thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày tàn của ông A [kỳ 1/5]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

FRIEDRICH DÜRRENMATT

(1921-1990)

 

Friedrich Dürrenmatt sinh ngày 5 tháng 1 năm 1921 tại Konolfingen, trong vùng Emmental, thuộc bang Berne, là một nhà văn và kịch tác gia lớn của Thuỵ Sĩ, nổi tiếng là người đề xướng sân khấu sử thi phản ánh những kinh nghiệm của quang cảnh chính trị Thế chiến II, và cũng là người từng giới thiệu với người đọc và khán giả kịch nghệ những vở kịch tiền vệ, những tiểu thuyết hình sự đậm màu sắc triết lý siêu hình, những tác phẩm châm biếm nặng một không khí rùng rợn. Năm 1935, thân phụ ông là một mục sư Tin lành đưa gia đình đến sống ở Berne, tại đây ông học triết, Đức ngữ và lịch sử văn học, khởi đầu tại Đại học Zurich [1941] rồi, sau một học kỳ, ông chuyển qua Đại học Berne, trước khi quyết định nghỉ học để dành hết thời gian cho việc sáng tác [1943]. Dürrenmatt khởi đầu sự nghiệp văn chương khoảng năm 1945-46, với vở kịch Es steht geschrieben , và cùng năm 1946 ông kết hôn với nữ diễn viên Lotti Geissler [mất 1983, và ông tái giá năm 1984 với một nữ diễn viên khác là Charlotte Kerr].[*] Năm 1948-1949, ông hợp tác với quán sân khấu Gherkin Cabaret / Cabaret Cornichon là nơi trình diễn nhiều vở kịch ngắn của ông, và năm 1952 ông phụ trách phê bình sân khấu cho tạp chí Die Woltwoche . Đây là thời gian ông cho ra đời những tác phẩm như Der Blinde [1947, kịch], Romulus der Große [1950, kịch 4 màn], Der Richter und sein Henker [1952, tiểu thuyết ngắn], Der Tunnel [1952, truyện ngắn], Die Ehe des Herrn Mississippi [1952, kịch] ... phần nào đã sớm hứa hẹn một chỗ đứng độc đáo sẽ được khẳng định qua những tác phẩm xuất sắc tiếp sau: Der Verdacht [1953, tiểu thuyết], Theaterprobleme [1954, tiểu luận], Der Besuch der alten Dame [1956, kịch], Die Panne [1956, truyện ngắn], Das Versprechen: Requiem auf den Kriminalroman [1958, tiểu thuyết ngắn], Die Physiker [1962, hài kịch 2 màn], Der Meteor [1966, kịch] ... — trong đó có nhiều tác phẩm, như kiệt tác khôi hài đen Die Panne chẳng hạn, được chào đón như một phát hiện trong văn học thế giới nửa sau thế kỷ XX.
 
Cũng như Bertold Brecht, Dürrenmatt thường khai phá những khả năng kịch nghệ của loại sân khấu sử thi. Không những chỉ vở kịch đầu tay Es steht geschrieben ông viết năm 26 tuổi, đêm đầu công diễn [1947] đã gây ra những cuộc đụng độ và chống đối trong khán giả, mà trong các tác phẩm của ông sau đó, kể cả những vở kịch truyền thanh [có thể nhờ những bản dịch tiếng Anh mà đến được với công chúng dễ dàng hơn?] như Abendstunde im Spätherbst / Incident at Twilight [1952], Herkules und der Stall des Augias / Hercules in the Augean Stables [1954], Das Unternehmen der Wega / The Mission of the Vega [1954], hay một số tác phẩm cuối đời như Labyrinth hay Turmbau zu Babel, ông đều luôn tìm cách hoặc kéo công chúng vào một thứ tranh luận lý thuyết, thay vì để họ coi như những đối thoại thụ động thuần giải trí, hoặc buộc họ phải vừa tiếp xúc với các câu truyện kể, các ý tưởng, vừa tiếp cận với những suy nghĩ triết lý.
 
Năm 1990 ông có dịp đăng đàn đọc hai bài diễn văn, một bài để vinh danh Václav Havel [Die Schweiz, ein Gefängnis? (Thuỵ Sĩ là một nhà tù?)] và bài kia để vinh danh Mikhail Gorbachev [Kants Hoffnung (Hi vọng của Kant)], biểu lộ một quan điểm xã hội chính trị khá rõ ràng. Dürrenmatt từng đến Hoa Kỳ [1969], Israel [1974], Auschwitz, Ba Lan [1990]. Ông mất ngày 14 tháng 12 năm 1990 ở Neuchâtel — là nơi [cùng với Zurich, 1987] từng trưng bày nhiều tác phẩm hội hoạ của ông từ 1976 đến 1985 — để lại cho nhiều thế hệ sau ông một sự nghiệp văn học[**] xứng đáng là người thừa kế của Franz Kafka.[***]
 
Ngoài một số tác phẩm khác cũng cần nhắc đến như Monstervortrag [Thuyết trình về công lý và luật pháp, 1969], Justiz [1985, tiểu thuyết hình sự], Der Auftrag [1986, tiểu thuyết ngắn], chúng tôi đặc biệt muốn giới thiệu đến độc giả một tác phẩm đặc sắc: truyện NGÀY TÀN CỦA ÔNG A (nguyên tác: Der Sturz [1971]; bản dịch tiếng Pháp: La Chute d’A [1975]).
 
