thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Sự nổi dậy của Văn Chương Khó

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục “Thảo luận trong tháng”. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
“Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Để bổ sung tư liệu cho cuộc thảo luận của chúng ta, tôi xin dịch và gửi đến văn thi hữu và độc giả một bài thuyết trình của Kjell Espmark (1930~), nhà văn, sử gia văn học, viện sĩ Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển và Giáo Sư Lịch Sử Văn Học của Viện Đại Học Stockholm. Ông đọc bài này, như một đề cương dẫn nhập, để khởi động cuộc hội luận về đề tài "The Situation of High-Quality Literature in the Harsh Cultural Climate of Today" (Tinh Hình Văn Chương Phẩm Chất Cao trong Khí Hậu Văn Hoá Khắc Nghiệt của Hôm Nay) diễn ra tại Stockholm từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 12 năm 1991. Chương trình hội luận này là một phần của đại hội "Nobel Jubilee 91" kỷ niệm 90 năm Giải Thưởng Nobel (1901-1991). Các diễn giả của chương trình hội luận gồm có: Octavio Paz, Joseph Brodsky, Bắc Đảo, Adonis, Göran Malmqvist, Jean d'Ormesson, Lars Forssell, Agneta Markas, Brenda Walker, Hans Magnus Enzensberger, Shuichi Kato, Kjell Espmark, và Sture Allén. Sau đó, các bài phát biểu trong chương trình hội luận đã được xuất bản thành sách dưới nhan đề The Situation of High-Quality Literature, do Sture Allén biên tập (Stockholm: Swedish Academy and the Nobel Foundation, 1993).

 

KJELL ESPMARK

(1930~)

 

Sự nổi dậy của Văn Chương Khó

Một tổng quan mang tính lịch sử

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Nhan đề của bài dẫn nhập này có vẻ đại ngôn quá trớn trước sự hiện diện của những tên tuổi rất mực uyên bác về bối cảnh lịch sử của chúng ta. Tuy thế, một đề cương giản lược về một quá khứ quen thuộc, gợi lại một vài giả thiết về văn chương khó, có lẽ cũng thích nghi cho cuộc thảo luận của chúng ta. Tôi xin nói rõ rằng tầm quan sát lịch sử của tôi chỉ giới hạn trong văn chương Tây phương. Trong cuộc hội thảo này chúng ta có một vài chuyên gia hàng đầu của thế giới về văn chương Trung Hoa, Nhật Bản và Ả-rập, và tôi dựa vào họ, tin tưởng rằng những điều tôi đang trình bày sẽ được bổ khuyết.

Đối với một đề cương như thế này, ta có thể khởi sự bằng lời khẳng định của T.S. Eliot, trong luận văn "Những Nhà Thơ Siêu Hình", rằng nền văn minh của chúng ta, với sự "phong phú và phức tạp" vĩ đại của nó, phải sản sinh "những kết quả phong phú và phức tạp": các nhà thơ trong nền văn minh của chúng ta "phải" — ông nói — "phải KHÓ". Lời tuyên bố của ông đã ngân vọng trong mọi nền văn chương trên khắp thế giới. Ở đất nước này [Thuỵ Điển], những lời của Eliot đã là một sự cổ vũ quan trọng cho thi ca thể nghiệm trong những năm 1940.

Dĩ nhiên, sự khó khăn trong văn chương không phải là một phát minh của thế kỷ chúng ta. Pindar[1] đã rất hóc búa đối với lớp người quen đọc Homer,[2] và những nhà thơ Alexandria[3] đã cho các độc giả của họ thấy cái phức tạp tinh tế thực sự. Nhan đề luận văn của Eliot cũng nhắm đến một thời đại đi trước đã từng yêu chuộng sự phức tạp của thi ca, đó là thời đầu thế kỷ 17 của các nhà thơ siêu hình ở nước Anh. Những gì các nhà thơ tiền vệ (avant-garde) của thời đại chúng ta đã thật sự làm là mang chính họ vào cùng lực lượng đồng minh với các tiền bối đầy vinh dự, cũng y như chính Eliot đã là đồng minh của Donne[4] và Marvell.[5] Chúng ta còn nhớ nhóm "thế hệ 27"[6] của Tây-ban-nha đã đứng chung vào hàng ngũ với Góngora[7] và nhóm của ông ấy, và những nhà Hiện Đại Đức đã nối kết với những nhà Baroque Đức.

