thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
COMPUTER — phần 2: COLOR [kỳ 4/10]

 

Tặng c.Huyền

 

 

GYR

 

“GYR là viết tắt của ba chữ Green, Yellow, Red.”

“Chỉ đơn giản là ba chữ chỉ màu sắc thôi sao? Tôi không thể tin được là cô có thể đọc tiềm thức của tôi nhờ nó.”

“Vậy mà có thể đấy. Anh cứ xem nó như một hệ màu. Một hệ màu cơ bản cũng chỉ có ba màu vì chỉ cần ba màu thôi là đã có thể tạo nên cả một thế giới đầy màu sắc. Ở đây cũng vậy. Ba màu này tuy đơn giản nhưng nó giúp tôi vẽ lại được thế giới trong tiềm thức của anh.”

“Nhưng tại sao lại là ba màu này? Hai hệ màu cơ bản mà tôi được biết là RGB, CMYK. Ba màu này tuy cũng nằm trong hai hệ màu đó nhưng tôi vẫn thấy có gì khó hiểu ở đây... Là gì nhỉ?”

“Xem ra anh là người cũng có quan tâm về màu sắc.”

“Vì... người mà tôi yêu làm công việc thiết kế đồ họa nên tôi cũng có chút quan tâm về vấn đề này... Đúng rồi. Tôi thấy khó hiểu là nếu như qua màu sắc giúp cô có thể đọc được tiềm thức của ai đó, vậy thì tại sao cô không chọn hai hệ màu kia RGB, CMYK? Tại sao lại là một hệ màu mới? Tại sao lại là GYR?”

“Về cơ bản là như thế này. GYR là ba màu của đèn giao thông. Anh biết đấy, cùng một màu nhưng theo quan niệm của mỗi quốc gia khác nhau thì nó lại mang ý nghĩa khác nhau. Không, thậm chí là ngay trong mỗi người cũng đã khác nhau. Ví dụ khi màu đỏ đứng riêng lẻ thì có người sẽ cho nó là màu của tình yêu, người thì cho nó tượng trưng cho sự nguy hiểm, người thì màu đỏ mang ý nghĩa là tức giận..v.v..và ..v.v..Tương tự như thế với màu vàng và màu xanh lá cây khi chúng đứng riêng lẻ một mình. Thế nhưng khi ba màu này đứng chung và khi người ta nhớ ra nó là ba màu trong đèn giao thông thì tất cả ba màu này chỉ còn mang một ý nghĩa mà thôi. Nó có được sự thống nhất chung. Kể cả một đứa trẻ khi nhìn đèn giao thông cũng có thể biết: Đỏ là dừng lại. Xanh lá cây là đi. Vàng là đi chậm lại. Đèn giao thông là thứ mà gần như bất kì quốc gia nào cũng có. Vì vậy, nó đủ qui chuẩn để trở thành chìa khóa giúp tôi mở ra được tiềm thức của những người tôi gặp và giải mã những hình ảnh trừu tượng trong tiềm thức của họ.”

“Thì ra là vậy. Nhưng tại sao cô lại sắp xếp thứ tự của chúng là GYR mà không phải là RYG, RGY,GRY hay bất cứ thứ tự nào khác? Cô sắp xếp nó ngẫu nhiên hay là có sự tính toán?”

“Có ý nghĩa đấy. Những người tìm đến tôi đều là những người đang đau khổ vì mất một điều gì đó quí giá đối với họ. Họ đều có khát khao tìm lại thứ đã mất đó. Nếu anh giải mã GYR theo ý nghĩa của đèn giao thông thì nó là như thế này: một điều gì đó vừa vụt khỏi tầm tay anh (G), anh van xin nó đừng đi quá nhanh (Y), cuối cùng thì anh muốn nó trở về bên anh, anh muốn nó đứng yên để anh có thể dễ dàng tìm lại được nó (R). Là như thế đó. Chỉ với ba màu GYR thôi, nó đủ diễn tả tiến trình tâm lí nuối tiếc của một người mất mát đi điều gì đó quan trọng đối với họ. Và nhiệm vụ của tôi là giúp họ tìm lại thứ đã mất đó.”

“Tôi hiểu rồi. Ý nghĩa của nó hay thật. Không ngờ nó lại có ý nghĩa sâu xa như thế. Tôi cảm thấy không còn tuyệt vọng nữa rồi. Bây giờ thì tôi hoàn toàn tin là cô có thể giúp tôi tìm lại được người mà tôi yêu đã mất tích.”

...

