thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi còn nhớ tháng tư đen
 
Nguyễn Ðăng Thường, Paris 1975.
 
 

Tôi còn nhớ tháng tư đen

 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ở Paris hôm đó trời rất xanh.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì khi nó đến - hay lúc nó đi? - nó chưa
được/bị gọi là Tháng Tư Đen.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen ở Place d’Italie quận 13 Paris lúc 5 giờ
chiều ngày 30 tôi vào siêu thị mua một ổ bánh mì khi trở ra tôi ghé lại
cái kiosque bán báo mua thêm tờ Le Monde tìm đọc tin tức bên nhà
chỉ thấy một mẩu tin nhỏ nơi trang nhứt chưa có tấm hình trực thăng Mỹ
cất cánh trên sân thượng đại sứ quán Mỹ.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tối hôm đό thằng Alain tới thăm tôi
nó nói khi nó đi ngang qua sứ quán Việt Nam Cộng Hoà nó thấy một đám sinh viên
Việt Nam xuống đường la ó phản đối vì chúng đã trở thành một bọn
vô tổ quốc.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ngày hôm sau là ngày 1 tháng 5 ngày Lễ Quốc Tế Lao Ðộng ở vài góc phố Paris có mấy cô gái bán các bó hoa muguet trắng nhỏ
tôi có mua một bó.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tôi thấy cụm từ này lần đầu tiên trong
bài ký của ca sĩ Khánh Ly viết về quán Queen Bee.
Trong bài hồi ức về các đêm sinh hoạt ở cái night-club nổi tiếng đó Khánh Ly nức nở
khen danh ca Thái Thanh và ca sĩ Ngọc Minh đồng nghiệp
và đồng trang lứa với mình
nhưng Khánh Ly chê trách thậm tệ Lệ Thu cô ca sĩ nước mắt
mùa thu khóc cho cuộc tình cuộc đời ca sĩ
hát trong buồn tênh
đã ca
bài Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng của địch.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì băng nhạc cassette đó đã được báo
Diễn Đàn ở Paris bán ra có luôn bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây
ca sĩ hát giọng lơ lớ như các chú ba tàu.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tôi đã Anh hoá tiếng bồi ca từ nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương
thành ra if a man i will đái for my country.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì tôi có viết một cái truyện ngắn
lấy cái chết của một người mẹ làm ẩn dụ
cho cái chết của Sài Gòn - Miền Nam - Đất Nước, cái truyện ngắn
vài trang đánh máy và viết tay thêm đã bị thất lạc khi
dọn nhà tôi bỏ luôn
không muốn viết lại.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì sau khi đặt chân lên đất Mỹ được một thời
gian ông Phạm Duy đã sáng chế cụm từ đàn chim bỏ xứ.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ở Paris tướng Khánh đã nói đùa với
thực khách
rằng ông chạy sang Pháp lần này mở tiệm phở chỉ bán bánh
không bán nước.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ông tướng phi công ria kẽm cựu phó tổng
đã tuyên bố một câu xanh rờn trên tờ Time
hay tờ Newsweek
rằng ngài chưa bị Mỹ hoá vì ngài do not wash dishes.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì gia đình tôi được tặng bằng liệt sĩ
trong thời kinh tế bao cấp mỗi tháng được phát cho hai lon sữa đặc.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì ngôi mộ của má tôi một bà mẹ liệt sĩ
tại nghĩa trang của hội tương tế Biên Hoà ở Sài Gòn do kế phụ của tôi
làm hội trưởng cũng đã được người ta giải phóng cùng với ngôi mộ của người chồng kế
để chiếm đất của người chết.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì cháu rể tôi đã chết trong trại cải tạo
con trai theo mẹ di tản qua Mỹ hình như đã học chung trường và
cũng là bạn thân với Ðinh Linh.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì nó không còn là
tháng tư đi tậu trâu bò.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì một đồng nghiệp thoát ra hải ngoại đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện nhà nước thời bao cấp bảo dân chung tiền nuôi một con heo
để mổ heo trước Tết ra chia thịt
để nhậu nhẹt trong ba ngày ăn chết
nên được dân chúng mến yêu trân trọng gọi đảng là
Ðảng Heo.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen vì nó đã trở thành Ngày Quốc Hận.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen
vì tôi là người Việt Nam và mọi người Việt Nam
đều phải nhớ cái tháng tư đau đớn này.
 
Tôi còn nhớ tháng tư đen
vì tên chủ quán thịt cầy đã cho dân mít xơi
một khúc cá gỗ tháng tư
vĩ đại
nhứt lịch sử nước nhà.
 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021