thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Muối của Ngôn ngữ
Bản dịch Diễm Châu
 
 
EUGÉNIO DE ANDRADE
(1923-2005)
 
MUỐI CỦA NGÔN NGỮ
 
 

HÃY ĐƯA MÔI EM LẠI GẦN

 
Hãy đưa môi em lại gần nguồn suối:
nào có hề gì
nếu chỉ có im lặng
tới được tai em:
ấy vẫn là
âm nhạc. Hãy thử lại một lần nữa
đưa bàn tay lên tới tận hơi thở
của vì sao đầu tiên,
con ngươi chăm chú
đến tiếng xôn xao của từng vần chữ:
em không có xứ sở nào khác, em không có
bầu trời nào khác.
Với cửa miệng, với đôi mắt
với những ngón tay
hãy tìm cách chạm tới đất tròn đầy
của tim em.
Một lần nữa.
 
 

NƠI CHỐN CỦA NGÔI NHÀ

 
Một ngôi nhà có lẽ sẽ là cát
hoang vu; cũng chẳng phải một ngôi nhà;
mà chỉ là một nơi
bên ngọn lửa đã nhóm niềm vui
đang ngồi; sưởi ấm
đôi tay; rồi bỏ đi vì có
một định mệnh; chuyện giản đơn
nhỏ nhặt, nhưng là định mệnh:
lớn lên như một cội cây, cưỡng lại
gió, sự gay gắt của mùa tránh rét,
và một buổi mai kia cảm thấy những bước chân
của tháng Tư
hay, biết đâu?, mùa khai nở
của đám lá cành đã dường như
khô, và lúc này lại rung rinh
trước tiếng hót bất chợt của con sơn ca.
 
 

TÔI Ở ĐÂY

 
Tôi đang ngồi ở đây – dưới kia là biển,
những cây cọ.
Sữa tươi, bánh mì trên bàn ăn.
Điệu bộ vẫn y hệt
của ánh sáng, vẫn một ánh mắt của con chim.
Có một sự hòa hợp thầm kín
giữa ánh sáng và biển,
có lẽ cùng một thứ ấy
giữa cây cọ và con chim,
sữa và bánh mì.
Và với ngôn từ, sự
bay vút lên của nó,
với ngôn từ, mối liên hệ ra sao?
 
 

MỖI SỰ VẬT

 
Mỗi sự vật đều có sự sáng ngời của nó,
âm nhạc của nó.
Trong trái cam chín hát ca mặt trời,
nơi tuyết con sáo xanh.
Và không chỉ các sự vật,
cả các loài thú nữa
cũng lấp lánh một thứ ánh sáng dịu êm;
khi mùa đông
lại gần đôi mắt chúng
sự trong sáng của các vì sao
đã trở thành nguồn hơi thở.
Chỉ như thế đó
chúng trường tồn.
Trái tim cũng vậy.
 
 

TÔI NGHE NÓI

 
Tôi nghe nói đến thiên chức
kẻ khất thực của tôi, và mỉm cười. Là vì tôi không rõ
phải chăng một thiên chức như thế cũng chẳng phải chỉ là
một chọn lựa giữa những tài sản phong phú, như Keats
nói về thơ.
Tôi đã bước xuống đường phố khi tưởng tới hết thảy những chuyện đó,
tôi đã băng qua một khu vườn, một con chó
bỗng xuất hiện trước mắt tôi,
vùng vẫy giữa đám lá của mùa thu
mới khởi sự, thếp vàng
mặt đất. Âm nhạc,
ta hãy cứ gọi như thế,
âm nhạc mà trọn vẹn tâm hồn khao khát,
khi tâm hồn
ao ước vui hưởng những gì tốt đẹp nhất của thế giới,
âm nhạc chạy trước mắt tôi, chắc hẳn
cất lên tới lỗ tai của thần linh
với sự đồng loã của một con chó
cũng chẳng phải là con chó của tôi.
 
 

NƯỚC LUÔN LUÔN

 
Đối với tôi nước luôn luôn ca hát trên những tấm ngói.
Tôi cư ngụ ở đó nơi những giọt nước,
những miệng nước trào ra.
Những lời mà trong bình
đêm tối thu nhận và uống
với lòng biết ơn
có mùi vị của đất là vì chúng là của tôi.
Tôi không thuộc về nơi đây và cũng chẳng mắc nợ các người
gì hết, không ai
có thể phủ nhận chuyện hiển nhiên
là ngọn lửa này hay làn nước này
là trôi đi thay vì trở thành đá.
Hãy tha thứ cho sự minh bạch của tôi.
 
 

NHƯ THỂ HÒN ĐÁ

 
Tôi lắng nghe như thể hòn đá
hát ca. Như thể
nó hát trong đôi tay con người.
Một tiếng lao xao của máu hay chim
cất lên không, hát cùng hòn đá.
Hòn đá trong đôi tay mờ tối
của nó. Được sưởi ấm
bằng sức nóng con người của nó,
nhiệt tình
con người của nó. Tôi lắng nghe
như thể ấy là chút ánh sáng nhỏ xíu
không tránh được cái chết từ gan ruột
cất lên cổ họng nó.
Tính phải chết
như con người của nó. Hát lên cùng hòn đá.
 
 

HỌ ĐẾN TỪ TUỔI THƠ

 
Họ đến từ tuổi thơ, những người đàn bà ấy.
Câm nín, kín đáo, không vội
sống. Những người đàn bà lộng lẫy,
tóc chải với một đường ngôi ở chính giữa,
đôi tai không vướng víu một mái tóc
của bóng tối trong trẻo.
Trong trái tim họ thế giới
không quá nhỏ bé và những gì họ làm
đối với họ không có vẻ gì nhục nhã.
Họ biết cách già đi với một làn ánh sáng
uể oải của trẻ thơ
và những loài thú trong nhà.
Ngang bằng với bông hồng.
 