Ánh mắt cô thoáng buồn. Một khoảng im lặng.

“Cô... cô sao vậy?”

“Tôi có thể giúp anh tìm được thứ mà anh đã đánh mất, kể cả là một ai đó. Nhưng, nó không đơn giản như anh nghĩ. Không phải chắc chắn lúc nào cũng thành công. Cho dù là ngay cả khi anh đã tìm được thứ mình đánh mất, nó cũng không có gì bảo đảm là sau đó anh sẽ cảm thấy hạnh phúc. Có khi, việc tìm ra thứ mất mát lại là một điều bất hạnh.”

“Không thể nào như thế được. Điều này thì tôi có thể chắc chắn. Khi cô mất một điều gì đó và rồi tìm lại được nó, cô sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Thậm chí là còn hạnh phúc hơn cả khi cô đang có nó và chưa đánh mất bao giờ.”

“Tôi biết cảm giác đó. Vì tôi đã đọc được trong tiềm thức của nhiều người điều giống như những gì anh vừa nói. Nhưng để hiểu nó một cách sâu sắc thì tôi không thể. Vì tôi chẳng có gì để đánh mất cả. Thế nên, đôi khi nhìn những khuôn mặt u buồn đến đây vì mất mát một điều gì đó, tôi lại nghĩ rằng có một điều gì đó quan trọng đối với mình để rồi mình lại đánh mất nó cũng là một thứ hạnh phúc.”

...

“A! Tôi không muốn làm anh khó xử. Anh đừng buồn cho tôi vì chính tôi cũng chưa bao giờ thấy buồn cho bản thân mình vì điều đó. Tôi chỉ biết đơn thuần làm công việc của mình hết ngày này qua tháng nọ thôi. Còn về lí do tại sao tôi lại nói việc này không phải chắc chắn lúc nào cũng thành công là vì trước khi tìm được thứ mà anh đã đánh mất, bản thân anh phải trải qua một thử thách. Nếu anh vượt qua được thì tôi mới có thể giúp anh.”

“Thử thách gì xin cô hãy nói cho tôi biết.”

“Trước khi nói cho anh biết cụ thể thử thách đó ra sao, tôi phải nói cho anh biết cái giá anh phải trả sau khi đã tìm được thứ anh đánh mất.”

“Cái giá tôi phải trả sao?”

“Đúng. Chắc anh cũng biết là mọi thứ đều có giá trị của nó. Khi anh nhận được một thứ gì đó, anh phải chấp nhận đánh mất một thứ khác. Và cái giá anh phải trả ở đây là chính cơ thể anh. Một nơi nào đó trên cơ thể anh phải mang sắc cam chói lóa. Đó là một màu cam rất buồn bã, khác hẳn với những màu cam bình thường. Khi cơ thể anh đã mang màu sắc đó, anh không thể nào tẩy rửa nó đi được.”

“Nghĩa là sao, tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm.”

“Được rồi, để tôi lấy ví dụ cho anh dễ hiểu. Trước anh, cũng đã có nhiều người đến tìm tôi. Có những người đã vượt qua thử thách thành công, cũng có những người đã thất bại. Trong những người thành công, có người mong tìm lại đôi tay lành lặn ngày nào, có người mong tìm lại được thị giác. Và khi họ tìm lại được thì một người mang đôi tay màu cam, một người có đôi mắt màu cam. Tương tự như thế với tất cả các bộ phận khác trong con người anh. Đó là với trường hợp anh mong muốn tìm lại thứ đã mất trên chính cơ thể anh. Khi anh muốn tìm một bộ phận nào đó đã đánh mất thì chính bộ phận đó khi quay về với cơ thể anh sẽ không giống như lúc trước nữa. Nó bị nhuộm màu cam. Điều này cũng giống như việc khi anh đánh mất rồi tìm lại được một thứ gì đó, thật ra thứ đó cũng đã không còn được nguyên vẹn như lúc đầu. Anh hiểu rồi chứ?”

“Tôi hiểu rồi. Như vậy có nghĩa là khi tôi tìm lại được cô ấy thì cả thân người tôi sẽ phải mang màu cam đúng không?”

