thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thu về, chuyện trò với thơ

 

 

THU VỀ, CHUYỆN TRÒ VỚI THƠ

 

Bài viết này muốn nói về vài vấn đề trong Thơ, nhưng xin được mở đầu bằng một mẩu chuyện nhỏ trong văn xuôi có liên quan.

Tác phẩm Vang Bóng Một Thời (Tân Dân – Hà Nội, 1940) của Nguyễn Tuân ra đời cách đây trên 70 năm, cho đến nay vẫn được nhiều nhà phê bình văn học đánh giá cao. Vũ Ngọc Phan, đồng thời với Nguyễn Tuân, trong Nhà Văn Hiện Đại (Tân Dân – Hà Nội, 1942) nhận xét về tập truyện Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân như sau: “Tác phẩm đầu tay của ông là một văn phẩm gần tới sự toàn thiện toàn mỹ.” Quả thế, những truyện ngắn, bút ký trong Vang Bóng Một Thời đều có giá tri, và, cũng theo Vũ Ngọc Phan, “Tập bút ký này của Nguyễn Tuân thật là một tập rất quý. Cái quý giá ấy sẽ còn tăng lên nữa với thời gian, như một thứ đồ cổ vậy.”

Truyện Báo Oán trong Vang Bóng Một Thời bắt đầu bằng hai đoạn văn ngắn sau đây:

Ở cuốn lịch năm ấy bìa vàng nhoè nét son dấu kim ấn toà Khâm Thiên Giám có niên hiệu Duy Tân thập niên, người ta thấy tiết thu phân và ngày lập thu qua đã lâu rồi.
 
Mùa mưa dầm tháng chín chỉ là những giọt nước mắt triền miên than vãn của kỳ thất tịch còn sót lại mãi đến bây giờ. Xứ đồng chiêm Sơn Nam Hạ đã biến thành một vùng nước mất hẳn bờ trên đó nhấp nhô những con đò đồng lí tí. Ngọn sóng đồng hỗn loạn vỗ tung bùn vào mép những con đường đất thó nhuyễn và những luỹ tre già ướt át. Làng mạc vùng quê Nam Định nhoi lên khỏi làn nước trắng lạnh như những quần đảo hoang vu.

Đó là những câu văn xuôi nghe như thơ, đầy hình ảnh của quá khứ, man mác hoài cổ, đầy thi vị, đầy nhạc điệu. Chữ dùng lại rất tinh vi, chọn lọc, những từ Hán Việt cũng được sử dụng một cách thích đáng. Thế nhưng trong tập truyện Yêu Ngôn của Nguyễn Tuân (Nguyễn Đăng Mạnh sưu tầm và giới thiệu, in lần thứ II, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 65 Nguyễn Du – Hà Nội, 2005), truyện Báo Oán được/bị đổi tên thành Khoa Thi Cuối Cùng, và hai đoạn nói trên được/bị sửa lại như sau:

Ở cuốn lịch niên hiệu Duy Tân năm thứ mười, bìa vàng nhoè nét son dấu kim ấn toà Khâm Thiên Gíám, thấy tiết thu phân và ngày lập thu qua đã lâu rồi.
 
Mùa mưa dầm tháng chín chỉ là những giọt than vãn triền miên của kỳ Ngâu còn kéo dài mãi đến bây giờ. Xứ đồng chiêm Sơn Nam hạ đã biến thành một vùng nước rộng nhấp nhô những con đò đồng li ti. Sóng đồng hỗn loạn vỗ vào mép những con đường đất thó nhuyễn và những bờ luỹ tre già ướt át. Làng mạc vùng quê Nam Định nhoi lên khỏi làn nước trắng lạnh như những quần đảo xanh một màu hoang vu.

