thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [I]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
PENTTI HOLAPPA
(1927~)
 
Về tác giả và bản dịch:
 
Pentti (Vihtori) Holappa sinh ngày 11.8.1927 tại Ylikiiminki, giữa những cánh rừng lớn miền Oulu, ở phía Bắc Phần-lan. Sau khi mãn học kỳ bắt buộc vào năm 12 tuổi, ông bắt đầu mưu sinh bằng đủ mọi nghề, trong đó có chạy giấy, công nhân, nhân viên bưu chính, coi kho, bán sách (mới & cũ), nhà quảng cáo, nhà xã luận cho tờ Helsingen Sanomat, và... Bộ trưởng Bộ Văn Hóa trong một thời gian ngắn (1972).
 
Ông khởi sự làm thơ từ năm 13 tuổi, tự học tiếng Thụy-điển và tiếng Anh, rồi học tiếng Pháp khi có dịp qua Pháp, và đã dịch thơ Charles Baudelaire, Pierre Reverdy và Francis Ponge, cũng như tác phẩm của Claude Simon, Robbe-Grillet, Le Clézio và Nathalie Sarraute...
 
Cho tới nay, ông đã cho xuất bản 14 tập thơ, 5 cuốn tiểu thuyết (cuốn mới nhất in năm 1996), 2 tập truyện ngắn, nhiều kịch bản, tiểu luận, bài báo chính trị và phê bình văn học. Tác phẩm của ông đã được phiên dịch ra khoảng mười thứ tiếng.
 
Ngoài một bài dài dịch theo bản Pháp văn của Waly Faye và Lucie Albertini, bản dịch tiếng Việt chủ yếu dựa vào bản dịch Pháp văn của Gabriel Rebourcet: Pentti Holappa, Les mots longs, Poèmes 1950-1994 (Poésie/ Gallimard, Paris, 1997). Trong tuyển tập này dịch giả bản Pháp văn đã lựa, dịch 99 bài trích từ 14 tập thơ của Pentti Holappa, viết lời tựa và ghi chú về tác giả và tác phẩm mà tôi đã mượn để viết đôi lời như trên.
 
Cũng theo dịch giả Gabriel Rebourcet, Pentti Holappa đã bày tỏ trong thơ sự đồng tính luyến ái của mình một cách rất minh bạch, ít ra là từ nửa sau các thi phẩm của ông, từ 1979.
 
Trong bản dịch tiếng Việt, tôi đã sử dụng từ «em» ở một số bài mà lòng rất áy náy. Quả thực, tôi không rõ những người đồng tính yêu nhau gọi nhau bằng gì trong tiếng Việt. Xa quê hương bất đắc dĩ cũng có đôi điều bất tiện. Mong bạn đọc lượng thứ và vui lòng sửa lại theo sự hiểu biết của mình.
 
Lộ-trấn, 14.3.1998
DC.
 
Tuyển tập thơ của Pentti Holappa, tái xuất hiện trên Tiền Vệ lần này, có thêm một số bài mới dịch từ tập thơ thứ mười lăm của Pentti Holappa: N’ aie pas peur (Đừng sợ), nxb. Atelier La Feugraie, 2001, theo bản Pháp văn của cùng dịch giả Gabriel Rebourcet. Riêng hai bài áp chót, tôi có tham khảo các bản Anh văn của Herbert Lomas trong Pentti Holappa, A Tenant Here (The Dedalus Press, 1999) vả của Anselm Hollo trong Gardens of life and death Contents 2/98 Home.
 
Mời bạn đọc xem thêm Bo Carpelan, nhà thơ Phần-lan viết bằng tiếng Thụy-điển đã đăng trên Tiền Vệ.
 
(DC., 13.12.2005)
 
 
TUYỂN TẬP THƠ [I]
 
 

Những kẻ hát rong*

 
Trong cây cối trên đại lộ, trong những cây ti-dơn**
gió tạm ngừng ban chiều, hơi khí mịt mờ.
Hỡi những kẻ hát rong, những kẻ tật nguyền tuyệt vời, hãy hòa hợp
cung đàn của các người dưới những cánh cổng lớn tăm tối
và cất lên, rầu buồn, bằng giọng hát khan khan:
 
Xuân hỡi, mùa xuân.
Trong ánh mắt nàng có những ánh mờ của hoàng hôn,
trong ánh mắt nàng có đêm tối, đêm tối.
Nhưng nàng đã cách xa,
nàng đã rời khỏi nơi này.
Dưới gót chân nàng sa mù lấp lánh,
lộng lẫy, con tim buồn phiền, sa mù.
Trong những đêm màu đen tối như than của mùa xuân tới sớm
trông chờ đã nảy sinh, đã chín
mãi tới mộng mị và sợ hãi, mỏi mệt —
mãi tới cây cung lớn cong oằn của mũi tên đã bay đi.
Thèm khát, luyến tiếc mộng mơ, và mộng mơ nơi sáng ngời vì sao của luyến tiếc.
 
Nàng đã xa, đã vắng, nàng đã đi rồi.
Trong bóng tối dưới những cây ti-dơn.
Ta chỉ còn lại nỗi nhớ nhung, luyến tiếc,
kỷ niệm của mùa thu sẽ tới và đã qua,
và những đêm, nồng nhiệt, tắt dần trong trống rỗng.
 
