thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Đụ” như là lịch sử

 

Để viết bài này tôi đã tham khảo ý kiến nhiều người về phương ngữ các vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, đặc biệt là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Lý Đợi và nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Xin trân trọng cám ơn các bạn.
Nguyễn Hoàng Văn

 

Lần đầu nghe mấy anh lính trẻ Bắc kỳ thắng trận nhưng lố ngố “địt mẹ” vang đường phố, tôi chẳng hề bận lòng để ý cho dù nghe có khác lạ. “Địt” hay “đụ”, ví thử là hai động từ khác nhau, tiếng chửi thề nào cũng như tiếng chửi thề nào, bởi sau cái công năng giải toả những ẩn ức dồn nén để trở nên quen miệng thì, ác lắm, cả hai cũng chỉ được ném ra với cùng mục đích là dìm nhau, hạ thấp phẩm giá của nhau. Phải đợi gần hai thập niên sau, chứng kiến nhóm ngư dân Hải Phòng ôm bụng cười ngặt nghẽo trước cảnh mấy thanh niên gốc Huế đùa nhau cái sự “địt thúi” trong một trại tỵ nạn ở Hồng Kông, tôi mới thực sự quan tâm đến ý nghĩa của cách biệt Bắc-Nam trong cái động từ diễn tả động tác thuộc về bản năng nguyên thuỷ này.

Dĩ nhiên là ngày nay, sau những đợt di dân theo tiến trình đổi mới kinh tế, người của hai miền đã hiểu nhau hơn, nhưng vấn đề là, từ đầu, tại sao lại có một cách biệt như thế? Mà, cơ hồ, chia cắt “đụ/địt” này còn là một chia cắt “siêu lịch sử” khi có thể vượt qua những chia cắt từng tạo nên những thay đổi lớn lao nhất trong diện mạo đất nước của thế kỷ qua, thậm chí của cả thiên niên kỷ qua. Vượt qua sông Bến Hải, người Quảng Bình cũng “đụ” như người Quảng Trị đã đành. Vượt qua sông Gianh, vượt cả dãy Hoành Sơn “nhất đái”, người Nghệ - Tĩnh cũng “đụ” như những người Việt từ Quảng Bình hay người Cà Mau đang “đụ”. Chia cắt “đụ/địt”, như thế, là một chia cắt cực kỳ... dân tộc tự quyết và cực kỳ dân chủ. Nó vượt qua sự can thiệp của thực dân và đế quốc theo một hiệp ước quốc tế. Nó vượt qua những quyền lực lịch sử đã dai dẳng chia cắt đất nước, suốt mấy trăm năm.

Nhưng sự thể xem ra còn phức tạp hơn nhiều. Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm mang quân bản bộ cùng những lưu dân đầu tiên vào lập trại tại Quảng Trị để rồi trở thành Chúa Tiên và mở ra cái biên giới chính trị Bắc-Nam nguyên thuỷ, thì chia cắt “đụ/địt” vẫn còn là một tương lai thực xa. Mãi tới một thế kỷ sau, như Alexandre de Rhodes ghi nhận trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum xuất bản năm 1651, thì người Việt cũng chỉ “đéo” và “đụ” chứ chưa “địt”. Hai thế kỷ tiếp theo sau nữa, như A. J. Taberd ghi nhận trong Dictionarium Annamitico-Latinum xuất bản năm 1838 thì họ vẫn chưa “địt”, có chăng thì họ cũng chỉ “địt” như là những thế hệ hôm nay từ Nghệ An vào tới Cà Mau đang “địt” [đánh rắm]. Một cách chính thức, “địt” chỉ được Hội Khai Trí Tiến Đức phong cho tước... “đụ” trong Việt Nam Tự Điển xuất bản ở Hà Nội năm 1931, nhưng dẫu sao đấy cũng chỉ là một ý nghĩa thứ cấp, ý nghĩa thứ hai, sau cái nghĩa ban đầu của “rắm” hay, có khi, còn viết là “rấm”. Hai mươi năm sau nữa khi, Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị ra mắt tại Sài Gòn, “địt” này vẫn là một thứ nghĩa phụ với lời chú giải: “Đánh rấm, có nơi dùng theo nghĩa là giao cấu. Coiter.”[1]

Thì ra chính cái miền đất “khai nguyên” đã bỏ rơi tiếng “đụ” khai nguyên. Và thì ra, cùng với cư dân Nghệ-Tĩnh, khi dắt dìu nhau vào lập nghiệp ở Đàng Trong, những thế hệ lưu dân đã chắt chiu gìn giữ cái tiếng “đụ” mang theo, trong khi hậu thân của kẻ ở lại, tính từ Thanh Hoá trở ra, thì đổi thay, lang chạ. Sự thể nghe ra có cái gì đó hao hao như cái giọng “Hà Nội chuẩn” hôm nay mà, đó đây, có người than thở là lai tạp quá nhiều: giọng ấy, có tìm, hoạ may, chỉ tìm trong những viện dưỡng lão ở Paris mà những thế hệ từng sụt sùi thương khóc Tố Tâm mang sang và chắt chiu gìn giữ. “Bản sắc quê hương”đã không còn nguyên vẹn ngay tại cội rễ của quê hương. Và cái gì đã đưa đẩy đến sự thể này?

