thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Đặng Thơ Thơ] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng (TTD): Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

Đặng Thơ Thơ (ĐTT): Ngoài luồng nếu so sánh với trong luồng thì bao giờ cũng mới lạ, táo bạo, can đảm và đa dạng hơn, về mặt nghệ thuật cũng như ý thức. Tôi nghĩ đến ngoài luồng như tất cả những gì không thuộc trong luồng: kể cả văn học bán/phi chính thức, văn học miền Nam trước 75, văn học hải ngoại và quốc tế, văn học báo giấy, báo mạng, và báo miệng. Tức là những sáng tạo tự do vượt ngoài vòng kiểm duyệt. Nếu không có kiểm duyệt và những công an văn chương thì hẳn không có hiện tượng này. Hình thức xuất bản này là một định nghĩa ngầm cho chế độ chính trị từ đó nó phát sinh, không riêng gì văn chương mà mọi phạm trù khác cũng từ lâu bị phân chia trong và ngoài luồng như kinh tế, chính trị, xã hội, mỹ học, con người, tôn giáo... Luôn luôn một bề mặt sạch sẽ và đơn giản để che đậy những hỗn mang sôi sục của phần đời sống không kiềm toả được.

 

TTD: Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

ĐTT: Tôi được đọc một số thơ của Nguyễn Quốc Chánh, nhóm Mở Miệng, và gần đây hai tập thơ mới nhất của Trần Tiến Dũng, điều dễ hiểu là tại sao những tập thơ kiểu này không xuất hiện trong luồng được. Chúng như những tiếng kêu cứu, những tiếng kêu bằng âm thanh lẫn tiếng động chát chúa, bằng vần điệu lẫn chửi rủa, bằng tình yêu lẫn tục tĩu. Những tiếng kêu la ấy có thể làm người đang mơ màng ngủ tỉnh giấc, khó chịu, bịt tai, bỏ chạy... nhưng dẫu sao chúng cũng được thét lên và được lắng nghe, và lọt vào một lỗ tai nào đó. Chúng viết lên nền tâm thức như những hình graffiti bôi bậy lên tường, như thể thơ là graffiti, là hội họa ngoài luồng, hội họa không cần phòng triển lãm lẫn viện bảo tàng, và văn chương không cần nhà xuất bản. Nó là cõi sáng tác thật nhất, tự do nhất.

 

TTD: Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

ĐTT: Chúng ta sống trong một thế giới tiêu thụ, hàng hoá sản phẩm tất cả đều có giá của nó, vật chất lẫn phi vật chất. Những thứ không đề giá đã từ chối thân phận hàng hóa của chúng.

 

TTD: Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

ĐTT: Cám ơn anh Trần Tiến Dũng.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021