thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Thanh Xuân
(phỏng vấn nhà thơ Thanh Xuân)

 

 

Chị đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của chị muốn nghe chị đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình chị biết (sau thời kỳ tiền chiến) chị chọn bài nào?

 

TX: Tôi đang ở tuổi thanh niên mà tôi chẳng thích đọc thơ tình nữa. Nhìn lại những người đi trước tôi thấy ai cũng hay, nhưng lại không có người hay nhất. Tôi thích mỗi người một bài hoặc mỗi người một câu ( hoặc nhiều hơn). Tôi không kể ra một cái tên tôi thích về thơ, vì kể ra chẳng khác nào tôi “khoe” tôi đọc những ai và trình độ tôi đọc thế nào. Nếu vậy tôi cứ “lựa” một số người nổi tiếng nhất và học thuộc lòng tên họ??? Tôi thích phẩm chất của một nhà thơ trước khi đánh giá thơ họ có phù hợp với cái chất họ viết ra hay không. Như TTKH là huyền thoại VN giấu tên giấu hành tung chỉ để khóc vài bài cho cá nhân mình, chẳng thèm… nhuận bút, tiếng tăm gì (?!) Nhưng đã nói rồi, tôi không thích thơ tình lắm, nên tôi không thích bà này. Tôi thấy Lãng Thanh về thái độ cũng tốt (dù trẻ quá so với tiêu chí của các bác là sau tiền chiến nhưng Lãng Thanh chỉ được “giới giang hồ” công nhận có làm thơ chứ chưa có sử sách nào công nhận nhà thơ), có một thái độ “chánh nghĩa” của một nhà thơ, là viết cho bạn bè đọc hơn là mưu cầu danh, ham mê tiếng. Đến khi chết rồi người ta mới biết người này có một “cái nhà” đầy thơ. Tôi cũng thich Emily Dickinson, một nhà thơ Mỹ (xa quá), vì đây cũng là một người có phẩm chất và danh giá của một nhà thơ, ẩn dật mà viết, ai muốn làm gì thì... kệ.

Vậy đó, nhưng tôi đọc bạn bè tôi, tôi đọc chú Trần, anh Nguyễn, em Lan.

 

Giả sử một ngày mai chị đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời chị đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Chị chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời bà? Tại sao?

 

TX: Tôi hiện tại chẳng có 3 thứ đó, nên tôi làm thơ, dù có những kẻ ghét tôi, hoặc kém thông minh, thì không cho cái tôi viết là thơ. Thật sự tôi phì cười khi nói nếu có 1 trong 3 sự kiện đó tôi sẽ làm thơ. Vì có 1 trong 3, hay có tất cả, tôi sẽ đi ăn mừng, hơn là tỉ mủn làm thơ. Cái thứ 2 làm tôi mong mỏi nhất nhưng tôi nghĩ đến đời em cháu tôi chắc cũng không có được, vì cách mạng nhân văn đối với một nhóm người này có khi lại là sự xuống cấp nhân văn đối với một hội hè khác. Thế thì thành đấu trường nhân văn mất rồi, lo chém giết nhau chứ thời gian đâu làm thơ. Cái thứ 3 xảy ra chắc là tôi đang tung tẩy du lịch hơn là làm việc khác. Còn cái đầu tiên, có thể tôi sẽ làm một bài cho hết mừng vui. Nhưng mà, làm gì có!

 

Chị có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Chị có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà chị bị chàng đá đít không? Chị có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

TX: Tôi chưa nghe một bài thơ tình biết phản bội. Tôi không tin. Có chăng là người em/anh phản bội. Nhưng vì một bài thơ mà phản bội hay đá đít, thì cũng không. Tôi chỉ thấy có những kẻ ngoại vi kia thấy người khác hay hơn mình (dù chỉ vài ba câu thơ tình) thì đạp, thì chửi, thì chê. Khó mà thuần khiết được. Tùy theo cấp độ và tuổi đời mà đam mê con người thay đổi. Anh thích thơ tình thuần khiết hôm qua, nhưng ngày mai có khi anh thích thơ đời, thơ đạo. Nhìn chung, hiện tại, tôi thấy các em nhỏ hay đọc thơ tình.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Chị có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai chị có tin rằng con chị sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của chị hoặc bài thơ tình mà chị đã thích?

 

TX: Nếu đã là quan niệm chung thì không nên bàn cãi. Nhưng đã 10.000 năm nay thơ tình không lúc nào là không thay đổi. Yêu, rồi đau khổ, rồi khó khăn, tuyệt vọng, cuối cùng là chết, tình yêu là một con sông dài chảy hoài không hết, nhưng sẽ chảy ra con sông lớn với nhiều cách khác nhau. Chất liệu gì bây giờ? Có mâu thuẫn quá không, khi một mặt muốn thơ thuần khiết, một mặt lại muốn thay đổi nó? Nếu đưa một chất liệu nào khác thơ tình sẽ trở thành thơ-khác.

Tôi cũng đã nói rồi ở trên. Con tôi sẽ thích Nguyễn Bính, Xuân Diệu trước. Sau đó thích tới tôi, chẳng hạn.

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Chị có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị chàng cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay chị cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Chị có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Chị có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của chị với bạn đọc không?

 

TX: Cảm xúc hoa hồng không phi văn hóa. Về quan điểm, tôi không cho làm thơ tình khùng và hét váng bất chợt là yêu quái. Bệnh não hóa biểu tượng tình yêu là bệnh ý thức được tình yêu. Khi có ý thức tình yêu thì khó có cảm xúc hoa hồng, trừ khi đa nhân cách. Thơ ca không phải là con đường tuyệt đối tôi đi, nên tôi không sùng bái hay tôn thờ cảm xúc hoặc bịa đặt cảm xúc. Tôi không có thơ tình, tôi chỉ đọc thơ tình khùng của người khác cho người yêu tôi nghe, nếu cần. Khi không kềm giữ thì viết, đó là cách duy nhất mà.

Thẳng thắn đi, từ sau thời kỳ tiền chiến, cảm xúc không kiềm giữ, nôm na là thăng hoa, ít lắm. sự không kiềm giữ điều khác nhiều hơn.

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) chị cho rằng sẽ nghe được gì?

 

TX: Thường thì tôi không để ý gì khác ngoài chăm chút cho mình. Tôi lại không bao giờ thích nghe lén. Nhưng nếu cho phép và bắt tôi nghe (mà lại nghe cái sự tột đỉnh của một đôi tình nhân nữa chứ!), tôi nghĩ chẳng hi vọng gì mà nghe họ đọc thơ tình, hoặc họ cũng không nói to để nghe dễ dàng, họ chỉ thì thầm hoặc “nói” với một hình thức khác. Tôi sẽ nghe “Yêu đi. Yêu đi chứ. Yêu thôi”.

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Chị sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

TX: “Em gái là một người bình thường. Và đừng có mất bình tĩnh bởi những lời khuyên chung chung. Em đang thể hiện cõi riêng đây. Còn cõi riêng nào nữa ?”

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của chị.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021