Trước hết, ta hãy tạm gác lại vấn đề nguyên tắc, đó là phải tuyệt đối tôn trọng văn bản của tác giả, không được thêm, bớt hay sửa chữa dù một dấu chấm, dấu phẩy. Ở đây ta chỉ thử xem việc sửa chữa ấy có làm tăng thêm giá trị của nguyên tác hay không. Ta thấy ngay phần được sửa chữa có đơn giản và rút ngắn đi chút ít, tránh một cách khiên cưỡng vài ba từ Hán Việt

“Ở cuốn lịch năm ấy bìa vàng nhoè nét son dấu kim ấn toà Khâm Thiên Giám có niên hiệu Duy Tân thập niên, người ta thấy ...” được thay bằng “Ở cuốn lịch niên hiệu Duy Tân năm thứ mười bìa vàng nhoè nét son dấu kim ấn toà Khâm Thiên Giám, thấy ...”
 
“... những giọt nước mắt triền miên than vãn của kỳ thất tịch còn sót lại mãi đến bây giờ” được thay bằng “... những giọt than vãn triền miên của kỳ Ngâu còn kéo dài mãi đến bây giờ”
 
“... một vùng nước mất hẳn bờ trên đó nhấp nhô những con đò đồng lí tí” được thay bằng “... một vùng nước rộng nhấp nhô những con đò đồng li ti”
 
“Ngọn sóng đồng hỗn loạn vỗ tung bùn vào mép những con đường đất thó nhuyễn và những luỹ tre già ướt át” được thay bằng “Sóng đồng hỗn loạn vỗ vào mép những con đường đất thó nhuyễn và những bờ luỹ tre già ướt át”
 
“... như những quần đảo hoang vu” được thay bằng “...như những quần đảo xanh một màu hoang vu”

nhưng rõ ràng kém xa nguyên văn. Những câu, những chữ được sửa, cũng như những thêm bớt đều biểu lộ ngay cái vụng về, khập khiễng, tuỳ tiện, lạc điệu. Muốn cho câu văn đơn giản hơn, muốn rút ngắn lối viết “dài dòng”, “khệnh khạng”, muốn thay thế một số từ Hán Việt, người ta đã vô tình chà đạp cái tinh tế, duyên dáng, thi vị rất độc đáo của văn tài Nguyễn Tuân.

Thế đối với thơ thì sao? Trong lãnh vực thơ, ai cũng phải công nhận rằng Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều là một tác phẩm “kỳ cổ’, văn chương điêu luyện, súc tích, nhiều điển cố, nhiều từ Hán Việt, nhiều gợi ý. Chẳng hạn để nói lên trò dâu biển, tính cách vô thường của cuộc đời, tác giả chỉ viết hai câu thơ ngắn:

Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy

Trí tưởng tượng của người đọc đã được đưa đi rất xa. Xưa ở đấy là một bến đò có con đò ngang qua lại đưa khách sang sông. Khách đến trễ, đò đã rời bến, thì đã có cái quán nhỏ bên sông để khách vào ngồi chờ cùng những người khác, chuyện trò, tán gẫu, ăn củ khoai luộc, uống bát chè tươi. Những sinh hoạt nho nhỏ trong cái quán cạnh bến đò xem ra cũng vui thú. Có khi nhờ những lần chờ đò trong quán nhỏ mà nên duyên vợ chồng. Bỗng chiếc cầu được bắc ngang sông nhìn dòng nước chảy, bến đò cũ ngồi trơ. Con đò phải đi kiếm ăn nơi khác. Quán bên sông hoang vắng, tàn tạ, rách nát, đứng rũ trong ánh chiều tà, mặc gió mùa thu luồn qua.

