thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Vào một giờ vô định" và những bài thơ khác [I]
(Diễm Châu dịch)
 

VÀO MỘT GIỜ VÔ ĐỊNH

Tặng Lucia
 
Trong mọi nền văn minh, kể cả những nền văn minh còn thiếu văn tự, có một số người, tăm tối hay thời danh, cảm thấy cái nhu cầu cần phải bày tỏ bằng thơ, và đã thỏa mãn nhu cầu ấy: họ tiết ra như thế một thứ chất liệu thơ ứng đáp với chính bản thân họ, với người đồng loại hay với vũ trụ, một chất liệu mãnh liệt hay bạc nhược, vĩnh cửu hoặc phù du. Không còn hoài nghi gì nữa, thơ sinh ra trước văn xuôi. Ai chưa từng làm thơ?
 
Tôi là một người. Cả tôi nữa, đôi lúc, «vào một giờ vô định», tôi cũng đã chiều theo sự thôi thúc ấy: dường như nó được ghi trong sản nghiệp di truyền của chúng ta. Vào những lúc nào đó, tôi thấy thơ thích hợp hơn văn xuôi để truyền lại một ý tưởng hay một hình ảnh. Tôi không thể nói tại sao, và cũng chẳng bao giờ bận tâm tới điều đó: tôi không biết rõ các lý thuyết về thi pháp, tôi ít đọc thơ của những người khác, tôi không tin ở tính cách thánh thiêng của nghệ thuật, cũng chẳng tin rằng thơ tôi là tuyệt hảo. Tôi chỉ có thể đoan chắc với người đọc tình cờ rằng trong những giây lát hiếm hoi (trung bình không hơn một lần mỗi năm), có những kích thích đặc biệt, một cách thật tự nhiên, đã khoác một hình thức nào đó, hình thức mà cái nửa duy lý của con người tôi vẫn một mực không coi là tự nhiên.
1984
 
 

CRESCENZAGO

 
Có lẽ mi không bao giờ nghĩ tới
Nhưng mặt trời cũng mọc ở Crescenzago,
Cũng mọc và tìm xem có chăng một đồng cỏ,
Một khu rừng nào đó, một ngọn đồi, một mặt hồ;
Nhưng không có gì hết, nên nó nổi quạu
Và làm cạn khô hơi nước bốc lên ở Naviglio.
 
Gió đổ xuống hết tốc độ từ núi cao,
Và thong dong chạy qua miền đồng bằng vô tận,
Nhưng, khi chợt nhận thấy cái ống khói nhà máy ấy,
Thế là, hấp, nó lộn lại và cao chạy xa bay,
Bởi khói thật đen và quá độc,
Khiến nó e bị cắt đứt hơi.
 
Các bà già ngồi tiêu phí thì giờ,
Và đếm những ngày khi mưa rơi.
Khuôn mặt trẻ em nhuốm màu sắc
Đã tắt của bụi bặm dọc theo đường phố.
Nơi đây phụ nữ không bao giờ hát,
Khan khan và cần mẫn, chỉ có tiếng tàu điện rồ rồ.
 
Ở Crescenzago có một khung cửa sổ
Và sau đó là một thiếu nữ héo hon
Luôn luôn, bằng tay phải, kéo mũi kim.
Cô khâu, cô vá và coi đồng hồ,
Và khi rốt cuộc giờ tan tầm ré lên
Cô thở dài và khóc, ấy đó tất cả đời cô.
 
Khi hụ còi vang dậy lúc tinh mơ, họ lết
Ra khỏi giường, tóc rối tung.
Họ bước ra đường phố, một miệng đầy,
Đôi mắt quầng thâm vẻ choáng váng ngất ngây;
Họ bơm lại lốp xe đạp, họ đốt
Chỉ một nửa điếu thuốc.
 
Từ sớm mai tới chiều muộn, họ thả rong
Chiếc xe hủ-lô hổn hển, đen đúa và ám muội
Hoặc qua trọn ngày trông chừng
Mũi kim chập chờn trên mặt gương đồng hồ.
Họ làm tình chiều thứ bảy
Nơi cái rãnh bên căn nhà phu lục lộ.
 
 

BUNA

 
Đôi chân trong máu, đất khốn nạn,
Đoàn người dài dặc trong những buổi mai u ám.
Buna với cả ngàn ống lò bốc khói,
Tựa như những ngày khác, một ngày đang chờ đợi chúng tôi.
 
