thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]

 

Đã đăng: chương [1]

 

2

 

Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó. Nhưng có một người phụ nữ thực sự dũng cảm – người anh hùng của tôi.

Khi tôi còn học cấp một, có duy nhất một người bạn cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ tên. Đó là Nhã. Mặc dù bây giờ tôi cũng không thể miêu tả rõ ràng trông Nhã như thế nào, nó gầy béo cao thấp hơn hay kém tôi. Tất cả những gì tôi có thể nhớ được là Nhã là con của một ông họa sĩ và nó không có mẹ. Nó rất nhút nhát, nó dường như là ít nói nhất lớp.

Tôi đã nói ở trên với bạn, rằng tôi có một niềm tin rằng, nếu tôi yêu thương ai đó thì họ sẽ đền đáp lại tôi, tất nhiên đó là chuyện hồi nhỏ. Và với Nhã cũng vậy. Tôi làm quen với nó, tỏ cho nó thấy là tôi có cảm tình với nó và muốn trở thành bạn của nó. Chúng tôi thân nhau rất nhanh, vì khi ấy, tôi ở với mẹ trong khi bố được phân công công tác ở một tỉnh khác, còn Nhã lại chỉ có bố. Nhã hình như có một món tóc rất thưa và mảnh. Mẹ tôi nói, tất cả những ai khi sinh ra không được cắt đi tóc máu, thì tóc sẽ luôn thưa và mảnh. Nếu như mẹ nó đã bỏ nó từ khi mới sinh, thì làm sao có ai cắt tóc máu cho nó chứ?

Tôi, hình như vẫn nhớ được rằng, Nhã được khá nhiều bọn con trai thích. Cái từ thích này, bạn nên hiểu rằng không phải kiểu thích như của bọn trẻ con hiện nay. Bọn trẻ con bây giờ lớn và khác rất nhiều so với bọn trẻ chúng tôi thời ấy. Chúng được tiếp xúc quá nhiều với thế giới tiện nghi và được người lớn dạy cho biết quá sớm nhiều thứ. Khi ấy, nếu như một thằng con trai thích một đứa con gái thì chỉ vì, hoặc là nó có thể sai khiến con bé đó, hoặc là vì con bé đó có kẹo hoặc có bài cho nó coi cọp. Nhưng tất nhiên, không chỉ có bọn con trai thích Nhã, mà kể cả tôi nữa. Ở Nhã, toát ra một cái gì đó rất hiền từ và bao dung. Như thể chính vì điều đó mà nó không cần có thêm một người mẹ nữa. Nó dường như bao giờ cũng muốn che chở cho tất cả chúng tôi và chẳng bao giờ nó ngại việc nhận lỗi về mình.

Trên con đường từ trường đi học về, chúng tôi vẫn hay dàn thành hàng. Bọn con trai đi với bọn con trai, bọn con gái đi với bọn con gái. Tuy có xe đạp nhưng tôi vẫn cứ thích đi bộ đi học cùng các bạn. Chúng tôi cứ bước ngang ngang, rồi chạy đuổi theo nhau trên triền đê đầy hoa lạc dại nở vàng rực. Hồi đó vẫn còn triền đê và vẫn còn dòng sông nhỏ chạy từ trường về nhà tôi. Theo thời gian, dòng sông đó sẽ dần trở thành một cái mương nhỏ, rồi bị lấp đi làm ruộng và trở thành đường. Nếu như bây giờ tôi có trở lại, tôi cũng sẽ không thể nào tìm nổi lại, dù chỉ là vết tích nhỏ nhất, của dòng sông thuở ấy nữa.

