thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười bài thơ
Bản dịch Diễm Châu
 
 
 
 
ZBIGNIEW HERBERT
(1924-1998)
 

MẸ

 
Ông từ đầu gối bà rớt xuống như một cuộn chỉ.
Ông xở ra vội vã và loáng quáng lăn đi.
Bà nắm giữ lúc khởi đầu sự sống. Bà thường quấn nó lại
trên ngón tay bà như một chiếc nhẫn, bà muốn giữ gìn ông.
Ông lăn xuống những sườn dốc đứng, đôi khi
ông trèo lên. Ông thường quay lại rối rắm, và im lặng.
Không bao giờ ông còn trở về với chiếc ngai êm ái đầu gối bà.
 
Những bàn tay vươn ra sáng lên trong tăm tối
như một thị trấn cũ. 
 
 

KHÓM SỒI

 
Trong rừng trên đụn cát ba cây sồi lực lưỡng
mà kề bên tôi đang tìm lời khuyên bảo và sự hỗ trợ
bởi các dàn đồng ca lúc này đã câm nín và các nhà tiên tri đã bỏ đi
trên mặt đất không còn ai đáng kính hơn
chính bởi thế mà – hỡi khóm sồi – hướng về các ngươi
tôi gửi tới những lời han hỏi tăm tối của tôi
tôi chờ phán quyết của số mệnh như ngày xưa ở Dodone
 
Nhưng phải thú nhận rằng cái nghi thức hoài thai
của các ngươi – ôi những kẻ hợp lý – khiến tôi lo ngại
vào cuối mùa xuân sang đầu mùa hạ
dưới bóng những cành cây của các ngươi túa ra
con cái của các ngươi những đứa trẻ sơ sinh của các ngươi
những lữ viện của lá những cô nhi viện của mầm đọt
nhạt rất nhợt nhạt
yếu mềm hơn cỏ
trên đại dương cát
chúng vật lộn đơn độc đơn độc
tại sao các ngươi không bảo vệ con cái mình
trên những đứa trẻ này cơn đông giá đầu tiên sẽ đặt một lưỡi gươm tận diệt
 
Nghĩa là gì – hỡi những cây sồi – cuộc thập tự chinh điên dại
sự tàn sát những đứa trẻ vô tội sự đào thải ghê rợn
cái tinh thần của Nietzsche này trên đụn cát bình yên
đủ tư cách để ủi an những lời ta thán du dương của Keats
ở đây nơi mọi sự dường như đều khích giục
tới nụ hôn tới lời tự thú tới sự hòa giải
 
Tôi phải hiểu ra sao bài dụ ngôn tăm tối của các ngươi
nét dị kỳ của những thiên thần nhỏ hồng hào tiếng cười của những ống xương trắng
phiên tòa lúc hừng đông cuộc hành quyết ban đêm
cuộc sống đui mù hòa lẫn với chết chóc
có hề gì nét dị kỳ tôi không khổ vì nó
nhưng ai đang cai trị ở đây
phải chăng là vị thần có tia nhìn ướt át có khuôn mặt kế toán viên
hóa công của những bảng thống kê đê tiện
kẻ khi chơi súc sắc bao giờ cũng thắng
tất yếu phải chăng chỉ là một biến thái của may rủi
và nghĩa lý chỉ là nỗi nhớ nhung của những kẻ yếu mồi nhử cho những kẻ thất vọng
 
Biết bao là câu hỏi – hỡi khóm sồi –
biết bao là lá và dưới mỗi chiếc lá
sự tuyệt vọng
 
 

GIÃ TỪ

 
Đã tới lúc phải giã từ nhau thôi
khi đàn chim đã bay đi khi đột ngột bay đi màu xanh cây cỏ
mùa hè đã mãn – đề tài xoàng xĩnh cho độc tấu lục huyền cầm
 
lúc này tôi ở trên một sườn đồi
cả một bức vách bằng thủy tinh thế nên tôi nhìn thấy rõ
đám mây lác rậm rì hàng cây trăn trần trụi ấy đó bên bờ của tôi
 
hết thãy đều dàn ra thành những dải nằm ngang – dòng sông lười biếng
bờ sông cao bên kia đổ xuống, dốc hẳm
và cuối cùng để lộ những gì phải thú nhận
 