Những kẻ hát rong dưới những cánh cổng lớn,
những người anh em dưới những cây ti-dơn của các đại lộ,
dưới bước chân họ sa mù lấp lánh,
lộng lẫy.
 
---------------------
* Les troubadours: thi sĩ (hát rong) thời Trung cổ ở Pháp.
** tilleul: cây điền-ma, theo từ điển Thanh Nghị. (ND.)
 
 

Hình ảnh

 
Những bức vách toàn xám và những khung cửa sổ.
Chẳng có gì diễn ra trên sân khấu:
một người đàn bà dưới ngọn đèn, đơn độc,
một chiếc bóng gầy gò vấp phải bức vách.
 
Không ai đặt chân lên ván sàn
từ trái qua phải, không ai.
Hình bóng của bài thơ bên trên dãy đèn rọi
là câm nín.
 
Tấm khăn choàng im lặng trên đôi vai một người đàn bà,
ở hậu cảnh một cánh cửa với những góc đen
tựa một con mắt,
mở ra khi màn hạ.
 
Các bài trên trích từ:
Một tên hề trong hành lang của những tấm gương (1950)
 
 

Từ bến bờ

 
Gieo rắc những ân huệ một đám mây bay
kế đến kẻ đưa tin: một con ó.
Hướng tới bờ chỉ có những hải đảo rên siết lúc họ khởi hành,
khi ngọn gió dưới giá đông sững lại, khóc thương cho số phần họ.
 
                  Và cái chết của đám mây
                  và chung cuộc của con ó
                  và tiếng kêu cuối cùng
                  là một khởi nguyên vừa đủ.
 
Những ánh mờ của phương Đông không nhuộm vàng những dòng nước bên bờ,
và những làn ánh sáng của phương Tây không bao phủ con người nhìn ngắm.
Duy có tiếng hát của những người ra đi còn vang vọng mãi tới tương lai của bến bờ:
 
Vĩnh biệt, kẻ lạ xa với những khuôn mặt bị vùi lấp.
 
 

Bài ngợi ca tổ quốc

 
Ngươi đỏ như máu trong chiếc chén bạc,
ngươi đen: thế kỷ của tuyệt vọng,
dòng sông nơi đầm lầy, bùn đọng trên trái tim.
 
Các vì sao biến đi trên những tầng trời cao,
cạn kiệt vì bóng tối của im lặng.
Người cày bước tới một bước nặng nề
và đoán chừng ngày mai thời buổi sẽ mãn.
 
Những căn nhà trong cảnh sắc tựa những chiếc nấm,
một tiếng kêu từ những kho lương thực cất lên.
Những thây ma mục rã ngoài nghĩa địa,
nơi nảy mầm một thảm rêu trơn.
 
Nhưng người cày và trong các kho lương thực những người đau yếu,
đây khúc ca cho miền đất này,
được tra thêm sự ngạo mạn như một mũi tên
đây khúc ca cho miền đất này nơi mọi người sinh ra trong đau đớn,
trong đọa đày như loài thú sinh ra, và không hay biết gì hết,
đui mù như những kẻ khất thực lên cơn sốt dịch hạch
ngu ngốc, bởi sinh ra để một ngày lìa bỏ hết.
 
Dời sức mạnh của tuyệt vọng tới ngày mai
mà buổi hừng đông nặng nề đã đuổi kịp:
một khúc ca cho tổ quốc, một khúc ca cho miền đất này
miền đất đã bảo toàn thật kỹ những điều mơ mộng thô sơ của chúng ta.
 
 

Đứa con của đất

 
Chốn quê hương của mi đã trả thù thật tàn nhẫn: cả mẹ mi lẫn chị mi cũng chẳng còn nhớ được mi, những kẻ ấy đã nhìn mi ra đi và khiêm tốn cúi mình tưởng đã nuôi nấng đứa con của một vì vua, là vì chuyện ra đi của một người con vua là không thể tránh, như nấm mồ là chung cuộc của những kẻ tầm thường.
 
Họ, những kẻ tầm thường, những kẻ có phước, họ đã quên mi. Mi đã biết thế, khi mi còn nô đùa ở mép trời và trên cung trăng. Mi đã biết rằng cái ngày hãi hùng này, cái buổi mai ấy sẽ cất lên trên một sa mạc, hôm nay mi phải nhận lãnh trách nhiệm về sự can trường của mi.
 
Hôm nay đứa con vua phải nhận lãnh trách nhiệm về tấm áo choàng của mình, là vì bước từ một ngưỡng cửa này qua ngưỡng cửa khác y thấy mình được mời vào, ngồi trên hàng ghế gần cửa, người ta hỏi y kẻ xa lạ từ đâu tới, và khi nào thì kẻ ấy đi, khi nào kẻ ấy lại trở lại quê hương mình.
 
Hôm nay phải lắng nghe, phải nhìn ngắm những người trong nhà tụ tập trong gian phòng lớn lúc chiều tới, và thuật lại câu truyện xưa của những kẻ anh hùng đã mất, và tất cả những cái tên mới nọ, bí ẩn như tên của các vị thiên sứ và trẻ nhỏ.
 
