thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ Nguyễn Đức Tùng như đứa trẻ nghìn tuổi

 

Thơ Nguyễn Đức Tùng luôn tạo cho tôi cảm giác gì đó rất lạ.

Anh làm thơ nhiều kiểu khác nhau. Có khi lục bát rất truyền thống. Có khi phá cách rất tự do. Có khi rất chú trọng tiết tấu nhạc điệu, có khi lại giản dị và tùy tiện như lời trò chuyện ngày thường.

Kiểu nào thơ anh cũng độc đáo, kể cả lục bát — cái thể thơ rất quen thuộc mà với thơ anh, nó cũng không hề quen thuộc.

Nhưng tôi thích nhất là đọc những lời mộc mạc trong thơ anh. Càng mộc mạc thì chúng càng đưa ta đi vào những thế giới sâu hút thăm thẳm.

Rất nhiều bài thơ của anh là những câu chuyện kể. Những câu chuyện đầy bí ẩn.

Khi anh trở về
Người vợ đã chết
Vết máu khô trên ngực
Trong bụi tre cú rúc liên hồi
 
Tiếng thứ nhất: anh không nghe
Tiếng thứ hai: anh dừng lại
Tiếng thứ ba: anh lờ mờ nhận ra
 
Anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà
Cúi đầu, lùi lại
 
Rồi nhổ sào
Rời bến.

 

Một câu chuyện rất ngắn mà gợi lên bao nhiêu điều, nó đi qua lành lạnh rờn rợn như một cơn gió đầy âm khí, để lại những câu hỏi miên man : Tại sao?... Tại sao?...

Tại sao người chồng về trễ? Tại sao anh không bước vào? Tại sao vội vã bỏ đi? Tác giả sẽ không bao giờ trả lời, và người đọc cũng chẳng chờ câu trả lời, vì bài thơ đã trọn. Vì sứ mệnh của thơ là thế, nó ra đời chẳng để giải thích một điều gì, chỉ là để duy trì khả năng rung cảm của trái tim. Nó hé lộ cho thấy cuộc đời này có những góc khuất ở một chiều khác với ba chiều đã biết của không gian. Mọi câu trả lời đều vô ích khi trong lòng ta đã đọng lại âm vang của tiếng quạ buốt rợn, làm vang động cánh cửa ngăn cách giữa sống và chết.

Thơ Nguyễn Đức Tùng cuốn hút là vì vậy, rất ít lời mà gợi nên những ấn tượng khó quên.

Đọc thơ anh, cứ tưởng chừng thi sĩ dẫn ta tới một bến thuyền hẻo lánh rồi bỏ mặc ta ở đó. Ta còn lại một mình, hoang mang và lạc lối giữa những bí mật của một nơi xa lạ.

Nguyễn Đức Tùng nhìn thấy ở cuộc sống này nhiều điều bí ẩn lắm, có lẽ vì trong tâm hồn anh có tố chất gì đó giống như sự tinh khôi của trẻ thơ.

Dù tuổi đời cũng đã kha khá nhưng anh thường làm bạn hữu ngạc nhiên vì dáng vẻ trẻ hơn tuổi và ánh nhìn trong trẻo: trong đôi mắt anh có lẽ cuộc đời này cũng kỳ diệu như vầng trăng trong ký ức.

Năm tuổi, ta thức dậy sớm
Theo mẹ lên nhà ga
Mi cũng đi theo ta
Ra cửa
Rồi chạy theo ta trên xe lửa
Ôi vầng trăng lặng im
Anh của ta cũng không tin
Và bảo: hôm đó mi vẫn còn ở trong sân.
“Hai vầng trăng”

 

Câu chuyện giữa hai đứa trẻ về một vầng trăng, hay câu chuyện về sự thống nhất giữa bản thể và hiện tượng trong cái Một vĩnh cửu?

Đúng như người xưa đã nói, tâm hồn minh triết gần với tâm hồn của đứa trẻ thơ ngây. Có những người mãi mãi không già đi.

Đôi khi con biết mẹ nằm trong đất
Lặng im như hòn đá
Đôi khi con biết không phải thế
Đôi khi con biết mẹ về
Trong chiếc chiếu hoa
 
Đêm nay ngủ lại trong chùa
Thức suốt đêm đập muỗi
 
Không con nào chết
Chúng lọt hết qua kẽ tay
Trừ một con
Bay về lúc nửa đêm
Kịp lặng lẽ đẻ trứng xuống
Bể nước đầy cơn mưa cũ

 

Tôi nói anh là một đứa trẻ minh triết bởi những gì anh viết thật đơn sơ mà nén đầy sức nặng.

Những chữ của anh buông ra cứ nhẹ tênh như chiếc bong bóng bay túc tắc lên trời xanh, mà lại chất đầy lên hồn ta những linh cảm về bao nhiêu điều trọng đại của cuộc đời này: chiến tranh và hoà bình, quá khứ và tương lai, hạnh phúc và đau khổ, những quằn quại của sinh tồn, và sự tồn tại của linh hồn sau cái chết.

Nhà thơ của chúng ta cứ như một cậu bé chạy trên cánh đồng, với đôi bàn tay luôn giang ra hứng lấy những giọt sương mong manh nhất của trời đất này. Trong những giọt sương ấy, là phản chiếu biết bao nụ cười và máu lệ của trần gian. Cho nên thơ Nguyễn Đức Tùng là một đứa trẻ nghìn tuổi, tôi thường nghĩ thế.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021