Trước hết là những ý nghĩa lịch sử. Một chia cắt tưởng là thông tục đến vậy mà cũng có thể gán ghép cho một ý nghĩa địa lý – chính trị cao cả và bi thiết khó mà ngờ tới được. Cái vùng đất có một ý nghĩa lịch sử đặc biệt, mang tính “bản lề” hơn hẳn vùng đất nào khác của nước Việt lại là cái bản lề trong chia cắt “đụ/địt” ở cái miệng và cái lưỡi của người Việt. Từng là biên ải của nước Việt cổ, Nghệ - Tĩnh, hay Châu Hoan của một thời, đã liên miên đảm nhận vai trò hậu cứ của những cuộc kháng chiến chống thực dân, từ thực dân cổ điển phương Bắc cho đến thực dân hiện đại phương Tây. Và, như là cái bản lề của hành trình Nam tiến, mảnh đất này không chỉ là là nơi lưu giữ cái cuống rốn chưa lìa của những thế hệ lưu dân từng khai mở nên một nửa nước Việt Nam hôm nay, mà còn là hình ảnh cuối cùng về quê hương mà họ đau đáu mang theo.[2]

Thế nhưng cái chính vẫn là những giá trị biểu âm. Tiếng Việt có tính cụ tượng và khi chúng ta cất tiếng diễn tả một động tác nào đó thì, cơ hồ, tự thân cái sự phát âm này lại là bản thiết kế của chính cái động tác đó. Khi chúng ta nói “nuốt” thì cái miệng của chúng ta lại thực hiện một động tác như là đang nuốt. Khi chúng ta nói “nhai”, “nhả”, “ngậm”, “cười” thì cái miệng ấy lại lần lượt thực hiện những bản thiết kế cơ học cho cái sự “nhai”, “nhả”, “ngậm”, “cười”. Nhưng quan hệ tính giao không đơn giản là những động tác lập đi lập lại như là “nhai”, “nhả”, “ngậm”, “cười” mà là một chuỗi dài những động tác kế tục nhau, với những nhịp độ và cường độ khác nhau, trong những cảm xúc và trạng thái tâm lý khác nhau. Khi nó phức tạp đến mức hình thành những “pha” nóng nguội khác nhau như thế thì ai để có thể thâu tóm tất cả vào mỗi một bản thiết kế độc âm?

“Đụ” và “địt”, với lẽ đó, có phải là hai chọn lựa hướng về hai pha khác nhau của hành động tính giao?

Rất có thể như thế lắm. Cứ thử so sánh câu ca dao bông đùa với tâm trạng của bà mẹ cô dâu trong ngày cưới tại Quảng Nam:

Bà con ăn bánh ăn xôi
Con tôi bị đụ, trời ơi là trời[3]

với “bản thế vì” của nó, đâu đó trên vùng châu thổ sông Hồng:

Bà con xơi bánh xơi xôi
Con tôi bị địt, giời ơi là giời

thì, dù biết là vờ, cái lời than “trời ơi - bị đụ” trong câu ca dao giọng Quảng nghe ra vẫn thảm thiết, vẫn đau đớn hơn là cái sự “giời ơi - bị địt”. Nếu “đụ”, như một âm thanh, gợi nên ấn tượng về một hội tụ và ép vào thì “địt” mang âm hưởng của sự giải phóng, xịt ra. Khi chúng ta nói “đụ” thì toàn bộ làn hơi tụ lại ngay trong khoang miệng, cơ hồ không thể thoát khỏi mấy kẽ răng. Nhưng khi chúng ta mở miệng “địt” thì, dù thanh âm có bị phụ âm “t” chặn lại, luồng hơi vẫn phóng thẳng ra ngoài qua làn môi mở khép, đủ nhỏ để tạo một luồng hơi mạnh, đủ mạnh để gây nên cảm giác về sức ngân của một chấn động nối dài. “Đụ” tạo nên cái ấn tượng về một sự khai cuộc có thể ồn ào dữ dội ban đầu những rồi tắt lịm ngay sau cái giây phút ban đầu. “Địt” gây ra cái cảm tưởng về khoảng khắc phóng ra sau một thời gian dồn nén trong câm lặng và, do đó, trở nên “cụ tượng” hơn với pha cuối của hành động tính giao, cái thời điểm mà khoái lạc nhục dục nổi lên theo quá trình sinh lý mang tên “xuất tinh”. “Đụ” là chiếm hữu ngay trước mắt, không cần biết về sau thế nào. “Địt” là hưởng thụ trong phần cái hậu chứ không nhất thiết phải ồn ào lớn chuyện ban đầu. “Đụ” phang ngang, thấy đã là làm, vô tư theo bản năng. “Địt” từ tốn nhưng có hậu, đã làm thì phải đã, phải hiệu quả chắc ăn của bản năng pha trộn lý trí.

“Đụ”, nói theo Nguyễn Văn Xuân trong Khi những lưu dân trở lại, là ngôn ngữ của “hành động”. Và “địt”, do đó, lại là ngôn ngữ của sự đầu tư tính toán để nhắm tới cứu cánh.[4]

Đầu tư tính toán để nhắm tới cứu cánh thì có nghĩa là... chính trị, một thứ politics của khoái lạc xác thịt. Mà chính trị của khoái lạc nhục thể này, xem ra, cũng có quan hệ gì đó với chính trị cổ điển, thứ chính trị của khoái lạc quyền lực.

Thật vậy. Cái thời mà Hội Khai Trí Tiến Đức... khai trí cho người Việt rằng “địt” cũng bao hàm luôn nghĩa “đụ” lại là cái thời của những phân hoá gay gắt trong thái độ yêu nước của người Việt khi cuộc cách mạng giải thực bị phân hoá thành một thứ chính trị giải thực. Kể từ đầu thế kỷ 20, sau những thất bại của phong trào Cần Vương, các thế hệ thời ấy mới nhận ra rằng họ không thể nào đánh đuổi thực dân bằng lòng yêu nước hồn nhiên mà phải học hỏi thêm. Nhập cảng, vay mượn các thứ lý thuyết chính trị đối nghịch, họ cạnh tranh với nhau cả trong việc đánh đuổi thực dân và hậu quả là cuộc vận động giải thực bị biến thể thành một thứ “thị trường giải thực”. Thị trường ngụ ý sự tìm kiếm lợi nhuận, và lợi nhuận cao nhất ở đây là chính quyền. Thị trường ngụ ý sự đầu tư, và lợi nhuận cao nhất ấy, hẳn nhiên, phải thuộc về nhà đầu tư nhìn xa trông rộng nhất, những kẻ mà ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thứ nhất đã biết đầu tư cho đoạn cuối của cuộc chiến thứ hai, thậm chí thứ ba; những kẻ mà ngay từ lúc bắt tay liên minh đã tính toán sẵn một chiến lược lớp lang bài bản cho cái ngày đồng minh mới bắt tay này trở thành đối thủ.

