thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mối tình đầu, hay thử nhìn lại “Đây thôn Vỹ” của Hàn Mặc Tử

 

Mối tình đầu? Đó là câu chuyện trữ tình, lãng mạn của một vài trăm năm về trước? Mà ngay vào thời kỳ ấy nó cũng chỉ áp dụng cho một số trường hợp. Là vì nếu có người tha thiết, trân trọng và ôm mãi trong lòng “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, thì cũng có kẻ xem đấy như một kỷ niệm bé nhỏ, êm đềm, một biến cố trong vô vàn biến cố khác tất nhiên phải xẩy ra trong đời người. Nhưng dù sao đó vẫn là đề tài muôn thuở, muôn nơi của những chuyện tình sướt mướt như TristanIseut thời trung cổ châu Âu, RomeoJuliet, CatherineHeathcliff ở Anh, PaulVirginie ở Pháp, Werther ở Đức, vân vân.

Thế trong văn học của ta? Cũng không thiếu những thiên tình sử, những mối tình đầu. Chỉ xin đề cập đến một vài truyện tiêu biểu mà thôi.

Đầu thế kỷ thứ 19 (1804) Phạm Thái viết Sơ Kính Tân Trang kể mối tình của mình với Trương Quỳnh Như. Phạm Thái, một chiến sĩ cần vương quyết chí khôi phục Nhà Lê, và là một nhà thơ tài ba có chỗ đứng trong văn học nước nhà; Quỳnh Như, cô em gái của một người đồng chí. Bôn ba khôi phục Nhà Lê nhưng mộng không thành, nhóm cần vương cuối cùng tan vỡ, ôm ấp khối tình với Quỳnh Như thì người đẹp chết sớm, Phạm Thái hết muốn sống, mới 37 tuổi đã lìa đời, để lại những vần thơ ảo não:

... Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi tình cho nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh.
 
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; chua xót cũng vì đâu, não nuột cũng vì đâu?
 
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử ...

Nhưng thê thảm hơn nhiều, ngang trái hơn nhiều, đó là cuộc tình của Thúy Kiều và Kim Trọng trong Truyện Kiều dưới ngòi bút thiên tài Nguyễn Du. Thà cả hai người yêu nhau cùng chết như Romeo và Juliet, hoặc một người lìa đời để người còn lại sống trong thương nhớ như Phạm Thái và Quỳnh Như, hay Heathcliff và Catherine. Đằng này số phận cay nghiệt tách đôi Kim và Kiều mỗi người một ngả, cách biệt nhau như trời với vực — chàng thì đường rộng thênh thang tiến bước, nàng thì từ nơi khuê các phong gấm rủ là nay ngụp lặn trong chốn bùn nhơ. Đối nghịch quá lớn! Cho nên những “khi về” không phải là những hạnh ngộ mà là tai nạn. Hai tiếng ngắn ngủi “khi về” nghe như tiếng nạt nộ của định mệnh, của tiếng búa đập vào nắp quan tài.

Khi chàng về vườn Thúy tìm nàng:

Khi về hỏi Liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

Và cả “khi về” ở giai đoạn Kim Kiều tái ngộ. Lúc ấy Kiều mới qua khỏi tuổi 30, tính từ tuổi đôi tám bắt đầu cài trâm (Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê) cho đến sau 15 năm hoạn nạn. Vâng, Kiều còn trẻ lắm “Chừng xuân tơ liễu còn xanh” và nhan sắc thì “Hoa tàn mà lại thêm tươi / Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Nhưng chỉ vì những kỷ niệm không thể nào quên được của mối tình đầu, Kiều đành phải nhận lời sống bên cạnh, bên lề cuộc đời của người yêu cũ đang hưởng hạnh phúc với em gái của mình. Dù muốn biện bạch thế nào đi nữa, đấy không phải là một cuộc sống bình thường và hạnh phúc; trái lại nó bỡ ngỡ, lúng túng, bẽ bàng. Đó là chưa kể trong một xã hội phong kiến gò bó, khép kín, và đầy thành kiến, sẽ không thiếu những lời ong tiếng ve về quá khứ của một gái giang hồ. Nếu không có biến cố nào khác nữa xẩy ra, thì suốt cuộc đời của Kiều quả là một bi kịch lớn. Có lẽ Kiều sẽ giã từ cuộc sống tạm bợ ấy để về với song thân nay đã nương thân với gia đình người con trai là Vương Quan chăng? Lại “khi về” thêm một gánh nặng và tai tiếng cho em trai. Hay nàng sẽ trở lại chốn “am mây” tìm sự yên ổn cho tâm hồn trong lời kinh tiếng kệ, trong mùi thiền và màu thiền mà nàng đã bắt đầu yêu mến:

Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.