Rồi còi hụ thật khủng khiếp lúc rạng đông:
«Hỡi các ngươi, đám đông với những khuôn mặt tàn tạ,
Trên vẻ đều đều tẻ nhạt tàn khốc của bùn lầy,
Một ngày đau khổ mới đã sinh ra.»
 
Hỡi người bạn kiệt lực, tôi có thể nhìn thấy trong tim bạn,
Và tôi đọc thấy trong đôi mắt bạn, hỡi người bạn khổ đau.
Trong lồng ngực bạn, có lạnh lẽo, hãi sợ, một chút không gì hết,
Nơi bản thân bạn bạn đã đập nát cái giá trị cuối cùng.
Hỡi người bạn tóc hoa râm, bạn đã từng là một người mạnh mẽ
Gần bên bạn đã có một người đàn bà cất bước!
Hỡi người bạn trống rỗng không còn đến cả tên,
Con người cô đơn không còn nước mắt,
Quá nghèo khổ khiến bạn không còn đau đớn,
Quá mỏi mệt khiến bạn không còn hãi sợ,
Con người tàn tạ bạn đã từng là một người mạnh mẽ:
Nếu có bao giờ chúng ta gặp lại nhau mặt đối mặt,
Ở trên cao đó trong vẻ dịu êm đầy nắng ấm của thế giới,
Chúng ta sẽ dành cho nhau khuôn mặt, khuôn mặt nào?
 
                                                    28 tháng Chạp 1945
 

CA HÁT

 
... Nhưng khi kế đó chúng tôi bắt đầu
Ca những bài ca lành mạnh và điên rồ của chúng tôi,
Chuyện bất ngờ xẩy ra là hết mọi sự
Một lần nữa lại trở thành những gì đã từng là khi trước.
 
Một ngày chỉ là một ngày:
Tuần lễ có bảy.
Sát nhân đã rõ là điều xấu;
Còn chết chóc, ấy chuyện đã xa rồi.
 
Các tháng đi qua, lướt nhanh thì đúng hơn,
Nhưng trước mặt chúng tôi hãy còn biết bao là tháng!
Chúng tôi lại trẻ và duy có thế:
Không phải kẻ tuẫn giáo, cũng chẳng phải kẻ ô nhục hoặc thánh nhân.
 
Điều đó trở lại tâm trí chúng tôi giữa những điều khác,
Trong lúc chúng tôi vẫn tiếp tục ca hát;
Nhưng những chuyện ấy cũng tựa như mây trời,
Và thật khó mà giải thích.
 
                                                                 3-1-1946
 

25 THÁNG HAI 1944

 
Tôi muốn tin ở một điều gì khác,
Ngoài cái chết đã làm rã rời em,
Tôi muốn nói mức độ mãnh liệt
Mà, lúc đó, chúng ta khao khát,
Chúng ta, những kẻ đã chìm sâu,
Lại có thể cùng nhau, một lần nữa,
Bước tự do dưới ánh mặt trời.
 
                                                     9 tháng Giêng 1946
 

KHÚC CA CỦA CON QUẠ

 
«Ta đến từ xa, từ rất xa,
Để đem lại cho ngươi một tin buồn.
Ta đã vượt qua ngọn núi cao,
Ta đã xuyên qua đám mây thấp,
Ta đã in mình trên làn nước tù,
Ta đã bay không ngừng nghỉ,
Biết bao dặm biết bao dặm không nghỉ,
Để tìm thấy khung cửa sổ nhà ngươi,
Để tìm thấy lỗ tai ngươi,
Để đem lại cho ngươi cái hung tín
Sẽ khiến ngươi mất ngủ,
Sẽ làm hư cả bánh lẫn rượu của ngươi,
Sẽ nằm trong tim ngươi chiều chiều.»
 
Và như thế nó vừa đi vừa múa hát,
Thật ghê rợn, ở bên kia tấm kính cửa, trên tuyết.
Sau đó, nó lặng thinh, liếc nhìn bằng một con mắt hiểm độc,
Đưa mỏ vạch một chữ thập trên nền đất,
Rồi trương thật lớn, đôi cánh đen.
 