 

CHÍNH NHỮNG ĐIỀU NHƯ THẾ

 
Chính những điều như thế khiến trái tim
dễ bị tổn thương: đàn cò trắng
trở lại,
chuyến tầu nho nhỏ ở đoạn đường Ceira
dường như là một món đồ chơi có lò-xo, tám dòng
Dạ khúc người Viễn du
của Goethe mà Schubert đã phổ nhạc.
Kẻ đã cùng tôi chia sẻ niềm vui
ít nhất cũng đáng
tôi đưa người tới miền đất trần và đẫm
sương mai của bài thơ. Nhưng nhà thơ
cũng viết thẳng bằng những đường
quanh co: thơ là giả tưởng
của sự thật. Ấy chẳng phải
đường cong khoái cảm của ngực em,
mà là giống hồ-viên ở Mã-đảo
từng thoáng thấy trong một cuốn phim Pháp,
mà hôm nay trước hết mọi sự
tôi ao ước đặt vào bài thơ này.
 
 

NHỊP ĐẬP CỦA CÁC VẦN CHỮ

 
Y yêu nhịp đập của các vần chữ,
một cách ngắt nhịp nào đó: ở vế thứ tư, thứ tám, thứ mười.
Y tìm kiếm trong cách ngắt nhịp ấy những gì y không biết,
những gì y không bao giờ biết hay ngờ tới:
một ý nghĩa, dấu hiệu của thanh nhã, đường dây
mong manh dẫn tới sự sống,
y đã ở bên đây sự thèm khát sống cuộc sống ấy biết bao.
Biết bao u sầu, biết bao do dự
luôn luôn thuộc về y trong tất cả những gì y làm,
ở đó nơi thể xác biến thành tâm hồn
và tâm hồn biến thành thể xác – làm sao biết được?
Thời gian hầu như đã chẳng dậy dỗ y gì hết,
nhưng y vẫn tiếp tục, không thỏa mãn
hay chẳng mấy tin ở y, y cũng chẳng biết nữa.
Từ những bước nhảy vọt hăng say đến những sự co quắp, ngập ngừng,
y theo đuổi nhịp điệu âm nhạc sâu kín nhất của y
với một sự dấn thân ngang bằng với những gì khi trước đã từng là
khoái cảm tinh ròng, vuốt ve ngắn ngủi. Duy có bàn tay
là không thay đổi – lúc nào cũng thật nhẹ nhàng.
 
 

CÓ LẼ

 
Có lẽ nó cũng chẳng có tên.
Được loan báo chỉ bằng sự rung rinh
của chòm lá.
Tiếng cười vô hình, tiếng kêu
của một con chim, sự mờ tối
của tiếng nói. Một vẻ dịu êm nào đó,
một sự hung bạo nào đó.
Đường dệt dày và chuyển động
của đêm tối lúc này phớt qua
mình nước. Và cuối cùng
nỗi đam mê thật chậm rãi
của ngọn lửa, nỗi đam mê bị bóp nghẹt.
Đó mùa hè.
 
 

CHÚNG RƠI NHƯ NHỮNG TẢNG ĐÁ

 
Chúng rơi xuống nước như những tảng đá hạnh phúc.
Ấy là ba hay bốn đứa trẻ con
bỏ trốn sự khắc nghiệt của không khí
khô khỏng – ấy chính là
chúng và tiếng cười của chúng
khiến cho dòng sông còn có thể bơi lội được.
Có lẽ chúng cũng chẳng có gì khác
ngoài vẻ rực rỡ của tấm thân trần,
mùi thơm của trái xanh,
niềm vui
đang chạy trên làn nước,
được chia sẻ cùng ánh sáng
tháng Tám và đôi mắt
của kẻ cũng đang học cách
cởi bỏ áo quần
mà chẳng hay y có làm
kịp lúc để còn có một dòng sông.
 
 

VẬY THỜI CHÚNG TA LẠI BẮT ĐẦU

 
Vậy thời chúng ta lại bắt đầu, đôi tay
lòng bàn tay áp vào lòng bàn tay.
Này, thôi đừng nói, cái từ ấy.
Liệu các từ có còn một ý nghĩa?
Còn có chăng một mùa hè khác, một vùng biển khác
cho các từ?
Chúng đi từ đợt sóng tới đợt sóng,
từ đợt sóng tới đợt sóng chúng tự xóa nhòa.
Phải chăng chúng ta, em và tôi, sẽ là những từ ấy?
Chúng đưa ta tới đâu, trong buổi hoàng hôn này,
lòng bàn tay áp vào lòng bàn tay,
tay trong tay như thế?
 
 

TINH KHÍ CỦA MÙA THU

 
Tôi sẽ phải nói tới tinh khí của mùa thu,
lúc này khi tháng Chín
đã tàn. (Tinh khí
là một từ khả nghi: không một
kẻ giả dối nào lại không ẩn núp
dưới bóng nó.) Phải chăng ấy là
sự say sưa? Là làn gió ban mai
cuốn đi những chiếc lá
những người thiếu nữ những khúc ca?
Là hơi thở của các vì sao?
Phải chăng ấy là nét đẹp,
tinh khí của mùa thu? Có một giới hạn
đối với con người, một giới hạn
để chịu đựng sức nặng của thế giới.
Nét đẹp, nét đẹp man rợ
kiêu căng, ai người có thể tự ngăn ngừa
mà không e ngại trái tim mình nổ tung?
 
 

NẾU TỪ MÙA THU NÀY

 
Nếu từ mùa thu này một chiếc lá,
chỉ một chiếc lá, tách khỏi
mái tóc mùa thu vàng sậm,
mơ màng,
và nếu trên chiếc lá ấy bàn tay
với màu thiên thanh viết lên
một cái tên, chỉ một cái tên,
thì ấy sẽ là điều thoáng nhẹ nhất
trong tất cả những gì trái đất sở hữu,
một trái đất nóng sốt và thật riết róng
niềm vui.
 
 

CÓ KHI TÔI VẤP

 
Có khi tôi vấp phải em trong một dòng thơ
mà tôi viết ngày xưa – thế nhưng sự có mặt
của em thật kín đáo khiến không ai
ngoài tôi có thể nhận ra em.
Và tôi cảm thấy mình biết ơn, như tôi cũng biết ơn
đối với con mèo ở ngoài vườn hay những con hải âu
đã cào bới biết bao vần thơ của tôi
để tìm kiếm mặt trời tươi mát nuôi thân.
«Ngực em đấy, miệng em đấy», tôi liền nói,
và, từng lúc, trong bóng mờ của căn buồng
lại ngời lên tấm thân của thèm muốn.
 
