thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ARS MORIENDI hay bảy cách chết
(Diễm Châu dịch & giới thiệu)
 
GEORG JOHANNESEN (1931~) là một nhà thơ danh tiếng của Na-uy hiện đại. Theo nhà xuất bản bản Pháp văn mà tôi sử dụng (Bo Carpelan, Georg Johannesen, Lars Norén, Vivre en dépit des jours, François Maspéro, Paris, 1977), «tác phẩm Ars Moriendi trình bày ‘bảy cách chết’ – hay có lẽ bảy cách không sống – trong bảy tuần, mỗi tuần dành cho một ‘mối tội đầu’ (1). Trong lịch trình này của cái chết, những hình ảnh của đời sống thường ngày, với dáng vẻ siêu thực, chen lấn xô đẩy nhau với một thứ hung hãn tới cùng cực của tuyệt vọng.»
 
Về vị trí của Georg Johannesen trong thi ca Na-uy, Carl Gustaf Bjurström, một trong những dịch giả Pháp văn quen biết nhất của thơ Bắc Âu, cho biết, trong lời Tựa cuốn sách nói trên:
 
«Ở Na-uy, thơ theo thể thức truyền thống ‘còn sống sót’ nhờ trở thành thơ của cuộc Kháng chiến. Bậc thày không ai chối cãi của lối thơ ấy là Arnulf Øverland, người đã khinh rẻ và giận dữ phản ứng chống lại «sự không mạch lạc» của thơ mới phát sinh từ sự tiếp xúc với thơ Thụy-điển của những năm bốn mươi—nền thi ca ấy, chính nó, cũng đã lại là một thứ thi ca của thời hậu chiến. Tuy nhiên, thơ mới, nhất là với Rolf Jacobsen, đã tiến bước mạnh mẽ, ca ngợi quang cảnh của thế giới hiện đại và cơ khí (2). Nhưng một cuộc đoạn tuyệt phũ phàng hơn nữa chính là cuộc đoạn tuyệt mà nhà thơ trẻ Georg Johannesen, sinh năm 1931, đã loan báo cùng với tập Thơ 1959 của ông. Tác phẩm Ars Moriendi (Nghệ thuật chết) — nơi người ta cảm thấy ảnh hưởng của trường siêu thực — xuất hiện từ năm 1965. (...) Ngôn từ ở đây được hiểu thật từng chữ, những đồ vật và từ ngữ cũng đáng kể không kém gì những tình cảm hay tư tưởng gọi là sâu sắc. Chính Johannesen sau đó ít lâu đã chẳng nói đấy ư: ‘‘Khúc ca này là hành động, không phải lời nói’’...»
 
Nhìn lại thời gian mười năm qua, kể từ khi dịch tác phẩm này của Georg Johannesen, tôi thấy lời một nhà thơ trẻ của Na-uy mà tôi có hân hạnh được gặp ở Lộ-trấn là Øyvind Rimbereid thật đúng: «Ars Moriendi là môt viên trân châu của thơ Na-uy»! Chỉ tiếc rằng lần này, vì những lý do kỹ thuật, tôi đã không thể cho đăng lại những hình vẽ của họa sĩ Thụy-điển Carl Fredrick Hill (1849-1911) đã in kèm với tác phẩm của Georg Johannesen (Trình bầy, 1994).
 
Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của Lucie Albertine và Carl Gustaf Bjunström trong sách đã dẫn.
 
--------------------------------------
(1) thường được hiểu là: kiêu ngạo, keo kiệt hay biển lận, dâm dục, ganh tị, tham ăn, giận dữ và lười biếng...
(2) Thực ra, thơ Rolf Jacobsen không «đơn giản» đến thế. Xin mời bạn tìm đọc tuyển tập thơ Rolf Jacobsen, Những gì viết trong gió, «tủ sách thơ», Trình bày, Lộ-trấn, 1994, 112 tt. (Một phần quan trọng đã được đăng tải trên Tiền Vệ: Những gì viết trong gió [I] & Những gì viết trong gió [II]).
 