NGÀY TÀN CỦA ÔNG A
 
Sau tiểu thuyết trinh thám Das Versprechen [1958], Dürrenmatt dường như chuyển hướng, nghiêng hẳn về kịch nghệ: trong suốt mười lăm năm ông để hết tâm trí và thì giờ vào công việc thể nghiệm sân khấu, trực tiếp đọ sức với các diễn viên, “giỡn mặt” cả với những cây cổ thụ kịch nghệ cổ điển như Shakespeare, Strindberg, và đưa ra hai vở nổi tiếng: Die Physiker [1961/62], Der Meteor [1966]. Bởi thế nên khi truyện Der Sturz [Verlags AG Die Arche, 1971] xuất hiện ở Zurich, sau đó là bản dịch tiếng Pháp La Chute d’A [Editions Albin Michel, Tủ sách Les Grandes Traductions, 1975] bày bán ở Pháp, cả người đọc lẫn giới phê bình văn học đều ngạc nhiên. Nhiều nhà phê bình hơi bị lạc hướng bởi tác phẩm ngắn gọn này đã muốn so sánh với một kiệt tác cực kỳ súc tích là Die Panne [1956] cho dù rõ ràng cái chết của ông A mang một cường độ mạnh khác hẳn diễn biến trong Die Panne, và quả là với câu chuyện ông A bị rớt đài, Dürrenmatt đã đi xa hơn: ông đã phiêu lưu đến tận những biên giới chưa ai thám hiểm, truyện ngắn xuất hiện như một giả thuyết tiểu thuyết về cái chết của Stalin. Người đọc có thể sẽ thích thú trước sự cay độc mang tính hài, cái nhìn tàn bạo của người viết. Nhưng tác phẩm không thể ngừng, không thể thu lại có bấy nhiêu. Một người đọc sáng suốt có thể sẽ nhận ra toàn bộ tầm cỡ của nó. Có nghĩa là Dürrenmatt muốn thu tóm trong phương trình văn chương của mình [áp dụng cho mọi trường hợp] chính cách đặt vấn đề nơi mọi thứ uy quyền trong thời đại này, dù uy quyền ấy thuộc hệ thống chính trị nào: có nghĩa những cơ chế đã bất ngờ xô ngã kẻ tiếm đoạt cách mạng là ông A rất có thể cũng xô ngã được một kỹ thuật viên cầm quyền, một Tổng giám đốc Chủ tịch Hội đồng quản trị chẳng hạn, trong những hệ thống xã hội khác.
 
Cuốn La chute d’A của nhà xuất bản Albin Michel mà lần đầu tôi có, có một hành trình đáng nhớ ở Saigon trong khoảng 1978-1982. Sau 1975, tôi và Thái Tuấn gặp nhau thường, và thường trao đổi sách đọc. Một hôm Thái Tuấn thả bộ ghé quán café Fernand Léger, và thấy tôi đang có trước mặt cuốn truyện này. Bấy giờ, những lúc không có các bạn Nguyễn Ngọc Lan, hay Cao Xuân Hạo, Diễm Châu, Lữ Phương, hay Mạnh Tường đến tán dóc, tôi ngồi đập ruồi, đã dịch được gần hết cuốn sách trong một cuốn tập học trò có gạch ô vuông. Mấy ngày sau tôi cho Thái Tuấn mượn cuốn sách. Ít lâu sau, anh cho tôi biết đã “mạn phép” cho Thanh Tâm Tuyền mượn “vì Tâm đọc qua, nó thích quá”... Khi Thái Tuấn đi Pháp rồi, tôi được người nhà cho biết TTT có ghé nhà hai lần, đi với một người mà do chỗ đã bấm chuông cửa sau, tôi đoán là Đinh Cường. Qua Mỹ, tôi nói chuyện điện thoại với TTT hai ba lần, gặp và đi chơi với Đinh Cường nhiều lần, qua Pháp đã về thăm Thái Tuấn một đêm ở Orléans, nhưng tất nhiên tôi không hỏi, cho dù bản dịch lở dở còn đó, nằm ngoan ngoãn trên những trang giấy học trò đã ố vàng. Năm 1998, trong một tiệm sách ở Paris, tôi mua một cuốn mới, bấy giờ tôi đã có dịp đọc bản tiếng Anh The Coup của Joel Agee, nhưng trung thành với mùi khói của tiệm café Fernand Léger, tôi vẫn chọn dịch tiếp phần chưa dịch từ bản tiếng Pháp của Walter Weideli. Cuốn La chute d’A đầu tiên của tôi giờ ở đâu?
 