“Với việc tìm lại một người khác thì phức tạp hơn. Những người đã gặp tôi chưa bao giờ tìm một người khác cả. Họ đều tìm một bộ phận nào đó trên chính cơ thể của bản thân mình. Anh là người đầu tiên tìm thứ đã đánh mất không phải trên bản thân anh. Với trường hợp của anh thì... tôi phải nói là nó rất nguy hiểm. Nếu người mà anh muốn tìm thực sự đã thuộc về anh, chữ thuộc về ở đây ý nghĩa là người đó yêu anh và điều quan trọng là phải yêu anh bằng hoặc nhiều hơn tình yêu mà anh dành cho người đó, thì sau khi tìm lại được, đúng là toàn cơ thể anh sẽ mang một màu cam. Nhưng, trường hợp ngược lại, nếu người đó không yêu anh hoặc yêu anh ít hơn tình yêu của anh thì... anh sẽ biến mất.”

...

“Anh bắt đầu hoang mang rồi phải không? Hãy suy nghĩ thật kĩ để chắc chắn xem cô ấy có yêu anh không. Hãy quyết định thật kĩ lưỡng. Nếu không, anh sẽ phải hối hận.”

“Về việc này thì tôi không cần phải suy nghĩ vì tôi đã biết chắc chắn ngay từ đầu rằng cô ấy không thuộc về tôi. Tôi không có người thân nên khi tôi biến mất, chắc chắn cũng không ảnh hưởng đến ai. Tôi cũng không có gì phải hối tiếc nếu như biến mất ngay lúc này. Chỉ là tôi đang suy nghĩ nếu cô ấy đã muốn biến mất nghĩa là cô ấy không còn muốn gặp ai nữa. Tôi nên làm theo điều cô ấy muốn hay là làm theo điều mình muốn? Cô có thể cho tôi biết trong trường hợp tôi biến mất thì trước đó, tôi còn được thấy cô ấy trong khoảng bao lâu không?”

“Có lẽ là khoảng gần một phút đấy.”

“Như vậy là tốt rồi. Ban đầu tôi lại nghĩ là có thể chỉ được một giây thôi.”

“Nhưng, có một điều tôi phải nói thật với anh rằng tất cả những người đến với tôi và tìm lại được thứ họ đã đánh mất, sau đó, không ai có được hạnh phúc cả. Họ đều phải trải qua một cuộc đời thậm chí là còn bất hạnh hơn cả trước kia... ”

“Tôi không thể hình dung được là tại sao khi tìm ra thứ mình đã đánh mất, cuộc đời người ta lại bất hạnh hơn.”

“Đó là vì như tôi đã nói với anh, những thứ mà anh tìm lại được bao giờ cũng chẳng còn vẹn nguyên như lúc đầu. Việc phải sống với một bộ phận nào đó trên cơ thể mang màu cam thật ra lại rắc rối hơn những gì anh có thể tưởng tượng rất nhiều. Tôi sẽ kể cho anh nghe câu chuyện của hai người khách hàng đã đến đây để anh hiểu rõ hơn trước khi quyết định. Thứ nhất là chuyện của một anh thanh niên yêu đàn piano nhưng vì một tai nạn, đôi tay của anh ấy không còn đàn được nữa. Thứ hai là chuyện của một cô gái mù mong tìm lại được ánh sáng. Đây là để phòng trường hợp cô ấy đã thuộc về anh nhưng anh vẫn không hay biết. Làm sao anh có thể kiểm soát trái tim của một người được? Tôi nói đúng chứ?”

 

Light Coffee

 

Hôm nay, tôi lại đến Light Coffee. Vẫn vị trí cũ. Chiếc bàn bên khung cửa kính.

Đó là một khung kính hình lục giác nằm ngay chính giữa quán. Quán không có tầng trệt. Chỉ có tầng một. Không tầng hai, tầng ba. Chỉ một tầng mà thôi. Và khung kính ấy đâm thọc từ mặt đất lên tầng một. Trong suốt.

 

Vùvù. Rócróc. Vùvù.

Cột nước bị nhốt trong khung kính rên lên như thế. Cùng với gió nhân tạo từ chiếc quạt.

 

Ngày đầu tiên đến Light Coffee, tôi đã rất thích thú khi ngồi kế bên khung kính và ngắm chuyển động của những giọt nước đọng trên cửa kính này. Cột nước trong khung kính từ dưới mặt đất bắn lên cao. Vô số khối nước nhỏ li ti chấm trên kính và rồi gió từ cánh quạt phía trên thổi nhè nhẹ như biến những khối nước ấy thành những sinh linh. Những sinh linh nước nhảy múa. Uốn éo, quằn quại. Những vũ điệu lạ lùng. Với thứ ánh sáng mờ ảo phát ra từ khung kính ấy, khi thì xanh như buổi sớm mai trong lành, khi lại đỏ rực như một buổi hoàng hôn thấm đẫm nỗi buồn, tôi đã nghĩ rằng đó thực sự là một màn trình diễn ấn tượng.

