thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sáu bài thơ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JULIA HARTWIG
(1921~)
 
Julia Hartwig là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc nhất của Ba Lan ngày nay. Bên cạnh Wislawa Szymborska, bà chiếm một chỗ đứng cực kỳ lớn lao trong toàn cảnh văn học đất nước này, không chỉ như một nhà thơ, mà còn như người viết tiểu luận phê bình, dịch giả, nhà chuyên khảo văn học Pháp. Bà sinh năm 1921 ở Lublin, thành phố lịch sử ở đông nam Ba Lan, và khởi sự viết văn từ thời còn học trung học. Suốt thời chiến tranh [1939-1944] bà học văn học và triết học tại Đại học Varsovie [trường hoạt động không công khai], từng tham gia đội quân Nội địa, làm giao liên trong tổ chức kháng chiến bí mật chống Đức quốc xã cho đến ngày chiến tranh chấm dứt, và bà trở lại hoàn tất việc học tại một đại học công giáo ở Lublin. Giữa 1947 và 1950 bà sống ở Pháp, được học bổng theo học văn chương Pháp các thế kỷ XIX và XX, và làm việc tại Tòa Đại sứ Ba Lan. Trở về Varsovie, bà cho xuất bản cuốn văn xuôi đầu tiên Z Niedalekich Podrozy [“Không xa”, Warsaw, 1954] gồm những bài du ký, và cùng năm đó bà kết hôn với nhà thơ Artur Miedzyrzecki và cùng chồng cho ra đời nhiều tác phẩm văn xuôi khác, trong số đó có bốn cuốn viết cho thiếu nhi [1961-1969] và nhiều bài dịch & chuyên khảo về các tác giả Pháp, đặc biệt là Arthur Rimbaud, Apollinaire [1962] và Gérard de Nerval [1972]. Từ 1972-1974 bà là khách mời của International Writers Program của Đại học Iowa ở Mỹ. Có thể nhờ đó nhiều nhà thơ trẻ Ba Lan đã có dịp được đến tham dự Chương trình viết văn của đại học này?
 
Tập thơ đầu tiên của bà xuất bản năm 1956, nhưng thơ bà xuất hiện từ 1945, trước tiên là trên một tờ báo định kỳ ở Cracovie, sau đó là trên những tạp chí văn học lớn của thủ đô. Từ đó bà đã cho xuất bản trên sáu tập thơ, trong số đó nổi bật là những tập Bez Pozegnania [“Không giã từ”] và Nie Ma Odpowiedzi [“Không trả lời”]. Bà cũng cho xuất bản một tập thơ văn xuôi và một cuốn viết về những chuyến đi cùng với chồng là nhà thơ Artur Miedzyrzecki ở Hoa Kỳ: Dziennik amerykanski [“Nhật ký Mỹ”, 1980.]
 
Bên cạnh các nhà thơ Pháp như Apollinaire, Rimbaud, Max Jacob, Cendras, Supervielle và Henri Michaux, bà còn dịch nhiều nhà thơ Mỹ qua tiếng Ba Lan; và ngoài một cuốn sách dịch giới thiệu các nhà thơ nữ Mỹ, bà còn cùng người chồng nay đã quá cố của mình cho ấn hành tuyển tập các nhà thơ Mỹ: I Sing Modern Man [1992]. Thơ Julia Hartwig đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và bà từng nhận nhiều giải thưởng ở Ba Lan, Pháp, và Mỹ, kể cả Giải thưởng Jurzykowski và Giải thưởngThornton Wilder của Trung tâm Dịch thuật Đại học Columbia, và Giải thưởng thơ Georg Trakl của Áo. Năm 1977, Tổ chức Fondation d’Hautevillers ở Pháp đã trao Giải thưởng Dịch thuật [Prix de Traduction] cho hai vợ chồng bà, và một Giải thưởng mang cùng tên đã được Pen Club Quốc tế trao cho riêng bà.
 
Không như một số các nhà thơ Ba Lan cùng thời, như Zbigniew Herbert chẳng hạn, thơ Hartwig tương đối ít thấy bóng dáng chính trị. Bà chống lại mọi kiểu danh xưng, phân loại, và lúc nào cũng để lộ một bản sắc riêng lẻ, không thời thượng – nếu có phải gọi tên thì đó chính là nhân bản. Cái nhân bản thường tình của những số phận cô đơn, phải tiếp cận sự sợ hãi, phù du của cuộc đời, cả cái vui cái buồn, và sự sáng tạo – những đề tài bàng bạc trong thơ bà. Giọng điệu đồng cảm của bà tuy nhiên vẫn là một giọng điệu trong suốt, những cảm xúc kiềm chế nhờ đó nghe không quá mềm yếu, không quá bộc lộ tình cảm.
 