_________________________

[*]Đây chắc hẳn là vị phu nhân mà nhà thơ Diễm Châu có dịp gặp bên cạnh Friedrich Durrenmatt ở Strasbourg. [Xem lời giới thiệu của Diễm Châu trong bản dịch truyện “Xúc xích”]

[**]Riêng những tác phẩm của Dürrenmatt được chuyển thể thành phim, có thể lược kể: It Happened in Broad Daylight [1958 và 1997, cho TV], The Marriage of Mr. Mississippi [1961], The Visit [1964, Der Besuch der alten Dame], Once a Greek [1966, Grieche sucht Griechin], Play Strindberg [1969, dựa trên kịch The Dance of Death của August Strindberg], Shantata! Court Chalu Aahe [1971, dựa trên Die Panne], La più bella serata della mia vita (1972, dựa trên Die Panne], End of the Game [1976, dựa trên Der Richter und sein Henker], Физики (tiếng Nga) [Physicists, 1988], Визит дамы (tiếng Nga) [The Visit of the Lady, 1989], Hyènes (1992, chuyển thể từ The Visit], The Pledge [2001, dựa trên tiểu thuyết Das Versprechen]...

[***]Theo Theodore Ziolkovski, người biên tập và giới thiệu Friedrich Durrenmatt, Selected Writings – Volume 2 – Fictions (The University of Chicago Press, 2006).

 

_________

 

NGÀY TÀN CỦA ÔNG A

[kỳ 1/5]

 

                    A

B                                    C

D                                    E

F                                    G

H                                    I

K                                    L

M                                    N

O                                    P

 

Gửi Fred Schertenleib

 

Sau bữa tiệc nguội dọn trong phòng hội — trứng nhồi thịt, giăm-bông, bánh mì nướng, trứng cá muối cavia, rượu và sâm-banh — lúc nào cũng đi trước những nghị quyết của Bộ Chính trị, N xuất hiện trước tiên trong phòng họp. Từ khi được vào tới cơ quan tối cao, ông chỉ cảm thấy an toàn trong mỗi chỗ này, mặc dù ông chỉ là Bộ trưởng Bộ Bưu điện và A từng đánh giá cao những con tem phát hành nhân hội nghị hoà bình nếu như ông có thể tin vào những lời đồn đại trong số những người thân cận của D và những thông tin chính xác nhất của E; nhưng cho dù vai trò nói gì đi nữa thì đúng ra cũng là thứ yếu của Bưu điện trong bộ máy Nhà nước, tất cả các vị tiền nhiệm của ông đều đã biến mất, và ngay cả trong trường hợp C, Trưởng ngành Mật vụ, có tỏ ra thân ái với ông, ông cũng không nên hỏi thăm về số phận của họ. N đã bị lục soát ở cửa vào phòng hội, rồi ở cửa phòng họp, lần thứ nhất bởi viên trung tá có dáng đi thể thao, lúc nào cũng là người tiến hành thủ tục này, lần thứ hai bởi một viên đại tá tóc vàng mà ông chưa gặp bao giờ. Viên đại tá thường ngày vẫn lục soát cánh ta ở cửa vào phòng họp thì đầu hói; ông ta chắc là đang nghỉ phép, hoặc đã bị thuyên chuyển, hay bị cho thôi việc, hoặc bị cách chức, hoặc đã bị xử bắn. N đặt cái cặp lên bàn hội nghị và ngồi xuống. L ngồi bên cạnh ông. Phòng hội dài và không rộng hơn cái bàn bao nhiêu. Vách tường lát gỗ nâu cao tới giữa chừng. Phần vách tường không lát gỗ và trần nhà đều màu trắng. Thứ tự các chỗ ngồi phản ánh thứ bậc của hệ thống. A ngồi ở đầu bàn. Phía trên đầu ông, treo trên phần vách tường màu trắng, là lá cờ Đảng. Đầu kia bàn, đối diện với ông, là chỗ trống không, đây là nơi có cái cửa sổ duy nhất trong phòng. Một cánh cửa sổ cao o tròn trên đỉnh, chia làm năm mặt kính và không treo màn. B, D, F, H, K, M ngồi (so với A) bên phải bàn, và đối diện với họ là C, E, G, I, L, N. Sau N, còn có P, Trưởng ban Tổ chức Thanh niên, và bên cạnh M, là O, Bộ trưởng Bộ Nguyên tử. Nhưng người này, cũng như người kia không ai có quyền biểu quyết. L là chủ nhiệm hội đồng. Ngày xưa, cái thời A chưa chiếm lĩnh Đảng và Nhà nước, ông giữ chức vụ ngày nay đang ở trong tay D. Ông từng là thợ rèn trước khi trở thành cách mạng. Ông to lớn, vai rộng, nhưng không hề mập ra. Mặt và hai bàn tay ông xù xì; mớ tóc xám của ông còn nhiều và húi cua. Ông không cạo râu. Bộ đồ com-plê xám đậm của ông trông giống như bộ đồ diện ngày chủ nhật của một anh công nhân nào đó. Ông không bao giờ thắt cà-vạt. Cái cổ áo sơ mi trắng của ông lúc nào cũng cài nút cẩn thận. L được lòng nhiều người trong Đảng và trong quần chúng; vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa tháng Sáu đã tạo ra nhiều huyền thoại, nhưng toàn bộ những thứ đó xưa đến nỗi A thường gọi ông là “tượng đài”. L được coi như một con người thẳng thắn và đây là một người hùng, đến nỗi thời suy tàn ông chẳng có gì giống như một sự hạ bệ ngoạn mục, mà đúng ra là mang hình thức một sự thụt lùi tiếp diễn trong thứ bậc của Đảng. Sự lo sợ bị kết tội làm L suy yếu một cách lặng lẽ. Ông biết một ngày kia ông sẽ bị hạ bệ. Cũng như hai vị thống chế H và K, ông thường say xỉn; ông còn không thè làm cho tỉnh rượu để dự những cuộc họp của Bộ Chính trị. Bây giờ đây cũng thế, ông bốc mùi rượu trắng và mùi sâm banh, nhưng cái giọng khàn khàn của ông trầm tĩnh, và hai con mắt đỏ ngầu và đầm đìa nước của ông toả một ánh nhạo báng: “Đồng chí ạ”, ông nói với N, “chúng ta đi đời rồi, O không đến”. N chẳng trả lời một tiếng. Ông ta còn không buồn rùng mình nữa. Ông giả vờ dửng dưng. Chuyện bắt O có thể chỉ là một tin đồn, L có thể nhầm, và nếu ông ta không nhầm, thì tình hình có lẽ cũng không tai hại đối với N cũng như đối với L là người có trách nhiệm về giao thông. Trong trường hợp có chỗ thiếu sót trong ngành công nghiệp nặng, trong ngành nông nghiệp, trong việc cung cấp năng lượng loại thông thường cũng như hạt nhân (và những thiếu sót thì lúc nào cũng có), trách nhiệm lúc nào cũng có thể dội sang Bộ trưởng Bộ Giao thông. Những chuyện hỏng xe dọc đường, chuyện chậm trễ, chuyện kẹt xe. Những khoảng cách là đáng kể; công tác kiểm soát thì ì ạch.

