thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Anh viết cho ai?

 

Đoàn Khương Duy chuyển ngữ

 

Anh viết cho ai? Hơn ba mươi năm có lẻ vừa qua — kể từ lúc tôi thành nhà văn — đây là câu hỏi tôi được nghe nhiều nhất từ phía độc giả lẫn cánh báo chí. Động cơ tuỳ thuộc vào thời gian và nơi chốn, cũng như còn tuỳ vào mức độ tò mò của mấy người đó, nhưng khi hỏi thế thì tất cả mọi người đều có cùng giọng điệu ngờ vực và khinh khỉnh.

Vào giữa thập niên bảy mươi, lúc tôi quyết định trở thành tiểu thuyết gia, câu hỏi ấy phản ánh quan điểm thường thấy ở mấy kẻ thô thiển cho rằng nghệ thuật và văn chương là những thứ xa xỉ khó lòng đáp ứng được ở một nước nghèo không thuộc phương Tây đang vật lộn để gia nhập được vào thời hiện đại. Cũng có ý cho rằng nếu người nào đó “được giáo dục và có học thức cao giống anh” thì hắn có thể phụng sự quốc gia theo hướng có ích hơn bằng cách trở thành bác sĩ chống dịch bệnh hay kĩ sư cầu đường. (Jean-Paul Sartre tin vào quan điểm này hồi đầu thập niên 1970 khi ông nói ông sẽ không sa vào chuyện viết tiểu thuyết nếu là một trí thức ở Biafra.)

Những năm sau, mấy tay chất vấn đó càng thích thú chuyện tìm hiểu xem ở trong xã hội mà tôi đặt niềm hi vọng vào thì bộ phận nào có thể đọc và ngưỡng mộ tác phẩm của tôi. Tôi biết đây là câu hỏi đầy mưu mẹo, bởi nếu tôi không trả lời “tôi viết cho những người nghèo nhất và những ai bị áp bức nhất trong xã hội!” thì hẳn là người ta sẽ gán cho tôi cái tội bảo vệ lợi ích mấy tay chủ đất và tư sản ở Thổ-nhĩ-kì — ngay cả khi người ta nhắc tôi rằng bất kì nhà văn hoà nhã và trong sáng nào mà khẳng định rằng mình viết cho nông dân, công nhân và những kẻ bần cùng thì ắt là sẽ viết cho những người ít học thức. Hồi thập niên 1970, khi mẹ hỏi tôi viết văn dành cho ai, giọng điệu buồn rầu và đầy lo lắng của bà cho tôi biết bà thực sự muốn hỏi thế này: “Con tính lo cho thân mình ra sao đây?” Và khi mấy người bạn hỏi tôi viết cho ai, chỉ cần nghe giọng có chút chế giễu là đủ biết ý họ rằng không ai muốn đọc sách do một người như tôi viết ra.

Ba mươi năm qua đi, tôi càng bắt gặp câu hỏi này thường hơn. Chuyện này liên quan đến sự kiện mấy cuốn tiểu thuyết của tôi đã được dịch sang bốn mươi ngôn ngữ. Đặc biệt trong suốt mười năm qua, tôi nhận được nhiều cuộc phỏng vấn hơn bao giờ hết, và mấy tay phỏng vấn có vẻ lo lắng tôi có thể hiểu sai ý, thế là họ cứ hay thêm vào: “Anh viết bằng tiếng Thổ-nhĩ-kì, vậy anh viết chỉ dành cho người Thổ-nhĩ-kì hay lúc này anh còn nghĩ tới lượng độc giả ở phạm vi lớn hơn mà anh đã có được nhờ những bản dịch?” Bất kể chúng tôi nói chuyện ở trong nước Thổ-nhĩ-kì hay bên ngoài thì câu hỏi luôn kèm theo một nụ cười ngờ vực, khinh khỉnh, chuyện đó khiến tôi phải đi đến kết luận rằng nếu tôi muốn tác phẩm của mình được chấp nhận là thứ đúng đắn và chân thật, chắc tôi phải trả lời, “Tôi chỉ viết cho người Thổ-nhĩ-kì thôi”.

