thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Niềm hy vọng

 

 

NIỀM HY VỌNG

 

Tiếng chim Laughing Kookaburra gọi nhau vang dội một góc trời ở hướng Tây Nam đã đánh thức tôi. Laughing Kookabura là một loại chim cùng họ với chim bói cá nhưng chỉ săn các loài thú nhỏ trên cạn. Chúng sống ở Úc và Tân Tây Lan, có tiếng hót khác thường, giống như tiếng ai đó đang cười vang tươi vui.[*] Người Úc tin rằng tiếng cười của loài chim Laughing Kookaburra mang lại cho ta sự lạc quan. Tiếng cười giữa con người là một cách để củng cố sự liên kết và giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống ngay cả khi cuộc sống rất khó khăn. Sức mạnh của nụ cười có thể biến nỗi đau thành hạnh phúc.

Sống ở đây, đối với tôi, mỗi ngày là một sự bắt đầu đầy niềm vui và thú vị, nghe tiếng chim Laughing Kookaburra cười, tôi thường nhổm dậy để tập thể dục và sau đó là đi làm. Nhưng hôm nay là ngày nghỉ, tôi nằm im lắng nghe tiếng các loài chim hót gọi nhau đi tìm thức ăn, và tôi chợt nhớ đến câu chuyện trên đài BBC về cháu Phương Uyên mà tôi nghe cách đây vài tuần. Nhớ lại những lời cháu nói, ngực tôi thắt lại, và có một cái gì đó dâng lên tắc lại trong cổ họng tôi, tôi ứa nước mắt.

“... Từ sáng cho đến xế chiều, tôi giúp mẹ trồng cải, đi ra ruộng coi lúa, vì nhà tôi đang bị ngập lúa, buổi tối, tôi học Anh văn, và làm bài tập Anh văn để củng cố kiến thức để tìm một môi trường nào đó, được học tập ở một môi trường tốt hơn...[**]

Giờ đây cháu Phương Uyên đã không còn được đi học nữa, cháu đã bị cướp mất một cơ hội để cháu vươn lên cao hơn, để cháu có thể đến gần hơn với những ước mơ của cháu, nhưng cháu có tội gì nhỉ?

Câu chuyện của cháu Phương Uyên làm tôi nhớ lại một câu chuyện đã xảy ra khi tôi còn đi học.

 

+

 

Hồi đó, vào những năm sau 1975 cho đến năm 1981, để đậu vào lớp 10 là một thử thách rất khó khăn vì trường cấp 2 thì nhiều, mà cả thành phố chỉ có vài trường cấp 3 (sau này thì thế nào tôi không rõ, vì tôi đã được đi định cư ở Úc). Để đậu vào một trường vừa học, vừa được hướng nghiệp, lại là một sự khó khăn gấp bội lần. Sau khi được xếp lớp, chúng tôi phải học quân sự vài tuần để chuẩn bị, nếu cần tổng động viên, tất cả chúng tôi phải cùng ra chiến trường. Ngày nào chúng tôi cũng mặc quần áo gọn gàng, vác gậy gỗ (dùng làm súng), và những cái chày (dùng làm lựu đạn), đến trường để học bước đều, học tháo ráp và bắn súng, học ném lựu đạn, học lăn lê bò trườn, học trốn nấp đạn bom. Sau thời gian học quân sự, vừa vào lớp học được một tuần thì một số chúng tôi bị đẩy sang học ở một lớp khác. Vừa ổn định, làm quen với bạn mới thì đã phải chuyển lớp, tôi buồn lắm, về nhờ mẹ xin chuyển về lại lớp cũ, nhưng ông hiệu trưởng khăng khăng từ chối lời xin của mẹ tôi. Rồi chúng tôi biết được rằng nhà trường nhận thêm hai lớp học sinh đậu vớt, cho nên họ lựa những học sinh có lý lịch xấu (vì cha/mẹ đi học tập, hoặc gia đình có người đi vượt biên) và những học sinh có điểm đậu thấp, lập ra thêm hai lớp học nữa và sắp cho chúng tôi vào ngồi học chung với nhau, còn những học sinh có lý lịch tốt, dù vừa được đậu vớt, cũng được ngồi học chung với những bạn đậu chính thức. Chúng tôi trong hai lớp “cá-biệt” đã nhanh chóng làm bạn và kết thân với nhau, an phận mà đến lớp mỗi ngày vì biết rằng chúng tôi không được những giáo viên giỏi còn lại của miền Nam dạy như những lớp “không-cá-biệt” kia. Chúng tôi vẫn luôn nuôi hy vọng có một sự thay đổi xảy ra để chúng tôi không còn bị xem như là những “học-sinh-cá-biệt”.

