thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
17 bài thơ từ tập DELIGHTS & SHADOWS
Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang
 
 
TED KOOSER
(1939~)
 
Ted Kooser (1939~) là Thi Sĩ Quốc Gia (Poet Laureate) 2004-05 của Mỹ, nhà thơ đầu tiên từ vùng Ðại Bình Nguyên được giữ chức vụ danh dự này trong sự ngạc nhiên của văn giới ở hai bờ biển. Ông đã xuất bản 11 tập thơ và từng soạn kịch, viết truyện, ký, và phê bình.
 
Trong nỗ lực làm cho thơ sáng sủa và dễ tiếp cận, Kooser chuyên lấy những câu chuyện và cảnh vật chung quanh làm đề tài. Tập Delights & Shadows (Port Townsend WA: Copper Canyon Press, 2004), được trao giải Pulitzer về Thơ năm 2005, là một minh chứng cho sự thành công của lối thơ trong sáng vả đầy thi vị mà ông theo đuổi trong hầu hết sự nghiệp làm thơ hơn 30 năm của mình.
 
Nguyên là phó chủ tịch một công ti bảo hiểm, sau khi về hưu, ông làm giáo sư thỉnh giảng phân khoa Anh ngữ tại Ðại Học Nebraska-Lincoln. Hiện tại ông sống trên một mẩu ruộng gần làng Garland, vùng New England.
 
 

Vết xăm

 
Cái từng được cố ý dùng làm một phát ngôn—
một con dao găm nhỏ máu giữ trong nắm tay
của một trái tim rúng động—giờ chỉ là vệt bầm
trên đầu vai già giơ xương, điểm
mà tính tự phụ đã một lần thụi ông mạnh
và cơn nhức nhối còn nằm nán. Ông trông như
một người mà bạn phải dè chừng,
khoẻ như một con ngựa giống, nhanh và xấu tính,
nhưng trong buổi sáng nay lạnh lẽo, khi ông đi
giữa mấy cái bàn ở một sân bán đồ cũ
hai tay áo thun đen bó sát
xăn lên để cho ta thấy ông là ai,
ông cũng chỉ là một ông già, lượm lên
mấy cái dụng cụ gãy và đặt chúng xuống lại,
tim ông đã mềm và thâm với bao chuyện đời.
 
 
 

Người đi xe đạp

 
Rời khỏi đèn đường
với tiếng sủa chói tai của cái bánh xe,
hắn nhấc chiếc giày ống đã mòn đá vào không khí,
và con chó già quán tính choàng dậy với tiếng gầm gừ
rồi co mình lại mất tiêu.
 
 
 

Vào tháng Một

 
Chỉ một ô trong cái ổ ong đông đá của đêm
còn thắp đèn, hay có vẻ vậy:
tiệm cà phê Việt Nam này, với ánh đèn dầu,
với mùi thơm có hình thù như những cái hoa.
Tiếng cười nói, tiếng đũa lách cách.
Bên ngoài tấm kính, thành phố ảm đạm
kẽo kẹt như một cây cầu gỗ cổ xưa.
Một cơn gió lớn ào tới bên dưới tất cả chúng tôi.
Cửa sổ càng lớn càng rung mạnh.
 
 

Những người đưa đám

 
Sau tang lễ, những người đi đưa tụ tập
dưới những cây thích xào xạc trong sân nhà thờ
và nói chuyện nhỏ nhẹ, như những đám lá.
Những cổ tay áo và cổ áo trắng lấp lánh trong bóng râm:
những điểm sáng trên mặt nước xanh lá cây đậm.
Họ tới chiều nay để nói vĩnh biệt,
nhưng bây giờ gặp nhau họ cứ chào qua chào lại,
nhìn chăm vào mặt nhau,
chần chờ không dứt tay nhau ra.
 
 
 

Nước rửa chén

 
Tiếng bập cửa lưới, tiếng động lép kẹp
đôi giày đen chật bó của bà tôi gõ
trên bậc thềm gỗ trước hiên, dáng lặng lẽ lướt qua
của bước dài trên đôi đầu gối u với tạp dề bông
ra tới mé và rồi, ngón chân trở vào
cùng với một cú xoay và vụt mạnh,
một cái cầu phóng ra từ hai bàn tay bà nóng đỏ
treo ở đó sáng rực trong năm mươi năm
bên trên bầy gà hoang mang, bên trên
đám cây tầm ma, bụi cỏ phấn hương,
dốc đất sét xuống tới con lạch,
bên trên bầy sáo cánh đỏ ở ngọn
rặng liễu, một cầu vồng lộng lẫy
với cái niêu trống trơn vung lên ở một đầu.
 
