thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VIỆT NAM, TỔ QUỐC VÀ EM [I]
 
 
DIỄM CHÂU sinh tại Hải-phòng, thành phố cảng. Trở thành tổng thư ký tạp chí Trình bầy ở Sài-gòn trong những năm 70. Rời khỏi miền Nam Việt Nam từ năm 1983.
 
Thơ Diễm Châu phần lớn là thơ không vần, nhưng đôi khi cũng có vần. Thường là thơ “chính sự” hoặc “tình cảm” hoặc cả hai. Ông còn dịch thơ, truyện và kịch thế giới.
 
Việt Nam, tổ quốc và em in lần thứ nhất tại Lộ-trấn, Pháp vào năm 1993 trong tủ sách Thơ/ Trinh bầy, chia làm ba phần: “Người làm vườn và bông hoa”, “Việt Nam, tổ quốc và em” và “Đốm hương”, gồm một số bài viết từ 1969 đến 1993...
 
_________________
 
VIỆT NAM, TỔ QUỐC VÀ EM [I]
 
 Nothing happens unless first a dream.
CARL SANDBURG
 
rong rêu mình lướt cỏ mềm
ngàn trùng trở mộng một thềm hạnh hoa
cũng là gió táp mưa sa
nghìn xưa sau vẫn là ta với mình...
DC.
(trích Hạnh hoa)
 
 
Người làm vườn và bông hoa:
                                                     
Tặng Jean Reye.
Không có người, tất cả chỉ là ngụ ngôn;
không còn người, cả đến ngụ ngôn cũng hóa đá.
DC.
 

NHƯ MỘT ĐƯỜNG DÂY HÚT GIÓ

 
                                                —  gửi Ngô Kha
 
Từ biển cả mênh mang với những đồng cát trắng
tôi trở về thành phố ngủ yên
buổi chiều thức dậy trong khe núi
đá khô chờ giọt mưa rưng rưng
 
ôi quê hương của một dòng sông
với những triền ngô tỏa mềm ánh sáng
những con đò đan những vết thương
lên mình nước dàn đi
                                những mảnh đời rách nát
tôi trở về để nhìn tôi thiêu thân
và nhìn em đội vòng gai hận thù rướm máu
những ngọn đuốc năm xưa thắp màu hỏa hoàng lên áo ấy
và chiều buồn ru mình vào tiếng ve
những cánh dơi bay về cổ thành
và em làm giọt mưa lăn xuống má
ấy thương yêu gầy trong vành nón
và khổ đau lay từng gót chân nai
 
một buổi mai tôi tung tăng ngoài lộ
như bóng mây hồng còn đợi nắng phất phơ
tôi ngửa mặt đón làn sương mai
từ mẩu tre ngà khum vòng tay gió biếc
em lặng lờ như tiếng hát
trong vườn cây vả cũng đơm bông*
tôi níu chùm hoa dâng một ngày đã mất
và hương hoa làm ngây ngất hồn tôi
tôi đưa tinh tú về bên dẫy núi
đón tay em từng ngón vuốt ve
và thảm cỏ thở mùi tóc trầm
và viền môi quyện áng mây đưa
tôi ngửa mặt nhìn tôi trong ánh mắt
thấy em về trong cánh bướm hư vô
 
vào trong ngõ lá thuôn xác xơ màu tưởng niệm
tôi lạc mất tôi trong thành phố và em
khi những bước đi của loài rắn quanh co
còn vần vi bên trái táo
những vết chân của loài rất độc
còn cày sâu trên vừng trán dòng sông
những bụi cỏ lấp dần tiếng hót
của loài chim mang định mệnh trong hồn
tôi ngỡ ngàng đuổi theo em như một đường dây hút gió...
 
Huế, 1969
(Tạp chí Đất Nước)
 
-----------------
* Vì một “hạt sạn” ở dòng này khi đăng trên tạp chí Đất Nước, Ngô Kha cho tôi biết: cây vả đằng nhà không có hoa.— Ấy chính là lý do..., tôi đáp. (DC.)
 
