thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chiếc-dương-cầm im lặng

 

 

CHIẾC-DƯƠNG-CẦM IM LẶNG

 

Trong một chuyến về nước thăm gia đình, lên căn gác gỗ nhỏ nhắn chứa đầy những đồ vật cũ kỹ, tôi đã tìm thấy một vật mà gần bốn mươi năm về trước nó được gọi là chiếc-dương-cầm của hai anh em chúng tôi — một vật mang nhiều kỷ niệm sâu sắc mà tôi không thể nào quên. Chiếc-dương-cầm của chúng tôi là một chiếc bàn bằng gỗ thô cũ kỹ, dài khoảng một thước, được anh em chúng tôi dùng làm bàn học từ đời anh cả truyền xuống cho đến đứa em nhỏ nhất. Ai trong gia đình học lớp cao nhất thì được ngồi học ở bàn này, và có lẽ mỗi anh em chúng tôi đã có những kỷ niệm khác nhau với nó. Giờ đây chiếc bàn này đã gần sáu mươi tuổi, mặt bàn trầy trụa, loang lổ nhiều vết mực, có nhiều chữ viết chồng lên nhau, có những hình vẽ ngoằn ngoèo và những đường kẻ hình dạng những “phím đàn” cũng mờ hẳn đi. Đặt những ngón tay của mình lên những “phím đàn”, tôi xúc động vô cùng, tưởng như còn nghe văng vẳng những khúc nhạc tôi yêu thích hồi còn nhỏ.

 

+

 

Lúc còn bé, tôi luôn yêu thích dương cầm. Mỗi lần đi ngang qua một ngôi nhà có tiếng dương cầm vẳng ra, tôi nín thở, tim tôi như ngừng đập, tôi thường đứng lại, lắng nghe và cố ghi nhớ những nhạc điệu đó. Hồi đó, gia đình chúng tôi sống nhờ vào tiền lương ba tôi lãnh hàng tháng, ba mẹ chỉ lo đủ chuyện ăn học hàng ngày cho chúng tôi. Về phương diện giải trí, ba mẹ tôi chỉ có khả năng mua đàn mandolin và guitar cho chúng tôi chơi, còn dương cầm là một vật “xa xỉ”, vậy mà tôi cứ luôn ao ước được học chơi dương cầm.

Sau tháng tư năm một chín bảy mươi lăm, ba tôi thất nghiệp. Mẹ tôi bắt đầu rời nhà, bươn chải, tần tảo để kiếm sống. Ba và các anh tôi đã đi vào rừng đốn củi, đốt than, rồi bị đưa đi sống tại vùng kinh tế mới Phú Nhơn. Dù ba mẹ tôi làm nhiều việc khác nhau vẫn không đủ xoay xở để mua thức ăn về cho gia đình, mẹ tôi quyết định đem bán dần những đồ vật mà bà cho là không còn cần đến nữa. Ban đầu là những đồ trang sức, những bộ quần áo ba mẹ tôi đã mặc đi làm, rồi bà lựa những bộ tô, chén, dĩa, muỗng, nĩa, dao, bình tách trà đẹp, những vật mà trước kia bà đã từng ưa thích vô cùng. Sau đó là bộ xalông, rồi tivi, những tủ đựng chén bát, tủ đựng quần áo, bộ phản gỗ to đặt giữa nhà và những chiếc giường gỗ đẹp. Mẹ tôi bán tất cả những gì mà mẹ tôi nghĩ rằng chúng có giá. Chiếc bàn gỗ thô dùng làm bàn học cho chúng tôi thì không có giá trị gì cả, vì vậy mà nó còn sót lại.

Tôi phải nghỉ học ở nhà để thay thế mẹ lo chăm sóc các em nhỏ và làm công việc nhà. Một ngày nọ, trong lúc dọn dẹp bàn học cho anh tôi, tình cờ tôi phát hiện ra có những đường mực vẽ trên mặt bàn. Anh của tôi đã đo và vẽ đúng kích thước hình dạng những phím dương cầm trên mặt bàn, những phím trắng là những ô kẻ đều đặn, anh tô đậm những nốt đen bằng màu mực xanh. Tôi ướm những ngón tay mình lên những “phím đàn”, ấn mạnh tay xuống từng nốt dù chẳng có một âm thanh nào vang lên, nhưng lòng tôi rộn lên một niềm vui không tả được, với cảm giác giống như là ba mẹ tôi vừa mua về một chiếc dương cầm thực sự. Lúc ấy tôi chưa biết mục đích của anh tôi, chỉ nghĩ rằng anh vẽ những phím đàn cho vui. Thật ra, đó lại là một sáng tạo tuyệt vời!

Rồi một ngày kia, bước lên căn gác là nơi phòng học của anh tôi, tôi đã sững người nhìn một cảnh mà tôi không thể nào quên. Chung quanh hoàn toàn im lặng, trước mặt anh tôi là những chồng sách vở, bút mực ngổn ngang. Anh tôi say sưa ngồi trước chiếc-dương-cầm ấy, hai tay ấn lên những “phím đàn”, thỉnh thoảng chu miệng, anh phát ra những tiếng “xì xì, xịt xịt” từ kẽ răng, hoặc anh huýt gió, hoặc thỉnh thoảng anh dừng lại, dùng đàn guitar để đàn lên khúc nhạc anh đang nghĩ trong đầu, rồi thoăn thoắt viết nhanh những nốt nhạc lên giấy kẻ nhạc. Tôi lặng lẽ rời phòng học của anh. Hôm sau tôi biết được anh đã hoàn tất những khúc nhạc hoà tấu cho nhiều nhạc cụ khác nhau với cách thức này. Anh tôi cũng kể là anh đã dùng chiếc-dương-cầm đặc biệt đó để tập chơi chương Adagio sostenuto của bài Sonata “Ánh trăng” của Beethoven trong im lặng, rồi anh chơi bài ấy cho tôi “nghe”!