Ở Light Coffee gần như không có ánh sáng. Nguồn sáng duy nhất của quán chính là ánh sáng ấy. Thứ ánh sáng bị nhốt trong khung kính cùng với nước và gió. Tất cả thật mờ ảo. Như thế thì cái tên Dark Coffee có vẻ hợp hơn. Nhưng quả thật, mỗi lần hình dung về quán, hình ảnh đầu tiên bật lên trong tôi là ánh sáng. Không phải bóng tối. Nó không đơn giản là vì cái tên của quán đã như thế. Tôi nhận ra rằng ánh sáng trong cột nước ấy thật sự huyễn hoặc, nó khiến người ta khó quên. Và như thế, chỉ cần mỗi nguồn sáng đó, quán cũng xứng đáng mang tên là Light Coffee.

 

Có lẽ ánh sáng đẹp nhất là thứ ánh sáng được sinh ra từ bóng tối dày đặc.

 

Tôi nhìn vào đôi tay của mình. Mặc dù đã mang găng tay đen thật dày, nó vẫn còn le lói tia sáng màu cam. Màu cam ấy sáng chói nhưng sắc độ của nó vẫn khiến người ta thấy buồn. Tôi lại cẩn thận giấu đôi tay của mình vào trong chiếc áo khoác.

 

Rócróc. Vùvù. Rócróc.

Bây giờ, tôi mới nhận ra, những vũ điệu ấy là những nỗi đau triền miên bất tận của nước. Chúng thực sự là những tù nhân bị giam cầm. Không thể rơi tự do mà cũng chẳng thể thoát hơi...

 

Giọt mưa rơi

Đọng trên cửa kính

Dần tan.

 

“Có lẽ với nhiều người, bài thơ này của cậu cũng bình thường thôi. Nhưng không hiểu sao khi đọc nó, tôi cảm thấy có một chút gì đó đặc biệt. Nó cho tôi cảm giác giống như một người đang chán nản khi nhìn mưa phủ dày đặc trên khung kính đột nhiên vui tươi trở lại vì nhận ra giọt mưa ấy khi rơi tuy nhiều nhưng nếu đã đọng trên cửa thì rồi cũng sẽ sớm tan thôi. Giống như ý muốn nói cho dù hoàn cảnh hiện tại có u ám như thế nào thì mọi chuyện cũng sẽ qua đi. Xin lỗi, diễn đạt của tôi không được tốt cho lắm.”

 

Anh ấy đã viết như thế. Đó là comment đầu tiên của anh dành cho tôi mặc dù trước đó, anh đã âm thầm đọc blog tôi suốt 2 năm.

 

“Chúng ta chia tay nhau đi.”

“Vì sao?”

“Vì cậu không phải là người tinh tế.”

“Nhưng chẳng phải anh từng bảo em là người sâu sắc sao?”

“Cậu sâu sắc vì cậu nhạy cảm. Nhưng nhạy cảm không đồng nghĩa với tinh tế.”

“Có phải anh chán em vì em đã không còn thể đàn cho anh nghe được nữa?”

“Tùy cậu. Cậu muốn nghĩ như thế cũng được.”

 

Làm sao để tinh tế?

 

Câu hỏi ấy ám ảnh tôi suốt một khoảng thời gian dài. Tôi không thể quên được nó.

Có lẽ tôi mất đi sự tinh tế vì không còn đàn được nữa. Mỗi khi đàn, tôi cảm thấy như mình đang trò chuyện với những người nhạc sĩ. Và sau mỗi cuộc trò chuyện đó, tôi nhận thấy mình hiểu hơn về con người. Âm nhạc là cả một thế giới đối với tôi. Khi không còn được trực tiếp tạo ra nó, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thiếu hụt rất nhiều. Để tìm lại anh, tôi phải tìm lại âm nhạc.

 

Tôi đã đến được nơi ấy. Tôi đã gặp được chị ấy. Tôi đã vượt qua thử thách. Tôi chấp nhận đánh đổi để tìm lại đôi tay này. Đôi tay mang thứ màu cam đầy u uất. Từ khi tay tôi màu cam, không còn ai dám chạm vào tôi nữa. Dù chỉ một cái bắt tay đơn giản họ cũng không có can đảm. Họ cho rằng trong người tôi mang một thứ chất độc nào đó và họ sợ bị lây nhiễm. Tôi nhận thấy con người thật mâu thuẫn. Cho dù trong nghệ thuật, họ nâng niu những dị biệt, những sáng tạo của cái tôi cá nhân như thế nào thì ở ngoài đời, họ vẫn quen sống theo lối bầy đàn. Chỉ một sai khác nhỏ so với số đông sẽ bị cô lập ngay.