 

NGỌN ĐÈN SOI KHÔNG TỎ

 
Thầy chết được năm ngày
xác đem về quàn đó
gạo bỏ vào rang, xay
miệng Thầy đầy một lọ
 
tóc tai Thầy mẹ chải
xống áo Thầy ông thay
hai vạn cỗ quan mới
Thầy nằm xuôi đôi tay
 
Chú Ba nhường thửa ruộng
đất này nung gạch đây!
Mưa rơi khi Thầy xuống
một thước nước đầy vơi
 
dập dềnh áo quan bơi
hai người dìm đầu cuối
mười người mình nhễ nhại
mai, cuốc đứng chuyên giài
 
bùn đât rồi bùn đất
giữ Thầy dưới huyệt nông
hai đầu bốn cành chông
vòng hoa bày trước mặt
 
Mẹ khóc rồi ông nói
nó chết hãy còn may
hai vạn cỗ quan mới
trả xong biết mấy đời
 
lũ bay còn nhỏ dại
tám đứa làm sao nuôi
nó chết rồi nằm đấy
chỉ khổ người sống thôi...
 
Thằng Đỏ và thằng Trắng
Khóc Thầy không ra hơi
Chú Ba ngồi im lặng
hất mẩu đất lên Thầy:
 
đất này nung gạch đây
đắp thêm lên chút nữa
thêm lên vậy khéo rồi
trâu đằm cũng chả sợ...
 
Ông về mẹ còn khóc
mẹ nhớ đã bảo Thầy
cố thêm chúng ăn học
Trời thương cũng có ngày...
Ngọn đèn soi không tỏ
con ngồi khóc thương Thầy
thằng Trắng và thằng Đỏ
day vú mẹ mãi thôi
 
mưa rơi rồi mưa rơi
mưa rơi hoài mưa rơi
mưa rơi đều như thế
mưa rơi mãi Thầy ơi
 
con ngủ mê hòa bình
mặt trời đen rưng rức
Thầy nằm dưới lòng vực
Thầy chết có một mình.
 
(Tạp chí Đất Nước)
 
 

DƯỚI CHÂN CẦU CÁI CÁ

 
Khi ánh chiều lãng đãng trôi theo dòng nước
và cánh bèo qua mau dưới chân cầu
lùa bóng đêm vào đầy tâm hồn tôi
thì nụ cười em chợt nở ra như một đóa hoa quỳ
và ở phía xa tôi nghe tiếng con tàu réo gọi
cùng đốm lửa chập chờn rồi tắt ngấm
người ra đi gửi về từng đợt sóng
và bụm cỏ cúi đầu nhận cái hôn
làn môi lạnh
                   biển khơi
ấy là lúc tôi quay về tìm em trong bóng tối
chung quanh tôi đời lãng đãng qua mau
những cánh bèo nhòa nhạt
cùng ánh chiều ước mơ
và nụ cười em như một đóa hoa quỳ
tôi chờn vờn trên tóc em tưởng mình là người hoa tiêu
một hôm rời quê hương với con tàu bạc phước
nhưng tôi không sao nghĩ tới những bờ cỏ
khi đóa hoa quỳ em nở trên môi
vì ở mãi tận phía xa
cuối những hàng dừa ôm từng khối bóng
chợt lóe lên những tia lửa phù du
ôi giây phút nó ngã xuống
– dưới một trời đầy sao –
réo gọi tên tôi rền rĩ...
ấy là lúc tôi quay về tìm tôi trên mình em trong bóng tối
chung quanh tôi đời loáng thoáng quay mau
những cánh bèo nhòe nhoẹt
cùng ánh chiều ước mơ
và nụ cười em chợt nở ra như một đóa phù dung.
 
Vĩnh Long, 1969
(Tạp chí Đất Nước)
 
 

TRÊN QUỐC LỘ 4

 
     — gửi Anh Chị Nguyễn Đồng
 
Tôi băng bưởi trên con đường lỗ chỗ
về miền Tây vựa lúa nước tôi
những cánh đồng mênh mông như lời mời gọi
những lạch sông rực ánh mặt trời
những cây cầu chênh vênh
những chuyến phà lộng gió
những món quà đượm hương đồng nội
những mẹ hiền và thiếu nữ thơ ngây...
 
