thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 19]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Về miền Nam...

 
 

Lại qua sông lớn, lại đi học

 

Tối hôm đó tôi ngồi hơi khuya ở một quán ven sông và khi trở về trường ngủ, tôi thấm hơi bia ngất ngưởng một chút. Hồi đó tôi đâu có thích nhậu nhẹt, nhưng đúng lúc gọi trả tiền chai bia duy nhất đã uống, một ông già ngồi uống bia bàn bên cạnh tự tiện sang ngồi cùng bàn, đưa tôi một chai 33 ướp lạnh, khề khá nói: “Qua ngó em từ nẫy, thấy cảm tình nên sang mời em uống với qua một chai...” Tôi đã từng gặp những ông già cô đơn như thế và biết rằng nếu từ chối, là họ đổi giọng: “Chú khi tui hả? Chú làm chức tước chi mà khi qua, không thèm uống...” Để mọi sự đến đó thì mệt rồi, cách hay nhất là uống một chút cho ông già nát rượu và cô đơn hài lòng, rồi kiếm cớ kiếu từ nhẹ nhàng sau.

Đêm đó tôi cạn với ông bạn già mới “bị” quen tới hai chai 33, trước khi rút lui vì tôi đang có tâm trạng rối reng, như mô tả trên. Tiếp tục dạy học, tôi sẽ bị sa lầy, lún sình ở miền Hậu giang, lún đến cổ trong vợ, bồ, con cái, nhà cửa ruộng nương. Tôi thuộc loại như các cụ bên Tàu nói: “Quả nhân hữu tật, quả nhân hiếu sắc” (Ta có tật là ham nữ sắc), chạy đâu cho thoát khỏi những cô gái xinh của miền đất trù phú và rộng lượng này. Chỉ có cách rời bỏ, trở về Sài gòn đi học toàn thời tại Đại Học. Không phải tôi quá ham bằng cấp nhưng tôi biết giá trị thực tiễn của chúng. Hơn nữa, đi học, làm một sinh viên toàn thời gian ở thành phố lớn, là một thay đổi lớn. Vui hơn làm nhà giáo tỉnh nhỏ, tất nhiên.

Tôi nghiệm thấy mọi hạnh phúc, kiểu hạnh phúc, của con người không ở trạng thái tĩnh, trường cửu. Giàu có để lên xe xuống ngựa hoài hoài, sẽ không để ý tới xe ngựa, không vui hưởng thú có chúng nữa. Cũng như có lấy được vợ đẹp, thân thể tuyệt hảo với hai vú thẳng băng xuân tình, thung lũng tình đầy cỏ êm và chất ấm, cũng chỉ háo hức được một thời gian. Khi mọi thứ đã trở thành quen thuộc, dần dần thấy chán như cơm nguội và người đàn ông dễ trở lại trạng thái các cụ bên ta ngày trước nhận xét: “Trai thấy l... lạ như quạ thấy gà con!” Hạnh phúc là có thật, nhưng nằm ở sự thay đổi, biến hoá, nhiều hơn là ở thể tĩnh, bất biến. Tôi thấu hiểu tại sao nhân vật nữ Catherine, trong Đỉnh gió hú của nhà văn Anh Emily Brontë, đã tâm sự với bà vú: “Có cho tôi lên thiên đường, tôi sẽ chán phè, sẽ gào thét cho đến khi được ném trả lại trần gian này...”