Tuy thế, tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng nền tảng của văn chương KHÓ hiện đại đã được đặt những viên đá đầu tiên vào thời Lãng Mạn và, trên hết, bởi những nhà Lãng Mạn của nước Đức. Điều này có thể được nhìn thấy một phần qua nhãn quan xã hội học. Ian Watt đã kết nối "sự nổi dậy của tiểu thuyết" (cũng chính là nhan đề tác phẩm nghiên cứu kinh điển của ông) với sự xuất hiện của một tầng lớp độc giả trung lưu ở nước Anh thế kỷ 18. Theo một cách khác, chúng ta cũng có thể kết nối "sự nổi dậy của văn chương khó" vào mối tương quan với cái xã hội độc giả — nhưng đảo ngược lại trong trường hợp này. Văn chương bí hiểm phát sinh từ Chủ Nghĩa Lãng Mạn không tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế từ độc giả của nó, và nó cũng chẳng bị ép buộc phải thoả hiệp với ai cả. Các nhà văn Lãng Mạn không còn là những phục dịch viên cho các vua và các đại gia, cũng chẳng còn phải phục vụ cho một lớp độc giả thuộc giai cấp trung lưu nữa (kiểu như Richardson và các đồng nghiệp của ông đã nhận lấy cái công tác diễn tả kinh nghiệm đời sống tư sản sao cho thoả mãn những mong đợi của khách hàng). Các cây bút Lãng Mạn lừng lẫy thường tìm những nghề ổn định trong xã hội, làm việc tại nhiều thứ công sở khác nhau, và do đó trở thành những nhà bảo trợ cho chính mình. Sau đó, chúng ta tìm thấy những con người cô độc bướng bỉnh làm việc như những thầy giáo, thư ký ngân hàng, nhân viên công ty bảo hiểm, thư ký giao dịch, vân vân — như Mallarmé, Eliot, Cavafy, Kafka, Joyce, Stevens — hoặc không thì sống đời phiêu bạt giang hồ, thỉnh thoảng bổ sung một chút gia vị vào cuộc sống hẩm hiu của họ vì ngẫu nhiên kế thừa một thứ của cải nào đó. Bằng nhiều cách khác nhau, họ tạo ra cho chính họ một căn bản kinh tế đủ cho họ sống để theo đuổi cái bất khả tri, cái "l'inconnu", cho đến tận những chiều sâu. Không giản lược tác phẩm của mình theo đòi hỏi của công chúng, họ lại thậm chí thường chẳng màng đem đi in nữa. Chúng ta cũng không nên quên sự kiện có thật rằng một số những tác phẩm quan trọng của thế kỷ chúng ta đã được xuất bản sau khi tác giả qua đời: chẳng hạn, Der Prozeß (Cuộc xử án) và Das Schloß (Lâu đài) [của Kafka] cũng như thơ của CavafyPessoa, và có lẽ phần tinh tuý nhất trong toàn bộ tác phẩm của Mandelstam.

Tuy nhiên, xã hội học không cho chúng ta cái chìa khoá. Nó có thể giúp giải thích làm cách nào các nhà thơ đã có thể sống để viết những tác phẩm khó, nhưng nó không thể giải thích tại sao họ lại CHỌN viết như thế. Dĩ nhiên cũng có những phân tích mang tính xã hội học nhắm đến vấn đề ấy. Vài nhà phê bình xem văn chương tiền vệ (avant-garde) như thái độ yếm thế của tác giả và như những khiếm khuyết trong tương quan với xã hội. Tôi không thấy những lời giải thích ấy thuyết phục cho lắm. Tôi chuộng lối suy nghĩ rằng các nhà văn hiện đại, như T.S. Eliot, cảm thấy họ đang đương đầu với một kinh nghiệm sống phức tạp, và kinh nghiệm sống phức tạp đó nhất thiết sản sinh những kết quả phức tạp.

 

[còn tiếp]

 

---------------
Dịch từ nguyên tác Anh văn, "The Rise of Difficult Literature: A Historical Survey", của Kjell Espmark, trong The Situation of High-Quality Literature, do Sture Allén biên tập (Stockholm: Swedish Academy and the Nobel Foundation, 1993) 5-20.

 

của nhà thơ Bắc Đảo, một trong những diễn giả của cuộc hội luận này.

 

_________________________

Chú thích của người dịch: 

[1]Pindar (522-438 trước Công Nguyên.), một trong những nhà thơ trữ tình lẫy lừng nhất trong văn chương Hy-lạp cổ đại. Thơ của ông thường được viết như ca từ cho ban hợp xướng có nhạc đệm.

[2]Homer (khoảng 800 năm trước Công Nguyên), nhà thơ cổ đại Hy-lạp, tương truyền là tác giả của hai đại sử thi Iliad và Odyssey.

[3]Nhóm Alexandria gồm một số nhà thơ và kịch tác gia Hy-lạp nổi tiếng ở thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, trong số đó có Homerus, Philicus, Lycophron, v.v...

[4]John Donne (1572-1631), nhà thơ siêu hình, được xem là một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Anh, ngang hàng với John Milton (1608-1674).

[5]Andrew Marvell (1621-1678), nhà thơ siêu hình nổi tiếng nhất của nước Anh.

[6]"Generación del '27" là một nhóm nhà thơ Tây-ban-nha nổi danh vào những năm 1923-1927 vì đường lối cách tân của họ. Đa số thành viên của nhóm này là những nhà thơ lừng lẫy, trong số đó có Federico García Lorca (1898- 1936), Rafael Alberti (1902-1999), v.v...

[7]Luis de Góngora (1561-1627), một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Tây-ban-nha.

