thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đêm nay | Bài học cách trí | Bài ballade với những câu tục ngữ thời xưa | Trăng | Cho một nền nghệ thuật thi ca | Ruồi | Địa vị lớn lao | Sống yên tĩnh
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
RAYMOND QUENEAU
(1903-1976)
 
Raymond Queneau (1903-1976) là một nhà văn Pháp mà tác phẩm mang dấu ấn nhiều tìm kiếm về bút pháp cũng như về chính ngôn ngữ. Ra đời ngày 21.2.1903 tại Le Havre trong một tầng lớp khiêm nhường - bố mẹ là những người bán hàng xén – ông lên Paris (1920) học triết và khoa học. Năm 1924 ông tham gia nhóm siêu thực (“Récit de Rêve” xuất hiện trên Révolution Surréaliste năm 1925; và cho đến 1928, tên Raymond Queneau xuất hiện trên nhiều bài xã luận và tuyên ngôn của nhóm này), nhưng khoảng 5 năm sau ông tuyệt giao với André Breton, đi chung với một nhóm “ly khai”, và những tác phẩm đầu tiên của ông nếu mang khá rõ ảnh hưởng của phong trào này, nói cách khác là nền tảng được xây dựng trên tinh thần siêu thực, thì cũng rất rõ ràng đã hướng tới những bước xa hơn. Ông làm báo trong những năm ba mươi, đến 1938 chuyển qua làm cho Nhà xuất bản Gallimard, và ba năm sau là tổng thư ký của cơ sở này, trước khi được giao chức vụ Giám đốc Tủ sách La Pléiade và phụ trách biên tập những bài giảng về Hegel của giáo sư Alexandre Kojève, từng là thầy dạy của ông và là người đã đã có ảnh hưởng lâu dài nhất trong sự nghiệp viết lách của ông.
 
