thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM KHÍ [2]

 

Đã đăng: ÂM KHÍ [1]

 

2.

 

Sau khi được phát quang, cái khu rừng gọi là làng tôi đó trông thật buồn cười. Nơi thì cạo trọc trơ cả đất xám. Nơi lại rậm rịt lô nhô cây cỏ. Nói theo kiểu nhà quê, thì nó giống như một cái đầu bị chó gặm, tóc lam nham chỗ có chỗ không.

Dân trong làng lúc này, đếm tới đếm lui, chưa tới một trăm. Non một nửa, kênh kênh tự cho là người chiến thắng, gồm những ai trong ban quân quản và những ai trong đội trừ gian, diệt ác. Còn hơn một nửa là những kẻ thua trận, ngơ ngác như kẻ mất hồn, gồm những lính nghĩa quân, những dân quân tự vệ, những xây dựng nông thôn... Tôi không ở lính ngày nào nhưng cũng phải xếp vào hàng thua trận.

Cùng một dòng sông mà bên đục bên trong, hai bên cùng chảy nhưng tương phản nhau như nước với lửa. Thấy rõ nhất là trong những tối cả hai cùng họp mít-tinh.

Những kẻ bỏ làng chạy lên phố, đi lính quốc gia, gọi là thua trận, trong mọi cuộc họp đều phải ngồi bệt xuống đất. Chỉ khác một điều là không phải đặt hai tay lên đầu như những hàng binh. Còn những kẻ thắng trận được ngồi uy nghi trên ghế hay oai vệ cầm súng đứng canh.

Cây đèn măng-xông cũ kỹ thở phì phò đặt giữa bàn, soi không rõ hai màu cờ xanh đỏ. Không khí buổi họp đêm nào cũng nặng nề, lo sợ như ở nhà tù sau một cơn bạo loạn vừa được cai ngục dẹp yên.

7 giờ. Chủ tịch quân quản chìm khuất giữa những người đang ngồi trên một cái băng dài, bỗng đứng dậy, bước mấy bước tới cái bàn có phủ nylon và đặt ảnh Bác, nét mặt hầm hầm như vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông lí nhí “thưa các đồng chí” rồi ném cái nhìn khinh miệt xuống lũ dân ngụy.

Lặng im một chút để lấy hơi, giọng ông bỗng trở nên oang oang, như ễnh ương lên tiếng à uôm sau cơn mưa. Và cũng như mưa, ông tuôn ra không ngớt những lời nhục mạ. Nào “ôm chân đế quốc”, nào “liếm gót giày cho chúng”, nào “cởi truồng để mua vui cho giặc Mỹ” ... dù rằng những người đang ngồi chóc mỏ dưới kia, chỉ là những chủ hộ mỏi mệt, bơ phờ sau một ngày làm việc nặng nhọc.

Ông ta tên Còn, tôi quá biết, nhưng giờ được kính cẩn gọi là đồng chí Đặng Hùng Anh. Có lẽ ông ta bằng tuổi tôi hay cùng lắm lớn hơn một vài tuổi. Người ông lùn tịt, mà lại đứng sau bàn, nên từ chỗ tụi dân ngồi nhìn lên, chỉ thấy có mỗi cái miệng nhóp nhép. Trông ông giống cái màn rùng rợn của các ảo thuật gia trong gánh xiếc, phù phép cắt một cái đầu để trên bàn mà vẫn còn biết hát. Ai đi xem cũng thấy rùng mình. Giờ còn rùng mình hơn vì những điều ông nói.

Đầu ông thì nhỏ mà miệng lại to, tiếng nói từ đó phát ra kêu trót trót như những roi gân bò quất lên lưng tội nhân. Có lẽ trời cho ông nói to và nói nhiều như thế là để bù sớt cho mẹ ông, một người khi sinh ra bị bà mụ quên dạy nghe và nói. Hai mẹ con ông ở một rìa đất cuối làng, trong một căn nhà mà mẹ tôi nói là nhỏ hơn lá mít. Ông ta không có cha, hay là có đấy, nhưng cha không chịu nhận con.