 

NHỮNG CON TẦU HAY CHIM CHÓC

 
Ban đêm ấy là những con tầu, buổi sáng ấy là chim chóc:
chúng ca hát bước vào trong nhà.
Chúng cùng đi với nhau ngày lại ngày như anh em
song sinh, lệ thuộc
lẫn nhau, như những vì sao
của cùng một chòm sao.
Mỗi chuyến đi đã là một khám phá
những cảm xúc, khám phá đầy hoan lạc,
từ cảng này tới cảng kia; lúc này
ấy chỉ là nỗi thèm muốn thành thạo
được quay về khoảnh công trường nhỏ
với những bức tường vôi, với ngôi nhà
nơi thân xác đã nhận ra mình trong một thân xác khác,
trung thành với làn ánh sáng này, với vùng biển này.
 
 

CHÚNG ĐẾN TỪ MỘT VÙNG TRỜI

 
Chúng đến từ một vùng trời xưa cũ, một vùng trời
có lẽ là của giả tưởng. Tôi thấy chúng tới,
tôi thấy chúng đi. Ấy là những cánh chim
thiên di, tôi không biết tên chúng.
Cũng như tôi, chúng rất ít thực tế.
Chúng đi theo hướng gió,
về phương nam, theo tiếng gọi
của thứ vôi nóng bỏng trên vùng biển.
Thật khó khăn, nỗi niềm luyến tiếc;
dĩ nhiên lại càng khó khăn thêm khi
thời gian làm thương tổn ánh mắt chúng ta
và tước đoạt của ánh mắt những gì riêng biệt nhất của nó:
sự trần truồng êm ái của ánh sáng nguyên thủy.
Nhưng tôi nói gì kìa, nếu không phải là về chim chóc?
 
 

KHI MÙA HÈ CHẤM DỨT

 
Khi mùa hè chấm dứt trẻ em trở lại,
chúng chạy trên khu đập doi ra biển, chúng chạy trong gió.
Tôi đã sợ rằng chúng không có đó.
Là vì đôi khi trẻ nhỏ không
trở lại. Không biết tại sao
thế nhưng cả chúng nữa,
chúng cũng chết.
Chúng, những trái cây của ánh dương:
những trái cam trái lựu
trái hồng. Chứa đầy chất cốt
vào mùa thu. Đứa trẻ sống trong tôi
cũng đã trở lại; nó tiếp tục chạy
dọc theo tháng ngày của tôi. Tôi cảm thấy đôi mắt nó
cười vang; đôi mắt nó
nhỏ bé lấp lánh như những đầu đinh
thếp vàng. Tôi cảm thấy những ngón tay nó
reo ca cùng với mưa.
Đứa trẻ đã trở lại. Nó chạy trong gió.
 
 

SỰ THẬT THI CA

 
Đã bao năm mi có đó, trên khoảnh sân đập lúa
hay trên mái nhà, mổ mổ
từ sáng tới chiều, miếng bánh khó khăn;
chấp nhận những mảnh vụn của trái tim chúng ta,
chia sẻ trong cát bụi
chỗ nằm của phận vị chúng ta tăm tối;
em của con chim dâm bôn
thuộc La-mã của Catulle trên lòng
Lesbie*; luôn luôn
ở quanh quẩn chúng ta, là sự thật thi ca
hơn là tạo vật tự nhiên, như một nhà thơ
Hoa-kỳ đã nói về chim sẻ.
Hôm nay ấy một người Bồ-đào-nha chẳng kiêu hãnh chút nào
về con người mình đã mở cho mi những cánh cửa
của bài thơ và mời mi vào,
là vì mi đã chẳng biến ca khúc của mi thành một điều xa xỉ,
mi đã chẳng bán buôn gì với tài sản chung,
và như thế như một đứa trẻ ngoài đường phố
mi khám phá ra mùi vị của cuộc sống
cả đến trong một vũng nước đục.
 
----------------------
* Catulo (nguyên tác) hay Catulle: nhà thơ tiếng la-tinh (k.87- k.54 trước Tây-lịch); Lésbia hay Lesbie: người tình của nhà thơ. (DC.)
 
 

TRONG TIẾT ĐIỆU RÂM RAN

 
Trong tiết điệu râm ran hãy còn chưa định hình
của một dòng thơ
trỗi dậy một tấm thân mở ra trước nắng
của bàn tay tôi.
Tôi đã thuộc về xác thân tôi quá ít
khiến tôi cũng chẳng buồn
hôn lên đôi môi mà người ta chìa cho tôi.
Ra sao nhỉ thứ ánh sáng mà tôi đã khước từ
vì e
bởi quá xanh nên nó sẽ đắng?
Làm sao tôi đã tới bước ấy, bị tước bỏ
tất cả những gì tôi đã từng yêu mến? Phải chăng em
bằng thanh xuân của em đã khiến tôi già đi?
Này, thôi đừng nói gì hết. Sự âu yếm
sẽ nói những gì thèm muốn không còn biết nữa.
 
 

EM ĐÃ CHẬM TRỄ THẬT LÂU

 
Lần này, em đã chậm trễ thật lâu
Tôi rốt cuộc đã nghĩ rằng em lạc mất
trên làn tuyết trắng nhăn nhúm.
Ánh sáng phiếm chỉ
của một tấm hình cũ kỹ lúc này là
ánh sáng của em. Em sẽ không còn ánh sáng nào khác.
Cũng chẳng còn sự im lặng nào khác hay áo quần
để che chở cho em khỏi lạnh.
Thế tuy nhiên trong ánh mắt em
có một vẻ kiêu hãnh bị phủ che nào đó
làm như thể ánh ngời
là chốn ở của em, tuổi
em. Và bông hồng
mà tôi lúc nào cũng nhìn thấy trong tay em
vẫn còn đó, dẫu nhạt mờ.
Tôi không đòi hỏi gì hết, em không nói với tôi điều gì hết,
nhưng một nụ cười ngắn ngủi ngời sáng trong bóng tối.
Phiếm chỉ và cấp bách là làn ánh sáng
che chở em và cuốn em đi.
 
