thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Tôi muốn là ai" và những bài thơ khác
(Diễm Châu dịch)
 

TÔI MUỐN LÀ AI

 
Không có gì khó hơn là tiên đoán tương lai với những người đã chết
Ta hầu như không còn thấy đường sinh của họ
Con bồ câu của máu đã mỏi mệt
Anh sẽ không gặp một cô gái tóc vàng hoe
Chuyện phiêu lưu không chờ anh
Ấy chính cái chết đang chờ anh đó
Ngôi sao mục rữa sáng rất cao
Mỗi ngọn cờ là một tấm khăn liệm
Thế nhưng cần phải nói với mọi người
– Anh muốn là ai? – tôi hỏi những người đã chết
– Tôi nghĩ tới những thịt da mềm yếu của các chính khách
đương tự ru mình ngủ trên bệ tàu thế giới
tôi nghĩ tới những bó hoa mang y phục viếng thăm
và tới những người lính chì của những đội vệ binh danh dự
tôi nghĩ tới những cái bắt tay thành thật
tôi nghĩ tới tình hữu nghị giữa các dân tộc – người chết trả lời
Tôi muốn là Người lính Vô danh
 
 

IM LẶNG

 
Ngay cả trên thành phố bao la đôi khi im lặng cũng rơi xuống.
Và ta nghe lá rụng,
mà gió xô đẩy trên vỉa hè,
tiến mãi tới hư không.
 
 

CHỉ CÓ SỰ HOÀI NGHI

 
Chỉ có sự hoài nghi,
cái lắc đầu đột ngột nói «không»,
tiếng nói lửng lơ trên một câu hỏi
để cứu vớt
tia vĩnh cửu.
 
 

KHÔNG HÌNH DẠNG

 
Nếu như chỉ có điều này
cái cây có ngôi sao đang chập chờn trong giấc ngủ
đại thánh đường Chartres trống rỗng
và người hướng dẫn vội vã và
những người phụ nữ đang chờ xe lửa
và âm nhạc tươi mát như cơn khát
Nếu như chỉ có điều này
các chính phủ tuyển mộ các bộ trưởng
các bộ trưởng moi ra những công an viên
và nàng tiên nhỏ hôn trên giường
những vành môi bằng sáp của họ và
những kẻ chống đối chống đối
những người biểu dương biểu dương
với những đứa trẻ cười cợt
và âm nhạc tươi mát như cơn khát
và sức mạnh không bao giờ thiếp đi
Nếu như chỉ có điều này
và những mặt nạ tang lễ của các nhà thơ và
vết tích những người khổng lồ trên các chỏm cao
và những cuốn sách nói về khoái lạc cực điểm của cơ quan
và những người Da đen phong nhã
không nhìn thấy tôi và Keats đang khóc
và những kẻ vắng mặt không có đó và
những dấu vết mơ hồ như thạch tín
trong tóc của Napoléon và
những mặt nạ im lìm trên những khuôn mặt sững lại,
những viện bảo tàng của mộng mơ đã khép và
sức mạnh không chịu thiếp đi
và những ký hiệu tam điểm mà Mozart
đã đặt cả trong bài Requiem
để diễu cợt Thượng đế và biết bao nhiêu chuyện
không được nói ra và những người phụ nữ
phải sống hôm nay mà không được chọn lựa
và những xứ ngày xưa tự do lúc này
bị lột vỏ như những trái táo
và thời buổi thật rối loạn này và tôi kẻ trưởng thành
không hình dạng
 
 

* * *

 
mỗi cái chết không có nghĩa là chấm dứt,
sự vắng mặt của từ ngữ không phải bao giờ cũng là im lặng.
 
(trích Sáng thế)
 
 

CỜ

 
Buổi sáng tôi thức dậy và, với
cặp ống nhòm, ra sức nhìn xem
màu sắc của ngọn cờ
phấp phới trên thành phố.
Có phải nó đen, có phải nó trắng hay xám như sự sợ hãi?
Thành phố của tôi, có phải nó đã đầu hàng
hay vẫn còn kháng cự?
Nó có phải van xin sự khoan hồng của những kẻ chiến thắng
hay đang để tang
vài khoảnh khắc lãng quên?
Hay biết đâu ấy chính là tôi
ngọn cờ đó, có điều tôi không thể thấy nó,
bởi vì ta không thể thấy được
chính trái tim mình.
 
 

PHÁN QUYẾT

 
Những đau khổ ấy đã hết thời.
Tiếng nức nở đã câm bặt. Trong tập hình cũ
mi nhận thấy gương mặt một đứa trẻ do-thái
sẽ chết trong mười lăm phút nữa.
Đôi mắt mi khô khỏng. Mi đặt nước sôi
pha trà. Mi nhai rau ráu
một trái táo. Mi sẽ sống.
 
 

KÍNH CHIẾU HẬU

 
Trong kính chiếu hậu của chiếc xe
đột nhiên tôi nhận thấy nguyên khối lớn
của đại thánh đường Beauvais;
khoảng một giây lát,
cái lớn trong cái nhỏ
có thể sống.
 
