thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuộc trở về của dòng văn học Nga lưu vong — Một hình ảnh lạc quan cho chúng ta

 

Ngày 27 tháng 1 năm 2007, tại Phòng Hội Việt Báo, 14841 Moran Street, Westminster, California, đã diễn ra buổi hội luận “Văn Học Việt Nam Hải Ngoại: Thành Tựu và Tiềm Năng”. Ban tổ chức hội luận gồm các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, damau.org, và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA). Gần hai trăm văn thi hữu đã đến tham dự. Sau phần đề dẫn của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, 14 văn thi hữu (Võ Phiến, Bùi Vĩnh Phúc, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Mộng Giác, Đặng Hiền, Nguyễn Hương, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Chí Thiện, Cao Xuân Huy, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Doãn Nho và Phùng Nguyễn) đã lên diễn đàn để phát biểu những suy nghĩ của mình. Một số bài phát biểu đã được đăng trên damau.org, số 18, 02.02.2007.
 
Dưới đây là bài phát biểu của Hoàng Ngọc-Tuấn. Bài này đã được đăng nguyên văn trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 215, tháng 3/2007.

 

Kính thưa các bạn,

Chúng ta đang sống và viết như những nhà văn, nhà thơ lưu vong. Trong chúng ta, đôi khi có người đã lo lắng rằng liệu rồi đây dòng văn chương lưu vong này sẽ đi về đâu. Hôm nay, trước các bạn, tôi xin thưa rằng: các bạn hãy an tâm, vì không thể có một dòng văn học lưu vong vĩnh viễn, nếu cố quốc của nó chưa bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Dòng văn học lưu vong nào cũng chỉ tồn tại tạm thời ở hải ngoại, và sẽ trở về với cố quốc khi những lý do khiến người cầm bút bỏ nước ra đi đã được giải quyết.

Nền văn học Nga hậu-Cộng Sản có thể cho chúng ta những ví dụ thú vị và, qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy trước một hình ảnh tương tự sẽ xảy đến cho nền văn học Việt Nam trong một tương lai không xa. Có thể nói ngay, hình ảnh đó là: Dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa — một thứ văn học chỉ phục vụ cái chế độ chính trị đã đẻ ra nó — sẽ tiêu vong theo sự sụp đổ của chế độ ấy, và nền văn học của những con người Việt Nam yêu tự do, cả ở trong và ngoài nước, sẽ thay thế nó như MỘT NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM duy nhất, trong đó, bên cạnh dòng văn học miền Nam Việt Nam trước 1975 và dòng văn học bị bịt miệng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1954, dòng văn học Việt Nam hải ngoại sau 1975 sẽ có những cống hiến to lớn cho lịch sử văn học Việt Nam.

Khuôn khổ của cuộc hội luận hôm nay chỉ cho phép tôi nêu lên một số ví dụ rút ra từ thực trạng văn học Nga hậu-Cộng Sản, nhưng tôi tin rằng chừng ấy có lẽ cũng đủ để củng cố trong chúng ta một hình ảnh lạc quan về tương lai văn học Việt Nam của chúng ta.

Năm 1987, chính sách "mở cửa" được công bố ở Liên Xô. Cùng năm đó, hội nghị đầu tiên của các nhà văn Nga lưu vong thuộc đợt sóng thứ ba được tổ chức vào tháng 2, ở Fribourg, Thụy Sĩ. Trong hàng ngũ những người tham dự hội nghị, ngoại trừ Andrey Sinyavsky, tất cả đều là những nhà văn ở lứa tuổi 40 trở xuống; đó là giới cầm bút trẻ, bắt đầu sự nghiệp sáng tác ở hải ngoại, và tác phẩm của họ đặt cơ sở trên những kinh nghiệm sống ở Tây phương thay vì ở quê hương. Những nhà văn trẻ này khẳng định rằng họ tư duy và sáng tác hoàn toàn độc lập đối với các ý thức hệ chính trị, và họ tin rằng văn chương của họ có giá trị nghệ thuật thực sự, do đó, sẽ có chỗ đứng trong lịch sử văn học Nga, dù họ sống và viết ở hải ngoại. Cũng vào tháng 10 năm ấy, một nhà thơ Nga lưu vong thuộc thế hệ lớn hơn, là Joseph Brodsky, đoạt giải Nobel Văn chương.