Quyết định bỏ dạy học về làm sinh viên toàn thời gian thì dễ, đối với tôi, nhưng không dễ cho gia đình. Bố mẹ tôi cùng phản đối vì lý do tài chính gia đình. Mẹ tôi nói với giọng buồn: “Con muốn học cao, mẹ cũng thích lắm, nhưng không có tiền của con hàng tháng, cả nhà làm sao sống... Tiền của anh con gửi về, con biết đó, mẹ phải trả nợ gần hết.” Ông bố tôi, tôi biết, đã cố gắng hết sức khi nhờ cô con gái thứ hai cung cấp sách giáo khoa cho ông luyện thi và thi đỗ, hình như là bằng Tiểu học hay Trung học Tráng niên, bằng cấp tối thiểu để được tiếp tục làm công chức cấp nhỏ, tuy ít lương nhưng đều đặn. Ông biết tính hai con trai đầu đều bướng bỉnh, thích gì làm đó, nên đưa ra một giải pháp thoả hiệp: “Thằng D. được phép từ chức giáo sư, nếu nó thuận học một trường có học bổng.” Giải pháp dung hoà được thông qua nhanh chóng, nhưng phá vỡ một giấc mơ nhỏ của tôi là học nhanh lấy bằng Cử nhân Triết học (học Triết để hiểu sơ sơ các cụ bên ta bên tây đã tìm kiếm được những gì và không tìm kiếm được những gì) rồi tính tiếp. Nhưng phiền một nỗi học Văn khoa không có học bổng, còn tốn tiền ghi danh, mua sách. Tôi đang lưỡng lự, không biết có nên đầu quân vào trường Quốc Gia Hành Chánh không, tốt nghiệp được làm Phó Quận trưởng, nghĩa là làm ông huyện phó, làm một chức quan nho nhỏ. Nhưng làm quan dù to hay nhỏ không phải là lý tưởng của tôi, vốn ưa tự do, không thích đời mình trôi qua trong cảnh sớm vác ô đi tối vác ô về. Mọi nghề nào quá đều đặn, gò bó, hành chánh, đều không có tôi. Đúng lúc đó Bộ Giáo Dục quyết định thành lập trường Đại Học Sư Phạm thay cho Cao Đẳng Sư Phạm đã có, và lúc đầu để chiêu sinh, cho vào thẳng năm thứ hai những ai đã có một chứng chỉ đại học.

Tôi có chứng chỉ Dự bị Văn Khoa, vậy xin ghi tên nhập học năm thứ 2 ban Việt Hán, tạm giã từ ngành dạy học để theo học cả hai trường Văn Khoa và Sư Phạm, với học bổng sư phạm hàng tháng 1500 đ. Tôi đang vẫn dạy Lý-Hoá và Vạn Vật (tôi hay dắt học trò đi dã ngoại) thích nhất là các giờ Vạn Vật với đủ cào cào chuồn chuồn châu chấu, sự hình thành các cồn cát và sự thay đổi các dòng sông, bỗng dưng chuyển sang học ngành Việt Hán, đầy những chi hồ giả dã... Không vì thiên hướng hay một chọn lựa có tính toán đàng hoàng. Cứ như theo gió mà thuyền đi lang bang thôi.

Theo thoả hiệp với bố mẹ, tiền học bổng được đưa hết cho mẹ đi chợ, chỉ giữ lại một khoản rất nhỏ để hút mỗi ngày 1 bao thuốc lá đen rẻ nhất nhãn hiệu Bastos đỏ (6 đ một bao). Nghề dạy học đã làm cho tôi trở thành một người hút thuốc lá từ lúc nào chẳng biết, cũng như nghề nhà binh sau này dạy tôi biết bia rượu, và đảng Cộng Sản Việt Nam sau tháng 4, 1975 đã dạy tôi hút thuốc lào. Có cái xe đạp tốt, tôi đã bán ở Hải Phòng, tôi đành dùng chiếc Velo Solex đã hỏng động cơ của bố tôi để đi học Văn Khoa ở một góc thềm Khám Lớn cũ. May mà trường Sư Phạm ở gần nhà, đi bộ được. Nếu không, tôi khó mà chạy sô giữa hai trường.

