thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái chết của chàng hề vĩ đại

 

Bây giờ thì đến cái tên của mình, mình cũng không nhớ nữa. Trong đời mình, mình toàn hò hét hô vang tên người khác, riết rồi quên cái tên đáng nhớ nhất. Mình chỉ nhớ mình họ Trần, mà ở cái xứ nóng rang này, họ Trần như mình nhiều vô thiên lủng. Tuổi thơ của mình đói khát nhọc nhằn nhưng đầy lý tưởng. Xung quanh mình, bạn bè người thân, trên những gương mặt còm cõi là những đôi mắt ngời sáng như sao, như lửa, tưởng chừng chỉ cần bắt gặp ánh mặt trời mùa thu thôi là có thể cháy ngời lên rạng rỡ. Điều này, mãi về sau, đến xế chiều, mình mới nhận ra rằng đói khát hoặc suy dinh dưỡng cũng là một cơ may: Người mình lùn tịt, gương mặt lại móm mém khôi hài một cách hết sức tự nhiên. Mình phát hiện ra khả năng hơn người này một cách tình cờ. Hôm đấy, ra chợ, thấy một đám bu vào đánh nhau, mình nhảy vào giữa, xoạc đôi cẳng chân ngắn cũn cỡn, banh cái miệng móm xọm ra, vừa cười vừa giảng hoà. Đám đông đang hăng hái bu theo đám đánh lộn, chợt phát hiện ra có điều đáng xem hơn, bèn bu lấy mình, vỗ tay tán thưởng, như tán thưởng một chàng hề vĩ đại đang biểu diễn miễn phí.

Nhà máy đóng gạch nơi mình làm việc có đông người lắm, toàn vai u thịt bắp. Mình không thích như thế. Làm người, phải có trí tuệ một tí, mới đáng sống, mình nghĩ thế, và lấy làm tiếc. Thỉnh thoảng, vào những giờ nghỉ giải lao, mình lại thể hiện năng khiếu hài hước bẩm sinh, mua vui, và hơn cả mua vui là bồi dưỡng thêm về mặt tư duy cho các đồng nghiệp. Mình vung vẩy bước tới bước lui và nhảy tót lên đống đất vừa nhào xong, trịnh trọng nói: “Hỡi các bạn cùng giai cấp ơi!”

Mọi người lập tức hưởng ứng: “Ơi!”

“Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”

“Không xưng danh thì ai biết mày là thằng chó nào!” Một tràng cười hô hố. Mình không chấp, bọn vai u thịt bắp vẫn đùa với nhau kiểu tục tằn thô lỗ. Đời cha ông chúng nó chui dưới bùn lên, mình tha thứ.

“Hôm nay, Trần tôi sẽ luận về quá trình phát triển và tiến hoá của cuộc sống...”

? dưới bắt đầu nín, một vài người nhe răng cười. Mình tiếp: “Sự tiến hoá không phải lúc nào cũng nhìn thấy bằng mắt thường đâu anh em ạ...”.

“Dĩ nhiên!”

“Sao lại là dĩ nhiên, bọn óc trâu óc kiến ngoài kia, chúng lu loa, sao cụ già ấy mãi mà chưa chết, hoặc chết mãi mà chưa chôn, anh em thấy có phải óc trâu không?”

Mọi người sốt ruột giục: “Ông đi mẹ nó vào vấn đề đi!”

Cái miệng móm khôi hài cười ra hết cỡ, cái đầu trọc tròn vành vạnh trên cổ lắc lư: “Hỏi anh em, trong chúng ta đây, ai còn nhớ đích xác ngày mình từ trẻ con chuyển thành người lớn? Ai nhớ? Có ai nhớ? Nói xem?” Mình bước xuống khỏi đống đất, gương mặt nghiêm trang căng thẳng một nỗi băn khoăn triết học. Không ai nhớ, tất nhiên rồi. Ngày nào cũng đào đất đóng gạch, về đến nhà lăn ra ngủ, sao mà nhớ cái mốc nhỏ nhoi ấy. Có người còn chằng nhớ ngày giỗ bố nữa là...