Trước khi thẩm tra bản thân câu hỏi — bởi nó không thành thật cũng chẳng nhân văn — ta phải nhớ sự trỗi dậy của tiểu thuyết trùng với sự xuất hiện nhóm quốc gia độc lập. Khi những cuốn tiểu thuyết vĩ đại của thế kỉ mười chín đang hình thành, thì nghệ thuật tiểu thuyết chính là nghệ thuật quốc gia dù xét theo bất kì nghĩa nào. Dickens, Dostoyevsky và Tolstoy viết cho tầng lớp trung lưu mới nổi, họ là những người có thể nhận ra mọi thành phố, con đường, căn nhà, phòng ốc và mọi cái ghế trong mấy cuốn sách của những tác gia được cả nước kính trọng; nó có thể nuông chiều cho ta có được những niềm vui thoả giống như bên ngoài thế giới thực và nó bàn đến những ý tưởng giống nhau. Vào thế kỉ mười chín, tiểu thuyết của những tác gia quan trọng trước tiên xuất hiện trong mấy tờ báo quốc gia ở phần phụ thêm cho mục văn hoá, nghệ thuật, bởi các tác gia này khi ấy nói chuyện với cả nước. Bằng giọng trần thuật của họ, ta có thể cảm giác được nỗi bất an của kẻ yêu nước luôn khắc khoải trong lòng, ước ao sâu kín của họ là mong muốn đất nước mình phát triển thịnh vượng. Đến cuối thế kỉ mười chín, đọc và viết tiểu thuyết chính là tham gia vào cuộc bàn luận mang tầm vóc quốc gia về những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Nhưng ngày nay, hành động viết tiểu thuyết mang một nghĩa khác hẳn, và chuyện đọc tiểu thuyết văn học cũng thế. Thay đổi đầu tiên xuất hiện hồi nửa đầu thế kỉ hai mươi, khi việc dấn thân của tiểu thuyết văn học vào chủ nghĩa hiện đại đã giành cho nó một địa vị trong nền nghệ thuật cao cấp. Cũng quan trọng như vậy là những thay đổi trong lĩnh vực truyền thông mà ta đã thấy hơn ba mươi năm qua: Trong thời đại phương tiện truyền thông xuất hiện toàn cầu, nhà văn không còn là người cất lên tiếng nói trước nhất và duy nhất với tầng lớp trung lưu của chính đất nước họ, mà họ là những người có thể cất tiếng nói, ngay tức thì, với các độc giả của “tiểu thuyết văn học” trên khắp thế giới. Các độc giả văn chương ngày nay chờ đợi một tác phẩm mới của García Márquez, Coetzee hay Paul Auster cũng y như các bậc cha ông ngày trước trông chờ cuốn sách mới của Dickens — coi đó là tin tức nóng hổi nhất. Các tiểu thuyết gia văn học có lượng độc giả trên thế giới thuộc dạng đó lớn hơn rất nhiều so với lượng độc giả có thể chạm tới sách của họ ở trong nước.

Nếu ta khái quát hoá câu hỏi — nhà văn viết cho ai? — thì ta có thể nói họ viết cho độc giả lí tưởng của mình, cho những người thân thương của mình, cho chính mình hoặc không dành cho ai hết. Đây là sự thật, nhưng không phải là toàn bộ sự thật. Bởi ngày nay các nhà văn còn viết cho những người đọc sách họ nữa. Từ điều này ta có thể suy ra ngày nay các nhà văn ngày càng ít viết cho đa số những người trong nước (những người không đọc sách họ) hơn so với thiểu số độc giả trên toàn thế giới, những người hay đọc sách họ. Thế là ta biết: Những câu hỏi chọc tức, và những ngờ vực về ý định đúng đắn của nhà văn, tất cả đều phản ánh tâm trạng trạng bất an cho cái trật tự văn hoá mới hiện nay vốn được hình thành từ hơn ba mươi năm qua.

Những người thấy phiền nhất là những kẻ định hướng dư luận và những viện văn hoá ở các nước không thuộc phương Tây. Họ ngờ vực về thế đứng của mình trên thế giới, còn trên đấu trường quốc tế thì họ không sẵn lòng bàn luận về những cuộc khủng hoảng quốc gia hay những vết nhơ trong lịch sử của mình, những nhóm người như thế tất nhiên sẽ nghi ngờ những tiểu thuyết gia, những người nhìn lịch sử và chủ nghĩa dân tộc từ góc nhìn phi dân tộc chủ nghĩa. Theo quan điểm của họ, tiểu thuyết gia nào không viết cho chính độc giả trong nước thì người đó đang ngoại lai hoá đất nước cho “nước ngoài tiêu thụ” và tạo ra các vấn đề thiếu cơ sở trong thực tế. Cũng có mối nghi ngờ tương tự ở phương Tây, khi mà độc giả Tây phương tin rằng văn chương địa phương nên duy trì tính địa phương, thuần khiết và trung thành với cội rễ dân tộc; họ có nỗi sợ thầm kín rằng một nhà văn viết cho độc giả quốc tế và rút tỉa từ những truyền thống bên ngoài nền văn hoá của mình thì sẽ làm mất đi chân tính của mình. Người cảm nhận được sâu sắc nỗi sợ này là một độc giả mong mỏi được mở sách ra và tiến vào xứ ngoại quốc bị tách li khỏi thế giới xung quanh, mong mỏi được quan sát trận cãi nhau của nội bộ đất nước đó, cũng tựa như người ta thích nghe lóm nhà hàng xóm cãi nhau vậy. Nếu nhà văn lên tiếng cho một nhóm người đọc bao gồm cả những độc giả ở những nền văn hoá khác nói những ngôn ngữ khác, thì cõi tưởng tượng này cũng sẽ tan biến.