 

*

 

Nhưng lại cũng có những mối tình đầu một chiều, những mối tình thơ mộng tuổi học trò, tuổi mới lớn, tuổi của e thẹn, sợ sệt, tuổi bắt đầu biết yêu, thế mà nó đeo đẳng rất lâu, có khi suốt một đời người. Loại tình ái này xẩy ra vô số kể trong cõi người ta, trong thơ, trong văn, trong thư, trong “lưu bút ngày xanh”, trong những mẩu chuyện kể qua cốc cà-phê, chén trà, trong canh bạc, hoặc những lúc vui nhộn cũng như những khi buồn rầu. Lại càng thú vị hơn nữa khi đó là chuyện mối tình đầu một chiều của nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử, một mối tình không đầy nước mắt như những mối tình lớn trên thế giới mà ta vừa kể, trái lại nó bâng khuâng, mơ hồ, lãng đãng, được diễn tả một cách xuất thần trong bài thơ “Đây thôn Vỹ”.

Hàn Mặc Từ yêu nhiều người, nhưng người mà thi nhân mỗi khi nhắc nhở đến đều dùng lời lẽ trân quý, đó là Hoàng Cúc. Năm 1932 lúc Hàn Mặc Tử vừa 20 tuổi, lần đầu tiên gặp Hoàng Cúc tại Quy Nhơn là yêu ngay, không cần biết người mình yêu nghĩ gì về mình, và đấy là mối tình đầu của nhà thơ. Tình yêu nồng nàn, tha thiết ấy không được đền đáp. Bốn năm sau, năm 1936, khi tiếng tăm đã vang dậy, Hàn Mặc Tử có dịp gặp Hoàng Cúc lần thứ hai, tình yêu trong lòng người thơ vẫn sôi nổi, mà người đẹp thì vẫn hững hờ.

Đến năm 1939, bệnh tình đã tới thời kỳ vô phương cứu chữa, Hàn Mặc Tử càng làm nhiều thơ, những bài thơ kinh dị, đau đớn, khổ não[1] khiến Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam đã thảng thốt: “Chỉ trong thơ Hàn Mặc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu ... Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi thế giới thực và cả thế giới mộng của ta ... Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người ... Ta rùng mình, ngơ ngác ...”

Thế nhưng, thật là kỳ lạ, khi nhận được “bức ảnh phong cảnh, chụp cảnh hoàng hôn mua ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác ngoài cô chèo đò” (thư của Hoàng Cúc trả lời Quách Tấn đề ngày 15/4/1971, trích từ cuốn Lá Trúc Che Ngang của Hoàng Thị Quỳnh Hoa) do người đẹp của mối tình đầu từ Huế gởi vào tặng, Hàn Mặc Tử dường như quên hết mọi khổ não tục lụy, đã đáp lại bằng một bài thơ rất đẹp, rất trân trọng, rất êm đềm, tuyệt nhiên không có một chút gợi ý nào về những nỗi đau đã kinh qua, hoặc về ám ảnh nhục dục mà ta thỉnh thoảng gặp trong những bài thơ tình khác[2] của Hàn, mà vào thời ấy tình dục trong văn thơ bị lên án là xấu xa.[3]

Và cũng không buồn thảm, bi đát như hầu hết thơ của Hàn vào giai đoạn đó.[4]

Đó là bài “Đây thôn Vỹ”.

“Đây thôn Vỹ” lời lẽ nhẹ nhàng, thanh cao, lung linh, êm ái, man mác, như nhung, như lụa, một kiệt tác, một bài thơ nổi tiếng nhất của Hàn Mặc Tử. Thơ hay phải được đọc đi đọc lại nhiều lần, và mỗi lần đọc không chừng lại khám phá được một cái gì mới. Ta thử đọc toàn bài:

Đây thôn Vỹ
 
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
 
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
 
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Bài thơ mới đọc qua thấy êm ả, giản dị, dễ hiểu. Nhưng đọc đi đọc lại ta nhận ra không phải thế. Có những dòng nước ngầm, những tình ý miên man, những lời lẽ hàm súc, đa tầng, đa nghĩa.

Trước hết, hãy nhìn lại hai từ tưởng như đơn sơ “anh” và “em”. Hai từ này có thể ở ngôi thứ nhất, thứ nhì, hoặc cả ngôi thứ ba, tùy cách dùng. Trong những bài thơ khác, danh xưng, chủ thể, khách thể được tác giả sử dụng đâu vào đấy. Chẳng hạn trong bài “Tình quê”:

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
...
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê

chữ “anh” ở ngôi thứ nhất.

Chữ “em” trong bài Bẽn Lẽn cũng ở ngôi thứ nhất:

Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

Trong bài “Lưu luyến” thì chữ “anh” ở ngôi thứ nhất, chữ “em” ngôi thứ hai:

Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi

Nhưng trong bài “Đây thôn Vỹ”, chữ “anh”, chữ “em” dùng ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ hai đều được.