                                                    9 tháng Giêng 1946
 

PHẢI CHĂNG ĐÂY LÀ MỘT NGƯỜI

(SHEMÀ)

 
Các người những kẻ sống yên ổn
Trong những căn nhà ấm áp
Các người những kẻ trở lại nhà buổi tối để thấy
Đồ ăn nóng hổi và những khuôn mặt thân ái:
 
Hãy nghĩ kỹ xem đây có phải một người đàn ông,
Kẻ cực nhọc trong bùn
Kẻ không biết tới bình yên
Kẻ đánh lộn vì một mẩu bánh
Kẻ chết trong một câu có hoặc không.
Hãy nghĩ kỹ xem đây có phải một người đàn bà,
Không tóc và không tên
Không còn sức để nhớ
Đôi mắt trống và bụng lạnh lẽo
Như một con ếch vào mùa đông.
 
Hãy nhớ kỹ rằng chuyện này đã xảy ra:
Tôi khẩn khoản lưu ý các người những lời ấy.
Hãy ghi khắc chúng vào tim các người
Ở nhà hay khi đi đây đó ngoài đường phố
Khi đặt mình xuống hay khi chỗi dậy:
Hãy lặp lại cho con cái các người.
Nếu không thời cầu cho nhà các người sập,
Đau yếu khiến các người liệt giường chiếu,
Con cháu các người quay mặt đi không nhìn các người.
 
                                                        10 tháng Giêng 1946
 

HƯU CHIẾN (hay THỨC GIẤC)

 
Trong những đêm bạo tàn chúng tôi đã thường mơ
Những giấc mơ dày đặc hung tợn
Mơ với cả hồn lẫn xác:
Được quay trở về; được ăn; thuật lại câu chuyện.
Cho đến khi lệnh truyền lúc mờ sáng
Vang lên ngắn ngủn, trầm trầm:
        «Wstawac»
Và trái tim rạn nứt trong lồng ngực.
 
Giờ đây chúng tôi đã tìm lại được mái ấm,
Bụng chúng tôi đã đầy,
Chúng tôi đã thuật xong câu chuyện.
Đã tới giờ. Chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ lại nghe
Lệnh truyền kỳ dị:
        «Wstawac»
 
                                                     11 tháng Giêng 1946
 
--------------------------------------------
* «Wstawac», tiếng Ba-lan nghĩa là:«Dậy!» (theo dịch giả bản Anh văn).
 
 

THỨ HAI

 
Có gì buồn hơn một chuyến xe lửa?
Ra đi khi phải đi,
Chỉ có một tiếng nói,
Chỉ có một con đường.
Quả thật, chẳng có gì buồn hơn một chuyến xe lửa.
 
Hay có lẽ một con ngựa kéo,
Bị kẹt giữa hai càng xe,
Cả đến nhìn ngang cũng không thể được.
Cuộc đời tóm lại chỉ có bước.
 
Còn con người? Chẳng đáng buồn ư một con người?
Nếu hắn già đi trong cô quạnh,
Nếu hắn tin rằng thời của mình đã hết,
Quả cũng thật buồn, một con người.
 
                                                                  1 tháng Giêng 1946
 
 

THEO R. M. RILKE

 
Chúa ôi, quả đã cấp kỳ, rượu đã lên men.
Đã đến lúc phải có một ngôi nhà,
Hay sẽ phải kéo dài cảnh không nhà thật lâu.
Đã đến lúc không được đơn độc nữa,
Hay chúng tôi sẽ phải chịu cảnh đơn độc thật lâu;
Chúng tôi sẽ nghiêng mình trên sách vở qua ngày,
Hay sẽ viết những lá thư cho thật xa,
Những lá thư dài dặc từ xứ sở của cô quạnh;
Và chúng tôi sẽ bước qua những lối đi, chỗ này chỗ kia,
Đầy âu lo, trong lúc quanh mình lá rụng.
 
                                                                     29-I-1946
 

OSTJUDEN*

 
Hỡi những người Cha của chúng tôi ở dưới thế này,
Những thương nhân Trời phú cho có nhiều tài năng,
Các vị hiền minh tinh tế và sung mãn,
Mà Thượng đế đã rải rắc trên thế giới
Như muối trên những luống đất Ulysse khùng điên:
Tôi đã tìm lại được các người ở khắp chốn,
Đông đảo như cát ở biển,
Các người, những người có vầng trán cao cả,
Mầm hạt bền vững và đáng thương của giống người.
 
                                                          7 tháng Hai 1946
 
---------------------------------------------------------------------
* Người Do-thái Nga và Ba-lan theo tên gọi chính thức của Đức quốc xã. (người dịch)
 
 

MẶT TRỜI LẶN Ở FOSSOLI

 
Tôi biết không trở lại nghĩa là gì.
Qua những hàng thép gai, tôi đã thấy
Mặt trời tà hấp hối;
Tôi có cảm giác thịt da mình nát tan
Trước những lời của người thi sĩ già:
«Các vầng thái dương có thể chìm đắm rồi trở lại:
Còn chúng ta, khi ánh sáng vắn vỏi tắt đi,
Chúng ta chỉ có một đêm vô tận để ngủ.»
 