 
 

Thủy tinh thời khủng hoảng

 
Có vẻ những cái đĩa hồng tía
bà dành đãi khách đặc biệt
luôn luôn lạnh, được lấy xuống
từ trên kệ trong những chồng loảng xoảng,
những cái đĩa giống như phiến nước đá
bà bẻ ra từ thùng nước
những sáng mùa đông, những cái tách bung lên
như hoa tu-líp nở quá sớm
rồi bị đông cứng bởi tuyết giá. Chúng làm lạnh
cà phê bất kể bạn uống nhanh
tới đâu, trong khi một cái cốc nặng
thường ngày sẽ giữ nóng một bụm nước
trong khoảng dài của buổi chuyện trò. Khó
mà tiếp tục câu chuyện gẫu của bạn
nếu cà phê bạn lạnh, nhưng đúng là
một dịp đặc biệt, như thuở nào,
khi ngồi bên bàn trong bếp của bà
và xì xụp vị đắng thấm dần của
các tin đồn tuần qua từ những cái tách
mất một năm mới gom góp được
ở hàng rau trái, với một cái biếu không
cho mỗi năm cân bột mì.
 
 
 

Ðỉnh cao

 
Nó là một phần bóng tối trong phòng khách
của bà trong những năm chiến tranh—
cái tủ Gô-tích của nó, cái loa lờ mờ
đằng sau tấm lưới mắt cáo mỏng
như mặt một ông thầy tu—nhưng khi
bà tôi gạt chốt mỗi tối để vặn tin tức,
nó chìa cái quạt Nhật tí hon của đĩa băng tần ra
và ánh sáng tràn lên những ngón tay bà, sưng
và cứng nhắc. Rồi trong bóng tối gần hoàn toàn
em gái tôi và tôi, bị suỵt cho im lặng,
và Bà Nội, vừa chà xát vừa nắn bóp
cơn đau trên hai bàn tay, ngồi đó
ở đằng sau của biến động, một đội tuần tra
trong ánh vàng nhợt nhạt hắt ra từ cuộc chiến.
 
 
 

Chiếc cà vạt

 
Ðôi tay ông chập chờn như mấy con chim,
mỗi bên một băng lụa sặc sỡ
để bện vào ổ chúng,
khi ông đứng ở gương
mặc quần áo để đi làm, vẫy chào
chính mình với cả hai bàn tay.
 
 
 

Cha

 
Hôm nay cha sẽ chín mươi bảy
nếu cha còn sống, và chúng ta hết thảy sẽ đều
khổ sở, cha và các con của cha,
lái xe từ bệnh xá tới bệnh xá,
một người già nua sợ sệt bị bệnh tưởng
cùng hai đứa con trai và gái cáu gắt
hỏi thăm đường đi, cố đọc
bản đồ phức tạp mờ nhạt của những đợt điều trị.
Nhưng với phẩm giá toàn vẹn
cha ra đi đã hai mươi năm,
và con mừng cho cả nhà mình, mặc dầu
con nhớ cha mỗi ngày—nhịp tim đập
bên dưới cà vạt của cha, bàn tay chụm lại
sau gáy con, mùi dầu thơm Old Spice
trong không khí, giọng cha vui sướng trong câu chuyện.
Vào ngày này mỗi năm cha từng thích thú kể lại
rằng vào lúc cha ra đời
bà nội ngó ra cửa sổ
thấy hoa tử đinh hương nở rộ. Ôi, hôm nay
tử đinh hương đang nở trong vườn
khắp cả Iowa, vẫn đón chào cha.
 
 
 

Một buổi sáng mùa đông

 
Một cửa sổ nhà trại tuốt dưới kia xa mặt đường
nói với bóng tối bằng một giọng nhỏ, đoan chắc.
Trên sự tịch mịch này, chỉ tiếng thều thào một ấm nước,
và trên cái lạnh đầy sao, một chiếc nhẫn xanh nhỏ bằng lửa.
 
 
 

Bảng treo dụng cụ

 
Nó được vẽ tỉ mỉ
với những đường viền hình từng dụng cụ
để cho ta thấy cái nào nằm ở đâu,
khoan và dao xếp,
búa có móng và cái cưa ngang,
như những đường viền hình bàn tay trên tường
hang động cổ đại ở Pháp,
được vẽ bằng muội khói với nước bọt
mười ngàn năm trước
trong ánh lửa chấp chới của thời gian,
những bàn tay được mượn đi để làm nên thế giới
và chẳng bao giờ được trả lại.
 
