thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Góp ý về “nền thơ ca đương đại Việt Nam” của Nguyễn Quang Thiều

 

Nguyễn Tôn Hiệt đã chỉ ra chính xác những chi tiết bất cập trong bài tham luận của Nguyễn Quang Thiều. Những chi tiết mà theo tôi, cũng cho thấy những vấn đề lớn hơn của văn học Việt Nam hiện nay.

Nó cho thấy văn chương miền Nam trước 1975, vô tình hay cố ý, vẫn chưa được nhìn nhận như một phần của văn học Việt Nam bởi những người làm văn nghệ miền Bắc. Chính sách phủ nhận của giới cầm quyền đối với văn chương miền Nam thì đã rõ. Điều đáng nói là sự phủ nhận này có vẻ cũng được ngấm ngầm ủng hộ bởi những người sáng tác miền Bắc. Từ 1975 đến nay đã ba mươi bốn năm, tôi không tin những người làm văn nghệ miền Bắc lại không biết gì về văn chương miền Nam trước 1975. Tôi cũng không tin việc nhắc đến nó là điều gì quá nguy hiểm hiện nay, mặc dù vẫn còn những bất tiện. Nhưng dường như có một nguyên tắc bất thành văn, khi viết về văn học Việt Nam, giới văn nghệ miền Bắc rất hiếm khi đề cập đến văn chương miền Nam trước 1975, thậm chí về văn chương Sài Gòn hiện nay. Chẳng lẽ giới sáng tác miền Bắc vẫn không vượt qua nổi “những bất tiện” chính trị? Hay còn lý do thuần văn chương nào khác?

Cho đến nay, phần lớn những nhà văn nhà thơ có dịp ra nước ngoài để nói chuyện về văn chương Việt Nam là những người từ miền Bắc. Những người này, khi nói về “văn chương Việt Nam”, như đề cập bên trên, thật ra chỉ đang nói về nền văn chương của một địa phương. Nhưng cách trình bày của họ lại khiến khán giả ngoại quốc, những người hầu như mù tịt về văn chương Việt Nam, có cảm giác đang nghe nói về văn chương của cả nước Việt Nam. Điều này dĩ nhiên gây ngộ nhận. Sự thật là Việt Nam không những có hai nền văn chương hoàn toàn khác nhau từ 1954 đến 1975, mà thậm chí hiện nay, sự khác biệt giữa văn chương Hà Nội và văn chương Sài Gòn (ở đây tôi muốn nói loại văn chương phi-nhà nước nhưng bao gồm những tác giả quan trọng nhất của Sài Gòn) là rất rõ rệt. Văn chương đương đại Việt Nam, vì thế, không thể được trình bày như một thực thể đồng nhất, bỏ qua những khác biệt căn bản giữa văn chương miền Bắc và văn chương miền Nam trước 1975, giữa văn chương nhà nước và văn chương phi-nhà nước hiện nay.

Tôi không đòi hỏi Nguyễn Quang Thiều trong một bài tham luận ngắn phải ôm đồm mọi thứ. Sự đa dạng của văn chương đương đại Việt Nam thật ra vẫn có thể được trình bày rất gọn trong tham luận của Nguyễn Quang Thiều, chỉ nhằm giúp khán giả có đuợc một ý niệm tổng quát, rồi sau đó tác giả có quyền nói về một đề tài hẹp nào đó mà mình thích thú và am tường, ví dụ thơ làng Chùa. Điều này sẽ giúp tránh được ấn tượng tác giả đang dùng văn chương miền Bắc để đại diện cho văn chương Việt Nam, một điều không đúng với lịch sử văn chương đương đại và sẽ không được sự ủng hộ của nhiều người sáng tác ở miền Nam và hải ngoại.

Tôi nói những điều trên đây hoàn toàn không phải vì đầu óc kỳ thị Nam-Bắc hay “chủ trương cứng rắn” chống hoà hợp hoà giải gì cả. Đây chỉ là những phức tạp của văn chương Việt Nam đương đại mà bất cứ người làm văn nghệ có hiểu biết nào cũng nên lưu ý. Bản thân tôi vẫn thích thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi có quen biết anh. Tôi hy vọng ý kiến của tôi sẽ được Nguyễn Quang Thiều tiếp nhận trong tinh thần cởi mở.

 

25.05.2009

 

--------------------

Các bài liên hệ:

23.05.2009
... Sự thống nhất về tương lai của thế giới trong khát vọng và ý thức của chúng ta phải được đồng nhất hoá: đó là sự công bằng của con người, tính nhân bản của con người và khát vọng tốt đẹp của con người. Các chính trị gia còn rất ít người nghĩ đến điều đó một cách cụ thể, nhưng các nhà thơ đã và đang làm điều đó một cách bền bỉ từ khi thơ ca xuất hiện trong thế giới loài người. Kể cả khi các nền thơ ca chưa được ký tự hoá bằng chữ viết của dân tộc họ và cả khi một nền thi ca nào đó bị đàn áp bởi các Nhà nước độc tài... (...)
 
24.05.2009
Đọc bài tham luận “Thông điệp về cái Đẹp và Tự Do” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi thấy trong đó có những ý tưởng hay, nhưng cũng có những ý tưởng chưa hay, chưa đúng với thực trạng thơ ca / văn học Việt Nam hôm nay. Tôi đoán rằng có những hạn chế “khách quan” khiến nhà thơ không thể nói cho rốt ráo một vài vấn đề rất cần sự rốt ráo... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021