Trong nhóm bạn thân của tôi có X là một người bạn rất thông minh, nổi tiếng là học sinh giỏi toán. X là con một đại tá của miền Nam, cha cậu ấy bị đưa đi học tập, nhà bị tịch thu cho một gia đình cán bộ ở, còn mẹ con của X thì phải ra che góc hè trước nhà, rộng chừng 1.2 mét, dài chừng 2 mét mà sống. Nhường cho mẹ và các em có chỗ nằm, hàng đêm X phải trèo lên ngủ trên mái nhà. Mỗi ngày, mẹ X giúp chủ ruộng trồng rau muống rồi cắt đem ra chợ bán lấy tiền công, mua được gì mấy mẹ con ăn nấy, một củ khoai hoặc một chút rau gì đó, hoặc nếu hôm nào cần mua thuốc cho em uống thì cả nhà đi ngủ đói. Biết vậy, chúng tôi đã tặng hết phần vài cuốn vở và viết được nhà trường cho mỗi học sinh mua mỗi năm để bạn có vở mà học, còn một người bạn trai trong nhóm đã đưa X về nhà ngủ và chia sẻ thức ăn với bạn ấy. Ngoài giờ học, X về nhà thăm và giúp mẹ những chuyện nặng nhọc. Trong tình trạng như thế mà bạn tôi vẫn đi học đều đặn mỗi ngày và học rất giỏi, tôi nghĩ bạn ấy vẫn luôn nuôi hy vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Thầy dạy văn cho chúng tôi là một người Bắc, ông di cư vào Nam sau năm 1975. Giờ học văn chủ yếu là để cho ông ấy nói về “lý tưởng” của đảng Cộng Sản, chứ không phải để ông dạy về văn chương. Hôm đó, ông ấy phân tích bài thơ “Vỡ đất” của Hoàng Trung Thông. Ông thao thao đọc, rồi ngừng lại giải thích, chúng tôi im lặng lắng nghe và ghi chép. Đọc đến đoạn:

...
Chim reo trong lá.
Hòn đá cheo leo.
Chúng ta một lớp người nghèo.
Giữa chiều nắng gió.
Đào cây cuốc cỏ.
Tỉa đỗ trồng khoai.
 
Ngày còn dài
Còn dai sức trẻ.
Cuốc càng khoẻ.
Càng dễ cày sâu.
 
Hát lên! ta cuốc cho mau
Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người...

thì ông ngừng lại, để chờ xem có học sinh nào nói leo theo không, vì thời đó, học sinh nào cũng thuộc lòng các bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu và Hoàng Trung Thông. Bỗng chúng tôi nghe ai đó lên tiếng:

“... bốc đất mà ăn...”

Thầy giáo quay ngoắc người lại, hỏi:

“Ai vừa nói gì đó?”

X đưa tay lên. Thầy giáo nhìn chằm chằm vào mặt X, chỉ tay vào mặt X, và nói:

“Đúng là một thằng nguỵ quân nguỵ quyền ngồi lù lù trong lớp. Đi ra khỏi lớp ngay và không được vào học giờ của tôi nữa!”

Bạn tôi đứng dậy, không nói gì, bước ra khỏi lớp.

Cả lớp bàng hoàng, im lặng. Ông thầy đóng sách lại, miệng lầm bầm “học không lo học, tư tưởng phản động ...”, rồi rời lớp học. Chúng tôi biết ông đã có thành kiến chúng tôi là con của những người làm việc cho chế độ miền Nam, cha mẹ anh chị của chúng tôi là những người đang đi học tập hoặc đã đi vượt biên, cho nên tất cả những gì chúng tôi phát biểu đều là “phản động”. Chúng tôi biết và hiểu bạn X, cuộc sống mỗi ngày quá khổ và nhất là mẹ con bạn ấy phải sống ở vỉa hè phiá trước căn nhà của gia đình bạn X, còn những người xa lạ từ ngoài Bắc vào nghiễm nhiên sống trong nhà bạn ấy, sung sướng, khinh khi gia đình bạn X, nên trong lòng bạn X luôn có sự phẫn nộ, nhưng bạn ấy đã giữ im lặng, nhẫn nhục đã ba năm học để nghe thầy dạy văn nói quá nhiều điều về thứ lý thuyết khác hẳn với thực tế của đời sống, đến lúc bạn ấy không kềm chế được nữa nên buột ra thành lời. Chúng tôi thương bạn X, an ủi bạn, vẫn thân thiết gần gũi với X để bạn ấy khỏi buồn mà tiếp tục đến lớp.

