thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Marcel Proust con người xã hội

 

 

... j’avais assez fréquenté de gens du monde pour savoir
que ce sont eux les véritables illettrés, et non les ouvriers électriciens.
MARCEL PROUST, Le Temps retrouvé
 
On pardonne les crimes individuels, mais non sa participation à un crime collectif.
MARCEL PROUST, Le Côté de Guermantes
 
Tặng D. Châu

 

Marcel Proust con người xã hội

 

Thời đại của Marcel Proust là thời đại của những mâu thuẫn: những khủng hoảng tài chánh, những biến động xã hội và nhất là cái tương phản rõ rệt giữa những hình ảnh giàu sang và cùng khốn quá mức chắc hẳn là kết quả tức thời của chủ nghĩa tư bản và đế quốc lúc bấy giờ có vẻ như ngày càng được củng cố. Các phong trào có tính cách xã hội hồi đó đã tìm thấy tiếng nói của mình trong văn chương, và trong số các tác giả được coi như ý thức nhất, có những phát biểu chính trị trực tiếp và có liên hệ tích cực với các công cuộc đấu tranh của giới công nhân thợ thuyền cũng như trí thức, có thể kể đến Karl Marx, Emile Zola...

Marcel Proust không hề làm chính trị, nhưng cũng như hầu hết các nhà văn, các nghệ sĩ khác, như Zola chẳng hạn, ông đã hơn một lần biểu lộ ý chí, biểu lộ cái khát vọng công bằng khi mạnh mẽ lên tiếng bênh vực cho Dreyfus, nghĩa là cho sự bình đẳng của con người: như mọi người, ông đã chịu cái khí hậu xã hội mâu thuẫn nói trên không ít. Trong cuốn À l’ombre des Jeunes Filles en Fleurs, khi mô tả những bữa ăn rực rỡ ánh đèn trong các nhà hàng mà màu sắc huy hoàng được lồng sau các cửa kính trông giống như những bể cá, với đám dân chúng thợ thuyền ở Balbec ở bên ngoài, nghĩa là trong bóng tối, chính ông đã nhận xét cần phải đặt ra một vấn đề xã hội rộng lớn để tìm hiểu

... xem mặt kính ngăn có sẽ mãi mãi che chở được cho bữa tiệc lớn của những con vật đẹp đẽ kia và xem đám dân tối tăm khao khát nhìn trong đêm có sẽ đến lượm họ ra trong các bể cá và làm thịt họ không.

Các giai cấp sung túc nhàn tản dù quả thật có lo lắng trước các biến động xã hội đó, vẫn còn duy trì được một cảnh sống thật êm đềm, nhờ vào việc làm giàu thời cơ, do công cuộc mở mang thuộc địa đem lại. Chung quanh gia đình Proust, mà các biến động nói trên thực sự có ảnh hưởng nhưng chưa phải đã đảo lộn được một nếp sống đã sẵn khá giả, mọi sinh hoạt mâu thuẫn đã giải thích cái bầu không khí báo hiệu bão tố, không khí nghi ngờ, không khí trầm tĩnh nhưng bất định và xung khắc, nằm giữa thời đại của mặt tiền, thời đại ước lệ của những cuộc tiếp tân xa hoa, những bữa ăn linh đình, những lụa là màu tím hoa cà, những đồ sứ Nhật Bản, thời đại của Modern Style, của Isadora Duncan, thời đại phần nào được ghi lại trong những minh hoạ mực tàu của Aubrey Beardsley... và cũng là thời đại mà sáng tạo nghệ thuật một mặt thật ra chỉ được xem như một công việc vô bổ, một mặt bị lên án; thời đại mà đứng trước hai thứ chọn lựa, hoặc tránh quan tâm đến xã hội, hoặc tìm hứng trong chính xã hội đó, là hai việc làm quá sức đối với mình, nhà văn chỉ còn cách tránh sao cho mình khỏi xa lạ ở đó, khỏi cô đơn.

Sự tương phản giữa hai thái cực giàu và nghèo xuất hiện như một cái gì không phương cứu chữa. Giá trị phần lớn được đo lường bằng đời sống xa hoa của mỗi người, bằng của cải mà người ấy có – bằng gốc gác mà người ấy muốn tranh thủ cho được. Cũng như Henry James là người đã kêu tên chỉ bọn mà ông gọi là “hốt bạc” ở Hoa Kỳ, Marcel Proust, trong Le Côté de Guermantes, từng biểu lộ sự thù ghét đối với “thế giới tiền bạc”. Trong cái nấc thang giá trị đặc biệt đó, lý tưởng có thể có của một người rốt cuộc là trở về với chính mình, với nột tâm. Nhiều người có suy nghĩ đã cảm thấy lúng túng giữa việc chọn lựa chấp nhận cái không tránh được, hoặc chạy trốn thực tại và trú ẩn trong thế giới riêng rẽ, trở về tôn thờ cá tính, với một thứ ý chí mạnh của Nietzche, với niềm tự tin của Emerson – với diễn tả cá nhân. Kẻ sáng tạo trong một xã hội trục lợi dĩ nhiên không còn chỗ đứng nữa. Nơi những người thuộc giai cấp tiểu tư sản, ý niệm về cái đẹp cũng không còn. Các nhà văn, các hoạ sĩ, các nhạc sĩ... thường được chấp nhận với những điều kiện và trong những hoàn cảnh thoạt trông có vẻ dễ dàng nhưng lại thật cam go, trong các phòng khách sang trọng mà bổn phận của họ phải có tính cách chạy bàn, đôi khi giống như những con chó học giả: họ không có chỗ đứng, nhưng kỳ thực họ vẫn được đi – đi lảng vảng. Họ được chấp nhận không phải vì tài năng, vì tác phẩm được ngưỡng mộ, mà như những vật trang trí trong phòng khách. Proust đã từng là một trong những kẻ được tìm kiếm nhiều nhất trong vai trò này, và lại bởi những kẻ chưa hề đọc ông. Sự chấp nhận và tìm kiếm trang trí này – một hình thức lừa dối, bịp bợm ngoạn mục của bọn có tiền, vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, trong các xã hội “tự do” của ta – rốt cuộc chỉ có thể có một hậu quả: xã hội thối nát thêm và đồng thời sự cô đơn, sự vong thân (để dùng một chữ mà thời đó người ta chưa dùng đến) của những người làm văn nghệ ngày càng trầm trọng.