_____________________________________________
 
 
ARS MORIENDI hay bảy cách chết
 
 

BẢY BÀI THƠ HẰNG TUẦN

(mỗi tuần tiếp theo sau tuần lễ Phục sinh)
 
 
Tuần chờ đợi: Hời hợt
(trong một thành phố lớn)
 
Thứ hai: Những chuẩn bị bỏ trốn
Thứ ba: Kinh hoàng của những người khôn ngoan
Thứ tư: Kinh hoàng của những kẻ ngu dại
Thứ năm: Tại nhà một họa sĩ
Thứ sáu: Tại nhà một mục sư
Thứ bảy: Vấn nạn
Chúa nhật: Ngôi nhà trống rỗng
 
 
Tuần làm việc: Tham ăn
(ở ngoại ô)
 
Thứ hai: Mùa đông êm dịu
Thứ ba: Cáo thị trong một xấp giấy Obos
Thứ tư: Các nghệ sĩ
Thứ năm: Những người tham ăn
Thứ sáu: Bất hạnh
Thứ bảy: Những kẻ chế tạo vàng
Chúa nhật: Lối ra
 
 
Tuần nghỉ ngơi: Giận dữ
(trong một khu rừng)
 
Thứ hai: Ngôn ngữ mặt trời
Thứ ba: Truyện cho người lớn
Thứ tư: Chiều, đêm, sáng
Thứ năm: Bài học thứ nhất
Thứ sáu: Bài học thứ nhì
Thứ bảy: Đêm
Chúa nhật: Buổi sáng
 
 
Tuần mơ mộng: Khoái lạc
 
Thứ hai: Điệu ru ở khách sạn
Thứ ba: Vòng tròn
Thứ tư: Dậy thì
Thứ năm: Bài ngợi ca thứ nhất
Thứ sáu: Bài ngợi ca thứ nhì
Thứ bảy: Ngoài nắng
Chúa nhật: Đề nghị
 
 
Tuần đi xa: Ham hố
(trong lịch sử)
 
Thứ hai: Toutankhamon
Thứ ba: Người chế tạo đồng hồ
Thứ tư: Cột chỉ dẫn
Thứ năm: Nhà phi-hành
Thứ sáu: Icare
Thứ bảy: Orphée
Chúa nhật: Người thủy thủ
 
 
Tuần canh thức: Kiêu ngạo
 
Thứ hai: Trăng tròn
Thứ ba: Tra tấn
Thứ tư: Thú nhận
Thứ năm: Thư mùa đông
Thứ sáu: Nhật thực
Thứ bảy: Tiresias, họa sĩ mù
Chúa nhật: Tấm bích chương của ông
 
 
Tuần tập sự: Ganh tị
(dịch phẩm)
 
Thứ hai: Lời chào của anh hề với Khổng phu-tử khi phu-tử tới để cải tổ Nhà nước
Thứ ba: Đêm (theo Sappho)
Thứ tư: Kẻ ngoại (theo Palladas)
Thứ năm: Kinh nghiệm (theo Blake)
Thứ sáu: Thời tiết xấu (theo Brecht)
Thứ bảy: Thời tiết xấu 2 (theo Brecht)
Chúa nhật: Buổi sáng trời xấu (theo Brecht)
 

.   .   .

 

Tuần chờ đợi

 
 
                                                                                      Thứ hai
 
Những tủ ngăn với ngăn kéo để ngỏ:
thoát lậu những nỗi bất hạnh có mức độ hạn giới
Tuyết lở trong một cái hố, ngập lụt trong một đĩa dầm
 
Chúng tôi không tìm thấy cả da lẫn áo quần
Hằng đống những khởi sự lao sâu
Không còn đèn đóm gì nhưng còn lại những bóng đèn
 
Người ta đã tìm thấy lớp vải lót của tấm áo khoác
Những gì có giữa thân mộc và vỏ cây
lớp màng trắng giữa trái trứng và vỏ trứng
 
 
                                                                                      Thứ ba
 
Chúng tôi đã thiết lập một khoảng cách cố định giữa những đám mây
Chúng tôi đã nghiên cứu mây bằng cách rút hết nước của chúng
Chúng tôi đã bỏ nước vào kem và được sữa
 
Chúng tôi đã hòa lẫn những vết mực và hình vẽ
Chúng tôi đã sử dụng những nhãn hiệu thay cho hàng hóa
Không còn vấn đề số liệu trong những câu chuyện nghiêm chỉnh
 
Chúng tôi đã chỉ cho nhau một hình ảnh:
Người hùng ở trước cửa nhà mình kia, hắn bước vào hay ra?
Chúng tôi đã tranh cãi về những gì có ở bên trong lúc đó
 
 
                                                                                      Thứ tư
 
Những kẻ nhắm tới bia 
vung vãi những viên đạn lên khắp tấm bảng
Người ta mở rộng bia
 
Người ta nói với tiếng ho húng hắng
Đột nhiên xẩy đến một cơn địa chấn trong một phần trăm mét đất
một cuộc chiến tranh lâu ba khắc đồng hồ, một vết khía trên mặt trăng
 
Những kẻ chủ tang chờ ở bên ngoài trước cửa sổ
Cuộc tháo lui có đèn đuốc bước trên một vòng tròn nhỏ
Họ không được quyền nhìn mặt kẻ họ tán dương
 
