thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM KHÍ [3]

 

Đã đăng: ÂM KHÍ [1] - [2]

 

3.

 

Dọn sạch vườn xong, cất được cái chòi, giờ phải kiếm ít cây chuối, đu đủ về mà trồng. Tôi liền nhớ tới cái vườn chuối của cô tôi ở thôn Đại Hữu. Thôn ấy nằm phía bên kia núi đất, gần với đường đi xuống chùa ông Núi, nơi được coi như đầu não của Việt Cộng trong thời kỳ chống Mỹ. Dĩ nhiên là bị đánh phá ác liệt. Cô tôi còn phải chạy xuống Qui Nhơn sớm hơn là mẹ tôi lên chợ Gò Chàm. Nhưng cái giống chuối thì có chặt cụt ngọn, trốc cả gốc, chúng vẫn cứ mọc lên. Không chừng bây giờ đã thành rừng.

Quả nhiên là đúng như vậy. Cô tôi bảo: “Muốn bứng bao nhiêu thì bứng, chỉ sợ cháu không vác nổi mà thôi.” Tôi ở lại với cô một ngày. Ăn với cô một bữa cơm gạo hẩm, nghe cô khóc mà giãi bày tâm sự.

“Cái thằng N. đó, oan gia nghiệp chướng của nhà cô. Nào có phải cô rửng mở hám trai gì đâu, mà bà nội con coi cô như cái đồ hư thúi mất nết. Cũng là cháu ngoại mà sinh nó ra, bà không thèm hỏi thăm được một tiếng, trong khi anh chị nó thì bế thì bồng từ lúc mới lọt lòng đến khi biết đi biết chạy. Dượng con thì về tận đây chỉ mặt cô gọi là con đĩ, mắng nó là đồ con hoang sao dám lấy họ của nhà Bùi mà đặt. Cháu có biết không, ổng rút súng lục ra đòi bắn đó, khiến thằng nhỏ sợ quá đái ướt cả quần.

“Ừ thì cô sinh nó ra, nó là cái dại, cái ngu hết cỡ của cô. Người ta nói khôn ba năm dại một giờ. Cô chỉ dại một giờ thôi mà hại cả một đời! (cô khóc, tôi cũng muốn khóc).

“Dượng mày đi tập kết, bỏ lại mẹ già và vợ dại một nách hai con. Chạy giặc không một đồng lận lưng biết lấy gì mà sống, nếu không nấu cơm tháng cho một vài thầy giáo.

“Cũng là cái số thôi, ông ta cũng đã có vợ con, chỉ một lần cả hai cùng dại, rồi thôi. Bà ấy cũng có đến gặp cô, không đánh ghen đánh tuông gì, chỉ muốn đem đứa nhỏ về nuôi nhưng cô không chịu. Bà ấy nói: ‘Chung một chồng khổ lắm chị ơi.’ Cô nói: ‘Thì tôi cũng biết thế, hứa với chị là không dại nữa.’ Người ta tử tế ôn tồn như vậy chứ có đâu như dượng mày, làm đến chức hiệu trưởng trường trung ương đảng mà ăn nói hồ đồ. Ra đó ổng cũng có vợ đôi vợ ba, cũng hủ hóa tùm lum chứ trong sạch gì hơn ai đâu (cô lại khóc).

“Khổ nhục nhất là ông đi hỏi của. Ổng nói khi đi còn mấy cây vàng, làm gì mà hết? Đúng là có hai cây, của ổng giấu bớt khi thu vàng của dân hiến trong tuần lễ vàng, chứ nhà ổng khi đi cưới cô chỉ có mỗi cây kiềng có mấy phân.

“Ổng nói: ‘Bây nhiêu đó sao không biết làm giàu, mà lại đem cho trai ăn hết đi?’ Cái thời đó vàng rẻ rề, lương thầy giáo mỗi tháng hơn một cây, có đâu mấy triệu như bây giờ. Lúc còn ở dưới quê, tao tối thì phải đi ngủ tập trung vì vợ cán bộ, ngày phải nuôi bà nội thằng Th. Đau lên đau xuống, vào ra nhà thương mấy bận, hết thuốc tây lại đến thuốc bắc, thì còn đồng nào!