Hôm nay kẻ sướt mướt phải lên đường và đi xuống con hẻm dài dặc hai bên viền những ngôi nhà với những chiếc mái nhỏ nhô ra trước mặt màu xám, với đường viền trên đầu cột màu xám, những ngôi nhà yêu quý ngồi chồm hổm, sẵn sàng nhảy vọt, ở lại đằng sau kẻ đào tẩu. Hôm nay phải mang theo tiếng kêu này như một gánh đá nặng nề ở nơi hoang địa để xây dựng một nấm mồ và, dù là người tội phạm hay kẻ què quặt, lại trở thành một đứa trẻ với khuôn mặt trầm lặng.
 
Các bài trên trích từ: Đứa con của đất (1953)
 
 

Phép thánh

 
Miếng bánh hằng ngày và tình ái
là nỗi muộn phiền của chúng ta. Mặt trời của chúng ta
không làm sinh sôi nẩy nở mặt đường nhựa trên những ruộng đồng,
lối đi nhỏ hẹp vừa xe chạy. Dễ là khó,
cái vĩnh cửu bị quên đi mau chóng.
 
Và ái tình: vui thú ngày đầu tiên,
đớn đau ngày thứ nhì, và ngày thứ ba nỗi hiu quạnh.
Ánh mắt một kẻ đi qua làm bỏng cháy tâm hồn
lặp lại điều này: ái tình qua trên đường,
lối đi nhỏ hẹp vừa xe chạy.
 
                                       Bao lâu mồ hôi còn mặn,
những giọt nước mắt vẫn chua cay,
cơn đói của thể xác chúng ta vẫn có thật từng ngày
và buồn phiền cũng như vui thú của nó vẫn lạc lõng,
bị mạt nhạy nghiến ngấu, và rỉ sét vấy dơ.
 
 

Buổi chiều bị dằn vặt

 
Từ sáng tới chiều muộn mưa bày chuyện hoang đường.
Tôi không lắng nghe, bây giờ im lặng đã trở lại.
Cây cối, các bạn tôi, đều câm nín
rong chơi trong quá khứ:
như rốt cuộc tâm hồn luôn luôn riết róng thả lỏng cho những kỷ niệm,
hết hạt ngọc này tới hạt ngọc khác, chúng giải thoát cơn mưa.
Tôi không thấy một ai, ở mãi xa tít tắp,
và thật vô lý như tôi:
trái tim tôi mở rộng đã sẵn sàng
bước theo chiếc bóng đầu tiên hết lướt qua.
 
Các bài trên trích từ: Kề bên (1957)
 
 

Những kẻ trần truồng và những kẻ sống

 
Ở những nơi hoang vắng mi dám thì thầm với mi:
không ai lại mặc cả cuộc sống của mình,
ta sẽ không tách rời khỏi cái toàn bộ này,
ta sẽ không khoác áo của những kẻ tuẫn giáo.
 
Stêphan đã bị ném đá,
những người mẹ lẻ loi cô độc đã bị dìm nơi đầm lầy,
trên hết mọi lục địa có những trại tập trung
và, mãi mãi, vẫn còn những kẻ bị đóng đinh trên thập giá.
 
Ở mỗi ngã tư đường mi đã đưa bàn tay mở,
mi đã tìm kiếm những con mắt khiến mi quên đi ánh mắt mi,
mi đã phóng ra trước mặt mi những ý nghĩ, những lời nói,
trông chờ tiếng dội
— tất cả vẫn thật hoài công.
 
Mi chạy và đất lui ra dưới bước chân mi,
chợ búa khô cạn.
Những chiếc bóng mờ dần,
và mi vẫn trần truồng
trước bản thân mi, là vì mi chỉ có đối với bản thân mi.
 
Ở xứ mi, những người lính lạ xa đã chiếm chỗ,
người ta tàn sát những người thân của mi, tiếng mẹ đẻ của mi bị bán rẻ.
 
Mi rành rẽ nơi tra tấn
và thân xác mi biết tên những kẻ thù của mi.
 
Người mù không thấy, kẻ điếc không nghe,
tên bạo chúa không làm chủ những thứ thất thường của chính hắn.
 
Kẻ tự hủy nhiều thêm giữa đám đông
và ngây ngô giữ chức vụ kẻ hành quyết.
 
Những cánh chim thiên di bị vướng mắc trong những mạng lưới chăng ra,
gió đang bay chìm đắm,
và không ai thoát khỏi thực tại.
 
Mi đứng trước những công thự
và mi công khai đáp trả những vấn nạn hàm hồ.
Đường phố không thể biến đi,
nhà cửa cũng không thể nhúc nhích khỏi nền móng,
ánh mắt yên tịnh nhìn thấy tận chỗ thâm sâu nhất của những nơi trú ngụ.
Những kẻ nhạo báng vẫn tiếp tục nhạo báng thường hơn,
gần mi hơn
và cuối cùng chúng còn lại.
 
Rồi một buổi tối
một bàn tay sẽ đặt lên vai mi.
 
 

Một người trên mái nhà

 
Bên trên thành phố những ống khói lò sưởi phủ nhiễu đen
những chiếc bóng từ trên mái nhà lao xuống
và những con hải âu la ó
bầu trời nám cháy vì nắng tan rã
 
Trên nóc mái một người đàn ông chơi trò leo dây
không có dây không sào giữ thăng bằng và không một suy tưởng
một con chim vọt ra từ tay y
và gió từ trán y
ở bên dưới người ta nhìn y, ghê rợn
người ta kêu y hãy xuống thang máy
từ bên trên có tiếng đáp các người hãy cầu nguyện cho tôi ở dưới thế này.
Thế rồi bình thản người kia bước một bước vào khoảng không
và như thế nhẹ nhàng tiến về phía biển
 
Giây lát kinh ngạc qua rồi
người ta kêu lên với tên ngụy mạo
hãy ngừng lại!
 
