thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Viện và Thời của Những Tiên Tri Giả

 

Trúc Quỳnh (TQ): Cuốn Thời của những tiên tri giả (TCNTTG) của anh viết đã lâu sao bây giờ mới ra mắt bạn đọc? Dường như đã có một nhà xuất bản từ chối in cuốn đó?

Nguyễn Viện (NV): Tôi viết xong tiều thuyết TCNTTG từ 1999 sau rất nhiều năm nung nấu tìm một cách trình bày thích hợp và tôi đã thật sự hy vọng khi mang nó tới các nhà xuất bản để xin phép in. Nhưng thật đáng tiếc, không phải chỉ có một nhà xuất bản từ chối như Văn Học, mà các nhà xuất bản khác như NXB Hội Nhà Văn, Thanh Niên ở trung ương, các NXB địa phương như Thuận Hóa, Đà Nẵng… đều không cấp phép và không bất cứ một nơi nào có văn bản giải thích, hoặc thông báo về sự từ chối ấy. Theo chỗ tôi biết, người duy nhất ủng hộ việc cho in TCNTTG lúc đó là nhà thơ Phan Đan, biên tập viên NXB Văn Học. Nhưng ban giám đốc NXB này đã từ chối việc đó. Đầu năm 2003, một NXB ở Mỹ đã in TCNTTG cùng với 3 tiểu thuyết khác của tôi trong một tựa chung là Rồng và rắnbốn tiểu thuyết Nguyễn Viện. Sau đó NXB Công An Nhân Dân đã liên lạc với tôi và đề nghị in TCNTTG. Cuối cùng thì nó đã xuất hiện chính thức với độc giả của mình ở trong nước như anh thấy.

TQ: Anh muốn nói gì qua tác phẩm này?

NV: Thực ra thì tự câu chuyện nó đã nói những điều cần nói. Một câu chuyện thật trong một bối cảnh thật. Vấn đề ở đây chỉ là cách nhìn, cấu trúc truyện và bút pháp. Chị Thụy Khuê nhận xét trên Đài RFI của Pháp là truyện này (cũng như các truyện khác của tôi) đều có một cấu trúc song song, nghĩa là mỗi truyện được kể ít nhất với hai giọng, “quay” bằng hai ống kính khác nhau. Qua đó câu chuyện trở nên đa tầng đa nghĩa hơn, và nhất là được chiếu sáng hơn bởi một góc nhìn phi hiện thực, phi tuyến tính (nói như nhà thơ Dương Tường). Chính nhờ thế, mà một người bạn khác của tôi, chị Thu Hồng ở báo Thể Thao - Văn Hóa nói đó là một thứ “thái hiện thực”. Riêng với TCNTTG, tôi không kiếm tìm một lý giải cho cuộc chiến tranh vừa qua, mà là một mong muốn hòa giải từ tâm thức mỗi người.

TQ: Một số tác phẩm khác của anh cũng “dường như” khó khăn khi gửi tới các NXB? Đó là những cuốn nào?

NV: Trước khi TCNTTG được phép in ở trong nước, tôi đã gửi một bản thảo khác gồm nhiều truyện mới với cái tựa chung là Hồi ức trong máu và những huyễn tượng khác tới các NXB Hội Nhà Văn, Văn Học, Lao Động… nhưng cho tới nay cũng chưa một nơi nào trả lời chính thức. Dù sao tôi vẫn hy vọng sách của tôi được in ở trong nước trước khi nó xuất hiện ở nước ngoài.

TQ: Anh tự coi mình là một nhà tiểu thuyết, nhà thơ hay nhà báo?

NV: Tôi đã khởi đầu công việc viết lách bằng việc làm thơ. Tuy nhiên để trở thành nhà thơ có “môn bài” theo điều kiện của các Hội Nhà văn (tối thiểu một tác phẩm đã xuất bản đối với Hội địa phương và 2 đối với Hội trung ương) cũng không đơn giản. Một tập thơ của tôi (Lao về phía bão) cũng đã được gửi tới các NXB đáng tin cậy nhất như Hội Nhà Văn, Văn Học, Thanh Niên… cũng không được cấp phép, dù những bài thơ ấy đã được đăng hầu hết trên các báo trung ương và địa phương. Có lẽ tôi sẽ không làm thơ nữa (tất nhiên không phải vì không được phép in). Nếu để khai lý lịch thì tôi thích ghi là nhà văn, dù tôi vẫn kiếm cơm bằng việc làm báo và viết báo.

TQ: Anh có nhận xét gì về nền văn học của chúng ta hôm nay?

NV: Hình như đã có quá nhiều lời kêu ca về nền văn học của chúng ta hôm nay. Nhưng thú thật, tôi cảm thấy dường như cũng chưa ai dám nói thật về cái nguyên ủy của vấn đề. Thế thì tôi có dám nói thật không? Hay tôi cũng phải “lách” như các nhà văn của chúng ta vẫn viết lách? Khi chúng ta chưa nói thật thì chẳng nói để làm gì, tôi nghĩ thế. Vì vậy, tôi muốn nói thật nhất như tôi biết.

Nền văn học của chúng ta dường như vẫn sa lầy trong các thói quen xưa cũ và vẫn còn nhiều dị ứng với cái mới, cái khác. Bởi thế nó cũng triệt tiêu những khao khát làm mới, làm khác. Khi đặt bút xuống, chúng ta buộc phải đối diện với sự đắn đo viết thế nào để cho in được. Chính tôi cũng được khuyên như thế. Và chúng ta đã phải viết trong thỏa hiệp bằng cách này hoặc cách khác với chính mình. Đầu hàng sự quyết liệt trong hành trình đi tìm cái mới, cái khác, người ta viết cốt để được in sách chứ không phải bởi cái “hối thúc khẩn cấp” (chữ Dương Tường) nội tại của một nhu cầu sáng tạo đích thực. Điều ấy đẻ ra các thứ sản phẩm tường trình của văn chương thông tấn hoặc báo công thi đua. Văn chương với hầu hết nhà văn chúng ta trở thành một thứ quan trường, một thứ thù tạc.

(Trúc Quỳnh thực hiện)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021