Buổi sáng, ưu tiên cho Sư Phạm, tà tà đi bộ, trong cây to bóng mát, buổi trưa mới đạp cái Solex hỏng động cơ tới Văn Khoa. Đường khá xa, xe thì nặng, tôi mồ hôi toát ra khá nhiều khi tới được trường. Nhiều buổi trưa tôi không có tiền để uống dù một ly nước mía nhỏ nhất, nghèo hơn cả thời còn là học sinh, tôi mở vòi nước ở nhà để xe, uống trực tiếp từ vòi. Xong, châm một điếu thuốc lá đen khét mò, tôi lừng khừng lê dép lên lầu 1, không ngại ngùng chi hết vì tôi đã là bậc huynh trưởng, học cả Lịch sử Triết Tây phương lẫn Đông phương, nghĩa là một mini bác học vì phải đương đầu với cả các bản văn Pháp ngữ lẫn Hán tự. Lại còn ghi danh thêm chứng chỉ bắt buộc Văn Chương Việt Nam nữa.[1]

Bởi thế giờ đầu tôi có thể ngồi nghe nhà thơ Đông Hồ quần áo dài trắng ngâm thơ Đường cho sinh viên ghi chép, giờ thứ nhì nghe cụ Nghiêm Toản dẫn chứng về lối chuyển đoạn “bản lề” của Kiều, giờ thứ ba nghe một thầy chính gốc Pháp xì xồ về Marx, để rồi giờ thứ tư trở về với Nguyễn Đăng Thục với những “Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ...” (Cứ như thế ngày đêm không ngừng chảy). Rồi còn cha Cras người Pháp chính cống giảng kinh Đại học, Luận ngữ bằng tiếng Việt nhiều khi không bỏ dấu... Lắm khi viết Hán tự cổ thể đầy một bảng, làm cho tôi và một vài học sinh trường Pháp cũ ngất ngư luôn: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân... tại chỉ ư chí thiện.”

Hồi đó Đại học ở miền Nam Việt Nam không có giáo sư khải đạo, guidance counsellor, như Đại học Mỹ để vị đó giảng cho tôi hiểu ghi danh học nhiều giờ hai trường như thế, tôi bị overload quá tải trầm trọng. Đã thế, ăn uống thiếu bổ dưỡng, nhà xa trường, phương tiện vận chuyển quá nặng nề, nhiều lúc tôi quá mệt ra nằm dài trên ghế ngoài giảng đường, hút thuốc cho đỡ mệt... quần áo xốc xếch, chân lại đi đôi dép không quai hậu nữa, làm tôi có lúc mang tiếng là sinh viên bê bối nhất trường Văn Khoa, chứ không phải vì truyện trai gái: nghèo không tiền uống một ly nước mía, học quá nhiều phờ phạc cả người, ở đó mà trai với gái. Cũng may lúc đó đã quen với nhà thơ Nguyễn Đông Ngạc, chỉ học đúng năm thứ 1 sư phạm, tiền nong thoải mái hơn, nhiều lúc thò đầu vào giảng đường ngoắc tôi ra Thanh Thế uống cà phê với vài bạn, trong đó có nhà thơ Khoa Hữu, bàn tán mọi chuyện như sinh viên các nước khác, nhìn ngắm người qua lại. Đôi khi gặp được một vài cô nhan sắc, sexy, là tất cả trầm trồ, bàn tán...

Ai có thể chê bai chế độ miền Nam về điểm này hay nọ, nhưng riêng về Đại học, khá cởi mở. Cả nghĩa bóng lẫn đen. Có lần đang đứng ở tiền sảnh Đại Học Văn Khoa, tôi thấy ông bạn đang thảo luận bỗng ngừng lại, ngửng đầu lên nhìn chăm chú vật gì trên đầu. Tôi nhìn theo: tưởng chi, hoá ra hai cô sinh viên ban Văn Chương Pháp, gốc trường Pháp, mặc váy, đang ghếch một chân lên lan can, không “ke” đến đám đàn ông phía dưới có thể thưởng thức nhiều thứ dưới làn váy rộng. Một cô nói với bạn, bằng tiếng Pháp: “Nghe mày, tao thấy nhột thế nào ấy...” Cô kia, xinh đẹp hơn, gác chân lên cao hơn, trả lời: “Thỉnh thoảng cho bọn đàn ông chúng rửa mắt [cô dùng động từ rincer], cũng là làm điều thiện cho nhân loại...” Ít nhất cũng có tôi nghe hiểu lời đối đáp Pháp ngữ của hai cô, và đồng ý hoàn toàn. Tất nhiên trong im lặng.