Các bài trên trích từ:
Hãy nhìn con mắt các người (1959)
 
 

Rễ

 
Mạng lưới rắn chắc của những chiếc rễ bao trùm đất. Bò lan, với những khớp nối mạnh mẽ và những bờ ót sáng loáng, chúng vọt ra từ đám than bùn rồi lao vào kẽ hở của tảng đá núi, vào những lớp nứt của đống đất đá lở. Từ bờ phía Nam tới đám cây ranh giới cực Bắc, ở Laponie, chúng nối kết lớp đất mịn với bệ đá cứng. Về phía mình, biển hút những chất nổi trôi. Mưa và cả sa mù dày đặc nữa cuốn hút đất cặn, bùn lỏng và cát, nhưng những chiếc rễ siết chặt lấy đất và buộc đất thủy chung. Và rừng đóng trên đó.
 
Cũng chưa được bao lâu các loài thú đã trỗi dậy từ những mình rễ của chúng, chúng bắt đầu bò, bay, bơi. Có thứ còn bước đi nữa.
 
Tôi nhấc một bàn chân, rồi bàn chân nữa trên lối mòn, tôi nhìn ngắm. Đôi chân đã đến lúc phải ngừng lại. Đôi chân thăm dò mặt đất đầy ắp những biến cố im lìm. Đôi chân hiểu. Tôi trượt chân vào giữa những mình rễ, tôi giật chúng lên ngay một lượt.
 
Mười lăm phút đã trôi qua, đây là chiếc máy bay. Họ ngồi, cột lại bằng dây đai an toàn, tôi ở giữa những người khác. Tôi tận tình lược thử những điều thiếu kinh nghiệm của mình. Thế là tôi lại lao mình vào và ở lại trong lòng sương mù dày đặc, giữa đám cây cối. Nước chảy trong tôi, nước lại dâng lên, nước đầm đìa lai láng. Một ý nghĩ cắm rễ vào da thịt, cuộc sống.
 
Trích từ: Thi tuyển (1977)
 
 

1

 
Thi sĩ François Villon đã không vô cớ
lẩn tránh cái chết. Cái chết đã tới
lấy mất những bài thơ mà ông để lại đó,
chiếm luôn cả thể xác lẫn linh hồn ông,
nếu có khi nào nó tìm ra.
 
Tình cờ tôi nhắc tới một trong những người quá cố ấy
(một kẻ từng sống một cuộc đời khùng điên)
thì kìa ông ta đột nhiên ngồi trước mặt tôi
không khác gì chính bản thân ông với đôi mắt chòm râu mái tóc
ông ta chuyện trò ông ta nói sự thật sống sượng với cái lưỡi xương xẩu
 
Ta không sống vô ích khi để lại sau mình
một dấu vết trên trang giấy, hay một cái tên trong lịch sử.
Biết bao người khác đã trở thành kẻ phản bội hay sát nhân
thế tuy nhiên chẳng còn lấy một kỷ niệm nào hết
cả đến trong biên bản của một tòa án cũng không.
 
Bớ những anh lớn cai trị người ta và những tên đạo tặc,
bạo chúa và các nhà thuyết giáo giả nhân giả nghĩa khác,
ấy cách thức các nhà thơ báo thù
vì đã phải liều mạng sống
và tự do yêu quý
khi chỉ đích danh mọi sự.
Các nhà thơ có đó, và không ai có thể khiến họ
biến đi, cả bằng cách lãng quên.
 
 

15

 
Một buổi sáng mùa đông trong một thành phố thời Trung cổ. Trời hãy còn tối. Trong những đường phố nhỏ hẹp các bà già, với khăn quàng trên đầu, đi giầy ống cao, gợi ra tuyết. Một cánh cửa ra vào hé mở, nửa chừng, khung cửa sổ nhìn ra trống rỗng. Ngôi nhà nghiêng về một trong mấy góc, tìm kiếm chút nghỉ ngơi, để thời gian trôi qua những kẽ hở. Chim chóc đã làm tổ dưới bậc thềm từ thế kỷ trước, một tiếng ệnh oạng ngoan ngoãn và bình yên rơi từ máng xối xuống mãi mặt đất, phần kế tục ngoan ngoãn, đều đặn và bình yên từ năm này qua năm khác. Bóng của Đế quốc vươn tới mãi bóng của nước Cộng hòa. Huy hiệu xã hội chủ nghĩa đeo trên vách. Các bà già thì thào giữa họ với nhau.
 
 

25

 
Cả hai chúng tôi ngồi trong gian phòng lớn của một tiệm ăn. Vòng sao gọn gàng thứ tự trên những cây đèn nhiều ngọn vàng úa. Những người hầu bàn đi đi lại lại, bước chân kéo lê, lướt dọc theo những tấm thảm dầy. Dưới kia trong khu bếp có tiếng ly lanh tanh, hay một tiếng cười.
 
