thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người chết | Kẻ sát nhân đáng thương | Chẳng hạn | Tử tội
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
LAJOS KASSÁK
(1887-1967)
 
Lajos Kassák là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, hoạ sĩ, dịch giả và lý thuyết gia tiền vệ người Hungary. Ông sinh ngày 21.3.1887 tại một làng nhỏ ở Érsekújvár, bắc Hungary, nay thuộc Tiệp-khắc. Sau vài năm học ở trường, ông vào làm việc và học nghề làm khoá, rồi trở thành một thợ kim khí ở Györ, rồi ở Budapest. Năm 1904 ông cùng mẹ đến Budapest, sống trong khu phố thợ Angyalföld, và sau đó ít lâu bắt đầu tự học vẽ và làm thơ. Ông khởi sự tham gia hoạt động văn học năm 1808, với những bài thơ đầu tiên đăng trên nhật báo Hungary Független Magyarország [Độc lập], sau đó hai năm liền ông đi khắp châu Âu, ngược dòng Danube đến tận Vienne, rồi chủ yếu bằng đường bộ, ông băng qua Đức và Bỉ để đến miền đất mơ ước của mình: Paris. Trở về Hungary năm 1910, Kassák bắt đầu cho đăng những bài thơ tự do trong tạp chí Renaissance [Phục hưng], nhưng mãi năm năm sau [1915] ông mới cho xuất bản tập thơ đầu tiên, Éposz Wagner maszkjában [Thời đại dưới chiếc mặt nạ Wagner]. Cùng năm này, ông sáng lập tạp chí cách mạng xuất bản định kỳ lấy tên là A Tett [Hành động], tập trung nhiều hoạ sĩ và nhà văn trẻ cùng chung lý tưởng chống chiến tranh. Tháng 11.1916, sau khi Tett bị đóng cửa vì đường lối chủ hoà, Kassák sáng lập và chủ biên tạp chí tiền vệ đấu tranh MA [Hôm nay], cho phổ biến các tác phẩm của George Grosz, Kurt Schwitters và Hans Richter – tờ báo tập trung nhiều khuynh hướng nghệ thuật “cách mạng” ở châu Âu. sống được gần 5 năm trên đất nước này, trước khi Cộng hoà Hungary [Cộng sản] thất bại. và năm 1920 chính Kassák bị đi tù và phải bí mật di cư qua Vienne. Năm 1922 đối với Kassák và cả những người hâm mộ ông hẳn là một năm đáng nhớ: đó là năm ông công bố bài thơ dài quan trọng “Con ngựa chết, những con chim bay đi” [“A ló meghal és a madarakkirepulnek”] trên số tạp chí đầu tiên [và duy nhất] 2x2 do ông và Andor Németh sáng lập; đó cũng là năm ông bắt đầu gọi những tranh vẽ không tượng hình [non-figuratif] của mình là “hình ảnh kiến trúc”, cho ra đời “Bildarchitektur”, bài viết được coi là một tuyên ngôn quan trọng trong những chặng đường luôn luôn đổi mới của Kassák, cũng là năm ông cùng với Laszlo Moholy-Nagy xuất bản Új művészek könyve [Tập sách các hoạ sĩ mới] bằng hai thứ tiếng Hungary và Đức.
 
Với Kassák, MA [1] là một khúc quanh quan trọng: chính trên tạp chí này, ông đã hình thành một thứ “cương lĩnh” lý thuyết cho trường phái Cơ cấu Hungary vào năm 1921. Cùng với nhiều hoạ sĩ và nhà điêu khắc tiếng tăm thời bấy giờ, như Constantin Brancusi, Hans Arp, Kurt Schwitters… Lajos Kassák tham gia cuộc triển lãm quốc tế “Nghệ thuật hiện đại Quốc tế lần Thứ nhất” [11.1924] ở Bucharest, khoảng hai năm trước khi ông gặp và lui tới với Le Corbusier, Amedée Ozenfant, Yvan Goll và Paul Dermée ở Paris. Tháng 11.1926, sau nhiều năm sống lưu vong, ông trở về Budapest, và hoàn toàn suy sụp khi đảng Quốc Xã của Hitler nắm trọn quyền ở Đức và điều khiển chế độ bù nhìn ngay trên quê hương Hungary của mình. Phải đợi đến khi Hungary thoát khỏi ách Quốc Xã, Kassák mới tích cực tham gia hoạt động trong Hội đồng Nghệ thuật Hungary với tư cách là người biên tập – cho đến giữa thập kỷ 50, khi ông bị ép giải nhiệm, mặc dù tiếng tăm ông trên thế giới vẫn không suy giảm: nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật không ngừng được tổ chức ở Paris, Munich, Warsaw, Cologne,... dành trưng bày tác phẩm của nhà thơ, nhà nghiên cứu nghệ thuật, hoạ sĩ, nhà điêu khắc và đồ hoạ đa năng và phong phú Kassák, đặc biệt là triển lãm Dada trên qui mô lớn ở Nhà triển lãm Zurich [Zurich Kunsthalle, 1966] và ở Bảo tàng viện Nghệ thuật Hiện đại, Paris.
 