Khỏi phải nhắc đến xung đột giữa các phe nhóm đối kháng nhau như quốc gia với cộng sản hay Đệ Tứ với Đệ Tam, chỉ trong nội bộ Đệ Tam với nhau thôi đã có thể thấy rõ cái tương quan thua thắng theo hướng “Nam/Bắc–đụ/địt” này rồi. Như trường hợp của Trần Văn Giàu, chẳng hạn. Được đào tạo bài bản theo đường lối Stalinist tại Nga, từng xem lãnh tụ Hồ Chí Minh không ra gì, thế nhưng thành tích cao nhất trong đời cách mạng của họ Trần là được hệ thống chính trị trao cái huân chương mang tên lãnh tụ từng bị ông ta xem là không ra gì, và trao cho cái công trình diễn dịch quá khứ ở đó kẻ từng bị ông ta xem không ra gì đóng vai trò một lãnh tụ sáng suốt và cao cả.[5] Cái khác trong đường lối cách mạng của kẻ được trao huân chương và kẻ được đứng tên cho huân chương cho kẻ khác hãnh diện đeo, xét cho cùng, cũng là cái khác giữa “đụ” và “địt”. Như cuộc nổi dậy dưới sắc cờ búa liềm tại Nam bộ năm 1941 chẳng hạn. Khi ông Bí thư xứ uỷ họ Trần quyết định phát động cuộc nổi dậy trên toàn miền vào lúc mà các đồng chí trên đất Bắc cho là chưa chín muồi, tìm đủ cách để ngăn chặn mà không kịp thì, rõ ràng là, ông ta cùng những nhân vật cộng sản Nam bộ khác đã làm chính trị theo lối “đụ”, cái kiểu “thấy đã, là làm”.[6] Kết cuộc là sau đó cái xứ uỷ của ông ta, trong một hình thức mở rộng hơn, với một cái tên mới, phải đặt dưới sự kiểm soát của một phái viên trung ương cùng những cộng sự viên khét tiếng là làm chính trị theo lối “địt”.[7] Và kết cuộc là ông ta, cùng các đồng chí Nam bộ đầu đàn của một thời, đành phải ôm cái tâm sự bất mãn cho tới cuối đời.[8]

“Địt” hay “đụ”, như là chọn lựa đầu cuối trong chuỗi dài những động tác tính giao, chính là hai nguyên tắc khoái lạc. Mà theo Sigmund Freud thì chính những nguyên tắc này đã chi phối tiến trình hình thành nhân cách của chúng ta. Và “địt”, như là “rắm” trong ý nghĩa nguyên thuỷ, đã cùng, trong quan niệm dân gian, với “ăn”, “ngủ” và... đụ” họp thành “tứ khoái”. Trong ý nghĩa nguyên thuỷ thì “địt” chính là một thứ khoái lạc của hậu môn. Mà theo Freud thì, có lúc, trong thời kỳ tiền sinh dục có tính hướng nội, nguyên tắc khoái lạc của chúng ta chỉ xoay quanh cái vị trí bài tiết này.[9]

Theo Freud thì tính từ lúc mới chào đời cho đến năm năm tuổi, từng bước và từng bước, nhân cách của chúng ta hình thành khi tìm thấy lạc thú trong cái miệng, trong cái hậu môn rồi mới tới bộ phận sinh dục. Thoạt đầu, như những trẻ sơ sinh, chúng ta chỉ biết có khoái lạc ở trong miệng và tìm kiếm khoái lạc này trong bầu vú của mẹ hay trong những vật dụng có thể nhét vào miệng. Sau cái miệng thì chúng ta lại hướng đến lạc thú trong những hoạt động của hậu môn rồi dần dà hướng tới bộ phận sinh dục, dần dà nảy sinh ra tình cảm lãng mạn với bố hoặc mẹ (Oedipus complex). Chỉ đến giai đoạn thứ tư, bắt đầu với tuổi dậy thì, những thôi thúc của dục vọng mới hướng chúng ta đến những đối tượng bên ngoài, khiến chúng ta hao phí năng lượng vào những hành trạng hướng ngoại, từ chuyện đi học đi chơi, chuyện đua đòi thời trang và, dĩ nhiên, cả những “âm mưu” để có cơ hội quan hệ thân xác với người khác giới. Khó mà đem những lý thuyết của Freud ra áp dụng vào chia cắt “đụ/địt” này nhưng dẫu sao cũng có những trùng hợp khá là thú vị. Khi bắt chữ “địt” phải gánh vác nghĩa của chữ “đụ” thì, phải chăng, chúng ta đã lội ngược lại cái hành trình hình thành nhân cách? Và khi chúng ta bắt những khoái lạc mang tính hướng ngoại tại bộ phận sinh dục phải mang danh của khoái lạc hướng nội tại hậu môn thì, phải chăng, chúng ta đã chỉ biết có mình và, do đó, trở nên thận trọng hơn, cơ mưu hơn?

“Đụ”, nói như thế, có tính hướng ngoại. Và nếu như thế thì “địt”, hẳn nhiên, phải ngược lại, thiên về tính hướng nội.