Đó là những giờ học cuối cùng của năm học 12, chúng tôi chuẩn bị mọi thủ tục giấy tờ để xin thi vào đại học. Chúng tôi tự làm kiểm điểm, họp tổ rồi họp lớp để bình bầu đạo đức của nhau, sau đó hội đồng giáo viên họp lại để duyệt đạo đức hạnh kiểm của từng học sinh trước khi ghi vào học bạ. Kết quả là X bị phê có đạo đức “yếu” chỉ vì bạn ấy phát biểu một câu “có-tư-tưởng-phản-động”, mặc dù X là một học sinh tốt, bạn ấy không hề làm hại ai, không hề nói dối hoặc ăn trộm ăn cướp, luôn đến lớp học đúng giờ, học giỏi các môn học, chỉ có cái tội “nói leo” là tính mà học sinh nào cũng mắc phải cả, nhưng lần này “nói leo” được quy vào tội “có-tư-tưởng-phản-động”. Học bạ có đạo đức yếu thì không có trường đại học hoặc trung cấp nào nhận cả. Ông thầy giáo dạy văn đã “trù dập” bạn tôi, không cho bạn ấy có một hy vọng gì vươn lên nữa, vì trong xã hội Việt Nam thời ấy cũng như thời nay, mảnh bằng trung cấp hoặc đại học dùng để chứng minh khả năng tối thiểu để đi xin việc làm, dù là mảnh bằng giả!

Mấy chục năm trôi qua, bạn tôi là người thông minh nhưng không có cơ hội; bạn ấy đã có đôi bàn tay và có sức khoẻ để suốt đời làm lao động, cố gắng biến sỏi đá thành cơm, cho đến bây giờ, cuộc đời bạn ấy vẫn cứ vất vả để kiếm miếng ăn hàng ngày, không biết ngày mai ra sao. Tôi nhắc lại bài thơ “Vỡ đất” ở đây để nhớ lại một kỷ niệm cay đắng, mỉa mai trong cuộc đời tôi.

 

+

 

Đã hơn ba mươi năm trôi qua, giờ đây câu chuyện của bé Phương Uyên cũng giống như câu chuyện bạn X của tôi. Đã hơn ba mươi năm, có sự thay đổi nào về nhân quyền tại Việt Nam? Vẫn như cũ! Những người có quyền lực có đủ mọi cách để trù dập những người họ cho là “phản động”!

Nghe giọng cháu Phương Uyên trong sáng, mạnh mẽ, trung trực và tràn đầy hy vọng, tôi thương cháu vô cùng...

 

+

 

Rồi tôi nhớ lại câu chuyện cổ tích của người thổ dân Úc mà tôi được học khi vừa đến Úc.

Theo truyền thuyết của người thổ dân Úc thì ngày xa xưa, khi vạn vật mới bắt đầu, chỉ có trăng và sao toả ánh sáng xuống trái đất, không hề có ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Các thần linh quyết định trần gian cần có ánh sáng và hơi ấm nhiều hơn, họ tụ tập lại, thu gom củi, chất thành đống cao đến tận trời, rồi bắt đầu đốt. Ánh sáng lung linh, rạng rỡ, làm nhiều loài chim kinh ngạc, hoảng hốt. Dần dà chúng vui sướng với ánh sáng tràn ngập và sự ấm áp, nhưng hiếm khi nào chúng nhận biết được ánh bình minh. “Chúng ta cần thông báo sự xuất hiện của ánh mặt trời”, họ bàn bạc với nhau.

Một ngày kia, khi mặt trời vừa ló dạng, các thần linh nghe một âm thanh rất lạ thường. Một chú chim Laughing Kookaburra phát hiện ra một con chuột nhắt, khi chú bắt được con chuột, chú bắt đầu cất tiếng cười không giống một sinh vật nào trên trái đất. Và họ đã đến gặp Laughing Kookaburra để nhờ chú chim này làm một việc: mỗi ngày khi mặt trời vừa ló dạng, chim Laughing Kookaburra sẽ cất tiếng cười vang “Garooagarooagarooga ...” Khi đó các thần linh sẽ đốt lửa cho ánh sáng mặt trời sáng hơn lên, làm ấm áp trái đất, và mọi loài được đánh thức, bắt đầu một ngày mới tươi vui, hạnh phúc.

 

+

 

Tiếng cười của con chim Laughing Kookaburra bây giờ đang văng vẳng ở hướng Đông Bắc, nơi gần hơn với đất nước Việt Nam. Tôi mơ ước một ngày gần đây con chim Laughing Kookaburra sẽ di cư sang sống tại Việt Nam và mỗi buổi sáng nó cất tiếng cười tươi vui, chào đón một ngày mới tràn đầy nắng ấm và niềm hy vọng, để người dân Việt Nam có được một cuộc sống an bình và hạnh phúc như ở đất nước Úc này.

 

Sydney 01/2014

 

_________________________

[*]http://www.youtube.com/watch?v=q0Op4PzzwwU

[**]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/12/131207_nguyen_phuong_uyen.shtml

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021