thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con ma cái với bàn-tay-truyền-hình
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
 
Vào khoảng 2 giờ chiều, tôi thấy một con ma cái khóc lóc đắng cay đến tìm tôi ngay trong chiếc lều nơi tôi đang thảnh thơi nằm. Khi nó bước vào, tôi thấy nó cầm một chiếc chiếu nhỏ đan bằng cỏ khô. Nó không cao quá một thước. Ngay khi vừa vào trong lều, nó đi thẳng đến đống lửa, trải chiếc chiếu gần lửa và ngồi lên chiếu, không chào hỏi tôi gì cả. Đến lúc đó tôi mới thấy nó đầy ghẻ lở, ngay cả cái đầu nó cũng không có một cọng tóc, ngoài những mụt nhọt với cơ man dòi bò lúc nhúc khắp mình mẩy nó. Hai cánh tay nó dài chưa đến nửa thước, có vô số ngón tay ngắn ngủn. Nó khóc lóc đắng cay không ngừng như có ai đang đâm nó bằng những mũi dao. Tất nhiên, tôi không nói chuyện với nó, mà tôi sửng sốt nhìn nó cho đến khi thấy nước trong đôi mắt nó tràn ra gần làm tắt lửa, tôi mới nhỏm dậy giận dữ bảo nó đi ra khỏi lều của tôi, vì nếu nước làm tắt lửa, tôi sẽ không thể tìm ra lửa nữa, bởi không có que diêm nào trong Rừng Ma. Nhưng thay vì bước ra khỏi lều như tôi bảo, nó bắt đầu khóc hết sức to. Khi tôi không thể chịu nổi tiếng khóc của nó, tôi bảo nó: "Vậy chứ tại sao mày khóc?" Nó trả lời: "Tao khóc vì mày." Tôi mới hỏi lại: "Vì tao à?" Nó nói: "Đúng" và tôi nói: "Tại sao?" Nó mới kể chuyện của nó như vầy:
 
"Tao sinh ra cách đây hơn hai trăm năm với cái đầu và mình mẩy đầy ghẻ lở. Từ ngày tao sinh ra, tao không làm gì khác ngoài việc tìm cho ra một y sĩ có khả năng chữa trị cho tao, và rất nhiều y sĩ đã cố hết sức mà đều thất bại. Thay vì giảm hay lành đi, nó càng lan rộng ra và làm tao đau thêm. Tao đã đến gặp nhiều phù thuỷ để hỏi xem những nhọt ghẻ lở ấy có lành được không, nhưng ai cũng bảo tao là có một người phàm trần đi lạc vào Rừng Ma này, nếu tao đi lang thang tao sẽ có ngày gặp mày, rồi các phù thuỷ bảo nếu mày chịu thè lưỡi liếm nhọt ghẻ lở cho tao suốt mười năm thì nó sẽ lành. Bởi vậy tao rất may mắn và sung sướng gặp được mày ở đây hôm nay và tao sẽ hết sức sung sướng nếu mày chịu thè lưỡi liếm nhọt ghẻ lở cho tao hàng ngày trọn mười năm để nó được lành như các phù thuỷ đã bảo. Và tao cũng đang khóc lóc đắng cay cho phần số của mày vì tao tin hiển nhiên là mày đã vật vã nhiều năm trong Rừng Ma này để tìm đúng đường về làng của mày, nhưng ngày nào mày cũng thấy con đường mà mày lại không nhận ra, bởi người phàm trần ai cũng có mắt nhưng lại không thấy đường. Thậm chí lúc mày đã đi đúng đường về làng thì mày tìm thấy cái lều này rồi mày chui vào đây nằm ngủ rồi ngồi thừ hết ngày này qua đêm khác. Dù gì đi nữa tao cũng tin là mày sẽ không từ chối liếm nhọt ghẻ lở cho đến khi nó lành."
 
