thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười ba bài thơ từ “ZONE FRANCHE”
Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và chuyển ngữ
 
Đôi nét về Michel Butor:
MICHEL BUTOR là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thế hệ ông. Sinh ngày 14 tháng 9 năm 1926 tại Mons-en-Barœul, phía Bắc, ngoại ô Lille, Pháp, Butor từng theo học Louis-le-Grand rồi Sorbonne, dạy học nhiều nơi ngoài nước Pháp, như Anh, Ai cập, Hi lạp, Thụy sĩ, và một số nước Bắc Mỹ, đặc biệt từng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Hoa kỳ. Từ 1958, ông được mời làm cố vấn biên tập cho Nhà xuất bản Gallimard, và năm 1975 là “giáo sư đặc mệnh” tại Đại học Genève.
       Như những nhà văn khác trong nhóm Tiểu thuyết mới, tiểu thuyết của ông không đi theo những quan niệm truyền thống về nhân vật và tình tiết: thay vì mô tả thực tại, nhà văn phải là người đặt ra những câu hỏi đối với chính cách nhìn thực tại xưa nay vẫn tồn tại một cách độc đoán. Các tiểu luận của ông cũng được xây dựng trên một nền tảng cách tân: thám hiển vào những quan hệ “liên bản” giữa những phương thức nghệ thuật như âm nhạc, hội họa và lời văn.
       Tác phẩm đa dạng của ông chủ yếu có tính phê bình, hiểu theo nghĩa những gì ông viết đều có mục đích phát hiện những liên hệ, những tương quan giữa hành động viết (trong những qui luật tâm linh và vật chất của nó) và sự sinh sôi nẩy nở và sự phân tán (về mặt không gian và thời gian) của đời sống. Nhìn vào bản chất, những sáng tác tiểu thuyết của ông (Passage de Milan, 1954; L’Emploi du temps, 1956; La Modification, 1957; Degrés, 1960), cũng như những suy nghĩ phê bình của ông (Répertoire I-IV, 1960-1982) hay những thử nghiệm của ông để vẽ ra một không gian mới cho truyện kể (Mobile, 1962; Six Millions Huit Cent Dix Mille Litres d’eau par seconde, 1965; Dialogue avec 33 variations de Ludwig van Beethoven sur une valse de Diabelli, 1971; Matières de rêves, 1975-1981) đều để lộ hai mối đam mê song đôi: phân tích phối hợp những liên hệ và phép họa đồ. Sự hiếu kỳ không mệt mỏi của ông trong lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc đã làm nổi rõ và phong phú một mạng lưói (có thế nào không liên tưởng đến một chân dung thời trẻ tuổi của ông, thời người đọc bắt đầu lên chuyến xe lửa của ông trong La Modification, chụp ông ngồi trước một cái nền là một mạng lưới?) những quan hệ giữa các hình thức sáng tạo khác nhau đã làm nên cả một chiều dày của văn hóa.
       Như thế, nếu những ngành ở đại học của ông lúc ban đầu đã hướng ông về triết học, và nếu sau đó tên tuổi ông được gắn liền với nhóm các nhà văn trong trào lưu Tiểu thuyết mới ở Pháp, những hoạt động văn chương của ông trải rộng nhiều lĩnh vực, kể cả thơ, sân khấu, tiểu luận, và tính đa dạng ấy luôn gắn liền với một sự tìm tòi nghiên cứu hình thức không ngưng nghỉ.
       Câu cuối trong phần giới thiệu bài viết "Regard double sur Berlin"[*] của Michel Butor in ở Nxb. Gallimard (bài văn/thơ xuất bản lần đầu tiên ở Đức, và bằng tiếng Đức), sau đó nguyên bản được in trên tuần báo Express, số 707, ra ngày 4 tháng 10 năm 1965, được ghi nhận như sau: “...Đâu đây giữa thành phố lạ lùng này vang dội một giọng gào thét, và có một thi sĩ đã nghe được tiếng thét não nùng đó.” Những tác phẩm đa dạng từng“làm nên độ dày của văn hóa” ấy từ bàn tay và khối óc tài hoa của Butor rõ ràng đã không làm mờ nhạt một tâm hồn thơ phong phú. Mong những bài thơ giới thiệu trên trang này, gồm 13 bài trích từ Zone franche [**] (Vùng đặc miễn, Nxb. Fata Morgana, 1989) có thể được người đọc nhận ra là những thí dụ tiêu biểu.
       Từ nhiều thập kỷ nay, trong khi tìm đọc Michel Butor – và thú nhận là nhiều lần hụt hơi đã phải bỏ cuộc, thường là trong thời gian khá lâu – mỗi tháng thứ mười trong năm chúng tôi và dăm ba người bạn thời tuổi trẻ từng gặp nhau trên chuyến xe lửa Paris-Rome ấy vẫn chờ nhận được một tin vui từ đất nước của Ingmar Bergman. Tháng Mười vừa qua nay đã thuộc về quá khứ...
_________________________

[*]Nhìn về hai phía Berlin (bản dịch Hoàng Ngọc Biên) được đăng lần đầu tiên ở Saigon năm 1965 trên tạp chí Văn học, và sau đó đã được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, Nxb. Trình bầy, Saigon, 1969.