tôi đi mãi vào miền hy vọng ấy
tưởng chừng như nhịp gót chân tôi
cả trăm vạn người xưa cùng bước
bàn tay nào mở mang bờ cõi
bàn tay nào dựng nước dựng nhà
khi khói vươn lên trên hàng dừa thẳng tắp
khi cá về đầy ắp bến sông
và lúa vàng rào rạt trổ bông
tôi biết rõ là hơi thở ấy
đã thổi vào lòng đất quê hương
tôi biết rõ những giọt mồ hôi ấy
đã làm sương phủ khắp cánh đồng
và tiếng chim kêu trên bờ lau
nhắc tôi tới những ngày nào đơn độc
cánh tay trần chống trả với thiên nhiên
con cá lội ngu ngơ giữa hai dòng nước biếc
mở cho tôi cánh cửa bình yên
của lao tác hiền hòa của kiên cường bất khuất
 
tôi kiêu hãnh nhìn quê hương lớn mãi
với giấc mơ một dân tộc anh hùng
tôi nghe tiếng người xưa thầm gọi
trong miên man triều sóng biển khơi
và tôi hiểu là đời tôi không thể
ở yên như núi xa
ở yên như dòng sông lặng lờ trôi cùng lục bình tưởng nhớ.
 
Cần Thơ, 1969
(Tạp chí Đất Nước)
 
 

TRONG NGUỒN CƠN ĐÓ

 
— gửi Sachiko
 
Nghĩ đến em bây giờ thật là buồn nghĩ đến em con
đường phơi ánh sáng xám ngắt mùa thu rộ lá phong
hồng cây cầu gỗ trơn dài những bước mềm của tuyết
 
nghĩ đến em bây giờ thật là buồn thât là buồn mùa xuân
không còn trên cỏ úa cánh chim xưa thôi vút qua làn khói
nhẹ vẩn vơ con tàu đài-trung lọt vào vùng mưa buổi sáng
 
nghĩ đến em nghĩ đến em nghĩ đến em mùa đông bắc-hải-
đạo băng qua thái-bình-dương đổ về nam-hải ngày sài-
gòn đêm sài-gòn những là heo may rét quá rét quá...
 
nghĩ đến em cơn lụt tới rần rần những óc trắng óc
xám trôi ra từng bè mây vờn sóng ngọn bút
sương mù quệt lên bọt bèo rác rến một
năm hai năm ba năm mười một
tháng em có nhớ
 
Cái gì đỏ thắm trên
môi em đó đôi môi mặt
trời ửng chín giữa một
mùa Thơ trắng toát
nụ hôn đầu hết
nồng nàn
như mới yêu khổ đau
đã tới khi được yêu thì vội đã chia ly
 
 
Cái gì loáng thoáng trên tóc em những hình lục lăng
tan mau như nước mắt hạnh phúc líu ríu trên tay nhau
giữa lòng phố hẹp ngả nghiêng những bóng tối cùng
bóng tím lùa từng miếng nhỏ qua chòm râu do-
thái gạ bán cho mình hai đứa ba chiếc nón
 
cái gì trong veo bỏng cháy như chén
cà phê ái-nhĩ-lan ở buena vista
khiến mình đã trèo lên
tầng lầu cao nhất
thế gian
để
nhìn
từng
bầy
tinh tú
lũ lượt
rong chơi cùng
những tinh cầu sắp tắt...
 
Ôi có nghĩ đến em bây giờ
cũng chỉ bằng như nghĩ đến quê hương.
 
(Tạp chí Trình bầy, số Xuân Tân Hợi)
 
 

PHÚN THẠCH CỦA MÙA XUÂN KHẢI HUYỀN

 
Trên cánh tay mỏi mệt
trên nét mặt buồn thiu
trên chiếc áo sơ-mi nhàu nát
trên đôi giày gót vẹt
trên đôi vai xiêu xiêu chĩu đổ
trên trái tim mười bốn chặng đường khổ nạn
trên vừng trán tầm tã mồ hôi của cơn sốt xuất huyết
trên đôi môi héo khô của mật đắng giấm chua
mùa xuân trở về như lưỡi đòng đâm suốt bên người
những bông hoa đỏ thắm một ngọn đồi trọc
 