 
                                                                                      Thứ năm
 
Tôi đã vẽ những bức tường trên mọi bức tường
tôi chịu đựng sáu mươi đòn một phút
Sàn nhà dùng làm giầy cho tôi và mái nhà làm nón
 
Tôi chẻ cái đĩa ra làm hai
Tôi vẽ bằng những ngón tay tôi nhúng vào một ly sữa
Tôi đặt mười hai cái răng trên bàn để làm một nụ cười
 
Tôi kết liễu những con cá đối
tôi ẩn mình trong chiếc hộp
tôi ném xuống biển một cái tách: cơn khát của tôi
 
 
                                                                                      Thứ sáu
 
Tính tiền nhỏ chỗ đó đáng giá hơn là những tờ giấy bạc
và anh đáng giá hơn chúng tôi
Tôi học biết các tôn giáo và tôi học biết những cuộc giã từ
 
Tôi đem về nhà con bồ câu đau yếu 
tôi bó thạch cao cho nó
tôi treo nó lên bên trên giường mình
 
Những con thiên nga cổ thắt nút  
để chúng không được quên
ca khúc ca của chúng
 
 
                                                                                      Thứ bảy
 
Anh có thấy được sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà?
Anh có thấy được sự khác nhau giữa đen và trắng 
và sự khác nhau giữa đầy và trống rỗng, chết và sống
 
Sống là cần thiết, nhưng không đủ
Hành động là một ngôn ngữ khó
Chết thời quá thuận tiện
 
Anh có biết tên dòng sông nơi anh chết đuối?
Anh có đếm được những chiếc răng rơi rụng trong tay anh?
Anh có biết được phải chăng con số của chúng là chính xác?
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Ngôi nhà trống rỗng: nó trống đi qua cánh cửa
Khu vườn trống rỗng: những đóa hoa bước ra qua những rễ
Tôi đã học biết rằng sống là vô ích
 
Nghĩa là gì một khoa địa lý không biên giới?
Những con số đi xuống một chuỗi những số
Lịch sử môn học cho kẻ chế tạo đồng hồ: những chiếc đồng hồ giảng dạy
 
Thế giới trống rỗng: nó trống đi qua thế giới
Tôi đã học biết cách là vô ích suốt một tuần lễ
Những chữ thoát ra qua cửa miệng: nói rồi đấy
 
 
 

Tuần làm việc

 
 
                                                                                      Thứ hai
 
Những đường dây thép gió, những con sẻ thay vì nốt nhạc
Những hạc cầm và vĩ cầm được nắn lại thành mưa
Nhạc tản mạn của gió, đại phong cầm đá băng
 
Trên trời cây phong quét những chiếc lá
Cội thông giương những bàn tay vặn vẹo xoắn xuýt
Khóm tường vi rung rinh vòng gai
 
Chúng ta ở trong đại thánh đường của loài thú
Con thỏ và con chó không biết tới cuộc chiến tranh của chúng
Tuyết rịt lên trái đất một dải băng
 
 
                                                                                      Thứ ba
 
Tôi bị gãy cổ ở mỗi bậc
Tôi tự đầu độc ở mỗi nhà bếp
Và tôi tự treo cổ ở rầm gác thượng
 
Tôi vẫn được máng lên cái móc áo ở lối vào
Tôi chết đuối trong buồng tắm, nhưng tôi giật dây thoát nước 
tôi nghe một chứng ho rổn rảng: mi sẽ không thể nào thoát khỏi
 
Thế nên tôi liền hỏi: Tại sao 
lại thoát ra hai dòng máu nhỏ mịn
từ cái chốt cắm điện?
 
 
                                                                                      Thứ tư
 
Chúng ta những kẻ được tạm thời đưa vào
tầng giữa và chùi rửa
những hành lang xanh giữa ngày và đêm
 
Chúng ta những kẻ không có óc tưởng tượng 
và ưa tìm thấy những người con gái
trong những ngục tù mà chúng ta có thể mở
 
ít khi nghĩ tới tiền bạc
thường nghĩ tới hồi hưu
bởi chúng ta còn tồn tại nhờ là những đứa trẻ đã già
 
 
                                                                                      Thứ năm
 
Chúng ta im lặng để hại nhau hay hơn
Chúng ta có hai tấm lưng trong lúc yêu
Và bốn nắm đấm trong cuộc ẩu đả
 
Phụ nữ tránh né chúng ta lúc ban ngày 
và khi ta khiêu vũ vào chiều muộn
nhưng không phải bao giờ cũng thế vào ban đêm
 
Thật không phải dễ khi hôn
lên một mái tóc tựa trên một bàn khác
một búi ngò ở giữa những răng
 
 
                                                                                      Thứ sáu
 
Hãy gửi thư cho viên y tá đã tạ thế
Hỏi ông ta xem có chuyện gì không hay
Ông ta sẽ không trả lời, bí mật nghề nghiệp
 