Khi thấy cái bụng của bà bỗng dưng to lên khác thường, làng liền đưa bà ra trước sân đình để hỏi tội. Bà ra dấu là tại cái ông chăn vịt. Làng cũng ra dấu để hỏi ông ta đã làm cái chuyện gà vịt đó mấy lần, thì bà kêu a a và đưa ra ba ngón tay.

Cả làng bò ra cười bảo chớ có sai, nhưng ông chăn vịt thì nhất định không chịu. Ông bảo chừng nào con mụ kia khai ra, nghĩa là biết nói, thì ông mới chịu, chớ giơ khơi khơi mấy ngón tay lên ai mà tin. Nói thế thì trời cũng không bắt tội được ông huống hồ là làng.

Mẹ ông, cái bà câm ấy, nổi tiếng vì đã giơ lên ba ngón tay, có lần được mẹ tôi mướn bồng em, tức là bồng tôi lúc nhỏ. Tôi vẫn không quên được những cái đuôi thằn lằn ngo ngoe trong lòng bàn tay bà. Bà thường dùng nó để dọa tôi nín khóc, nhưng tôi lại càng khóc to hơn vì sợ. Giờ trông thấy hai cái môi khép mở không ngừng của ông, tôi lại liên tưởng đến những cái đuôi thằn lằn.

Sau này lớn lên, đi học xa, có lần trở về được gặp bà, phải nói là tôi được xem một màn kịch câm vừa vui, vừa cảm động. Bà xáp tới như sắp ôm lấy tôi, rồi vòng tay lên trước ngực lắc qua lắc lại, nhắm mắt rồi chu miệng lại, xòe một tiếng như pháo xịt, ấy là bà muốn nói đã từng bồng ru tôi ngủ. Rồi bà lùi xa, một tay đưa lên cao khỏi đầu, một tay hạ xuống gần sát đất, miệng lại xòe một tiếng, là muốn bảo tôi lúc nhỏ thấp như thế này, giờ cao lớn như thế đó. Mấy cái lắc đầu sau cùng là bảo không thế nào tin được!

Bà tôi rất thương bà, khi cho khúc cá kho lúc cho vài cái trứng. Mẹ tôi cho áo quần, có khi cho cả lúa gạo. Bà tôi bảo bà ấy câm nhưng rất có nghĩa, vẫn thường ghé thăm chủ cũ và hỏi han tôi cứ như là con của bà. Một đôi khi bà mang Còn lên chơi, nhất là những khi nhà có giỗ. Còn nhỏ con nhưng trục lúc như hột mít, vẫn thường cho tôi những con cào cào voi. Hai đứa cũng đã từng ném tàu bay giấy xem nó lượn, chơi đánh trổng và đôi lúc vật nhau. Dĩ nhiên tôi luôn luôn đè bẹp được Còn xuống sân, chỉ khi nào bị Còn dùng võ răng cắn vào tay, tôi mới chịu buông ra.

Tôi không biết Còn có được đi học hay không và học đến đâu, nhưng khi tôi đi học tận Nha Trang thì nghe nói Còn đã lên núi. Sau này, nghe phong phanh Còn trở về làng và tự tay bắn chết ông chăn vịt, giờ đã thành một ông lão, vì cái tội lấy cớ lùa vịt đi ăn đồng để lấy tin tức của cách mạng báo cho địch.

Lên núi từng ấy năm, có thành tích tốt như thế, giờ đây Còn làm chủ tịch quân quản cũng phải thôi. Có điều ông ta chửi nhiều quá! Chửi giặc Mỹ, chửi Đại Hàn, chửi tưới hột sen bất cứ thứ gì liên quan đến chế độ cũ.

Có lần trông thấy một người mặc nguyên cả một bộ đồ đen của lính xây dựng nông thôn, ông ta gầm lên: “Màu đen đó là màu dân tộc à, đó là màu của Mỹ đen, màu của hiếp dâm. Bao nhiêu đứa con lai là có gấp đôi bấy nhiêu những cuộc hiếp dâm bẩn thỉu như thế!”

Ông ta quát bảo du kích áp tải người đó về nhà thay đồ khác, rồi nhân đó nguyền rủa những quần áo rằn ri, rằng “đó là da cọp da beo của giặc, chỉ mới nhìn thấy từ xa đã nghe mùi tanh của máu. Mặc những thứ quần áo đó là chà đạp lên nỗi đau khổ của nhân dân, là còn tơ tưởng đến Mỹ ngụy. Ai muốn đi cải tạo thì cứ mặc thử một lần nữa xem nào!”

