thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những tiếng nói (1943) [kỳ 3]
(Diễm Châu dịch)

 

41. Trong bể nước đầy cơn khát của tôi, tôi đã uống cho tới khi dãn khát.

 

42. Có khi sự mất mát một điều khiến chúng ta khổ sở tới mức độ chúng ta không hoàn toàn mất hẳn điều ấy.

 

43. Điều tệ hại tôi đã làm, sao mà tôi đã làm tệ thế!

 

44. Những gì thanh khiết nhất có nơi chúng ta hòa lẫn với hư không, là vì sự thanh khiết của chúng không có tiếng nói và gần như không có ánh sáng.

 

45. Tình yêu không phải trọn vẹn đau đớn, không phải là trọn vẹn tình yêu.

 

46. Tôi sẽ mau chóng mất đi sự thèm khát đối với điều tôi tìm kiếm khi tìm kiếm điều tôi thèm khát.

 

47. Nếu người ta quả quyết với tôi rằng tôi đã chết hoặc tôi chưa sinh ra, có lẽ tôi sẽ không thôi nghĩ tới điều ấy.

 

48. Nếu như tôi tin rằng mặt trời không nhìn tôi đôi chút, có lẽ tôi sẽ không nhìn nó.

 

49. Đôi khi tôi nhớ rằng mình thở; và nếu như tôi thở thời cũng chỉ hơi hơi, tới mức quên mất rằng mình thở.

 

50. Kẻ tiếp nhận sư đơn độc của mình để ở lại một mình với nó, không bao giờ hoàn tất việc tiếp nhận nó.

 

51. Lên án một nhầm lẫn, một nhầm lẫn khác.

 

52. Một người là một với những kẻ khác: một mình, hắn chả là gì hết.

 

53. Tôi nói với ý nghĩ là có lẽ tôi nên im lặng. Và tôi nói.

 

54. Nếu một mũi nhọn nào đó được phóng lên để gây thương tích cho tôi, nó sẽ thấy vết thương đã có đó và không thể gây thương tích cho tôi.

 

55. Linh hồn thánh thiện không sinh ra từ một thiên đường, mà từ một địa ngục.

 

56. Ta có thể nói gì về nhân loại hiện tại? Có lẽ tôi sẽ chỉ nói rằng phố xá của nó thời rộng rãi.

 

57. Kẻ đi từ lửa tới lửa, sẽ chết vì lạnh lẽo.

 

58. Mặt trời soi sáng đêm tối, nó không biến đêm tối thành ánh sáng.

 

59. Con người thời yếu đuối và, khi tỏ ra rằng mình mạnh, còn yếu đuối hơn.

 

60. Bàn tay em đã đủ cho tôi: nó che phủ tôi trọn vẹn và nó không phải là trong suốt.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

Những tiếng nói (1943) [kỳ 1]

Những tiếng nói (1943) [kỳ 2]

 

-----------------------------------------

Ghi chú của dịch giả:

ANTONIO PORCHIA (1885-1968) là tác giả của một tác phẩm duy nhất: Voces (‘Những tiếng nói’). Viết bằng Tây-ban-ngữ và sống gần trọn đời ở Buenos Aires, Á-căn-đình, Antonio Porchia sinh tại Calabre, về cực nam nước Ý, và là con của một vị... linh mục. Sau khi rời Ý qua Á-căn-đình, ông trở thành «kiểm điểm viên» ở cảng Buenos Aires và kế đó, làm việc trong một nhà in ở thành phố này.

Voces của Antonio Porchia được môt nhóm nhỏ bằng hữu của ông xuất bản lần đầu tiên vào năm 1943 (nhà xuất bản. Impulso, Buenos Aires). Từ đấy đã được tái bản nhiều lần, mỗi lần đều được tác giả sửa chữa, thêm bớt cho đến khi ông mất. Đây là một tập sách dầy hơn một trăm trang, gồm những câu mà ta quen gọi là cách ngôn hay ngạn ngữ. Theo Jorge Luis Borges thì đây lại không phải là «những phương trình ngôn từ thuần túy» là vì «người đọc cảm thấy sự hiện diện trực tiếp của một người và định mệnh của người ấy». Borges gọi Porchia là «người bạn thân thiết của tôi mặc dù có lẽ ông không hay biết điều đó». Một nhà văn có tiếng Âu châu đã tuyên bố sẵn sàng trao toàn bộ tác phẩm của mình để đổi lấy một vài mẩu, đoạn câu ấy của Porchia...

Antonio Porchia rất say mê ngôn ngữ. Ông thường tìm cách thay đổi văn bản đầu tiên, có khi chỉ một dấu chấm hoặc một dấu phẩy hoặc một vài chữ, có khi còn «bỏ lại» không dùng một số câu trong những ấn bản kế tiếp. Những câu này, Porchia không hẳn loại bỏ mà tiếp tục sửa đổi và đọc cho bạn bè. Sau khi ông mất, Laura Cerrato (bà Roberto Juarroz) đã sưu tập các câu «bỏ lại» từ các ấn bản 1943, 1948 và in thành tập Những tiếng nói bỏ lại. Sinh thời, Porchia cũng đã tặng Roberto và Laura Juarroz một số câu. Món quà tặng này gồm 18 câu, được công bố lần đầu vào năm 1986 và mang tên là Những tiếng nói chưa in.

Theo Roberto Juarroz, một nhà thơ lớn của Á-căn-đình và cũng là người bạn thiết của Antonio Porchia, trong đời tư Porchia có yêu tha thiết một người đàn bà và sẵn sàng cưới, nhưng «để bảo toàn tính mệnh của người yêu» (bị bọn người «khai thác» nàng hăm dọa), ông đã phải hy sinh và xa rời... Người ta không được biết gì thêm về mối tình này của Porchia...

Vì tầm quan trọng của Antonio Porchia đối với thi ca Á-căn-đình, Mỹ la-tinh và thế giới, tôi đã giới thiệu với bạn đọc Việt-nam những câu trong Voces (1943) theo bản Pháp văn của Roger Caillois (nhà xuất bản. GLM, 1949) và 18 câu Porchia đã tặng Roberto và Laura Juarroz, dựa theo bản Pháp văn của Roger Munier (nhà xuất bản. Unes, 1986). Tập sách này đã được tái bản năm 1999. Tôi cũng đã dịch Voces (ấn bản 1972, với lời tựa của Jorge Luis Borges và lời bạt của Roberto Juarroz) và Những tiếng nói bỏ lại do Laura Cerrato thu thập, và ao ước sẽ có dịp công bố...

Những con số ghi ở đầu mỗi câu trong bản đăng lần này là do người dịch thêm vào cho dễ nhận.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021