Bởi lẽ mọi nhà văn trong sâu thẳm lòng mình đều muốn viết chân thật, cho nên — ngay cả sau ngần ấy năm trôi qua — tôi vẫn thích được ai đó hỏi tôi viết văn cho ai. Tuy nhiên, trong khi tính chân thật của nhà văn phụ thuộc vào khả năng dấn thân vào thế giới anh đang sống, thì nó cũng phụ thuộc nhiều vào việc anh phải có khả năng hiểu được rằng vị thế bản thân anh cũng sẽ thay đổi trong thế giới đó. Không có một thứ độc giả lí tưởng, thoát ra khỏi nhãn quan thiển cận và không bị cản trở bởi những điều cấm đoán của xã hội hay những huyền thoại của dân tộc, cũng như không có một thứ tiểu thuyết gia lí tưởng. Thế nhưng — dù viết cho dân tộc hay cho quốc tế — thì bao giờ cuộc truy tầm độc giả lí tưởng của một nhà văn cũng bắt đầu bằng cách tưởng tượng vị độc giả ấy có tồn tại, và rồi bằng cách viết những cuốn sách mà tâm trí luôn nghĩ về người đó.

 

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20130320

 

---------
Nguồn:
Orhan Pamuk, “Who do you write for?”, Other Colors: Essays and a Story. Trans. Maureen Freely (New York: Alfred A. Knopf, 2007).

 

 

------------

Đã đăng:

Chín ghi chú về bìa sách  (tiểu luận / nhận định) 
Nếu một nhà văn có thể viết xong cuốn sách mà không mơ mộng đến cái bìa, thì ông ta là một người khôn ngoan, đầy hiểu biết, và là người hoàn toàn trưởng thành, nhưng ông ta cũng đã đánh mất đi cái nét thơ ngây đã từng giúp ông trở thành một nhà văn ngay từ thuở ban đầu... [Đoàn Khương Duy chuyển ngữ] (...)
 
Ý nghĩa  (truyện / tuỳ bút) 
Chào bạn! Cảm ơn vì bạn đọc tôi. Hẳn là tôi hạnh phúc có mặt ở đây, cho dù tôi không thể không thấy bối rối. Tôi thích cách bạn lướt mắt nhìn tôi. Vì tôi ở đây là để phục vụ bạn. Mặc dầu vậy, tôi không rõ điều đó có ý nghĩa gì. Dạo này thậm chí tôi còn không biết tôi là ai — đó không phải là điều đáng tiếc sao? Tôi là tập hợp của những dấu hiệu; tôi mong được người ta nhìn thấy, nhưng rồi tôi lại sợ hãi. Liệu tự giấu mình đi trong bóng tối, xa cách, khỏi mọi cặp mắt dòm ngó có tốt hơn không? ... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)
 
Cái thú đọc sách  (tiểu luận / nhận định) 
... Khi thưởng thức sự tinh tế của nhà văn, sức mạnh trong giọng văn, khả năng quan sát, sự nồng nhiệt của ông, cách ông đi thẳng vào tâm điểm vấn đề, và sự sắc sảo của trí tuệ ông, tôi thấy như thể ông thầm thĩ tất cả sự thông thái của ông vào tai tôi, chỉ cho riêng tôi. Dù biết hàng triệu người đã đọc cuốn sách này trước tôi, tôi vẫn cảm thấy — vì những lý do không thể lý giải — trong cuốn sách này có nhiều đoạn, nhiều chi tiết vặt, những điểm tinh tế, những thấu hiểu mà nhà văn chia sẻ cùng tôi và chỉ hai chúng tôi có thể cảm kích... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)
 
Về việc đọc: Ngôn từ hay Hình ảnh  (tiểu luận / nhận định) 
Mang theo một cuốn sách trong túi hay trong giỏ xách của bạn, nhất là những khi buồn, là sở hữu một thế giới khác, một thế giới có thể mang lại cho bạn niềm vui. Suốt thời tuổi trẻ buồn chán của tôi, ý nghĩ về một cuốn sách như thế — một cuốn sách tôi chờ mong đọc — là niềm an ủi giúp tôi vượt qua những buổi học, vì khi ngáp quá nhiều tôi sẽ ràn rụa nước mắt; sau này trong đời, sách giúp tôi chịu đựng những cuộc họp chán ngấy mà tôi phải dự vì nghĩa vụ hoặc vì không muốn bất lịch sự. Tôi sẽ liệt kê ra những điều khiến tôi đọc sách, không phải vì công việc hoặc để học hỏi, mà chỉ để chơi... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021