 

Tôi chỉ khác mọi người có mỗi đôi tay. Tại sao chỉ vì mỗi đôi tay mà họ không giao tiếp với tôi?

Tại sao chỉ vì đôi tay mang màu khác với họ mà cả con người tôi bị chối bỏ?

 

Có lẽ không phải là màu cam đó, đây mới chính là cái giá thực sự tôi phải trả: cảm giác bị cô lập.

Cô đơn khác với cô lập.

Tôi đã luôn cô đơn đến nỗi quen thuộc với thứ cảm giác mà nhiều người muốn tránh xa đó. Thậm chí, tôi còn có một cảm giác gần như là thoải mái khi được cô đơn. Nhưng cô lập thì không phải là một thứ cảm giác dễ chịu. Bởi vì cô đơn là thứ cảm giác tôi có thể chủ động nắm lấy nó. Nắm lấy trong sự kiêu hãnh. Và cô lập thì ngược lại. Có lẽ vấn đề chỉ nằm ở việc tôi cần phải tập kiêu hãnh khi bị cô lập. Chỉ có như thế tôi mới tiếp tục tồn tại được.

 

Tôi đàn.

Những giai điệu cứ tràn từ ngày này qua ngày kia.

Tôi đàn và đàn.

Cố gắng quên đi sự tồn tại của màu cam. Của đôi bàn tay đang sáng lóa. Của thứ màu nóng đối lập với vẻ điềm nhiên trắng đen của những phím đàn ấy.

 

“Cậu đừng đàn ở đây nữa.”

“Tại sao?”

“Vì tôi không muốn nghe cậu đàn nữa.”

“Em đàn dở hơn lúc trước sao? Em đã rất cố gắng luyện tập sau một thời gian dài không đàn được nữa...”

“Không phải. Cậu vẫn đàn hay. Tiếng đàn của cậu vẫn như lúc trước. Chỉ đơn thuần là tôi bây giờ không còn thích nghe nó nữa thôi.”

“Bắt đầu từ lúc nào mà anh...”

“Chẳng có lúc nào cả. Xin cậu về đi. Cậu phá hủy hết không gian u tối của quán tôi rồi. Nhìn kìa, đôi bàn tay của cậu cứ phát sáng như thế trông thật chướng mắt.”

 

Hôm nay, tôi lại đến Light Coffee. Vẫn vị trí cũ. Chiếc bàn bên khung cửa kính.

Và tôi biết đây sẽ lần cuối cùng.

 

[còn tiếp 6 kỳ]

 

 

------------

Đã đăng:

“Hãy nói cho tôi biết anh nghĩ gì về G,Y,R.” “G,Y,R? Xin lỗi. Tôi không có cảm nghĩ gì hết. Nó chỉ là những chữ cái thôi mà.” “Vậy thì anh hãy xem như nó là viết tắt của một chữ nào đó có nghĩa. Nếu là như thế, với anh nó có thể là chữ gì?” “Go to your room.” “Tại sao anh lại nghĩ như vậy?” “Nó đột nhiên bật lên trong đầu tôi thôi...” (...)
 
... Bạn có phải là người biết phân biệt các sắc độ của màu không? Bạn có thể cho tôi biết là tôi đúng hay sai không? Bạn chính là người đã bảo tôi: “Go to your room!” cơ mà. Tôi cứ đi mãi, đi mãi và đã tìm được căn phòng màu vàng này. Vì vậy, bạn chính là người chịu trách nhiệm xác minh cho tôi biết căn phòng này liệu có phải là căn phòng của tôi hay không. Chẳng phải sao? Trong thời gian chờ đợi câu trả lời của bạn, tôi sẽ sống thử trong căn phòng này một thời gian vậy... (...)
 
Chính giữa. Bên trái. Bên phải. Người tôi nghiêng về bên trái. Điều này tưởng như dễ nhận thấy nhưng mãi đến khi gặp ngã ba hình chữ Y, tôi mới biết được. Cũng giống như tôi đã nói với bạn, khi bạn là người phức tạp, chẳng bao giờ bạn nhận ra rằng mình đang suy nghĩ phức tạp. Ở trường hợp này cũng vậy. Sau khi ra khỏi căn phòng màu vàng đó, tôi cứ bước đi mãi trên những đường thẳng. Chúng chỉ có một lối rẽ duy nhất... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021