thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kẻ đào tẩu
(Diễm Châu dịch)
 
Phải, tôi là một kẻ đào tẩu,
trong tim tôi đêm tối giả dạng làm tim,
trong tóc tôi gió giả dạng làm tóc,
khuôn mặt tôi quá đen tối khiến các tinh tú đã làm vỡ tung những đường viền.
 
Có những yết thị tìm kiếm ở góc đường, người ta báo trước sẽ bắt tôi,
người ta hứa hẹn với tôi sự bất công, người ta khoác lên sự cắt họng tôi một cái tên diễu cợt, khiến nó trở thành buồn cười;
và tôi đang cố thoát khỏi cái cách chết ấy,
thoát khỏi cái đục mà người ta muốn dùng để chạm khắc nét mặt tôi.
 
Và tôi không thể đáp trả là vì hẳn là tôi sẽ nói dối, là vì hẳn là tôi sẽ quỳ gối xin tha,
và nước mắt tôi hẳn là sẽ lại trở thành giả trá và để mặc cho ánh trăng tới viếng thăm,
qua cái lãng mạn của một khu vườn nơi một thiếu nữ hẳn là sẽ đợi tôi.
 
Một lời nói, một câu chuyện được giữ lại trên những dòng nước của nó như một con tàu mà người ta sẽ tu bổ,
một câu chuyện tình nát bươm rồi sẽ được mạng lại thích hợp;
không, ngàn lần không, hãy nguyền rủa tôi và tất cả những kẻ bao quanh tôi,
những kẻ hoan nghênh tôi nói dối, hệt như những kẻ chối bỏ tôi;
tôi là nhà tiên tri giả mà không ai chờ đợi,
tôi là kỷ niệm đẹp xinh của tôi, tôi là kỷ niệm giả trá của tôi, tôi là con cọp của con chiên
và là con chiên của con cọp trong một sào huyệt của những tấm gương.
 
Chính vì thế mà tôi đã bỏ trốn, nhưng bỏ trốn có thể là một hình thức văn nghệ, một khoái cảm đối với những kẻ ruồng bắt tôi,
và cái mặt nạ xanh của đêm tối ở trên mắt tôi như chính ấy da thịt tôi;
chính vì thế mà tôi không truyền cho ngày mọc lên, chính vì thế mà tôi không vui hưởng những hiệu quả của một ân sủng mạo nhận,
cũng chẳng xung vào bất kỳ một thứ chiêm tinh bói toán nào hết.
Trong lời nói của tôi không có cả sự cảnh tỉnh lẫn phòng vệ, thỉnh nguyện hay đặc ân,
bằng lời nói của mình tôi cũng chẳng nuôi dưỡng những kẻ đã chết,
những kẻ phô trương một bó đuốc đã tắt thế cho nụ cười,
một nét nhăn nhó ban đêm thay cho những giọt nước mắt,
một cái đầu bị chặt – đầu họ – như của ăn ác độc.
 
Bỏ trốn giữa những chiếc bóng, bội tăng thuật bay nhảy của tâm hồn;
một dịp may bất ngờ cho tình ái, những khuê phòng như những màn kịch câm cũ kỹ với ánh ngời khả nghi,
những người đàn bà bị mê hoặc vì một nước sơn lộng lẫy và vì một dòng dõi làm thức dậy nơi thân xác đóa hồng của biển thanh xuân.
 
Tôi đã bỏ trốn những kẻ khác như người ta bỏ trốn chính bản thân
và lời nói của chính mình đã bị lên án giữa chính sự bợn nhơ của mình,
với bộ giáp sắt của chính ký ức mình.
 
Hãy ném xương tôi cho bầy chó của các người và cả các người nữa rút cuộc cũng sẽ bị nhiễm độc,
là vì bệnh dại là một thứ đồ ăn nguy hại,
một vết cắn như thế trong hồn tương đương với sự mất tín nhiệm của đôi mắt qua đó ái tình đã làm các người thỏa thích.
 
Tàn nhẫn là cái luật đã cắm vào cội cây nửa khuya;
các cô lọ lem và các hoàng tử trở lại những ngôi nhà bị vùi lấp dưới bụi bặm của những lời chiêm tinh giả trá,
và sự thơ ngây trong trắng tan biến trong một nắm cát mà móng ngựa của họ cất lên
cần cù và kỳ cục là bọn chức việc của Lý Trí và Khoa Học.
Tuy nhiên, tôi phải báo cho các người biết rằng tôi không thể thù ghét các người như tôi muốn thế;
tôi đã ăn uống giữa các người, tôi đã chia sẻ cơm bánh và rượu nho của các người, tôi đã chia sẻ những bà vợ của các người,
và sau bữa ăn tôi còn có cả những lời bông đùa thật dễ thương, tôi đã biết xử sự như một kẻ xu nịnh khôn khéo,
những ngôn thức tiến bộ của các người tôi đã biến thành của tôi, tôi đã yêu các cô con gái của các người trong thầm kín
– vẻ hiu quạnh của căn buồng tôi ở hẳn là sẽ thuật lại điều đó khá hơn…
 
Bây giờ tôi bỏ trốn, con chó ướt lông xám dán vào da thịt,
tôi bỏ trốn mà không biết là mình bỏ trốn ai và ở đâu,
và những sắc chỉ ở góc đường không nói về tôi mà về kẻ tôi đã từng là khi trước,
đòi hỏi cái đầu không còn thuộc về tôi, cái đầu tôi không còn nữa,
dẫn lời nói lúc này đã lìa bỏ tôi như tôi đã lìa bỏ nó.
Tóm lại chúng nói về một người khác, và cuộc đào tẩu của tôi không có một nguyên cớ nào khác hơn
là tránh né việc gặp gỡ cái kẻ khác kia
và được thấy họ lôi hắn tới Bãi Hành Quyết,
đôi tay bị cột lại, bao quanh là lính,
dưới mặt trời tỏa rạng từ những tiếng la ó, từ sự sỉ vả,
từ sự nhạo báng và những cái hỗn danh thô tục,
vào một buổi mai tương lai mà lúc này tôi đang tìm cách trốn thoát.
 
------------------------------------------------
José Carlos Becerra, nhà thơ Mễ-tây-cơ, sinh tại Villahermosa ngày 21.5.1936, học kiến trúc tại thành phố Mexico, và mất vì tai nạn trên đường gần Brindisi, ở đông nam nước Ý, ngày 27.5.1970. Tác phẩm toàn tập của ông, do Gabriel Zaid và José Emilio Pacheco thâu thập, Octavio Paz đề tựa, được «tái bản đều đặn» ở Mễ-tây-cơ. Bài "Kẻ đào tẩu" dịch theo bản Pháp văn của Bruno Grégoire và Jean-François Hatchondo trong Récits des événements (Relación de los hechos), nxb. Belin, 2002. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021