[**]Những bài thơ giới thiệu trên trang này được dịch ở Việt Nam năm 1990 dựa theo bản in ở Nxb. Fata Morgana 1989, với những tranh vẽ của Jirí Kolar. Năm 1991, khi cho xuất bản cuốn échanges – carnets 1986 ở Nxb. Z’éditions, nhà thơ có cho đưa vào một vài bài trong Zone franche. Đến năm 1996 Michel Butor cho ghép toàn bộ Zone franche (trừ các tranh vẽ của Kirí Kolar) với nhiều tập thơ khác (À la Frontière, À l’écart, D’un jour à l’autre, Chantier) và in ở Nxb. Éditions de la Différence, dưới tên chung À la Frontière. Trong ấn bản 1996, ngoài một vài thay đổi về ngắt dòng, phân đoạn, Michel Butor còn có thay một ít từ, thêm vài ba câu. Những bài thơ giới thiệu ở đây đã được tu chỉnh một phần dựa theo À la Frontière.

 
_____________________________________
 
 
Michel Butor (1926~)
 
MƯỜI BA BÀI THƠ TỪ “ZONE FRANCHE”

1

Đôi mắt lạc

 
Mắt dương xỉ
trên cánh cửa con
mắt chồn
trên máng nước
mắt rắn
trên bìa sách
mắt chim ưng
trên đồ nữ trang
 
 

2

Chùm ấn tượng

 
Một cánh đuôi điều
bềnh bồng trên lục bình
 
một cái vỏ cam
cách cái thang ba bước
 
Trên mặt bàn kim loại
hai ngón tay kẹp giữa những trang sách
 
cạnh một bình đầy lưng chừng
những cục nước đá và lá bạc hà
 
 

3

Chỗ trú

 
Ngôi nhà ta ao ước được sống
       những ngày cuối đời mình
tận hai Điểm đối chân với tất cả những gì ta ghét
và từ đó ta có thể ít nhiều trừ được tà ma
 
Mi mà chúng ta đã gọi tên là
       mái nhà muôn thuở của ta
khi chúng ta đi tìm mi
       khi chúng ta tìm được mi
và sẽ vẫn là thế ngay cả khi chúng ta buộc phải
dọn đến nơi khác thoải mái hơn
mi mà ta từng hạnh phúc biết bao được nhìn thấy lại
       sau mỗi chuyến đi xa
ta biết bao hạnh phúc được nhìn thấy lại ngọn núi
       thành phố xưa và biển
nơi dần dà ta đã có thể
       nhét gọn bao nhiêu thứ
nơi bao nhiêu kỷ niệm xóa cũ thay mới
       đã phủ kín những tường thành
có thật là có thể ta phải
       sớm từ biệt nhau
cơn mệt có thế nào có thể
       thắng được sự thuận thảo của chúng ta
với những nỗi lo những vướng bận
       tất cả những chậm trễ của Lịch sử chúng ta
vĩnh viễn trong khủng hoảng
       từ bao ngàn năm
 
Và có thế nào ta sẽ không tìm thấy
       trong vẻ đẹp phủ lên tấm thân mi
khi ta chuẩn bị chào vĩnh biệt mi
tìm thấy cái bột phát nghị lực không thể thiếu
để ta có thể mãi mãi gìn giữ được mi
 
 

4

Con tàu

 
Việc cứu cây không được dự kiến
nhưng Noé đã lên tàu
những cánh buồm lớn bằng sợi kết
để có thể hướng dẫn ghé bến
khi những hòn đảo bắt đầu
dâng cao trên mặt nước
những hạt lén lút quá giang
đã bắt đầu nẩy mầm
trong bụi bặm tích tụ
đẫm mồ hôi động vật trong các ngóc ngách
và chính thế đó chàng đã khám phá ra cây nho
 
 

5

Lông chim

 
Như một mũi tên lao xuống đất
sau khi vượt qua bao nhiêu thành lũy và sa mạc
như cánh cửa chính mở ra
       cho một người đưa tin thở hổn hển
như con dốc suối thoai thoải
       chỗ hắn giải cơn khát
như một lần hạ cánh không va chạm
sau một chuyến bay sóng gió
 
 

19

Chỗ ở

 
Trên mái nhà ta sẽ vẽ mưa
tuyết mưa đá và gió
trên mi cửa ta sẽ ghi tên
những khách viếng thăm
 
Trên tường nhà ta sẽ vẽ hình
cây cối và những ngọn lửa
thú vật và những thành phố
lễ hội và những mùa
 
Ta sẽ phun đầy hương thơm
trên ngưỡng cửa gợi lên
ở phía Nam biển khơi
và những đàn cừu của phía Bắc
 
