thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một kết cục hoàn hảo

 

Nhà văn Pháp Simone de Beauvoir còn được thế giới biết đến như một nhà tranh đấu nữ quyền nhiệt tình. Nhiều người đã từng biết đến một câu nổi tiếng của bà viết trong tác phẩm Le Deuxième Sexe "Đàn bà không phải do bẩm sinh. Đàn bà là một sự tựu thành". Bây giờ nó được các nhà tranh đấu nữ quyền thường xuyên trích dẫn, đến mức đã trở thành một khẩu hiệu.

Còn đối với tôi, câu nói trên càng làm cho tôi tin tưởng một điều, rằng phụ nữ vẫn là những sinh vật mỏng manh và dễ vỡ.

Ở Pháp, theo thống kê của Bộ Nội Vụ, cứ 15 ngày là có 3 phụ nữ chết vì bạo hành trong gia đình. Họ bị lăng mạ, ngược đãi, hành hạ, đánh đập và thậm chí bị cưỡng dâm bởi chồng mình nhân danh cái gọi là "nghĩa vụ vợ chồng". Luật pháp ngày càng có những hình phạt khắt khe đối với những hành vi đó. Có ý kiến còn đề nghị xử phạt cả những việc làm như bẹo tai hay đặt tay lên mông vợ nữa.

Ahmed N. có thể là người biết rõ hơn ai hết, tôi đoán vậy, tính chất dễ vỡ của phụ nữ. Ahmed là người Maghrébin, thế hệ thứ ba, 42 tuổi, không rõ trình độ học vấn, làm bảo vệ cho một siêu thị, lấy vợ được hơn một năm; vợ là người Pháp chính gốc, tròn trịa và đơn giản, tuy một chút luộm thuộm. Tác phẩm văn chương nàng thích đọc nhất là những ấn phẩm chương trình truyền hình phát hành hàng tuần, đại loại như Télé 2, Télé Star…; nàng thích Télé Star hơn vì có nhiều mẩu chuyện thú vị về các minh tinh màn bạc. Nàng giữ chân thu ngân trong một cửa hiệu bán mỹ phẩm nhưng đã hơn ba tháng nay bị thất nghiệp vì buôn bán ế ẩm. Ở nhà hưởng trợ cấp để tìm việc làm mới và trong lúc chờ đợi, xem chương trình Ai là triệu phú mỗi chiều trên ti vi.

Đồng lương khiêm tốn của Ahmed và trợ cấp của vợ cộng lại cũng vừa đủ để chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu, mua sắm những vật dụng hàng ngày và trang trải tiền thuê một căn hộ ở Courbevoie, bé như một cái lỗ mũi mà mỗi lần Ahmed vào bếp để pha một ly Juvanis vào buổi chiều, anh phải khéo léo để khỏi làm vướng víu đến tay chân của vợ. Không nhà hàng, không những chuyến đi chơi xa, không homemovie, cuộc đời cứ đều đặn, đều đặn, như cái thang cuốn, một cái chạy lên và một cái chạy xuống mà Ahmed vẫn nhìn mỗi ngày ở sở làm. Anh cũng ngạc nhiên chưa thấy chúng bị trục trặc bao giờ cả, từ lúc anh được nhận vào làm việc. Một cảm giác mơ hồ không gọi được tên len lén bóp nhẹ trái tim anh. Còn vợ anh, không biết ả nghĩ gì, anh tự hỏi trong lúc ngồi ăn kébab vào buổi trưa.

Một buổi sáng, như thường lệ, khi Ahmed hớp xong ngụm cà phê cuối cùng, đặt cái tách vào bồn rửa chén và khoác áo dợm bước ra cửa đi làm, vợ anh đã đứng sẵn ở đấy, nét mặt như thường lệ, phẳng lỳ như nước sơn cánh cửa. Tuy nhiên, có một chút bối rối thoáng qua, khi nàng hình như nghe thấy Ahmed nói lẫn vào hơi thở "Em xấu xí" vừa lúc anh lướt qua mặt nàng để bước xuống cầu thang. Chắc là mình nghe lầm, nàng tự trấn an.