 
 

Những cuộn dây câu đúc bằng kim loại

 
Ta có thể tìm thấy chúng ở những chợ trời
và sân đồ cũ, những cái cũ hiệu South Bend
và Pflueger, đầy nhóc chạm trổ,
tay cầm u lên và cán nạm ngọc trai,
cuộn sẵn đường dây căng
của những câu chuyện dài dòng bị xoắn vào
thinh lặng, không phải chỉ những chuyện phóng đại
về cá rô, cá vược, và cá mè,
mà còn về những người đàn ông làm lụng chăm chỉ
những người mỗi sáng thứ Bảy tìm tới
niềm khuây khoả sông hồ, những người trong tuần
ở bàn giấy, hay đứng trên thang,
hay bên cạnh những bộ máy chạy lạch cạch
trình diễn hết tuổi trẻ và sức lực của mình
trong khi chờ đợi đặt lưỡi câu, và rồi,
vào tuổi lục tuần, cảm thấy sợi dây chùng xuống
và kéo lên lại những năm tháng trống rỗng.
Họ là bọn đã thoát đi.
 
 
 

Ngựa

 
Trong chuồng của nó thế kỷ 19 đang đứng,
da nó một cái rùng mình xa-tanh,
cái đầu sắt đá và ngang bướng,
một con mắt nâu như dòng sông đang dòm chừng:
một tên lính canh ở đường xa phía trước
của đoàn quân nặng nhọc nhem nhuốc toàn móng là móng.
 
 
 

Ðôi bàn tay cầu nguyện

 
Có ít nhất một đôi
trong mỗi tiệm đồ cũ ở Mỹ,
ép bằng nhựa hay nặn bằng thạch cao
rồi dán vào một tấm bảng,
hay in bằng màu của những tập sách nhà thờ
rồi đóng khung lộng kính.
Hôm nay tôi thấy một đôi làm bằng
dây kẽm nhẹ giăng trên một mô hình
bằng đinh.
Ðây là cách lòng tin đi
từ nhà này sang nhà nọ,
bị một nhà tống ra rồi được nhà khác rước vào.
Con bướm chắp đôi cánh như thế
khi nghỉ giữa những bông hoa.
 
 
 

Lobocraspis griseifusa

 
Ðây là loài bướm đêm cực nhỏ sống bằng
nước mắt, uống như một con nai ở cái hồ
lóng lánh nơi khóe mắt người ngủ, nó chạm
miệng nhẹ như một áng mây soi bóng.
 
Trong giấc mơ bạn, một nhân vật hiện ra
dưới trăng ở bên giường và sờ mặt bạn.
Hắn hỏi xin bạn chia cho miếng bánh nghèo
của nỗi đau khổ. Bạn chỉ cho hắn cái bàn.
 
Hai người trò chuyện suốt đêm, nhưng đến sáng
mọi lời nói đều bị quên lãng. Bạn thức dậy
thanh thản, trong căn phòng đầy nắng, dụi mắt
làm rơi bụi từ những chiếc cánh của hắn.
 
 
----------------
Để biết thêm về loài bướm Lobocraspis griseifusa, xin độc giả vào trang web http://www.nhc.ed.ac.uk/index.php?page=24.25.298.305.
 
 

Châu chấu

 
Năm nay chúng cùng cỡ với mẩu bút chì
ông nội tôi giữ để đánh dấu
những ngày qua kể từ cơn mưa,
 
và cùng màu với bụi, của các con đường
dẫn qua những cánh đồng đang chết
vào những năm 30. Ði trên đường làng
 
qua những kho thóc trống, tháp chứa rỗng,
bạn nghe chúng mày mò với sự trái khoáy,
vỗ cỏ rào rào như những hạt mưa.
 
 
 

Một sinh nhật vui

 
Tối nay, tôi ngồi bên cửa sổ mở
đọc tới lúc nắng tắt và cuốn sách
chẳng còn gì hơn một phần của bóng tối.
Tôi có thể dễ dàng bật đèn,
nhưng tôi muốn nương theo ngày hôm nay xuống tới đêm,
để ngồi một mình vuốt trang giấy hết đọc được
bằng bóng ma xám ngoét của bàn tay tôi.
 
 
–––––––––––
Các bài thơ trên được dịch từ nguyên tác tiếng Anh: “Tattoo,” “Biker,” “In January,” “Mourners,” “Dishwater,” “Depression Glass,” “Zenith,” “The Necktie,” “Father,” “A Winter Morning,” “Pegboard,” “Casting Reels,” “Horse,” “Praying Hands,” “Lobocraspis griseifusa,” “Grasshoppers,” và “A Happy Birthday” trong tập thơ Delights & Shadows (Port Townsend WA: Copper Canyon Press, 2004) của Ted Kooser.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021