“Đụ” hay “địt”, trên khía cạnh ngôn ngữ, là hai tiếng nói tự nhiên.[10] Theo Michel Foucault thì, trong lịch sử của mình, ngôn ngữ tự nhiên đã không ngớt tạo nên tình trạng lẫn lộn và méo mó khiến chúng ta phải loại trừ bằng những biện pháp quy chuẩn hoá.[11] Chính cái sự lẫn lộn ngôn ngữ giữa thứ khoái lạc ở cơ quan sinh dục lẫn cơ quan bài tiết trong tiếng “địt” đã khiến hội Khai Trí Tiến Đức phải vào cuộc. Và, phải chăng, khi bắt tay vào việc quy chuẩn cái nghĩa “đụ” của chữ “địt”, chính cái hội này góp phần vào việc loại bỏ cái sự “lẫn lộn” và “méo mó” trong những nguyên tắc khoái lạc đã góp phần hình thành tính cách của con người trên một vùng đất?

Tính cách chung của một vùng có nghĩa là văn hoá của vùng đất đó. Văn hoá không hề sinh ra mà được tạo nên. Và nếu văn hoá hằn sâu dấu ấn từ những chuyển động trong môi trường nhân văn và tự nhiên, thì sự chuyển hoá từ “đụ” sang “địt” luôn luôn ngụ ý một sự chuyển hoá từ “văn hoá đụ” sang “văn hoá địt. Nếu “đụ” là một tiếng nói tự nhiên thì, khi cái tiếng nói này vẫn tiếp tục là... tự nhiên của những thế hệ lưu dân trên vùng đất phương Nam thoải mái cùng với đất Nghệ - Tĩnh có tiếng là bất khuất, kiên cường. Khi “đụ” không còn tiếp tục cái sự tự nhiên trên vùng đất Bắc người đông/khôn - của khó, thì “văn hoá địt”, với cách làm chính trị chắc thắng, với nguyên tắc hành động “đã làm, phải đã”, đã vươn đến vị trí chính thống. Khi Nguyễn Hoàng hùng cứ tại Đàng Trong thì “địt” vẫn chưa được ghi nhận là hành động tính giao, nhưng có lẽ cái “văn hoá địt” ấy đã manh nha rồi. Hãy nhớ tới những vần thơ yếm thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm, như là bậc thầy từng vấn kế cho Nguyễn Hoàng, cùng học trò là Phùng Khắc Khoan. Trong tác phẩm của họ thì xã hội Đàng Ngoài thời ấy, với trung tâm quyền lực là Thăng Long, là một thê giơi nguy hiêm, một thế giới tranh tối tranh sáng với những cơ mưu ẩn hiện, nuôi dưỡng từ những tham vọng vật chất và quyền lực. Như thế thì, trước khi hội Khai Trí Tiến Đức bắt tay vào việc loại bỏ sự lẫn lộn và méo mó của ngôn ngữ rất lâu, cái “văn hoá địt” ấy đã bàng bạc trong tính cách và trong phản ứng của từng con người rồi, trong từng mối quan hệ giao tế và cả trong cách thưởng thức một tác phẩm văn chương rất lâu rồi.

Nói đến tác phẩm văn chương thì tiện nhất là nói đến Truyện KiềuLục Vân Tiên, như những hệ giá trị trung tâm hay những tấm gương phản chiếu văn hoá hai miền. Nếu Truyện Kiều của Nguyễn Du là tấm gương của những giá trị “đất lề quê thói” Bắc Hà, thì Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là sự phản chiếu tương tự của tính cách miền Nam. Kể ra thì Nguyễn Du là người con của “đất đụ” Hà Tĩnh, nhưng Truyện Kiều của ông, xem ra, vẫn thuộc về “đất địt” Hà Thành. Nguyễn Du quê ở Hà Tĩnh nhưng tổ tiên đến từ Hà Tây. Nguyễn Du lại chào đời tại Thăng Long và sau đó còn lưu lạc khắp nơi theo chính sự.[12] Mà, cho dù Nguyễn Du là người Hà Tĩnh gốc thì vấn đề chẳng hề thay đổi. Một nhà thơ tài hoa, nếu cứ bám chặt vào những giá trị địa phương thì rốt cục cũng chỉ đóng vai một thứ “đặc sản địa phương”. Nếu Nguyễn Du không vượt qua tính địa phương để vươn đến những giá trị mang tính trung tâm thì Phạm Quỳnh có thể nào tuyên bố “Truyện Kiều còn nước ta còn”?

Hẳn nhiên, vấn đề không phải là giá trị nghệ thuật mà là tính cách hai miền trong hai tác phẩm. Cái khác của hai giá trị trung tâm này, có thể nói, cũng là cái khác giữa “văn hoá địt” và “văn hoá đụ”. Khác từ cách nhập truyện cho đến không khí của truyện. Khác ở tính cách và hành trạng của từng nhân vật qua cách giao tế, ứng xử và cả cách tự giải quyết số phận của mình.

Ngay từ hai câu thơ mở đầu của Truyện Kiều thôi đã thấy cái phong cách rất... “địt”, rất “đã làm, phải đã” rồi. Cái “đã” của người cầm bút xưa, đa số sống trên đất Bắc, là thể hiện cho bằng được trong tác phẩm một cái “chí” nào đó thật lớn hay một phong vị nhân sinh nào đó thật thâm thuý, như một cái hậu. Và chính Nguyễn Du đã vươn tới cái hậu ấy ngay từ lúc khởi đầu: “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là giết nhau”. Nguyễn Du, như thế, đã hoàn toàn khác so với một Nguyễn Đình Chiểu thật thà “thấy đã, là làm” theo cái bản năng phân biệt thiện ác: “Trước đèn xem truyện Tây Minh / Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le”.[13]