mùa xuân trở về với tiếng gà eo óc ở thôn xưa
với người lính già bần thần chối bỏ bình yên
với tình yêu run rẩy
trong ánh sáng xanh xao của đức tin hèn mọn
mùa xuân trở về với ba mươi chín lằn roi
với mão gai làm triều thiên cho người khốn khổ
với áo đỏ bết máu với cây sậy quyền uy
mùa xuân trở về với bảy mươi bảy lần sấp ngã
với những tảng đá loang máu người vô tội
với con đường bụi bặm dốc cao
với cánh đồng trống trơn lỗ chỗ những hố bom
rừng lớp lớp bày ra cảnh đìu hiu cách lạ:
những thân cây làm thập tự giữa trời
mùa xuân trở về với bầy thú săn đuổi con người
với tiếng reo hò của loài kên-kên đói khát
năm mươi vì sao giữa một nền trời gạch mặt quay cuồng
năm mươi cánh tay bạch-tuộc
                              chụp bắt
                                          giằng xé
                                                      hỏa thiêu
phún thạch đã khô trong ống điếu của nhà trí thức
ở phòng bột đen của hãng Pin lớn người công nhân không tìm thấy ánh sáng
– những con chuột chũi mãi đi trong bóng tối sự chết –
trên lề đường nhân ái chúa bị quăng ra
mùa xuân xối nước rửa tay
tiếng hò reo của bầy kên-kên
                                        bầy kên-kên
                                                        bầy kên-kên.
 
(Tạp chí Trình bầy)
 
 

TIẾNG NÓI

 
                — gửi Trần Tuấn Nhậm
                   & Cao Nghi Bình
 
Chim cánh trắng xôn xao
vùng biển xanh diệu vợi
tiếng còi tàu thét gọi
rền rĩ trong đêm thâu
 
trái tim cửa sổ mở
nhìn ra khu vườn này
gió lay ngọn bắp lay
ánh hồng trên gương vỡ
 
chúng ta ngồi bên nhau
chụm từng thanh củi nhỏ
kỷ niệm ngày xưa đó
khói lam bay ngang đầu
 
ngày vàng và đêm đen
niềm vui xen nỗi nhớ
mây trôi qua ưu phiền
lửa hồng soi rực rỡ
 
“thiêu trong vàng của gió”
những đêm dài u mê
bừng lên như hơi thở
rừng căng từng thớ gỗ
 
tiếng đàn trầm trong khe
uy nghi và lặng lẽ
đôi mi nào chớp khẽ
nhè nhẹ bước em về
 
ngày của ngày đã tới
run run những ngón hồng
trên vừng trán phương đông
mặt trời hiền đã gọi
 
quay lưng lại bóng tối
những người con nhân loại
những cánh tay dựng ngày
lưỡi rìu là tiếng nói
 
chim cánh trắng bay cao
lòng trời xanh vô hạn
giọt mồ hôi lấm tấm
đọng lại trên bông đào.
 
(Tạp chí Đứng dậy, số Xuân Đinh Tỵ)
 
 

PARIS TRONG TẦM TAY

 
                                — gửi mn.
 
Chỉ một vài ngày nữa anh sẽ lên máy bay
chiếc máy bay thân thẳng và trắng muốt
sẽ cất cánh đưa anh tới hạnh phúc
paris trong tầm tay!
 
anh sẽ bay mải miết anh sẽ bay
xa lánh những nhỏ nhen hận thù phân biệt
những đố kỵ ghét ghen những tủi hờn sợ sệt
paris trong tầm tay!
 
anh sẽ nhìn xuống từ trên máy bay
sài-gòn trong cơn mưa dầu nắng lửa
những mái nhà chật chội những cõi lòng tan vữa
paris trong tầm tay!
 
anh sẽ nhắm mắt để tận hưởng một chút say
cái ghế êm thoải mái cái cảm giác thoát chết
chiếc nón cối xa dần ảo tưởng cuối cùng đã hết
paris trong tầm tay!
 
rồi anh sẽ chệnh choạng bước thêm vài bước
để nôn tháo ra những ý nghĩ chua cay
và khi trở lại ghế ngồi anh sẽ khóc
paris trong tầm tay!
 