Trước tiên, theo cách hiểu thứ nhất, nhà thơ đóng vai người đẹp nhắn mình ra Huế thăm. Thì chữ “anh” được dùng ở ngôi thứ hai. Câu đầu tiên đã là một ngạc nhiên lớn cho người đọc. Đó là lối nói làm duyên thay vì nói thẳng rằng xin anh về đây thăm em nhé, nhân tiện chơi thôn Vỹ luôn. Chữ “chơi” thật đắc dụng. Chơi thôn Vỹ có nghĩa là ngao du, thăm thú đây đó, nào vườn cây trái sum sê, nào tre trúc xanh tươi, rồi bến nước mát rượi, trưa thì kiếm con thuyền nhỏ hoặc chiếc đò ngang qua dòng sông Hương tới cồn Hến, nổi tiếng cơm hến đặc biệt, rồi được tráng miệng bằng chè bắp Cồn... Nhưng câu nói đầu tiên ngắn ngủi ấy cũng có thể là câu trách móc nhẹ nhàng, hờn mát — nhà thơ giàu tưởng tượng mà:

Sao anh không về chơi Thôn Vỹ?

Và về để nhìn nắng trong vườn của “ai”. (Lại chữ “ai”. Vườn ai? Vườn của “em” đấy):

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Đồng thời cũng về để nhìn khuôn mặt của em sau lá trúc? Chắc không hẳn thế, người đẹp không quá sỗ sàng đến thế. Vậy thì có thể là anh về để “người ta” được nhìn anh sau những cành lá trúc:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Trong khổ hai của bài thơ, vấn đề chủ thể, khách thể, tương đối dễ giải quyết. Trước cảnh vật không ngừng chuyển động, gió, mây, nước, chỉ có em (chỉ có tôi) đứng yên như cây bắp chôn chân vào lòng đất, như em đứng yên một chỗ lòng dạ bồn chồn, như hoa bắp lung lay trước gió, mong sao tối nay con thuyền tình kịp chở trăng về.

Khổ cuối lại nổi cộm vấn đề chủ thể, khách thể. Ai mơ khách đường xa? Em (tôi) mơ. Nhưng “ai” không nhìn ra vì áo “em” trắng quá? Anh. Cuối cùng, “ai” biết tình “ai” có đậm đà? Có lẽ cả “anh” và “em”:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khi mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà

Đúng vậy, khó có thể biết rằng “tình ai có đậm đà” hay không khi anh thì yêu em một chiều, em thì tặng anh một tấm hình mua ngoài phố!

Theo cách hiểu thứ hai, như đã trình bày, chữ “anh” có thể ở ngôi thứ nhất, do đó “anh” ở đây có nghĩa là “tôi”, “mình”. Tác giả tự bảo: “Ừ nhỉ, tại sao mình không về Thôn Vỹ một chuyến chơi, tại sao anh không về Thôn Vỹ nhân đó thăm em?” Về để được nhìn nắng hàng cau, được nhìn ngôi vườn xanh mướt, được nhìn khuôn mặt yêu dấu sau mấy ngọn lá trúc.

Khổ hai của bài thơ mô tả những rung động trong lòng người bằng những xôn xao bên ngoài. Đây là cách diễn tả nội tâm quen thuộc của Hàn. Trong bài “Tình quê” chẳng hạn, anh thì đi thơ thẩn, nhạn thì từ xa bay về, còn mây, gió, nước[5] cũng luôn luôn chuyển động để chỉ sự “đê mê” trong lòng anh.

Nhưng ở khổ ba chủ thể và khách thể lại hòa lẫn ngay từ câu đầu. Ai mơ khách đường xa? Em chứ đâu phải anh. Nhưng đến câu thứ nhì, chủ thể lại trở về anh:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra

Điều lạ lùng là dù đứng từ quan điểm nào, quan điểm người kể chuyện là “anh” hay “em”, hoặc có lúc quan điểm lẫn lộn như vừa được nêu lên, tác giả vẫn tạo nên sự trong sáng, nhẹ nhàng, êm đềm, trôi như dòng nước xuôi, như đám mây vờn. Người đọc hoàn toàn bị bài thơ lôi cuốn, không hề thắc mắc về vấn đề chủ thể, khách thể. Anh và em quyện vào nhau hòa lẫn, đồng điệu, mơ hồ, lãng đãng, tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong một không gian thanh khiết, trong một tâm cảnh đầy hoài niệm, thương nhớ, lẫn băn khoăn, tần ngần, trong một khung cảnh rất Huế, Huế xưa. Đây thôn xóm xanh tươi với nắng trong vườn với cau, chuối, tre, trúc — Huế nổi tiếng loại nhà vườn. Kia, bên kia nhánh sông Hương, bên kia dòng nước buồn thiu, là Cồn Hến có hoa bắp lay, có bắp ngon, có cơm hến, hến vớt từ đáy sông Hương, và chiều về thì sương khói dâng lên bao trùm cảnh vật. Rất đặc thù Huế mùa Thu.

