|
Cuộc đối thoại | Những | Dị bản của Ki-Tô
|
|
Cuộc đối thoại
Sariputra: Ngài biết gì về yêu thương khi ngài là kẻ sợ-hãi-yêu-thương. Ngài sợ hãi những roi vọt, vực thẳm, tê tái và các cám dỗ bóng tối của nó. Chẳng phải thế sao? khi giáo pháp của ngài đã luôn chỉ là những phương tiện nhằm tìm tới sự tĩnh lặng cho tâm hồn. Tuy nhiên, xin lỗi ngài, một tâm hồn tĩnh lặng chỉ là một tâm hồn chết, y như thể một mặt-hồ-thương-tật-bởi-thiếu-đi-sóng-gợn. Thậm chí các phương pháp thực hành của ngài; đóng lại mọi lối vào-ra của cảm xúc, mà hiệu quả của nó — theo ngài, là giúp quay ngược vào trong để chăm sóc cho cái bản sắc nhân vị thường hằng, trước khi có bất kỳ một ý niệm nào — do vô tình đụng chạm với ngoại giới và đối thể — được khởi sinh — cũng chỉ là mô phỏng khác nữa của ngài về một hình thái bất động vĩnh cửu do nỗi sợ-hãi-khổ-đau tạo nên. Thế chẳng phải nỗi sợ-hãi-khổ-đau chỉ là dị bản khác của nỗi sợ-hãi-yêu-thương đó ư? Vấn đề lớn của ngài là việc, trong khi tìm cách thiết lập một mô-hình-nhà–gương-chống-bụi cho các cá nhân, ngài đã không thèm đếm xỉa tới bản chất lõi cốt của chúng. Các cá nhân chỉ có thể làm nên bản sắc nhân vị của mình khi được tương tác và va chạm cùng đối thể để sinh ra trải nghiệm và xúc cảm trong khoảng-thời-gian-sống-được-quy-định-trong-hiện-tại. Bản sắc nhân vị là thứ chỉ có thể được hình thành tự nhiên giữa-tổng-thể-các-biến-cố, trong nỗ lực của mỗi cá nhân; truy-tìm-mối-dây-liên-hệ-không-đứt-đoạn của bản thân trong các biến cố, chứ không phải là thứ hiện ra một cách tạo chế, ngay sau khi các biến cố bị cưỡng-bức-giải-toả. Chính vào lúc bắt đầu khựng lại để hình dung về một bản sắc nhân vị giả định nào đó trong tương lai, bản-sắc-nhân-vị-đang-hình-thành-trong-hiện-tại của mỗi cá nhân sẽ lập tức tan rã, để rồi, thay cho câu hỏi cụ thể từ hiện tại: “Tôi là ai?”, ngay khi ấy, mỗi cá nhân sẽ phải đối mặt với một dạng câu hỏi mù mờ của tương lai: “Tôi là cái gì ?”. Chính dạng câu hỏi mù mờ này của tương lai đã thằng tay quẳng các cá nhân vào một thế-giới-chân-không-bất-động-sáng-trưng-như-trường-quay, nơi bóng tối, vực thẳm, tê tái, roi vọt, những cơn điên rồ, sự cám dỗ, nỗi sợ hãi, v.v., không còn tồn tại nữa, do đó, cũng hết chỗ cho tình-yêu-thương trú ngụ.
Assaji: Thưa ngài yêu mến, chẳng phải sợ-hãi-khổ-đau cũng chỉ là dị bản của một-nỗi-yêu thương-sâu-xa-thăm-thẳm-đó-ư?
Những
“Những” là một chữ, nhìn theo chức năng, thuộc kiểu hệ thống tính đếm. Song, cái tính đếm của chữ “những” ở đây, dường như mang màu sắc phiếm chỉ mà thôi. Có nghĩa là, bản thân nó — những — không phải là một yếu-tố-số-học-cụ-thể, mà chỉ là một-cảm-giác về sự nhiều-lên, hay thêm-nữa.
Trong trường hợp xấu xa nhất, nhìn dưới góc độ hậu thực dân, nó mang tính cộng thêm, vơ vào (éo le thay, cùng lúc đó, nó cũng mang tính thiểu trừ một-cách-tàn-bạo).
Chẳng hạn như: những nghệ sỹ đương đại cách tân, những nhà thơ trẻ nữ quyền, những dịch giả và phê bình gia nhanh-trí-khôn [mượn chữ của (may quá, không phải những) Trần Dần], v.v và v.v…
Song, phúc cho nó, ở tình huống khác, (và hẳn là còn-ở-nhiều-tình-huống-khác), nó không chỉ mang tính cộng thêm, vơ vào của nhiều-lên, hay thêm-nữa, mà còn, mà-đã-còn, thả-ra…
Đó là tình huống của:
Suối mang bóng người
soi
những
về
đâu?!