đất sét cát đá vôi những tầng đất đen
và rừng lúc này cằn cỗi đang khóc than rừng
 
tôi hạnh phúc nghĩa là được lột bỏ mọi ảo tưởng
mặt trời hiện ra vắn vỏi nhưng bù lại nó hiến
những cảnh tượng chiều tà lộng lẫy hơi giống như theo sở thích của Néron
 
tôi thật bình thản phải giã từ nhau thôi
thân xác chúng ta đã nhuốm màu dất
 
 

TOA XE

 
Vây thời ông đang làm gì
ông già trăm tuổi ấy
với khuôn mặt như một cuốn sách cổ
với đôi mắt không nước mắt
với đôi môi mím chặt
giữ kỹ những kỷ niệm
và tiếng lầm bầm của lịch sử
 
lúc này khi
những ngọn núi mùa đông
lịm tắt
và Phú sĩ sơn lọt vào bên trong chòm sao vùng xích đạo
Hirohito*
ông già trăm tuổi – hoàng đế thần linh và chức việc
– viết
 
ông không viết những chiếu chỉ
đặc xá
cũng chẳng viết những điều thịnh nộ
những sự chỉ định
các tướng lãnh
những cuộc gia hình cầu kỳ
mà viết một tác phẩm
cho kỳ thi hằng năm
về thơ truyền thống
 
lần này đề tài
chính là toa xe
và hình thức: thể tanka khả kính
năm «câu»
ba mươi mốt vế
 
«khi đặt chân lên toa xe lửa
thuộc những đường hỏa xa của Nhà nước
tôi mơ màng nghĩ tới vũ trụ
của ông nội tôi Đức Hoàng đế Minh Trị»
 
bài thơ
có vẻ ngoài mộc mạc
với hơi thơ dè giữ
không phấn son hay xảo thuật
 
thật khác với
những sáng tác trơ tráo
ướt át đầy tiếng hú toàn thắng
của các nhà tân thời
 
một mẩu vụn
về đường sắt
không có nỗi buồn man mác
sự hối hả trước một con đường dài
và cả đến
niềm luyến tiếc hay hy vọng
 
trái tim se thắt
tôi nghĩ tới
Hirohito
 
tới tấm lưng còng của ông
tới đầu ông sững lại
khuôn mặt ông như của một con búp–bê cũ
 
tôi nghĩ tới
đôi mắt khô khỏng của ông
tới những lòng bàn tay ông bé nhỏ
tới suy tưởng ông chậm rãi
 
như một chặng tạm ngừng
giữa hai tiếng
cú rúc
 
trái tim se thắt
tôi nghĩ tới
số mệnh mai sau
của thơ truyền thống
 
liệu nó có ra đi
theo chiếc bóng của vị hoàng đế
 
thoáng qua
khôn lường
 
 
---------------------
* Hirohito (1901-1989), hoàng đế Nhật-bản, lên ngôi vào năm 1926. (ND).
 
 

NHỮNG CHIẾC NÚT ÁO

                 Để tưởng niệm đại úy Edward Herbert
 
Chỉ có những chiếc nút áo không thể uốn cong
chứng nhân còn tồn tại cho tội ác
từ những vùng sâu thẳm hiện lên trên bề mặt
đài tưởng niệm duy nhất trên nấm mồ của họ
 
chúng làm chứng Thượng đế sẽ tính sổ
và sẽ xót thương họ
nhưng làm sao họ còn sống lại được
họ đã trở thành đất trồng cấy
 
con chim lướt qua đám mây trôi nổi
chiếc lá rơi cây thục quỳ nẩy mầm
im lặng lượn lờ trên những đỉnh cao
rừng Smolensk phủ sương mù
 
chỉ có những chiếc nút áo không thể uốn cong
dàn đồng ca câm nín tiếng nói mãnh liệt
chỉ có những chiếc nút áo không thể uốn cong
những chiếc nút của áo ngắn và đai da
 
-----------------
Theo ghi chú của dịch giả bản Pháp văn, «bài thơ này gợi lại những hố chôn chung của hàng ngàn sĩ quan Ba-lan bị quân Sô-viết ‘ám sát’ năm 1941 tại Katyn, gần Smolensk». (ND).
 