                                                          7 tháng Hai 1946
 

11 THÁNG HAI 1946

 
Tôi đã tìm em nơi các vì sao
Bằng cách hỏi han chúng khi tôi còn nhỏ,
Tôi cũng đã căn vặn núi non như thế,
Nhưng họa hoằn núi cũng chỉ cho tôi
Cảnh cô quạnh và sự bình yên quá vắn.
Bởi nhớ em trong những buổi chiều lê thê,
Tôi đã suy ngẫm lời phạm thượng điên rồ này:
Rằng thế giới quả là một lầm lẫn của Thượng đế,
Rằng bản thân tôi cũng là một lầm lẫn ở đời.
Và khi, đối diện với cái chết
Tôi đã kêu «không» bằng tất cả con người mình
Và rằng tôi chưa chấm dứt,
Và rằng tôi còn biết bao điều phải làm,
Ấy là vì em có đó, tôi đã thấy em, trước mặt tôi,
Em, và tôi ở bên em, như hôm nay,
Một người đàn ông và một người đàn bà, giữa nắng.
Nếu tôi đã trở lại, thì ấy là vì em đã có đó.
 
                                                       11 tháng Hai 1946
 

MỤ PHÙ THỦY

 
Thật lâu, dưới những lớp chăn,
Mụ đã ép lên ngực miếng sáp,
Cho đến khi khiến nó mềm ra và ấm.
Rồi mụ đứng dậy, và, thật thận trọng
Bằng một bàn tay đắm đuối, kiên nhẫn
Lôi ra hình ảnh sống động
Của người đàn ông mà mụ mang trong lòng.
Khi mụ đã hoàn tất, mụ ném vào lửa
Thật nhiều lá sồi, lá nho, lá ô-liu,
Rồi chính hình ảnh kia nữa, để nó tiêu tan ở đó.
 
Mụ khốn khổ muốn chết được,
Bởi bùa mê đã hoàn thành.
Chỉ lúc đó mụ mới ứa ra được nước mắt.
 
                                        Avigliana, 23 tháng Ba 1946
 

AVIGLIANA

 
Hãy coi chừng, kẻ để lỡ trăng tròn,
Trăng chỉ trở lại một lần mỗi tháng.
Hãy khuất xa ta cái thôn làng hẻo lánh ấy
Với vành trăng tròn ngây ngốc
Rực sáng, thản nhiên và toàn phúc,
Như thể là em vẫn còn ở sát bên tôi.
 
... Lại có cả một con họa mi nữa;
Như trong chuyện tích đời xưa;
Thế nhưng, tôi đã khiến nó cất cánh,
Bay thật xa, qua bên kia đường hào:
Bởi nó hót và tôi vẫn đơn độc
Tôi không thể chịu đựng được cảnh ấy.
 
Tôi đã để yên lũ đom đóm
(Đom đóm đầy con đường mòn)
Không phải là vì tên chúng giống như em
Mà vì những sinh vật nho nhỏ đó quá dịu hiền
Khiến mọi âu lo đều được xua đi.
Và nếu có ngày nào chúng ta muốn
Có ngày nào chúng ta muốn rời nhau,
Có ngày nào chúng ta muốn lấy nhau,
Tôi hy vọng ngày ấy sẽ là vào tháng Sáu,
Với thật nhiều đom đóm ở chung quanh,
Như chiều nay, khi em không có đó.
 
                                                       28 tháng Sáu 1946
 

TRÔNG CHỜ

 
Đây là thời của những ánh chớp không tiếng sấm,
Đây là thời của những tiếng nói không được nghe,
Thời của những giấc ngủ âu lo, những canh thức vô ích.
Hỡi người bạn đường, em đừng quên những ngày
Của những im lặng dễ dãi và dài lâu,
Của những đường phố vào đêm và thân hữu,
Của những suy tư thanh thản,
Trước khi lá rụng,
Trước khi trời khép lại,
Trước khi một lần nữa đánh thức chúng ta dậy,
Quá quen biết, trước cửa nhà chúng ta,
Những gót giầy đinh nện mạnh.
 
