thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
da Thịt XƯƠNG (bài xướng tụng)
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
Anne Waldman sinh ngày 2 tháng 4 năm 1945 tại Millville, tiểu bang New Jersey; hiện cư ngụ tại Boulder, tiểu bang Colorado, và tại New York City. Bà là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của nền thơ hậu hiện đại Hoa-kỳ. Bà bắt đầu đến với thơ từ thời còn ở bậc trung học, và bà tốt nghiệp đại học với một luận án nghiên cứu về thơ của Theodore Roethke. Tuy nhiên, bà thực sự quyết định dấn thân vào sự nghiệp thi ca sau khi dự Hội Nghị Thơ Berkeley 1965 (1965 Poetry Confenrence) và được nghe Charles Olson, Robert Duncan và Allen Ginsberg đọc thơ tại đó. Bà là một trong những người sáng lập tạp chí văn học Angel Hair và là chủ nhiệm của St.Mark's Poetry Project từ 1968 đến 1978.
 
Allen Ginsberg khuyến khích bà viết những bài thơ dài, và sau đó bà đã cho ra đời cuốn Fast Speaking Woman (1975/1978), gồm chỉ một bài thơ rất dài, trong đó có những đoạn lập lại như tụng kinh. Không khí phù chú của bài thơ chịu ảnh hưởng của Maria Sabina, một nữ thi/giáo sĩ thổ dân Mazatec, người xướng tụng những bài thơ để điều hướng tâm linh của các thiếu nữ Mazatec trong những đêm lên đồng vì xông hơi bằng thứ nấm gây ảo giác.
 
Anne Waldman diễn đọc trường ca Fast Speaking Woman tại nhiều nơi ở Hoa-kỳ và châu Âu, và trở thành một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc.
 
Năm 1974, cùng với Allen Ginsberg, Anne Waldman sáng lập trường mỹ học thoát xác "Jack Kerouac School of Disembodied Poetics" tại học viện Naropa, ở Boulder, tiểu bang Colorado. Cũng cùng với Allen Ginsberg, bà thủ vai chính trong cuốn phim Renaldo and Clara của Bob Dylan. Cuối những năm 60 và đầu những năm 70, bà là chủ bút của tạp chí The World. Bà cũng là chủ bút của một số tuyển tập thơ, đáng kể nhất là Out of This World: An Anthology of the St. Mark's Poetry Project 1966-1991 (1991) và Nice to See You: Homage to Ted Berrigan (1991). Bà đã viết và xuất bản hơn 40 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: Cabin (1981/1984), Makeup on Empty Space (1984), skin Meat BONES (1985), Helping the Dreamer: New & Selected Poems 1966-1988 (1989), và bài thơ trường thiên Iovis (1993).
 
Giới nghiên cứu thường cho rằng thơ Anne Waldman mang những đặc điểm của mỹ học thơ Beat, tương cận với thơ Allen Ginsberg và Diane di Prima. Tuy nhiên, những bài thơ viết theo dạng pantoums và rondeaux trong First Baby Poems (1983) chứng tỏ bà có chú trọng đến cấu trúc hình thức như trong thơ của trường phái New York. Từ những năm 1980 đến nay, bà liên tục sáng tác và xuất bản và, với những khám phá mới lạ về thi pháp, bà trở thành một trong những thi sĩ năng động và bất khả đoán nhất của dòng thơ hậu-Beat.
 
Bài thơ dưới đây, thường được chính Anne Waldman độc diễn. Bà sử dụng ba cao độ khác nhau để xướng các chữ "skin" (da), "Meat" (Thịt) và "BONES" (XƯƠNG). Tất nhiên, bài thơ này cũng có thể được trình diễn bằng ba giọng khác nhau. Anne Waldman giải thích:
 
Bài này cần được đọc lớn tiếng, và các chữ "skin", "Meat" và "BONES" nên được hát lên theo cách thế này: "skin", âm vực soprano (giọng nữ cao); "Meat", tenor (giọng nam cao); "BONES", basso profundo (giọng nam rất trầm). Ba nốt nhạc này có thể thay đổi, nhưng ba âm vực nên được giữ cho hoàn toàn dị biệt.
 
____________________________
 
 
ANNE WALDMAN
(1945~)
 
 

da

            Thịt

                           XƯƠNG      (bài xướng tụng)

 
Tôi đến để nói với các bạn về những điều thân thiết với tôi
& và những gì tôi đã phát hiện về da
                                                     Thịt
                                              XƯƠNG
 
thân xác bạn thức dậy quá ngọt ngào trước mắt tôi                   da
 
rạng sáng màu lá cây       da
 
tôi nằm đói
                Thịt
 
nó sắp cử động     Ôi bộ xương
                                          XƯƠNG
 
các bạn có thể kéo dãn nó ra ngay bây giờ            da
 
rất ấm, thịt
 
và tồn tại được một lúc
                                XƯƠNG
 
đồng hồ như một chiếc XƯƠNG kêu kót két
ký ức như một chiếc XƯƠNG kêu kót két
 
những dãy tiếng cười khúc khích quanh đôi mắt              da
& sao mà cái miệng đỏ hơn những chỗ khác                  Thịt
hay cặp núm vú trồi lên từ khung sườn thâm tím của
                                                                           XƯƠNG
 
Buổi sáng ở mọi nơi!
 