Queneau bắt đầu viết Le Chiendent trong một chuyến du lịch Hy-lạp, cuốn tiểu thuyết ra mắt năm sau đó và đoạt Giải Prix des Deux Magots (1933). Mười năm tiếp sau “thời kỳ siêu thực”, ông miệt mài tìm kiếm và vạch một con đường riêng, thụ giáo Kojève ở École des Hautes Études (cho đến 1939), bắt đầu quan tâm đến Toán học, thực hiện những chữ hình (pictogrammes) và thiết lập một kiểu “đảo ngược” những nguyên tắc siêu thực trong sáng tác, dành cho việc xây dựng tiểu thuyết một vai trò hàng đầu, nhưng quan trọng hơn cả là đặc biệt chú trọng ngôn ngữ – không như một thiết bị chuyển tải ngữ nghĩa, mà ngược lại như một dụng cụ bán khoa học. Kinh nghiệm cuốn Le Chiendent, tiểu thuyết (gồm 91 phần, theo Queneau, vì 91 là tổng số của 13 số đầu tiên, cũng là tích số của hai số ông đặc biệt thích là số 7 và số 13) đặt nền tảng trên những câu thúc hình thức, với câu chuyện xoay tròn, kết thúc bằng chính câu khởi đầu truyện, đã mở ra nhiều chủ đề cho những cái viết sau này của ông (ngoại ô Paris, ám ảnh chiến tranh, những nhân vật tầm thường...): Gueule de pierre (1933 - tự truyên bằng thơ), Chêne et Chien (1937 – tiểu thuyết có kích thước “tự truyện” bằng thơ); Les enfants du limon (1938 - tiểu thuyết); rồi đến Un rude hiver (1940), Pierrot mon ami (1942), Les Ziaux (1943), Loin de Rueil (1944). Nổi tiếng hơn cả là cuốn Exercices de style (1947), kể lại chín mươi chín lần cùng một giai thoại theo những nguyên tắc thuật chuyện, ngữ vựng và giọng điệu khác nhau (từng được đạo diễn Yves Robert đưa lên sân khấu La Rose rouge (4.1949), do nhóm Les Frères Jacques trình diễn). Trong thời kỳ kháng chiến, không những thường xuyên tỏ thái độ khá triệt để trong nhiều sinh hoạt văn học, ông còn hợp tác xuất bản nhiều sách báo bí mật, tham gia lãnh đạo Ủy ban Toàn quốc các Nhà văn. Sau Giải phóng ông lui tới khu Saint-Germain des Prés và thường có mặt trong những sinh hoạt văn nghệ, và là hội viên Hội Toán học Pháp (1948). Năm 1951, ông thực hiện một cuốn bách khoa tự điển các nhà văn nổi tiếng, được bầu vào Viện hàn lâm Goncourt, tham gia các ban giám khảo (Liên hoan điện ảnh Cannes 1952), đồng thời viết kịch bản, đối thoại, hoặc lời bình cho điện ảnh (phim của Luis Buñuel, René Clément, Pierre Kast...), viết lời ca khúc (Si tu t’imagines, nhạc Kosma, do Juliette Gréco hát), và khởi sự thành lập nhóm Club des Savanturiers (với Jean Queval và Boris Vian), đồng thời nhận lời đứng đầu công việc soạn thảo bộ bách khoa La Pléiade (xuất bản 1956). Sau nhiều chuyến đi xa: Hy-lạp, Hoa kỳ, Mexique, Liên xô vân vân, đem lại cho ông không ít những cái nhìn mới bổ sung cho những sáng kiến tìm kiếm hình thức của riêng ông, sự kiện cuốn Zazie dans le métro (1959) của ông được đưa lên sân khấu và bộ phim cùng tên của đạo diễn Louis Malle ra mắt công chúng năm sau đó là một bước thành công rất đáng kể. Thế nhưng hoạt động thật sự độc đáo của Raymond Queneau xảy ra vào năm 1960, năm ông cùng François Le Lionnais thành lập OuLiPo (Ouvroir de Littérature Potentielle) qui tụ nhiều nhà văn và nhà toán học (sau này có thêm Georges Perec, Jacques Roubaud và Italo Calvino), hoạt động như một nơi tìm kiếm và thể nghiệm những hình thức, nguồn gốc phát minh nhiều gò bó mới trong văn chương [như trường hợp phương pháp S+7, thay thế mỗi chữ trong bản văn, trừ những chữ-đồ dùng, bằng chữ thứ bảy tiếp theo trong tự điển: bản văn “La Cimaise et la Fraction” nổi tiếng của Queneau là một biến dạng của “La Cigale et la Fourmi” của La Fontaine]. Năm 1961, Loin de Rueil của ông được chuyển thể và đưa lên sân khấu ca kịch Théâtre National de Paris, đồng thời ông cho ra đời tuyển tập thơ Cent Milles Milliards de poèmes dựa trên trò chơi lắp ghép để tạo một tổ hợp vô tận những câu thơ của mỗi bài thơ.
 
Sau các tiểu thuyết Les fleurs bleues (1965), Le vol d’Icare (1968), các tập thơ Courir les rues (1967), Battre la campagne (1968), Fendre les flots (1969), Morale élémentaire (1975) và Une histoire modèle (tạp luận, 1966) cùng với Le voyage en Grèce (1973) và La littérature potentielle (nhiều người trong nhóm OuLiPo), quan trọng hơn cả là cuộc triển lãm toàn bộ tác phẩm Raymond Queneau ở Le Havre năm 1973, và không kém thú vị, có lẽ phải kể cuộc triển lãm tranh gouaches của ông (1928-1948) vào năm 1949, và một bài viết trao đổi mang tên “Théorie des nombres sur les suites sadditives” trình bày trước Viện hàn lâm Khoa học tháng Tư 1968. Raymond Queneau qua đời ngày 25 tháng 10 năm 1976, trong một nhà thương ở Paris.
 
Những tác phẩm xuất bản sau khi R. Queneau mất: Contes et propos (1981), Journal 1939-1940 (1986), Œuvres complètes 1 và 2 (nxb La Pléiade, 1989 và 2002), Gustave Le Bon (1990), Traité des vertus démocratiques (1993), Journaux 1914–1965 (1996).
 