                                                       2 tháng Giêng 1949
 

BỌN CHÚNG CÓ MỘT TRĂM

 
Một trăm người mang vũ khí, bọn chúng có một trăm.
Khi mặt trời xuất hiện ở nhãn giới,
Bọn chúng hết thảy bước tới một bước.
Chuyện kéo dài hằng giờ mà không có lấy một tiếng động:
Không một đứa nào trong bọn chớp mắt.
Và khi tiếng chuông bắt đầu vang lên,
Bọn chúng hết thảy đều bước tới một bước
Và như thế ngày qua, chiều lại,
Rồi khi ở trên trời một vì sao đầu tiên nở,
Cùng nhau, bọn chúng hết thảy bước tới một bước.
«Hãy lùi lại, cút đi, lũ yêu ma:
Hãy trở về với đêm tối cũ kỹ của chúng bay.»
Không một tên đáp trả, mà trái lại,
Hết thảy, quây tròn, bọn chúng lại bước tới một bước.
 
                                                                       1 tháng Ba 1959
 

CẬP BẾN BÌNH YÊN

 
Phúc thay cho kẻ cập bến bình yên.,
Kẻ bỏ lại sau mình những biển và bão tố,
Kẻ mà những giấc mơ đã chết hoặc không bao giờ sinh ra,
Và kẻ ngồi, kẻ uống, tại quán trọ ở Bremen,
Bên bếp lò, và cảm thấy yên hàn.
 
Phúc thay cho kẻ như ngọn lửa đã tắt,
Phúc thay cho kẻ như cát ở cửa sông,
Kẻ đã trút gánh nặng, đã chùi vầng trán
Và nghỉ yên bên đường.
 
Y không sợ gì hết, cũng chẳng hy vọng, hoặc đợi chờ,
Mà đăm đăm nhìn mặt trời lặn.
 
                                                      19 tháng Chín 1964
 

CHO ADOLF EICHMANN

 
Thong dong gió rảo khắp các vùng đồng bằng của chúng ta,
Muôn thủa biển phập phồng trên các bãi biển.
Chúng ta khiến đất sinh sôi nẩy nở, và đất cho chúng ta
Nào là hoa nào là trái: chúng ta sống trong buồn phiền,
Chúng ta sống trong niềm vui, trong hy vọng, trong sợ hãi,
Chúng ta sinh ra tuổi thơ và sự âu yếm.
 
... Và rốt cuộc là ngươi đó, kẻ thù đắt giá,
Con người quạnh quẽ, thâm quầng chết chóc.
Lúc này, trước nghị hội chúng ta, ngươi sẽ nói gì?
Ngươi sẽ thề thốt nhân danh một thần linh? Được, nhưng vị thần nào?
Ngươi sẽ hoan hỉ nhảy vào trong mộ?
Hay là ngươi sẽ than van, như vẫn thường than van
Kẻ mà cuộc sống quá vắn vỏi và nghê thuật lại quá dài lâu,
Về việc làm ghê rợn của ngươi, về công trình còn dang dở,
Về 13 triệu người vẫn còn sống?
 
Chúng ta không hề mong ước ngươi phải chết, hỡi đứa con của thần chết.
Cầu cho ngươi được sống lâu hơn hết mọi người:
Cầu cho ngươi được sống không chợp mắt năm triệu đêm,
Và sống từng đêm nỗi hãi hùng của mỗi người
Trong những kẻ đã được thấy khép lại trên mình
Cánh cửa cất đi mọi hy vọng trở lại,
Khép lại trên họ những bóng tối, trong lúc
Không khí họ hít thở bão hòa cái chết.
 
                                                      20 tháng Bảy 1960
 

NHỮNG VÌ SAO ĐEN

 
Đừng ai ca nữa cả ái tình lẫn chiến tranh.
 
Trật tự mà vũ trụ đã mượn làm tên bị hủy bỏ rồi;
Những đạo binh thiên quốc chỉ là đoàn quái vật,
 
Vũ trụ bao vây chúng ta, thật hung bạo, mù quáng, lạ xa.
Không gian rải đầy những mặt trời chết ghê rợn,
Những lớp cặn dày đặc những nguyên tử bị nghiền nát.
Từ đấy chỉ còn tỏa ra một trọng lực tuyệt vọng,
Không một năng lượng, không một tín điệp, cũng chẳng có những phân tử, hoặc ánh sáng;
Là vì dưới sức nặng của chính nó ánh sáng đã sụp đổ,
Và chúng ta hết thảy, giống người, chúng ta sống và chết chẳng vì gì hết,
Và các tầng trời mãi mãi đảo lộn vô ích.
 