Một buổi sáng đẹp trời tôi tiến vào trường đang đông đảo trai gái vui vẻ đi lại, nói chuyện học hành như mọi sinh viên đại học khác khắp thế gian, một nhân viên văn phòng Khoa Trưởng tiến ra gọi tôi. Đó là Hi lùn, làm ở đây. Trông mặt ông bạn cố tri này, tôi biết phen này gay go rồi, chứ không phải chuyện giấy tờ bình thường. Và đúng vậy, Hi chìa sổ công văn cho tôi ký nhận một văn thư của Sở Nghiên Cứu Chính Trị, cái tên hiền lành ngụy trang cho cơ quan tình báo chiến lược cao nhất nước và được/bị nhân dân e sợ nhất thời đệ I cộng hoà. Thư triệu tập tôi 10 giờ sáng mai đến trình diện sở, “về một việc sẽ cho biết sau”, thành ngữ công an chế độ nào cũng dùng, báo hiệu gay go nhiều ít tới nơi. Và đúng như vậy. Sau khi trình diện ở cổng biệt thự u ám và lạnh lẽo, tôi được lệnh vắn tắt là đứng đó. Tồi bèn đứng đó, cho tới khi có một nhân viên trung niên mặt mũi trông sáng sủa nhưng nghiêm khắc, từ trên lầu xuống đón, đưa tôi lên một phòng nhỏ, bảo: Anh ngồi xuống. Tôi ngồi theo lệnh, hối tiếc là không được ngồi phía bên kia bàn, có thể nhìn qua cửa sổ mở xuống sân đang rực rỡ nắng.

{Sau này tôi dùng những chi tiết trong buổi này để mô tả đoạn nhân vật ông già Kim, trong truyện dài Khu vườn mùa mưa, được bác sĩ Trần mời tới gặp tại Sở Nghiên Cứu Chính trị để bàn về việc mời ông làm một thứ cố vấn, trung gian giữa chính quyền và Phật giáo... [Khu vườn mùa mưa, (California: Xuân Thu, 1993)]}

Mở đầu là hỏi, kê khai lý lịch, thủ tục thường lệ tại mỗi cơ quan an ninh, đang tiến hành bình thường bỗng khựng lại, như xe đang chạy ngon trớn sa vào một ổ gà to bự, ở mục “Tôn giáo”. Hỏi: “Anh theo đạo gì?” Tôi trả lời, tự nhiên và ngay thẳng: “Tôi vô thần...” Quả thực đúng vậy, tôi có theo, có tin ở một đấng tối cao, một tôn giáo nào đâu. Đối với một sinh viên trẻ tuổi đang theo học, nghiên cứu Triết Đông và Tây phương, thì mọi Jesus, Khổng tử, Phật... cũng như nhiều triết gia lừng danh khác đều đại khái như nhau cả, nhất là về mục ăn nói khó hiểu và nhức đầu (cho tôi) như nhau! Nhưng hai chữ “vô thần” như một ngọn roi quất mạnh lên người đối diện. Anh ta nổi giận hẳn hoi, mặt bừng bừng nộ khí dằn giọng bảo tôi: “Nếu tôi không là bạn cùng khoá với ông anh của anh, tôi ra lệnh bắt nhốt anh liền... Cộng Sản vô thần hả?” Thấy ông ta dữ tợn, tôi không hiểu tại sao, nhưng vội vã giữ thái độ khiêm tốn, nhỏ nhẹ đính chính là mặc dù vô thần nhưng tôi không phải là Cộng Sản... Thật nhiều năm về sau tôi mới được biết các người Công giáo hồi đó ngày nào cũng tụng một kinh trong có câu: Tôi và gia đình tôi nguyện không theo “cộng sản vô thần”. Nên nghe nói, đọc đến hai chữ “vô thần”, là liên tưởng ngay lập tức đến “cộng sản”...