*
---------------------------
* “Đèo Cả”, thơ Hữu Loan
Dị bản của Ki-Tô Đó là một con người già yếu và bệnh tật. Cả thân hình hắn chảy nhão, tay chân khẳng khiu phủ đầy những mảng da đồi mồi cùng chiếc bụng ỏng càng nhấn thêm vẻ nghịch dị cho cơ thể. Ấy là chưa kể, hắn bị điếc và một chân phải bị teo ngay từ bẩm sinh. Với hắn, ăn uống là cả một cực hình bởi các cơ miệng đã thoái hoá đến mức trí não hắn không thể điều khiển nổi việc làm sao mà, trước tiên là đưa cơm vào miệng để không rơi, sau đó là nhai, và rồi nếu có thể, nuốt. Thế nên, chỗ hắn ngồi ăn luôn gợi lại cảm giác của một bãi rác rưởi nhầy nhụa những cơm rơi vãi, nước miếng và nếu kể luôn khuôn mặt hắn lúc ấy, nhễ nhại mồ hôi, giàn giụa nước mắt vì phải cố gắng cao độ, ta sẽ có hình ảnh của một-tận-cùng-thống-khổ.
Song, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy, bất chấp thân hình như miếng giẻ rách già nua, điếc và thọt, đôi vai của hắn, càng theo tuổi tác già nua đi, càng trở nên tuyệt đẹp. Hai cánh vai vếch lên hai phía như đôi ngà voi, khoẻ mạnh, cân đối, còn chiều ngang của chúng thì bè ra và phẳng phiu giống đôi phản lim chắc nịch.
Chuyện này không có gì mâu thuẫn. Bởi đơn giản, hắn chính là một kẻ được sinh ra với định mệnh trở nên một Ki-tô. Song vì hèn yếu, vô minh, sợ hãi, không đủ phẫn nộ và yêu-thương, cả cuộc đời hắn cho đến giờ đây chỉ là những cuộc đấu tranh không dứt với bản thân nhằm trốn tránh việc coi-chính-mình-là-người-ấy. Và nói một cách khách quan, hắn đã thành công. Bởi một lẽ hiển nhiên, để chứng minh việc không-phải-là-người-ấy, luôn chỉ cần một thao tác giản đơn: nuốt nghẹn và chôn chặt bất kỳ một nỗi phẫn nộ hay yêu-thương nào, mỗi khi chúng khởi dậy và có nguy cơ đem hắn vào một môi trường nguy hiểm, nơi thậm chí bất kỳ đứa-trẻ-ranh nào cũng có thể phỉ nhổ, chế giễu, nhạo báng, quất roi hay tết vương miện thép gai đội lên đầu hắn.
Nhìn từ góc độ này, để chứng minh cho việc không-phải-là-người-ấy chắc chắn dễ dàng hơn việc chứng minh chính-là-người-ấy, bởi với việc chứng minh đầu, đó đơn giản chỉ là một nỗ lực để không-làm-gì-hết, và việc thuyết phục bản thân (để không-làm-gì-hết và trở nên một-thành-tố-thuộc đám đông) hẳn sẽ dễ hơn việc thuyết phục mọi người (việc mà hắn bắt buộc phải làm khi chứng minh chính-là-người-ấy) thông qua các nỗ lực cụ thể, hướng văn cảnh, và bất chấp mọi hạn chế của bản thân, nhằm mục đích gắng-gượng-chạm-vào-hiện-thực. Những nỗ lực mà chắc chắn sẽ làm hắn trở nên một kẻ điên rồ.
Thế nhưng, điều éo le cho hắn chính là thời gian. Bởi bất chấp việc hắn đang chứng minh là-người-ấy hay không-là-người-ấy, thời gian vẫn trôi, thao-thiết và tàn-nhẫn
Và cho đến giờ đây, nỗi đau khổ lớn lao nhất của hắn, của lão-già-bệnh-hoạn-và-tàn-tật đó, chính là việc, trong nỗi cô đơn cùng tận, hắn kinh hãi nhận ra rằng, đôi vai ấy, đôi-vai-sinh-ra-để-mang-Thánh-Giá của hắn, bắt đầu từ ngày hắn ra đời, cho tới ngày hắn chết trong già nua, bệnh tật, hèn yếu và cô đơn, (đã) sẽ
Mãi-Mãi-Vô-Chủ.
|