thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM KHÍ [5]

 

Đã đăng: ÂM KHÍ [1] - [2] -[3] -[4]

 

5.

 

Một người bạn từ thời học Cường Để Quy Nhơn, lại một đêm trăng không tỏ, cũng ghé thăm. Lần này, tôi quá biết anh ta là ma! Anh giữ một kho đạn ở Quảng Ngãi, mà kho đạn nổ tung thì anh còn sống thế nào được.

Anh người Bắc, bị nhạo là thòng lòng sau đít một cọng rau muống.(cũng như tôi bị gọi là dân củ mì khi vào học Nha Trang). Cái chuyện bị nhạo ấy, cho dù là học trò cũng dễ làm cho người ta nổi khùng.

Anh đã từng nổi khùng như thế và đã ném thẳng vào mặt tôi một hũ mực tím. Thật khổ thân, cái bộ đồ bà ba màu mỡ gà (được mẹ cưng và bảnh lắm đó, vì cả lớp gần như mặc toàn bà ba đen) đã thay tôi lãnh trọn.

Nếu bảo một trái bom tàn phá như thế nào, thì cái hũ mực tím kia cũng tàn phá tôi như thế đó. Người tôi đầy mực, cũng may là màu tím, chứ phải như màu đỏ thì lúc ấy cô giáo đang bước vào lớp chắc ngất xỉu vì tưởng tôi bị giết.

Chuyện đó khiến anh ân hận. Tôi cũng ái ngại ít nhiều. Nhưng để chúng tôi gần nhau hơn có lẽ là nhờ thầy giáo dạy lý hóa. Một hôm thầy mỉa mai chúng tôi: “Trước đây ít tháng, tôi thấy các anh mặc bà ba xấu xí nhưng lại học rất chăm và giỏi. Giờ ai cũng quần tây xanh, áo sơ mi trắng, đẹp đẽ quá mà lại lười học. Tôi ước gì lại được trông thấy các anh mặc bà ba đi học như trước!”

Gì chớ, đồ bà ba thì thiếu gì. Và một cuộc đấu tranh bất bạo động đã diễn ra. Cứ đến giờ lý hóa là cả lớp đều mặc đồ đen. Hết tuần này đến tuần khác, khiến thầy chột dạ, phải nhở đến cô giáo dạy văn. Cô nói: “thôi các anh làm thế cũng đã đủ rồi.”

Cô xinh đẹp, ăn nói ngọt ngào thì ai lại không nghe.

 

Một năm sau, chúng tôi đậu trung học. Anh đến tuổi quân dịch, phải đi. Khi về thì việc học đã dở dang nên anh thi vào Thủ Đức. Thực ra, anh không phải là một người ưa cuộc đời quân ngũ. Anh vẫn thích đời dạy học như tôi. Nhưng có lẽ, động cơ sâu xa chính là cái chết bi thảm của ông nội anh.

Từ nhỏ anh vẫn nằm ngủ chung một giường với ông cụ. Trời rét, hai ông cháu đắp chung một tấm chăn. Bao giờ anh cũng kéo gần hết về mình. Ông biết, nhưng vẫn ráng chịu rét để anh ngủ ngon. Thế mà một hôm đi học về hỏi ông đâu, có người lén nói bị dẫn ra ngoài bãi. Anh chạy ra, vừa đúng lúc thấy ông cụ bị giết chết. Máu nhuộm đỏ cả chiếc áo dài trắng.

Sau cuộc đấu tố kinh hoàng đó, cả nhà tìm cách xuống Hải Phòng, rồi lên tàu di cư vào Nam.

Chiếc áo trắng nhuộm toàn máu đó đã trở thành một lời nguyền ám vào cuộc đời ngắn ngủi của anh. Kho đạn nổ, anh biến mất trong màu máu và màu lửa đỏ rực. Không còn lại một chút gì!

Giờ gặp lại anh sau hơn 20 năm, dù anh đã là ma, cái chết của anh vẫn khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói: “Sao anh biết đây là nhà tôi?”