Ngoài những tác phẩm thơ và văn xuôi như Pozegnania [“Giã từ”, Warsaw: Czytelnik, 1956], Wolne Rece [“Bàn tay tự do”, Warsaw, 1969], Dwoistosc [“Hai mặt”, Warsaw, 1971], Czuwanie [“Thức dậy”, Cracow, 1978], Dziennik Amerykanski [“Nhật ký Mỹ quốc”, Warsaw, 1980], Chwila Postoju [“Khoảnh khắc ngừng”, Cracow, 1980], Obcowanie [“Quen thuộc”, Warsaw, 1987], Czulosc [“Dịu dàng”, Cracow, 1992], Nim Opatrzy Sie Zielen [Cracow, 1995], Zobaczone [Cracow, 1999], Przemija Postac Swiata [Warsaw, 1999], Zawsze Od Nowa [Warsaw, 1999], Zawsze Powroty - Dzinniki Podrozy [“Nhật ký một chuyến đi”, Warsaw: Sic!, 2001], Nie Ma Odpowiedzi [“Không trả lời”, Warsaw, 2001], Wiersze Amerykanskie [“Thơ Mỹ”, Warsaw, 2002], Blyski [“Ánh chớp”, Warszawa, 2002], Mowiac Nie Tylko Do Siebie. Poematy Proza [“Không phải chỉ trò chuyện với tôi. Thơ văn xuôi”, Warszawa, 2003], Bez Pozegnania [“Không giã từ”, Warsaw, 2004], Julia còn xuất bản nhiều sách cho thiếu nhi, như Jasi i Malgosia [“Hansel và Gretel”, cùng với Artur Miedzyrzecki, Warsaw, 1961]; Przygody Poziomki [“Nhữnc cuộc phiêu lưu của một cây dâu hoang”, cùng với Artur Miedzyrzecki, Warsaw, 1964]...
 
 

Tần ngần trước Tập sách của một Nhà thơ trẻ

 
Sáng mai cô bồi phòng khách sạn sẽ ngạc nhiên
khi nhìn thấy cuốn sách bên cạnh giường
Tôi nghĩ tôi sẽ để nó lại đây
bởi lẽ vali của tôi đã đầy ắp
Thế nhưng tôi vẫn cân lần nữa xem sách nặng ra sao
so với sức nặng những bài thơ trong đó
Những nỗ lực của hắn dù sao vẫn là thật
nếu mặc cho sức nóng kia của tháng Sáu
tôi đã tin vào mưa tuyết tháng Mười Một
mưa đưa hắn tới một tiệm rượu sau khi hắn để mất cô bạn gái
và tôi đã tin vào buổi sáng ấy khi lần đầu hắn nhận ra
mái ấm gia đình mình vẫn không có nghĩa là bao
thế là hắn khăn gói ra đi vĩnh viễn
Hắn nhận làm những công việc khác thường
sống vội vàng thức dậy trong sâu thẳm tuyệt vọng
mong mình có thể buồn ngủ trở lại và không bao giờ dậy nữa
và hắn rõ ràng đã không đánh cắp những sự kiện kia
                              từ bất cứ cuộc sống nào khác
không đánh cắp những bài thơ nọ từ bất cứ cuốn sách nào khác
Điều đó có làm cho tác phẩm của hắn đáng được gìn giữ?
Tôi chưa hề dễ dàng trút bỏ mọi chuyện
Mọi thứ thu nhặt được tôi mang cả vào mình
như một chỗ cất giữ người chủ chậm chạp bỏ nằm đợi
Có lẽ bọn họ có lý
những kẻ có thể rũ bỏ những thứ vô dụng một cách dễ dàng
và hướng thẳng tới cái đích mình đã chọn
Bọn họ hẳn phải thấy cái lừng khừng của tôi là lố bịch
 
                                                trích từ liên khúc “Americana”
 
 

Với mi chúng ta chỉ là

 
Với mi hỡi châu Âu chúng ta là phần dự trữ của lịch sử
với những lý tưởng lỗi thời của chúng ta
với những dải băng áo tu sĩ phủi hết bụi của chúng ta
với những bài ca chúng ta hát
Cái tốt đẹp nhất của chúng ta chúng ta đã đem hiến
cho con rồng của bạo lực và cưỡng bức
Những thanh niên những thiếu nữ đẹp nhất
những đầu óc lớn nhất những tài năng triển vọng nhất
một vòng hoa vinh danh với những lời đề tặng vắt ngang
Chúng ta những người vô tư nhận di sản sự nghiêm chỉnh
những sứ giả không mệt mỏi của hi vọng
Những kẻ thừa kế tu từ học của quê hương
mang vừa với mình như một chiếc găng
      trong khi chỉ mới hôm qua
với chúng ta nó hãy còn có vẻ hơi hẹp
 
 
 