Nếu “văn hoá địt” là một văn hoá có tính hướng nội thì các nhân vật của Nguyễn Du chỉ biết có thế giới của riêng mình nên Truyện Kiều, hầu như, đã biến thành một xứ sở không có tiếng chào. Từ đầu truyện đến cuối truyện hầu như chẳng có nhân vật nào cất tiếng chào nhau đã đành. Mà cái chữ “chào” có được dùng qua loa thì, trước sau, cũng vỏn vẹn chỉ sáu chữ mà, phần lớn, chỉ dùng để che đậy những dụng ý, mưu đồ.[14] Trừ cái chào đầu tiên của Vương Quan, cái chào của người đã quen nhau với Kim Trọng, “Chàng Vương quen mặt ra chào” và cái chào thứ hai khi Đạm Tiên báo mộng Thuý Kiều “Chào mừng đón hỏi dò la: / Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”, cũng cái chào mang tính xã giao, còn lại chỉ là những cái chào của dụng ý và mưu đồ. Mới gặp Thuý Kiều, Tú Bà đã “Trước xe lơi lả han chào / Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi”. Bố trí cho trận đòn ghen thâm độc với Thuý Kiều trước mặt chồng, Hoạn Thư đã “Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng / Giận đầu ra dạ thế thường.” Cả Thuý Kiều cũng vậy. Khi “Sượng sùng đánh dạn ra chào / Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần” thì Kiều cũng chỉ chào để bàn tính chuyện bỏ trốn cùng Sở Khanh. Rồi khi mượn oai hùm của Từ Hải để trả lại mối thù năm xưa thì Kiều mới chịu cất thêm một tiếng: “Thoạt trông nàng đã chào thưa / Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?”.

Kể ra thì dẫu có những cái “chào” đầy dụng ý và cơ mưu, Lục Vân Tiên vẫn là một thế giới hoàn toàn khác khi tiếng chào ăm ắp từ đầu truyện đến cuối truyện, nhân vật tốt cũng chào mà nhân vật xấu cũng chào.[15] Mở đầu cho quan hệ giữa hai nhân vật chính Vân Tiên và Nguyệt Nga cũng là một tiếng chào, với nhân vật thứ ba: “Tiên rằng: ‘Bớ chú cõng con / Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài?’”, mà khởi sự cho hồi kết khi hai nhân vật đoàn tụ cũng là tiếng chào, của một người thứ ba: “Lão bà lật đật hỏi chào / ‘Ở đâu mà tới rừng cao một mình?’”. Thế giới của Lục Vân Tiên, như thế, là một thế giới hướng ngoại khi các nhân vật, dù chưa hề biết mặt nhau, sẵn sàng trải lòng với nhau. Như cái cảnh Vân Tiên và Hớn Minh lần đầu gặp mặt trên đường về kinh phó hội: “Anh hùng lại gặp anh hùng một khi: / ‘Chẳng hay danh tánh là chi / Một mình mang gói ra đi việc gì’ / Đáp rằng: ‘Ta cũng xuống thi / Hớn Minh tánh tự, Ô Mi quê nhà.’”

Cách chào nhau đã thế, khác biệt trong quan hệ giữa các nhân vật trong hai tác phẩm cũng hao hao khác biệt “đụ/địt” ấy. Kim Trọng từng ước thề với Thuý Kiều, và Vương Quan là người em mang nặng nghĩa chị, thế nhưng công việc đầu tiên của hai gã đàn ông này sau khi hiển đạt là... cưới vợ, nghĩa là chỉ biết chăm lo cho mình. Từ cái cảnh Kim Trọng vật vã “Đau đòi đoạn ngất đòi thôi / Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê” khi nghe tin Thuý Kiều bán mình cho đến cảnh Kim vinh quy, yên bề gia thất với Thuý Vân để rồi “Cầm đường ngày tháng thanh nhàn / Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao” mà không thể hiện một nỗ lực tìm kiếm nào, đã thấy lạ. Đến cái cách Vương Quan lấy vợ, gọi là “tạ ân chu tuyền” với Chung lão, còn lạ hơn. Họ Chung là kẻ “lại già” mách mối “Tính bài lót đó luồn đây / Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, dẫn đến quyết định bán mình cứu cha và cứu em của Thuý Kiều. Cái ân đầu tiên mà kẻ “nối dòng Nho gia” đáp trả, mỉa mai thay, lại là cái ân của việc vạch đường luồn lót. Một cái ân khá là vị kỷ, chỉ biết có mình: không có Chung lão vạch đường để chị bán mình thì Vương này có đâu ngày hôm nay?[16]

Dĩ nhiên là không ai có thể bắt nhân vật này phải hành động theo khuôn mẫu của nhân vật kia, nhưng vấn đề là văn hoá ứng xử của con người qua vấn đề ân oán, đề tài muôn thuở của nhân loại. Trong Truyện Kiều thì các nhân vật chỉ đau đớn suông và yên lặng chờ thời, trong khi các nhân vật trong Lục Vân Tiên xắn tay hành động. Vân Tiên, ngay sau khi hiển đạt, đã tìm cách cứu bạn Hớn Minh. Và Hớn Minh, ngay sau khi lập công, đã nghĩ đến việc trả ân tẩu tẩu: “Minh rằng: ‘Tẩu tẩu ở đâu / Cho em ra mắt chị dâu thế nào’ / Vân Tiên đem Hớn Minh vào / Nguyệt Nga đứng dậy miệng chào có duyên / Minh rằng: ‘Tưởng chị ở Phiên / Quyết đem binh mã sang miền Ô Qua...’”.

Đáng nói hơn là cách mà nhân vật tự đối xử với mình và, ở đây, “văn hoá đụ” hay “văn hoá địt” đã tác động vào cả chuyện... tự tử. Cùng tự trầm như nhau nhưng Thuý Kiều suy tính tới lui trong khi Nguyệt Nga quyết định cái ào. Với Thuý Kiều, đã chết thì phải chết sao đúng... số mệnh, còn Nguyệt Nga thì chán đời là chết. Chết, với Thuý Kiều, có thể nói, là phải chết cho đáng chết: “đã chết, phải... đã”. Nguyệt Nga thì khác, chán sống, thấy chết đáng hơn là chết: “thấy đã, thì chết”.