Proust đã làm gì trong các phòng khách mà thời niên thiếu ông đã đi qua? Và A la recherche du Temps perdu có phải chỉ thuần là một tác phẩm tự truyện, chỉ là ký ức của một kẻ thời thượng rong chơi như một số người đã đọc ông, hoặc chưa đọc ông bao giờ, vẫn thường học thuộc lòng và bài tiết? Một nhà phê bình trẻ tuổi, ông L. Bolle, đã nói đến cặp mắt của Argus nơi Proust; Drieu La Rochelle, nhà văn một thời theo kháng chiến, cũng từng nói đến một nỗ lực lâu dài và âm thầm, một sự tìm kiếm có vẻ thờ ơ nhưng là “một chuyến đi vô cùng tận qua hàng ngàn lối” – qua tác phẩm, hẳn Proust đã cho thấy quá rõ ông đã làm gì trong cái xã hội thượng lưu mà ông đã tham dự một thời, ở cả hai “phía” nhà ông Swann và “phía” gia đình Guermantes, phía Méséglise và phía Vivonne. Không ai có thể phủ nhận điều này, là một thời trong đời ông, Proust đã thường lui tới với một đám người mà người ta vẫn quen coi là thuộc xã hội thượng lưu; thế nhưng giữa rừng người mà ông không hề mảy may phụ thuộc, không một chút tin tưởng đó, ông vẫn tự coi là độc lập, vẫn để lộ bản chất cô đơn của mình, và dành trọn những dịp tiếp xúc kia cho công việc nhìn. Cũng như Montaigne, ông từng bị xếp vào hàng ngũ các nhà văn chú trọng bề mặt và ưa giao du trong giới thượng lưu. Ưa giao du trong giới thượng lưu là một trách cứ hẳn đã không làm ông phiền lòng: ông có thể đã từng thấy thích thú trước cái nhận xét trẻ con đó, bởi hơn ai hết, ông chính là kẻ đã cho thấy rõ cái xuẩn ngốc, thô bỉ, trống rỗng và buồn nản của đời sống xã hội thượng lưu – không những chỉ trong thời đại ông, mà trong mọi thời đại. Với con mắt nhìn của ông, đã sụp đổ luôn cả hình ảnh từng được coi là đẹp đẽ của các phòng khách văn chương sáng chói của thế kỷ trước. Ông đã cho ta thấy rõ vở hài kịch xã hội dài (tác phẩm ông) của cái giới thượng lưu đó, qua hai giai cấp trên lý thuyết vẫn riêng biệt rõ ràng, nhưng về phương diện kinh tế thì trùng với nhau và vẫn chỉ là một: quí phái và trưởng giả. Ông đã không hề rời xa đời sống để viết trong cảnh biệt lập, với những dọ dẫm lười biếng, ngược lại, ông đã sống thực, đã đến gần đủ loại người, để rồi sau đó mới thừa bệnh tật và tuổi suy yếu để viết lách. Jean Cocteau thật quả có lý khi bảo phải gạt bỏ cái ý nghĩ ngộ nhận cuộc đời Proust chia thành đời sống xã hội và đời sống cô đơn, ở giai đoạn một và giai đoạn hai, riêng biệt, bởi vì thật ra chưa bao giờ sự lui tới của Proust ở các phòng khách sang trọng của Mme Lemaire, của công chúa Mathilde, của bá tước phu nhân d’Haussonville, của Mme Strauss (nơi Proust được coi là cột trụ chính của những cuộc tiếp tân), của bà De Caillavet, bà Laure Heyman (người có nhiều nét tương tự với Odette Swann sau này) – chưa bao giờ sự lui tới của Proust ở các phòng khách khu Saint-Germain đó, dù có tính cách trang điểm rõ rệt dưới mắt bọn người có tiền, có thể hiện ra như một đời sống phù phiếm nông nổi mà ngày nay mọi người tiến bộ đều khước từ. Sự lui tới các nơi dành cho xã hội thượng lưu mà không ít nhà phê bình thường cho là một sự rong chơi đó chính là cách thế làm việc của ông, và cái xã hội mà chính ông trình bày ra, mỗi ngày với một cái nhìn châm chọc và khó chịu hơn đó, chính là môi trường sáng tạo của ông: ông vẫn phụng sự, và ông chọn lựa con đường phụng sự như vậy. Ở vào cái thời đại mà mọi phấn khởi đều sụp đổ, mọi phong trào đều bất động, tư tưởng và cử chỉ được lặp lại không biết bao giờ dứt, một cách máy móc, như Ramon Fernandez vẫn nói, sự trốn tránh nền văn minh nơi Proust mang một khía cạnh khác thường, một sự ẩn tích, bởi vì nó vẫn chỉ có tính cách thuần tinh thần, bởi Proust vẫn giữ được niềm phấn khởi của ông, và chữ “suy đồi” (mà một số các nhà phê bình phản động ưa gán cho văn chương ông, dù với thiện ý hay ác ý), chỉ áp dụng được cho những kẻ tuyệt vọng, hết đường sáng tạo, nhất định không thể thích ứng với ông là người đã tìm ra giải pháp cho mình, trong sáng tạo văn chương – trong lao động.