                                                       30 tháng Một 1974
 

CÁO BIỆT

 
Các bạn thân mến của tôi ơi, đã muộn rồi;
Bởi đó, tôi sẽ không nhận của các bạn, cả bánh lẫn rượu,
Mà chỉ một vài giờ im lặng,
Những câu chuyện của Pretro người đánh cá,
Mùi xạ hương của mặt hồ này,
Mùi cũ kỹ – của những cành nho được đốt cháy,
Tiếng om sòm của lũ hải âu,
Ánh vàng biếu không của loài rêu trên lớp ngói,
Và một chỗ nằm, nơi có thể ngủ một mình.
Để trao đổi, tôi sẽ để lại cho các bạn
Những vần thơ nebbish* như những vần thơ này,
Những vần thơ được viết để năm hay bảy người đọc:
Kế đó, mỗi người chúng ta sẽ đi lo chuyện riêng,
Là vì, như tôi đã thưa với các bạn, đã muộn rồi.
 
                                   Anguillara, 28 tháng Chạp 1974
 
-----------------------------------------------------------------
* "nebbish", tiếng yiddish (Do-thái Đông Âu) có nghĩa: «dại dột, vô ích, vô hiệu». (người dịch)
 

PLINE

 
Chớ giữ ta lại, hỡi các bạn, hãy để ta sửa soạn nhổ neo,
Ta sẽ không đi xa hơn bờ đối diện;
Ta muốn xem xét thật gần đám mây đen tối
Đang vượt lên từ núi Vésuve, tựa một cây thông.
Cháu muốn ở lại đây, hở cháu? ừ, cũng được,
Vậy thời cháu hãy nghiên cứu, sao chép lại những ghi chú mà bữa qua ta đã giao cho cháu.
Các người chớ sợ tro: tro tàn lớp lớp,
Chúng ta chỉ là tro: các người đã quên
Épicure rồi sao? Thôi nào, hãy chuẩn bị con tàu, là vì đêm đã xuống:
Đêm vào đúng ngọ, chuyện lạ thường không sao tin được.
Này chị, hãy yên lòng, ta thận trọng và chín chắn,
Năm tháng khiến lưng ta còng đã chẳng hoài công làm chuyện đó.
Ta sẽ trở lại gần đây thôi, chỉ cần cho ta
Thời gian đi tới đó, quan sát các hiện tượng, và trở lại,
Để mai này, ta có thể thêm một chương mới
Vào sách vở của ta, sẽ còn sống mãi, ta hy vọng thế,
Khi những thành phần bé nhỏ của tấm thân già, đã tiêu tan từ bao thế kỷ,
Sẽ cuồn cuộn xoay vòng trong những cơn lốc xoáy của vũ trụ,
Hoặc sống lại dưới dạng một con ó, một đứa trẻ, một đóa hoa.
Này thủy thủ, đây là mệnh lệnh, hãy hạ thủy con tàu.
 
                                                      23 tháng Năm 1978
 
---------------------------------------------
* Pline (23-79) , nhà vạn vật học La-mã sinh tại Côme, mất vào năm 79 sau Tây lịch, năm núi lửa Vésuve phun, tàn phá thành Pompéi. Để quan sát hiện tượng kỹ hơn, ông đã lại quá gần núi lửa. Còn được gọi là Pline Già, để phân biệt với Pline Trẻ, nhà văn tiếng La-tinh, cháu ông. (người dịch)
 

CHIM HẢI ÂU Ở SETTIMO

 
Từ khúc sông quanh co tới khúc sông quanh co, từ năm này tới năm khác
Những cánh chim làm chủ tầng cao đã ngược dòng
Bay dọc theo bờ, kể từ lớp sóng trào dũng mãnh của những cửa sông.
Chúng đã quên con sóng dội ngược, quên những lớp bụi nước,
Những cuộc săn lùng khôn khéo kiên trì, những con cua ngon lành.
Luôn luôn xa hơn nữa, qua Crespino, Polesella, qua Ostiglia,
Những con còn non tỏ ra mạnh bạo hơn những con đã già,
Vượt qua Luzzara, vượt qua Viadana đã lụi tàn,
Bị những đống rác dơ dáy của chúng ta
Quyến rũ, và từ khúc quanh này tới khúc quanh khác mỗi lúc một mập thêm,
Chúng đã thám hiểm những vùng sương mù ở Caorso,
Những nhánh sông chảy lờ đờ từ Cremona tới Piacenza,
Được hơi ấm của xa lộ nâng đỡ,
Trong lúc buồn bã thốt ra lời chào ngắn ngủi.
Chúng đã dừng lại ở cửa sông Ticino,
Đã làm tổ dưới cầu Valenza,
Giữa những mảng hắc ín và những mảnh đồ nhựa.
Chúng đã trôi ngược dòng,
Qua Casale, qua Chivasso,
Xa lánh biển, bị sự trù phú của chúng ta cuốn hút.
Và kìa lúc này chúng âu lo bay lượn mãi trên Settimo:
Lãng quên dĩ vãng, chúng lục lạo rác rến của chúng ta
 