Chỉ vài tháng sau, vào năm 1988, một loạt tác phẩm của các cây bút lưu vong như Joseph Brodsky, Sasha Sokolov, Viktor Nekrasov, Vladimir Voynovich, và Aleksandr Galich lần đầu chính thức xuất hiện tại Liên Bang Xô-viết. Điều này làm nổi lên cuộc tranh luận về vấn đề phải chăng chỉ có một hoặc có hai nền văn học Nga. Tại một hội nghị chung có sự tham dự của đại biểu văn giới cả trong và ngoài nước, học giả Nga lưu vong Efim Etkind (1918-1999) đề nghị viết lại văn học sử Nga như một lịch sử của một nền văn học duy nhất — văn học tiếng Nga. Wolfgang Kasach tái cập nhật hóa bộ sách đồ sộ Lexikon der russischen Literatur ab 1917 (Từ điển văn học Nga từ 1917), xét nền văn học Nga từ 1917 đến 1988 như một thực thể thống nhất bao gồm cả văn học Nga trong và ngoài nước, và dịch bộ sách ấy ra tiếng Nga dưới nhan đề Văn học Nga từ A đến Z. Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu khác cho ra đời những tác phẩm nhằm tổng kết hoặc nhìn lại những chặng đường văn học Nga lưu vong đã qua, như cuốn Nửa thế kỷ sinh hoạt văn học Nga ở Paris của Yury Terapiano; thi tuyển Các nhà thơ Nga ở phương Tây; cuốn Lời thân ái từ hư không của Dimitry Savitsky; tuyển tập Những tiếng nói tự do của văn học Nga, 1950-1980, do A. Sumerkin biên tập; cùng với bộ danh mục những luận văn đã đăng tải trong các tạp chí và sách của văn học Nga lưu vong từ 1920 đến 1980, dưới nhan đề L’emigration russe Revues et recueils, 1920-1980: Index general des articles.

Khi làn gió tự do đầu tiên đã lách được qua khe hở của bức màn sắt, nó được trớn, và chẳng mấy chốc, trở thành cơn gió lớn. Năm 1989, nhiều tác phẩm quan trọng của Aleksandr Solzhenitsyn bắt đầu xuất hiện ở nội địa Liên-Xô; kể cả cuốn Quần đảo Gulag cũng được in lại từng kỳ trên tờ Novyi Mir trong năm đó. Tác phẩm của rất nhiều cây bút lưu vong khác cũng bắt đầu dồn dập chuyển về xuất bản trong nước. Những khuôn mặt đáng kể là Anatoly Marchenko, Vladimir Nabokov, Yuli Daniel, Leonid Borodin, Vadim Delonnais, Ivan Shmelev, và Boris Zaitsev. Hiện tượng đáng lưu ý là từ 1989 trở đi, tác phẩm văn học Nga lưu vong càng ngày càng tràn ngập thị trường sách trong nước, và càng hiếm hoi ở hải ngoại. Năm 1990, lằn ranh giữa văn học Nga trong nước và lưu vong trở nên thực sự mờ nhạt, với sự xuất hiện của thi tập Khai Thị của Joseph Brodsky gồm những bài thơ viết từ 1962 đến 1989. Thi tập này được Brodsky cho ra mắt tại Leningrad, và được hầu hết giới phê bình lý luận văn học Nga trong và ngoài nước xem như một biểu tượng nhất quán của thi nghiệp Brodsky, nói riêng, và của nền văn học Nga, nói chung.

Từ 1991, chế độ Xô-viết hoàn toàn sụp đổ. Giới phê bình không còn chia văn học Nga thành hai dòng nữa. Họ xem tất cả các tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Nga, bất kể tác giả sống ở trong nước hay ngoài nước, đều thuộc về nền văn học Nga. Trong tình hình đó, lối viết hiện thực xã hội chủ nghĩa nhanh chóng thoái bộ, nhường chỗ cho những cuộc biểu diễn bút pháp mới dưới ảnh hưởng của cuộc tái hội nhập của dòng văn chương lưu vong. Thử nêu một ví dụ: Vladimir Makanin (1937~) — một nhà văn sinh ra từ trong lòng chế độ Xô-viết, và hầu như cả văn nghiệp của ông là để phục vụ cho chế độ ấy — đã nhanh chóng thích ứng với làn gió mới. Giải Booker của Nga năm 1993 được trao cho cuốn Cái bàn phủ len và bình chiết rượu của Valdimir Makanin, trong đó ông đã mô tả cuộc sống con người dưới chế độ Xô-viết qua ngòi bút siêu thực kiểu Kafka. Một ví dụ khác: Năm 1992, hai tờ tạp chí văn học nghệ thuật nổi bật nhất và được trao giải thưởng ở Nga là tờ Vestnik novoi literatury và tờ Solo. Tờ Vestnik novoi literatury do Mikhail Berg chủ biên, là một tạp chí chuyên về mỹ học, quyết liệt loại trừ những tiêu chí nghệ thuật mà trước đây nhà nước Xô-viết đã đề ra và xiển dương; đồng thời tạp chí này cũng kêu gọi vất bỏ quan niệm mỹ học của chủ nghĩa hiện thực nói chung, trong đó, quan niệm mỹ học của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa bị kết án là thủ phạm đã tàn phá văn học nghệ thuật Nga suốt gần một thế kỷ. Tờ Solo, do Aleksandr Mikhailov chủ biên, xiển dương việc mở rộng tối đa biên độ thẩm mỹ, nhắm đến một lối tiếp cận mỹ học mang tính hậu hiện đại. Tờ này sẵn sàng đăng những tác phẩm gây shock cho độc giả, với mục đích thử thách và nâng cao khả năng cảm thụ của họ.