Sài-gòn, 7-1983
 
 

CƠN GIÔNG

 
Có những chiếc lá
trong gió vẫn tung tăng
như vầng trăng
khi ẩn hiện
cười trên mặt giếng
vẫn no đầy
 
như mây trong cơn say
bay mải miết
cuốn theo những mảnh trời da diết
bỏ lại cơn mưa
hạt đong đưa
trên hàng dừa ủ rũ
bỏ lại cơn mưa
bên dòng lũ
bụi sóng còn in trên vách tim
 
như muôn ngàn cánh chim
về cùng bóng tối
– những chuỗi giờ đứt nối –
bên đám tro
màu xanh xám ơ hờ
 
chúa ơi
có những chiếc lá rơi
nghiêng một trời giông bão.
 
 

LỜI CẢM ƠN CÁC BẠN Ở CANADA

 
                — gửi Nguyễn Khắc Ngữ, Đỗ Quý Toàn
                   & để nhớ Cao Bá Minh
 
Các bạn đã viết thư cho ta
các bạn đã gửi cho ta sách
các bạn còn tặng quà cho xấp nhỏ
cám ơn các bạn ở canada
những người bạn thật xa nay đã chợt gần!
 
cám ơn bụi forsythia vàng nhắc ta nhớ mùa xuân
cám ơn những ngày cuối cùng ở việt-nam
cám ơn ông Tố Như 164 năm sau còn có người nhớ
cám ơn ngọn gió rung cây ở trong dường có hương bay
cám ơn con sóng lút đầu đưa ta về phiến đá
 
cám ơn những đỉnh cao tuyết phủ
năm tháng ngủ dài nay vươn vai thức dậy
cám ơn cái giường cám ơn khung cửa mở:
mây còn đầy mưa trong mắt buổi sáng
cám ơn lời mời dự “đám cưới ở Brownsville”*
tiếng gọi âm thầm như nụ hôn trên cát
cám ơn con tàu đâm suốt trái tim ta
lời cảm ơn ngậm ngùi giữa một hồng đông lạnh
 
cám ơn m
ngọn lửa nhỏ bé dưới mồ không bao giờ tắt.
 
26. 4. 1984
 
----------
* Isaac Bashevis Singer, in Short Friday... (DC.)
 
 

HẠ KHÚC

 
                — gửi Nguyễn Đăng Thường, Phương Sinh & anh Tư
 
Ta nhặt được tờ thư từ thành phố sương mù
những hàng chữ sít sao như hoa phượng chen nhau trong một mâm xôi lớn
những hàng chữ lượn vòng như con đường chợt mở rộng
trước mặt ta là cánh đồng
sau lưng là hừng đông
ta men theo trí tưởng
trở về nơi có khói của một dòng sông
hạ khúc chói lòa
 
từ thành phố sương mù mây bạn trôi qua
hàng dừa tóc xõa
những nghĩ suy của ta phút chốc bỗng thăng hoa
trái tim ta thoi thóp
như bông gấc trắng ngà
 
ta nghe trong tiếng leng keng chiếc xe người phát sữa
tiếng nói cười từ thế giới bên kia
ta nhìn rõ trong đôi mắt mở to trên từng chén cà phê sóng sánh
bập bềnh những ước mơ
và bạn ta – người đảng viên già –
trong cơn say biến thành con ngựa đá
một ngày hạ đơn sơ
ta hóa thân loài côn trùng bi bô lời vô nghĩa
 
trở về từ quê hương hoài niệm
ta biết bạn không còn gì (nhưng ta còn bạn):
từ thành phố sương mù ta đã nghe nhịp đập
của trái tim xô từng lớp biển xanh
ta bước quanh nỗi buồn cất đi giọt nước mắt
tiếng sóng vỗ quanh bàn cuốn ta về với thành phố mù sương.
 
9. 5. 1984
 
 

DƯỚI CHÂN CẦU CÁI CÁ (II)

 
Ở ngoài khơi
có những đốm lửa chập chờn đi trên làn nước
ánh sáng nhạt nhòa ướt đầm ngọn cỏ
trong tôi có khung cửa ngỏ
mây em về theo con gió đêm
 
dưới chân cầu có dòng lũ miên man
mây em chìm trong ánh đèn mờ tỏ
quán bây giờ còn tấm biển không tên
tôi bây giờ còn khung trời gió
 
những bãi cát phơi vàng trong trí nhớ
những hàng dừa đuổi mãi một vòng tay
tôi chợt thấy hạt mưa cuối phố
ở lưng trời sao vỡ không hay!
 
bước nhè nhẹ lên cầu mây
tôi lần về khung cửa gỗ
a! tiếng ai cười như bông cỏ may
hoa móng tay rụng đầy bên bờ đá
 
có bão rớt ở đâu đây hay bão tố
chỉ riêng tôi:
buổi sáng còn thấy nhau buổi chiều đã mất
 
ở ngoài khơi
có những đốm lửa chập chờn
đi trên làn nước.
 