Kể ra thì đó là lần thứ hai của Kiều, sau cái lần tự sát quyết liệt ngay giữa lầu xanh. “Thân này đã bỏ những ngày ra đi / Thôi thì thôi có tiếc gì! / Sẵn dao tay áo tức thì giở ra”. Nhưng trong lần đầu tiên đó, khi dùng dao kết liễu mạng sống, Thuý Kiều cũng chỉ nghĩ về mình, nghĩ đến cái thân “có tiếc gì”. Lần thứ hai, già dặn và chững chạc hơn trong cách tự trầm trên sông Tiền Đường, chủ yếu Kiều cũng chỉ nghĩ đến mình. Đầu tiên là ám ảnh đoạn trường qua lời báo mộng của Đạm Tiên: “Nhớ lời thần mộng rõ ràng / Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!”: nghĩ về mệnh số là chỉ nghĩ về bản thân mình. Và khi quyết định chọn cái chết, Thuý Kiều cũng đi đến cái chết một cách cẩn thận, lớp lang giữa cảnh trời cao sông rộng:

Dưới đèn sẵn bức tiên hoa,
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau.
Cửa bồng vội mở rèm châu,
Trời cao sông rộng một màu bao la.
Rằng: Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!
Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang

Rõ ràng là Thuý Kiều chỉ nghĩ đến mình. Cô không chết để tạ lỗi với Từ Hải. Cô cũng không chết để có thể về với Từ Hải ở cõi bên kia. Cô chọn cái chết vì đơn giản nghĩ mình đã... hết số. Và cô còn chọn cái chết vì cảm thấy mình không còn mặt mũi và chỗ đứng trong đời. Bằng chính cái chết của mình, và bằng chính “thiên tuyệt bút gọi là để sau”, cô muốn níu lại một chỗ đứng với đời. Bình thản, chậm rãi, hầu như không cảm xúc, Kiều đã đầu tư cho cái chết, đã đến với cái chết như một nhà đầu tư.[17]

Nguyệt Nga thì gấp gáp, ào ào. Và trong cái quyết định ào ào ấy Nga chẳng kịp có thì giờ nghĩ đến mình. Chỉ nghĩ đến Vân Tiên:

“Vắng người có bóng trăng thanh,
Trăm năm xin gởi chút tình lại đây.
Vân Tiên anh hỡi có hay,
Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng”
Than rồi lấy tượng vai mang
Nhắm chừng nước chảy vội vàng nhảy ngay.

Có bao nhiêu cặp thí dụ tương tự như thế. Như cây trâm cài tóc khởi sự hai mối tình trong hai tác phẩm chẳng hạn. Xáo động trước Vân Tiên để tặng ngay cây trâm cài tóc nhưng đấng anh hùng ngờ nghệch này “ngơ mặt chẳng nhìn”, Nguyệt Nga chuyển ngay cách khác: “Đưa trâm chàng đã làm ngơ / Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ”. Cũng một cây trâm thôi nhưng với Kim Trọng và Thuý Kiều là cả một trình tự đầu tư, sắp đặt chi li lớp lang, vừa nhọc trí, lại tốn bao nhiêu thì giờ rình rập và ướm hỏi rồi có chuyện: “Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa”.[18]

Chúng ta nói tới “đụ” như là lịch sử. Lịch sử, trong cách hiểu đơn sơ nhất, là những quá khứ đã được đông cứng, và “đụ”, như là hành trạng tìm kiếm khoái lạc hay truyền giống của người Việt của cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, đã được nhà truyền giáo đạo mạo Alexandre de Rhodes “đông cứng” trong bộ tự vị xuất bản vào thế kỷ 17. Nhưng “đụ” không đã không chịu hoá thạch trong bộ tự vị ấy, mà sống mãi với chúng ta, nóng hổi, thực là đắc địa trong Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy, một trong những trang viết bi thiết hơn cả về trận xung đột Nam-Bắc cuối cùng của thế kỷ 20 trên cái vùng đất từng diễn ra xung đột Bắc-Nam của thế kỷ 17.

Vào thế kỷ 17 thì cả hai miền đều “đụ”. Đến thế kỷ 20 thì một miền thì “đụ” và một miền vừa “địt” vừa “đụ”. Và cái giới tuyến địa lý của xung đột vẫn nằm gọn giữa lòng đất “đụ”: “đụ” còn là lịch sử bởi, ít ra, trong hơn nửa thế kỷ qua, không gì có thể chia cắt hay đồng hoá được “đụ”, kể cả một giới tuyến quân sự, kể cả một giới tuyến chính trị...

 

Sydney 9.2.2009

 

 

Chú thích & tài liệu tham khảo

[1] Để tiện tham khảo, tôi xin chép lại:
 
a/ Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam Tự Điển (Mặc Lâm, Hà Nội, 1931)
Đéo: (tiếng tục) Nói về sự giao cấu.
Địt: 1. Hơi trong lỗ đít phì ra, tức là dắm. 2. (Tiếng tục) Đàn ông, đàn bà giao cấu với nhau.
Đụ: (tiếng tục) Cũng như đéo.
 
b/ Thanh Nghị, Việt Nam Tân Từ Điển (Thời Thế, Sài Gòn, 1951)
Đéo: (tục) Giao cấu. Coiter
Địt: (tục) Đánh rấm, có nơi dùng theo nghĩa là giao cấu. Coiter.
Đụ: Như đéo.
 
c/ Lê Văn Đức, Việt Nam Tự Điển (Khai Trí, Sài Gòn, 1970)
Đéo: Đụ, giao cấu, việc giao hợp giữa đàn ông và đàn bà, giống đực và giống cái để thoả mãn sinh lý và truyền giống.
Địt: Đánh rắm, xì hơi trong ruông ra lỗ đít. Đụ đéo, giao cấu.
Địt mẹ: Đụ mẹ, tiếng chửi tục.
Đụ: Đéo.
 
d/ J.L. Taberd, Dictionarium Annamitico-Latinum (J. Marshman, Serampore, 1838)
Đéo: opprimere, fornicari; (vox injuriosa et inhonesta )
Địt, crepitus, crepitare; pedere; peditus
 
[2] Xứ Nghệ từng được gọi là Châu Hoan và sau đổi thành Nghệ An trấn. Năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía Nam sông Lam).
 