Hồi đó, tôi hay bị mót tiểu trong lớp. Nó giống như một thứ bệnh lý. Cứ khi căng thẳng, tôi sẽ bị đổ mồ hôi tay và thấy bụng mình dần dần cứng lại và tôi sẽ mót tiểu lắm lắm. Thường thì tôi sẽ cố nhịn cho tới giờ ra chơi, nhưng cũng có lúc trong lớp, tôi phải giơ tay giữa giờ để xin cô giáo cho ra khỏi lớp. Có một bữa, vừa qua giờ kiểm tra toán mà tôi đã phải tập trung, vắt óc suy nghĩ, lại là tiết cuối, tôi mót tiểu lắm rồi nhưng nghĩ là sắp đến giờ về, nên tôi cứ cố nhịn mãi. Thế rồi khi vừa nghe tiếng trống tùng tùng và nghe lớp trưởng hô chào cô giáo xong, tôi cùng Nhã và bọn con trai đã ùa ngay ra cổng trường, chạy vội ra về trên triền đê. Chỉ đi được một lát, tôi không thể chịu nổi nữa nhưng không biết làm cách nào vì đã ra tới đê rồi. Giờ chạy quay lại trường thì chẳng kịp vì ông bảo vệ thường vội vàng đóng cổng trường bất kỳ khi nào lũ trẻ chúng tôi hết giờ. Dạo ấy, ngoài việc làm bảo vệ, nhà ông ta còn đảm nhiệm cả việc chăn bò cho hợp tác xã nữa, nên cứ hết giờ học là ông ta vội vàng đi nhận bò thả về. Vậy là tôi nghĩ, hay cứ tè đại đi. Thế là tôi cứ mặc cho cái quần dần ướt đầm trong khi bụng lại trở nên nhẹ nhàng, thoải mái vô cùng. Trái lại, mặt tôi dần tái đi, vì thứ mùi nước tiểu gây gây bắt đầu loang ra trong không khí. Có một vài đứa bắt đầu hếch hếch cái mũi lên ra chiều đang ngửi thấy một thứ mùi gì đó không hay. Tôi bước líu ríu, hai tay lấy cái cặp xách che lại phía đằng sau, chỉ sợ đứa nào phát hiện ra thì không biết giấu mặt mũi vào đâu nữa.

Không hiểu bằng cách nào Nhã biết được và một cách rất tự nhiên, nó cứ lôi tay tôi chạy xuống mé sông. Hai đứa tôi bước xuống men bờ cỏ rồi bắt đầu lội xa hơn tí chút, để nước ngập tới bụng. Bọn con trai thấy vậy cũng chạy xuống, nhìn chúng tôi có vẻ khoái chí như đang chơi một trò mạo hiểm, rồi chẳng ai bảo ai, bọn chúng cũng nhảy xuống lội nước cùng chúng tôi. Nước sông trong vắt, đầy rong đuôi chó, lòng sông nông choèn như thể lòng một con suối nhỏ, chúng tôi lội trong rong kêu oàm oạp, cười thét vang trời. Mọi lo lắng của tôi tan biến, bất chợt, tôi cũng té nước trêu bọn con trai và cười òa cùng Nhã. Nắng chiều đổ lên những món tóc thưa và mỏng của Nhã một màu vàng rực kỳ lạ, đôi mắt Nhã trong veo nhìn tôi không chút tò mò, thắc mắc. Tôi cũng nhoẻn cười nhìn Nhã, lòng tràn đầy sự biết ơn, không nói được gì, chỉ biết rằng, rồi đây, mình sẽ luôn luôn nợ nó, một điều gì đó.