 

Bí thư Đảng D và bộ trưởng I bước vào. Bí thư Đảng mập béo, vạm vỡ và thông minh. Ông ta mặc một bộ đồ cắt theo kiểu nhà binh như A, mà ông bắt chước theo ý một số người là vì tinh thần lệ thuộc, theo ý những người khác là vì muốn nhạo báng. I tóc đỏ và người mảnh khảnh. Được bổ nhiệm làm tổng kiểm sát sau khi A lên nắm quyền, ông đã cho thấy mình là một tay láu lỉnh đặc biệt năng nổ. Chính ông ta là kẻ lấy đầu tất cả các nhà cách mạng già sau đợt tổng thanh trừng lần thứ nhất, tuy nhiên không phải là ông không mắc phải một sai lầm do vô ý. Theo yêu cầu của A, ông đã tuyên án tử hình người con rể của ông này và khi A, ngược với những gì người ta trông đợi, nhảy vào can thiệp để người con rể của mình được hưởng khoan hồng, thì anh chàng bất hạnh đã bị bắn mất tiêu rồi, lỗi nhầm lẫn không chỉ đã làm ông I mất ghế tổng kiểm sát mà, tệ hơn nữa, còn đưa ông tới quyền lực. Ông được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị, tức là được đặt vào vị trí tiện lợi nhất trong nấc thang quyền lực. Ông đã lên tới đỉnh cao là nơi người ta chỉ có thể hạ ông vì những lý do chính trị, và những lý do chính trị thì lúc nào cũng có. Về phần I, thì những lý do ấy đã có rồi. Nói thật, chẳng ai tin một cách nghiêm chỉnh là A đã muốn cứu con rể của mình. Việc hành quyết anh chàng này dù sao cũng không thể làm ông phật ý (thời điểm ấy con gái ông đã ngủ với P rồi), nhưng giờ đây ông nắm trong tay một cái cớ chính thức dành cho cái ngày mà ông có thể sẽ thích thanh toán I, và do A chưa bao giờ bỏ qua một dịp thanh toán một người nào đó, chẳng ai nghi là vị cựu tổng kiểm sát còn có một cơ may nào. I biết rõ điều này và cư xử, một cách rất ư vụng về, y như là mình không biết. Ngay trong lúc này đây ông để lộ quá rõ là ông đang cố che giấu sự nguy khốn của mình. Ông kể lại một buổi trình diễn của đoàn múa ba-lê Nhà nước với Bí thư Đảng. Cứ mỗi buổi họp, I nói về nghệ thuật biên đạo múa và tuôn ra những từ ngữ chuyên môn, những từ nhân nhiều lên gấp bội kể từ khi ông bất hạnh phải nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, mặc dù với tư cách một nhà luật học ông hoàn toàn không có khả năng. Nông nghiệp là một bộ có thể còn quỉ quyệt hơn cả bộ Giao thông: cho đến ngày nay, không ai chịu nổi nó. Về cái món nông nghiệp, Đảng chỉ có nước thất bại thôi. Nông dân là những người không giáo dục được, ích kỷ và làm biếng. Chính N cũng thế, ông ghét nông dân: không phải ghét chính con người họ, mà như một vấn đề nan giải đưa các người làm kế hoạch tới chỗ thất bại. Và bởi vì mọi thất bại quả là có thể làm ta mất mạng, N căm ghét nông dân gấp đôi và lòng căm ghét gấp đôi này còn giúp ông hiểu được cả cách cư xử của I: xin hỏi chứ ai còn muốn nhắc đến nông dân đây? Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất còn nhắc đến nông dân chính là F, bộ trưởng bộ Công nghiệp nặng, là người từng lớn lên trong một ngôi làng, từng làm giáo làng như bố của ông, từng thu thập ba mớ kiến thức văn hoá thô thiển trong một trường dạy nghề ở nông thôn, và chính ông cư xử và nói năng như một nông dân, tung ra những câu chuyện nông dân chỉ có ông là thấy thích, trích dẫn những câu tục ngữ nông dân chỉ có ông mới hiểu được. Trong khi ông luật gia có văn hoá I nhà ta, là người mỗi ngày phải chiến đấu với họ và phải bứt đầu bứt