Núi Hoành Sơn giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là biên giới tự nhiên giữa nước Đại Việt và Chămpa. Hiện nay trên dãy Hoành Sơn còn phế tích Lũy Lâm Ấp của Chămpa có từ thế kỷ 4. Theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã qua Hoành Sơn đến Thuận Hoá và xây dụng nên Đàng Trong.
 
Qua Đèo Ngang trên Hoành Sơn là tới sông Gianh, nơi từng chứng kiến trên 50 năm chiến tranh xung đột giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Quân Trịnh cố thủ tại Hoành Sơn và chiến trường là sông Gianh.
 
[3] Tôi nghe được câu ca dao này khi dự một đám cưới tại vùng quê ở Quảng Nam vào giữa thập niên 80, từ miệng một ông say rượu. Mang câu này ra phổ biến, chủ yếu trong giới cầm bút hay giảng dạy văn học, thì đa số cho biết là mới nghe lần đầu, do đó tạm kết luận là “ca dao Quảng Nam”. Cũng xin kể thêm một câu khác ghi nhận trong dịp trên: “Một người đụ, cả lũ đi ăn”.
 
[4] Nguyễn Văn Xuân (2002) “Khi những lưu dân trở lại”, in trong tập Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân, nxb Đà Nẵng [trang 533- 637].
 
[5] Trần Văn Giàu (1911-2006) đã học và tốt nghiệp xuất sắc tại Trường Đại học Phương Đông ở Moscow, năm 1932 trở về làm Bí thứ xứ uỷ Nam kỳ, tuy nhiên đền năm 1946 bị điều ra Việt Bắc làm Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền, năm 1951 bị chuyển sang công tác giáo dục. Từ đó về sau, ông bị tước bỏ mọi vai trò lãnh đạo, chỉ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu lịch sử. Bộ Lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập (1956-1957) được trao giải Hồ Chí Minh vào năm 1996.
 
Trong hồi ký chuyền tay Những kỷ niệm về bác Hồ của Hoàng Tùng – từng giữ chức Bí thư Ban bí thư và Tổng biên tập báo Nhân Dân – có đoạn chép: “Tôi biết có người tên là Phi Vân, cũng học ở Liên Xô về, bị đi tù ở Sơn La. Khoảng năm 1935, ở tù cùng với Phi Vân, tôi hỏi Phi Vân nhận xét về Nguyễn Ái Quốc. Vân nói ông già này không có gì đâu, ở nhà cứ tưởng là nhân vật quan trọng lắm, chứ ông ta dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém. Đó là cách nhận định về Bác của mấy người đi Liên Xô về. Trần Văn Giàu thuộc loại trên. Có lần Trần Văn Giàu nói với tôi, năm 1932 về, anh là bí thư, sau khởi nghĩa Nam Kì thất bại, anh em mình nhiều người bị bắt, anh đứng ra lập một tổ chức tiên phong, coi như nòng cốt của cách mạng. Khởi nghĩa ở Sài Gòn chính anh là người lãnh đạo. Còn ở Nam Bộ một số đồng chí của ta như Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thị Thập ra nắm vùng nông thôn. Ba người này ra ngoài Bắc dự Hội nghị Tân Trào. Nguyễn Thị Thập đến không kịp, Ung Văn Khiêm đến chỗ tôi rồi đi Tân Trào, chứ Trần Văn Giàu không được thừa nhận. Việc phân xử Trần Văn Giàu có các lớp đàn anh đi tù ở Côn Đảo về. Họ là bậc thày ở Nam Bộ, là những người lãnh đạo quen thuộc của nhân dân Nam Bộ. Thế của Trần Văn Giàu yếu đi, về sau điều Trần Văn Giàu đi Xiêm.”
Xem: http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=6185
 
[6] Trung ương tại Việt Bắc cử liên lạc viên vào Nam ra lệnh hoãn cuộc nổi dậy nhưng không kịp. Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 thất bại.
 
[7] Năm 1948, Trung ương đảng cử Lê Đức Thọ vào giám sát Xứ uỷ Nam Bộ; năm 1949 Lê ĐứcThọ làm phó bí thư, Lê Duẩn bí thư. Năm 1951, Xứ uỷ Nam Bộ đổi thành Trung ương Cục miền Nam. Năm 1954, Trung ương Cục miền Nam bị giải thể và lập lại Xứ uỷ Nam Bộ. Đến năm 1961, lại trở thành Trung ương Cục miền Nam.
 
[8] Đó là những nhân vật như Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Trấn. Trong số này có Nguyễn Văn Trấn viết lách khá nhiều và ở đâu cũng u uất một giọng điệu bất mãn.
Có thể xem một ví dụ: Nguyễn Văn Trấn (1985) Chợ Đệm quê tôi, nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
 
[9] Đây là những kiến thức phổ quát nhất về lý thuyết phân tâm học của Freud, thường tìm thấy ở những tài liệu phổ thông, do đó miễn nêu xuất xứ.
 