 

ĐỪNG TÌM KIẾM NÓ

 
Đừng tìm kiếm nó bên bờ biển,
đừng tìm kiếm nó nơi những ngọn đồi.
Nếu ngươi không thấy nó trong đám cỏ khô,
nếu ngươi không linh cảm nó nơi những dòng suối,
hãy tìm kiếm nó nơi bài ca này.
Tiếng hót của nó đến từ một dòng sông khác,
con mái đến từ một nơi khác.
Duy có kẻ yêu chim chóc như thế
mới nắm trọn mặt trời trong bàn tay.
Bánh mì trắng ở trên bàn ăn,
những trái ô-liu, rượu nho,
bên cạnh bông hồng, cả bông hồng nữa
cũng đến từ một bài ca khác.
Con sáo trắng sẽ không còn chậm trễ
đến ăn với ngươi
và với ánh sáng mịn màng tháng Tư.
 
Và như thế một ngày kia sẽ phải ngợi ca
trái đất,
trái tim nó thơ ngây.
 
 

THƠ KHÔNG ĐI

 
Thơ không đi dự lễ mi-sa,
không vâng lời tháp chuông xứ đạo,
ưa thả bầy chó
táp cặp giò của thần linh và những viên thu
thuế.
Ngôn ngữ của lửa của khước từ,
con đường hẹp
và điếc trước sự thoái vị, thơ
là một loài thú
trong tăm tối bác khước bàn tay
vẫy gọi nó.
Con thú đơn độc, đôi khi
hài hước, đôi khi thật dễ thương,
hầu như bao giờ cũng nhẫn nại và không sùng đạo.*
Thơ tôn thờ
bước chân không trên cát mùa hè.
 
-----------------------
* e sem piedade. Bản Pháp văn của Michel Chandeigne dịch là «et sans pitié aucune» ('và không chút xót thương'). Nguyên tác có thể có cả hai nghĩa. (DC.)
 
 

LÚC NÀY CÁC TỪ

 
Lúc này các từ, chúng tuân lệnh tôi
kém hơn nhiều. Chẳng có gì
chúng cũng lằm bằm, không buồn
để ý tới những gì tôi bảo,
không kính trọng tuổi tác của tôi.
Có lẽ là chúng đã mỏi mệt với bộ dây cương,
không tha thứ cho bàn tay
cứng rắn, sự rửng rưng của tôi
đối với pháo bông.
Tôi thương mến chúng, tôi chẳng có một đam mê
nào khác, và chúng trong suốt bao năm trường
cũng thương mến tôi: chúng nhảy múa
quanh tôi khi tôi tới gặp chúng.
Cùng với chúng tôi đã nhóm lửa,
chúng nuôi dưỡng tháng ngày của tôi, nhưng lúc này
chúng thật khó chịu, vuột thoát
giữa những ngón tay tôi, trườn qua kẽ răng tôi
nếu như tôi toan giữ chúng lại. Hay có lẽ rằng
lúc này tôi chỉ tìm kiếm những từ lồng lộn nhất?
 
 

TÔI LẠI MƠN MAN

 
Tôi lại mơn man sự dịu êm
của gỗ: tấm ván,
tấm ván bàn giấy của tôi,
người bạn đường
của biết bao giờ phút trên đầu gối,
nơi trong kinh ngạc của giấy
tôi vấp váp, bập bẹ,
trong lúc tấm mền bông sọc màu mang về
từ những hòn đảo phía bắc che chở tôi
khỏi lạnh, vào những giờ mà mù sương
biến Douro thành một bức tường thành;
tấm ván đã theo tôi
từ ngôi nhà này tới ngôi nhà khác, từ dòng sông này
tới dòng sông khác, láng bóng, nhẵn nhụi,
nhờ những bàn tay lúc này đã thất lạc
trong tháng ngày đảo ngược.
 
 

Ở NEW BEDFORD

 
Chính là ở New Bedford: một con tầu
đã trẩy đi Nantucket.
Tôi rùng mình bị mê hoặc vì cõi sa mạc
trắng của tính danh ấy.
Melville, Moby Dick, biển – đột nhiên
tất cả trỗi dậy từ mấy vần này;
một vùng biển hạnh phúc của bầy cá nhà táng
với trên đầu những gié bọt sóng,
đám cưới của con bò mộng trắng
với con cá voi xanh
trong cánh đồng dịu êm của những dòng nước,
ngọn suối huyền bí của niềm vui,
những cái nhảy vọt hướng về phía mặt trời, khúc ca
sâu thẳm, lòng dũng cảm, sự hăng say
giữa người và cá ông. Ấy cũng là
cái chết. Cái chết không bao giờ trong trẻo.
Cái chết lớn lên trong bóng mờ,
truyền đi trong không khí, lọt vào những cánh mũi.
Duy có sa mạc là trắng;
cái chết thời không; duy có biển.
 
 

TỪ PHÍA BIỂN

 
Như Pelléas, ngọn gió tháng Ba
cũng đến từ phía biển.
Nơi ngọn gió ấy có một cái gì xù xì thô xảm mà tôi
lúc nào cũng yêu mến: ấy là cái thô xảm trong ngôn từ
của những người đang căng lưới
dưới mặt trời của hàng cọc, ấy cũng là cái thô xảm
của những bức bích họa ở Siena
mà cơn gió lạnh lúc hoàng hôn lướt qua
– hay ngọn gió ở những bờ dốc Alpedrinha,
luôn luôn, luôn luôn, vuột thoát
giữa mấy ngón tay tôi và để lại trong tóc
một mùi ánh sáng ban mai của nhựa cây.
Ngọn gió đã lọt vào qua khung cửa sổ
sáng nay và quất vào mặt tôi
đem lại cho tôi mùi thơm của những đụn cát,
có mùi những con thuyền, rỉ sét, dầu hắc.
Ấy là ngọn gió ở Cantareira.
 
 

KHÔNG CÓ GÌ

 
Không có gì, kể cả mùa hè
là đầy đủ. Còn kém hơn nữa là tràng chuỗi
những vần chữ mà không chải chuốt
tôi đặt quanh hông em.
Không bao giờ em đòi hỏi tôi gì hơn, không bao giờ
tôi cho em một điều gì khác.
Khi chúng ta nối đôi tay, chúng ta quên
rằng chúng ta mắc tội thơ ngây trong trắng.
Và chúng ta mỉm cười, xa lạ
với mặt trời đang nghiêng bóng, với vì sao
phía bắc mà chúng ta biết là đang tàn lụi.
Đặc ân của cuộc sống là
cái im lặng du dương này, cái im lặng từ ánh mắt em
rơi xuống mắt tôi
và trở lại với em được gia tăng
với ánh sáng ban mai đang quét vòng khắp biển.
 