Dĩ nhiên là chẳng ai dám mặc, nhất là những bộ đồ rằn ri của biệt kích dù hay thủy quân lục chiến. Chẳng những không dám mặc mà người ta còn xé ra chùi đít cho con. Cũng có thể coi đó là một hành động xuất sắc, chứng tỏ đã thật sự giác ngộ cách mạng.

Ngoài ông ta, được gọi là chủ tịch quân quản một cách chính danh, còn có những người chẳng biết chức vụ gì, hễ mặc đồ xanh đội mũ tai bèo là có đầy đủ quyền uy cứ như những ông quan mới. Họ vặn vẹo, sai bảo, quát nạt nhặng xị cả lên chỉ vì một việc cỏn con như sao không treo cờ, sao cờ lại nhỏ như thế, nhân dân đã đổ ra biết bao nhiêu xương máu, giờ các người may một lá cờ không nổi sao?!

Những ai gia đình có công cách mạng, có cha hay anh đi tập kết, thì cũng ráng kiếm cho bằng được một cái nón cối hay cái áo bốn túi xám xịt, để cũng có quyền hiu hiu tự đắc mà dự phần trong bữa tiệc đại thành công.

Bọn nhỏ hơn, được gọi là du kích, thì có quyền sục sạo bất cứ nhà ai. Nếu chủ nhà đi vắng thì cứ việc chén những thứ gì tìm thấy được, hoặc khoai luộc, hoặc cá kho. Ăn xong còn đem xoong nồi ra treo lên cành cây mà tập bắn!

Tôi không mệt mỏi vì chặt cây phát cỏ mà mỏi mệt vì những ông quan mới ấy và những kiêu binh kiểu mới của họ. Ngoài những đêm ngồi bó gối nghe chửi rủa, nghe ca ngợi, còn phải chong đèn đến sáng mà viết lý lịch. Viết, viết mãi! Viết để trả lời những câu hỏi như móc vào họng. Rằng, trước 75 làm gì cho địch, làm với ai? Ai biết? Đã làm gì lợi hay hại cho cách mạng, kể ra, ai biết, ai thấy?... Ôi trời, viết đến chục lần mà ông chủ tịch quân quản vẫn bảo là chưa thành khẩn!

Dù mẹ ông đã bồng tôi, ông và tôi cũng đã từng chơi với nhau, nhưng có lẽ vì hận thù giai cấp, nên ông nhìn tôi lạnh lẽo như thể chưa từng quen biết tôi bao giờ. Vẫn cái điệp khúc “chưa thành khẩn”, dẫu không muốn trả thù, ông cũng đã hành hạ tôi suốt cả tháng.

Đâu phải riêng tôi, người nào có chút ít chữ nghĩa cũng đều phải tự hành hạ mình nhiều đêm như thế. Có người uất quá nói thầm vào tai tôi: “Đây là quỷ chớ không phải người!” Nhưng tôi thì hãy còn kiên nhẫn để nghĩ rằng tất cả những cái gọi là căm thù đó đều xuất phát từ sự thua kém.

Căm thù là một cách trả thù của kẻ không được học hay ít học, đối với những ai có học hay học nhiều hơn. Như ông căm thù tôi. Còn căm thù giặc Mỹ là vì muốn như nó mà không được.

Muốn được bay trên trời, muốn có đồ hộp để ăn, muốn có thuốc lá để hút... Chúng nó cũng đi đánh nhau như mình mà sao lại sướng đến nỗi có cả tăm xỉa răng và cả giấy chùi đít! Lại còn được rủng rỉnh tiền đô để bao gái... Còn mình thì trốn chui trốn nhủi trong hang trong hầm, nhiều lúc bị ruồng bố phải nhai gạo sống. Quanh năm suốt tháng có biết cái mùi gái là mùi gì đâu!

