thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mary Carter
Bản dịch của Lê Trung Tự

 

 

TÌNH THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN CỦA MARY CARTER

 

Mary Carter lấy ra đồng một hào từ trong cái túi nhựa màu đỏ đựng tiền lẻ và cẩn thận đặt nó lên trên ngón tay cái hơi cong lại. Nàng dùng hết sức búng đồng tiền ấy. Nó rớt xuống gần bàn chân nàng. “Mặt ngửa,” nàng thì thầm trong lúc lượm đồng bạc cắc lên. “Thế là điều đó đã được dàn xếp,” nàng thở dài đúng vào lúc cánh cửa của một chuyến xe buýt nội thành phố mở ra trước mặt nàng.

Xuyên qua khung cửa sổ của xe buýt, phố xá trông bụi bặm. Một cơn mưa phùn làm cho phố xá thêm ảm đạm, và Mary cảm thấy bực mình vì quên đem theo cái dù. Sáng hôm đó nàng đã đoán trước là trời sẽ mưa lúc nàng qua cửa sổ buồng ngủ. “Mày thật là vô dụng,” nàng tự nhủ. “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mày đang chết dần vì bệnh ung thư ở cái tuổi năm mươi lăm.”

Một lúc sau, nàng nhíu mày. “Quên cái dù thì có liên quan gì tới chuyện chết vì ung thư ở tuổi nào đó?” Nàng nhăn mặt. “Thật ra chẳng có gì liên quan cả.” Nàng chợt nghĩ. “Điều quan trọng lúc này là đi tìm một nhà vệ sinh. Đáng lẽ sáng nay mày không nên uống tách trà thứ hai.”

Phố xá đã vắng người lúc nàng xuống xe buýt tại góc đường Maxwell và đường số 33. Nàng thấy lạnh và nhận ra rằng không khí trở nên lạnh hơn. “Mày trông mong gì đây?” nàng tự nhủ. “Tháng Mười Một mà!”

Phía trước Mary, những cây sồi cao chót vót đứng dọc theo lối đi với những nhánh cây giống như những ngón tay đen đủi cào lên bầu trời. “Mày cũng sắp lên tới đó mà thôi,” nàng nói với chính mình trong lúc nhìn lên những đám mây xám trên đầu. “Rồi thì quên cái dù hay phải đi tiểu cũng sẽ chẳng còn nghĩa lý gì cả.”

Hàng sồi dọc theo lối đi chẳng mấy chốc dẫn đến một bức tường đá cao có ghi dòng chữ Vườn Bách Thú Thành Phố Williamson. Mary Carter thở ra nhẹ nhõm; nàng đã tới đích. Mặt ngửa của đồng tiền mà nàng ‘gieo quẻ’ trước đây có nghĩa là vào khu chuồng cọp trong vườn bách thú. Mặt úp của đồng tiền có nghĩa là nhảy cầu sông James.

Từ ngày mai, sẽ chẳng còn những đêm không ngủ trong căn hộ nhỏ bé hoặc phải mỗi buổi sáng phải đi làm một công việc mà nàng chán ngán. Quan trọng hơn hết là không còn phải đếm ngày, đếm giờ trong sáu tháng tiếp theo cho tới khi ung thư kết liễu đời nàng.

Bây giờ chỉ mới khoảng sau mười một giờ sáng thứ Ba. Mary chọn ngày một cách cẩn thận và, vì trời mưa, thảo cầm viên vắng khách, nên ít có ai gần đó xen vào cản trở kế hoạch của nàng. Chuồng cọp ở đằng trước, bên dưới chỗ nàng đứng, có ghi số 22 trong tờ hướng dẫn khách bộ hành. Đó là một khoảng sân lớn, nằm phía dưới, cách khán đài chừng một mét.

Người ta xây những bức tường bê-tông với dốc dựng đứng để cọp không thể nào thoát ra được, và đồng thời những bức tường đó cũng là một trở ngại lớn nhất cho Mary. Nàng sẽ leo lên cái tấm chắn bằng sắt cao ngang ngực trước khi lao mình xuống chuồng cọp. Điều cần thiết là không có ai ở gần đó để ngăn cản nàng.

Lúc Mary đến khán đài thì con cọp đang nằm nghỉ cạnh bức tường ở một góc xa trong chuồng. Rìa đá phía trên con cọp được thiết kế giống như cái cửa hang, cũng là chỗ để cho cọp trú mưa. Mary cảm thấy kinh ngạc vì kích thước của con cọp; nó dường như quá khổng lồ so với nàng. Cặp mắt to hình quả hạnh nhân của con cọp đang quan sát mọi điều chung quanh, và nàng chắc chắn rằng nó biết nhất cử nhất động của nàng.

