thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
XỨ NẮNG [chương 6-10]

 

6

 

Thỉnh thoảng nghe chồng kể về Dục Mỹ, nơi anh sinh ra và sống quãng đời ấu thời, tôi hình dung trong đầu là những nóc nhà tranh cùn cụt, xơ xác sắp trôi tuột theo cột chân cầu, mà chân cầu thì như chân người tù đói, sắp ngã qụy. Đêm đêm, màu sáng vàng của ánh hỏa châu bất chợt nổ bung, chảy dài thõng, tim vỗ thình thịch chỉ sợ chúng tắt ngúm quá nhanh. Tiếng súng tập bắn của những anh lính mới, biệt động quân, pháo binh, đì đùng đì đạch, vọng về. Những khuôn mặt ngốc nghếch bất cần đời, bất chấp tất cả, tư thế nổi loạn, coi trời bằng vung, ý niệm thời thời gian chưa hề có, sống chết là chuyện của thiên hạ. Thanh niên mười tám tuổi bất cứ ở đâu, thời đại nào đều cùng chung ý nghĩ, đều khó lòng che được chữ ngố dẫu đang tán gái, đùa chơi, hoặc sắp bước chân vào cửa tử. Tôi hình dung từng đoàn tân binh xổng chuồng ở mỗi sáng Chủ Nhật như đoàn du khách Nhật đi nghỉ hè ở Hawaii, tay chỉ chỏ, miệng cười nói, từ kiểu tóc, đến giây buộc giày đều đồng phục, chỉ khác người Nhật không trực diện chiến tranh.

Dục Mỹ ở đâu? Tôi hỏi. Gần Nha Trang. Anh trả lời. Nha Trang thì tôi định hình được đâu đó trên bản đồ. Cái xóm chứ chẳng phải thành phố. Nó mang máng như cái xóm Cầu Mới của ông Nhất Linh. Anh vừa nói, vừa đong đưa chân, như suy nghĩ của anh, của tôi. Dân tứ xứ, lỡ đường, lỡ xá, lỡ làng, lỡ dại... lỡ dở, lỡ thì, lỡ trớn... ô hợp. Họ sống quây quần, cố bám víu cái chân cầu mục rệu mà sống. Sống vật vờ, vợ lính, đi buôn... có cả người Thượng, bán buôn trao đổi, không giữ lời hứa là họ thư có nước phình bụng mà chết. Thư nghĩa là làm sao? Tôi hỏi. Làm cho người ta đau đớn, kim nhọn mẻ chai sắt đá vỏ trứng kìm búa dao kéo chất đầy trong bụng cứ mỗi ngày phình to như bà chửa quá ngày. Tôi nghe như chuyện hoang đường, kinh dị nhưng vẫn cố tin là thật.

Dục Mỹ tôi biết là qua anh, qua những câu chuyện kể. Tâm tình anh lúc ấy lơ mơ nửa dứt bỏ, nửa đau lòng. Như vết thương, tưởng lành, nhưng không. Muôn đời là mảnh da non.

Dục Mỹ, tôi không rõ, không hiểu, không thấy, không tìm kiếm, không bận tâm, không thắc mắc, không hỏi han nhiều. Nhưng sao nó vẫn cứ nằm sâu trong xó óc và góc tim tôi.

Tôi ngồi thõng chân, cố nhìn ra xa, đâm thủng mảnh tường, băng qua những gốc cây, tàn lá, trời đêm... tìm kiếm cái chân cầu gỗ mục, xác xơ, rác rưới trôi lềnh bềnh. Tuổi thơ anh bơi lội trong giòng nước đó.

Chân cầu, chìm sâu trong bóng tối, ý nghĩ của riêng tôi.

 

 

7

 

Tôi cũng là đứa ưa nghĩ ngợi. Có khi nghiêm nghị, có khi vẩn vơ. Vẩn vơ có lẽ chiếm nhiều sức lực, thì giờ của tôi hơn.

Lúc còn bé, nằm dài trên giường, trong tưng bừng ánh sáng, hoặc âm u trời đêm, ý nghĩ cứ mọc rễ bám cứng như tóc trên đầu. Cứ nghĩ quẩn. Mẹ bắt đầu quan tâm. Đừng hỏi vớ vẩn. Mẹ rầy la. Đừng có vớ vẩn nữa. Lúc đấy, giọng mẹ bực bội thật.