Vì tôi xuống giọng đàn em đúng lúc, ông ta cũng dịu xuống theo, nhất là sau khi tôi thưa xin bỏ “vô thần”, mà qui y Phật pháp và thờ cúng ông bà. Khai như thế về sau trở thành thói quen, nhất là từ khi có vụ tăng ni xuống đường đòi được bình đẳng tôn giáo với Công giáo. Khai mãi như thế, như một thứ tự kỷ ám thị, về sau tôi trở thành Phật tử thật, hay lui tới các chùa, kết bạn với nhiều tăng sĩ. Buổi thẩm vấn chuyển sang vấn đề trọng tâm đã làm cho tôi bị triệu tập đến đây: chuyến Bắc du năm 19 tuổi. Tôi cứ sự thực ra sao khai ra đủ, từ truyện tìm Mặt Trăng ở Hà nội để chữa bệnh thất tình Mặt Trời ở Sài Gòn, về tận quê đón bà nội nhưng bà không chịu vô Nam, đến vân vân và vân vân... Có lẽ giọng tôi thành thực, vì kể toàn sự thật, lại có ông anh DL bảo đảm chống Cộng Sản một cây cổ thụ (hồi đó chưa xuất hiện thành ngữ: “Chống Cộng từ sáng đến tối, chăng mùng chống cộng đến sáng hôm sau...”), nhưng lời khai của tôi được chấp nhận, ghi vào biên bản để tôi vui vẻ ký trước khi được ra về “thơ thới hân hoan”...

Tưởng nội vụ như thế là xong, hồ sơ xếp lại, tôi cứ việc học tiếp Đại Học Sư Phạm, nhưng tôi lầm. Ông đại úy Sở Nghiên Cứu Chính Trị chỉ bỏ qua không bắt nhốt vì cái tội dám xưng mình là “vô thần” trong một chế độ Công giáo toàn trị thời đó. Còn có để cho tôi tốt nghiệp làm giáo sư cấp 3 Bộ Giáo Dục hay không, lại là một vấn đề khác. Còn bốn tháng nữa thôi là chấm dứt học trình ba năm, một buổi sáng đến trường, cố tri Hi lùn lại gọi tôi ra một góc hàng hiên vắng, nói nhỏ: “Thôi, ông học làm chi nữa, đi chơi rồi kiếm nghề khác đi. Viện trưởng hôm qua mới nhận được văn thư mật của Sở Nghiên Cứu Chính Trị, yêu cầu (chính ra là ra lệnh) nhà trường phải đánh rớt tôi trong kỳ thi tốt nghiệp. Một cách bí mật, khéo léo để đương sự, vốn thuộc thành phần gây rối, xách động... không vịn vào đâu mà khiếu nại ồn ào...”

Tôi biết Hi lùn nói thật, nói đúng, nhưng đành thở dài chịu thua chính quyền thôi, vì sự việc tiết lộ sẽ phảy xảy ra thôi. Bằng cớ đâu mà chạy người quen nói dùm, bảo lãnh hay gỡ rối...? Tôi cứ tàng tàng, nhởn nhơ đi học, cả hai trường như thường lệ, nhưng những buổi cúp cua, nhảy qua cửa sổ giảng đường ra ngồi cà phê Kim Sơn ngắm ông đi qua bà đi lại, mỗi lúc một nhiều hơn. Tác phong này càng mang thêm cho tôi tiếng sinh viên bê bối lè phè, như nhiều sinh viên học Triết trên toàn thế giới (tôi phỏng đoán vậy). Nhưng bê bối đây không có nghĩa là trụy lạc, vì trụy lạc với cờ bạc rượu gái, thì phải có nhiều tiền và thì giờ rảnh. Uống nước trực tiếp từ vòi, học hai trường, ở đó mà trụy với lạc. Thí dụ như tôi thích cô sinh viên gốc trường Pháp gác chân lên lan can cho những người bên dưới “rửa mắt”, nhưng tiền đâu mà chi những điều tối thiểu. Ngay về sau này quen Thi, một buổi tôi rủ cô sinh viên trường Dược này đi uống cà phê, cô bé xinh xắn kháu khỉnh gọi một ly cam vắt sô đa, thứ đồ uống thông thường của các cô, nhưng giá 16 đ. Tôi xin mẹ được có 20 đ, may quá ly cà phê đen có 2 đ, còn 1 đồng gửi xe 1 đ cho tiền hầu bàn, là vừa xinh. Trên đường về có chẹt phải đinh, phải dắt xe thôi là chắc.