Và cũng kể từ đó, tôi nghĩ tới Nhã như một anh hùng. Nó thực sự là một anh hùng trong mắt tôi, như trong những cuốn truyện tranh tôi được thưởng vào cuối năm, về những anh hùng còn bé tí tuổi như chúng tôi nhưng đã là những liên lạc viên trong các đội biệt động Sài Gòn. Khi đó, chúng tôi thường say sưa đọc những cuốn truyện tranh này và đó gần như là một niềm tự hào. Chỉ những học sinh giỏi hoặc có thành tích xuất sắc mới được tặng thưởng sách. Chúng tôi đọc say mê, truyền tay nhau và kể cho nhau nghe những câu chuyện về đội thiếu niên Bát Sắt, về anh Kim Đồng, anh Lê Văn Tám, chị Võ Thị Sáu,… Đứa nào cũng mơ ước được trở thành một anh hùng như thế. Nhưng sau buổi chiều ở bên bờ sông ấy, trước mắt tôi chỉ còn một anh hùng duy nhất – đó là Nhã. Đôi lúc, trong giờ học, tôi nhìn trộm Nhã, ngạc nhiên nhận thấy giờ đây xung quanh Nhã, lúc nào cũng như có một vòng hào quang.

Vào lúc này đây, tôi sẽ không bao giờ có thể tả cho bạn biết Nhã cao thấp gầy béo hơn hay kém tôi, nhưng tôi có thể nói chắc chắn rằng Nhã có một khuôn mặt rất đẹp. Cái đẹp toát ra từ vầng trán rất cao và đôi mắt rất sáng của nó. Và khuôn mặt ấy, thì không hề giống gì khuôn mặt của bố nó.

Ông ấy là một họa sĩ kỳ cục. Ông thường hay đèo nó (nếu có thời gian đến đón) bằng một chiếc xe đạp phượng hoàng màu đen có chuông khá là kêu. Người ông lúc nào cũng lấm bẩn, không phải của bùn đất, mà của màu vẽ. Tôi thậm chí có thể đoán được hôm nay ông đang sử dụng màu gì để vẽ, sơn hay màu nước hay phấn sáp,… nhờ vào màu sắc và thứ mùi tỏa ra từ quần áo ông. Ông có một mớ tóc xoăn chơm chớm bạc và không hiểu sao, khi ấy, chỉ là một đứa trẻ, nhưng tôi đã nghĩ rằng, ông là một người đàn ông hấp dẫn.

Vào thời đó, một đứa trẻ không có mẹ sẽ rất có thể là một đề tài bàn tán cho thiên hạ; nhưng cũng vào thời đó, người ta có vô số lý do có thể nêu ra cho hiện thực ấy mà không bị nghi ngờ quá nhiều như bây giờ. Ví dụ như ngay cả gia đình tôi, trước khi vào cấp một, tôi cũng chỉ ở với mẹ, vì bố được phân công đi công tác ở một tỉnh khác (tôi đã kể rồi thì phải), cách nơi mẹ con tôi ở cả trăm cây số và vì thế, bố chỉ có thể về thăm chúng tôi vào cuối tháng. Một lý do kiểu đó có thể bảo vệ bố con Nhã khỏi những lời dị nghị và cũng không ai lại có đủ phương tiện thông tin dễ dàng như bây giờ để mà gọi điện hay phóng xe đi hỏi liệu chuyện mẹ Nhã được phân công đi dạy ở biên giới là thực hay không nữa. Nhưng cho dù mức độ thật giả của chuyện đó có như thế nào thì tôi vẫn cho rằng Nhã chẳng nên có một người mẹ làm gì. Một mình Nhã đã là quá đủ.

Ngay cả bây giờ tôi vẫn nghĩ, những giờ phút tôi tập xe cho thằng bé kia là hạnh phúc. Dư vị của niềm hạnh phúc ấy giờ đây vẫn có thể dễ dàng tái hiện nếu tôi ôm chiếc đàn măng-đô-lin phủ đầy bụi trong căn phòng nhỏ của mình và bắt đầu nghêu ngao hát: “Bé bé bồng bông, hai má hồng hồng,…”. Và cả những giây phút khi chúng tôi chơi ở nhà Nhã, hai đứa quẩn quanh cái giá vẽ của bố nó, cũng là những thời khắc hạnh phúc.