________________
 
 

Đêm nay

 
Đêm nay,
Sao ta không viết một bài thơ
cho hậu thế nhỉ?
ái chà
ý nghĩ hay đấy
 
ta cảm thấy ta chắc ăn
ta lên đường
và với hậu thế
ta nói cứt họ rồi cứt họ
rồi cứt họ rồi cứt cứt họ
bị đánh lừa trông buồn cười
cái hậu thế kia
vẫn chờ đợi bài thơ
 
ái nhưng mà
 
 
 

Bài học cách trí

 
Này đến đây, gà con,
Ngồi xuống
Ta sẽ dạy các con về cái trứng
Là nơi các con sinh ra, gà con ạ.
 
Cái trứng tròn
Nhưng không hoàn toàn tròn
Nó đúng ra là hình cái trứng
Với một cái bọc vỏ
Và các con từ đó mà ra, gà con ạ.
Nó màu trắng
Đối với giống các con
Màu kem hay còn có pha cam
Đôi khi có dính
Chút cọng rơm
Nhưng cái ấy,
Chỉ là chút bổ sung
Bên trong, có cả...
Nhưng muốn nhìn thấy
Ta phải đập bể ra
Và khi ấy – gà các con – từ đâu mà ra?
 
 
 

Bài ballade với những câu tục ngữ thời xưa

 
Cần phải có đủ thứ mới có đông người
Cần có những người già run rẩy
Cần có hàng tỉ giây đồng hồ
Mỗi thứ cần đúng thời điểm của mình
Tháng ba thì có mùa xuân
Có một tháng người ta gặt lúa
Có một ngày hay cuối năm
Mùa đông đến sau mùa thu
 
Hòn đá lăn thì không có rêu
Cừu đực cạo lông gặp gió thì rét cóng
Cỏ mọc giữa hai viên đá lát
Những phiền phức là ở chỗ đó
Mỗi cái cây lo mặc áo liệm trắng cho mình
Mặt trời kéo lê lết vàng khè[1]
Sau khi trời đẹp thì có tuyết
Mùa đông thì đến sau mùa thu
 
Khi ta già thì ta không còn trẻ nữa
Ta rốt cuộc rụng hết răng
Sau khi ăn ta để bụng đói
Không ai bằng lòng cái gì bao giờ
Người ta tiếc đồ chơi thời nhỏ của mình
Người ta càu nhàu sau khi nói điện thoại
Người ta khóc như một con cá sấu Mỹ
Mùa đông thì đến sau mùa thu
 
THƠ ĐỀ TẶNG
 
Hỡi hoàng thân! toàn bộ là đồ cỏ gà
Sẽ tệ hơn nếu ngài đem ra lý luận
Cái chết luôn đứng rình ngài ở khúc quanh
Mùa đông thì đến sau mùa thu
 
 
 

Trăng

 
Trên mặt trăng màu sữa đông
Người ta trông thấy một ông
Ổng mang trên lưng mình
Một bó củi to tổ bố.
 
Củi hẳn là nặng lắm
Bởi ông không lên một bước.
Tháng nào cũng đứng đó,
Làm lão tiều phu ngày xưa.
 
Trên mặt trăng màu néon
Người ta thấy một phi hành
Ổng mang trên lưng mình
Hoả tiễn chuyến trở về.
 
Ổng đã lên đường đi
Giờ chẳng còn ai nữa
Giữa biển khơi Khủng hoảng
và sự Thanh thản.
 
Trên mặt trăng màu néon,
Người ta vẽ mắt, vẽ miệng,
Vẽ mũi và một cái mụn to
Ngủ trên đó một con ruồi.
 
Lúc nào ta cũng cảm tưởng
Cái vật thể thiên văn kia
Nằm trong tầm tay ta
Quen thuộc, buồn bã.
 
Minh hoạ Lucile G.
 