“Thế mà ổng đay nghiến: ‘Người này người kia, cũng xuống Qui Nhơn, cũng chỉ hai bàn tay trắng mà giờ đây nhà lầu hai ba tầng, xe Honda hai ba chiếc!’

“Còn chuyện thằng Th. ổng cũng xía vô, bắt nó phải tống khứ đứa nhỏ mới ba tuổi, con lai Đại Hàn. Nó lấy vợ mấy năm không có con, người ta bảo phải xin con nuôi. Nhờ thế mới đẻ được con Phương đó. Ổng bảo mày mà nuôi con thằng Phác Chính Hy là tao giết mày. Nó đành đoạn phải đem đi cho. Mẹ nó khóc hết nước mắt, van xin mãi cũng không được. Cháu thấy có ác không. Hồi trước bà nội mày bảo theo ai không theo, lại theo Cộng Sản bỏ ông bỏ bà, bỏ nhân bỏ nghĩa, là đúng quá!

“Đấy, bây giờ ổng ở Qui Nhơn, được nhà nước cho không một cái biệt thự của đại tá tỉnh trưởng cũ, còn muốn gì nữa. Mụ vợ trọ trẹ quần hỏng lên tới tận đầu gối mà cũng bày đặt làm hội trưởng hội phụ nữ. Thấy mà bắt ghét”.

Cô hết khóc, hứ nghe một cái cốc, để chấm dứt bầu tâm sự.

Tôi vác mấy cây chuối con trở về, buồn không chịu được. Chiến tranh đâu chỉ giết người bằng bom đạn. Nó còn giết cả những người như cô tôi. Sống mà như chết đó. Giờ cô già rồi mà vẫn phải còng lưng gánh từng gánh khoai lên chợ. Cái lưng cô gãy cụp, lòi mấy cái đốt xương sống, cô khóc bảo đau nhức suốt đêm không chịu được.

Sau này cô có đỡ hơn, ấy là nhờ thằng N. Nó đi bộ đội, họ cha là họ Bùi, lý lịch quá tốt nên chỉ được mấy năm mà đã lên đại úy rồi thiếu tá, có tiền cất được cái nhà nhỏ và thuốc thang cho mẹ.

Thấy thế, dượng tôi lại lồng lên đòi đi kiện vì nó man khai lý lịch! Trong khi con ruột của dượng phải cùng vợ đi bán ve chai vì vợ là dân bắc kỳ di cư và nó thì đã từng đi lính ngụy.

Đúng là lộn tùng phèo, cái vụ lập lại hòa bình này, cả nước có hòa bình, nhưng trong từng gia đình thì chẳng có hòa bình hòa biếc gì ráo, vẫn đang bắn giết nhau đó thôi.

 

Lần hồi rồi tôi cũng trồng được mấy hàng chuối, vài cây đu đủ. Sẵn cây chặt chất đống, tôi làm thêm cái giàn trồng mướp trước nhà. Hoa mướp vàng, nở thật dễ thương. Thỉnh thoảng mẹ tôi ở chợ Bò về, đem cho ít gạo, mắm, cá khô. Tôi cũng thấy vui, ráng mà sống để giữ cái mảnh đất cuối cùng của dòng họ.

Một đêm sáng trăng, từ trên thềm nhà, tôi thấy có ai đó thấp thoáng bên những hàng chuối. Người ấy đi tới đi lui vài bận, vòng ra giếng, rồi đến trước mặt tôi, hỏi: “Có biết ta là ai không?” Tôi thưa không biết. Người ấy nói: “Không biết thì thôi!” Người ấy nhìn tôi, vẻ như cười, lắc đầu nói “Mà biết làm sao được. Chính ta cũng không biết mi là ai nếu mi không ngồi đây!”