tóc trước cái ngu xuẩn của họ, thì thay vì nói về nông dân, ông thích lặp đi lặp lại những chuyện các cô diễn viên múa và làm phiền mọi người, bắt đầu là A, là người đã đặt tên ông là “cô diễn viên ba-lê của chúng ta” sau một thời gian gọi ông là “bậc thầy Thăng thiên”. Bất chấp trường hợp giảm khinh ấy, N vẫn coi thường vị cựu tổng kiểm sát, mà ông ghê tởm cái vẻ mặt nhà luật học đầy tàn nhang. Cái gã đao phủ lanh lợi ấy theo ý ông đã biến đổi hơi quá nhanh thành một tên hèn nhát nô lệ. Bù lại N ngưỡng mộ thái độ của D. Có uy thế như thế kia trong nội bộ Đảng và mặc dù là người sáng suốt về chính trị, chính “con lợn lòi” (như A vẫn gọi ông) hẳn cũng phải sợ trường hợp O không đến sẽ được xác nhận, nhưng ông không để lộ sự sợ hãi ấy. Ông vẫn cứ cố thoải mái. Ngay những lúc gặp nguy, vị bí thư Đảng vẫn thản nhiên. Lập trường của ông không vì vậy mà lung lay. Việc bắt O (nếu đây không phải chỉ là một tin đồn gây ra do ông ta không đến) có thể báo hiệu một cuộc tấn công chống lại D, bởi lẽ trong thứ bậc của Đảng, ông trên là thuộc hạ của ông dưới, nhưng cuộc tấn công cũng rất có thể chuẩn bị cho việc hạ bệ Trưởng ban Tư tưởng G, là người được coi như người bảo trợ cho cá nhân ông O. Việc thanh toán ông này (nếu như được xác định) có thể đe doạ một lúc cả D lẫn G, tự nó là điều có thể có, nhưng ít khả năng.

 

Trưởng ban Tư tưởng G vừa tức khắc bước vào phòng họp. Ông có vẻ lóng cóng, mang cặp kính không gọng, kính bám đầy bụi, và cái đầu tóc bờm xờm bạc trắng của nhà mô phạm lúc nào cũng hơi nghiêng. Ông từng là giáo viên ở một trường trung học tỉnh lẻ: A gọi ông là “cái ông sùng uống trà”. G là lý thuyết gia của Đảng. Đây là một tín đồ nhậu chừng mực, một nhà tu khổ hạnh mặc áo cổ Danton, một gã nhút nhát khô khan, ngay mùa đông cũng mang dép xăng-đan. Nếu ông bí thư Đảng là hiện thân cho sức sống, một kẻ sinh ra là đã thích hưởng thụ, một tay chuyên quyến rũ đàn bà con gái, thì mỗi quyết định của Trưởng ban Tư tưởng lúc nào cũng dựa trên lý thuyết, và không phải hiếm khi những hậu quả của nó là phi lý và đẫm máu. Hai người này bấy giờ đang đấu nhau. Thay vì bổ sung cho nhau, hai bên sử dụng nhau, giăng cho nhau những cái bẫy, tìm cách hạ lẫn nhau. Bí thư Đảng tự cho mình là nhà chuyên môn về quyền lực; Trưởng ban Tư tưởng thì tự cho mình là lý thuyết gia của Cách mạng. D muốn củng cố quyền lực bằng mọi phương tiện; G thì muốn bằng mọi phương tiện giữ cho nó trong sáng, như một con dao mổ được khử trùng bằng những bàn tay của một học thuyết gương mẫu. Con lợn lòi có những đồng minh của mình là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao B, bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục M và Bộ trưởng Bộ Giao thông L, trong khi ông sùng uống trà, phần ông ấy, thì được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp I và ông Chủ tịch nước Cộng hoà K, cũng như của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng F, là người về khoản tàn bạo thì ít khi nào để chịu thua D, nhưng lại là người, do sự ghê tởm mà một kẻ bị quyền lực ám ảnh có thể cảm thấy đối với một kẻ bị quyền lực ám ảnh khác, nằm bên phe của G, mặc dù ông cựu giáo làng kia cũng cảm nhận những mặc cảm tự ti đối với ông cựu giáo viên trung học nọ và rất có thể vẫn nuôi một mối căm thù kín đáo đối với ông kia.