17. 5. 1984
 
 

NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI NÓI CHUYỆN TRÊN XE LỬA

 
                                                      — gửi Đỗ Quý Toàn
 
Không thể ném xuống sông một con mèo xinh đẹp như thế
một con mèo biết rướn đôi mày cong thả nhẹ làn khói thuốc và nghiêng đầu trên trang báo
 
không thể ném xuống sông bởi dòng nước mùa xuân
sẽ cuốn mau những mẩu thời gian băng giá nhất
 
không thể trả lời những câu hỏi đơn sơ (nhưng thật khó) như bây giờ là mấy giờ chuyến xe lửa này đã tới chưa ngoại trừ: chết rồi định làm gì
bởi câu trả lời nhất định phải là: yêu!
 
không thể sống cho lúc vừa qua và chút nữa – dù ở thiên đường xanh hay địa ngục vàng
bởi lúc này
ngôn từ đã trở thành đạo cụ với ngoại cảnh là đồng hoa – tất cả
chỉ là từ chương.
 
20. 5. 1984
 
 

ĐÊM Ở GIF-SUR-YVETTE

 
I
 
Chuyến tàu cuối cùng giận dữ bỏ đi
ánh lửa trong ga chợt tắt
cơn lạnh ùa ra như tên cướp
khép những mắt cửa sổ
con đường thì thầm lá khô
hàng đèn đứng im thật trắng
những trái hỏa châu rớt xuống sau đồi
tiếng róc rách ở bên kia rặng cây
ở bên kia
mái tóc đẫm bụi mưa
 
II
 
tiếng chim hót vào ba giờ khuya
giọt chuông loang trong gió buốt
người lính xen-đầm đi ngủ lại
những hộp rác kín bưng
ngôi nhà không ánh lửa
cánh cửa không người đợi
rừng rã rượi trong đêm
những bước chân gõ vào trái tim rỉ sét.
 
 

NHỮNG CỌNG TRÀ

 
Những cọng trà chơi vơi giữa chừng rồi đứng dựng
như hàng cọc trên sông
 
ôi em tôi đôi má rám hồng
em đợi cơn mưa chiều em trông sao buổi tối
bên sườn đồi thoai thoải
trong vườn cũ âm u
bước chân em nhẹ hơn lá mùa thu
bàn tay em thoăn thoắt
 
những búp non ngọt nhạt
loạt soạt trên áo bầu
em ngắt từng mảnh sao
chén cơm đầy trong mắt
 
— hồi hôm gần trạm Ma-gui* đột xuất
đã bắt được một người đàn bà bụng chửa:
toàn trà!
 
những cọng trà đứng dựng khi thủy triều rút.
 
--------------
* Ma-gui hay Ma-ra-gui (địa danh) có lẽ từ “Margouillis” (tiếng Pháp)?
 
 

NGƯỜI LÀM VƯỜN VÀ BÔNG HOA

 
                                Tôi, người làm vườn và bông hoa
                                Không đơn chiếc trong nhà tù thế giới...
                                                             O. E. MANDELSTAM
 
Khi chuyến xe buýt uể oải cuốn đi sợi cuối cùng của gió
ta chỉ còn một không gian thủy tinh
ở đấy nắng chảy xuống thành luồng như đổ lửa
và lá cỏ vươn dài như những lưỡi gươm xanh
 
buổi sáng đàn quạ kêu vang như lệnh vỡ
ta bước ra vườn em còn mặc áo già lam
trưa về ta ngồi sau song cửa
ai đã thay màu rực rỡ cho em?
 
ở chốn địa đàng ta không phải người tù duy nhất
trót đưa chân nên quanh quẩn với người
ta lục tìm trái tim với nỗi sầu chất ngất
kết cho đời một tràng chuỗi tinh khôi...
 
những lá cỏ cao dần theo con nắng
những lá cỏ phủ kín mình hoa
ta chỉ còn một vạt màu của biển
và kỷ niệm một khoảnh khắc tình ta.
 