Khi chúng tôi đang học cấp một thì đột nhiên, khắp nơi người ta rộ lên mốt treo tranh lụa. Tôi vẫn nhớ cái dáng của bố Nhã khi ông đạp chiếc phượng hoàng đen chở một chiếc hòm mà trong đó đựng đầy những tấm tranh lụa cuộn cùng những thanh trúc sẽ bán rất được giá ở ngoài thành phố. Thực ra chúng chẳng phải là tranh lụa gì đâu. Cái thứ toan mà người ta gọi là lụa thực chất chỉ là một loại vải sợi hồ rất dối, nhẹ tênh và đầy nilon. Nhã và tôi thường giúp ông xếp những bức tranh đã vẽ tãi ra đầy nền nhà đợi khô, vì lúc này, bố Nhã thường làm không đủ hàng để giao. Khi đó chưa có công nghệ in như bây giờ, vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông có thể vẽ ra cả chục bức, bức nào cũng từa tựa như nhau, như thể những tấm hình trong sách giáo khoa của tôi và của Nhã thì luôn giống nhau vậy. Có hai bức hình mà ông thường được người ta đặt hàng là hình vẽ Tháp Rùa và vịnh Hạ Long. Một năm sau đó, để bớt nhàm chán và tăng thêm tính hấp dẫn, không biết ông hay người đặt hàng, đã đưa ra sáng kiến in lịch lên trang lụa đó.

Tôi đặc biệt thích lúc ngồi nhìn bố Nhã vẽ. Thực ra ông cũng chẳng chú tâm gì. Bằng cớ là ông nào đâu phải suy nghĩ. Bức vẽ nào cũng như nhau mà thôi. Cứ cái tranh Tháp Rùa thì bao giờ chắc chắn cũng phải có hình Tháp Rùa ở giữa rồi, sau đó sẽ có những tán lá phượng lòa xòa ở tiền cảnh, rồi thì xa xa có thêm cái cầu Thê Húc cong cong. Còn cái tranh vịnh Hạ Long thì luôn luôn có hòn Trống – Mái dựa vào nhau và phía trước có vài ba cái thuyền. Vậy thôi. Thế mà tôi vẫn cứ thích nhìn ông vẽ. Tôi thích nhìn những món tóc xoăn xõa lòa xòa trước trán ông, bàn tay ông cầm bút vẽ phết đi phết lại một lớp màu hoặc hình ông đổ bóng xuống nền nhà trong những buổi chiều hoàng hôn xuống rất chậm chạp. Có những lúc, Nhã rất tự nhiên, nó lôi tôi tới sau lưng bố, và hai chúng tôi, ôm lấy cổ ông, và mỗi đứa, hôn vào một bên má ông. Và rồi sẽ thấy ông mỉm cười, nụ cười thật hạnh phúc, trong khi lòng tay tôi, lại bắt đầu ướt đẫm.

Tới năm lớp 4, tật đổ mồ hôi tay của tôi vẫn không hết. Khi tham gia những buổi tập thể dục tập thể trong sân trường với những bài hát mà tới giờ tôi vẫn nhớ, gì nhỉ, “Hai tay song song này, nắm lấy cái tai này,…” mà có những lúc chúng tôi – con trai và con gái – phải nắm lấy tay nhau tạo thành một vòng tròn, khi nào tôi cũng mang theo một chiếc khăn mùi xoa bé tí để nắm vào đó. Tôi rất sợ mọi người biết mình bị đổ mồ hôi tay – vì đó là điều khác với tất cả những người khác. Cả bố và mẹ đều lo lắng. Mẹ có nghe mọi người nói rằng, tật đổ mồ hôi tay là một biểu hiện của chứng phong thấp và nếu không kịp thời chữa, thì có thể sẽ gây viêm khớp, rất nguy hiểm với những người ít tuổi. Mẹ tìm cho tôi nhiều loại thuốc đông y, thuốc nam để uống nhưng căn bệnh vẫn không hết. Sự lo lắng của mẹ dường như đã trở thành thái quá. Đối với tôi lúc đó, đổ mồ hôi tay hay không cũng chẳng có gì đáng phiền cả. Sự thực là tôi chỉ bị đổ mồ hôi khi quá căng thẳng và điều đó thì có hề gì đâu, vì ở lớp chẳng ai biết điều đó cả, ngoại trừ tôi.