Những chiếc đồng hồ đeo tay đánh điện tín không cần lời
Mặt trời đã đặt một chiếc đĩa vàng lên sàn nhà
Đám mây nọ đã gôm đi trên tường chỗ gặp gỡ của buổi sáng
 
Hãy gửi gấp bức điện ngay khi xảy ra tai nạn
Hãy đề ngày sớm hơn thật sự bức điện, khẩn cấp, trả giá gấp đôi
Nó sẽ không tới nơi như một lời cảnh cáo trước
 
 
                                                                                      Thứ bảy
 
Chúng tôi đã khám phá ra tảng đá của những kẻ ngu dại
Chúng tôi biến nó thành vàng  
và chúng tôi chết vì thế, nhưng chậm rãi
 
Số không là chiếc vòng chúng tôi mang trên cổ 
khi người giàu có nhất trong chúng tôi đã xuống đất
Ngoài ra mọi sự đều đâu vào đấy như thể không có gì xẩy ra
 
Từng người một chúng tôi sẽ qua đêm 
trong đống đá lở nơi các thày dòng khổ tu có một tu viện
trong im lặng của những đổ nát tự nhiên
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Lũ vẹt mái đã được thuần hóa quá lâu 
khiến chúng tìm nơi ẩn náu trong lồng
ngay khi những thanh ngang trên cửa được gỡ đi
 
Mùa hè đã trở lại sau hai mươi năm
Những bàn tay lúc đó là chim mùa hè
Chúng không còn xiết chặt một điều gì nữa
 
Ariane không giúp tôi được gì
Mê cung bị hủy hoại từ bên trong
Tôi thoát được là như thế đó
 
 
 

Tuần nghỉ ngơi

 
 
                                                                                      Thứ hai
 
Trên những sườn đồi đã chín cho viện bảo tàng
những cây thông xanh trong đồng phục mòn cũ
Một khu đầm lầy ngăn chúng lại ở xa xa
 
Giày dép mục nát trong tủ ghép vào tường
Sách vở tả tơi
Tôi ở lại đó quá lâu
 
Những tiếng thì thầm ầm ĩ trong máy phát thanh
Tôi lựa ra những tiếng kêu và những phân nửa các từ 
để hình thành những câu bằng ngôn ngữ mặt trời
 
 
                                                                                      Thứ ba
 
Hãy nghe câu chuyện người nọ biến thành ếch 
khi con thiên nga biến thành quạ trắng 
và chim én thành muỗi
 
Hãy nghe câu chuyện con chó biến thành con mèo 
bỏ chạy trước mọi con chó
làm hoảng sợ mọi con mèo
 
Anh có biết tên của từng chiếc lá?
Chiếc lá đã được rửa tội
Người ta đã quét trẻ em thành đống
 
 
                                                                                      Thứ tư
 
Ai đã ném cát trong không khí?
Ở giữa bốn bức tường mà không ai xê dịch được
tôi cắt chòm sao rua trong mặt trời
 
Chợt tới cỗ xe, một chiếc cáng xiên xiên
Ngày xưa người đánh xe bao giờ cũng ngồi 
trong một vùng sao
 
Núi tách rời mặt trời
Em đã rời khu rừng tôi thật sự
Tôi ở giữa một cái cây, ở giữa rừng
 
 
                                                                                      Thứ năm
 
Tôi dạy cho con kiến cần phải tin 
rằng không có cây thông
chỉ có những kim thông màu nâu và quá nhiều kiến
 
Tôi bay theo một con ruồi 
Tôi bắt chước một con khỉ
Tôi chặt bàn tay tôi, tôi đem cho con chó
 
Tôi dạy cho chó sói hú lên nhè nhẹ
Tôi dạy chim sẻ cần phải tìm kiếm diều hâu
bởi tin rằng một con chim là một con chim
 
 
                                                                                      Thứ sáu
 
Tôi biến tảng đá thành một người thầy dạy con tôi
Trái đất không thể nào thay đổi
Tôi dạy con gái tôi ngủ với rắn lục
 
Tôi rải thuốc D.D.T. lên mẹ tôi
Tôi cho con chuột cống những chiếc răng bí mật 
tôi dạy con gấu thu lại những móng vuốt
 
Tôi dạy cho kẻ trộm giấu đồ ăn trộm:
hãy để nó khắp nơi 
và đánh cắp tất cả
 
 
                                                                                      Thứ bảy
 
Đêm tối đã quấn lại cuộn phim
Những kẻ mơ màng đương đầu với những con mãng xà
đầu to như nắm đấm
 