“Đã một lần tôi đạp xe từ Quy Nhơn lên đây, thì cậu đang ở Nha Trang. Bà nội của cậu nói chuyện rất thích.”

“Đậu á khoa Thủ Đức sao không ở Sài Gòn, ra chi cái xứ Quảng Ngãi, đến nỗi phải chết thảm như thế!”

“Chết, thì ở đâu chẳng chết, anh nói, chỉ tiếc là hơi sớm. Mình chưa biết gì nhiều về cuộc đời. Sống nhiều hơn tôi ngần ấy năm, cậu thấy đời thế nào?”

“Nói theo kiểu lạc quan thì nếu được cho sống thêm một phút vẫn xin được yêu người. Còn ngược lại, thì dù chỉ thêm một giây nữa thôi, cũng đếch có thèm nán lại.”

“Như vậy là sao?”

“Là tùy từng người. Không thể bắt anh yêu trong khi anh ghét và ngược lại. Này, anh đã làm khổ một người con gái nào chưa?”

“Người ta làm khổ tôi thì có. Thực ra là bực mình. Có một cô lẳng nhẳng theo tôi, chán muốn chết được.”

“Theo không phải là yêu à?”

“Không.”

“Thế anh đã yêu ai chưa?”

“Yêu thì không, nhưng thích thì có. Cô ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi, hồi ấy mới học đệ ngũ, nhưng nhìn rất thích. Ngày tôi đi quân dịch, định gặp cô nhưng ngần ngừ lại thôi. Sau này, cô ấy vào Sài Gòn. Ở Thủ Đức mấy lần xin được cái phép ra tìm. Nhưng Sài Gòn mênh mông, biết tìm cô ấy ở đâu!”

“Chỉ có thế thôi à?”

‘Ừ, chỉ có thế”

”Còn đàn bà?”

“Chuyện này thì tôi ngại lắm. Sợ bệnh. Với lại cũng muốn để lại cái trinh trắng nhất cho người sẽ là vợ mình. Nhưng mà mình thì đợi nhưng cái số nó không đợi. Này, cho tôi hỏi cậu chuyện này nhé.”

“Chuyện gì?”

“Chuyện mái tóc của cô giáo dạy văn đó. Học trò mà đèo bòng yêu cô giáo!”

“Bậy nào. Mình chỉ yêu có mái tóc của cô thôi. Cậu cũng biết đấy, tóc cô dài và đẹp lắm. Thế mà cô lại đi phi-dê quăn tít như râu bắp. Trông chán mớ đời. Ở Quy Nhơn hồi ấy chỉ có một tiệm uốn tóc nằm ở cuối đường Gia Long. Mình lấy cớ bà chị bảo cho xin lại. Bà chủ gói cẩn thận, đưa mình. Phải nói là mình sướng run. Đêm lén mở ra xem rồi áp lên má. Có lần gục mặt ngủ quên trên đó luôn, may mà không có ai trông thấy.”

“Lãng mạn quá, rồi sau ra sao?”

“Mình ra Huế học Hán văn. Cũng là mong được gặp cô để trả lại mái tóc. Trong khi chờ dịp, mình vẫn lên chùa Thiên Mụ nhặt hoa ngọc lan về ướp. Mái tóc xa chủ vì thế mà đêm đêm vẫn tỏa hương nồng nàn. Sau đó nghe cô lấy chồng, mà lại lấy thầy dạy lý hóa từng mắng tụi mình đó. Buồn quá, mình đem thả từng sợi xuống sông Hương. Có cảm giác mình cũng thả một phần hồn của mình xuống!”

“Chao ơi! cậu sống lâu hơn tôi là phải lắm. Yêu như thế mà chết sớm thì có tội với rất nhiều người đẹp.”

“Chuyện trẻ con vớ vẩn thôi mà. Nhưng nhớ lại mình vẫn thấy thích.”

“Sao cậu lại thả xuống sông. Như mình, thì mình sẽ giữ đến bạc đầu. Thế này nhé, một người học trò đầu bạc kính tặng cô giáo bạc đầu một mái tóc đen. Như thế là tặng lại cho cô ấy thời gian đã mất, đẹp quá phải không?