Và trên mỗi viên đá trắng
dọc đưòng ta sẽ khắc
tên bằng La ngữ
một loài hoa của đồng nội
 
 

22

Đôi mắt cúi xuống

 
Cho đôi mắt đẹp
có bài ca hung đỏ
cho nhũng lời hoa mỹ
những phản chiếu
cho những nữ trang đẹp
những đoàn rước
cho những đứa trẻ xinh
những nỗi buồn tình
 
 

24

Phù du

 
Các nhà thiên văn đã tính toán
rằng chiếc đĩa Mặt trời
từng chiếu sáng và sưởi ấm chúng ta
từ bao lâu nay
 
Sau khi lên đến một đỉnh cao
trên bầu trời
sẽ bắt đầu trở xuống
thoạt đầu rất chậm
 
Sau đó dần dần ít chậm hơn
để rồi chìm nghỉm
sau hàng ngàn giây
dưới chân trời phương Tây
 
Và bấy giờ toàn vũ trụ
sẽ rơi vào khí lạnh và đêm tối
 
 

27

Mạng lưới

 
 
Những hành lang đi từ phòng này sang phòng kia
những con đường đi từ nhà này sang nhà kia
những con đường đi từ làng này qua làng kia
những xa lộ đi từ nước này sang nước kia
những dây điện xuyên qua những cánh đồng
những hệ thống dẫn nước vượt qua những suối rãnh
những chiếc máy bay lao ra những phi đạo các sân bay
 
 

29

Mắt sáng ngời

 
Đôi mắt trong đôi mắt
trái tim trên bàn tay
cái chìa khóa dưới cửa
cửa sổ mở
khoảnh khắc một tiếng thở dài
âm thanh một nụ hôn
nước mắt buổi tối
chuyến tàu trở về
 
 

38

Chồi xuân

 
 
Như đôi môi của những trẻ sơ sinh
       đưa vào bú
       đôi vú của không gian
sữa của mặt trời lạnh
xuyên qua màn sương
       buổi sáng sớm
 
Như đôi tai rình rập
       những lời đồn đãi ngang mặt đất
tiếng chân bước của những đoàn người di trú
       tiếng nghiến của lưỡi cày
tiếng búa nện trên những công trường
       những kẻ xâm nhập đến gần
 
Như đôi mắt sáng ngời nhấp nháy
       trong sự hiếu kỳ không mệt mỏi
tìm cách rướn cao mình hơn chút nữa
       để khám phá xem
có những gì phía bên kia luống cày
       bên kia đường gấp dốc chân trời
 
Như những lòng bàn tay chuẩn bị
       tát cạn nước những thác ghềnh
để giải khát đôi môi để rửa đôi tai
       làm mát dịu đôi mắt
sau đó là vắt đôi vú của không gian
       để làm bật tràn từ đấy
dòng sữa của Mặt trời
       cháy bỏng
 
Như những phụ nữ đưa cao cánh tay
       lên khỏi đầu để đội
những giỏ hoa hay trái
những vò sữa hay mật hay rượu vang
những đứa trẻ sơ sinh
       hay những hũ tro tàn
 
 

43

Lim dim đôi mắt

 
Lưng chừng mắt
là ánh sáng ngọn đèn pha
lưng chừng đám đông
là mồ hôi của bóng đêm
lưng chừng mùa đông
là tuyết axít
lưng chừng đêm
là những con chim rét cóng
 
 

45

Cô đơn

 
Ta là cư dân đầu tiên
       trên truông đất này
nơi ta nghĩ trước chúng ta
       chưa có ai đến ở
 
Xúc động biết bao
       khi những bạn đồng hành đầu tiên
       theo ta đến đây
ta đã chuẩn bị mọi thứ để tiếp đón họ
       mọi thứ có nghĩa là cái rất ít
       mà sự cô đơn của ta cho phép
 
Thế rồi chúng ta thu dọn
       vùng đất khốn khổ
đã hình thành gần như một ngôi làng
       khi những người phụ nữ kéo đến
 
Các em bé lăn mình
       trên những bãi cỏ mới
mà chúng ta đã dần dần cho những
       tên gọi
 
Chúng lớn lên
       chính chúng cũng đã có con cái
còn chúng ta thì trải qua những cái tang đầu tiên
       những tai nạn những bệnh nan y
       phải lo liệu hết
 
Chúng ta hoài công chờ đợi người thay phiên
       bởi những người mới ngày càng trở nên
       hiếm hơn
chúng ta nhìn những đồng lúa trở lại là những truông đất
       và những túp lều của chúng ta sụp đổ
       chung quanh những ngôi mộ cứ thế nhân lên
 
Ngọn gió điềm nhiên quét đi những dấu vết
       của tất cả mọi người thân của ta
sẽ quét đi cả những dấu vết ta cố sức để lại
cho tên cư dân sắp đến trên truông đất này
Ấy là kẻ ngày ta càng sợ rằng sẽ tin chính mình
       là cư dân đầu tiên
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021