                                                          9 tháng Tư 1979
 

VỀ THUNG LŨNG

 
Những cỗ xe tải ì ạch tiến về thung lũng,
Những đống lửa lùm bụi khói xanh lam
Và chát chúa tù đọng. Một con ong cuối cùng
Hoài công thăm dò những cụm bông rất độc mùa thu;
Chầm chậm, ngậm đầy nước, những đống đất đá lở.
Sương mù, giữa đám tùng lạc-diệp, dâng lên, mau lẹ,
Như được kêu gọi: tôi đã hoài công theo đuổi nó
Bằng bước chân nặng nề của xác thịt. Chẳng bao lâu nữa
Mù sẽ sa xuống thành mưa: mùa đã dứt.
Nửa thế giới của chúng ta trôi về mùa đông.
Và mọi mùa của chúng ta, lát nữa đây, sẽ chấm hết:
Cho tới khi nào những tay chân này còn trung thành với tôi?
 
Đã muộn rồi để sống và để yêu,
Để thấu triệt trời cao, để hiểu được thế giới.
Đã đến thời bước xuống
Lòng thung, khuôn mặt kín bưng, câm nín
Đã đến thời đi ẩn trú dưới bóng
Những âu lo hằng ngày của chúng ta.
 
                                                         5 tháng Chín 1979
 

TRÁI TIM GỖ

 
Tôi có một kẻ láng giềng tráng kiện,
Một cây hạt dẻ ở đại lộ Re Umberto;
Hắn bằng tuổi tôi, nhưng không hề có vẻ thế,
Hắn cho tá túc những loài di sẻ, sáo sậu, và không mắc cở
tự khiến mình đâm chồi nẩy lá vào tháng Tư
Và đơm những chùm hoa mong manh vào tháng Năm,
Rồi, sang tháng Chín, là những vỏ gai vô hại,
Bao bọc những hạt dẻ có màu nâu sáng bóng:
Đó là một kẻ ngụy mạo nhưng ngây thơ: hắn muốn được coi như
Đối thủ của người anh em dũng cảm trên rừng núi,
Ông lớn với những trái mềm, nấm quý.
Hắn sống khá vất vả. Những chuyến tầu điện số 8 và số 19
cứ năm phút lại đè bẹp rễ hắn;
Hắn vẫn còn choáng váng
Và mọc cong queo vặn vẹo, như muốn bỏ trốn.
Từ năm này qua năm khác, hắn hút phải những chất độc chậm rãi
Từ tầng dưới mặt đất ứ đọng khí mê-tan;
Chó đái lên mình hắn,
Và bụi nhiễm trùng của những lối đi
Bít kín những đường xoi trên lớp bấc;
Dưới vỏ cây lủng lẳng những con nhộng
Đã chết và không bao giờ sẽ trở thành bướm.
Thế tuy nhiên, trong trái tim gỗ già nua,
Hắn vẫn bồi hồi xao xuyến và vui với các mùa trở lại.
 
                                                                 10 tháng Năm 1980
 

NHỮNG TIẾNG NÓI

 
Những tiếng nói câm nín từ muôn thủa, những tiếng nói của hôm qua hay mới vừa tắt;
Hãy lắng tai, mi sẽ bắt được vọng âm chúng.
Những tiếng nói khan khan của những kẻ không còn biết nói,
Những tiếng nói nói ra nhưng không biết nói gì,
Những tiếng nói tưởng mình nói,
Những tiếng nói cất lời nhưng không còn khiến được ai nghe:
Những trò hợp tấu và thanh la não bạt để khiến bị coi như hàng lậu
Cái ý nghĩa trong một tín điệp vô nghĩa,
Tiếng thì thào thuần túy để khiến cho người ta tin
Rằng im lặng không phải là im lặng.
À vous parle, compaings de galle*:
Tôi nói chính là nói với các bạn, những người bạn đồng hội,
Các bạn cũng như tôi say sưa từ ngữ,
Những từ-dao găm, từ-thuốc độc,
từ-bí quyết, từ-họa mi,
từ-muối, từ-mặt nạ, từ-thuốc giải buồn.
Nơi chúng ta đi tới là một nơi của im lặng,
Một nơi của nặng tai, chốn lâm-bô của những kẻ đơn độc và kẻ điếc.
Chặng cuối cùng, mi phải vượt qua như điếc,
Chặng cuối cùng, mi phải vượt qua đơn độc.
 