Mùa thi đã tới và đúng như tin Hi lùn báo trước, tôi bị rớt một cách khá ngoạn mục vì học ban Việt Hán, mà cả hai môn này đều bị điểm loại. Tôi chấp nhận từ trước là bị đánh rớt, môn Hán văn không nói làm gì vì tôi vẫn kém thứ chữ này từ xưa, còn Việt văn mà bị điểm loại thì hơi “ép nhau” quá. Thời kỳ này tôi viết văn đã có tiếng đôi chút, nhất là đối với lớp trẻ. Tôi tìm gặp cả hai thầy dạy Việt và Hán, một ông cười buồn: “Anh thông cảm, tôi già rồi khó kiếm nghề khác...” Ông kia không cần viện tuổi già vì râu đã bạc trắng, nói dịu dàng: “Anh biết đó, tôi đâu có muốn cho anh điểm loại, nhưng...” Tôi cũng buồn buồn và dịu dàng cúi đầu chào hai ông thầy lần chót rồi ra về, đi bộ đến quán Năm Dưỡng uống một ly cà phê nâu quánh có váng chút bơ: “Thôi, ta giày cỏ gươm cùn đi kiếm nghề khác thôi...”

Nhưng mọi sự chưa phải là hết, là xong, vì mấy năm sau đang náo nhiệt cùng các bạn làm tập san không giấy phép Thái Độ, tôi lại bị Tổng Nha Cảnh Sát Công An gọi tới làm việc, cũng hỏi bấy nhiêu chuyện Bắc du cũ mèm, và tôi một lần nữa phải nhắc tới Mặt Trăng Mặt Trời... Tôi mặc quân phục trận, đeo một hoa mai vàng nhỏ trên ngực như thời tác chiến ở mặt trận, và ăn nói ngang ngang một chút vì đang bận bù đầu mà bị mấy ông bàn giấy quấy nhiễu... Không ngờ ông biên tập viên cảnh sát này gừ tôi một phát như sau: “Thiếu úy phải nhớ cho, tôi có thể bắt giữ thiếu úy ngay lập tức...” Tôi ngạc nhiên ngó lại người cảnh sát hay công an bên kia bàn, rồi đổi băng tần phát ngôn ngay, chuyển sang khiêm cung và hoà hoãn. Khoan nói có bắt được một sĩ quan dễ dàng như bắt một anh chàng móc túi chợ Bến Thành, và nều cần bắt, là việc của An Ninh Quân Đội, nhưng tôi đang làm việc... hơi lớn, cứ gọi là đại sự đi vì muốn thay đổi xã hội miền Nam sao cho công bằng trong sạch hơn, bằng một cuộc cách mạng không Cộng Sản, chẳng nên để rơi vào vòng đôi co chẳng ra sao cả với hàng tiểu tốt của chế độ. Dĩ nhiên chuyển sang băng tần ăn nói khiêm tốn, mọi sự phải tốt hơn. Và một lần nữa tôi được ra về “thơ thới hân hoan”.