Đêm tối đã giết chết các tù nhân của đêm tối
Họ tỉnh dậy ở thiên đường của ngày  
và trở thành những viên cai ngục
 
Đêm tối đã sơn kính cửa màu đen
Nhưng trong tăm tối những hình ảnh vẫn còn lại đó suốt ngày
Và trên hết khiến người ta hoảng sợ trước khi xuất hiện
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Đầu tôi quay về phía Đông
Tôi nới chiếc vòng quanh cổ
Tôi sẽ không bao giờ có thể chết
 
Người ta chết khi người ta ngủ
Ánh sáng làm nở đóa hoa không khí của ánh sáng
Chiếc đồng hồ treo đã đan xong đêm tối
 
Hãy coi, tôi đang ngồi, tôi khâu lại một đóa hồng 
mà ai đó đã xé rách
và từng mũi khâu lại từng mũi hai bàn tay tôi úa tàn
 
 
 

Tuần mơ mộng

 
 
                                                                                      Thứ hai
 
Có những cái đẹp thời trắng có những cái đẹp thời đen
Buổi sáng lúc mờ đất màu xám là màu đẹp nhất
Muộn chiều khi hoàng hôn màu xám là màu đẹp nhất
 
Những bông hồng tặng cho mình những bông hồng
Những con cú lại cặp với những con cú
Cây điền ma* cho mình những chiếc lá vào mùa xuân
 
Có màu xám trong màu trắng có màu xám trong màu đen
Những người đàn bà ở yên trong thân thể của họ 
như thể họ còn yêu
 
-----------------------
* tilleuls (người dịch)
 
 
                                                                                      Thứ ba
 
Tôi thấy hết thảy những người đàn bà trong một vòng tròn
Họ che giấu người đàn bà tôi không được nhớ tới
Tôi hạ đôi bàn tay tôi, một nút thắt đơn sơ nối chúng lại
 
Những ngón tay không dứt khoát mơ hồ chỉ vào tôi
Chúng buộc tôi phải xoay người lại tự hỏi
Có phải chúng ra hiệu cho tôi
 
Mỏi mệt vì ở khắp mọi nơi:
Chúng ta đi một mình trong một vòng tròn 
để chờ một người trong chúng ta
 
 
                                                                                      Thứ tư
 
Trong ngôi nhà của tuổi thơ tôi, có một cánh cửa 
mà tôi không bao giờ để ý
Em đã bước ra qua cánh cửa ấy
 
Trong quán nước ở mỗi bàn em ngồi
Tôi đều đã lượn quanh
tôi đã buộc em phải biến mất
 
Bao giờ cũng thế hễ con đường trống trơn
là tôi tin rằng em vừa bước đi ở đó
Và bao giờ cũng thế con đường vẫn trống trơn
 
 
                                                                                      Thứ năm
 
Có lẽ anh đã có thể là một tảng đá chàng nói
Có lẽ em đã có thể là không ai hết nghĩa là hết mọi người nàng nói
Ái tình có lẽ chúng ta đã có thể học được từ lũ chó cặp nhau
 
Ngợi khen những kẻ mọn hèn không chà đạp một ai
Ngợi khen cái cối xay, ngợi khen mẹ tôi người hãi sợ lửa
Ngợi khen con cá dẫy chết khi người ta lôi ra khỏi nước
 
Ngợi khen chứng sổ mũi như một tập quán
Ngợi khen tuyết rơi trên nước
Ngợi khen mưa trong đường mương
 
 
                                                                                      Thứ sáu
 
Mái tóc đen của em sinh ra đêm tối
Ngợi khen mọi sự vắng mặt
và tất cả những gì không hiện hữu
 
Ngợi khen trăm cây số đồng hồ
Em sẽ quen với tất cả những gì hiện hữu
Và cả em nữa em cũng hiện hữu
 
Ngợi khen cơn gió ở phía sau ngợi khen cơn gió ngược lại
tất cả những gì ở bên trên những mái tóc
tất cả những gì ở bên dưới những bàn chân
 
 
                                                                                      Thứ bảy
 
Tôi thổi tắt những ngọn nến, tháo gỡ những bóng đèn
Chiếc bóng của tôi và tôi trao đổi các vai trò với nhau
Tôi ghì chặt bộ xương một người đàn bà
 
Nàng nói: Hãy nhập bóng em
Nhưng nàng xoay qua đâu 
ở đó vẫn có ánh sáng và những con mắt
 
Mi đã cúi nhìn về một miền đất đen
Mi run lên dữ dội
Ở giữa mặt trời mỗi người đều là đao phủ của người khác
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Muộn phiền bóc trần các góa phụ của tôi
Họ rời bỏ lớp hàng da lót bên dưới
Những gì tôi muốn khám phá không phải là một khuôn mặt
 