Những tác phẩm tạo hình cũng như văn chương[2] của Kassák khởi đầu mang đậm dấu ấn Dada, nhưng sau đó chuyển qua trường phái Cơ cấu, rời bỏ những mô típ xã hội, tiến đến những biểu hiện mang đậm tính cá nhân – trong tư tưởng cũng như trong cảm xúc.
 
Lajos Kassák là một trong những thí dụ sinh động của một văn nghệ sĩ sống thăng trầm với thời đại mình: xuất thân là một nhà văn chính cống thuộc giai cấp lao động trong nền văn học phong phú của đất nước Hungary, ông trưởng thành trong lòng phong trào xã hội, và mặc dù không dễ minh bạch gắn liền hoạt động và phong cách sáng tác của ông với những phong trào tiền vệ thời ấy, cây trái của ông vẫn mang ảnh hưởng trường phái biểu hiện, vị lai và sau đó là dada. Một thời, nói đến Lajos Kassák là nói đến người cha đẻ của nhiều thứ ismes lôi cuốn nhiều nghệ sĩ ở châu Âu. Năm Kassák qua đời [22.7.1967], ông được vinh danh, và một cuộc triển lãm nhìn lại toàn bộ sáng tác của ông được tổ chức tại Phòng trưng bày Adolf Fenues ở Budapest, là nơi hiện có một Bảo tàng Kỷ niệm Lajos Kassák.
 
 
 
Tem thư ở Hungary kỷ niệm cuộc đời Lajos Kassák
 
----------------
[1] Những năm sinh động nhất của tạp chí này ở Hungary [1917-1920], ngoài Új Költők Könyve [Tập sách các nhà thơ mới] do MA xuất bản, Kassák liên tục cho in nhiếu tác phẩm của mình, trong đó có: Egy szegény lélek megdicsőulése [Phong thánh một tâm hồn khổ, tập truyện ngắn, 1918], Misilló királisága [Triều đại Misilló, tiểu thuyết, 1918] và tổ chức triển lãm tranh của các nghệ sĩ tụ tập quanh tạp chí ngay tại Phòng Tranh của toà soạn.
 
[2] Thơ ông được dịch rộng rãi qua nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Ba Lan, Rumani, Nga, Serbia, Slovakia…
 
 
 
 
THƠ NHỮNG NĂM 1930
 
 

Người chết

 
Người ta bảo tôi đã chết và phải đào huyệt dành cho tôi ngày mai
không được cười cũng không được than tôi không còn quyền
tới đây tôi sẽ nằm dưới lớp đất nặng rỉ nước
như một kẻ chẳng còn gì chung với thế gian này.
 
Tôi không biết bày tỏ với ai trong chỗ tối đen sâu lắng này.
Có lẽ vẫn có dăm ba kẻ còn nhớ đến tôi trong thành phố
tôi từng sống y như bao người khác
bị khoá miệng, hoài công hi vọng
trên đầu mình bầu trời sẽ bị xé toạc, và Thượng đế cất
tiếng gọi mình đến cái máng ăn đầy ắp.
 
Ai hiểu được sự câm lặng của tôi và ai có thể nhìn thấy mình
trong đôi mắt tôi từ nay đã vĩnh viễn khép lại
và giữa mí mắt những giọt lệ cuối cùng đóng băng
và người biết đọc có sẽ còn đọc ra trong những vết nhăn mà năm tháng
dài lê thê đã khắc lên mặt tôi trong bao niềm vui và nỗi sầu?
 
Hai bàn tay bất động chắp vào nhau tôi nằm yên
nhưng không ra khỏi cái thế gian đang sống và cháy rực đúng y
như ngày hôm qua và y như hàng tỉ năm nay.
Ánh sáng đổ xuống tôi và phả vào tôi là những làn khí
các nàng nghĩ đến tôi những nàng từng yêu tôi
và đến lượt các nàng những người khác yêu thương nghĩ đến các nàng
ai nấy cuộn vào nhau như những mắt xích.
Mặc dù ngã xuống từ cây đời từ đó tôi sinh ra
hơn một lần tôi đã nghe tiếng chim hót cạnh tôi
tôi chuyện trò với mặt trời khi nó trải dài ánh nắng
và giữa những vì sao đêm
những giấc mơ từ xa đưa tay dẫn dắt tôi.
 