Hai câu thơ quả là tuyệt diệu, nhưng vẫn có người chê Nguyễn Gia Thiều đã dùng nhiều từ Hán Việt, và sửa lại như sau:

Cầu nước chảy ngồi trơ bến cũ
Quán gió thu đứng rũ bóng chiều

Hai câu sửa nghe cũng gẫy gọn với cố gắng dịch sát những từ Hán Việt sang chữ Việt thuần tuý. Nhưng không hàm súc bằng hai câu nguyên văn. Bùi Giáng đã rất tinh tế khi bảo rằng “hồng quần” trong câu “Phong lưu rất mực hồng quần” (Truyện Kiều) không chỉ có nghĩa rằng nàng Kiều thuộc gia đình phong lưu và mặc chiếc quần màu đỏ. Cũng thế, “cầu thệ thuỷ” không chỉ là “cầu nước chảy”, quán “thu phong” không chỉ là “quán gió thu”, nó còn có những gợi ý miên man. Hơn nữa, vào nửa sau cùa thế kỷ thứ 18 khi Cung Oán Ngâm Khúc ra đời, tức là vào thời kỳ văn học ta viết bằng chữ Hán chiếm ưu thế áp đảo, ảnh hưởng Hán học rất sâu đậm, thế mà Nguyễn Gia Thiều đã vận dụng chữ nôm như vậy thì quả thật đáng được khâm phục. Ngược lại, những tiếng thuần nôm mà người bây giờ đưa vào như trong ví dụ trên nghe lạc lõng, ngơ ngác, làm giảm hẳn giá trị của nguyên tác.

Vậy phải chăng muốn cho câu văn hay, phải cầu kỳ, phức tạp như Nguyễn Tuân, muốn cho câu thơ hay phải viết một cách trau chuốt và dùng nhiều từ Hán Việt như Nguyễn Gia Thiều? Câu trả lời là không nhất thiết phải thế. Chẳng hạn bài thơ Thu Điếu rất nôm na, rất bình dị của Nguyễn Khuyến vẫn là một kiệt tác. Nhan đề của bài thơ là hai từ Hán Việt, Thu Điếu, nhưng trong toàn thể 56 từ của bài thơ, chỉ có 5 từ gốc chữ Hán đã được Việt hoá từ xa xưa (thu, thuyền, trúc, khách, động), 51 từ còn lại đều thuần Việt. Đây là một trường hợp rất hiếm hoi trong thi ca Việt Nam vào thời Hán Học còn được trọng dụng. Ngoài lối dùng từ rất nôm na, rất bình dị, tác giả lấy toàn những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc và rất quen thuộc của làng quê Việt Nam miền Bắc làm chất liệu, làm nguồn cảm hứng. Ta còn nhớ ngay cả trong thời kỳ Thơ Mới Tiền Chiến, và ngay cả nhà thơ cách tân nhất của thời kỳ đó là Xuân Diệu cũng đã từng mơ đến bến Tầm Dương khi nghe tiếng đàn trong một đêm thu lạnh:

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước lạnh trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người[*]

Và bến Tầm Dương là một địa danh mà Bạch Cư Dị đời Đường đã nhắc đến trong bài Tỳ Bà Hành nổi tiếng:

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
(Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu)

Cũng thế, sau cả Xuân Diệu, nhà thơ Bích Khê hẳn đã nghĩ đến hai câu thơ Tàu:

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Một lá ngô đồng rụng
Thế gian biết thu về)

khi viết hai câu thơ tuyệt vời:

Ô! Hay buồn vươn cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông

Còn Thu Điếu của Nguyễn Khuyến? Trong Thu Điếu, tuyệt nhiên không có những hình ảnh ước lệ, vay mượn từ văn thơ cổ của Tàu.

Thế nhưng cái đơn giản, bình dị cùng cực của ngôn ngữ, của hình ảnh, vẫn chuyên chở những ý nghĩa và cảm xúc sâu xa. Bên dưới quang cảnh một ngày thu lạnh, lặng lẽ, êm đềm, trong sáng là những sâu lắng, những xôn xao, trăn trở, trầm tư. Tả cảnh câu cá chăng? Không. Chỉ trong câu thứ hai có nói đến “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, và câu cuối có nhắc đến “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, sáu câu còn lại tác giả đề cập đến chuyện khác. Ta cảm nhận ngay rằng câu cá chỉ là cái cớ để cụ già đắm chìm trong cái bao la của trời đất mà “ngộ” ra được cái lạnh lẽo, cô đơn, trống vắng, nhỏ nhoi, ngắn ngủi của kiếp người. Đã già yếu, “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”, mải mê trong suy tưởng, bỗng giật mình thảng thốt vì tiếng cá đớp động.