Mọi màu đỏ đều có trên môi tôi
Trong cườm tay hãy đẽo gọt những vành môi
Những vành môi khâu lại bằng bảy mũi khâu chẳng hạn
 
Hãy nhìn năm ngón tay tôi tôi đang nắm giữ chúng 
như một bó hoa hái cho mọi người
Những móng tay là gai, màu đỏ chẳng mấy chốc sẽ vọt ra
 
 
 

Tuần đi xa

 
 
                                                                                      Thứ hai
 
Với những ẩn tự của mưa trên kính cửa
một bức tường thành gió lắp bắp
một hàng ghi khắc mà một đứa trẻ có thể đọc ra
 
Tôi là xác ướp của đêm tối
hoa tiêu của thời gian cho đến ngày tôi chết
Tôi cột mình vào những dây đai cơ bắp
 
Chiếc ghế dựa trống rỗng của tôi là một chiếc ghế dựa
Ánh mắt của tôi là kim tự tháp của tôi
Khi tôi hạ mắt xuống ngủ yên
 
 
                                                                                      Thứ ba
 
Tôi có những chiếc đồng hồ đi lui
tới mãi điểm chúng tìm ra giây phút
ngừng lại
 
Tôi có những chiếc đồng hồ điểm giờ không thôi 
những thời kế thật chính xác cho tôi biết
tôi chạy với tốc độ nào khi tôi vẫn ở yên
 
Tôi đã mang theo tiếng tích tắc của những chiếc đồng hồ
và con mắt lớn ở giữa vầng trán
tôi đã máng nó vào chuỗi phút giây
 
 
                                                                                      Thứ tư
 
Từ Bắc tới Nam tôi vươn đôi cánh tay
Thập tự ở điểm giao thoa
Mặt tôi nhìn về phương Đông, gáy tôi ở phương Tây
 
Tôi ở lại trong một ánh sáng màu vàng dưới rặng cây màu vàng
Thân thuộc với những cây thập tự và những giảo đài
Con tôi cây gậy* có thể nói với duy một ngón tay:
 
Trong lịch sử của cha con là một đoạn sử ngắn
Trong lịch sử của chúng con con chỉ non một thế kỷ
Trong lịch sử của con con là tất cả thời gian hiện hữu
 
----------------------------------
* hay «nơi nương tựa». (người dịch
 
 
                                                                                      Thứ năm
 
Cây cột lưng tôi chống đỡ đầu tôi trên một ngọn dáo
Trong ngọn đèn mặt trăng được chụp ảnh 
trên mặt sau của trán tôi
 
Tôi chuốt năm ngón tay nhọn  
và vạch năm gạch đỏ
với bàn tay tôi còn lại
 
Mặt trời tôi mang trong cổ họng 
là một con ong vò vẽ mà tôi đã nuốt 
dưới một ánh sáng hạnh phúc hơn
 
 
                                                                                      Thứ sáu
 
Đập những màng phổi con chim ở bên trong bỏ trốn
Cám ơn hơi thở
Cám ơn cơn gió đã cho tôi mượn không khí
 
Cảm động tôi nhìn quần áo tôi 
chiếc áo khoác của tôi khi trời lạnh
ôm choàng lấy tôi bằng đôi cánh tay trống rỗng
 
Cám ơn nước đã trở thành máu nơi tôi 
nhưng vẫn còn trong trẻo ngoài giếng
vẫn còn trắng trong tuyết
 
 
                                                                                      Thứ bảy
 
Ban ngày chiếc bóng của tôi đi theo tôi
và chiều lại nó bỏ trốn tôi
đêm là nữ thần của bóng
 
Tôi có những khung ảnh không có một vì sao
những tấm gương có người cư ngụ
Ấy là những gian buồng kế bên
 
Tôi cắt không khí với cây kéo những ngón tay tôi
Tôi sưu tập những dải băng ấy 
để che giấu chúng trong khúc ca
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Thủa nhỏ tôi làm vua, hai bàn tay đưa lên thật cao 
tôi tự đội triều thiên cho mình
Như viên đạn chì cũng biết, chuyện đó đã đổi thay
 
Tôi hồi tưởng những gì cột buồm có ý chỉ
Tôi hồi tưởng những gì chim hải âu biết
Tôi hồi tưởng những gì giống cá lờn bơn che giấu
 
Tôi không còn chặt hăm tư giờ thành hai
Tôi đi xa, nhưng phơi bày mục đích
như mặt trăng và mặt trời phơi bày ánh sáng của chúng
 
 
 

Tuần canh thức

 
 
                                                                                      Thứ hai
 
Ở cách ba mươi đường kính của Trái đất
Trăng với khuôn mặt hoang vắng
hút biển lên một thước
 