Nếu đồng chí Đặng Hùng Anh và các đồng chí khác từ trên núi xuống căm thù ngay cả đồng bào mình thì cũng chỉ vì cái bọn đồng bào ôm chân đế quốc đó, đến khi thua trận rồi mà vẫn cứ sướng hơn bọn họ. Bởi vì, tuy là kẻ chiến thắng nhưng thực ra họ không có gì trong tay ngoài cây súng, trong khi kẻ thua trận lại có nhà có xe, có vợ đẹp con xinh và rất nhiều thứ khác nữa...

Non một nửa dân làng tôi là kẻ chiến thắng, tỏ ra khinh miệt căm thù hơn một nửa dân làng tôi thua trận. Thì non một nửa xã, non một nửa huyện, non một nửa tỉnh và non một nửa nước gọi là kẻ chiến thắng có căm thù đày đọa hơn một nửa xã, hơn một nửa huyện, hơn một nửa tỉnh và hơn một nửa nước gọi là thua trận, cũng phải thôi.

Có chạy vào tận Cà Mau hay lên tận Pleiku, thì cũng thế. Thôi thì hãy gằm mặt xuống mà sống. Hơn một nửa nước thua trận chứ đâu chỉ có mỗi mình tôi.

Có điều, sống một mình thật là buồn.

Một đôi lần cũng muốn về thăm vợ con, nhưng phải khai báo đi những đâu, gặp những ai để làm gì, đi bao lâu? thật vớ vẫn và phiền nhiễu. Lại phải làm đơn trình lên ủy ban quân quản, được sự đồng ý của ngài (không được gọi là đồng chí) chủ tịch kính mến Đặng Hùng Anh mới được phép ra khỏi làng. Nếu đến đó mà không có phép thì bị nhốt, dù là về với vợ con, vì cư trú bất hợp pháp!

Lằng nhằng mệt quá nên thôi quách, dù biết rằng vợ có thể nhảy dựng lên vì nghi chồng đánh bài chuồn, về quê cưới vợ khác.

Nằm một mình lại nhớ ông bác sĩ Jivago. Ông ấy thế mà sướng. Trong một căn nhà hoang, tuyết rơi bên ngoài cửa sổ, ông lại làm được thơ! Lãng mạn quá! Nhưng ở cái xứ mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù như ở làng này, thì thơ với văn cái nỗi gì. Thôi thì hát cắc cùm cum...

Đang è è bập bùng trong ánh đuốc, sóc bombo rộn rã tiếng chày khuya... thì có người lách cửa vào chòi. Bèn giật mình ngồi dậy, chuẩn bị tư thế đưa tay vào còng.

Hỏi: “Không nhận ra nhau à?”

Đáp: “Không.”

“Là Lộc đây!”, người ấy nói.

“Lộc nào?”

“Lộc con bảy Đ.”

“À, con bác bí thư!”

“Bí bầu gì, tôi với ông bà con mà.”

“Nghe nói đi học Liên Xô.”

“Có, học lái máy bay.”

“Cũng khá là ngon, nhưng sao lại về đây?”

“Bị bắn rơi xuống đất rồi.”

“Đừng đùa.”

“Nó bảo tôi điên.”

“Tôi không tin.”

“Tôi chửi Stalin mà sao không điên!”

“Định cho tôi vào tròng à, người bà con?”

“Không, Stalin là một thằng đáng chửi. Tiếc là hồi còn đi học, mình (anh ta đổi cách xưng tôi) đã khóc hết nước mắt vì nghe tin nó chết. Qua bên đó mới biết cả nước nó cùng chửi chứ không riêng gì mình. Có điều nó chửi lén bằng tiếng Nga, còn mình chửi to bằng tiếng Việt. Cứ tưởng tiếng Việt không ai biết, không ngờ có thằng báo cáo. Thế là bị nhốt, mình phải giả điên. Về nước lại càng phải giả điên hơn nữa, nhất là ở cái làng đáng nguyền rủa có thằng chủ tịch Còn chó đẻ này!”

“Thôi, tôi xin ông. Là con bí thư ông muốn nói thế nào cũng được. Chứ tôi mà dính vào thì bỏ mẹ, tù rục xương ông à!”

“Việc đếch gì mà sợ. Tôi nói cho ông biết, Liên Xô thế nào cũng sụp đổ.”

“Thôi, tôi lạy ông, về nhà mà ngủ giùm đi!”