 

Đã đăng:

22.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Khi một tác phẩm được gọi là vĩ đại nhất trong lịch sử, nó hẳn là một tác phẩm nổi tiếng nhất và đồng thời thể hiện một kỳ công to tát nhất so với những tác phẩm nổi tiếng khác. Nhưng một tác phẩm được gọi là vĩ đại nhất cũng chỉ có thể hay nhất hay mới lạ nhất trong một thời đại nào đó, xét trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định nào đó, chứ nó không thể hay nhất và mới nhất mãi mãi và trên mọi tiêu chuẩn thẩm mỹ được... (...)
 
21.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Các tác phẩm văn chương “có tầm vóc” tự cổ chí kim từ đông sang tây đều không thể đánh giá là simple được, dù hiểu theo cách nào... (...)
 
20.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... "Giản dị" hay "đơn giản" (trong nội dung và/hoặc hình thức) có phải là tiêu chí cho những tác phẩm lớn hay không? Chúng ta hãy thử nhìn lại những tác phẩm lớn trong văn chương thế kỷ 20, và tự hỏi... (...)
 
19.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Nếu ở những nơi mà trình độ tư duy trừu tượng phức tạp đã phát triển rất cao, người ta có thể kêu gọi sự đơn giản như thế, thì trong bối cảnh cụ thể của kiểu tư duy của chúng ta hiện nay, chúng ta nên than phiền ngược lại: «Để trở thành phức tạp thật khó biết bao!»... (...)
 
19.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Liệu có nên sửa lại định nghĩa của hai chữ "đơn giản" và "giản dị" trong tất cả từ điển tiếng Việt không? Tôi nghĩ là không, vì các từ điển giải thích như thế thì nhìn chung là đúng. Người ta chỉ nên bổ sung những ví dụ chính xác về cách dùng hai chữ mang ý nghĩa tương đương này một cách thích nghi ở những ngữ cảnh khác nhau... (...)
 
18.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... “Giản dị” và “đơn giản” đồng nghĩa, nhưng không phải là đồng nghĩa tuyệt đối. Bên cạnh sự giống nhau rất lớn, giữa hai từ vẫn có chút khác biệt, ít nhất trong độ nhấn và màu sắc ngữ nghĩa... (...)
 
18.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] .. Nếu ta hiểu theo nghĩa "tác phẩm văn học lớn là tác phẩm phải có nội dung (tư tưởng) đơn giản", ta sẽ thấy ngay rằng nó quá phi lý. Hẳn những người ủng hộ quan điểm "đơn giản" cũng không mất trí đến mức cho rằng những Tội ác và Hình phạt, những Anh em nhà Karamazov hay Anna Karenina là đơn giản về nội dung (hoặc tư tưởng), hay đơn giản chung chung được... (...)
 
17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] .. Xin lưu ý: ở Việt Nam – và phần nào cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa -, cho đến nay, ít ai công khai phân tích và phê phán những cái sai trong các chủ trương và quan điểm như thế. Không phân tích và phê phán, những cái sai ấy vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm thức của mọi người... (...)
 
17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] .. Điều tệ hại nhứt chính là khi nghệ thuật bị lợi dụng bằng những khẩu hiệu mị dân, khoác áo nhân bản như “phục vụ đông đảo quần chúng, “phục vụ tầng lớp bị áp bức, bóc lột”... để trở thành những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, nghèo nàn, nhưng lại được tâng bốc, thổi phồng thành những tác phẩm lớn, lớn như một quả bóng bay!... (...)
 
16.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tất nhiên anh hoàn toàn có quyền tin vào bất kỳ điều gì anh muốn tin, và tưởng tượng ra bất kỳ thứ chân lý nào anh thích. Anh có quyền tưởng tượng một thứ văn chương “giản dị” theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu”, hay “kiếm pháp không kiếm” như người ta kể trong truyện kiếm hiệp Tàu... (...)
 
15.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Có thể khẳng định: Tuyệt đại đa số văn chương Việt là những tác phẩm thuộc loại “đơn giản để mọi người có thể hiểu”. Quan niệm ấu trĩ “đơn giản để mọi người có thể hiểu” bị nhao nhao phản đối nhưng tác phẩm vẫn rặt thứ hàng cùng tên... (...)
 
14.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Chất độc của lối nói uyển ngữ ấy đẻ ra ảo tưởng về một nền văn học “không cầu kỳ” nhưng cũng đầy “tinh tế”, “gần dân” mà không chiều theo những sở thích “loè loẹt, phô trương”. Ảo tưởng đó lại càng được củng cố với sự phát triển của một nền văn học “giản dị”, “đầy tính nhân dân”... (...)
 
13.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] Trong văn giới và quần chúng ở Việt Nam hiện nay có nhiều người vẫn tưởng rằng giữa hai từ “đơn giản” và “giản dị” có một sự khác biệt ghê gớm... (...)
 
12.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi không tin có ai (những người làm văn học) ở Việt Nam hiện nay cả gan tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Nhưng nghe khá nhiều, rằng: “Tác phẩm lớn thì thường giản dị”... (...)
 
11.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít... (...)
 
10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021