Bên ngoài ông vua cùi
được ánh sáng mặt trời săn sóc
trong một đêm không không khí
 
trong lúc một khối cầu với khổ lớn tự nhiên
chầm chậm di chuyển theo đường tròn
trong một cái bao gió
 
 
                                                                                      Thứ ba
 
Nếu em chỉ cho tôi những vì sao 
ngượng ngùng tôi sẽ nhìn
đêm tối khắp chung quanh
 
nhưng nếu em châm đốt da tôi
bằng những điếu thuốc
tôi sẽ kêu lên như tiếng em cười:
 
A, em thiêu đốt tôi!
Da tôi, mắt tôi, mặt trời tôi  
là ba ngọn lửa khác nhau
 
 
                                                                                      Thứ tư
 
Tôi có những hình trăng trên những móng tay 
kể từ thời những quán rượu và những căn buồng rẻ tiền
nơi mặt trời đen và ướt
 
Tôi phóng những cọng rơm vào trăng 
tôi mỏi mệt khi thấy cái ánh bạc ấy
vẫn tồn tại sau những lần mình ném thia lia
 
Tôi buông rơi mảnh đá từ tay tôi 
tôi mỏi mệt khi phải cân trên một chiếc cân bằng vàng
những thứ không phải vàng.
 
 
                                                                                      Thứ năm
 
Trên những lá thư đường hàng không phơi phới:
Gió là dầu lửa trên những ngón tay tôi  
màu da nhòa đi trước gió
 
Đối với một đôi môi mở tất cả đều là vấn nạn:
Hai khóe miệng cách nhau bao xa?
Khẩu cái ở độ cao nào?
 
Đôi mắt là những cửa sổ xoay vòng
Kẻ gõ trống trên mặt trăng 
trở thành tên mọi vô hình
 
 
                                                                                      Thứ sáu
 
Một họa sĩ mù có một khung cửa mở làm tấm gương:
con mắt xanh, cận, viễn
con mắt với những viền mi thông xanh
 
Chúng ta ngủ trong bóng của chúng ta 
mặt trời nằm dưới gậm giường
khi trái đất tối lại
 
Chỉ có những con sơn ca để đọc vào buổi sáng 
lá thư xanh
ghi một toa thuốc quá dài
 
 
                                                                                      Thứ bảy
 
Ta sưởi ấm trán ta nơi một công viên
Ta xoay cây gậy trong tay ta
Ta đào một cái hốc cho đôi mắt
 
Ta còn biết màu mặt trời 
ta tìm kiếm giữa màu trắng phớt và màu son thắm
một điểm nơi con mắt bắt đầu lóe sáng
 
Ta thường thấy những ống màu của ta trong mơ 
ta lọc lựa chúng
Ta xếp đặt chúng thành vòng tròn
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Ta là một người mà những kẻ thâm hiểm có thể tin cậy
Ta chịu đựng mưa trên má 
ta phân biệt giữa màu xám và màu xám
 
Ta có thể khiến những người vững chắc vấp ngã
trên một sợi dây, dầy đặc hơn đêm tối
Những rào cản ta chỉ tới mắt cá chân ta
 
Ta xoay trở mà không đổi nhẫn giới
Ta nhìn ngắm tấm bích chương thế giới mà nói:
Nó vững, chính ta đã gắn đấy
 
 
 

Phụ lục: Tuần tập sự

 
 
                                                                                      Thứ hai
                               (Lời chào của anh hề, theo Khổng phu-tử)
 
Ta đã quên mấy cây bút
Ta nhớ là không ai có thể đánh cắp
Ta tốt nếu ngươi tốt
 
Ta mạnh nếu ngươi yếu
Đừng chạy, chớ dừng lại, đừng nói
Chớ câm nín, tất cả đều là hiểm nguy
 
Cây gậy của ta đã viết, đế giầy của ta đã xóa 
khiến không ai bắt được ánh sáng
khiến không ai thoát khỏi bóng tối
 
 
                                                                                      Thứ ba
                                                                    (Theo Sappho)
 
Ở Lesbos những người khác đang ngủ
Trăng đã lặn
Hội tao nhân không còn
 
Chẳng mấy chốc rồi đêm sẽ qua
Cuộc đời thấm thoắt
Ta đơn chiếc trên giường
 
Thật ngu xuẩn khi nghĩ 
rằng ta có thể chạm tới trời
bằng đôi bàn tay ta
 
 
                                                                                      Thứ tư
                                                                   (Theo Palladas)
 
Một người ngoại đạo thành Alexandrie
suy ngẫm về cuộc đời khi bọn cặn bã Cơ-đốc
tàn phá nền văn hóa cổ
 
«Có thực là người Hy-lạp chúng ta đã chết 
và có thực là chúng ta chỉ có vẻ sống sau khi đã chết
là vì giấc mơ, đối với chúng ta, là cuộc đời? Hay là:
 
Chính chúng ta mới là những kẻ đang sống trong lúc người ta tiêu diệt sự sống?»
Người Hy-lạp tác giả những dòng này đã nhìn thấy bốc cháy 
kho tàng thư lớn nhất của thời Thượng cổ
 
 
                                                                                      Thứ năm
                                                                          (Theo Blake)
 
Kinh nghiệm đáng giá bao nhiêu?
Phải chăng thiên hạ trả bằng một khúc hát?
Phải chăng họ mua được sự khôn ngoan với một điệu vũ ngoài đường?
 