Tấn bi kịch xã hội diễn ra trước mắt ông và thoắt lọt vào cuộc sống riêng quen thu kín của ông như những luồng gió độc, rồi biến đổi ông, thực ra đã phải chờ đến hai biến cố thuần lịch sử dồn dập: vụ Dreyfus và cuộc Thế chiến 1914-1918, hai biến cố đã đi vào tác phẩm ông một cách tự nó đã có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì nó đã được lọc đãi qua những lời nói, những cử chỉ, những hành động và thái độ của các nhân vật ông. Sự kiện chính trị hay lịch sử có thể không làm cho Proust quan tâm, nhưng cái làm cho ông quan tâm, chính lại là cái còn lại của không khí chính trị và lịch sử nơi con người, cái phần còn lại đã được biến dạng và biểu lộ qua những thoả hiệp và những xung đột – những mâu thuẫn. A la Recherche du Temps perdu chính là những chứng tích của một giai cấp, một tầng lớp xã hội chỉ biết hướng về quá khứ trong đó tác giả, Người thuật chuyện, đã thích thú ngao du đây đó, trong những điều kiện dành cho một người mà sự hiện diện không thôi cũng đủ để cho bọn lắm tiền hãnh diện, một giai cấp quen “sống trong một cái lồng bằng pha lê hay trong một nhà kiếng dành cho những cây hiếm”, giai cấp không còn chức phận thực sự trong một xã hội, chỉ hưởng của cải và thế lực sẵn có, mềm yếu trước những thú rong chơi cao xa, giai cấp của gia đình Guermantes chẳng hạn, những gì còn sót lại của hàng quí tộc Pháp sau cuộc Cách mạng 1789, sau các cuộc cách mạng 1830 và 1848 – mỗi lần sống sót là mỗi lần suy yếu dần, do những kẽ hở ngày càng rộng ra sau những biến chuyển xã hội. Proust đã đi qua các phòng khách, đã đẩy nhiều cánh cửa sâu hút, đã bắt gặp những tội lỗi, những ích kỷ, những tham vọng, những phô trương phù phiếm, đã ghi lại những sự kiện nhỏ nhặt, đã nhìn thấy nhiều người thuộc giai cấp quí tộc và trưởng giả, hay những người đang tha thiết được chính thức tham dự vào giai cấp đó, những nhân vật không hồn, không một đời sống nội tâm, không một tia sáng chiếu dọi, nô lệ của chính những tật lớn và những tập tục kỳ quái của mình, giữa những đám gia nhân chỉ biết xưng tụng và bắt chước một cách ngu ngốc – để phô bày chính những hình ảnh làm nên đời sống, và đưa ra ánh sáng những gì sâu xa đã gây nên sự sa đoạ và suy tàn của cả một giai cấp xã hội, giai cấp mà qua những xung đột trong vụ Dreyfus, qua những cuộc cách mạng, đã để lộ đầu óc bảo thủ, sự vô ích và trống rỗng của một đời sống không còn gì bào chữa được để tồn tại, giai cấp trong đó có ông, nhưng chính qua tác phẩm ông đã quyết liệt khước từ, sau khi đóng xong vai trò phụ trong những cuộc lễ lớn, sau khi hưởng một qui chế đặc biệt mà ông đã sử dụng chỉ để làm một quan sát viên độc lập thôi. A la Recherche du Temps perdu chính là cuốn tiểu thuyết nói về một cái chết, cái chết thực sự và không vãn hồi được của hàng quí tộc, cái chết chung cuộc. Đi ngược lại với sự suy tàn khách quan của giai cấp đó là tiến trình tinh thần của cuốn tiểu thuyết, từ ảo tưởng đến giác ngộ: qua những cái lố lăng bên ngoài, tác giả chủ tâm đánh vào cái sa đoạ bên trong, nhấn thêm một bàn đạp để chôn vùi cái xã hội thượng lưu mà khi mô tả một cách tỉ mỉ thực ra ông không ngớt lên án.