 

NHƯ THẾ ĐÓ

 
Như thế đó:
người ta nói lời vĩnh biệt nhau, người ta bỏ đi
trong lúc nguyền rủa trái đất,
người ta chất lên mình một nỗi đắng cay mà ngay đến quỷ ma
cũng không chịu nổi; cùng với thời gian
người ta quên đi những bất công, những phiền muộn,
những lời sỉ vả, người ta chỉ muốn trở lại
với mùi rơm khô, với hơi ấm
thú vật ở chuồng thú,
với giấc mơ tới một vườn rau vừa phải
với ba đấu bắp phơi ngoài nắng
và hai cội thông rừng –
là vì trên thế giới
không có một nơi nào khác
rốt cuộc lại có nhiều hoan lạc đến thế để ngụp lội.
 
 

VỚI LỚP ĐẤT SÉT NÀY

 
Với lớp đất sét này, lớp đất quá nghèo nàn
quá còm cõi quá đen tối,
với lớp đất sét này nơi ánh sáng
dẫu là thứ gay gắt nhất, cũng khó
lọt vào;
nơi nước, sống sượng không kém,
cũng lần lữa
rồi thoát đi; với lớp đất sét này
nơi chỉ có nỗi quạnh hiu,
phải, nỗi quạnh hiu, sâu thẳm và hết sức thuộc về chúng ta,
mới cảm thấy thoải mái;
với lớp đất sét này
– thứ cơm bánh nào, áo quần nào, chốn ở nào
những bàn tay như thế sẽ tạo nên
những bàn tay quá đui mù và quá ham hố?
 
 

TRONG THÈM KHÁT CỦA TÔI

 
Hãy xót thương kẻ không ngủ,
kẻ qua đêm trông chờ
cho im lặng thức giấc.
Gió lẽ ra đã phải reo ca nơi rặng dương ngô đồng
cùng với vầng trăng mới, lẽ ra đã phải là thêm một chiếc lá
hạnh phúc trên đôi vai mùa thu.
Nhưng gió dường như đã mắc chứng điên dại:
từ đông sang tây gió quét
khắp đường phố, gió quét khắp đêm tối: gió
thật nhẹ nhàng khinh khoái
quét khắp cùng thế giới – trong lúc cuồn cuộn xoáy tít
gió cuốn theo rác rưởi cả ngàn lần dơ bẩn.
Và giấc ngủ tới.
 
 

NHƯ PHẤN HOA

 
Như phấn hoa hay hạt mầm nhỏ xíu
và có cánh của giống cây cỏ,
quá thường thấy bên đường,
ta kêu bằng «răng-sư-tử»*
mà một hơi thở hay sự lướt qua
của một con côn trùng giải thoát,
mang theo cùng với nó; như hạt mầm ấy
mi cũng thật nhẹ nhàng trong làn gió hiu hiu,
ôi làn hơi tỏa lên thật mịn màng
của đất: mi hãy đi, hãy đi và đừng trở lại
trừ phi không khí trở thành trong trẻo,
trong trẻo như lòng
bàn tay, hòa lẫn
với mày vàng
trong một ánh mắt.
 
---------------------------
* Dịch sát theo nguyên tác: dente-de-leão (Bồ); «pissenlit» (Pháp). Từ điển Thanh-Nghị: 'cây bồ-công-anh'. (DC.)
 
 

NÓI VỀ MÈO

 
Tháng Tư mèo tới: trước tiên
là con xưa nhất, tôi lúc ấy
mới lên mười,
đó là một con cọp con không bao giờ quen
với lớp cát nơi cái thùng nhỏ, nhưng đã là
kẻ đầu tiên chiếm đoạt tim tôi.
Kế đó tới, ngay từ ở Coimbra, một con mèo cái
không hề lần lữa trong nhà: nó phạm tội tà dâm
và sinh nở ở rừng thông, tôi không dành cho nó
lòng thương mến dài lâu, nó cũng chẳng xứng đáng,
con điếm ấy. Chỉ nhiều năm về sau
mới bước vào nơi tôi ở, để trở thành
chủ nhân, con mèo nhỏ Ba-tư
màu biếc xanh. Người đẹp làm đảo lộn
tâm hồn chúng tôi rồi bỏ đi.
Chính bởi thế mà kẻ tới liếm vết thương
bỏ mở khi nó chết
lúc này là một con mèo cái nhỏ đen và chẳng thích đi đâu
với ba hay bốn vệt vôi
trên bụng. Ấy chính là dưới nắng của đôi mắt nó
có lẽ tôi sẽ sưởi ấm đôi tay, và chia sẻ
việc đọc cuốn Público vào chủ nhật.
 
 

RƯƠNG THÁNH*

 
Màu xanh lục của ánh sáng còn rụt rè
nơi những cây ti-dơn,
màu vàng ánh dương
của tiếng gáy ban mai lũ gà trống,
màu thiên thanh tươi nở của những chùm nho Corinto,
màu tím lành lạnh của những bông hoa tím
đầu tiên hết, màu đỏ
hiển hách của tiếng chim ưng:
từ bắc tới nam
đó là cầu vồng đang chỗi dậy
trong buổi mai ẩm ướt,
đó là mùa đông đang bỏ đi,
mùa đông già và
ngái ngủ ra đi:
từ khung cửa sổ
người ta thấy những con thuyền nhỏ sau chót -
 
-------------------------
* Arco-da-Alianca (Bồ) hay «Arche d'Alliance» (Pháp): rương, tráp người Hy-bá dùng để đựng những phiến đá khắc ghi mười điều Đức chúa truyền cho Moïse (Mai-sen), người lãnh đạo họ. (DC.)
 