Trong bầu không khí mới mẻ đó, hàng loạt những sự kiện thú vị diễn ra. Về tiểu thuyết, những tác phẩm một thời được Đảng và nhà nước Liên-Xô đề cao như những "thiên anh hùng ca", những "kiệt tác" — chẳng hạn những cuốn tiểu thuyết của Georgii Markov và Pyotr Proskurin — đột nhiên được xem như những cái bướu ung thư trong văn học Nga. Ngược lại, những cuốn tiểu thuyết từng bị cấm lưu hành, hoặc chỉ được in rất hạn chế, của Anna Akhmatova, Osip Mandelstam, Mikhail Bulgarov, Nikolai Gurnilev, Boris Pasternak, Andrei Platonov, Evgenii Zamyatin và Boris Pilnyak, và của những nhà văn lưu vong như Vladimir Nabokov, Nina Berberova, Mark Aldanov và Vladislav Khodasevich, được các nhà xuất bản tranh nhau in và được giới phê bình mới tuyên dương như những giá trị tiêu biểu của văn học Nga thế kỷ 20. Về thơ, vô số những cây bút trẻ xuất hiện như nấm sau mưa, hăng hái thử nghiệm những lối sáng tác mới với một thứ nhiệt tình avant-garde ngây ngất. Họ quay lưng lại với cái "di sản" thơ xã hội chủ nghĩa, và hướng về những ảnh hưởng mới được du nhập từ dòng thơ Nga lưu vong và thơ ngoại văn.

{Điều này khiến tôi nhớ đến một bài nghiên cứu mới đây của nhà văn Nguyễn Viện tại William Joiner Center, thuộc đại học Massachusetts. Bài nghiên cứu của anh, dưới nhan đề "Về Thơ Trẻ Sài Gòn: Tác động của thơ Việt hải ngoại", trình bày những điều rất tương đồng với những gì đã xảy ra cho thế hệ nhà thơ trẻ ở Nga trong những năm cuối 80, đầu 90. Thật vậy, dòng thơ Nga lưu vong đã ảnh hưởng đến bút pháp của lớp nhà thơ Nga trẻ lúc ấy như thế nào, thì dòng thơ Việt Nam lưu vong cũng đã ảnh hưởng đến bút pháp của lớp nhà thơ trẻ Sài Gòn hôm nay như thế ấy. Nhưng hôm nay chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn văn học Nga lúc ấy. Chúng ta có internet, và nhờ đó, cuộc giao lưu giữa các nhà thơ Việt Nam lưu vong và các nhà thơ ở trong nước có thể diễn ra rất dễ dàng. Các nhà thơ ở trong nước có thể đọc thơ hải ngoại hàng ngày và, ngược lại, họ có thể gửi ra hải ngoại để đăng tải những tác phẩm mà họ không thể xuất bản ở trong nước.}

Năm 1999, Đại Hội Thơ Lưỡng Niên Moscow lần đầu được tổ chức, như một cuộc đoàn tụ đầy cảm hứng giữa các nhà thơ Nga nội địa và hải ngoại. Năm 2001, song song với nhiều sinh hoạt khác, Đại Hội đã tổ chức riêng một cuộc sinh hoạt, mệnh danh là "21st Century Classics", dành cho thế hệ các nhà thơ Nga lứa tuổi 20 ở trong và ngoài nước. Trong cuộc sinh hoạt đó, họ đã ngồi lại với nhau để đánh giá hiện trạng thi ca Nga và so sánh hiện trạng ấy với những phát triển của thi ca thế giới đương thời. Năm 2003, Đại Hội càng mở rộng hơn, cả trăm nhà thơ Nga từ nhiều nước trên thế giới đã về Moscow để tham dự; và năm 2005, trong kỳ Đại Hội lần thứ IV, hai ấn phẩm quan trọng đã được công bố, đó là tuyển tập Ulysees Unbound: Russian Poetry Outside the Borders of Russia — một tập thơ tiêu biểu cho tinh hoa thi ca Nga của những cây bút sống và viết ở hải ngoại —, và cuốn Poets of the Russian Diaspora — cuốn đầu tiên của loạt sách sẽ được xuất bản liên tục nhằm tạo điều kiện giao lưu cập nhật giữa các nhà thơ Nga ở hải ngoại và độc giả ở nội địa.