Sự rong chơi mà giai cấp thượng lưu quí tộc quen theo đuổi và tìm kiếm gặm mòn nền móng xã hội họ, với sức phá mòn của một chất axít. Dần dần cái xã hội không còn biết lao động, không còn biết tranh đấu là gì, mà chỉ nghĩ đến chuyện dựa vào những vành hoa đã có sẵn, những hào quang trên trời rơi xuống, rốt cuộc phải biến mất. Proust đã chứng kiến, và ông đã công kích. Ông công kích luôn cả cái khía cạnh tích cực hơn trong sự rong chơi là thời thượng, tích cực hơn ở chỗ, ngược lại với rong chơi thường ắt phải dẫn đến chỗ làm suy yếu xã hội và đồng thời làm cho xã hội tan rã, thời thượng luôn nhằm duy trì xã hội đó, bằng cách tìm kiếm độc quyền, nhân danh sự đồng nhất để trục xuất, để đẩy người thuộc giai cấp khác ra khỏi xã hội. Anh là kẻ lạ, anh không thể lọt vào đây được. Trong tác phẩm tiểu thuyết Proust, người đọc đã thấy được thời thượng như một vũ khí chống lại sự xâm nhập của “kẻ thù” khác giai cấp, nghĩa là chống lại công cuộc cách mạng tiếp diễn từ thời hậu chiến Pháp-Đức (thời khai sinh nền Đệ tam Cộng hòa Pháp) và bình minh cuộc Thế chiến 1914-1918. Thời thượng mang những hình thức khác nhau, – và Proust hẳn đã có lý khi nhìn nó dưới góc cạnh của một căn bệnh qui tụ đủ những ích kỷ, kiêu căng, hèn nhát, yếu kém – mà hình thức nguy hiểm hơn cả là kỳ thị, bởi vì “nó được hỗ trợ bởi thế lực của cả một quốc gia” thể hiện qua vụ Dreyfus chẳng hạn. (Người ta không quên giữa bầu không khí khó thở của cả nước, với đám quân phiệt đang thao túng một cách hợp pháp tại các tòa án, Proust – kẻ một thời đã tin ở lý tưởng quân đội – đã tiên phong, sau bài báo tuyên ngôn J’accuse của nhà văn Emile Zola trên nhật báo L’Aurore, tổ chức chiến dịch hô hào xét lại vụ án, tự mình đi thuyết phục từng tên tuổi [như Anatole France chẳng hạn, là người lúc bấy giờ rất có ảnh hưởng trong giới trí thức ở Paris] ký vào bản “Tuyên ngôn 104 trí thức”, và mặc dù tình trạng sức khoẻ rất yếu kém, đã không ngớt tổ chức các cuộc hội họp ban đêm, thăm viếng nhà tù, với mục đích đưa ra ánh sáng sự sa đoạ của nền công lý quân phiệt và kỳ thị trên đất Pháp). Thời thượng là một thái độ, một hành động không thể tự giải thích được, bởi vì nó phát sinh từ đam mê chứ không phải từ trí tuệ – bởi đó, nó là một hình thức giảm thiểu của bạo động: nó ban phát một sự giúp đỡ huyễn hoặc, ảo tưởng, lấy tên là “chiêu hiền đãi sĩ”, mà thực ra lại căn cứ trên một chủ trương trục xuất rất phản động, có dự trước, đối với cả những người mà họ cần đến để trang trí cho cửa nhà. Qua tác phẩm, Proust đã chứng tỏ được điều này và đã thực sự đập vào đầu bọn có tiền trục lợi khi chứng minh chính giai cấp cầm đầu mới là ký sinh trùng của nghệ sĩ chứ không phải ngược lại. Proust thường mô tả những lối vận động và phô trương lố bịch trong những bữa ăn của các giới mà ông gọi là “Tout-Paris”, “Gotha”, “High-Life”, những câu chuyện kể được thêu dệt, nhắc đến những tổ tiên xa lắc xa lơ; và nhiều người đã cho rằng ông châm biếm, ông chế nhạo bọn người thời thượng như một người tron bọn họ, với cái cung cách êm dịu và đầy thông cảm của một người đang trêu cợt với người yêu của mình. Thật ra, chỉ cái cách ông mô tả những khách được mời, với những tên tuổi được “tuyển chọn” một cách kỳ quái, căn cứ vào tên tuổi những vị anh hùng từng chiến thắng vẻ vang trên các trận địa mà người mời từng nghe nhắc đến trong những câu chuyện thêu dệt kia và đã cố ghi nhận thuộc nằm lòng, chỉ cái cách đó thôi, để cho một thí dụ, cũng đủ chứng tỏ chủ tâm của ông, cái chủ tâm đả kích bằng cách khêu gợi, kêu gọi sự hợp tác của người đọc, cho thấy rằng những điều mà ông đã cố tình không nói ra phải là chuyện hiển nhiên. Với A la Recherche du Temps perdu, tác phẩm đã hủy diệt cái huyền thoại dai dẳng luôn luôn thúc đẩy mọi người nhắc đến một quá khứ huy hoàng của những người giao du rộng rãi, thời vàng son của bọn người thời thượng, chính Proust cũng đã hủy diệt cùng lúc cái mâu thuẫn trong chức phận xã hội của những kẻ thích chạy theo đuôi và cái huyền thoại “tổ tiên” mà bọn người này thường đem làm mặt tiền chận đường đi của người khác giai cấp, và chính ông đã chứng minh “nền giáo dục quí tộc và thượng lưu không phải dẫn đến điện Louvre mà đến Galerie Charpentier”, như J,-F. Revel từng viết.