 

KHOẢNH KHẮC

 
Khoảng thời gian sáng rõ thật ngắn ngủi
Bóng tối cuốn nó đi. Các đại dương
nhiều hơn đất liền.
Những chiếc bóng nhiều hơn hình thể.
 
 

TƯƠNG LAI

 
Tương lai hiện hữu nhưng chúng ta biết quá ít về nó.
Tương lai cũng chẳng để lại cho chúng ta những dấu vết gì hơn
một mệnh phụ đã đánh mất chiếc khăn tay
ở lối vào. Chúng ta không biết những gì thuộc về nó:
một cành lilas đương hoa,
một vết đỏ nho nhỏ
trên tấm áo lót hay
cái hư không tái nhợt của tinh mơ.
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
ADAM ZAGAJEWSKI là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, người viết tiểu luận và nhà phê bình văn nghệ Ba-lan, (cựu) giảng sư đại học Cracovie. Sinh tại Lwów ngày 21.6.1945. Học triết lý và tâm lý ở đại học Jagelonne, Cracovie. Khởi sự viết trên tờ Zycie Literackie vào năm 1967. Thuộc nhóm Teraz (Cracovie), ông nổi tiếng như một nhà thơ hàng đầu thuộc “Thế hệ 68” hay “Đợt sóng mới” (Nowa fala) Ba-lan. Đã tham gia nhiều hành động phản kháng và không được xuất bản chính thức ở Ba-lan. Từ 1976, tên ông bị ghi vào sổ đen của những nhà văn có hoạt động «khuynh đảo». Zagajewski ở Tây Bá-linh hai năm (1979-1981) do lời mời của Berliner Kunstler-programm, rồi trở về Ba-lan vài tháng trước khi có cuộc đảo chánh ngày 13.12.1981. Từ 1982, ông sống tại Paris và thường qua Hoa-kỳ giảng dạy tại nhiều trường đại học.
 
Tác phẩm đầu tiên của ông là tập thơ: Komunikat (Thông cáo, 1972). Kế đó là một tập tiểu luận văn chương viết chung với Julian Kornhauser, một thứ «tuyên ngôn» của thế hệ trẻ đòi hỏi một nền văn chương «điều độ» hơn, thực tế hơn, tỉnh táo hơn. Tiếp theo là một số thi phẩm như Skepy miesne (Cửa hàng thịt, 1975); Lá thư (1978); List - oda do Wielosci (Cracovie, 1982); Jechac do Lwowa (Luân-đôn, 1985); Ziemia ognista (1994); Pragnienie (Cracow: a5, 1999),... Zagajewski còn là tác giả cuốn tiểu thuyết Cieplo, Zimmo (Nóng, lạnh). Thơ, tiểu thuyết và các tiểu luận của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Tây Âu,...
 
Adam Zagajewski đã được tặng Giải thưởng Quốc tế Neustadt về Văn chương năm 2004. Đây là một giải thưởng văn chương quốc tế quan trọng do Đại học Oklahoma và tập san World Literature Today (Văn chương Thế giới Hôm nay) tặng hai năm một lần. Giải này thường báo hiệu Giải Nobel Văn chương nên hay được gọi là “Giải Nobel nhỏ”. Zagajewski là người Ba-lan thứ nhì (sau Czesław Miłosz, 1978) lãnh giải Neustadt lần thứ mười tám này. Ông đã được ban “giám khảo” quốc tế lựa trong tám người được đề nghị lãnh giải trong đó có cả Mario Vargas Llosa, José Saramago và J.M. Coetzee,... Một trong các vị trong ban tuyển lựa nói rằng Zagajewski “tiếp tục những truyền thống tốt đẹp nhất của thơ Ba-lan hậu chiến”, đồng thời cũng “đã tìm ra tiếng nói riêng biệt của chính ông, không thể lẫn với bất cứ một ai trong các vị tiền nhiệm thời danh của ông”.
 
Trong số các vinh dự khác được dành cho Zagajewski, người ta còn nhận thấy Giải Kurt Tucholsky; Giải thưởng Tự do và “Guggenheim Fellowship.” Kể từ 1988, ông đã trở thành Giáo sư thỉnh giảng trong Chương trình dạy sáng tác tại Đại học Houston. Ông cũng là người đồng-biên tập của tạp chí văn chương Zeszyty literackie, xuất bản tại Paris.
 
Các bài dịch ngắn ngủi trên trích từ Skepy miesne, List - oda do Wielosci, và Jechac do Lwowa, và dựa theo các bản Pháp văn của Jacques Donguy và Michel Maslowski trong Poésie polonaise contemporaine (Le Castor Astral & Lettres Slaves, 1983) và theo Maya Wodecka & Claude Durand trong Adam Zagajewski, Palissade Marronniers Liseron Dieu (Poésie Fayard, 1989).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021