Lẩn khuất, dưới khung cửa sổ, một bể nước rì rầm. Thảm cỏ yên hàn chạy xuống mãi tận đường phố. Một vài con thuyền gãy mất cột buồm lắc lư dọc theo bến. Trên bờ đối diện mặt trời khiến đỏ rực những đám cây chi chít lá rậm rạp, một vầng mặt trời mùa thu mà ta đoán biết mặc dù không thấy. Vầng mặt trời ấy đã rời chân trời. Trăng nhô bờ vai giữa đám cành lá. Chưa đầy mươi phút đã nẩy vọt lên rồi phơi bụng lướt thật mau tới đỉnh trời.
 
Một người đàn ông bước ba bước trước và một người đàn bà theo sau, đi dọc theo bãi biển và nhìn ngắm biển lặng. Một người đàn ông khác đơn độc vuốt ve con chó. Xe hơi, để đèn rọi, đi từ bên này qua bên kia tầm mắt nhìn thấy, không nghe một tiếng động.
 
Tấm vải nền khít khao những mạng nhện của vô thời gian xâm nhập rồi bao phủ cảnh hỗn độn. Tất cả chúng tôi đều biết rằng không gian của các vì tinh tú đang sôi sục và biển cả đang nổi bọt nhưng mọi giác quan của chúng tôi ngưng lại khoảnh khắc đó. Những luồng sáng ánh bạc của vĩnh cửu đổ xuống ào ào. Người hầu bàn mang giấy tính tiền lại.
 
 

29

 
Tình yêu phát biểu dưới bao dáng vẻ.
Một chuyến tàu thắp đèn sáng lặng lẽ băng qua da thịt của đêm tối,
bầu trời khum lại trước thế giới vô hình,
đất ngậm nước hổn hển không ngơi,
các vì sao run rẩy,
một thành phố rực sáng ở trung tâm nhạy cảm của tâm hồn.
Một tiếng kêu đơn độc bị giam hãm sau hàm răng,
nó quay cuồng lọt xuống cổ họng rồi giựt đứt các tế bào
trong cơn lốc cuốn, cho đến khi phát nổ.
Kế đó, trời mưa như trong không gian của hành tinh,
bụi cát, im lặng.
 
 

34

 
Con người ấy có lẽ cũng đã muốn trở thành một chốn ở ân cần tiếp đón,
nơi tối đến người ta nói đủ mọi thứ tiếng,
nhưng trong hồn ông nỗi đớn đau đã trở lại
sáng sáng, khi ông thức dậy trong thân xác.
Ông đã không bao giờ hiểu
rằng địa chỉ của ông là lầm lộn.
Da ông bắt đầu co,
xương ông rút lại.
Ông thất vọng,
gần như rớt nước mắt, ông già đó,
và chẳng hề nghĩ tới nói lớn cho mọi người biết:
ta đang du hành,
ta đã dứt khoát thay đổi địa chỉ.
Đáng thương thay.
Ai có thể nói sự thật cho con người ấy.
Cả đến những tiếng lắp bắp của chính ông ông cũng chẳng buồn nghe.
 
 

35

 
Những tia gamma bắn phá các bức vách và kính cửa.
Vũ trụ không ngừng sinh sôi.
Cuộc bùng nổ tiếp tục. Im lặng khua ầm ĩ nơi các hành lang,
đợt sóng mạnh mẽ rít qua những khớp nối của ngôi nhà.
Bên ngoài trời giương to con mắt xanh
bất chấp dưới vòm cao những đại lục sụp đổ.
Chân trời lung lay.
Tôi thuần hóa cơn bão rồ dại này:
hai cây gỗ bắt tréo
và đây là nền móng của một con đê chận sóng.
Không tin tưởng ở đó tôi lần mò tìm một cây kim lớn
để đâm nó vào cây cột trong suốt.
Ở đâu đó chìm trong ký ức tôi có một ánh mắt ẩn nấp,
một câu nói thân tình, và ở giữa những dấu tích còn lại này
tôi tạo cho mình một ảo tưởng đa dạng:
ảo tưởng ấy có ít nhất bốn mặt nhỏ, nếu không phải là bốn định mệnh,
từ đấy mở ra một cánh cửa, những người bạn bước vào,
họ ngồi trong những căn buồng của tim tôi.
Tôi sẽ nói với họ rằng nơi này không được chắc chăn,
đây chỉ là một chỗ ở thuê mướn
mà người ta không còn chăm sóc đã từ lâu.
Địa chỉ của tôi không phải là địa chỉ này
tôi đã trá hình như thể tôi còn sống.
Tôi đánh lừa bản thân tôi, tôi cảm thấy đau đớn và tôi chờ đợi
hơi ấm của một làn da áp vào da tôi.
 
 

37

 
Tôi hít thở quá khứ trên những trang sách cũ,
khói trong ngôn ngữ chúng ta bao giờ cũng tỏa mạnh,
những đêm canh thức dài lâu trong một ngôi nhà thấp.
 