Thế là, trong tưởng tượng của nhà thơ, hai người đã được sống với nhau trọn một ngày từ lúc nắng lên cho đến khi chiều về. Và tối nữa chứ: “thuyền ai đậu bến sông trăng đó” chắc sẽ “chở trăng về kịp tối nay”.

Hai người bên nhau trọn một ngày? Niềm ước mơ này của Hàn Mặc Tử khiến liên tưởng ngay đến câu thơ “Đôi lứa thần tiên suốt một ngày” trong một bài thơ cũng rất hay của Huy Cận, bài “Áo trắng”.[6] Lại cũng áo trắng, nhưng không phải áo em trắng quá nhìn không ra mà là áo trắng có thật, đơn sơ, dịu dàng, như hạnh phúc có thật, và “anh” là người được hưởng hạnh phúc đó, và cũng có gió nhưng không phải gió lay hoa bắp trên cồn mà là gió lùa vào tóc em, cũng nắng nhưng nắng xuyên qua một căn phòng ấm cúng dệt lên trên tà áo chứ không phải nắng trong vườn cau. “Anh” và “em” được phân ngôi định vị đâu vào đấy. Tuy nhiên, áo trắng cũng chỉ là một biểu tượng, em còn cho anh những thứ khác quý giá hơn nhiều, rất gần gũi, rất cụ thể, sờ mó được. “Anh” thấy rõ và nắm bắt được nơi “em” từ “gót ngọc” đến bàn tay “ngón ngón thon”, rồi “đôi má nắng hoe tròn”, rồi “gió biếc vào trong tóc”; anh nghe nơi em “tiếng lẫn lời”; anh thở cả “hồn em”. Còn gì nữa? Cuối cùng hai bàn tay của anh nâng niu được cả “hạnh phúc”, đó là cái gì vậy, ấm áp, êm ái, tròn đầy:

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay

Nhưng bài “Áo trắng” Huy Cận lại viết tặng Nhất Linh. Phải chăng, trong tình huống này, chẳng khác gì Xuân Diệu “Đến gần tổ ấm đôi chim bạn / Bỗng thấy lòng cuồng yêu ngẩn ngơ”, Huy Cận cũng chỉ là người ngoại cuộc “cảm tác”, chính Nhất Linh mới là kẻ may mắn?

Hàn Mặc Tử, trái lại, là một bất hạnh lớn. Trải qua bao đau khổ trên tình trường và cơn bệnh hiểm nghèo, cuối cùng, lúc sắp lìa đời — chưa đầy một năm sau nhà thơ mất — Hàn Mặc Tử mới được chút an ủi qua tấm hình gợi lại kỷ niệm của mối tình đầu, mối tình một chiều, dù đấy là tấm hình người con gái chèo đò mà Hoàng Cúc mua ngoài phố gởi tặng chứ không phải là tấm hình của Hoàng Cúc. Hàn Mặc Tử luôn luôn là người tình bất hạnh. Từ bất hạnh trong tình yêu, Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều bài thơ tình bất hủ, trong đó bài thơ “Đây thôn Vỹ” sẽ chịu sự thử thách của thời gian.

Cũng nên để ý rằng trên bề mặt “Đây thôn Vỹ” tả cảnh, nhưng đây là một bài thơ tả tình tuyệt vời.

Lầu Hoàng Hạc bên Tàu nổi tiếng nhờ bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu. Tương tự như thế, làng Vỹ Dạ ở ngoại ô Huế càng được nhiều người biết đến kể từ khi bài thơ “Đây thôn Vỹ” của Hàn Mặc Tử ra đời.

 

1
 
2
 
3
 
4
 
5
 
6

 

 

--------------

 

_________________________

[1]

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh
(“Rướm máu”)
 
hay
 
Hồn là ai? Là ai! Tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả và tôi thì chết giấc
(“Hồn là ai”)

[2]

Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm
(“Gái quê”)
 
Tôi thường muốn thấy người tôi yêu
Nhơ nhởn đồi thông lúc xế chiều
Để ngực phập phồng cho gió rỡn
(“Tôi không muốn gặp”)
 
Ống quần xo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình!
(“Nụ cười”)

[3]Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn hiện Đại: “Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của Hàn Mặc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Tử tuy diễn ra trong tập Gái Quê còn ngập ngừng, nhưng đã bắt đầu thiên về xác thịt ... Đến bài hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm người ta phải lợm giọng.”

[4]

[5]

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
...
(“Tình quê”)

[6]

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bưng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương. Bước tỏa hồng.
 
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
 
Em nói anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
 
Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.
(“Áo trắng”)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021