Tại sao cái lá màu xanh mà không là màu tím? Tại sao con Phượng mẹ nó bắt mỗi sáng phải đi nhà thờ đến độ băng qua đường bị xe nhà binh cán lòi ruột? Tại sao ông Đệ chết mắt nhắm như ngủ? Tại sao bà ngoại hay thở dài? ... Tôi chưa âu lo tới ý nghĩa cuộc đời là gì? Tại sao phải sống? Chết rồi đi đâu? Phải chăng chỉ có chết là chắc chắn? Hoặc than trách, sống sao mà khổ thế này? Cuộc đời có ý nghĩa gì không? Ta là ai? là gì? Đó là câu hỏi cho mình, về sau.

Tưởng rằng sẽ theo đuổi ngành triết, nhưng sau hai lớp, tôi chuyển ngành. ‘Triết học’ rơi rớt lại trong tôi là, suốt mấy năm đại học, tôi yêu tha thiết ông thầy dạy triết, nhưng ông hoàn toàn không hề hay biết, đồng thời khám phá ra rằng, triết chẳng vớ vẩn như mẹ tôi thường nói, trái lại, nó lý lẽ, hệ thống, rõ ràng như 2+3=5. Nó giúp tôi phán đoán, phân biệt, và so sánh.

Cũng như bạn bè quanh tôi ngày ấy, loay hoay điệu đà lục lọi, moi móc cho ra ý nghĩa sự sống, thân phận con người, cá nhân tranh dành ảnh hưởng. Bắc cầu qua lãnh thổ văn chương, lần mò đi theo con đường những người cùng thời, đi trước, hoặc đã khuất. Lãng mạn nghĩ mỗi cuốn sách là một kiếp nhân sinh và là một ngôi mộ. Chúng giúp tôi lặn sâu hơn và hít mạnh hơn, tự tin hơn và độc lập hơn. Tôi tập quan sát, lựa chọn, suy nghĩ đưa tới tự do và ý thức trách nhiệm. Những phức tạp, đối nghịch, thử thách tưởng rằng sẽ vượt qua được hết. Tôi nhìn, ngó, ngắm, thọc sâu vào tình cảm của mình. Tôi cố rán sức đi xa hơn một chút, tách mình ra một chút, làm thân phận đàn bà, mẹ tôi, dì tôi, bà tôi, chị tôi, bạn gái tôi, và những người đàn bà tôi thành tâm ngưỡng mộ.

Nhưng tất cả chỉ là ý nghĩ nằm trong đầu, chưa bước qua ranh giới thực tế. Ngày đó, tôi chỉ là con bé no tròn thể xác.

Tôi mở mắt lắng tai, dáo dác tìm hiểu và ý kiến.

Giá trị của người đàn bà, ngoài cặp vú với cái lỗ sâu, kinh nguyệt hàng tháng?

Sự đóng góp

Những ước mộng.

Phải chăng tôi đang tìm kiếm, đang sống, đang khát khao?