Kiệt lực vì sanh nở nhiều lần
một phụ nữ, già trước tuổi, đã dừng lại trước cánh cửa, bà lắng tai.
Trên trang giấy các từ nói với tiếng nói của nhà thuyết giáo
về cuộc đời quá ngắn ngủi, về cái chết hằng ngày.
Rồi người ta khép cuốn Sách lại.
Lúc đó người đàn bà nhớ tới những chữ nhiệm mầu,
hối thúc những bài hát xưa trở lại vang rền trước lò sưởi bên mình.
Bà thâu lượm chúng trong những nếp gấp của chiếc áo,
bà tự mỉm cười với chính mình, và để kết thúc đã xếp
một đóa hoa xanh vào giữa những trang sách,
rồi một giọt nước mắt dịu dàng, ở chương ngày Phán xét cuối cùng.
 
Các bài trên trích từ: Năm mươi hai (1979)
 
 

* * *

 
Nàng ngồi, lõa lồ, trước tấm gương, nàng chải đầu. Tiếng sa-bô* vang vang ngoài sân, cây đuốc bốc khói, tỏa ra một mùi dầu hắc nồng nặc. Người tình của nàng đã trở lại đêm qua, bằng mấy ngón tay cứng rắn chàng đã bấu véo bắp vế nàng, để lại những vết bầm tím chung quanh thân trên của nàng, chàng đã thọc sâu nắm đấm xương xẩu của chàng cả vào bụng nàng. Không còn lấy một xó xỉnh duy nhất nào nguyên vẹn trên toàn thân nàng. Chàng sẽ còn tới bao nhiêu lần nữa, nàng tự hỏi, trước khi mang trọn vẹn ta đi? Nàng nhìn xuống, ngắm đôi cánh tay, đôi bắp đùi mình, trên đôi má nàng làn da đã trở thành đồng cỏ, và đồng cỏ một nền trời đầy sao, trời bắt đầu mưa, còn mưa và mưa nữa. Hôm sau người ta hoài công tìm kiếm nàng, người thiếu nữ trong trắng, viên hồng ngọc của cha mẹ nàng. Nàng đã lui về những chân trời khác của thực tại, từ nay nàng trở thành đàn bà và già đi, bị số mệnh ngược đãi. Nàng khuây khỏa bằng thiên văn học. Vật chất chả bao giờ mất đi. Chúng ta sinh ra, chúng ta khuất dạng bề ngoài. Sầu muộn là một vị thế cân bằng.
 
------------------
* sabots: “giày” đẽo bằng gỗ ở vùng thôn quê. (ND.)
 
 

* * *

 
Tôi viết đoạn mở đầu của một khúc ca dài
về sự tươi mát của da em, về đôi mắt em xa lạ
nơi nối kết vùng Sahara (1), hòn đảo Atlantide (2)
và cả đến nhựa thông cuộn thành những viên ngọc.
Và nếu bằng một điệu nhạc tôi kéo dài dòng ca khúc của mình
trọn vẹn hòa âm sẽ tan vỡ, bằng một vết nứt
nơi lăn lăn giọt trong trẻo của thanh xuân em.
 
-----------------
Sahara: sa mạc lớn nhất thế giới, ở châu Phi.
Atlantide: hòn đảo theo “giả thuyết” ở Đại tây dương, đã chìm xuống đáy biển. Ngay từ thời Platon, đã có nhiều chuyện “truyền kỳ” về hòn đảo này. (ND.)
 
Các bài trên trích từ: Những từ dài (1980)
 
 

Một lối mòn trong rừng

 
Em không nhận ra tôi.
Tôi bước trong em như một lối mòn trong rừng,
tôi mơ màng nghĩ tới ánh mờ của đôi bờ em đá cứng,
kết hợp tuyệt đối của bóng tối và của ánh sáng.
 
Trong những nguồn suối nơi đầm lầy với những màu rỉ sét,
không chút quanh co em nói về gan ruột mình,
em tỏa mùi hương ngây ngất của khóm rau thơm hoang dại.
 
Trong những rừng thông vàng ánh, khoảng rừng cây thấp
đầy những giống gi sẻ thật linh hoạt
chúng khiến những đóa hoa hình chuông của không khí ngân vang.
 
Những loài chồn cáo ẩn nấp trong hang hốc
bên dưới những tảng đá núi phình to, chúng
lặng lẽ đếm bước chân của những kẻ qua lại.
 
Trong những thung lũng của em như trong những nếp gấp của tứ chi em
mọc những cụm dương xỉ và thông xanh,
ý nghĩ về cái chết đã xây nhà ở đó,
dấu vết của móng nai không xóa mờ trong rêu.
 
Thế là tôi bước tới từ gốc cây đã đốn tới tảng đá núi, qua đầm lầy.
Bởi tôi thuộc mọi hình thể và mọi thời đại,
là vết chân của tổ tiên tôi cũng như của dòng dõi tôi.
 
Tôi sẽ yêu em mãi mãi, là vì người ta không thể phân cách
lối mòn với khu rừng mà không hủy hoại
lối mòn, ngay như khi rừng còn lại.
 
Em chẳng hề cần tôi. Cái cây không cần
tới tiếng hót của chim chóc trên cành lá, nhưng
như một giai điệu bướng bỉnh, tôi vẫn hát lời ngợi ca em.
 
Nơi em tôi ca ngợi chính con người.
Em đã bình định khí chất loạn cuồng của vũ trụ
để phác họa nụ cười bền vững của một buổi chiều không dứt,
gian phòng rất trọng thể của vẻ đẹp con người
mà tôi sánh với khu rừng
để chiếm đoạt em và lạc mất.
 