Có một số vấn đề nhỏ cần được minh thị ở đây, liên hệ (hay không liên hệ) đến tính cách chính trị và xã hội trong tác phẩm của Proust. Proust không có những thắc mắc sâu xa, ông cũng không có những thắc mắc lẩm cẩm, về chính trị. Tác phẩm của ông không mô tả không khí chính trị của một thời đại, mà là ý thức của thời đại đó. Cái làm ông quan tâm không phải là các biến cố chính trị trên thế giới, hay trong nước, mà là những phản ứng tâm lý trước các biến cố đó. Các pastichesmélanges của ông hẳn đã chứng minh phần nào nhận định trên. Ông đã chọn lựa quan điểm trung thực của một người sáng tạo, một người nhìn và ghi nhận. Montaigne thoạt đầu không phải là người quan tâm đến chính trị, ông đã phải có những phát biểu liên hệ đến chính trị do những “chướng tai gai mắt” quá đáng mà ông là nhân chứng; trường hợp Proust xét cho cùng không có gì lạ hơn, và có một điều rõ ràng, là sự suy nghĩ tâm lý về lịch sử và về những con người chính trị, về một giai cấp xã hội nơi ông đã có thể đưa đến chân lý. Khoảng cuối đời ông, quả thực là ông đã có rút về trú ẩn, nhưng cũng như Henry James, sự trú ẩn của ông chỉ là một “công thức chủ quan” trong văn chương, một lối tìm kiếm cô đơn trong công việc, bởi vậy nó không hoàn toàn là một sự ẩn tích tuyệt đối và chúng ta được biết thời kỳ trú ẩn chính là thời kỳ ông gần gũi với con người nhiều hơn cả – thời kỳ sản xuất nhiều nhất trong đời ông, thời kỳ lao động, nhằm sáng tạo lại thế giới trong trí óc. Tháp ngà của ông, cái tháp ngà nực mùi thuốc men đã là nơi ông tiếp bạn bè hằng ngày, ngoài những giờ làm việc bất khả xâm phạm mà một người từng được biết là thiếu ý chí như ông vẫn tôn trọng một cách chăm chỉ, dù thể xác thực sự đã hao mòn rất sớm và bệnh tật ngày càng đè nặng trên hai quầng mắt ngày càng đen hơn vì thuốc men của ông.

... Nhưng hiện nay, tất cả những gì tôi mong muốn, là được người khác đọc mình,

năm 1913, ông đã từng viết như vậy trong một lá thư gửi cho bạn bè, trước khi cho xuất bản cuốn Du Côté de chez Swann. Proust có xa lánh con người không? Câu hỏi hẳn đã được giải đáp từ lâu, bằng tác phẩm: ông không xa lánh con người, ông chỉ nghĩ đến con người và gần họ quá thể. Ngọn lửa nhiệt thành, cái thiết thân nhen nhúm trong ông đối với con người, đối với các nơi chốn trong thời kỳ chiến tranh đã làm cho trầm trọng thêm cái sức khổ đau của ông mà chính ông đã nhận ra, khi ông biểu lộ bằng một lòng thương chân thành đối với những người đã phải thử thách trong thời chiến. Năm 1918 (Năm ông cho in A l’Ombre des Jeunes Filles en Fleurs và đã sửa chữa, đã viết thêm rất nhiều vào những cuốn đã viết xong) khi có người hỏi thăm về việc viết lách của ông, ông đã thú nhận thành thực như chưa bao giờ người ta có thể thành thực:

Tôi đau mắt quá không viết gì được cả. Mắt thì yếu nhưng khốn thay lại không làm giảm đi cái sức khóc của tôi, khóc suốt ngày cho những làng mạc bị chiếm đóng và những ngôi giáo đường bị tàn phá, và càng khóc nhiều hơn nữa cho loài người.

Ông sống giữa một xã hội đã không làm ông hài lòng, những cánh cửa mở ra đều chỉ kéo dài những thất vọng của một cuộc theo đuổi vô ích, nhà tù của ông có thể mỗi ngày một rộng thêm nhưng vẫn là một nhà tù; và dưới những bộ điệu châm biếm, kiểu cách và lắm lúc như tự cao của ông, dưới cái cách ăn mặc chững chạc nhưng đôi khi trông khôi hài, với áo lót xơ bông để lòi khỏi chiếc cổ áo quá thời của ông, người ta có thể thấy che giấu một tính khí thật khổ sở, khó thích nghi và dễ tuyệt vọng, người ta có thể thấy thấp thoáng một cá tính đang xung đột, một sự nổi loạn ngấm ngầm chống lại đời sống thượng lưu và tất cả những gì mang tính cách thời thượng và thủ cựu trong đời sống đó. Dầu vậy, ông đã trở về với con người, và thế giới mà ông đem phiên dịch[1] trong văn chương không phải chỉ là một triều đại như triều đại Louis XIV trong tác phẩm của Saint-Simon, thế giới của ông cũng không phải chỉ là một giai cấp thiểu số, như nhiều người vẫn tưởng. Ông nói:

Một nghệ sĩ chỉ cần phục vụ cho sự thật và không cần có một sự kính trọng nào đối với đẳng cấp... Mọi hoàn cảnh xã hội đều có cái lý thú của nó, đối với người nghệ sĩ, trình bầy cung cách của một bà hoàng hậu hay những thói quen của một cô thợ may, sự lạ lùng đều ngang nhau...

Ông đã trở về với con người, dù phải trở về trong tư thế của một kẻ chống đỡ. Nhiều người có những kỷ niệm riêng với ông đã nhắc đến cái cách của ông khi nói tới bạn bè riêng của họ, cái lối luôn luôn chịu khó tìm một hình ảnh đích xác cho người bạn đó, tựa như chính người này cũng là bạn của ông vậy. Cái cung cách dễ thương và lễ phép đó, như Léon Pierre-Quint từng giải thích, là một cách che giấu sự khinh thường, và là một cách để tự bảo vệ cho mình giữa xã hội, ngăn ngừa mọi sự xâm nhập tổn thương đến đời sống riêng và đến sự sáng tạo của mình, và để giữ được sự độc lập mà không phải làm mếch lòng ai. Nghĩ về ông chỉ như một kẻ thời thượng là một thông lệ, một ước lệ lố bịch xuẩn ngốc, khi mà ông không ngớt để tâm và tỏ thiện chí với những người nghèo khó, luôn luôn quan niệm một nghệ sĩ đích thực phải đến gần đủ thứ người.