Đến đấy thì kẻng báo hết giờ giải lao. Tiếp tục đào đất đóng gạch. Rồi đến giờ giải lao ngày mai, vẫn thế, Trần tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? Không xưng danh thì ai biết... Lại bồi dưỡng về tư duy triết học. Bữa nọ, khi mình đang nhảy tới nhảy lui như một con khỉ trong rạp xiếc và cái miệng móm đang thao thao về quá trình tiến hoá của các giai đoạn, các hình thái xã hội, thì đột nhiên, cả đám đông ngồi nghiêm lại, như vừa có một chiếc đũa thần đụng vào, chết cứng. Tổng giám đốc nhà máy ra thăm. Ông ta đến, lặng lẽ như một cái bóng, và đã nghe đã thấy hết. Phen này thì ê mặt, nhiều người nghĩ thế và lo lắng. Cuối buổi, mình được Tổng giám đốc gọi riêng vào phòng, đến quá trưa mới được về.

Từ đó, đồng nghiệp ở nhà máy gạch không còn được thấy mình diễn hài nữa. Có người nói hình như mình được chuyển sang ban tuyên truyền vận động gì đó. Cuộc đời mình từ đấy, chuyển qua một giai đoạn khác, vui hơn, mà cũng buồn hơn. Bây giờ, mình là một diễn giả thật sự với một công việc thật sự. Vậy mới công bằng! Tài năng như mình, khả năng hài hước như mình mà suốt ngày giẫm bùn bê đất đóng gạch, phí quá đi chứ!

Dạo này, các đối tượng lang thang không biết xuất hiện từ xó xỉnh nào mà đông thế, chúng ùa ra ngoài đường, ngồi chật các vỉa hè, hóng hớt, bàn đủ thứ chuyện trên đời. Mà rõ khổ, chúng không hề được trang bị một cọng lông triết học nào cả. Nói với bọn người này, khó lắm, chả lẽ lúc nào cũng dùi cui với lại mũ cối, còn ra cái thể thống văn minh gì nữa! Mình hăng hái nhận nhiệm vụ giáo dục bọn chúng, nói cho bọn chúng biết: tốt nhất là về đào đất nhặt cỏ, chăm chỉ làm ăn, đừng đi lang thang mà khổ thân. Mình hăng hái nhập vai. Tài năng thì mình có thừa, đất dụng võ bây giờ cũng có thừa. Vui nhất là những chủ nhật đẹp trời, trong công viên rạng ngời, nam thanh nữ tú rạng rỡ ôm nhay nhảy theo điệu nhạc ngất ngây kỳ diệu, tất nhiên bọn cọng lông lông bông cũng đông không kém.

Mình chọn một chỗ khá thoáng, cao, tương tự một sân khấu ngoài trời. Bây giờ, trên đầu mình đội thêm một cái mũ sắt, vừa là mũ bảo hiểm khi đi xe, vừa bảo vệ cái đầu để khỏi bị bọn du thủ du thực ném đá; còn khi mỏi chân, mình sẽ úp mũ xuống và kê đít lên ngồi. Mình tăng âm lượng lên cho vừa với sân khấu ngoài trời: “Bớ bà con, tôi ra đây có phải...” Tất cả mọi người sửng sốt, tưởng lại một trò quảng cáo gì của bọn nhà đài nhà báo. Những người đang ôm nhau nhảy, ôm nhau trên ghế đá, những người đang nằm ngủ lê lết dưới gốc cây, và bọn cọng lông lông bông cùng bu lại. Trong nháy mắt, mình đã có một lượng khán giả kha khá. Mình nghĩ thầm, ôi, nếu mà bán vé thì cũng...

Mình lấy lại nét nghiêm trang khôi hài bẩm sinh: “Tôi là Trần tiên sinh, các người ạ! Chúng ta ở đây, đều là những cá nhân, những viên gạch vững chắc để xây dựng nền móng cho một lâu đài vững chãi...” Mình nghe giọng chính mình, có vẻ run run, có vẻ thiếu tự tin, khán giả đông quá, mình hơi lúng túng, suýt nữa thì lộ ra cái thân phận thằng đóng gạch! Lập tức, mình gãi đầu soàn soạt, tất nhiên là gãi trên mũ, miệng mình ngoác ra hết cỡ để cười. Khán giả cười theo, tất nhiên rồi, cười mỗi lúc một lớn. Có tiếng ai đó hò hét: “Bọn con bò, im nghe nào, không phải đùa đâu, một triết gia khôi hài đấy!”...