Nhưng đến cuối ngày thì nàng quả quyết rằng nàng đã không hề nghe lầm một chút nào. Không thể nghe lầm được, chắc chắn như thế, vì sau đó nàng đã được nghe thêm hai lần nữa, một cách rõ ràng, câu nói ấy từ cửa miệng Ahmed. Lần thứ hai là vào lúc nàng đang thu dọn sau bữa ăn, bụng tỳ vào bàn, với tay lên dãy kệ bếp cất bát đĩa, nàng lập tức quay phắt lại. Ahmed đứng sau lưng, bên cạnh chiếc tủ lạnh, tay cầm cái cốc rượu đã uống cạn, hơi thở phả vào mặt nàng nóng hổi, gương mặt anh thản nhiên không có một dấu hiệu gì đặc biệt. Nàng định nói một cái gì đó, nhưng nhất thời nàng lúng túng không biết nói gì. Lần thứ ba trên giường ngủ, khi Ahmed xoay mặt về phía bên kia. Nàng ngồi dậy lập tức, lật người anh lại về phía nàng. Dưới ánh sáng màu vàng dịu của chiếc đèn ngủ tỏa bóng lên tấm vải trải giường, nụ cười của anh mềm mại và ấm áp. Bỗng nhiên nó xoa dịu tất cả những thắc mắc, bực dọc mà nàng đã chất chứa trong ngày. Không, chỉ là một câu nói yêu, ngộ nghĩnh, mà những cặp tình nhân vẫn dành cho nhau. Và nàng đã thiếp đi với ý nghĩ dễ chịu đó.

Tuy nhiên, những ngày kế tiếp, nếu bạn bị bắt buộc phải nghe mãi cái câu "Em xấu xí" từ miệng của Ahmed phát ra, vào những lúc bất ngờ, cảm giác dễ chịu ấy có thể biến mất hoàn toàn. Nhất là khi nó thường xuyên không đi kèm theo một nụ cười ấm áp hay một dấu hiệu âu yếm nào trong nét mặt hay cử chỉ của Ahmed. Nó có thể trở thành một hình phạt. Nó sẽ đem lại cho nàng một cảm giác bị tổn thương. Nàng thấy khó chịu. Đồng thời nàng linh cảm những việc bất an có thể xẩy ra. Ahmed đã thay đổi, đã chán cảnh sống gia đình nhạt nhẽo hay nàng cũng đang xấu đi thật, nàng không hiểu nữa. Những sự việc diễn ra sau này cho phép chúng ta suy đoán có thể nàng cũng có những ý nghĩ như thế.

Lúc đầu đã có những lời qua tiếng lại giữa nàng và Ahmed. Những giọt nước mắt. Những đêm trằn trọc bên cạnh bóng đèn vàng vọt.

Không một ai biết những gì đã diễn ra sau đó trong tâm trí của nàng, không một ai suy đoán được nữa, kể cả Ahmed. Cho đến một buổi chiều khi Ahmed trở về từ sở làm, đẩy cửa bước vào nhà, anh bắt gặp nàng ngồi chết trên chiếc ghế trong nhà bếp. Đầu nàng ngoẹo sang một bên, mớ tóc xoăn phủ một bên mặt, cánh tay trái buông thõng với vết cắt sâu vào cổ tay. Máu đọng thành một vũng lớn dưới chân ghế. Ánh sáng cuối cùng của buổi chiều mùa thu qua khung cửa kính phía trên không đủ soi cho anh nhìn rõ mọi vật chung quanh, càng làm cho cảnh tưọng trở nên đáng sợ.

Cho đến bây giờ không ai biết đích xác nguyên nhân cái chết của nàng, nhưng nhất định không phải vì một câu nói, Ahmed nghĩ thế. Bởi vì chẳng có ai lại tìm đến cái chết vì một lời nói cả.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021