Tôi không hề phân khác biệt giữa những thợ thuyền, trưởng giả và những bậc vua chúa, và tôi sẵn lòng nhận họ là bạn không phân biệt, có điều tôi thích hơn cả là thợ thuyền, và sau đó là các bậc vua chúa, không phải vì sở thích, nhưng vì biết rằng ta có thể đòi hỏi các vị này lễ phép hơn đối với thợ thuyền, là điều ta không đòi hỏi được nơi người trưởng giả,...

Sự thay đổi nơi ông, giữa các năm 1896-1913, từ một thanh niên quen giao du rộng rãi trong giới thượng lưu, quá dễ thương với mọi người, đến người nghệ sĩ hoàn hảo, trình bầy và tố cáo các phi lý của thời thượng, thật là một đoạn đường dài. Đoạn đường dài tương đương với diễn tiến của cuốn tiểu thuyết,[2] nghĩa là diễn tiến tinh thần của Người thuật chuyện, chính là sự cách biệt giữa giai đoạn tôn sùng ngây ngô đến phê bình sáng suốt, từ ảo tưởng đến giác ngộ, từ chuyện giả tưởng đến chuyện có thực, từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành. Lối đả kích châm biếm mà ông đem ném ngay vào mặt chính giai cấp của ông mang tính cách một sự thách đố: nó bộc lộ một ý chí từ bỏ hàng ngũ quyết liệt, nhất là trên phương diện tinh thần.

... tôi đã lui tới với những người trong giới thượng lưu đủ để biết được chính họ là những kẻ vô học thực sự, chứ không phải các công nhân thợ điện.

Cánh cửa cuối cùng mà ông đặt tay lên trong công cuộc tìm kiếm, cánh cửa mật khải, mở vào nội giới và đưa ông vào cô đơn, cũng là cánh cửa mở ra phía con người, đưa ông đến gần với xã hội – và biến môi trường hoạt động thành môi trường quan sát, quan sát và phiên dịch lại, cách tái tạo thế giới của ông.

Trong cuốn Le Côté de Guermantes, Proust đã lên tiếng tố cáo “tội ác” của giai cấp nhàn rỗi khi viết:

Người ta tha thứ được những tội ác cá nhân, nhưng không tha thứ được sự góp tay của cá nhân vào một tội ác tập thể.

Từ chủ trương châm biếm cái giới thượng lưu chung quanh ông, bằng những nét mô tả rõ ràng và có tính cách hoạt kê, ông đã đi đến chỗ phê bình và lên án nặng nề cả một xã hội. Ông đã dùng nghệ thuật để vượt khỏi đời sống, vượt khỏi nhưng vẫn cho phép ta sống lại đời sống và thấu hiểu đời sống nhờ sáng tạo, hay đúng hơn là sáng tạo lại. Cái điểm chính yếu trong tác phẩm của ông và phần đông các nhà văn lớn thế kỷ XIX là ý muốn khám phá một hình thức đời sống, sự sáng tạo nghệ thuật với ông đôi khi có thể chỉ là một nguyên cớ thôi. Proust cho tiến hành một trong những tiến trình tâm lý quan trọng nhất trong sáng tạo, như cách thế độc nhất có thể cho phép một cá tính triển nở toàn diện, và bằng nỗ lực đó ông đã diễn tả một giai đoạn mới của cảm tính không khác nào cảm tính nơi Jean-Jacques Rousseau. Cũng như Rousseau, ông đã khám phá sự cần thiết tinh thần trong việc tự vun xới cho cái tôi, cũng như Rousseau, ông vừa là một nghệ sĩ, vừa là một nhà tiên tri: trong khi Rousseau đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại, chính ông đã đánh dấu sự chung cuộc của thời đại đó.

Cái thế giới mà Proust từng lên án, từng tố cáo “tội ác” kia nó không cũ mấy trong xã hội chúng ta đang sống. Nó ẩn núp sau những cửa kính an toàn của những tiệm ăn sang trọng. Nó có cơ chết đói tới nơi, nó đang bị đe doạ từ đủ mọi phía, nó vẫn phè phỡn đi tôn thờ những “giá trị tinh thần và thẩm mỹ” hạng bét của đám trưởng giả, hay do chúng đặt ra, đi thoả hiệp với cái thứ mùi nồng nặc của sa đoạ mà nó gọi là văn hoá. Bởi vậy, bao lâu hàng ngày còn phải nghe tới những thứ lý luận phản động, còn phải nhìn thấy những gương mặt tự mãn đang chết lần mòn trên những thành phố mà họ còn cố gọi là màu hồng, chúng ta còn tin chắc một điều: cuộc tìm kiếm của Marcel Proust – A la Recherche du Temps perdu, sản phẩm lao động, và là lao động đấu tranh, bởi vì đấu tranh với thời gian, và đấu tranh cho con người – một trăm năm sau, vẫn còn là một tài liệu xã hội và nhân bản bất diệt, soi sáng những thảm kịch mà mọi xã hội văn minh, mọi xã hội kỹ nghệ ngày nay đang phải chịu đựng.

 

Tháng Bảy 1971

 

_________________________

[1]Le devoir et la tâche d’un écrivain sont ceux d’un traducteur (M. Proust, Le Temps retrouvé).

[2]Tất cả những phần sửa chữa và viết thêm trong bộ A la Recherche du Temps perdu đều có mục đích làm cho nhân vật đáng ghét hơn, và đã đánh dấu ý định quyết liệt chê bai của ông.