Nhưng mọi chuyện mà bạn nghĩ là chỉ mình bạn biết thì thực ra vẫn luôn có ai đó đang dõi theo và biết toàn bộ những điều mà bạn tưởng đã cất giấu kín. Trong trường hợp này, chẳng ai khác, đó là Nhã. Một buổi chiều thứ 7, sau khi Nhã và tôi thu dọn đủ những bức tranh đã khô dưới nền nhà và cuộn cùng ống trúc để sắp vào chiếc hòm cho bố nó, bỗng nhiên ông gọi tôi lại, rồi bảo là cần phải chữa chứng đổ mồ hôi tay cho tôi. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vừa nhìn Nhã, vừa nhìn bố nó, vừa cảm thấy ngượng ngập vì một bí mật bị phát giác lại vừa nghĩ rằng mình có nên nghe theo bố nó hay không. Nhã kéo tôi vào phía sau bếp, bảo tôi đi tiểu vào một chiếc bô nhỏ màu xanh nước biển trong khi bố nó đi nướng hai viên gạch cùng với rất nhiều rau ngải cứu. Rồi ông mang chúng vào bếp, lấy ra một chiếc ghế và bảo tôi ngồi xuống. Ông sắp hai viên gạch đang bốc hơi nóng rực trước mặt tôi, rải rất nhiều lá ngải cứu ở phía trên rồi ông lấy chiếc bô xanh đổ nước tiểu của tôi tưới lên hai viên gạch và bảo tôi hơ tay ở trên đó. Tôi không còn nhớ cảm giác lúc đó của mình thế nào, nhưng chắc hẳn là vừa sợ hãi, vừa xấu hổ. Rồi cũng tới lúc ông bảo tôi là “Ổn rồi, giờ thì cháu cứ đi chơi với Nhã đi, rồi cháu thấy, những giọt mồ hôi đó sẽ biến mất ngay thôi”. Và Nhã kéo tôi đi.

Chỉ vậy thôi mà chứng đổ mồ hôi tay của tôi biến mất thật. Lúc đầu tôi thấy rất ngạc nhiên, rồi tôi kể với mẹ, nhưng tôi không nói rằng chính bố con Nhã đã “chữa bệnh” cho tôi. Thậm chí, với chính bản thân mình, nhiều khi tôi còn nghĩ, điều đó giống như một phép bùa chú và không hiểu, có thực “phương thuốc” đó đã chữa khỏi bệnh cho tôi, hay vì một điều gì đó hơn thế. Vì khi lớn lên, tôi biết được rằng, có rất nhiều căn bệnh đã được người ta chữa khỏi chỉ với những biện pháp tâm lý.

Nếu như tôi là một người phụ nữ như mẹ, thì những ngày tháng đáng nhớ ấy của năm cấp một chắc chắn đã được lưu giữ ở đâu đó, có thể là những chiếc giấy kẹo dứa đỏ chót kêu loạt xoạt được gấp lại thành những cô tiên nữ nhún nhảy trong chiếc đầm xòe rất được lũ con gái chúng tôi thích thú hồi ấy, hoặc rất có thể, là một tấm tranh lụa vẽ hỏng của bố Nhã. Hoặc cả chiếc túi nilon chứa đầy những vật phẩm “ăn cắp” của thằng bé đó đã được mẹ nó trả lại cho tôi như thế nào. Nhưng cũng vì không phải là một người phụ nữ như mẹ, nên tôi ít nhất, cũng đã không phải mang trong mình bất cứ dằn vặt nào. Vì tôi, rất ít nhớ, những gì thuộc về quá khứ.

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021