Đẹp đến đáng sợ, hỡi Thần Chết, khi mi lao xuống người ta trong lùm cây
và quật ngã ta để buộc ta phải rời bỏ cái vì sao thương tật kia
ta đã để lại đàng sau mấy cái nhìn dũng cảm
vài ba nụ hôn trên môi người ta từng yêu thương
và đứng giữa sa mạc ta đã cất tiếng niệm mấy câu thần chú
vẫn tiếp tục rung trên mớ xương cốt rã rời của ta.
 
 
 

Kẻ sát nhân đáng thương

 
Một người đàn ông đi lang thang trong ngõ hẻm
tâm hồn u ám trong cái nhìn u ám
len lỏi từ góc này qua góc kia
hắn muốn quên cuộc đời loạng choạng của mình
một vị rượu trắng nặng mùi trên đầu lưỡi.
 
Hắn hiểu rõ mình và hắn biết
đêm nay vẫn chính hắn là kẻ người ta lùng tìm để giết.
Dưới chân hắn nhựa đường vang tiếng rỗng
những câu hỏi và những mệnh lệnh kêu vo ve trên đầu
và ở cổ tay hắn đã cảm thấy sức nặng của những cái còng.
 
Chúa ôi, hắn sẽ đi đâu khi một lần nữa hắn đến được một góc đường?
Mỗi căn nhà là một tên cảnh sát, mỗi đèn đường là một cái dùi cui đẫm máu.
Để trốn khỏi tấm thân tội nghiệp của mình vì nó mà cách nay có một
khoảnh khắc hắn đã giết
hắn sẽ phải chui xuống đất để trốn, nhưng đất tàn nhẫn
và chỉ cho những người đã chết dung thân.
 
Tuyết rơi từ bầu trời u ám tháng chạp
gió gào qua thế gian đang ngủ say
và kẻ giết người ghê gớm giống như một đứa trẻ
yếu đuối sợ hãi không còn dám làm một cử động ngoài bóng tối.
Nhỏ bé, bị bỏ rơi, hắn không còn cảm nhận được tuyết rơi trong
cổ mình và trong chùm râu mép và râu hàm hồn mình đang băng giá.
 
 
 

Chẳng hạn

 
Những kẻ tôi còn thương yêu đau lòng bỏ tôi đi
chính tôi đây cũng cách xa những người thương yêu tôi
 
Rốt cuộc tôi đã bứt hết lông trên đôi cánh bồ câu của mình
đào hố cho những con người mà hạt không nẩy mầm.
Có ai nhắm vào con đại bàng bay tuốt trên trời cao,
hắn bắn trúng tim tôi. Tôi sẽ ra sao?
 
Ôi những hồi chuông vang quá
hãy chớ đánh thức kẻ có giấc ngủ chập chờn.
 
 
 

Tử tội

 
Người ta đã đuổi bạn ra khỏi nhà
ra khỏi nơi bạn sinh ra
khỏi cái sân bạn từng chơi đùa
 
Và cảnh vật không còn chút hi vọng
cây cối cực kỳ trần truồng
loài vật gầy nhom
 
Lang thang một mình bạn ra đi
không bếp lửa chẳng nơi chốn
không một bóng trong không gian
không kỷ niệm trong thời gian
 
Không một tiếng thở dài cho bạn
không một vì sao lấp lánh hướng về bạn
bạn hoài công viết tên mình
lên cánh cửa thành phố
chẳng ai buồn xé nó đi
 
 
 
Tranh Lajos Kassák:
1. VO, tranh cắt dán trên giấy, 1922
2. Hình ảnh kiến trúc
3. Kỷ niệm năm thứ 40, tranh cắt dán, 1927 [in trên bìa sau số báo ARION 16, 1988.]
 
 
--------------------
“Người chết” và “Kẻ sát nhân đáng thương” dịch từ bản tiếng Pháp “Le mort” và “Pauvre meurtrier” của nhà thơ Pháp Alain Bosquet; “Chẳng hạn” dịch từ bản tiếng Pháp “Par exemple” của nhà thơ Pháp Jean Follain; “Tử tội” dịch từ bản tiếng Pháp “Le Condamné” của nhà thơ Pháp Bernard Noël – trong ARION 16 - Almanach International de Poésie, do Somlýo György xuất bản, 296 trang © Corvina 1988, số đặc biệt về nhà thơ-hoạ sĩ-nhà nghiên cứu nghệ thuật Lajos Kassák 1887-1967.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021