Khúc scherzo*

 
Ta từng nghe tiếng những cây dẻ
Ta từng nghe tiếng những cây tiêu huyền
và tiếng sậy chuyện trò với bu lô
Ta sợ và ta run
Thế rồi mặt trời lên làm dịu nỗi lo
đêm làm nhẹ những màu sắc quá dữ dội
sương mù xoá tan những hình thể
Vâng những chuyện ấy sẽ còn kéo dài –
một con bướm bay qua rỉ tai
      Vườn đóng băng Mùa đông chợt đến cất tiếng hát
một điệu nhạc làm không khí đặc lại
Gió cuốn đi những tiếng thét những trái táo những tổ chim
ở góc phố người ta bán những hạt dẻ rang cháy
trời xuống chậm mỗi lúc một thấp hơn
khắp nơi bốc mùi dầu rán và khói
Một cặp tình nhân ôm nhau
ngắm giá cả trong tủ kính một quán rượu
 
------------
* Scherzo [tiếng Ý có nghĩa “đùa”] là tên gọi một khúc nhạc ¾, hay hành âm thứ ba, hoặc có khi là hành âm thứ hai [3è hay 2è mouvement] của một tác phẩm dài hơn, như một bản giao hưởng, một khúc tứ tấu, một bản sonate, chẳng hạn – thường có tiết tấu vui tươi.
 
 

Ông lão

 
Ông lão ngã trong bùn và trong tuyết, ông đứng lên và lẩm bẩm xin lỗi.
 
Ông lão bỏ quên chỗ thuốc pha chế của mình trên quầy hàng ông dược sĩ, lão trở lại và xin lỗi.
 
Ông lão chen lấn trong một chiếc tàu điện đầy ắp người, lão thở khó khăn.
 
Ông lão không cố tình làm ai sợ khi nói tới cái chết sắp tới nơi của mình, không đem cái tuyệt vọng của mình chia sẻ với ai, không than phiền là mọi thứ đến với lão quá sớm rồi sau đó lại quá trễ.
 
Ông lão nhớ là mình đã bị đẩy xuống trên một tảng băng trôi bồng bềnh, bị xô văng ra từ trên chỏm Núi đá Tarpéia,* đã bị bỏ lại trong sa mạc hay bị bỏ đói trong một máng heo. Ký ức của một ông lão là ký ức của loài người.
 
 
---------------
* Tiếng Pháp: Roche Tarpéienne, một chỏm núi đá nằm không xa Capitole, xưa được dùng làm nơi hành quyết bằng cách xô tội phạm xuống biển. Có một câu Latin nổi tiếng đến nay còn lưu truyền: Arx tarpeia Capitoli proxima [Núi đá Tarpéia ở gần ngay điện Capitole] đại ý nói “hết vinh tất đến nhục”.
 
 

Một bản thảo

 
Qua mặt kính một tủ trưng bày
ở nơi Beethoven ra đời bạn có thể thấy một bản thảo
với hàng tá vết nguệch ngoạc, sửa chữa, những chữ gạch bỏ.
Đó là một lá thư gửi cho một ông hoàng quyền thế xin người
chấp nhận một bản giao hưởng ông vừa soạn xong.
Không hề có một sáng tác nào của thiên tài này
mang nhiều dấu vết sử dụng uy quyền bằng lá thư kia
viết cho kẻ trị vì một đất nước nhỏ bé ngày nay không ai biết.
 
 
 

Con ra đời

 
Con ra đời giữa mùa hè chói chang,
Con ra đời vào một thời giông bão.
Mỗi đêm, chân trời mở ra và khép lại
vang ầm.
 
Ba giờ sáng, trời đã rạng đông,
Mẹ con ra đi dưới mưa,
Có khi, bà dừng lại.
Bà vừa bước đi vừa mỉm cười,
Từ cây cối bốc lên một mùi hương gây mê.
Một làn sương ấm phủ đầy đường đi
của một Varsovie thành phố ẩm ướt và vắng ngắt.
Và dọc theo những dãy nhà bố mẹ con rảo bước
người phủ những lớp mưa rào.
Hai người bước từng bước
như những du khách mệt vì chặng đường dài,
như những nhân vật của câu chuyện huyền bí cổ xưa
từ những giọt nước mắt nóng bỏng, nhỏ giọt không ngưng
sinh ra một suối nước mắt mới,
một màu trời xanh mới
đôi mắt trẻ thơ.
 
 
-----------------
“Tần ngần trước Tập sách của một Nhà thơ trẻ” trong tập Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993. “Với mi chúng ta chỉ là”, “Khúc scherzo” và “Ông lão” dịch từ bản tiếng Pháp “Nous sommes pour toi”, “Scherzo” và “Le vieil homme” của Georges Lisowski trong Vingt-quatre poètes polonais (Paris: Éditions du Murmure, 2003). “Một bản thảo” dịch từ bản tiếng Anh “A Manuscript” trong tạp chí The Manhattan Review, Vol. 12, Số 2 - Thu / Đông 2006-7. “Con ra đời” dịch từ bản tiếng Pháp “Tu es née” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins – Quarante-quatre poètes polonais contemporains 1975-1990 (Paris: Les Ateliers du Tayrac, 1997).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021