 

G, thật ra mà nói, không còn chào hỏi D nữa. Ông Trưởng ban Tư tưởng, trước sự kinh hãi của N, mà đột ngột cất lời chào hỏi ông Bí thư Đảng, cái ấy nhất thiết có nghĩa là ông Tư tưởng sợ người ta nhắm vào mình do việc O biến mất, cũng như ông bí thư không thể đáp lại lời chào của ông kia cũng chỉ vì sợ chính mình cũng bị đe doạ. Thế nhưng nếu cả hai ông đều sợ, ấy có nghĩa là O đã thực sự bị bắt. Tuy nhiên, sự kiện cái chào hỏi của ông sùng uống trà thì khá thân tình, còn cái chào hỏi của con lợn lòi thì chỉ là nhã nhặn không hơn chứng tỏ rõ ràng là Trưởng ban Tư tưởng bị đe doạ hơi nhiều hơn Bí thư Đảng. N thở khoẻ hơn một chút. Mất lòng tin yêu của D hẳn sẽ làm ông rắc rối. Chính nhờ con lợn lòi đề nghị mà N đã được bầu vô Bộ Chính trị với tư cách uỷ viên có quyền biểu quyết, người ta bảo là ông ấy được ông này đích thân che chở, là lời đồn đại có thể biến thành nguy hiểm ngay cả khi nó hoàn toàn không có cơ sở bởi lẽ một là, N không hề liên kết với bất cứ một nhóm nào và hai là, về phần Trưởng ban Tư tưởng, là người nâng đỡ ông Bộ trưởng Bộ Nguyên tử, ngày hôm ấy ông vẫn tưởng là địch thủ của mình sẽ đề nghị người ông ta che chở, tức là Trưởng ban Tổ chức Thanh niên P làm ứng viên. Nhưng về phía con lợn lòi thì hắn ta đã hiểu ra là một ứng viên đứng trung lập sẽ có nhiều cơ may được bầu vào Bộ Chính trị hơn là một đồng minh của mình, hoặc một người trong đám thù địch với mình (giữa thời điểm này, con gái của A đã bỏ rơi P để qua ngủ với một nhà văn được Đảng đánh giá cao), đến nỗi D đã bỏ ứng viên đầu tiên của mình để ủng hộ N và như vậy bất ngờ tác động luôn ông sùng uống trà, bấy giờ không còn chọn lựa nào khác hơn là cùng bầu cho N. Và thứ ba, ông này chỉ là một chuyên gia trong lĩnh vực của ông ta, không nguy hiểm tí nào cho D, cũng như cho G. Về phần ông A, chắc chắn ông cho ông ấy là không nghĩa lý gì đến nỗi ông chẳng thèm cho ông ta một biệt danh.

 

Trường hợp ông N theo một cách nhìn nào đó giống trường hợp của Bộ trưởng bộ Ngoại thương E bấy giờ đi vào phòng sau G và đã lập tức ngồi xuống ghế, trong khi Trưởng ban Tư tưởng thì vẫn cứ đứng bên cạnh một ông Bí thư Đảng vui vẻ hồ hởi và thoải mái, vừa nở một nụ cười bối rối trong khi lau cặp kính tròn kiểu giáo làng của mình, vừa tiếp tục đương đầu với những chuyện xoi mói của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp về anh diễn viên ngôi sao múa. E là một người giao thiệp rộng, một người đàn ông lịch sự. Ông mặc một bộ đồ ăng-lê có cái khăn túi xếp phồng một cách lơ là và hút thuốc lá Mỹ. Không khác gì N, ông Bộ truởng Bộ Ngoại giao cũng không tìm cách vào Bộ Chính trị, ông cũng được đẩy vào đó một cách máy móc giống như ông kia do những cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ Đảng trong khi những người khác, nhiều tham vọng hơn ông, phải lao vào những cuộc đấu đá giành những địa vị hàng đầu, nói tóm là nạn nhân của chính mình, và cũng nhờ với tư cách là chuyên viên như ông kia mà ông vẫn còn sống sót sau mọi đợt thanh trừng, vả chăng cũng là lý do khiến ông nhận được, từ ông A, biệt danh “ngài Thanh xuân”. Nếu N không muốn mà vẫn trở thành nhân vật thứ mười ba của vương quyền, thì E, không phải là ít không chủ tâm hơn, đã là nhân vật thứ năm của vương quyền ấy. Đi giật lùi, ấy là chuyện không hề có. Một sai lầm nhỏ trong hành động, một lời nói bất cẩn đều có thể làm ta đi đời, dẫn tới bắt bớ, hỏi cung, xử bắn, do đó cả E lẫn N đều buộc phải hoà hợp với bất cứ ai mạnh hơn mình, hoặc có cơ mạnh ngang mình. Họ phải sáng suốt, phải biết nắm cơ hội, phải biết rụt đầu vào trong trường hợp báo động, phải biết khai thác những điểm yếu của người khác. Họ bị buộc phải làm nhiều chuyện bất xứng và nhiều trò lố lăng.