Thật là lạ, một người không có vẻ gì là cán bộ, cũng không có vẻ là người trong làng, một người thong dong thanh thoát, sao lại hỏi nói những câu nửa như đố, nửa như giỡn chơi.

Lấy cái quyền chủ nhà, tôi hỏi: “Vậy ông là ai?”

“Là ai, thì rồi sẽ biết. Mà không biết cũng chẳng sao!”

Thật là cù cưa hết biết. Tôi đành ngồi im nhìn ra ngoài đồng, nơi có ánh trăng hòa với sương tạo thành một màn trắng đục. Nếu ông đứng ở đó, dễ lầm tưởng ông là ma.

“Cái vườn này,” ông nói, “không nên trồng chuối. Đất ở đây, trồng chuối bà hương thì được, chứ trồng chuối mốc thì bị tiêm. Đang lên nửa chừng tươi tốt, vừa mới trỗ buồng, đã chảy nước vàng, gãy cụp.”

Tôi vẫn ngồi im, chớ biết nói gì!

“Tốt nhất là trồng bông vải, nếu không thì trồng bắp,” ông lại nói, tôi lại ngồi im.

Như bỗng nhớ ra điều gì, ông bỗng vỗ tay lên trán, nói tiếp: “Này, sao không kiếm ít đọt mía về trồng? Ở nhà quê, có mía cũng đỡ lắm. Khi nào khát, bẻ một cây ngồi ăn, khỏi phải đi nấu nước.”

Là ai vậy trời, sao mà biết rõ ngọn nguồn nhà tôi như vậy? Chả là trước kia ở lối ngõ vào nhà, có một hàng mía, bà tôi nói: “Cha mày mỗi khi làm vườn hay đi cuốc đất đều bẻ theo một cây mía, mệt thì xiếc ăn.” Giờ, người này cũng nói trồng mía, khát thì ăn, là sao?

Ông lại đi tới cuối vườn, nơi có những hàng tre là của nhà bên, đang ngã rạp gần như choán cả một góc.

Khi trở vào, ông nói: “Phải chặt mấy cây tre đó đi, dựng sào lên mà chặt. Cái nhà ấy là bẻm lắm (tiếng Bình Định). Cứ muốn lấn đất, lấn vườn nhà mình.”

A, nhà mình. Thế là người của nhà tôi chứ ai. Không là người trong nhà thì sao biết tường tận như thế. Nhưng mà tôi không có chú bác, cha tôi thì chết rồi. Tôi cảm thấy rờn rợn, có một vẻ gì dễ hiểu, mà lại cũng rất khó hiểu.

Và rồi ông đi. Phải nói là tan ra trong ánh trăng, vì vừa ra tới ngõ đã không thấy bóng ông nữa!

 

Bỗng dưng có một buổi học tập đặc biệt. Gọi là bỗng dưng vì dân thì chẳng biết gì ráo, nhưng các quan đã biết từ khuya. Đó là dời hết mồ mả lên núi để có đất sản xuất. Gọi là học tập tức là để đả thông (làm cho thông) những tư tưởng cổ hủ của bọn phong kiến. Rằng chết là hết, mồ mả thờ cúng chỉ là tốn đất tốn tiền. Trong tương lai, cái gò đình này sẽ làm công viên, sẽ có xe quay, cầu tuột, sẽ đào một cái hồ làm ao cá bác Hồ, cất nhà sàn như nhà của bác, sẽ trồng cây vú sữa lấy giống từ cái cây mà dân miền Nam trong thời đánh Mỹ đã kiên trì anh dũng đem ra tặng bác. Nhiều thứ lắm, gò trên sẽ xây kho thóc, chỗ khúc cua sẽ xây cổng làng, đường sẽ mở lớn cho ô-tô bin bin chạy vào, vân vân và vân vân. Nghe mà muốn rách cái màng nhĩ.

Vậy là mả của cha tôi, ông tôi bà tôi, của ông cố bà cố, của ông sơ bà sơ, của chú bác chết non chết yểu... đều phải dời hết qua núi!