Cho đến lúc đó, Mary mới thấy có một người ở đầu bên kia của khán đài. Phải chăng lúc nàng tới thì ông ta đã có mặt ở đây? Nàng có thể cam đoan là không. Càng để ý đến ông ta thì nàng càng bớt lo lắng về sự có mặt của ông ta. Đó là một người già nua và dường như không đáng để nàng quan ngại. Trái lại, ông ta đang chăm chú quan sát con cọp và không hề để ý gì tới nàng.

Mary cởi áo mưa ra và dùng hai tay nắm chặt cái song sắt. Nàng ngạc nhiên là nàng có thể nhấc người lên, vừa đủ để bỏ một chân qua cái song sắt. “Thế đấy, mụ gái già kia, mày chưa chết đâu,” nàng thì thầm.

Khung cảnh bên trong chuồng cọp làm cho nàng thót ruột: dãy tường dựng đứng cao hơn là lúc nàng mới thoạt nhìn. Trong lúc nàng trèo, thì một chiếc giày bị sút ra và kêu rít lên khi nó trượt xuống dốc tường bê-tông.

Tiếng động và tư thế của Mary trên cái rào cản an toàn làm cho con cọp lưu ý, đuôi nó đập qua đập lại một cách bồn chồn. Nàng chăm chú nhìn từng bước chân của con cọp đang di chuyển một cách cẩn trọng về phía nàng, bộ lông màu cam vằn đen của nó lấp lánh dưới mưa. Nàng chợt nghĩ rằng nàng đã lựa chọn cách kết liễu cuộc sống trong móng vuốt của con thú xinh đẹp này thì thật là đúng, thay vì chết chìm dưới đáy sông James bùn lầy.

“Bà có chắc là bà muốn giết nó?” một giọng nói nghe như phát ra từ một thế giới nào khác làm gián đoạn sự tập trung của Mary. Nàng quay mặt nhanh về phía đó, sẵn sàng nhảy nếu cần.

“Bà biết không, tất nhiên là họ sẽ chích thuốc cho nó chết một cách không đau đớn, nếu nó giết bà.” Lời nói lơ lửng trên không trung và cứ lặp đi lặp lại trong đầu nàng. Quả thật là nàng chưa hề nghĩ đến chuyện con cọp sẽ bị giết.

“Tôi chắc rằng bà đã không nghĩ tới điều đó.” Người đàn ông ở đầu bên kia khán đài nói tiếp mà không hề chuyển động.

“Không,” Mary trả lời một cách thản nhiên, “tôi không hề có ý định làm hại nó.”

“Tôi cũng nghĩ là không,” ông ta đáp, “thế nhưng lý do gì làm cho bà muốn chết một cách thảm hại thế này?”

“Dù gì đi nữa thì lý do tôi muốn chết không còn quan trọng nữa,” Mary trả lời một cách chậm chạp, nước mắt nàng trào ra.

“Vậy thì tốt,” ông ta trả lời. “Cũng gần tới giờ ăn trưa rồi, bà muốn ăn một cái hamburger không? Sáng nay tôi mới biết là tôi chỉ còn sống được sáu tháng nữa thôi, và tôi không muốn lãng phí một giây phút nào cả.”

 

 

----------------
Dịch từ nguyên tác Anh văn, “Mary Carter’s Dilemma”, của Ron Van Sweringen, trên tạp chí Bewildering Stories, issue 599.
 
 
Ron Van Sweringen sinh ngày 26 tháng 9 năm 1936 tại Hampton Virginia. Là một hoạ sĩ tự học, ông có rất nhiều hoạ phẩm được triển lãm tại Corcoran Museum of Art và Toà Bạch Ốc ở Washington, D.C. dưới thời Tổng Thống Reagan và Tổng Thống Bush.
 
Là một nhà văn và nhà thơ, ông đã đăng truyện ngắn “Time To Fly,” trên tờ Miranda Magazine. Bài thơ “Greyhound Memories” được trang Wikipedia công bố như một ví dụ tuyệt hảo của loại thơ Haiku.
 
Hiện ông đang sống tại bờ biển Vero ở Florida cùng với Punkin, “người bạn tốt nhất” của ông, đó là một con chó loại Carin Terrier thích săn kỳ nhông và rắn.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021