Sau khi nó kể xong câu chuyện và nói nếu tôi liếm nhọt ghẻ lở thì nó sẽ lành như các phù thuỷ đã bảo, tôi liền đáp: "Tao muốn mày về gặp lại những thằng phù thuỷ của mày và bảo với chúng là tao từ chối liếm nhọt ghẻ lở." Sau khi tôi bảo như thế, nó lại nói: "Không phải là vấn đề về gặp các phù thuỷ, mà nếu mày chịu liếm thì hãy nhìn vào lòng bàn tay tao đây này." Khi nó bảo tôi nhìn vào lòng bàn tay nó và nó xoè bàn tay ra gần chạm mặt tôi, thì bàn tay nó trông giống hệt một màn truyền hình, tôi thấy làng tôi, mẹ tôi, anh tôi và tất cả bạn bè tôi, rồi nó hỏi dồn: "Mày có đồng ý thè lưỡi liếm nhọt ghẻ lở không, bảo cho tao, ngay bây giờ, có hay không?"
 
Nguyên tác: “Television-handed Ghostess”, đăng trong tuyển tập
Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry
[Volume Two: From Postwar to Millennium] eds. Jerome Rothenberg & Pierre Joris
(Berkeley, Calif.: University of California Press, 1998), 158-159.
--------------------------------------------------------------------------
Bài thơ này nguyên là chương thứ 26 trong tác phẩm hư cấu dài 29 chương của Amos Tutuola, My Life in the Bush of Ghosts ('Đời tôi trong Rừng Ma'), nhà Faber & Faber xuất bản tại London năm 1954.
 
___________________________
 

Lời bình

của Jerome Rothenberg & Pierre Joris
 
Giờ đây còn lại một mình tôi trong rừng, vì không có anh em, mẹ cha, hay người bảo hộ nào khác có thể cứu tôi hay chỉ dẫn tôi nếu bất cứ lúc nào có điều nguy hiểm thình lình xảy đến.
Amos Tutuola
 
Không phải Tutuola chỉ giúp đánh vỡ bức chắn giữa sự nói & viết, mà ông còn làm cho Anh văn (không phải tiếng mẹ đẻ của ông) trở thành một phương tiện chuyển hoá để phục vụ cho mục đích ấy. Sinh ra & lớn lên trong truyền thống văn hoá Yoruba ở Nigeria, "ông đạt được một sự hợp nhất kỳ diệu giữa những nguồn văn chương dân gian và sự phát minh của chính ông" (như Kofi Awoonor nhận định), trong một cấu thức Anh văn bắt nguồn từ ngữ pháp Yoruba & cả trong việc mô tả một thế giới cổ sơ vừa mới bị tràn ngập bởi những ngọn đèn bạch quang, những bệnh viện & những đại sảnh cho dạ tiệc, những đường dây điện, những máy điện thoại, & Technicolor, ngay đến cả một "con ma cái với bàn-tay-truyền-hình." My Life in the Bush of Ghosts ('Đời tôi trong Rừng Ma') -- tác phẩm thứ nhì sau cuốn The Palm Wine Drinkard ('Thằng nghiện rượu chà là') -- là lời kể chuyện của một cậu bé tám tuổi, bị bỏ rơi trong một cuộc bắt nô lệ, chạy thoát vào trong rừng, "một nơi chốn của ma và những linh hồn", và cuộc truy tầm đầy huyền hoặc của nó khởi sự từ đó.
 
Lối sử dụng cái dị hợm & nhơ nhớp của Tutuola, tuy có vẻ giống như lối của một Artaud hay một Lautréamont, hãy tạm cho là thế, nhưng xét về xuất xứ thì không có gì quan hệ với nhau; đúng ra, như Awoonor nhận định, lối viết của Tutuola phản ảnh cái "cảm thức đặc thù Yoruba về sự kỳ quái."
 
Nguyên tác: "Commentary", trong tuyển tập nêu trên, trang 159-160.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021