“Cái Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bù nhìn này, nay mai rồi cũng sẽ bị lột mất áo!”

“Tôi lạy ông, lạy ông, mời ông đi giùm cho!”

Ra khỏi lều anh ta còn cười lớn. “Này, có nhớ cái hồi tụi mình đi học đêm hái trộm trái cây không?”

Đúng là đồ điên!

Anh ta đi rồi mà tôi vẫn còn nghe trống ngực đập thình thình.

Anh ta là con của bà dì họ. Cha anh lại là bạn cùng học với cha tôi. Hồi chín năm, bác ấy làm gì với súng đạn nên cụt hết một tay. Người làng vì thế thường gọi là Đ. cụt. Hai cha con tập kết ra Bắc. Bác làm đến những gì không biết, chỉ biết đã về hưu và giờ được mời ra làm bí thư đảng ủy, nghĩa là trên quyền chủ tịch Đặng Hùng Anh.

Việc tách nhập hộ khẩu là rất khó, nhưng mẹ tôi muốn đưa con dâu và các cháu nội về để tăng thêm nhân khẩu. Có như thế mới giữ được ruộng vườn, nhưng tôi thà mất tất cả chứ tới lui cầu cạnh là không chịu được. Với lại dân ngụy trụi lủi như tôi thì cầu cạnh được ai. Mẹ bảo mầy không đi thì để tao xuống nhờ bác bảy Đ.

Sau đó mẹ im luôn, không ca cẩm chuyện tách nhập hộ khẩu nữa. Mẹ đành để Hợp Tác Xã lấy hết ruộng. Hỏi mẹ sao vậy, mẹ đặt tay lên miệng ra dấu bảo im. Mãi đến khi bác mất rồi, mẹ mới nói cho tôi biết lời bác ấy dặn. “Dì ơi, các cháu nó ở được trong đó là phước lắm rồi. Đây là đất Bình Định mà, cán bộ nhiều hơn dân, về là khổ chết!”

“Cán bộ nhiều hơn dân”, kinh hãi quá! Ngày xưa, bảo dân ta một cổ đôi ba tròng, giờ thì biết bao nhiêu tròng đây?!

Hai cha con bác bảy Đ. đúng là điên thật. Lộc thì tưới dầu đốt trụ sở thôn, còn bác thì treo cổ lên cây xoài! Ở cái đất mà cán bộ nhiều hơn dân này, có mấy ai điên được như thế?!

Nhiều năm sau này, những việc xảy ra y boong như lời Lộc nói. Lẽ ra anh ta nên đào một cái lỗ rồi hét tướng lên như anh nông dân trong chuyện ông vua lỗ tai bò. Biết đâu lại mọc lên một cây gì đó, khi có gió thổi thì kêu “Cộng Sản sụp đổ!”. Việc gì mà phải hét trong trụ sở thôn. Nghe tiếng hét của anh, người ta cứ tưởng một là anh điên, hai là anh bị nóng quá. Có biết đâu một nhà tiên tri đáng kính lại phải chết thảm như thế.

Còn bác bảy Đ., ôi chao, đi theo đảng cả đời sao phút chót lại treo cổ lên cành cây? Ngày trước bác mà treo cờ thì có công với cách mạng. Giờ đem treo chính mình lên thì bác có tội. Nghe đâu, chết rồi mà bác vẫn bị gạch tên ra khỏi đảng tịch. Thẻ đảng, huân chương gì cũng bị tịch thu ráo.

Không biết với những chuyện đáng xấu hổ ấy, đảng có buồn năm phút không, nhưng Đặng Hùng Anh đã nhanh chóng lên thay cái chức đảng ủy của bác. Có lẽ Đặng có công vì đã khám phá ra cái âm mưu tự diễn biến của hai phần tử phản động này và khôn khéo, mưu trí, dũng cảm đưa bọn họ đến chỗ tự sát.

Hỡi ơi, việc lên xuống của một bí thư sao mà giống như chuyện phế truất dưới thời vua chúa quá. Nhưng cũng đúng thôi, Đặng Hùng Anh là vua của cái làng này, chứ còn ai vào đây! Vậy thì một thần dân là tôi cũng xin chúc ngài vạn tuế!

 

[còn tiếp]

 

 

 

-------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021