Ồ ngồi và nằm chỗ này chỗ kia trong bộ da son phấn mệt nhoài của tôi
phải nhỏm dậy và bước quanh trong bộ da thô tháp của tôi
khoác vào lớp da bằng bông vải nhẹ
& lê đôi dép da
 
ánh sáng rồi sẽ làm cho nó bóc ra              da
hay dễ đứt            Thịt
hay cứng lại
                  XƯƠNG
 
tôi có thể đâm thủng nó       da
tôi sẽ mọc da mới, sẽ trải qua sự thay đổi lớn về tính cách
 
xin vui lòng chui xuống dưới da tôi          ôm giữ lấy tôi
làm tôi hết sức vui thích hay vô cùng bực dọc
 
làm tôi nhảy ra khỏi bộ da của mình!
 
chưa đến nỗi tróc da mũi đâu, ông bạn
cậu ấy mỏng da, cô ấy dày da
hạ bì & thượng bì giao hoan
 
cháu trai của Allen một lần kia có cái đầu
                                                             cạo
                                                                   trơ da
 
ÔI CON NAI TỘI NGHIỆP BỊ LỘT DA VỚI MỚ LÔNG MỊN MÀNG BIẾT MẤY
 
lớp váng trên mặt sữa sáng nay
 
chỉ mỏng như lớp da
 
hãy đi xem người ta khoe da nhờn trong phim con heo
 
DÒNG ĐIỆN CAO THẾ CÓ KHUYNH HƯỚNG CHỈ CHẠY XUYÊN QUA NGOẠI TẦNG CỦA CHẤT BÁN DẪN
 
ừ thì ông đã làm tổn thương tôi, nhưng chỉ ngoài da thôi
 
tôi đang ngồi xuống trong bộ da ẩm mát ngọt ngào của tôi
để ăn một chút THỊT ướt át!
 
thịt của người này là thuốc độc của người khác
 
thịt của súc vật thì ngon miệng
 
TÔI ĐÃ CHIÊM BAO THẤY THỊT LỘN NGƯỢC RA NGOÀI,
NHỮNG ĐOÁ HOA NỞ RỘ TỪ NỘI THỂ
 
Tôi đã chiêm bao thấy những con chó rừng đến (chuyện này ở Ấn Độ)
gặm Thịt ra từ hai ngón tay trỏ của ông nội tôi
 
Ồ mây có hình giống như một miếng Thịt bò thăn
 
Thịt cây
 
Thịt của Phật
 
Ăn một cái bánh mì Thịt      trải qua một ngày đầy Thịt
mọi người đang vác Thịt của họ đi loanh quanh, vất
nó vào ngọn gió heo may
 
Tỉnh lẻ, phố thị, mùa xuân: lúc để khoe Thịt của bạn
về nhà khi trời tối và ngồi xuống với những ống
                                                                     XƯƠNG
 
Tôi sống trong một căn phòng trơ XƯƠNG
hắn vắt tôi cho đến tận XƯƠNG
ông bạn Steven của tôi đang sống gần sát với bộ XƯƠNG của sự thật
tôi gặm hết XƯƠNG của Dante, William Carlos Williams,
Campion và Gertrude Stein
 
Tại sao xương đầu nó dày thế? không chịu nghe một điều gì tôi nói
Tại sao bọn chúng cứ nằm ườn ra như bộ xương vậy? không chịu làm một điều gì tôi bảo
TAO SẼ CHĨA KHÚC XƯƠNG THỔ DÂN CỦA TAO VÀO MẶT MÀY & LÀM MÀY KHÔN RA
 
Tôi có một khúc XƯƠNG để giằng co với ông thượng nghị sĩ
 
Tôi có một khúc XƯƠNG để giằng co với Ngũ Giác Đài
 
Cái XƯƠNG sống của vấn đề là liệu chúng ta có thể
lấy được bản hợp đồng thuê nhà hay không
 
Chiếc xe Ford đời 68 già nua của chúng tôi là một cái máy-rung-XƯƠNG cũ kỹ
 
Ngà voi, ngà răng, lược cá voi, bộ cờ đô-mi-nô, hột xí ngầu, cái castanet, cái gọng lót vú
là một vài vật dụng làm bằng XƯƠNG
 
nhưng sau khi tôi chết hãy lấy XƯƠNG tôi làm thành những ống sáo
và da tôi, những mặt trống
tôi cầu xin bạn, nhân danh tất cả những hồn thiêng phụ nữ đầy căm hận &
                                                                                                       yêu thương
 
& HÃY BẢO VỆ CẢ NHỮNG CHỦNG LOẠI SẮP BỊ TUYỆT DIỆT!
 
1985
 
 
-------------------
Nguyên tác: "skin Meat BONES (chant)", trong Anne Waldman, skin Meat BONES (New York: Coffee House Press, 1985); in lại trong tuyển tập Postmodern American Poetry: A Norton Anthology, ed. Paul Hoover (New York: W.W. Norton & Company, 1994), 456-458.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngằn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021