Tôi như đứa bé tò mò tìm tòi cái gì đó người lớn dấu cất, không đưa... nhưng biết thuộc về tôi, thì Đức xuất hiện, giúp tôi một tay, khám phá mạnh dạn hơn.

~~~~~~

Hai biến cố tôi rút tỉa ra được sau bao đêm ngày vật lộn với những ‘vẩn vơ’ là, thứ nhất, người bạn gái rất thân của tôi đêm trước sinh nhật mười chín treo cổ tự tử, không để lại một lời giải thích. Và thứ hai, tôi tự tay bứt sợi giây ruột thịt nối liền xác thân bao nhiêu năm trên đời, quyết định về ở với anh.

 

 

8

 

Thằng con trai hay gã đàn ông? Sao tôi lại lẩm cẩm như bà cố nội tôi, thiếu nữ đồng trinh hay thất trinh thế này? Thôi cứ gọi là hắn vậy. Hắn là em kế chồng tôi, tên Trinh.

Hai đứa tôi ngồi trên ghế nhựa trẻ con. Ở Mỹ, tôi cũng đã mua ở K-Mart năm cái ghế nhựa thế này cho Sa con sinh nhật năm tuổi với năm màu khác nhau cho năm đứa bạn của nó và đã được năm năm.

Lúc này, dưới chân tôi là đất-cát-đá-sỏi và rác rưởi lụn vụn li ti, lộm cộm, vướng víu. Nhìn xuống chân, đôi dép cao su mềm nhũn ở góc đế phải, bị riềng xe máy ngoạm cách đây mấy hôm. Sáng mai ra chợ mua đôi khác. Tôi nhủ thầm, nhận ra màu sắc móng chân mình sao kỳ lạ, ban ngày đỏ rực màu cưới hỏi, ban đêm đèn đường Dục Mỹ biến thành máu bầm, màu ngày cuối kinh nguyệt.

Tuột chân ra khỏi dép, tôi chà mạnh lên đất, trò chơi tuổi nhỏ. Múc thìa chè, ngậm, nhơn nhớt, lợn cợn, mặn mà như nước mũi, đọng trên lưỡi. Múc lên, đổ xuống, múc lên, đổ xuống... nghĩ thầm chẳng khác tinh khí đàn ông, như chất đờm vàng nghẹn ngang cuống họng, như nước mũi xanh thò lò thụt vô thụt ra của đứa bé nấp sau cánh cửa tôi bắt gặp buổi chiều lúc xe rẽ vào ngõ. Tôi thấy đứa bé chính là tôi của hơn hai mươi năm trước. Thìa chè múc lên-đổ xuống, đổ xuống-múc lên tựa huyết trắng ở một buổi sáng thức dậy, ọc, chỉ mình biết, đáy quần lót nhơn nhớt, dậy mùi.

Nhìn nghiêng gã mặt con trai, trong bóng tối, có cái gì trên khuôn mặt hắn lợn cợn như ly chè bóp chặt trong tay.

Nghĩ đến Đức, giờ này anh đang làm gì?

Tôi muốn đến xem căn nhà cũ ngày trước anh Đức ở, được không? Tôi hỏi.

Trời tối rồi, sáng mai em đưa chị đến xem. Giờ chỉ còn cái sân xi măng, và cái giếng cạn. Tất cả đã cháy rụi. Trinh nói.

 

 

9

 

Tôi choàng thức, trạng thái mơ màng, nửa tỉnh, nửa mê.

Tiếng thét gào. Rú từng cơn. Của ai?

Con vật? Con người?

... tiếng heo, eng éc, không phải bị lùa vào chuồng, chúc mỏ tranh miếng ăn. Nó là tiếng rú gào, van xin sự sống.

.....

Sáng sớm tinh mơ ngày đầu, nơi giam giữ ấu thời chồng tôi. Tiếng heo... không rên rỉ, mà là thét gào, âm thanh xé toang óc, đập dập tim tôi.

Người tôi quằn theo tiếng kêu trời, của heo.

.....

Tiếng gào thét nhỏ dần... thưa dần... nhỏ dần... thưa dần... nhỏ dần... thưa dần...

Rồi im bặt.

.....

Người ta giết heo, mổ thịt con heo, thì có gì lạ?

Giết heo, xẻ thịt, thức ăn nuôi sống con người bao ngàn năm như thế, tại sao tôi phải quằn người?

Lại thêm một tràng thét gào của con heo khác. Từng cơn, từng con thay phiên lên bàn mổ.

Rồi lại nhỏ dần, thưa dần. Im bặt.

.....

Tiếng bánh xe nghiền nát mặt lộ chính át tiếng van xin. Tưởng chừng xe đang tuột dốc, đứt dây thắng, nhào đổ, vực sâu không đáy, tan xương nát thịt, mũi-mắt-mồm cùng căng. Trong đám hành khách có khuôn mặt tôi mười tuổi. Tóc cắt ngang tai, chới với ôm vồ lấy khoảng không mông mênh. Mắt không nhìn thấy được chiều sâu. Tôi rơi, rớt trong khoảng không vô tận.

.....

Một góc nhỏ trên đất nước một năm chỉ hai mùa ráo ướt. Vùng nhiệt đơi, tên gọi rất đỗi lãng mạn, thơ mộng, gợi cảm, đầy khiêu khích và rất lạ kỳ. Nằm trên cái ghế bố made in USA sót lại thời Mỹ hiện hữu nơi đây. Đắp vá chằng chịt. Nước trong tôi tuôn trào xối xả như thác.