 

Và tất cả đều có lý do. Mười ba người trong Bộ Chính trị có một thứ quyền lực đồ sộ. Họ giải quyết số phận của cả vương quốc khổng lồ, tống vô số người đi đày, vào tù, vào chỗ chết, dẫm lên cuộc sống của hàng triệu con người, làm mọc ra nhiều cơ sở công nghiệp từ lòng đất, dời chỗ ở của bao gia đình, bao con người, phát sinh ra những thành phố mênh mông, tổ chức những quân đội khiếp đảm, định đoạt chiến tranh và hoà bình. Nhưng vì bản năng bảo tồn buộc họ phải dò xét lẫn nhau, những thiện cảm hay ác cảm người này có thể có đối với người kia lại có sức nặng vô hạn trong những quyết định của họ, hơn cả những xung đột chính trị và những điều kiện kinh tế làm cho họ đối đầu với nhau. Họ rất mạnh và, do đó, người này sợ người kia đến độ không ai chấp hành chính sách thuần túy. Lý lẽ cũng không làm gì được ở đây.

 

Hai ông thống chế, mà mọi người vẫn đang đợi, đến lượt mình xuất hiện: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng H và Chủ tịch nước Cộng hoà K, người nào người nấy béo phị, da vàng bủng, người cứng đơ, phết đầy huy chương, người nào người nấy già cỗi và đầy mồ hôi, bốc mùi rượu và mùi nước hoa Dunhill, hai cái bị nhét đầy mỡ, thịt, nước tiểu và sự sợ hãi. Họ ngồi cùng một lúc, người này bên cạnh người kia, không chào hỏi ai. H và K không bao giờ người này xuất hiện mà không có người kia. A, ám chỉ đến thức uống ưa chuộng của họ, từng đặt tên họ là “Gin-fizz Khan”. Thống chế K, Chủ tịch nước Cộng hoà, anh hùng thời nội chiến, bắt đầu ngủ gật. Còn thống chế H, một tay nhà binh bất tài chỉ lên đến cấp bậc này với cái giá là sự gắn bó triệt để với đường lối của Đảng, đem các vị tiền nhiệm của mình hết người này đến người khác ra kết tội là phản quốc, với ông A là người chỉ giả vờ tin ông thôi, giờ đây ông gom hết tàn lực một lần cuối trước khi vĩnh viễn chìm vào quên lãng và hét to “Đả đảo những kẻ thù nằm trong Đảng”, bằng chứng là ngay ông cũng biết vụ O bị bắt. Tuy nhiên không ai để ý đến chuyện hô hào của ông. Chỉ là vì sợ mà ông tuôn ra những câu như thế, người ta đã quen rồi. Cứ mỗi lần họp Bộ Chính trị ông đều nghĩ là mình sắp rụng tới nơi rồi; lần nào cũng như lần nào ông tự tuôn ra những lời kết tội mình và giận dữ công kích một ai đó, mà không bao giờ nói rõ là ai.

 