 

VỚI ULYSSE

 
Với Uy-lịch-sơn ở mũi tàu, ai lại chẳng ưa
rảo khắp các vùng biển? Lần cuối cùng
tôi ở đảo ấy vẫn là
chiếc bóng ông hướng dẫn tôi.
Trên ngọn đồi của đền thờ
tôi đã chỉ thấy những hàng cột
gãy đổ, những đám cỏ gai, những cây mâm xôi tràn ngập
che giấu một vài ổ rắn.
Trong lúc ngẫm nghĩ tới những người
đã chiến đấu như kẻ lấy
chính cái chết của mình làm khoái lạc, tôi tình cờ
nhận thấy một cành sơn tra
trắng, và làm sao từ đấy
chảy ra một dòng máu đen
mất hút trên đất trần.
 
 

DƯỚI BÓNG HOMÈRE

 
Cực kỳ hiểm độc là tháng Tám này – hơi nóng gắt của nó
trèo lên mọi bậc cấp của đêm tối,
khiến tôi mất ngủ.
Tôi mở cuốn sách luôn luôn ở tầm tay,
tới đoạn lời van nài của Priam – nhưng khi
con người dũng mãnh Achille ra lệnh cho vị vua già
đừng làm khổ tim mình
thêm nữa, tôi ngừng đọc.
Buổi sáng chậm tới. Làm sao ngủ
trong chiếc bóng khổ sở
của một ông già ở ngưỡng cửa cái chết?,
hay với những giọt nước mắt của Achille
trong hồn, xui nên do người bạn
mà ông vừa mai táng?
Làm sao ngủ trước những cánh cửa của tuổi già
với khối nặng này trên tim?
 
 

ĐỂ CHO ĐI

 
Để cho đi tôi hãy còn bốn tảng
đá vôi, bốn nắm
tuyết, bốn bông hồng
lấy trộm của bọt sóng các nguyên âm.
Vào thời khác tôi đã có một cây sên*
trước cửa, ở nơi nó hát ca
bốn mùa và chim chóc.
Chúng hát ca những xúc động, những u sầu,
những điều nhỏ nhặt, nhẹ nhàng:
cái thú của ngày tháng.
Chúng hát ca khi ánh sáng vọt lên,
và khi ánh sáng vụn vỡ
ta vẫn còn nghe tiếng hát.
Phải chăng ấy chúng? phải chăng tôi?
Buồn rầu thay chức phận của biển.
 
--------------------------
* um lodão (nguyên tác), «micocoulier» (Pháp), giống cây cùng họ với cây du. Thanh-Nghị còn dịch là cây 'tầm ma'. (DC.)
 
 

ĐÃ HAI NGÀY

 
Đã hai ngày mưa: trời
cây cối và cả đến biển, hết thảy đều có
cùng một màu bùn.
Mưa cũng đã mang lại sự thất bại
của những người dân chủ Mỹ
ở hai viện Quốc hội.
Từ lỗ chân lông tới lỗ chân lông cơn lạnh
đen của ưu sầu chầm chậm
thấm sâu. Tôi tìm kiếm
nơi bài lễ Mi-sa điệu Si thứ
một điều gì tựa như ánh sáng
dẫu bị thương tích
mà luồng gió mang theo cùng với nó.
Một thứ nhạc như thế, làm bằng một hiểu biết
cũng là một đam mê đối với bất kỳ ai, thần linh
hay con người, không còn khả hữu.
Là vì không còn nữa thần linh? Là vì
không còn nữa con người?
 
 

NGƯỜI TA KHÔNG HỌC BIẾT

 
Người ta không học biết được gì nhiều nhặn với tuổi tác.
Có lẽ chỉ học biết giản đơn hơn,
viết với ít tính từ hơn.
Tôi chầm chậm lắng nghe một tiếng xôn xao.
Ấy có thể là một khúc nhạc dạo hãy còn rụt rè
với tiếng hót của một con chim, một giọt
nước từ vòi nước không vặn chặt,
mùi thơm báo trước thật yêu dấu
của những chùm hoa lilas đầu tiên?
Dẫu là gì chăng nữa, ấy là những gì lưu giữ tôi
ở lại đây, nuôi dưỡng tôi, ngăn cản tôi không chỉ là
một rung động thuần túy của vôi,
một hòa âm đơn giản của ánh dương, một gút thắt
của ánh sáng đen sẵn sàng nổ tung.
 
 

VỚI NHỌC NHẰN

 
Dẫu rằng với sự nhọc nhằn, nó tách rời,
nó lìa bỏ tôi,
mùa hè – mùa hè đã lao sâu
những mình rễ vào nơi đã từng là
một vùng đất mở rộng trước ánh ngời của nó.
Nó đã để lại những dấu vết, tên ngu ngốc:
trọn khuôn mặt tôi khiến tôi đau, mái tóc,
vành môi, và trên hết
là đôi mi mắt xốp.
Chẳng bao lâu nữa sẽ là thời
xem xét những con đường mòn tí tẹo
chạy khắp trong thân thể
hướng về một vì sao nào không rõ,
chăm chú lắng nghe
lời thuật sự của im lặng.
Dẫu trái tim
có chan hòa ánh dương tới đâu ta vẫn tiến tới
điều đó – và điều đó
có hình thù bi ca
nơi một dòng sông và một dòng sông khác chậm rãi chết.
 
 

CHÚNG TA KHÔNG BIẾT

 
Chúng ta không biết gì hết, và cái gì chúng ta có được
thật ít ỏi: ấy là một cái tên,
một cái tên bằng văn xuôi thông dụng;
quá nhỏ bé khiến cũng chẳng đạt tới
cả đến cành
ti-dơn đương hoa; còn bé hơn
cả sao mai;
một cái tên thông thường: Joaquim
António João,
thích hợp để nói khi cái lạnh
gay gắt nhất;
một cái tên mà sương mai uống
trong đôi mắt những người bạn đã chết
quá sớm; hay đã lạc mất.
 
 

Ở MIỆNG GIẾNG

 
Cái gì mùa hè mang lại cho tôi không phải
là tiếng ve
chát chúa và chua
mà mặt trời
giúp leo lên mãi tới những đỉnh
thông;
không phải là biển, biển đang bước vào
qua những khung cửa sổ,
biển được lặp lại từ cửa miệng
đến cửa miệng; cũng chẳng phải chim chóc
phát sinh từ gợn sóng
và đã bao lần làm tổ
nơi những vần thơ tôi;
hôm nay cái gì mùa hè mang lại cho tôi
là tiếng kêu
đen tối của những dòng nước – tôi nghe thấy nó
cào cào, trèo lên những bức vách,
chết ở miệng giếng.
 