Không, bằng tất cả những gì một người sở hữu họ đã mua:
Ngôi nhà, bếp lửa, gia đình
Sự khôn ngoan bán ở một nơi vắng vẻ 
 
mà khách hàng không bao giờ tới được 
và trên một cánh đồng sỏi đá nơi người nông dân
hoài công cày xới để tìm ra cơm bánh
 
 
                                                                                      Thứ sáu
                                                                        (Theo Brecht)
 
Cả đến hồng thủy cũng không kéo dài vô tận
Một hôm, những dòng nước đen đã thoát đi
Thực ra, ít có gì kéo dài lâu đến thế
 
Cái cây kể lại vì sao nó không đơm trái
Nhà thơ kể lại vì sao y viết những bài thơ dở
Ông tướng kể lại vì sao mình thất trận
 
Những bức tranh vẽ trên những tấm vải mục
Những cuốn ký sự thám hiểm, để lại cho những kẻ mau quên
Hành động can trường không ai để ý
 
 
                                                                                      Thứ bảy
                                                                       (Theo Brecht)
 
Có nên sử dụng một cái bình sứt mẻ làm chậu tiểu tiện?
Có nên trình diễn tấn bi kịch lố bịch như một trò hề?
Có nên ký thác người yêu bị tàn phá cho thuốc tẩy?
 
Ngợi khen những kẻ rời bỏ những ngôi nhà sắp sụp
Ngợi khen những kẻ khóa cửa lại trước những người bạn thua lỡ
Ngợi khen những kẻ có thể quên đi một dự án không sao thực hiện
 
Ngôi nhà đã được xây cất với những vật liệu sẵn có
Cuộc nổi dậy đã được nhen nhúm với những kẻ nổi dậy sẵn có
Bức tranh đã được thực hiện với những chất liệu sẵn có
 
 
                                                                                      Chúa nhật
 
Cây dương ánh bạc: nét đẹp địa phương
Hôm nay: mụ phù thủy già
Mặt hồ: dĩa nước giặt đồ, chớ động tới
 
Những khóm hồng-chung* và những cây mõm chó: hàng tồi
Tại sao? Đêm nay, trong giấc mơ, tôi đã thấy những ngón tay
chúng chỉ rõ tôi như người cùi hủi
 
Chúng đã mỏi mòn, tiêu ma sức lực
Tôi đã kêu lên: Các ngươi không biết gì hết
Ý thức lầm lỗi của tôi
 
---------------------------
* Fuchsias. (người dịch)
 
________________________________________
 
Chú thích về một số tên riêng (theo thứ tự xuất hiện) :
TOUTANKHAMON: Pharaon của triều đại thứ XVIII (khoảng 1354 – khoảng 1346 trước Tây lịch, người tái lập việc tôn thờ Amon. Ngôi mộ ông có một số bàn ghế tuyệt đẹp đã được tìm thấy vào năm 1922.
TIRESIAS: Người «họa sĩ mù» này còn là một «bốc sư» trong thần thoại Hy-lạp.
SAPPHO: Nữ thi sĩ Hy-lạp, sinh tại Lesbos (nay là Mytilène) vào đầu thế kỷ VI trước Tây lịch.
BLAKE, William (1757-1827): Thi sĩ và họa sĩ Anh.
BRECHT, Bertolt (1898-1956): Thi sĩ, kịch tác gia Đức. (ND.)
 
Ghi chú về tác giả:
GEORG JOHANNESEN sinh tại Bergen, Na-uy ngày 22.2.1931. Ông làm thơ, viết truyện, viết tiểu luận và dạy đại học. Kể từ 1957 tới 2003, ông đã cho xuất bản khoảng hai mươi tác phẩm, trong đó có ba cuốn tiểu thuyết, bốn tập tiểu luận, một cuốn lịch sử văn học và ba tập thơ: Thơ 1959 (1959), Ars Moriendi (Nghệ thuật chết, 1965) và Ars Viviendi (Nghệ thuật sống, 1999). Ông còn viết với bút hiệu Guri Johns.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021