“Thế thì cậu còn lãng mạn hơn tôi nhiều. Một con ma như cậu, thực thông minh và đáng yêu.”

Chúng tôi chuyện vãn, nằm gối đầu lên nhau kể cũng là chuyện lạ trong đời. Cái gì khiến cho anh ấy tụ lại được như bà tôi nói? Phải chăng đó là tình bạn. Mà tình bạn, dù có bền vững đến đâu cũng có lúc phải tan đi.

Chưa tới sáng, tôi đã không còn thấy anh nữa.

 

Ít lâu sau cũng có một người gọi là bạn, đi tập kết về, tới thăm. Anh ta họ Lê tên Sáu, khi học tiếng Pháp, đề là Les Six, thật oai.

Lúc nhỏ trong ban kịch thiếu nhi, anh thường hát bài ruột:

tôi ra thăm đồng
đêm tối không trăng không sao
trên cây cao cao, cao
gió đưa viu vu, vu!
Trời ơi, đêm tối buồn tênh!
Ô ô ô kìa
tôi thấy con ma le
ma đang nhăn răng, răng
ma đang ăn tôi, tôi
trời ơi tôi chết vì ma!

Tôi thì chụp một cái mo cau giả làm ma múa may bên cạnh.

Vở diễn lúc nào cũng được hoan hô tưng bừng. Chúng tôi đã có những ngày vui như thế.

Trước lúc tập kết, học sinh cuối cấp 2 được dự trại ở Bồng Sơn. Lần đầu tiên chúng tôi biết đường nhựa và đường sắt. Ngồi trên xe goòng chỉ có người đẩy chạy chứ không có đầu máy. Vậy mà đứa nào cũng thích, lúc qua hầm tung nón mũ hét như điên.

Trại có đến mấy trăm trại sinh, uống nước dừa nhảy xôn đố mì mệt nghỉ. Sau đó, lọc lừa chọn ra một số đi tập kết.

Đứa được chọn vì lý lịch tốt, ra Bắc được gặp Bác Hồ, coi như lên thiên đường, nên vui ra mặt.

Đứa ở lại, coi như xuống địa ngục, buồn, lo, và sợ vì phải sống trong vùng Pháp chiếm, có thể bị đóng đinh vào đầu! Vậy mà đứa nào cũng tin. Kinh khủng là cái sự tuyên truyền của Cộng Sản!

“Cậu lên thiên đường thấy thế nào?”

“Đói bỏ mẹ! Cũng may là tớ được qua học bên Nga. Tiêu chuẩn hữu nghị, no hơn nhưng lạnh lắm.”

“Vào đảng chưa?”

“Chưa.”

“Sao vậy?”

“Một phần vì lý lịch không rõ ràng. Nhà tớ là trung nông chứ không phải bần nông. Vả lại thử thách ghê quá, nằm ở cầu Long Biên để bắn máy bay. Nằm cho oai chớ bắn được chó gì. Chỉ lo nó bắn mà tan xác.”

“Vợ con gì chưa?”

“Đếch có”

“Sao vậy?”

“Đẹp thì không tới phiên mình. Chỉ ‘xây dựng’ toàn những mụ ‘cốt cán’ môi thâm, răng vẩu, nên chán!”

“Giờ về làng, định làm quan đấy à?”

“Không, ghé thăm anh mình ít bữa rồi đi Campuchia. Mình là kỹ sư hóa học. Không biết làm cái gì bên đó.”

Hết Lộc điên, đến cái anh chàng tưng tửng này. Qua Liên Xô về mà thở ra toàn mùi phản động.

 

Sau cuộc gặp này, tôi nhận ra một điều. Những người mà sau này làm ông nọ bà kia, dù là cùng làng, cùng bạn học với nhau, không bao giờ họ ghé thăm tôi. Không phải vì tôi nghèo mà vị sợ cái mùi Mỹ ngụy.