 

--------------
Bài viết “Marcel Proust con người xã hội” được đánh máy xong tại phòng làm việc của tôi ở Editorial Department, McGraw-Hill Far Eastern Publishers, Singapore khoảng giữa tháng Bảy 1971, kịp gửi về Saigon cho số báo Trình Bầy - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Marcel Proust. Liền sau bài viết, gửi về Saigon còn có một xấp giấy vừa đánh máy vừa viết tay ghi những chú thích, hình như Diễm Châu không kịp cho đi song song với bài viết, đến ngày in thành sách (1974) chúng tôi tìm mãi không thấy mấy trang chú thích trong khi tôi chuẩn bị khăn gói lên đường đi Nhật, nên một lần nữa bài viết được in “trần trụi” không chú thích. Mấy năm đầu ở Mỹ, tôi nhiều lần định tái lập mấy trang thất lạc ấy nhưng đều phải chịu thua, vì sách vở tư liệu về Proust phần lớn còn nằm lại ở Saigon. Bây giờ, sau 43 năm, mơ ước làm tiếp công việc ấy đã trở thành không tưởng...
 
 
Marcel Proust Con Người Xã Hội của Hoàng Ngọc Biên, Trình Bầy xuất bản như một phụ bản đính kèm của bán nguyệt san Trình Bầy số 24, phát hành ngày 20 tháng 7, 1971. Sách gồm Proust, một kỷ niệm trong mùa mưa - Nguyễn Đăng Thường [09]. Marcel Proust – Cuộc đời thí nghiệm trong tác phẩm [17] Những chủ đề rời thời trẻ tuổi [49] Thời gian tìm thấy lại [61] Marcel Proust con người xã hội [77]. PHỤ LỤC I: “Đi tìm thời gian đã mất” [103] Chiếc bánh madeleine – M. Proust [113] Những gác chuông nhà thờ ở Martinville – M. Proust [123] Vũ trụ của Vinteuil – M. Proust [129]. PHỤ LỤC II: Quê hương của nhạc sĩ – Cao Thanh Tùng [139].

 

------------

Đã đăng:

... Proust, nhà văn của những khám phá mới mẻ về tâm lý phức tạp của con người, nhà văn đã sáng suốt dành trọn đời mình để đi sâu vào những ngõ ngách và hố thẳm của mọi tình yêu, tìm tòi những định luật chung về ái tình và con người, đã thẳng thắn mổ xẻ và đôi khi phóng đại cho chúng dễ được nhìn thấy hơn và có cơ hội thoát ra ngoài, những sự thật chung và những tình cảm bất ngờ ẩn núp ở những nơi thầm kín nhất bên trong chúng ta, nhà văn của bút pháp mới và hình thức mới cho tiểu thuyết... (...)
 
... Proust chưa vĩnh viễn chết, bởi vì cuốn sách của ông luôn luôn là “biểu tượng cho sự hồi sinh của ông”. Nhờ khám phá được sức mạnh của Thời gian và của Nghệ thuật, ông đã hoàn thành được tác phẩm của mình, một tác phẩm mà ông đã xây dựng như người ta xây dựng một ngôi giáo đường... (...)
 
Khi tác phẩm đầu tay của Marcel Proust ra đời, với những nét thủy họa bay bướm của Madeleine Lemaire, những bài nhạc của Reynaldo Hahn và bài tựa ký tên Anatole France, người đọc đương thời đã đón nhận một cách xa lạ ngỡ ngàng... (...)
 
Thời gian tìm thấy lại  (tiểu luận / nhận định)  Hoàng Ngọc Biên
... Vậy thì cái đặc biệt của Proust không phải ở thời gian đã mất, mà ở trong chủ thuyết thời gian tìm thấy lại, bởi vì chính đó là một chủ thuyết đặc biệt dù nó có bắt nguồn ít nhiều từ khoa “hữu thể học ký ức” mà Bergson đã nhập môn. Ai cũng đã đánh mất thời gian, nhưng chỉ có Marcel Proust mới làm một khám phá vĩ đại là tìm lại thời gian đã mất — hay nói cho đúng hơn, đã khám phá cách tìm lại thời gian đã mất đó... (...)
 
“Đi tìm thời gian đã mất”  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc Biên
... Cái thời gian được sống, được mơ mộng, rồi được viết ra đó, cái môi trường thám hiểm ký ức, vốn là một cuộc phiêu lưu của tư tưởng vừa không trung thành mà cùng lúc lại chính xác, chỉ có thể được thiết lập trong ta, được phân tiết từ chúng ta, bằng vào những đối chiếu thường ngày đặt ra với một vật gì, với một người nào, một cái nhìn nào mà chúng ta thực sự không biết từ đâu tới nhưng cảm thấy được, ghi nhận được sự êm ái ngọt ngào, trong những vùng tăm tối của ý thức chúng ta... (...)
 
Đi tìm thời gian, một lần nữa  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc Biên
... Có điều là không ai chối cãi, cho đến bây giờ, là cuộc tìm kiếm của Proust quả có bắt nguồn từ một nỗ lực, một thúc đẩy nội tâm, từ nỗi thất vọng, lòng ghen tương, niềm xao xuyến trước tuổi già và cái chết đến gần. Nỗ lực đó là sáng tạo, như chính Deleuze cũng đã đồng ý: tìm lại kỷ niệm, tức là sáng tạo — và sáng tạo nơi Proust hướng về tương lai hay hướng về quá khứ không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là tác dụng của nó nơi người đọc... (...)
 