Tôi có được đọc ở đâu đó một tài liệu nói về cách đối phó với loài thú dữ, nhất là chó. Tài liệu cắt nghĩa rằng đối với loài chó, nhìn vào mắt chúng có nghĩa là khiêu khích: chó ta sẽ nhe răng xông tới ăn thua đủ. Tốt nhất là tránh mặt chúng, nhìn tai hay đuôi chẳng hạn, im lặng đi từ từ giật lui cho đến khi ra khỏi tầm hoạt động của chúng. Theo kinh nghiệm riêng của tôi lời khuyên trên đúng cả với đa số công an, cảnh sát, nhất là thứ công an của chế độ Cộng Sản. Tôi đã một hai lần suýt ăn đạn AK, bị nhốt hầm cho ăn khoai mì chấm muối chỉ vì lỡ để các anh vệ binh quản giáo nhìn thấy mắt tôi, dù tình cờ. Đã qua rồi cái thời trẻ mỗi lần đụng độ với giới chức có quyền, tôi chỉ bị khuyên hay đuổi: “Về đi học đi!” Bây giờ lớn rồi, toàn bị đe doạ nhốt. Không biết cái bản lai diện mục hay ánh mắt của tôi biểu lộ cái chi có tính khiêu khích, hoặc không sợ hãi, tự kiêu hay ngạo mạn... khiến người bị nhìn nổi khùng lên muốn ăn thua đủ xem ai thắng ai! Bất kể phải trái đúng sai. Bởi thế tôi đã tập dần một thói quen: chỉ nhìn người lạ đối diện một cái đầu tiên, sau đó là nhìn qua cửa sổ hay bức tường sau lưng người đối diện... An toàn hơn!

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

_________________________

[1]Văn Chương Việt Nam: chứng chỉ bắt buộc phải lấy để có bằng Cử nhân bất cứ ngành nào, tương tự English 101 của Đại học Mỹ. Môn chính luận văn do gs N.T. trụ trì Vị này bảo thủ như các ông đồ, nên những sinh viên có tư tưởng mới bị đánh rớt hoài: như Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Riêng người viết TU tới giờ cũng không đỗ nổi chứng chỉ này.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 
... Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu... (...)
 
... Khi tôi trở lại, bốn mươi năm sau, không còn chi để thăm để viếng... Kể như xong đời một phụ nữ nghèo vùng châu thổ sông Hồng triền miên đói này. Sống âm thầm và chết cũng âm thầm, không có đến cả một nấm mồ cho cháu chắt tìm đến thắp một vài nén hương... (...)
 
Nhiều năm về sau, chính xác ra là 40 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thành phố Hà nội, lúc đó chưa “Đổi Mới” nhiều, còn đầy rêu và mốc meo... (...)
 
... Đầu năm 1955, rời Hà Nội xuống Hải Phòng để trở lại miền Nam, tôi không tuân theo đà phát triển nam tiến của dân tộc, mà là do chọn lựa của cá nhân. Có dịp để sống ở cả hai miền theo hai chế độ khác nhau, tôi cân nhắc so sánh, đối chiếu... Chọn lựa ở lại, là vô ở trong chum trong lọ, là gia nhập một tập thể đoàn ngũ hoá tới kẽ tóc chân lông... (...)
 
Tàu đã cặp một bến khu Khánh Hội, cầu thang đã được hạ xuống và những người Công giáo di cư bắt đầu xuống thang, đặt những bước chân đầu tiên lên vùng đất mới. Họ, cũng như tôi, đều không thể nào biết được vùng đất này sẽ ưu đãi họ, hơn cả những gì các cha cố đã hứa hẹn... (...)
 
Tôi đã thuật ở đâu đó cái bản mặt của tôi không biết ra sao, mà đụng độ với ai trong đời sống, cũng hay bị khuyên “về đi học đi”. Vậy thì... (...)
 
... Tôi nhìn và nghe thấy như thế, mới chỉ trong dự tưởng thôi, đã muốn đi ra bờ sông, nhìn tràng giang đang ào ào ra đại hải, mang trả lại biển rộng một vài con tàu viễn duyên xuôi dòng từ Phnom Penh, mà hét lên vài tiếng thực to, không cần thiết phải hì hục leo núi cao, trước khi ném vào cõi sắc không của trời đất một vài tiếng hét, như thiền sư nào đó một buổi sáng lâu rồi... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021