Cái mùi đó, những người thua trận miền Nam bảo thơm, vì đó là mùi tự do. Còn những người thắng trận miền bắc thì bảo thối, vì đó là mùi nô lệ.

Tôi bước đi giữa đường làng, không thấy mả thấy mồ, chỉ thấy mưa sa trên những sọ người lăn lóc. (nhại Trần Dần)

Tôi sống giữa làng cũ mà không phải làng, giữa quê hương mà không phải quê hương, được làm chủ mà thấy đầy tớ thì sợ run.

Chưa bao giờ tôi thấy thấm thía câu thơ của Trần Dần như lúc này.

Ở đây khát gió thèm mây!

Cũng vì vậy mà rục rịch trong làng đã có người lần mò xuống biển để vượt biên. Kết quả là bị lừa gạt mất hết vàng một đời ky cóp, bị bắt, bị tù. Nếu may mà ra được tới biển, thì sóng cuồng gió dữ và hải tặc. Chưa lúc nào cái giá của một chút gió, một chút mây lại cao đến như vậy. Đổi cả mạng người cũng chưa chắc có được.

Không như những cán bộ, đảng viên lúc nào cũng lạc quan phơi phới vì mọi việc đã có đảng lo. Lo từ cái tã cho con nít đến cái hòm của người già. Lo đường gạo mắm muối, thịt nạt thịt mỡ, cá đồng cá biển, bột mì Canada không mọt, lo an dưỡng, lo đi tham quan chiến trường xưa, lo phân phối nhà, xe... lo đủ cả chỉ thiếu một điều là không lo cho ai ngoài đảng.

Cho nên mừng đảng trước rồi mới mừng xuân sau là đúng. Không phải đảng sinh ra trước mùa xuân như có người bắt bẻ. Đảng sinh sau, nhưng đảng được đặt ngồi xổm lên đầu lên cổ cái nàng xuân phảng phất mùi gái bán bar kia, vì đảng là kẻ chiến thắng, là hậu sinh khả úy.

Vậy, yêu đảng và được đảng yêu như C, như T, như K, không sướng sao?

Lại bày đặt xì ra cái mùi phản động, bất mãn như Lộc và Sáu, nên đứa thì chết đứa bị đưa đi đày. Ai cũng bảo là ngu, trừ tôi.

 

Cũng có một người bạn một thời với cha tôi, gặp mẹ tôi ở chợ Bò, hỏi thăm chút đỉnh, chớ chưa về làng. Lúc cha tôi nghỉ học sớm để cưới vợ, thì ông ấy xuống Qui Nhơn học tiếp, lấy được cái bằng Thành chung, thời ấy là oai lắm. Trong làng ông chỉ thua có mỗi Trương Đình D. Trong chín năm ông làm gì đó khá to trên tỉnh. Cha lại là dân biểu quốc hội. Vì vậy, tuy là địa chủ nhưng là địa chủ tiến bộ.

Dĩ nhiên cả nhà ông được đi tập kết, ông cụ nghe đâu có làm đại sứ ở Nam Dương. Ổng khoe với mẹ tôi, nhờ đảng mà cả nhà ông ai cũng thành kỹ sư bác sĩ. Vợ ông, cùng học bình dân với mẹ, nhưng giờ là bác sĩ phó giám đốc một xưởng đẻ nào đó ở Sài Gòn.

Thực là vẻ vang hết sức. Thảo nào cái mộ to đùng, có xây thành vây quanh của nhà ông vẫn để yên đó chứ không một ông bí thư nào dám động đến.

Lại nói một chút về Trương Đình D, người gọi bà nội của ông nội tôi bằng bà cố, thì vì cái tội ứng cử tổng thống, tức là muốn chống lại miền Bắc, nên bị đưa đi cải tạo. Thế là ông thoát khỏi cái chuồng cọp của Nguyễn Cao Kỳ, nhưng lại bị nhốt vào cái chuồng beo của Lê Duẩn.

Tại cái mả của bà tôi nằm dưới đáy một kho thóc chăng?

 

[còn tiếp]

 

 

---------------------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021