Quê hương của nhạc sĩ  (tiểu luận / nhận định) - Cao Thanh Tùng
... Đối với một nhạc sĩ, hình ảnh một khoảng rừng vừa lớn lên, một chiếc lá úa trên viền môi hay một tiếng khua của kiểng tù, tiếng võng đầu hiên, tiếng động nghiền nát của nhà máy... cũng có thể là đầu mối của những cảm xúc lớn lao. Được nuôi dưỡng bằng thực phẩm của quả đất, nhạc sĩ — cũng như những nghệ sĩ khác — đã được chính quả đất đặt nghệ thuật vào giữa bàn tay mình. Âm nhạc từ căn bản không phải là thứ xa xỉ của tâm hồn họ mà chính là sự hiện hữu, dưới hình thức khác, của tâm hồn... (...)
 
... Trang sách đối với Proust không phải là tế bào xây dựng tác phẩm, mà là không gian đứng ra ngoài trôi dạt của thời gian. Khi viết sách, Proust không cần biết đến mình đang tạo tác phẩm mà chỉ thụ động để những kỷ niệm tuôn tràn tìm nơi ẩn náu qua dòng chữ. Một mai khi những giọng nói quen thuộc cứ tắt dần theo ngày tháng, khi chính con người Proust cũng lu mờ dần, hình ảnh Proust vẫn còn lại trong những dòng chữ triền miên, u buồn, man mác nghe như chính cái buồn êm ả của thời gian. Những cảm xúc, những tình tự, kỷ niệm và thời gian đã có con tàu tâm tư mang vào khép kín trong dòng chữ tâm tư... (...)
 

-------------------------------------------------------------------------

Những tác phẩm của Marcel Proust đã đăng trên Tiền Vệ:

... Vừa xem xét vừa chú ý thật kỹ hình dáng những ngọn gác chuông, sự di động của các đường nét, ánh nắng phủ trên bề mặt chúng, tôi cảm thấy rằng tôi chưa thưởng thức hết trọn cảm giác của mình, tôi cảm thấy có một cái gì lẩn ở đàng sau chuyển động đó, đàng sau thứ ánh nắng đó, một cái gì mà dường như những gác chuông kia vừa giữ và đồng thời cũng vừa cố giấu kín... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Chiếc bánh madeleine  (truyện / tuỳ bút) 
Trong lòng chán nản vì thấy ngày hôm nay tẻ ngắt mà ngày mai cũng không vui vẻ gì, bất giác tôi đưa lên miệng một thìa nước trà trong tách mà tôi vừa nhúng một miếng madeleine vào cho mềm. Nhưng ngay lúc ngụm nước lẫn với vụn bánh đụng đến gần cổ họng tôi, tôi rùng mình, chú ý đến sự lạ đang xẩy ra trong tôi. Một niềm vui thú vị đã xâm chiếm, cô lập cả người tôi, mà tôi không hiểu được do ở đâu... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Vũ trụ của Vinteuil  (truyện / tuỳ bút) 
Dường như mỗi nghệ sĩ là công dân của một quê hương xa lạ, mà chính hắn cũng đã quên mất, một quê hương không giống như quê hương từ đó một nghệ sĩ lớn khác sẽ lên đường để đi tới quả đất... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Lời thú tội của một thiếu nữ  (truyện / tuỳ bút) 
... Sau đó tôi chỉ còn biết buông trôi. Chúng tôi đã khoá trái hai cánh cửa lại, và, với hơi thở trên má tôi, hắn siết chặt lấy tôi, hai bàn tay hắn lục lạo khắp người tôi. Rồi trong lúc sự khoái lạc càng lúc càng xâm chiếm tôi, tôi cảm thấy thức dậy tận đáy lòng tôi một nỗi buồn và chán vô tận; tôi thấy dường như tôi đã làm cho linh hồn mẹ tôi khóc, linh hồn vị thần hộ mạng của tôi, linh hồn Chúa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Vườn Tuileries  (truyện / tuỳ bút) 
Sáng nay trong vườn Tuileries mặt trời tuần tự thiếp ngủ trên các bậc thang đá như một gã thiếu niên tóc vàng mà một chiếc bóng lướt qua làm gián đoạn tức khắc giấc ngủ nhẹ nhàng... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Một bữa ăn ngoài phố  (truyện / tuỳ bút) 
Honoré đến trễ, anh chào các gia chủ, chào những người khách mà anh quen, người ta giới thiệu anh với những người khách khác và mọi người vào bàn ăn. Được một lúc, người khách ngồi bên cạnh anh, một thanh niên còn trẻ măng, yêu cầu anh cho biết tên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Nếu khi đi dạo trên bãi biển hay trong rừng bà có để cho thú trầm tư hay mơ mộng, hay chỉ là một hương thơm, một bài ca mà ngọn gió heo may đem đến và phủ kín, bà có để cho những thứ đó nhẹ nhàng xâm chiếm lòng bà, trong một lúc làm bà quên được nỗi khổ của bà, thì bà liền cảm thấy nhói lên nơi tim một vết thương đau đớn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Ba đoản văn “Vent de mer à la campagne”, “Rencontre au bord du lac” và “L'étranger” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Các người hãy giữ lại trên gối chân khóm hồng tươi mát, và hãy để mặc trái tim ta khóc trong lòng bàn tay khép kín của các người...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Hai đoản văn “Sonate Clair de lune” và “Comme à la lumière de la lune” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021