Để làm dịu bớt tình hình, mình ngâm thơ. Thơ thì mình không thiếu, nếu cần, mình kiêm luôn cả nhà thơ. Không phải đầu mình trọc đâu, đó là năng khiếu. Mình ngâm luôn: “Ạ chờ... mây hoang hoải mây trời hoang hoải / Nắng hoang hoải, nắng chừ hoang / Em về công viên rạng ngời, ạ chờ...”

Một viên đá cuội rơi trúng đầu mình, mình cảm nhận. Mình đã tiên đoán hết mấy trò ném đá vớ vẩn này rồi. Bởi vậy mình mới đội mũ sắt! Có vài người lấy điện thoại ra ghi hình. Đến lúc này thì mình hoàn toàn mất kiểm soát. Mình gào lên: “Bớ các người, tại sao chúng ta lại phải cắn xé nhau, làm khổ nhau vì những cơn cớ không đâu. Chúng ta sinh ra vì ai, chúng ta làm việc vì ai, chúng ta sống vì ai...”

Bọn cọng lông lông bông gào ré lên khiêu khích. Tội nghiệp chúng quá! Mình tiếp: “Ai xui giục các người, ai sai khiến các người, các người có hiểu năm giai đoạn phát triển của...”

Bọn lông bông ném đá tới tấp, bây giờ nếu có bom rơi bên cạnh, mình vẫn nói. Mình rơi vào trạng thái phấn khích quá độ...

Khán giả ngày càng đông, đến nghe thì ít, đến vì tò mò thì nhiều. Thời buổi này, bọn vô công rồi nghề nhiều vô kể. Để bảo đảm an toàn, mình xoay lưng vào một bụi tre ngà. Gạch đá tiếp tục ném lên, kệ, mình vẫn nói, đó là sứ mệnh cao cả của mình. “Các bạn thắc mắc: tại sao nói về biển Đông lại không được nói chuyện ngoài biển Đông? Vấn đề này đơn giản lắm, mọi việc đều có quan hệ biện chứng...”

Phía sau mình, có hai thanh niên đứng khoanh tay, mắt nhìn bao quát, không khác gì vệ sĩ bảo vệ các nguyên thủ quốc gia mà mình vẫn được xem trong phim ảnh. Không ngờ, mình quan trọng đến thế. Mình nói luôn về cái chết của chủ nghĩa tư bản. “Chết, hiểu một cách biện chứng, là chuyển qua một giai đoạn khác, các bạn ạ...”

Đám đông đã trở nên cuồng loạn, khó kiểm soát. Chúng trầm trồ, chúng cười cợt, chúng chửi rủa văng tục loạn xì ngầu...

Không biết từ đâu đến, cả một rừng ống kính máy quay, cả những ê-kíp luộm thuộm chen lấn nhào vô, ta có, tây có, không khác gì một sự kiện lịch sử nghiêm trọng. Mình hoảng thật sự, nhưng mình vẫn phải nói. Mình thao thao bất tuyệt về các hình thái ý thức xã hội, thỉnh thoảng, mình lẫn lộn các từ ngữ quen thuộc của nghề đóng gạch. Mình nói: “Sự nghiệp của quần chúng chả khác gì việc đóng gạch, mỗi giai tầng thực hiện một công đoạn khác nhau như đào đất, nhào bùn, lên khuôn... Quan trọng là không được đốt cháy giai đoạn lịch sử đó, các người hiểu chưa, đồ con bò?” Thế mà kẻ thì vỗ tay rào rào, kẻ thì la ó như chạy lũ.

?, cơ chừng này mình sẽ điên lên mất. Chưa bao giờ mình thấy cái bọn quần chúng nhân dân ngu muội, láo xược và hỗn tạp như bây giờ. Chúng ném đá rào rào, có đứa ném cà chua vào mình. Có đứa ré lên: “Thằng hề! Thằng quái thai!” Giận chúng nó thì ít, mà giận lịch sử thì nhiều. Rõ ràng, cái bọn này là những quái thai chui ra từ bụng dưới của mụ già lịch sử đĩ thoã. Chúng không được học hành tử tế, ít ra là học cách đóng gạch.