                                                                  10 tháng Hai 1981
 
------------------------------------------------
* François Villon, Le Testament, câu 1729. (người dịch)
 
(còn một kỳ)
 
-----------------------------
Ghi chú của người dịch:
PRIMO LEVI (1919-1987), là một kỹ sư hóa chất người Ý gốc Do-thái, bị phát-xít Ý bắt giữ và đày đi các trại tập trung của Đức quốc-xã ở Đông Âu. Còn sống sót sau giải phóng, ông ghi lại thực trạng các nhà tù đã kinh qua, trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Phải chăng đây là một người, tác phẩm thời danh nhất của ông, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
 
Ông sinh tại Turin ngày 31-7-1919, là con cả trong một gia đình người Ý gốc Do-thái. Ông đỗ tiến sĩ về Hóa học, hoạt động chống phát-xít trong phong trào “Công lý và Tự do”. Ông và các bạn trong phong trào bị bắt ngày 13.12.1943. Tháng giêng 1944 bị nhốt ở trại Fossoli rồi bị đưa đi đày ở Auschwitz cùng với 650 người Ý gốc Do-thái khác ngày 22.2.1944. Đầu tháng Ba 1944, ông bị điều tới trại Monowitz cách Auschwitz 10 cây số để làm việc tại nhà máy cao-su hóa hợp ở Buna. Đầu tiên, ông phài lao động khổ sai, rồi đến cuối năm thì sung vào phòng thí nghiệm hóa chất. Đến ngày 17.1.1945, trại Monowitz bị không lực tấn công, quân Đức di tản mang theo các tù nhân còn khỏe mạnh, nhưng bỏ lại những người nằm bệnh viện, trong đó có ông. Mười ngày sau, Monowitz được Hồng quân... giải phóng. Kế đó, từ tháng Sáu đến tháng Mười 1945 là “hành trình gian khổ” qua Biélorussie, Ru-ma-ni,... để trở lại Turin vào ngày 19.10.1945.
 
Năm 1946, Primo Levi bắt đầu ghi lại những kỷ niệm đau thương của mình trong cuốn Phải chăng đây là một người, in năm 1947, nhưng không được để ý. Cả chục năm sau, cuốn sách mới được in lại và lần này khiến Primo Levi trở thành một tên tuổi lừng lẫy khắp thế giới... Ông thành hôn với bà Lucia Morpurgo và hai ông bà được hai người con, một gái một trai.
 
Primo Levi tiếp tục viết tiểu thuyết, làm thơ, viết tự sự và nhiều bài tham luận về nhiều vấn đề văn nghệ cũng như xã hội... Ông thường được mời đi nói chuyện với những người thuôc các thế hệ trẻ hơn. Năm 1965 ông cũng trở lại Auschwitz trong một buổi lễ tưởng niệm chính thức...
 
Ngoài thi ca và cuốn tiểu thuyết đầu tiên, các tác phẩm sau đây của Primo Levi cũng thường được nhắc tới: La Trève (1965), La clef à molette (1978), Maintenant ou jamais (1981), Les Naufragés et les Rescapés (1986). Năm 1987, ông chấp thuân cho đưa cuốn La Trève lên màn ảnh.
 
Ngày 11-4-1987, thế giới được tin Primo Levi đã tự sát tại nhà. Cái chết của ông vẫn còn là một điều bí ẩn: có người cho rằng đây chỉ là một “tai nạn”.
 
Phần thơ dỉch trên đây gồm 46 bài trích từ tác phẩm thi ca toàn bộ của Primo Levi: Vào một giờ vô định. Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của Louis Bonalumi trong Primo Levi, À une heure incertaine (Arcades, Gallimard, Paris, 1997), có tham khảo một số bản dịch Anh văn. Xin mời bạn đọc xem thêm bài của Jorge Semprun viết về “Primo Levi và sự trong sáng trong thơ”, đăng song song trên Tiền Vệ.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021