan còn khói thì VỖ. — Có lẽ nào những điều lạ từng xảy ra ở đây? — Đúng rồi. Từng nở một bông hoa to, noãn hoa ở tầng thứ ba cổ tháp. — Không. Tôi không mệ tín đến vậy. Tôi vô thần. Tôi chỉ đi ngửi hương và ngây ngất. — Còn tôi thì đến để làm thơ và đi toilet. — Ô, con ả kia đến đây xin tinh trùng để thụ tinh nhân tạo đấy. Bộ phận sinh dục của nó không được bình thường… — Ơ... Thì thế. Chứ ông tưởng cả thiên hạ đều làm tình được với nhau trong một lúc à? — Dù sao, vẫn còn những huyễn hoặc nào đó để con người có thể tìm thấy khoái cảm của mình khi làm chuyện đó với một đám khói. Không phải đám khói. Mà là một vẻ đẹp nào đó song hành bên thế giới. Nó có và không. — Không. Khói thì tan sóng thì vỗ. Nhưng người cưỡi bướm đi trong cơn bay mãi mãi không về… Mà hạc hay là bướm ấy nhỉ? — Không biết. Ta chỉ hay, riêng ta, lần này trở lại và không buồn đi nữa.
Saigon, 03/2007
|