Rồi hình ảnh của mình, các đoạn phim quay lại các buổi diễn thuyết của mình được truyền đi trên toàn thế giới. Cả trong mơ mình cũng chưa bao giờ hình dung ra điều ấy. Trời ơi, nghe cái giọng mình trên tivi mới rền làm sao, mới hoành tráng làm sao. “Ạ chờ... chênh chao quá cọng lông ngày trở gió / ạ chờ hoang hoải quá...” Không chỉ ngưỡng mộ khả năng diễn hài siêu việt của mình, cả thế giới còn bái phục tài ứng khẩu thành thơ của mình nữa, chao ôi! Đứa thiểu năng nào dám bảo suy dinh dưỡng là mối nguy của nhân loại! Cái bọn vai u thịt bắ, đã có đứa nào được như mình chưa? Tên mình trên google, gõ một phát, ra mấy triệu kết quả, vượt xa các chính khách, các doanh nhân thành đạt, vượt xa nốt các diễn viên khoe ngực khoe mông đương nổi...

Thế nhưng, đến lúc mình vừa đặt chân vào cõi vinh quang, thì bất hạnh cũng vừa kịp tới. Không biết từ đâu, có thông tin xì xào rằng mình diễn thuyết, mình đọc thơ thì lợi ít mà hại nhiều. Có người còn bảo rằng mình đích thị là thằng phá hoại được cài cắm một cách tinh vi bởi bọn tình báo nước ngoài, rằng mình bôi tro trát trấu vào lịch sử, mình mỉa mai quần chúng nhân dân. Bằng chứng là sau những buổi diễn thuyết của mình ở vườn hoa, tình hình đã không được cải thiện. Bọn vô công rỗi nghề xuất hiện càng đông, chúng nại rằng, nghe mình diễn vui quá nên đi xem, từ đó, ngang nhiên gây rối trị an. Những đoạn phim của mình được tung lên mạng lại bị bọn con bò nào không biết lồng thêm những đoạn nhạc mất dạy vào, biến thành một trò bôi bác không hơn không kém. Mình buồn, bực, cảm thấy oan sai vô cùng. Những mong đóng góp công lao nâng cao dân trí cho đồng loại, ai ngờ. Mình nằm trong góc tối, buồn xo, ai gọi cũng không thưa, ai hỏi cũng không trả lời. Mình nghĩ, thời nào thì bọn ngu cũng đông hơn, thời nào bọn đố kị tài năng cũng nhan nhản. Gặm một khối căm hờn, mình cả quyết: Nếu cần, mình sẽ lấy cái chết để chứng minh tấc lòng son sắt với nhân dân, với sơn hà xã tắc mà thôi...

Mình hoang mang lắm, dưới chân mình, đá chất thành đống, ngày càng nhiều đối tượng ném đá mình, bọn du thủ du thực có, bọn ở đâu không biết vừa mới đến cũng có. Mình nghĩ, chết trên đống đá này cũng vinh quang lắm chứ, mấy ai! Nhưng, mình không được chết ở đây. Một bọn, vẫn thường đứng khoanh tay sau lưng bảo vệ mình, đột nhiên trở mặt, xốc nách mình, lôi xềnh xệch mình vào một phòng kín. Mình hét lên: “Có tội gì đây ta thử hỏi...?” Không ai trả lời, cửa đóng kín, mình bị bỏ đói.

Cuối cùng, mình chết. Mình đã biết trước, cái chết này sẽ không hề uổng phí. Mình sẽ vui vẻ chết như đóng xong đống gạch. Đúng ra, phải gọi là hy sinh. Cuộc đời mình, mình chả tiếc, chỉ tiếc công cuộc khai thông dân trí vẫn còn dang dở. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, mình gom lại chút sức tàn, hét lên như sấm: “Chúng ta vẫn đang ở thời kỳ quá độ...” Tiếng của mình lọt thỏm giữa bốn bức tường lạnh lẽo. Tiếng vỗ tay, tiếng hò hét, tiếng chửi tục vẫn âm u từ đâu đó vọng về, xa lắm lắm...

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021