11. 7. 1984
 
 

MỖI NGÀY

 
m yêu dấu
 
mỗi ngày anh viết một tờ thư
những lá thư chồng chất
không người nhận
mỗi ngày anh vẽ một con tem
mang hình một người bạn
những người bạn không còn nữa
mỗi ngày anh trút hơi thở lên trang giấy
hơi thở đóng băng
mỗi ngày anh nắn nót từng dòng chữ
dòng chữ hóa đá
 
anh đằm mình trong bụm cỏ
gặm nhấm ngày qua như một cọng rác
anh lau mặt bằng tình thương mòn mỏi
gạt những sợi tóc bạc dần...
 
mỗi ngày
tia nắng đầu tiên nhỏ một giọt lệ
anh lại viết một tờ thư.
 
9. 1984
 
 

NHỮNG MÓN HÀNG

 
Trên cánh bồ câu gần bào tàng viện Con Người 
đôi mắt một người đen xè xè bay lượn
 
ngày bắt đầu khi chúng tôi y hẹn
tới bày hàng bên chân tháp Eiffel
tôi bán dây da và bạn tôi bán hột soàn:
những hạt thủy tinh trong như nước mắt
những mảnh da màu cát
bạn tôi bán hột soàn cho người châu á và châu mỹ la-tinh
tôi chạy theo những khách mặc hàng trắng có đôi mắt xanh
nưóc mắt của bạn tôi có thể dùng làm món đồ trang sức
dây da của tôi để ăn diện hoặc quất lên những mảng lưng trần khi buồn bực
chúng tôi bán tất cả giá rẻ mạt và thường tặng thêm những nụ cười
 
trên cánh bồ câu gần bảo tàng viện Con Người
những món hàng của chúng tôi xập xòe bay lượn
mỗi ngày.
 
9.10.1984
 
 

TỰ DO

 
                   — nhớ Thế Nguyên
 
Khi người nghệ sĩ bản địa múa ballet trên chiếc xe cọc cạch
kẻ thiên tài từ paris về giương ống kính
thâu hình một bóng ma
 
ôi tự do
mi đã cho anh trương chi đỏ những đồng francs yêu nước
mi đoàn kết những chuyến bay việt kiều đầy ắp
những món hàng thâu lợi gấp trăm
mi đã cho bạn bè ta mùi vị mật ong
ảo tưởng thiên đường hé mở
buổi chiều carnaval mi đeo mặt nạ
cột vào lưng ta chiếc pháo thăng thiên
từ chin tầng trời cao ngất
ta ngó nghiêng như cánh diều ác độc
nhìn quê hương quay theo vòng bánh xe
người nghệ sĩ múa ballet đầu cúi
xuống trái tim – nấm mộ
 
ôi tự do
mi cười như một con rối.
 
 

THƠ

 
Nếu em hỏi tôi thơ là gì tôi sẽ nắm tay em thật chặt và nói: chúng mình hãy đi uống bia nghe những người Bôlivia đánh đàn và thổi sáo
 
nếu em gặng hỏi tôi thơ là gì tôi sẽ chỉ cho em những đám mây trên ngọn tháp và nói: ở cánh đồng trên ấy có bầy ngựa trắng
 
nếu em vẫn không hài lòng với câu trả lời của tôi và tiếp tục hỏi thơ là gì tôi sẽ cắn vào môi chảy máu và nói: bông hồng của tim anh!
 
miếng bánh em ăn và ly rượu trên bàn
là thơ của bông lúa và chùm nho
 
thơ của lá phong ửng chín là dòng nhựa miên man nâng cơn say lên cùng nắng và gió
 
và thơ của em là mái tóc thơm mùi dưa hồng là đôi cánh tay tượng ngà nho nhỏ và chuỗi tiếng cười đuổi theo nhau như những hạt trân châu...
 
em đã thấy thơ của những người Bôlivia chưa?
— tiếng đàn của họ vàng như một cốc bia.
 