 

TRỜI CHƯA MƯA

 
Trời chưa mưa nhưng đất
trong màu vàng nhạt và lạnh lẽo
đã cảm thấy mưa.
Có lẽ tôi không thể sống ở nơi mà ánh sáng
là kẻ lạ xa. Có lẽ tôi sợ
phải chết mà không được chia sẻ
với mặt trời buổi trưa
nhịp đập của chính ánh mắt tôi.
Người ta không thể đổi thay ánh sáng
như thay đổi áo sơ-mi:
xứ sở của tôi
là nơi mà tảng đá cháy rực của biển
soi rọi những lối mòn
của con tim. Và là nơi vôi
chảy xuống từ những bức tường và những mình cây
ô-liu. Tới mãi mặt đất.
 
 

MÙA HÈ LÀ THẾ

 
Mùa hè là thế: ấy sự rung động mạnh mẽ
và trong suốt gần như sờ mó được của đàn ve.
Không phải chỉ có tôi, mà cả chúng nữa
cũng nuôi thân bằng ánh sáng,
cũng bỏ trốn bóng mờ.
Bởi bóng mờ là nơi ẩn núp
của vu khống và hao mòn,
bóng mờ là nơi mà hư danh
và điên dại của lợi lộc chạy tới
với lời kêu gọi của loài đê hèn nhất.
Trời chẳng còn là gì hơn một cái hốc đen
bao la và trống rỗng,
thế nhưng tôi trông đợi rằng Địa ngục
vẫn còn những giàn hỏa
thời truy lùng tà đạo, và nơi những ngọn lửa của nó
một ngày kia ta vẫn còn có thể nghe
bầy chó nọ, từng quá lạm dụng quyền lực,
nổ lép bép – như lũ ve mùa hè.
 
 

BẰNG LỐI VIẾT DỄ THƯƠNG

 
Mùa hè đã mãn, từ nay tôi chỉ còn
thơ tiến dần về văn xuôi.
Từ phía ban mai
một con mèo bước từng bước lại gần
một con sẻ đang nhảy nhót
giữa đám lá vàng. «Ấy tim tôi,
ánh sáng là tim tôi», nó nói, và nhảy nhót,
bay đi trong buổi xế trưa. Biển
lui lại, một đứa trẻ chậm rãi bước trên đê,
nó hát, nó hát,
vẫn chưa biết rằng cha nó sẽ không
trở lại nhà. Một ông già níu bầu trời
xanh bằng bàn tay, ngó nghiêng
những đứa con trai đi qua, cười
cái tai ương của những con người phải tống khứ
những cục phân.
Hẳn Đức chúa là thế đó: nhã nhặn ân cần,
thật thà đến khờ khạo, đãng trí –
không có phân để tống ra, bởi đã quá già.
 
 

ĐỨA TRẺ CỦA PASOLINI

 
Nó vươn cánh tay về phía mặt trời
mặt trời mọc hãy còn rất xa
với giấc mơ của nó; ấy là một trong những đứa trẻ
của Pasolini, trần truồng
thật lộng lẫy, cắm xuống đất;
cánh tay phải,
như tôi đã nói, đưa lên; cánh tay kia
không hề buông thả lướt dọc theo
thân hình; nụ cười
khởi sự từ đôi mắt bà mẹ nó
và nơi nó nỗi âu sầu
của bội phản vẫn chưa
hé lộ; tương lai
có lẽ sẽ có những con người như thế
những con người làm bằng chất liệu
ánh sáng; tương lai bơ thờ uể oải;
hiện tại, không, không có thế.
 
 

TÔI KHÔNG BIẾT

 
Tôi không biết vì quái quỷ gì anh đã lựa
tháng Giêng để chết: đất
lạnh quá chừng.
Đã quá trễ cho những điều kể lể
chậm rãi của con tim,
gió vẫn tiếp tục
phần vụ lá:
nó bao phủ mặt đất bằng lãng quên.
Tôi biết: có lẽ anh đã muốn tồn tại.
Ít nhất cũng dài lâu bằng cội
ô-liu mà ông nội anh
đã trồng trong vườn nhà. Kiên nhẫn,
bạn ơi, cả đến Mozart cũng chết.
Chỉ có cái chết là bất tử.
 
 

TRƯỚC CỬA NHÀ TÔI

 
Mùa đông lại ngồi
trước cửa nhà tôi. Nó đem theo
biển. Biển đã già
và còm cõi, một màu đen sống sượng.
Nó cũng đem theo cây cối; mù lòa
và không một bóng chim:
dẫu không một hơi gió cây cối cũng lảo đảo.
Tôi bắt thương cho những chiếc lá của chúng
dán sát vào mặt đường
chỉ còn thoi thóp.
Ai sẽ tới, nguyền rủa thời tiết,
lắc lay những giọt
lạnh lẽo lớn?
Duy một nụ cười sáng rỡ
có lẽ sẽ sưởi ấm đôi tay họ; con tim
tôi không nói tới: không có một ngọn lửa nào
hong khô và khiến nó hồi sinh.
 
 

MUỐI CỦA NGÔN NGỮ

 
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe: tôi còn
một điều phải nói.
Điều ấy không quan trọng, tôi biết, nó sẽ không
cứu vớt thế giới, hay thay đổi
cuộc đời của ai hết – nhưng ngày nay ai
còn có thể cứu vớt thế giới
hay chỉ đổi thay chiều hướng
của cuộc đời một ai đó?
Ấy cũng chẳng mấy tí, như cơn mưa bụi
đang bắt đầu chầm chậm tới.
Ấy chỉ là ba, bốn chữ,
không hơn. Những chữ mà tôi muốn tâm sự với em.
Để khỏi tắt đi ngọn lửa,
ngọn lửa vắn vỏi của chúng.
Những chữ mà tôi đã yêu nhiều
và có lẽ sẽ còn yêu nữa!
Chúng là nơi ở, là muối của ngôn ngữ.
 