N nhìn chòng chọc vào Bộ trưởng Bộ Quốc phòng H lúc nào cái trán cũng lấm chấm mồ hôi. Ông cảm thấy chính trán mình cũng đang xâm xấp ướt. Ông nghĩ đến thứ rượu vang Bordeaux mà ông đang thèm, nhưng không thể đem biếu F bởi lẽ ông chưa có. Mọi chuyện bắt đầu từ việc D, người đứng đầu Đảng, thích rượu Bordeaux và chính ông, là N, ba tuần lễ trước đây ông đã thu xếp thành công để người ta đem giao một số rượu vang ấy trong dịp hội nghị quốc tế các Bộ trưởng Bộ Bưu điện ở Paris: để đổi lại, vị đồng sự người Pháp của ông sẽ nhận được thứ rượu trắng bản xứ mà ông ấy chuộng. Chẳng phải N là người duy nhất có thể chi cấp cho ông D đầy quyền lực thứ rượu Bordeaux (ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao B cũng từng làm như thế), nhưng tính hay chiều lòng của ông giờ đây cũng đưa lại hậu quả là chính ông, ông cũng đang được ông D đem biếu trở lại bởi lẽ rất giản dị là N, vì không muốn có vẻ như tính toán, đã giả bộ chính mình cũng là một kẻ ưa rượu Bordeaux cho dù thật ra ông chẳng biết thưởng thức rượu vang. Tuy nhiên khi biết là theo lời khuyên của các bác sĩ của mình, cái ông uống rượu trắng sành sỏi cấp toàn quốc là ông F, sư phụ và là sư tổ ngành công nghiệp nặng được ông A đặt tên là “tên đánh giày” chỉ lén lút uống ruợu Bordeaux vì ông ta bị tiểu đường, N đã do dự rất lâu trước khi cũng đem rượu biếu ông, bởi lẽ làm như thế là ngầm nhìn nhận đã biết về bệnh tật của ông ta. Nhưng ông tự nhủ là còn nhiều người khác, trong Bộ Chính trị, hẳn là đã biết chuyện này rồi. Chính ông cũng đã nghe đồn từ ông Trưởng ngành Mật vụ C: có vẻ như khó tin là không có ai khác đã được cho biết cái điều bí mật đó. Thế là bất chấp mọi thứ, N quyết định ban cho F thêm một thùng Château-Lafite 45. Nhận được quà, ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng tức thì đáp lễ ngay. Những món quà của tên đánh giày chẳng có tiếng tăm gì. N đã không thận trọng đem mở cái thùng đồ ngay giữa bữa ăn trong nhà. Trong ấy có một cuộn phim chiếu. N, do không biết cái gì bên trong, lại bị đánh lừa bởi cái nhãn “Những cảnh quay cuộc Cách mạng Pháp”, cho đem chiếu trong phòng riêng của ông theo yêu cầu của vợ và bốn người con của ông. Đây là một bộ phim con heo. Những món quà tương tự, N về sau cũng đã biết là những uỷ viên khác trong Bộ Chính trị gặp dịp cũng thường xuyên nhận được. Tuy nhiên bản thân N, ai cũng biết, thì chẳng thích thú gì ba chuyện tục tĩu ấy. Ông chỉ đem biếu những người khác và giả vờ tin họ thích loại phim này chỉ là để có một vũ khí chống lại họ. “Thế thì những trò con heo kia, anh thích chứ?”, ông hỏi N ngay ngày hôm sau. “Món này tôi không thích mấy, nhưng tôi biết là anh khoái mấy thứ loại này.” N không dám nói trái ý ông. Ông ta đã gửi một thùng Château-Pape-Clément 34 cho tên đánh giày để cám ơn ông này, và chính như thế đó, từng tí một, cái món đồ con heo cứ thế tích tụ ở nhà N, mặc dù những thói tò mò về tính dục của ông cũng chỉ ngang vừa phải với sức hấp dẫn của rượu vang. Và ông còn phải đi tìm những nguồn tiếp tế khác bởi vì Paris chỉ tiếp vận cho ông một năm hai lần, và như thế thì quả là liều nếu đem biếu N mấy chai rượu mà chính ông nhận từ D. Chắc hẳn, ông Bí thư Đảng và ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng đã bất hoà với nhau, nhưng lúc nào họ cũng có thể quay ngoặt trở lại được. Biết bao lần người ta thấy những kẻ thù cực kỳ khách quan là thế, mà dưới tác dụng của những lợi ích chung đột xuất, trở thành bạn thân thiết không gì tách rời được! Đối với N, chỉ còn mỗi cách là thổ lộ chuyện riêng với E, Bộ trưởng Bộ Ngoại thuong. Và đến đây mới lộ ra chính ông E cũng thế, ông cũng biếu rượu Bordeaux cho cả con lợn lòi lẫn tên đánh giày. Tuy nhiên E chứng tỏ ông ta sẵn sàng giúp N có được những quan hệ buôn bán với nước ngoài của mình, nhưng không bảo đảm một sự cung ứng liên tục. N hiểu ra rằng còn nhiều người khác cũng biếu xén ruợu Bordeaux cho D và F, và họ đều được nhận trở lại từ ông F những của vật chất nguy hại.

 

[Còn 4 kỳ]

 

------------------
“Ngày tàn của ông A” dịch từ bản tiếng Pháp “La chute d’A” của Walter Weideli, Nxb. Albin Michel, Tủ sách Les Grandes Traductions, 1975.

 

DANH SÁCH NHÂN VẬT:
B — Bộ trưởng Bộ Ngoại giao — Quan hoạn
C — Trưởng ngành Mật vụ — Cái bàn đạp
D — Bí thư Đảng — Con lợn lòi
E — Bộ trưởng Bộ Ngoại thương — Ngài Thanh xuân
F — Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng — Tên đánh giày
G — Trưởng ban Tư tưởng — Lý thuyết gia của Đảng - Ông sùng uống trà
H — Bộ trưởng Bộ Quốc phòng — Thống chế - Gin-fizz Khan trẻ
I — Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp — Cựu Tổng kiểm sát
K — Chủ tịch nước Cộng hoà — Thống chế - Gin-fizz Khan già
L — Bộ trưởng Bộ Giao thông — Tượng đài
M — Bộ trưởng Bộ Giáo dục — Nàng thơ của Đảng
N — Bộ trưởng Bộ Bưu điện
O — Bộ trưởng Bộ Nguyên tử
P — Trưởng ban Tổ chức Thanh niên

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021