 

Vật chất là ngôn ngữ

 
Có ai đó đã thì thầm: Núi — và núi đã ầm ầm trỗi dậy từ đêm tối,
có ai đó đã cấp báo biển, và sóng đã như bão tố trào lên.
Tôi đã thốt tên em, nhưng em vẫn không thôi chậm trễ.
Ấy đó vật chất là ngôn ngữ. Trong chân không tuyệt đối, những hạt bụi li ti
vạch những thiên hà, và viễn ảnh một cọng cỏ,
mà tôi mơ màng nhìn ngắm. Em phấp phới
dưới ánh sáng của riêng em trong một vũ trụ khác. Em
mà tôi không biết gọi tên, cũng chẳng thể chạm tới.
 
 

Hòn đá bay

 
Bất lực, co quắp lại với bản thân,
y nhìn ra ngoài, y chỉ thấy đêm tối.
 
Không thể phân biệt được con đường của các vì sao, hay những cánh chim trắng sữa.
Với y con mắt của loài thú không nở hoa,
 
hay những vành môi căng gió, về đêm, của con người cũng thế.
Hãy để ta qua, y thở dài, nhưng cảm thấy
 
rằng trong một ánh chớp người ta đã đóng đinh y vào cây cọc
tra tấn, vào số mệnh độc nhất, vào tên y.
 
Y có khả năng suy tưởng, có tự do,
y biết, nhưng y không nhúc nhích. Chẳng bao lâu nữa
 
y không còn cảm thấy đớn đau. Y tưởng tượng
một con chim đơn độc trên một tảng đá ngầm ngoài biển,
 
y tìm cho nó một nơi trú ẩn giữa những tảng đá lớn.
Bão tố, trong y bão tố loạn cuồng.
 
Y cố gắng đứng vững
như một hòn đá cố gắng bay.
 
Nắm đấm của y bắt đầu xuyên thủng bức vách của thế giới.
 
 

Những khu vườn của Brueghel

 
Trên một con đường ở giữa một khu rừng Phần-lan một người đàn ông bước tới,
như thoát ra từ một bức tranh cổ, cái túi trên vai, mù lòa,
mò mẫm miệng hố bằng cây gậy. Tôi ngắm nhìn ông ta từ khoảng
thời gian qua, ở phía sau tay lái. Tôi đang đi mau,
ông thật chậm. Để bù trừ, ông chờ
ở chỗ rẽ của khúc quẹo và không cho tôi qua. Ông táp lấy tôi
trong đôi mắt trống rỗng, qua đường hầm của chúng, tôi đổ xuống
mãi tới thời Trung cổ, nơi một thành phố bị dịch hạch. Tôi đã cảm thấy
xông lên mùi mục nát. Sau một hàng răng ố vàng,
cửa miệng ấp úng một ngôn ngữ đã quên.
 
 

Bão ở Đan-mạch

 
Những dàn khoan dầu trôi giạt ở biển Bắc,
trên bờ biển Jutland xe cộ hú lên cảnh nguy nàn.
Thế còn loài chim biển? Đâu là xứ sở của những đôi cánh trắng,
khi đất liền biến đi và bão tố
cuốn xuống thẳm sâu những thành tầu vâ thổi tắt những ngọn đèn?
 
Trên đôi cánh, trên đôi cánh, trên đôi cánh chao đảo
con hải âu đầu đàn nghiêng mình
trong những cơn lốc cuồng loạn, chỉ đường cho những người mất ngủ.
 
 

Chuyến tầu tới tuyệt vọng

 
Trước khi chuyến tầu thắp đèn sáng cùng với trong toa
những hành khách mơ màng, nhạc êm dịu,
trước khi chuyến tầu ấy phóng vào đường hầm có tên Tuyệt vọng,
trong sườn núi
ngọn núi lao mình ra mãi tận biển cùng với bên trong là chì và
những làn hơi thủy ngân — một lúc trước đấy trên những chỏm núi
nhảy múa những băng hà xanh, một bà mẹ hôn
đứa con đang thiu thiu ngủ,  bà chỉ phớt qua nó,
người lính về phép mở khóa cài dây thắt lưng
và mỉm cười với những kỷ niệm, một nhà kinh doanh
giận dữ lướt qua mấy trang phúc trình, chỉ có một bà đã về hưu
cùng chồng bà, một chồng và vợ,
cả hai tóc ánh bạc, họ đã sẵn sàng,
tay trong tay họ ngồi, họ chờ đợi và họ nghe
máu đập trong đường gân, ngọn gió kỷ niệm
nồng nàn băng qua những nội cỏ bên trong, gió thở dài,
nhưng tiếng kêu vừa mới vọt ra từ người lái xe lửa,
leo lên toa, núi đã
vang ầm chưa từng thấy, và bóng tối đã có đó.
Mọi sự xẩy ra trong suy tưởng.
Y hiểu rằng mình đã hoài công rình rập buổi sáng,
buổi hừng đông kế đó, trông chờ những bước chân. Những bước đang rời xa,
và như thế ruổi theo tiếng vọng của tên người yêu dấu.
 
Các bài trên trích từ:
Người khách trọ dưới thế (1983)
 
 

Mục tử

 
Nhờ mùi chiếc áo len ẩm ướt của anh
tôi đã nhận ra anh, hỡi người mục tử
anh kẻ đã dẫn giắt nhà thơ mù lòa
nơi những vùng đất hoang của thời Thượng cổ.
 