 

GỬI YEHUDA AMICHAI*

 
Bởi anh là vua còn tôi chỉ là ông hoàng
không có đất cùng với những người đã đặt tin cẩn nơi tôi ban đêm tôi lang thang
không ngủ
 
Anh, anh là vua và anh nhìn tôi với tình bằng hữu
và với sự lo ngại – tôi còn có thế lang thang bao lâu nữa
trên thế giới
 
– Còn lâu Yehuda ạ             Tới mãi chung cuộc
 
Ngay những cử chỉ của chúng ta cũng khác nhau – cử chỉ thanh nhã cử chỉ khinh khi
cử chỉ hiểu biết
– Tôi không đòi hỏi anh gì hết chỉ trừ hiểu biết
 
Tôi thiếp đi bên đống lửa ngoài trời nắm tay tôi đặt dưới đầu
khi đêm phá tán xong bầy chó hú và trên những ngọn núi bước
đám lính canh
 
 
---------------
* Yehuda Amichai (1924-2000), nhà thơ Israel. Xin xem về cuộc đời và tác phẩm trên Tiền Vệ. Bài này tựa đề viết bằng Pháp văn trong nguyên tác. (ND).
 
 

MỘT TẤM GƯƠNG LƯỚT QUA TRÊN ĐƯỜNG

                              Để tưởng niệm Léopold Fyrmand
 
1
 
Người ta bảo –
rằng nghệ thuật là một tấm gương
dạo chơi trên đường
 
nó trung thực phản ánh thực tại
tấm gương kỳ dị có hai chân này
 
và bởi thế chúng ta biết rõ
những nơi dơ dáy của Apulée*
Luân-đôn Thời Trung cổ
những khoảng đất không canh tác của Don Quichotte
những chuyến đi đầy tình cảm
và những chuyến du hành trong sâu thẳm rừng rú
 
đôi khi nghệ thuật phản ánh những ảo ảnh
một hồng đông Bắc cực
những ngất ngây của những kẻ được kích thích
những yến tiệc của thần linh
những vực thẳm
 
nó cũng đấu tranh chống lại lịch sử
với những may rủi khác nhau
 
nó mưu toan thuần hóa lịch sử
đem lại cho lịch sử một ý nghĩa nhân đạo
 
bởi đó có những vũ điệu ba-lê
những ban hòa tấu
những bức tranh như sống động
những cuốn tiểu thuyết rất phức tạp
những bài thơ
 
      trong một tấm khung thiếp vàng nặng nề
      Léonidas** xuất huyết màu son thắm
 
      dàn đồng ca trong đại nhạc kịch của Beethoven
      ca ngợi tự do một cách đầy tin tưởng
 
      Ông Hoàng bị thương trong trận chiến ở sông Moskova
      ngã xuống đất hoài
      không thôi
 
      nghệ thuật ra sức biến thành cao quý
      kéo lên tới một mức cao hơn
      bằng tiếng ca điệu vũ lời nói
 
 
2
 
này đây một điệu vũ ba-lê
 
Svetlana sur les pointes***
vút lên không
và lơ lửng thật lâu như một áng mây bằng tuyn
được nâng đỡ với những tiếng thở dài thán phục
 
tất cả chuyện này xảy ra trong lâu đài mùa đông
ngục thất đời xưa của gánh xiếc
mới hôm qua còn đen đặc những người
được triệu tới để tận diệt
 
vũ điệu ba-lê trên đá băng –
những cuộc trở về muôn thủa
cái vòng mở ra
khép lại
 
đôi song ca thông thường nạn nhân và tay đao phủ
người thiếu nữ cuối cùng của dòng họ Romanov
khiêu vũ với một chàng tchékiste**** đẹp trai
 
rạp xiếc –
 
những tiếng chuông nhỏ
 
đáy cùng không khí
 
nhà làm xảo thuật Nieizvestnyi
trong diễn mục của ông
những con thú vừa bước vào
những con thú (đứng ngoài vòng chính trị) 
 