10. 1984
 
 

LỘ-TRẤN*

 
Đi theo Gustave Doré trên những con đường quanh co
tới ngọn tháp hồng ngất ngư dưới lá cờ ủ rũ
giã từ những áng mây nghệ sĩ – những vỉa hè đá cũ
bập bềnh trong tưởng niệm xa xưa
 
thành phố tiếng gót giày vọng lại từ bên kia sông Rhin
thành phố những phế tích lượn vòng quanh với bóng ma lãnh chúa
thành phố từng giọt chuông loang trong đêm màu lá úa
thành phố vườn hồng ngủ mơ trên thung lũng xanh
 
thành phố những bộ râu âm u thiếu mặt trời 
thành phố đỉnh tháp chìm trong sương nhớ bông cỏ bay ngày chớm hạ
thành phố bà mẹ ôm xác hai người con
                                  biến thành tượng đá
 
đi theo bông cỏ bay bay trong trí nhớ
nhét vội chuỗi ngày buồn
                                  trong túi một người câm
nghe tiếng sóng âm thầm
                                      xé toang lồng ngực gió.
 
Tiểu Pháp-quốc,
Lộ-trấn, 1985
 
------------------
* Strasbourg, Yên Sa (Alsace), Pháp. Gustave Doré là một họa sĩ thời danh của Lộ-trấn và thế giới. (DC.)
 
 

SAU MẶT KÍNH CỬA HÀNG

 
Vách tường loang bóng hoa 
dòng sông quên lớp sóng
cây cầu xoay lóng ngóng
con tàu trắng trôi qua
 
trong bình viên sỏi nhỏ
thấm miếng nước dần khô
nụ hồng không mở nữa
lá vàng theo cuống đỏ
 
những con cú bằng sứ
nhìn ta trong giấc mơ
thời gian như cơn mưa
dụi trên mi cửa ngỏ
 
những con cú bằng gỗ
nhìn ta xoay gót chân
một sợi mây phân vân
gợn trong tim rạn vỡ
 
trôi dần trên suối mê
những con cú bằng giấy
đôi mắt màu cỏ dại
rủ ta quên đường về.
 
Tiểu Pháp-quốc,
Lộ-trấn, 6.1985
 
 

HAI MƯƠI

 
Sương mù không thấy mặt
dòng lạnh quên trôi đi
nhớ anh về em dại
biển vắng bóng hải di.
 
 

MƯỜI SÁU

 
Trái rụng vườn sau
hoa rơi ngõ trước
bước đi một bước
nửa chừng nhớ nhau.
 
 

MƯỜI BA

 
Mưa Sài-gòn
tuyết sông Yên*
có chung một bóng
mây triền miên?
 
--------------
* Dòng l’ Ill của Lộ-trấn. (DC.)
 
 

R.I.P.*

 
Có những kẻ vừa chợt cười chợt nói
đã biến đi trong khoảnh khắc vô tình
ở góc đường thường khi không chờ đợi
còn thấy được một bàn tay họ vẫy...
 
gót chân họ nhẹ nhàng như tà áo
đôi khi mềm như mái tóc dòng sông
nụ cười tươi và đôi mắt rất trong
còn thoáng hiện trong chiều vàng ảo não
 
họ đứng đợi dưới mái vòm thiên cổ
hoặc đuổi theo khi mình chợt bước nhanh
và buồn rầu trong tiếng gọi thất thanh
như báo trước những điều mình lầm lỡ...
 
hỡi chiếc bóng vừa nhìn tôi lần cuối
và theo tôi về dưới mái giáo đường
xin hãy khóc cùng tôi điều oan trái
và nghỉ yên trong tình mộng phi thường.
 
19. 1. 1988
 
-------------------
* Requiescat in pace - ‘Xin hãy nghỉ yên’. (DC.)
 
 

THI SĨ

 
                — gửi Phương Sinh & NVBD.
 
Khi những nhà chép sử bỏ đi
anh vẫn có mặt
 
anh nhìn những bóng ma tất tả
và nhủ thầm sự thật
                           không phải là chén cơm
                                không phài những khẩu hiệu
 
anh mở toang trái tim mình
một con cánh cam xanh biếc bay lên
miên man với những cành phượng vĩ
 
và trở về với cơn mưa nghiêng
                                trên con phố dài kỷ niệm
ẩn dưới những nan hoa tháng ngày thấp thoáng
 
anh là nụ hôn đi tìm chiếc lông chim.
 
6. 6. 1989
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021