 
CODA*
 
Ánh sáng
ánh sáng còn vương
trên đôi chân hồng của bồ-câu
ở tận cùng niềm vui
 
– ai sẽ mang được nó
lên môi và ngủ bình yên.
 
--------------------------
* Coda (giữ y nguyên tác): từ trong âm nhạc, có nghĩa là «kết thúc». (DC.)
 
 
*
 
Homère, Melville, Cavafy, Pessanha, Williams được trích dẫn ở đây, một cách kín đáo hoặc minh danh, cho thấy một nỗi đam mê đối với cái «thực tại thô xảm» thật giàu những điều trái ngược, cho phép chúng ta đặt Camilo Pessanha bên cạnh Williams Carlos Williams. Đó là một vài người bạn đường của tâm hồn, ấy là nói với đôi chút tự đắc, là những dấu hiệu phân định giới ranh của một khu vườn nhỏ được trở thành cao quý nhờ sự hiện diện của họ. (Ghi chú của tác giả)
 
---------------------------------
Ghi chú của người dịch:
 
«Eugénio de Andrade sinh ngày 19.1.1923 tại Póvoa da Atalaia, trong vùng Beira Baixa (Bồ-đào-nha). Năm lên 10 tới Lisboa để theo học. Ở đây, nhờ tình thân và những chỉ dẫn của António Botto, ông khám phá các tác phẩm của Fernando Pessoa và đã cặm cụi sao chép lại trên những tập vở học trò, tại Thư viện Quốc gia: Bài ca biểnBài ca toàn thắng của Álvaro de Campos, những bài Ca thi của Ricardo Reis cũng như bài thơ số VIII trong tập Người chăn giữ đàn thú của Alberto Caeiro *. Tiếp theo là một vài ấn phẩm, bị chối bỏ sau đó, nhưng chính là với thi tập As mãos e os frutos (1948), và những tác phẩm kế tiếp cho tới ngày nay, ông được nhìn nhận như một trong những nhà thơ quan trọng nhất và có bút pháp độc sáng nhất của thời hậu chiến ở Bồ-đào-nha. Từ 1950 ông sống tại Porto.» (Trích «Lời nói đầu» của Michel Chandeigne trong Matière solaire).
 
Eugénio de Andrade, tên thực là José Fortinhas, một người “đồng tính” không giấu giếm. Ông nổi danh như một nhà thơ lớn của Bồ-đào-nha, đã vượt ra ngoài “quỹ đạo” của Fernando Pessoa. Như nhà thơ Pháp André Velter đã nhìn nhận trên tờ Le Monde: «Eugénio de Andrade là một trong những nhà thơ hiếm có của Bồ-đào-nha hiện đại đã khiến được mọi người nhìn nhận sự cá biệt của mình, đã băng qua thiên hà Pessoa mà không bị lệ thuộc hấp dẫn trường tâm thần thần thoại này.» Cũng trên tờ báo này, Valérie Cadet đã cho biết một số tính cách và ý nghĩa của thơ Eugénio de Andrade: «Từ thi tập này tới thi tập khác, thứ thơ này ngợi ca sự thèm muốn, ngợi ca thân xác trong vẻ rực rỡ của thanh xuân; như phản ứng công nhiên chống lại mọi thứ quyền bính đã chỉ muốn, trong hơn năm mươi năm ở xứ này, tán dương tổ quốc và hồn thiêng như những thứ đức hạnh duy nhất mà thôi.»
Chính Eugénio de Andrade đã viết về “ánh sáng” của đời mình như sau: «Lúc ấy tôi mới hai hay ba tuổi, lúc này tôi đã sáu mươi, và tiếng gọi của ánh sáng vẫn là một, như thể từ ánh sáng tôi đã sinh ra, như thể tôi không thể nào không trở lại với ánh sáng, chỉ với ánh sáng. Giữa buổi hoàng hôn đầu tiên và buổi hoàng hôn chót, luôn luôn trọn vẹn thân xác đã để cho lọt vào mình niềm hăng say đã biến thành sự vuốt ve mơn trớn ấy ở miền trong mờ nhất và khôn lường nhất của hữu thể, và nỗi niềm ấy chúng ta cũng sẽ gọi là ánh sáng, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết phải đặt tên cho nó là gì.» (Versants du regard, tr. 15.)
 
Ngay từ khi nhà thơ còn sống, người ta đã viết: «Eugénio de Andrade là nhà thơ lớn nhất hiện sống của Bồ-đào-nha, kể từ Miguel Torga» (Alain Bosquet trên tờ Le Figaro littéraire), nhưng lúc này mọi người chỉ nói giản dị: ...Pessoa, Eugénio de Andrade là những nhà thơ lớn nhất của Bồ-đào-nha...
 
O sal da Língua (“Muối của Ngôn ngữ”), dịch trọn vẹn ở đây, gồm 51 bài thơ và một phụ chú của Eugénio de Andrade. Bản tiếng Việt dựa theo bản Pháp văn của Michel Chandeigne: Le sel de la Langue, «Le Fleuve et l'Écho», La Différence, Paris, 1999, sách song ngữ. Hiện đã có bốn tập thơ của Eugénio de Andrade được dịch trọn vẹn ra tiếng Việt: Chất liệu mặt trời; Sức nặng của bóng tối; Trắng trên trắng; và Muối của ngôn ngữ. Một tuyển tập thơ Eugénio de Andrade cũng đang được chuẩn bị.
 
Eugénio de Andrade mất ngày 13 tháng Sáu năm nay (2005) tại Porto, sau một cơn bệnh lâu ngày.
 
Trắng trên trắng, một trong ba “đỉnh cao” của thơ Eugénio de Andrade, đã được giới thiệu “trọn vẹn” trên Tiền Vệ. Hy vọng sẽ có dịp cống hiến quý bạn đọc thêm nhiều thi phẩm khác của tác giả. Sau hết, như lệ thường, xin lưu ý quý bạn: những chữ “em” dùng trong bàn dịch, cần được hiểu “trong cảnh vực đồng tính”.
 
-------------------
* Alberto Caeiro, Álvaro de Campos và Ricardo Reis... là những «dị danh» của Fernando Pessoa, nhà thơ Bồ-đào-nha. Xin xem tư liệu về Fernando Pessoa trên Tiền Vệ. (ND.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021