 
 

Cho một nền nghệ thuật thi ca

 
Hãy lấy một chữ hãy lấy hai chữ
Hãy đem nướng chúng như những cái trứng
hãy lấy một mẩu cảm xúc
rồi lấy một miếng to vô hại
hãy đem đun với ngọn lửa riu riu
ngọn lửa nhỏ của kỹ thuật
hãy đổ vào nước xốt bí ẩn
hãy rắc vào vài ngôi sao
hãy cho hạt tiêu vào và hãy giương buồm
Vậy ra bạn muốn đi đến đâu đây?
Muốn viết
Thật thế? Muốn viết?
 
 
 

Ruồi

 
Những con ruồi hôm nay
không còn giống như những con ruồi ngày xưa
nó ít vui vẻ hơn
nặng nề hơn, oai vệ hơn, trịnh trọng hơn
ý thức hơn về sự hiếm hoi của mình
chúng tự biết bị đe doạ diệt chủng
Thời tôi còn nhỏ chúng vui vẻ dính chùm
hàng trăm, hàng ngàn có lẽ
trên giấy người ta làm để giết chúng
chúng nhốt mình
hàng trăm, hàng ngàn có lẽ
trong những cái chai có hình dáng đặc biệt
chúng trượt, chúng giậm chân, chúng chết
hàng trăm, hàng ngàn có lẽ
chúng sinh sản
chúng sống
Bây giờ chúng canh chừng bước đi của mình
những con ruồi hôm nay
không còn giống như những con ruồi ngày xưa.
 
 
 

Địa vị lớn lao

 
Một ngày kia người ta sẽ đập bỏ
Những toà nhà rất mực hiện đại kia
Người ta sẽ đập vỡ những tấm
kính hữu cơ và siêu kính
Người ta sẽ tháo gỡ những cái lò
Từng thiết kế theo kiểu bách khoa
Người ta sẽ cắt đứt những dây anten
Liên hợp của truyền hình
Người ta sẽ tháo đinh ốc những thang máy
Người ta sẽ triệt hạ những máng đổ rác
Người ta sẽ tán nát những máy thuỷ nhiệt[2]
Người ta sẽ nghiền mỏng những máy đông băng[2]
Khi những toà nhà kia già
vác gánh nặng vô tận của tuổi già thế sự
 
 
 

Sống yên tĩnh

 
Một con chim hót theo cách nó
Để đệm cho anh thợ hồ
Mãi tít trên giàn giáo
Con gà trống thổi giọng antô
Phu nhân đánh kiệt lực chiếc pianô
Và gây một tiếng ồn ghê gớm
Góp vào là tiếng búa
Của bác tiều phu và tiếng xe cộ
Và tiếng xe tải ở khúc rẽ ngoặt
Không nói đến mười tám cái rađiô
Tivi và đài bán dẫn đồng quê
Ta tưởng đang nghe hai mươi trận bão.
Ngồi trên ghế băng một ông lão điếc
Ngón tay rét cóng nhận đầy tẩu thuốc
Tai lắng nghe từ làng mình
Tiếng lao xao rất xa rất xa
Âm thanh rất hoà điệu
Với cái yên tĩnh của tuổi già.
 
 
_____________________
Chú thích của người dịch:

[1]tout jone.

[2]chauffosesfrigidons: những chữ hẳn là do R. Queneau sáng chế, nên người dịch phải tưởng tượng những thứ máy không có thật.

 
 
----------------
Dịch từ nguyên tác: “Ce soir”, “Leçon de choses”, “Ballade en proverbes du vieux temps”, “La lune”, “Pour un art poétique”, “Les mouches”, “Grand standing”, “Bien au calme”, trong L'Art poétique (Poésie/Gallimard).
 
 
Những bài thơ khác của Raymond Queneau:
Năm bài thơ của Raymond Queneau (1903-1976) — một trong những khuôn mặt quan trọng nhất của văn chương Pháp thế kỷ 20 — lần đầu tiên được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021