Ở đây người ta mù không cần phải mắc chứng mù.
Tháng Mười gió, tháng Mười mưa,
những căn nhà lảo đảo.
Chúng tôi đi xi-nê về.
 
Trong những thước phim cuối cùng
những người tình sững lại
trong một nụ hôn chết chóc và các vì sao
mưa xuống chốn nằm của họ.
 
Ngu dại hoặc oán thù đã chẳng
phân cách họ, độc dược cũng thế
nó đã thiêu hủy tới mãi tận tro tàn
những vuốt ve mơn trớn của Roméo và Juliette.
 
Ấy chính chuyện nghịch thường của cuộc sống,
dấu tuyệt mệnh chìm trong mỗi tế bào
đã buộc họ phải tìm kiếm
sự an ủi trong cái chết.
 
Chẳng phải ý muốn con người, mà đúng ra là định mệnh
đã đánh giạt chúng ta lên cả đôi bờ
đối nghịch của dòng thời gian,
bất kể mối tình được đáp lại của chúng ta.
 
Vẻ đẹp của anh là số mệnh mà tôi thách thức.
Trong ánh lửa những bó đuốc nhựa của anh
tôi run rẩy thu thập những dấu tích của tôi
để tạo dựng một hình bóng con người.
 
Tôi tin rằng khuôn mặt màu hổ phách của anh
qua những đêm trắng kêu gọi tôi
là vì anh nhấp nháy như một thành phố thắp đèn sáng
trong tăm tối của những bến bờ Bắc cực.
 
Hướng về anh tôi chao tới chao lui không tay lái,
như xác tàu trôi giạt, suy tưởng không chỗ trú,
kẻ say rượu la cà trong đêm. Tôi lọt vào
giữa đám len nơi tấm áo ướt của anh.
 
Hỡi người mục tử, anh đừng khóc. Có một xứ
mà những người yêu nhau đôi mắt rộng mở
tan hòa vào nhau, trộn lẫn vào nhau, và trông chừng đêm tối.
 
Người ta đếm tháng ngày, chứ ai đếm những vuốt ve mơn trớn.
 
 

Phải hay không

 
Xét về điểm chủ yếu, mỗi hiện tượng có một dạng đơn giản;
củi cháy, nước đông, mọi vật chất đều tan biến,
hoặc là người yêu tôi hoặc là người không yêu tôi.
 
Những bó đuốc nhựa của người chiếu sáng qua cả đá,
tôi ẩn mình trong mơ, tuy vẫn nghe tiếng người
khi tôi biết rằng người cũng chỉ là mộng, huyễn mộng.
 
Tôi khổ sở như mọi người đều khổ
vì sự vắng mặt của người, tựa như một vết bỏng trên da thịt,
nó làm rượu tôi chua, làm thơ tôi mắc cạn.
 
Cuối cùng khi người trở lại, khi người bước xuống từ một vì sao khác,
tôi nhận ra rằng người chẳng phải trọn vẹn ở nơi này,
đằng sau người phía trước người có điều gì đó vẫn lang thang.
 
Tuy nhiên nếu như có một mệnh số thì tôi sẽ cảm tạ mênh số
là vì ngay sau khi tôi ngã xuống người đã tới, người đã thiêu đốt đôi mắt tôi,
đôi mắt từ nay đã mù lòa đối với bản thân tôi cũng như đối với mọi sự thật.
 
Nhưng người chưa yêu tôi, người không dám, chắc thế,
đủ để cho cái chết không hiện hữu, và để tôi không bao giờ trở thành cát bụi.
Tôi không đòi hỏi người một điều gì vượt quá sức mạnh của người.
 
 

Bó đuốc

 
Đêm tới, rồi tuyết cũng tới,
Dưới chỏm tuyết một ngọn núi.
Ở độ sâu một ngàn thước
dưới núi có một bó đuốc
đang cháy. Tôi muốn có nó
soi sáng cho đêm tối của tôi,
tôi muốn điều không thể,
nhất định thế.
 
 

Những kẻ chinh phục không gian

 
Ở góc một máng xối trên mái nhà bằng kẽm
chim bồ câu gầm ghì, chung thủy.
Ngôi nhà của chúng ta là pháo đài của chúng ta, chúng nói.
Không ai thấy lũ con của chúng, bị đuổi ra khỏi tổ.
Tuy nhiên cái trứng đi trước con bồ câu trưởng thành,
hay ngược lại, như ta muốn.
Thứ du đãng trong thế giới chim chóc
kẻ sống ngoài vòng pháp luật của các thành phố trong vũ trụ
tồn tại sau khoảng đời khó khăn nhất
rồi sinh sôi nẩy nở, thêm mãi, thêm mãi,
và chẳng mấy chốc cả trên những hành tinh lân cận
nó chờ đợi các phi hành gia liên hành tinh đến,
chờ mọi loài của vũ trụ và các thiên thể
đi tìm kiếm một nơi sẽ đáp xuống
các nhà kỹ sư này
những kẻ đã đánh liều sự bất tử của mình.
 
Các bài trên trích từ:
Một thành phố thắp đèn sáng trong đêm Bắc cực (1985)
 
 
(Cỏn một kỳ)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021