Freud chia sự phát triển nhân cách con người thành bốn thời kỳ (ba giai đoạn đầu gọi là tiền sinh dục)
+ Giai đoạn lỗ miệng: Có từ lúc trẻ mới sinh, trẻ tìm thấy khoái lạc ở miệng như mút vú mẹ, cho các đồ vật vào mồm.
+ Giai đoạn hậu môn: Ở trẻ năm thứ hai và năm thứ ba. Giai đoạn này trẻ chú ý tìm khoái lạc của hoạt động hậu môn.
+ Giai đoạn âm vật và dương vật: Giai đoạn này trẻ chú ý đến bộ phận sinh dục, nảy sinh ra tình cảm lãng mạn đối với cha hoặc mẹ, người khác giới.
+ Trong ba giai đoạn trên, cá nhân hướng đến bản thân mình. Đến giai đoạn thứ tư, cá nhân hướng ra đối tượng bên ngoài bắt đầu từ tuổi dậy thì. Các năng lượng của con người đựơc sử dụng ở mục đích khác nhau như đi học, vui chơi, bắt chước, hướng ra đối tượng khái giới để làm tình...
 
[10] Trong tiếng Anh là “natural language” hay “ordinary language”, là ngôn ngữ sử dụng (nói, viết) với mục đích truyền thông nói chung, khác với “formal languages” (thí dụ ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ logic) và “constructed languages” (ngôn ngữ kiến tạo, thí dụ như Esperanto, Latino sine Flexione, và Occidental).
 
[11] Xem: Michel Foucault (2006) The Order of Things: An Archeology of the Human Sciences, London and New York: Routledge. Chương 9: Man and His Doubles (330–371). Bản Anh ngữ dịch từ nguyên tác tiếng Pháp Les Mots et les Choses, xuất bản lần đầu vào năm 1966.
 
[12] Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765) tại Thăng Long. Tổ tiên gốc từ trấn Sơn Nam (thuộc Hà Tây và nay thuộc Hà Nội) sau di cư vào xã Nghi Xuân, huyện Tiên Điền (nay là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Thân phụ là Nguyễn Nghiễm (1708-1775), đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận Công dưới triều Lê. Năm 10 tuổi Nguyễn Du mồ côi cha và phải sống nhờ vào người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản, người tâm phúc của Trịnh Tông, làm tới chức thượng thư. Năm 1780 xảy ra nạn kiêu Nguyễn Khản phải cải trang trốn lên Sơn Tây và sau đó về quê ở Hà Tĩnh. Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường và sau đó bắt đầu hoạn lộ với một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên.
 
[13] Cũng nên chú ý sự khác nhau trong cách kết thúc.
Nếu Truyện Kiều kết thúc “Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh” thì Lục Vân Tiên lại tính tới chuyện “trăm năm”, cho dù có kém phần triết lý: “Trăm năm biết mấy tinh thần / Sinh con sau nối gót lân đời đời”.
 
[14] Dĩ nhiên là có từ chào khác, tuy nhiên chỉ vỏn vẹn có một từ, từ câu thứ 2861: “Cửa trời rộng mở đường mây / Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần / Chàng Vương nhớ đến xa gần”.
 
[15] Thí dụ cảnh Võ Công gặp lại chàng rể tàn phế: “Một lời gượng gạo: ‘Chào người ngày xưa’”. Cảnh Võ Công mang con gái ra gạ gẫm, bị Vương Tử Trực mắng: “Võ Công hổ thẹn xiết bao / Ngồi trân khôn cãi lẽ nào cho qua / Thể Loan trong cửa bước ra / Miệng chào: ‘Thầy cử tân khoa mới về / Thiếp đà chẳng trọn lời thề’”. Cảnh Trịnh Hâm bị vua giao cho Vân Tiên xử tội: “Truyền quân dẫn Trịnh Hâm vào / Mặt nhìn khắp hết miệng chào các anh / Minh rằng: ‘Ai mượn kêu anh / Trước đà đem thói chẳng lành thời thôi.’”
 
[16] Từ câu 607: “Họ Chung có kẻ lại già / Cũng trong nha dịch lại là từ tâm / Thấy nàng hiếu trọng tình thâm / Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay / Tính bài lót đó luồn đây / Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.” Và từ câu 2864: “Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền / Tình xưa ân trả nghĩa đền / Gia thân lại mới kết duyên Châu Trần”.
 
[17] Năm 1949, trong chiến khu, Hoài Thanh có xuất bản cuốn sách viết về Truyện Kiều, trong đó so sánh cái hay của Truyện Kiều và cái dở của Lục Vân Tiên, giải thích rằng Nguyễn Đình Chiểu viết kém vì “sáng tác trong chế độ phong kiến suy đồi”. Hoài Thanh cũng so sánh hai cảnh tự trầm, và cho rằng Nguyệt Nga là “vô tâm như người ta nhảy trên sân vận động” trong khi Thuý Kiều bị ám ảnh với cái “cảnh trời cao sông rộng”. Theo Hoài Thanh thì Nguyệt Nga ra nông nỗi ấy là do sức sống chế độ phong kiến thời Nguyễn Đình Chiểu quá khô héo, không đủ sức cho văn nghệ phong kiến tạo nên những nhân vật ra hồn!
Dẫn theo: Võ Phiến (2007) “Cá tính văn học miền Nam”, in trong Tuyển Tập Võ Phiến, Người Việt, California.
 
[18] Từ câu 290: “Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh / Lần theo tường gấm dạo quanh / Trên đào nhác thấy một cành kim thoa / Giơ tay với lấy về nhà: / Này trong khuê các đâu mà đến đây”“Tan sương đã thấy bóng người / Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ / Sinh đà có ý đợi chờ / Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng: ‘Thoa này bắt được hư không / Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?’ / Tiếng Kiều nghe lọt bên kia: / Sinh rằng: ‘Phác hoạ vừa rồi / Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.’”
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021