công chúng vỗ tay
như theo thói quen vì sợ
và bởi vì ấy là điều – không thể được
 
những con sư tử biển buồn chán một cách hiển nhiên
 
những con gấu Bắc cực đem lai chút hơi ấm của con người
 
 
-----------------------
* Apulée: nhà văn tiếng La-tinh (125 - khoảng 180), tác giả Con lừa vàng. Xem truyện ngắn về ông của Antonio Tabucchi đã đăng trên Tiền Vệ (Mộng của mộng [kỳ XIV: "Giấc mộng của Lucius Apulée, nhà văn và pháp sư"]).
** Léonidas: có lẽ là Léonidas I, vua thành Sparte từ 490 đến 480 trước Tây lịch. Ông là «người hùng» của Thermopyles mà ông quyết tâm bảo vệ, chống lại đạo binh của Xerxès. Ông bỏ mình ở đấy cùng với 300 quân người Sparte.
*** trên mấy đầu ngón chân, tiếng Pháp trong nguyên tác.
**** nhân viên Cheka, một trong những cơ quan Mật vụ đầu tiên của Nga Sô-viết. (ND)
 
 

NHỮNG QUYỂN NHẬT CHÚ CỦA ÔNG COGITO

 
1
 
Ông Cogito
lâu lâu lại lật giở
những quyển nhật chú bỏ túi
 
lúc đó ông chuẩn bị
như trên một con tàu trắng lớn
ở thời quá khứ đã xác định
 
ở giới hạn xa xăm của chân trời
của con người không sao hiểu được của ông
 
      ông tự thấy chính mình
      trên cái nền xa xôi
      của một bức tranh tăm tối
 
Ông Cogito
có cảm giác
như lúc ấy đang gặp
một người nào đó chết đã từ lâu
hay đang tò mò đọc
nhật ký riêng tư của ai đó
 
không khoan khoái gì ông nhận thấy
cái tất yếu khôn nguôi của những lần trái đất xoay vần
sự kế tục của các mùa
tiếng tích tắc đồng hồ thật tàn nhẫn
 
và đường chấm chấm chấm
thoáng qua
của chính cuộc đời ông
 
vào ngày đáng ghi nhớ này
(ngày lễ của người ông yêu)
mặt trời mọc
đúng sáu giờ băm lăm
và lặn vào tám giờ hăm mốt
 
trong lúc đó kỷ niệm
về người thiếu nữ ấy
 
      thật mịt mờ
      loáng thoáng cái tên
      màu mắt
      những vết tàn nhang
      đôi bàn tay thon mịn
      tiếng cười của nàng
      đôi khi không đúng chỗ
 
      cuốn nhật chú cho ông hay một cách chính xác
      rằng trăng khi ấy là trăng khuyết
      đó là một điều đích xác
      nhưng nàng nàng là ai còn ông lúc đó
      và khu vườn và những trái anh đào
 
 
2
 
Những ghi chú cá nhân của ông
khiến Ông Cogito lo ngại
 
Aline.
Gặp gỡ Léopold.
Trình đơn xin thông hành.
 
nhưng khi xuống dưới thấp nữa
nơi những xó xỉnh của ý thức ông
ông Cogito
khám phá ra những tháng
không có lấy một ghi chú nào
nhỏ nhất
dẫu cũng tầm thường như
– đưa quần áo đi giặt
– mua tỏi tóc tiên
 
không một dấu hiệu nào
không một số điện thoại nào
không một địa chỉ nào
 
Ông Cogito biết
cái im lặng
bất tường này
có nghĩa gì
 
ông rành rẽ
trọng lượng
của những trang giấy
đui mù
đã nhạt màu
 
có lẽ ông đã có thể hủy cái trống rỗng này đi
ghi vào đó bất cứ cái gì
 
Ông Cogito
sùng kính bảo tồn
những cuốn sổ nhật chú màu xám-xanh
 
 
– như những đui đạn đã bắn
 
– như đồ thị của một căn bệnh phi lý
 
– như nhật ký của một cuộc tận hủy
 
 

GỬI CZESLAW MILOSZ*

 
1
 
Ở bên trên vịnh San Francisco – ánh sáng các vì sao
buổi sớm mai sương mù phân chia thế giới thành hai phần
và người ta không biết phần nào tốt hơn quan trọng hơn và phần nào không được tốt bằng
cả trong lúc thì thào người ta vẫn không có quyền nói rằng hai phần đều y hệt như nhau
 
 
2
 
Các thiên thần từ trời cao xuống
Alléluia
khi ông vạch
những chữ của ông
những chữ nghiêng
trong bầu xanh tan loãng
 
 
------------------------
* Xin đọc tiểu sử và tác phẩm của Czesław Miłosz trên Tiền Vệ. (ND).
 