.....

Cái ghế bố Mỹ đắp vá chằng chịt nương nhẹ thân tôi.

.....

Huyết heo ộc ra từ cổ theo vết dao thọc. Máu từ cửa mình tôi ộc ra. Thắt chặt co giật. Từng cơn. Xếp lớp, như hoa trên bức tranh Georgia O’Keeffe. Những dãy đồi đỏ rực màu lựu mùa hè. Xương sọ, đầu lâu bạc màu nắng gió. Kinh hoàng. Mạnh mẽ. Khủng khiếp. Dứt khoát như mái tóc người đàn bà tóm gọn đằng sau ót. Hoa lan, hoa quỳnh khép nở, hương đêm. Huyết heo đỏ au. Tô bún bò Huế bốc khói, hai miếng huyết heo vuông vức thẫm màu mướt mịn, lềnh bềnh trôi trên mặt tô bốc khói cay nồng. Nhai không kỹ, huyết heo bám cứng kẻ răng, phải dùng tăm quẹt, móc, xỉa điệu nghệ như Trinh sau mỗi bữa ăn. Chồng tôi ở Mỹ, tân kỳ tiến bộ hơn, dùng dây floss tẩm mùi bạc hà, rành rọt đến độ chẳng cần soi gương.

Một chậu huyết heo tươi rói. Máu chết.

Một bịch băng vệ sinh. Máu sống.

Người tôi lại cứng đơ. Mặt ghế bố vải Mỹ cứng đơ. Đã có thằng lính Mỹ, Quốc Gia, Việt Cộng nào chết, hấp hối, mộng mơ, xuất tinh trên cái ghế bố vá đắp chằng chịt tôi đang nằm này không?

 

 

10

 

Hai cây súng nhựa dài màu tro treo châu nòng vào nhau. Bên trên là đầu con dê thật, hai cái sừng khô cong cứng như cành cây tróc lá cuối đông. Miệng nó ngậm nhưng răng vẫn trào ra ngoài. Hai con mắt trợn ngược, thứ mắt chết.

Tóc nó còn sống không nhỉ? và cả da nó nữa? Mắt của những con heo bị thọc chắc cũng trợn ngược như thế. Những con mắt van xin sự sống. Oan ức, bức tử.

Có ai vuốt mắt cho chúng không?

Tôi nằm vật lại trên giường. Tiếng heo tru vọng trỗi dậy trong tôi.

.....

Tôi nằm như thế. Ý nghĩ nhấp nhô như mặt biển ngày có giông.

Mặt chữ di động trên những tờ báo, Nhân Dân, Phụ Nữ Mới, Thanh Niên, Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong... Mua cả xấp mà chỉ đọc mấy cái tít, vài dòng, lướt nhanh. Chịu, không thể nắm bắt được. Hoàn toàn lạc lối, lạc loài, xa lạ với những tên tuổi, đề tài, nội dung, địa danh.

Nhạc Hà Nội đang được mùa. Mỹ Linh tròn trĩnh. Hồng Nhung răng khểnh, nếu ở Mỹ đã phải niền từ năm lên mười. Thanh Lam nét mặt đàn bà Trung Đông. Hình ba cô ca sĩ cứ đập vào mắt, tai tôi. Hồng Nhung, Bống bồng ơi! Mỹ Linh, Phù Vân Yên Tử ơi! Thanh Lam hú theo nhạc Jazz... Tại sao cả ba cô này lại đột ngột xuất hiện trong tôi cùng một lúc thế này?

Thêm một cái bóng nữa vừa băng qua bên ngoài cửa sổ, lần này kèm theo âm thanh lọc cọc lọc cọc lọc cọc. Ồ! thằng út.

Tôi bật dậy, chạm thẳng mặt là người đàn bà ngồi ở góc xó. Bà đang ôm đầu hay ôm thân? Tôi lại ngã lưng xuống ghế bố Mỹ. Mấy giờ rồi? Mặt trời đã ngoi mặt hẳn chưa? Tôi và mặt trời cùng cố ngoi. Tiếng xương sống đánh thức xa lạ. Xa lạ như hơn hai mươi năm trước. Kẻ lạ trên đất lạ. Cả gia đình tôi ngày đầu trên đất Mỹ, đứng xếp hàng dọc, đợi bà bảo trợ giúp điền đơn xin trợ cấp xã hội, bà không thể nắm bắt được... nên kê khai lẫn lộn tên họ ngày tháng năm sanh.

.....

Người đàn bà ngồi ôm thân mình. Người đàn bà không đầu. Ngồi chồm hổm, tựa con khỉ già, kiệt sức, quắt queo, cách tôi một cái vói tay.

Người đàn bà không đầu kia là mẹ của thằng con chết ngày đầu nhập ngũ, thằng con một buổi sáng bỏ nhà đi biệt, thằng con giờ là chồng tôi, thằng con mặt vá, thằng con liệt chân.

Cùng muôn vàn bí ẩn.

 

(còn tiếp)

 

Đã đăng:

XỨ NẮNG [chương 1-5]

 

____________________________________________
Lê Thị Thấm Vân, Xứ Nắng (California: Anh Thư, 2000)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021