Xin dẫn toàn bài:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới dưới chân bèo

Trở lại với vấn đề sử dụng chữ Hán, chữ Nôm, nếu ta thử “cắc cớ” thay vài ba từ Hán Việt vào bài Thu Điếu, chẳng hạn:

Thu trì lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc ngư châu bé tẻ teo ...

câu thơ sẽ lục cục như miếng cơm nhai trong miệng lẫn lộn vài hạt sạn. Tóm lại cái trong sáng, đơn giản trong Thu Điếu lại là ưu điểm lớn.

Hai câu thơ tả người chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm, “Áo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in” cũng trong sáng, đơn giản so với hai câu trong Truyện Kiều tả Kim Trọng, “Tuyết in sắc ngựa câu giòn / Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”. Tôi lại nhớ đến một đoạn bình giảng của Giáo Sư Phạm Văn Diêu trong cuốn Việt Nam Văn Học Giảng Bình (in lần thứ ba, Nhà Xuất Bản Hoành Sơn, Sài Gòn - 1970) trong đó tác giả ca ngợi Nguyễn Du và chê bai Đoàn Thị Điểm:

Nhằm thực hiện mục đích trên, văn từ thi pháp ở đây có tính cách thật là cao quý, tao nhã. Tả Kim Trọng trong buổi chiều xuân lửng lơ, Nguyễn Du viết:
 
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
 
Màu sắc chọn lọc, âm thanh tinh tế, cú pháp phóng túng, làm ta nhớ đến người chiến sĩ trong câu thơ Chinh Phụ:
 
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
 
mà không khỏi thấy vẻ mộc mạc, non tay trong nghệ thuật nhà nữ sĩ họ Đoàn, để nhận rõ rằng Tố–Như quả là ‘già tay bút pháp’.

Đọc đi đọc lại đoạn trích dẫn trên, tôi không khỏi bỡ ngỡ. Đành rằng Truyện Kiều là một kiệt tác, giá trị nghệ thuật của nó cao hơn Chinh Phụ Ngâm, nhưng nói thế không có nghĩa rằng mọi câu thơ trong Truyện Kiều đều hay hơn.

Riêng hai câu của Truyện Kiều nêu trên, theo tôi, có vài điểm cần xét lại. Trong câu lục, “Tuyết in sắc ngựa câu giòn”, chữ “giòn” thừa, cứng, nó chỉ có nhiệm vụ gieo vần cho chữ thứ sáu của câu bát, trong khi chính câu bát này, “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, cũng có phần rườm rà. Tác giả muốn nói áo màu cỏ xanh, mà phải là cỏ xanh non như màu da trời chăng? Thì viết áo màu xanh da trời là đủ. Hơn nữa cấu trúc của nhóm chữ “nhuộm non da trời” hơi hàm hồ. Màu da trời xanh non, hay (núi) non có màu da trời? Đó là vài chi tiết có thể bàn thêm, nhưng dù sao hai câu thơ ấy cũng vẽ ra được những nét đầu tiên sơ ngộ của một trang thanh niên phong lưu, cao sang.

Hình ảnh người chiến sĩ trong Chinh Phụ Ngâm khác hẳn, và cũng được mô tả bằng lời thơ khác hẳn. Người chinh phụ tiễn đưa chồng ra mặt trận lòng buồn “dặc dặc” (Đưa chàng lòng dặc dặc buồn) trước bao nhiêu cảnh tượng diễn ra trước mắt. Đấy là những “bóng cờ tiếng trống xa xa”, những đoàn “Quân đưa chàng ruổi lên đường”, những “Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống”, những “Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng”. Giữa tất cả những xôn xao, rộn ràng, cuồng nộ của âm thanh, của tiếng động, của di chuyển, của cát bụi, lẫn lộn và mờ mịt trong tâm trí của nàng, hình ảnh chói lọi nhất, rực rỡ nhất, gây ấn tượng nhất, cái hình ảnh sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng người chinh phụ, đó là chiếc chiến y màu đỏ như ráng pha và con chiến mã màu trắng như tuyết in mà nàng được thấy lần cuối cùng trong đời. Vâng, biết đâu chàng sẽ không bao giờ trở về.