 

ROVIGO*

 
Trạm ngừng ROVIGO. Những liên tưởng mù mờ. Bi kịch của Goethe
hay ấy của Byron. Tôi đi qua Rovigo
cả bao lần và đúng vào cái lần thứ bao nhiêu ấy tôi đã hiểu
rằng ở cuốn địa lý bên trong tôi đó là một nơi
đặc biệt dẫu rằng cố nhiên là nó đã nhường vị thứ
cho Florence. Từ trước tới nay tôi không bao giờ đặt chân tới nó
và Rovigo bao giờ cũng lại gần hoặc lùi xa phía sau
 
Tôi lúc ấy sống bằng tình yêu đối với Altichiero
của tiểu giáo đường San Giorgio tại Padoue và đối với Ferrare
mà tôi yêu mến là vì nó nhắc tôi nhớ tới
thành phố quê hương của tôi đã bị cướp mắt**. Tôi đã sống như bị phân thây
giữa quá khứ và khoảnh khắc hiện tại
nhiều lần chịu khổ hình vì các nơi chốn và thời gian
 
Thế nhưng hạnh phúc đầy tin tưởng
rằng sự hy sinh sẽ không uổng phí
Rovigo không nổi bật vì một điều gì hết ấy là
một kiệt tác phẩm của sự tầm thường phố xá thẳng nhà cửa xấu
thế tuy nhiên trước khi tới thành phố hoặc sau khi rời (tùy tàu chạy)
một ngọn núi trồi lên từ đồng bằng – bị cắt ngang với một hầm đá đỏ
tựa một miếng thịt muối ngày lễ bao quanh bằng thứ cải lá quăn
và không có gì khác hết để làm vui hay buồn khiến con mắt phân vân
 
Vậy thời ấy là một thành phố của máu và của đá – giống như những thành phố khác
một thành phố mà hôm qua có ai đó đã chết có ai đó đã mất trí
có ai đó đã ho một cách tuyệt vọng suốt đêm
 
VỚI ÂM THANH CỦA NHỮNG TIẾNG CHUÔNG NÀO MÀ MI TRỖI DẬY, HỠI ROVIGO
 
Bị thu nhỏ vào một trạm ngừng vào một dấu phẩy vào một chữ bị gạch bỏ
chẳng là gì khác hơn là trạm tạm ngừng – arrivi – partenze***
 
vậy thời tại sao ta lại đang nghĩ tới mi
     Rovigo         Rovigo
 
 
------------------
* Rovigo: thành phố thuộc Vénétie, cựu lãnh thổ của cộng hòa Venise, ở đông bắc nước Ý (tức là nước Italy đối với tiếng «phía» Bắc VN hiện nay), nhượng cho nước Áo (tiếng phía Bắc VN..:?) năm 1797 rồi bị Ý sáp nhập năm 1866.
** Theo ghi chú của dịch giả Jacques Burko, Z. Herbert quê ở thành phố Lwów, bị ai đó lấy mất của Ba-lan vào năm 1945.
*** Tiếng Ý: – đến – đi. (ND).
 
 
ZBIGNIEW HERBERT (1924-1998) là một nhà thơ Ba-lan được biết tới nhiều trên thế giới. Ông cũng là kịch tác gia và tác giả những tùy bút về nghệ thuật. Bài đầu dịch từ Ô. Cogito, theo bản Anh văn của John và Bogdana Carpenter. Các bài sau dịch từ các tập thơ về cuối đời của Herbert và dựa theo bản Pháp văn của Jacques Burko trong Zbigniew Herbert, Élégie pour le départ suivi de Rovigo (nhà xuất bản Le Passeur-Cecofop, Nantes, Pháp, 2000). Ông Cogito là một “nhân vật” (có thể là chính tác giả) xuất hiện đều đều trên nhiều thi phẩm của Zbigniew Herbert. (ND)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021