Trong buổi học nhiều ý kiến cần đả thông. Miệng dân lâu nay ai cũng ngậm câm chứ không dám hó hé điều gì. Nhưng nay động đến ông bà mồ mả là họ phải mở miệng ra, dù có phải vì thế mà đi cải tạo mút mùa lệ thỉ như các sĩ quan. Rằng, bảo chết là hết, không cần mồ mả gì sao có nghĩa trang liệt sĩ? (có người thì thầm: còn ai ướp xác xây lăng nữa kia?)

Rằng, mả trên đất tư chứ đâu phải đất công mà cũng bắt phải di dời?

Rằng, ai mà dời nổi cho hết trong khi nhà nào cũng có mấy chục cái mộ, nhưng lại có rất ít những người đủ sức làm cái việc đào mồ cuốc mả đó. Những nhà chồng cha chết hết, chỉ còn đàn bà con nít thì làm sao?

Trên (tức là Đặng Hùng Anh) đả thông, rằng:

“Liệt sĩ là những người đã phải đổ xương máu để giành lại xóm làng này, vì thế phải qui tập về nghĩa trang để tỏ lòng biết ơn, uống nước phải nhớ nguồn.”

Rằng: “Giờ không còn là đất tư đất riêng nữa, đất là của toàn dân, nhà nước quản lý, tùy theo kế hoạch của từng địa phương mà sử dụng.”

Rằng: “Nhà nào neo người thì sẽ có thanh niên xung phong, có xã viên Hợp Tác Xã, có đội Cờ Đỏ lo.”

Đả thông như thế thì chẳng thông được chút nào. Nhưng mà, nếu không muốn bị truy tróc, bị quy chụp là phản động, thì cũng đành phải nghe thôi. Cái tội bất hiếu đào mồ đào mả này là tại Cộng Sản chứ không phải tại con cháu. Ông bà có linh thiêng thì hãy về vật hết tụi nó đi, cho tụi nó tự dưng hộc mồm hộc máu ra mà chết.

Khắp xóm khắp làng, người ta xì xào như vậy.

 

Nhưng đem những nắm xương tàn qua nghĩa trang mới, lại càng buồn hơn. Chỗ nào bằng phẳng, ngon lành, thì đều ưu tiên cho thân nhân các vị cấp ủy, các chức sắc trong Hợp Tác Xã, các gia đình liệt sĩ, có công cách mạng. Có nghĩa rằng phần tốt nhất của chân núi thì dành riêng cho ông bà tổ tiên của những người chiến thắng. Những chỗ dốc ngược, đầy đá sỏi, gai góc thì mời các vị tổ tiên ông bà của lũ dân đen hãy lên đó cho gần với tiên cảnh.

Hóa ra, cái gì cũng đã được phân chia rạch ròi. Chỉ khác một điều, người còn sống có chức có quyền thì ăn trên ngồi trước, mà chết rồi thì lại được nằm dưới cho tiện việc xây lăng xây mộ.

Thế nên, chỉ một vài năm sau, những nắm xương nắm đất tội nghiệp nằm trên cao chót vót kia, hoặc là trôi theo những cơn mưa, hoặc chìm khuất trong bụi cây không tài nào tìm ra được. Ngày tết, thân nhân có đến thăm cũng chỉ biết đứng dưới ngó lên, đốt ba cây nhang vái vái, rồi đành lủi thủi mà về với nỗi ray rứt khôn nguôi vì cái tội bất hiếu.

Trong khi đó, ở chân núi, cứ như một thành phố mới mọc lên với những lăng những mộ xanh đỏ hoành tráng lòe loẹt. Mộ của nhà bí thư này, lăng của nhà chủ tịch nọ, gạch men đá ốp láng coong. Trên bia lại có gắn ngôi sao màu vàng như cấp tướng!

 

Mấy tháng sau, khi mọi sự đã xong xuôi, nghĩa là mộ đã được dời đi hết, các gò đống chỉ còn lại những cái hố đào nham nhở. Một cơn mưa rào trút xuống khiến xương thịt ngấm trong lòng đất bốc lên, biến thành những con ma trơi, bay lập lòe như những con đom đóm.