Cảm xúc của người chinh phụ hẳn là trực tiếp, cụ thể, nhanh chóng, không qua tính toán, lý luận, không chải chuốt, tô điểm, không vướng mắc tu từ, đã được phô diễn bằng hai câu đơn giản như câu nói bình thường mà chứa đầy tình ý sâu xa, trung thực:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Nhưng nàng thơ khó tính lắm. Khi thì đòi đơn giản như Thu Điếu, lúc thì mong cầu kỳ như Cung Oán Ngâm. Trực tiếp, đơn sơ như hai câu tả người chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm là hay, nhưng trong trường hợp khác, gián tiếp, bóng bẩy lại đạt. Câu thơ cổ “Buồn trông con nhện giăng tơ” trong bài Vì Nhớ Mà Buồn (Đêm qua ra đứng bờ ao / Trông cá cá lặn trông sao sao mờ / Buồn trông con nhện giăng tơ / Nhện ơi nhện hới nhện chờ mối ai...) nghe thật chân phương, hiền từ, đã được Huy Cận viết lại một cách tài tình, tuy vẫn dùng chừng ấy sáu từ, cũng “buồn”, cũng “con nhện”, cũng “giăng” tơ trong bài Ngậm Ngùi. Chỉ thay đổi vài chữ, chỉ vận dụng một cấu trúc khác, mà câu thơ trở nên linh động, mạnh mẽ và mới mẻ. Hơn nữa, cái buồn da diết hơn, dồn dập hơn, đan quyện vào nhau qua hình ảnh “con nhện giăng mau”: Nắng chia nửa bãi chiều rồi / Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu / Sợi buồn con nhện giăng mau / Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây (Ngậm Ngùi).

Hơn nữa, nếu câu “Buồn trông con nhện giăng tơ” gần gũi với lối nói bình thường, với văn xuôi, thì “Sợi buồn con nhện giăng mau” lại hoàn toàn là một câu thơ lung linh, bóng bẩy dù đứng riêng rẻ một mình hay nằm cạnh những câu thơ khác của bài thơ.

Cho nên, đơn giản hay cầu kỳ, cụ thể hay trừu tượng, chân phương hay bóng bẩy, vân vân, đấy không phải là vấn đề.

Thế nhưng lối nói bình thường, đơn giản lại được hoan nghênh trong lối thơ Tân Hình Thức. Trong vòng 15 năm nay loại thơ Tân Hình Thức (New Formalism) ra đời ở California chủ tương đưa vào thơ sự đơn giản, trung thực của đời thường, giảm thiểu tu từ bóng bẩy, loại bỏ những ẩn ý, những thông điệp cao siêu, sử dụng lối vắt dòng và lặp lại để thay thế vần điệu cũ, thêm tính truyện, v.v... Một số bài thơ Tân Hình Thức có giá trị ra đời. Dưới đây là bài thơ “Khúc Hai Hai” của Nguyễn Thị Ngọc Lan, một bài thơ hội đủ những đặc trưng của loại thơ ấy:

Mẹ cõng nỗi buồn của con, qua những
chặng đường, hai mươi năm. Đèn đỏ mẹ
cùng con dừng lại, cùng hát cùng cười,
đèn xanh mẹ tha con đi như mèo
 
mẹ tha con. Vụng về mẹ làm con
đau, bướng bỉnh con làm mẹ đau. Hai
mươi năm, chỉ có con làm nhân chứng
cho niềm đau của mẹ, hai mươi năm,
 
chỉ có mẹ đeo riết niềm đau của
con. Rồi một ngày, con đi vào đời
một người đàn ông bạc ác, và nỗi
buồn của mẹ nhân đôi, vì có vài
 
người đàn ông bạc ác trôi qua đời mẹ.
Cứ thế, mẹ cõng niềm đau của con
nhưng niềm đau của mẹ không ai biết
đến. Và chiều nay, chiều nay, mưa rơi
 
mưa rơi, có bao nhiêu người đàn bà
khóc một mình. Có bà ngoại, có mẹ,
có con ...

Loại Thơ Tân Hình Thức tại Mỹ, Canada đã đạt những thành tựu lớn lao, tuy nhiên khi được du nhập vào làng thơ Việt Nam, sức lôi cuốn của nó bị giảm đi rất nhiều. Tại sao thế? Có lẽ vì tiếng độc âm của ta không thích ứng với việc tạo dựng vần điệu, nhịp điệu, nghệ thuật cú pháp thay thế nghệ thuật tu từ như trong loại thơ Tân Hình Thức tiếng Anh.

Ở Úc, thơ Hậu Hiện Đại, Lưu vong, “Lai Ghép Xuyên Quốc Gia”, có vẻ phát triển khả quan. Thử đọc hai đoạn thơ trong bài trong bài Cuối năm Ợ Lên Nhai Lại của nhà thơ trẻ Tú Trinh:

Cuối Năm Ợ Lên Nhai Lại
...
như thể là chỉ còn một khung cửa gỗ mở ra
và hiên mưa và bầu trời đêm quên lấp lánh
và tiếng dòng sông chảy sau rừng
và tiếng thở nhẹ ngàng của người khách lạ
đã quên tên họ mình
đã quên những gì đã qua
đã quên những gì chưa tới
[đi lạc trong hiện thực như thực của mưa]
 
như thể là những người Nam Á di cư từ ngàn xưa
đem đến vùng đất mới những mảnh vụn quê cũ
mấy câu thơ rơi rớt dọc đường
vài hạt giống nảy mầm ủ rũ
nằm chờ sự ghép lai
[kính thưa các thể loại] ...

Thi ca Việt Nam biến chuyển nhiều từ trước đến giờ. Có người xem những dòng thơ đi trước họp lại làm thành những bệ phóng nhờ đó thơ hôm nay cùng với những thử nghiệm đầy gian nan sẽ có ngày đạt được thành quả rực rỡ hơn. Nhưng cũng có người cho rằng thơ truyền thống là những gông cùm cần phải đập tan thì thơ của ta mới có thể vươn lên ngang tầm thế giới. Đó là chọn lựa của những nhà phê bình thơ, những người làm thơ. Riêng giới độc giả thì tha hồ tìm kiếm cái hay, cái đẹp mà thưởng ngoạn.

 

Mùa thu đang về. Nắng vàng thêm một chút, gió chớm se lạnh, ngày trở dậy muộn, chiều mau tới. Bài viết này nói về thơ nhưng khởi đầu bằng vài đoạn văn xuôi của Nguyễn Tuân có nhắc đến “ngày lập thu qua đã lâu rồi”. Vậy cũng nên kết thúc bằng vài câu văn xuôi của Nhất Linh mở đầu cho cuốn Đôi Bạn:

- Trời muốn trở rét ...
 
Nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu nói ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy. Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời...
 
Tuy đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực là lúc bắt đầu mùa thu.

 

 

_________________________

[*]Nhưng cũng phải công bằng với nhà thơ tài ba này: hai bài thơ Thu khác rất hay của Xuân Diệu không hề mang dấu vết của thơ Tàu, đó là Đây Mùa Thu TớiThu. Xin chép lại toàn bài thơ Thu:

 
Thu
 
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh
Cành biếc run run chân ý nhi
 
Gió thầm mây lặng dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua
 
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền
Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021