Từ đó, những lúc tôi rảnh rỗi mà anh tôi đi vắng, tôi lên phòng học của anh để ngồi trước chiếc-dương-cầm im lặng đó và chơi những bài hát mà tôi ưa thích. Cũng như anh tôi, tôi đã “nghe” được những âm thanh cao khi ấn ngón tay vào những “phím” bên phải và những âm thanh trầm khi ấn ngón tay vào những “phím” phía bên trái của mặt bàn. Để cho nốt nhạc trong đầu tôi được chính xác, thỉnh thoảng tôi cũng đã dùng đàn guitar, khảy lên nốt nhạc mà tôi đang nghĩ. Tôi đã ngồi hàng giờ bên chiếc-dương-cầm của anh tôi mà không biết chán, tôi đã tìm được một niềm vui tuyệt vời trong giai đoạn buồn tủi này của đời tôi.

Gần nhà chúng tôi có một nhà thờ Tin Lành, và một ngày kia chúng tôi bỗng nghe tiếng dương cầm bên đó vẳng qua. Gia đình ông bà mục sư đến sống tại ngôi nhà thờ đó có những người con trạc tuổi anh em chúng tôi. Hai gia đình đã kết bạn với nhau rồi chúng tôi trở nên thân thiết. Cùng với hai cô bạn gái đồng trang lứa với tôi, tôi bắt đầu học dương cầm, chúng tôi đã tranh đua nhau mà học đàn, và nhờ vậy tôi đã quên đi nỗi buồn của cuộc sống nghèo đói khó khăn đang bủa vây gia đình chúng tôi lúc đó. Ông bà mục sư và con cái của họ là những người rất dễ thương, tốt bụng. Họ đã cho phép tôi đến tập đàn miễn phí mỗi tuần một buổi. Tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian làm việc nhà của mình và nhờ đó, trong vòng hai năm, thay vì được cắp sách đến trường với bạn bè, tôi đã được học chơi dương-cầm-thật. Mỗi tuần tôi đã thuộc một bài trong cuốn nhạc học vỡ lòng piano — cuốn Method Rose —, rồi sau đó là cuốn Classic Piano cấp I và cấp II. Thời gian đầu, với những bài nhạc đơn giản, chỉ cần một lần tập trên chiếc dương cầm tại nhà thờ, tôi cố gắng nhớ những nốt nhạc và những thế bấm trên đàn, rồi hàng ngày tôi tập dượt bằng chiếc-dương-cầm im lặng trong phòng học của anh tôi. Khi bài tập piano phức tạp hơn, tôi mượn cuốn nhạc mang về nhà, bí mật luyện tập. Tôi đã thực hiện được ước mơ của tôi trong thời gian cùng quẫn nhất của gia đình tôi. Sau này, khi mẹ tôi biết được tôi đã có cơ hội học dương cầm trong tình cảnh đó, bà đã mỉm cười, ứa nước mắt, nói: “Cứ vậy mà sống nghe con, đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ...”,[*] nhưng ba mẹ tôi đã không hề biết gì về chiếc-dương-cầm im lặng trên phòng học của anh tôi cũng như những niềm vui và những dòng âm nhạc đã sinh ra từ nó.[**]

 

+

 

Sau tháng tư năm một chín bảy lăm, thời mà nhiều người bị thất nghiệp, bị mất nhà cửa, bị thất học, để kiếm được thức ăn cho gia đình là một vấn đề vô cùng khó khăn. Lúc đó, mỗi ngày gia đình tôi chỉ có một bữa cháo hoặc một bữa khoai mì luộc. Có ai biết rằng trong căn nhà nhỏ kia, ngoài tiếng đàn guitar thủ thỉ, ngày đêm còn “vang” lên những dòng âm nhạc từ một chiếc-dương-cầm im lặng, có khi là những bản hoà tấu phức tạp với nhiều nhạc cụ khác nhau, có khi là những bài tập kỹ thuật, có khi là những nhạc phẩm du dương. Một cách lặng lẽ, anh em chúng tôi đã tìm được niềm vui bằng chiếc-dương-cầm đó. Dù trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát, âm nhạc đã cho chúng tôi niềm hạnh phúc và hy vọng vô cùng lớn lao, chúng tôi đã không hề tuyệt vọng.

 

Sydney 06/2013

_________________________

[*]Mẹ tôi thường nhắc lại hai câu “Đời là khúc nhạc. Đời là tiếng thơ...” trong bài Dòng Sông Xanh (nhạc: Johann Strauss, Jr. / lời Việt: Phạm Duy) mà bà rất yêu thích.

[**]Sau khi vượt biển thoát ly khỏi Việt Nam, anh tôi đã đến Phi Luật Tân rồi sang Úc vào cuối năm 1983, và trong những ngày tháng đầu tiên mới định cư trên đất Úc, không có một chiếc dương cầm nào trong nhà, anh tôi đã vẽ lại chiếc-dương-cầm im lặng trên một mặt bàn lớn hơn để chơi. Tháng 11 năm 1984, với chiếc-dương-cầm im lặng đó, anh tôi đã sáng tác nhạc phẩm Nostalgic Poems (Hoài Hương Thi) cho piano độc tấu, và nhạc phẩm này đã được Nhạc Viện Sydney chấp thuận để nữ nhạc sĩ dương cầm Cao-Xuân Ái Minh trình tấu trong buổi hoà nhạc tốt nghiệp (Graduate Concert) của chị. Chị đã đậu hạng Tối Ưu Danh Dự.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021