Từ trong lều nhìn ra, giật mình tưởng đây là cõi âm.

Mặc kệ những nỗi xót xa, cho là căm hận cũng được đi, của hơn một nửa dân làng, lãnh đạo vẫn tiến hành đào ao cá bác Hồ. Phải đào một cái ao thật to thật đẹp để xứng với cái làng được phong tặng anh hùng.

Việc này thì một mình ông bí thư, ông trưởng ban, các vị trong Hợp Tác Xã không làm được. Phải huy động sức dân thôi, nghĩa là cả lính ngụy, cả đàn ông đàn bà, (trừ bụng bầu đã lớn), cả ông già trẻ con nếu có đơn tình nguyện.

Ròng rã suốt tháng trời, nào mai nào cuốc, nào thúng, nào xe cút kít, kể cả tay không, người ta cũng hì hục đào được cái ao vuông mỗi bề 50 thước, sâu 2 thước. Trong cuộc đào ao vẻ vang đó, người ta cũng nhặt được mấy cái đầu lâu và một mớ xương đã vàng xỉn. Nhưng có biết xương cốt của nhà ai đâu, nên vứt đại đâu đó, thế cũng xong.

 

Ngày khánh thành, đúng ngày sinh của Bác, cờ xí bốn bên gió thổi bay phần phật, nhiều nhứt là cờ lá chuối năm màu bắt chước của Liên Xô.

Một thùng cá giống mang vào từ ao cá Bác ở Hà Nội. Nghe đâu phải mời cả bác sĩ để đưa 100 con cá cưng vào tới nơi an toàn mạnh khoẻ.

Hồi đó chưa cấm pháo nên sau khi ông bí thư Đặng Hùng Anh trịnh trọng thả cá, pháo nổ đì đùng thật vui tai. Các quan chức của làng chụm đầu lại nhìn lũ cá bơi lượn, ai cũng nói: sao mà thấy đáng yêu quá!

Ông chủ tịch hội phụ lão, trong diễn văn chào mừng, bảo rằng, càng yêu cá bao nhiêu càng nhớ công ơn trời biển của Bác bấy nhiêu!

Một ban văn nghệ đồng ca bài” cảm ơn Bác đã cho cơm, giờ cho cá”. Dứt bài được hoan hô nhiệt liệt.

Nhưng không biết có phải vì các bác sĩ kém tài, hay vì vui liên hoan, hay tại hồn những người chết từ khi lập làng không chịu đi, vẫn ấm ức nằm trong lòng hồ, nên hai hôm sau, cá chết nổi trắng mặt ao.

Vớt lên đếm, thấy mất quá nửa.

Nhưng vẫn phải thả cám, thả bèo, thả cỏ và cái đội trừ gian diệt ác được lệnh canh phòng nghiêm nhặt, cảnh giác và đập tan mọi âm mưu phá hoại thù địch.

Cuối năm đó lụt tràn vào. Cá trong hồ tung tăng bơi đi, cá ngoài sông nhởn nhơ bơi vào. Mùa khô, tát cạn, được một thúng những tràu, những trê, những rô. Chỉ bắt được hai con cá trắm nặng hơn một ký.

Có lẽ vì cái sự đào ao ngu xuẩn đó mà bí thư Đặng mất chức, lấy cớ bố trí công tác khác.

Cái ao đem ra đấu giá, chẳng ai thèm đấu. Giờ thành ra cái nơi mà dân ở làng quen thói ỉa dất, thoải mái ngồi chổng khu, cả đêm lẫn ngày. Các chú du kích đã đến tuổi lấy vợ sinh con, cũng chẳng còn đứa nào thắc mắc hạnh hoẹ nữa. Một vài anh, đôi lúc cầm cần câu thả vu vơ xuống hồ, mong kiếm vài con rô để thêm một món ăn cho bữa cơm chiều.

 

[còn tiếp]

 

 

---------------------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021