Từ 1991 đến nay, giới phê bình và nghiên cứu văn học Nga cũng chuyển hướng hoàn toàn cùng với những thay đổi lớn lao trong thực tiễn sáng tác. Loại sách báo ca ngợi văn học Xô-viết đã rút lui ra khỏi kệ sách của tất cả những tiệm sách ở Nga, nhường chỗ cho những sách báo về các đề tài mới. Tất nhiên, trong những đề tài mới này, có cả những đề tài liên quan đến sự tranh cãi giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến. Phe bảo thủ (gồm đa số những người đã bỏ cả đời để phục vụ cho đường lối văn nghệ của Đảng) ra sức biện minh cho nền văn học Xô-viết. Họ phải ra sức biện minh, vì họ không thể chịu đựng được cái thực tế khắc nghiệt rằng toàn bộ sự nghiệp văn chương đồ sộ của họ, cùng với những bằng khen, những huy chương cao quý nhất do Đảng trao tặng, giờ đây, đột nhiên, đi vào sọt rác. Một số ít cựu văn nô khăng khăng thề thốt rằng hiện trạng văn học Nga hôm nay chỉ là một cơn khủng hoảng nhất thời, và tin rằng những giá trị của văn học Xô-viết rồi sẽ được khôi phục trong văn học sử! Phần đông cựu văn nô lại cố gắng đánh tráo bản chất văn học của họ; họ cho rằng cả sự nghiệp văn học của họ là để phục vụ cho dân tộc, phục vụ cho nhân dân, chứ không phải phục vụ cho Đảng. Họ tự xếp những tác phẩm sặc tính Đảng của họ vào phạm trù "văn học dân tộc chủ nghĩa"! Họ cho rằng thời kỳ Xô-viết là một thời kỳ không tránh khỏi của lịch sử nước Nga và, do đó, nền văn học Xô-viết là một nền văn học gắn liền với lịch sử nước Nga trong thời kỳ ấy! Thế nhưng, mặc tình cho họ loay hoay biện minh, độc giả ở Nga hôm nay không còn muốn đọc văn học Xô-viết nữa, và các nhà xuất bản ở Nga hôm nay không còn thấy có nhu cầu ấn hành thứ văn học ấy nữa.

Rốt cuộc, chúng ta thấy gì? Chúng ta chứng kiến sự diệt vong của nền văn học Xô-viết cùng với cái chết của chế độ Xô-viết. Chúng ta chứng kiến sự khôi phục của dòng văn học Nga trước thời kỳ Stalin và dòng văn học bị bịt miệng dưới chế độ Xô-viết. Chúng ta chứng kiến cuộc trở về tuyệt vời của dòng văn học Nga lưu vong. Chúng ta chứng kiến cuộc kết hợp của những dòng văn học ấy tạo thành MỘT nền văn học Nga đích thực. Những điều tương tự cũng sẽ đến với chúng ta. Chúng ta sẽ chứng kiến sự diệt vong của nền văn học Việt Nam xã hội chủ nghĩa cùng với cái chết của chế độ đó. Chúng ta sẽ chứng kiến sự khôi phục của dòng văn học miền Nam Việt Nam trước 1975 và dòng văn học bị bịt miệng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1954. Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc trở về tuyệt vời của dòng văn học Việt Nam lưu vong. Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc kết hợp của những dòng văn học ấy tạo thành MỘT nền văn học Việt Nam đích thực.

Thật vậy, chúng ta không cần phải lo lắng rằng dòng văn học Việt Nam lưu vong, một dòng văn học có rất nhiều thành tựu và tiềm năng, sẽ bị mai một. Không, những tác phẩm VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC CỦA NHỮNG CON NGƯỜI TỰ DO SÁNG TẠO, một khi đã ra đời, tự nó sẽ tiếp tục sống và nó sẽ đi vào lịch sử văn học. Chỉ những tác phẩm vô giá trị, những tác phẩm phục vụ như công cụ nhất thời cho một chế độ chính trị, sẽ bị đào thải. Chúng ta hãy an tâm. Không một sức mạnh chính trị nào, không bằng khen nào, không một chiến dịch tuyên dương to tát nào có thể giúp cho những tác phẩm vô giá trị ấy được trường tồn như những đại biểu của một nền văn học "chính thống". Vì, khi chính cái chế độ đẻ ra chúng đã đi vào sọt rác, thì, tất nhiên, chúng cũng đi thẳng vào sọt rác.

Xin cảm ơn các bạn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021